SỰ KẾT HỢP TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO VÀ TƯ TƯỞNG NHO GIÁO
TRONG ĐƯỜNG LỐI TRỊ NƯỚC
CỦA QUỐC CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU
ĐINH VĂN VIỄN*
Đàng Trong dưới thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu phát triển mạnh mẽ, lãnh thổ được mở rộng. Một trong những nguyên nhân của thành tựu đó chính là đường lối trị nước sáng suốt của Minh vương. Điểm nổi bật ở đường lối trị nước của Minh vương Nguyễn Phúc Chu là có sự kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng Nho giáo và tư tưởng Phật giáo.
1. Vài nét về Minh vương Nguyễn Phúc Chu.
Trong số chín đời chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc Chu (11/6/1675-01/6/1725)là một trong những vị chúa tài ba. Lên ngôi lúc mới 17 tuổi, ở ngôi 34 năm, Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa Nguyễn tạo dựng nhiều công nghiệp ở Đàng Trong.
Về nội trị, ông chú trọng xây dựng binh lực hùng mạnh; mở mang và ổn định bờ cõi; phát triển giáo dục và tổ chức thi cử quy mô, căn bản.
Nhưng quan trọng hơn cả là Chúa đã thực hiện được việc giữ gìn và mở rộng bờ cõi; bảo vệ tổ quốc và đặt nền móng vững chắc cho cả vùng đất Nam Trung Bộ và Nam Bộ xưa.
Năm Nhâm Thân (1692), có tin vua Chiêm là Bà Tranh gây rối làm loạn ở phủ Diên Ninh, Chúa cho quân đi bắt, nhân thể đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, sau đổi thành phủ Bình Thuận.
Năm Đinh Sửu (1697), Chúa đặt phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Lý (Phan Rí), Phan Lang (Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và huyện Hoa Đa.
Năm Mậu Dần (1698), Chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh vào chia đất Đông Phố thành hai miền; lấy xứ Lộc Dã (Đồng Nai) làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (tức Gia Định). Mỗi dinh đều đặt quan cai trị và quản lý. Lập làng ấp, định thuế khóa.
Năm Nhâm Ngọ (1702), công ty Ấn Độ của Anh do Allen Catchpole đem 200 quân và 8 chiếc thuyền chiếm đảo Côn Lôn của nước ta. Chúa ra lệnh cho Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan đem quân ra đánh giữ.
Năm 1708, Mạc Cửu (người Quảng Đông) không thuần phục nhà Thanh, bỏ Trung Hoa chạy sang Chân Lạp khai hoang, lập nên 7 xã ở đất Hà Tiên. Sau đó Mạc Cửu dâng thư lên Chúa Nguyễn Phúc Chu, xin đem vùng đất này quy thuận nước ta. Chúa Nguyễn Phúc Chu nhận lời và giao cho Mạc Cửu giữ chức Tổng binh, trấn giữ Hà Tiên. Kể từ đó, lãnh thổ Đàng Trong mở rộng đến đất Hà Tiên.
Đặc biệt, Quốc Chúa là người đầu tiên nhận thấy vai trò quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong vấn đề an ninh quốc phòng và kinh tế. Năm 1711, Quốc Chúa sai cai đội Thuyên Đức Hầu đem lính ra đo đạc địa đồ quần đảo Trường Sa để xác lập chủ quyền quốc gia và tổ chức khai thác hải sản.
Về ngoại giao, ở Đàng Trong thời bấy giờ, khuynh hướng “bế quan tỏa cảng” có từ đời các chúa trước vẫn còn được duy trì. Quốc Chúa Phúc Chu là một người có tầm nhìn rộng. Trong thời gian chúa cai trị, rất nhiều thương thuyền Tây phương ra vào buôn bán, trao dổi hàng hóa thường xuyên. Chúa lại biết lợi dụng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp và kỹ thuật quân đội: dùng Jean de Arnedo để mở rộng về khoa học và kỹ thuật. Thời Quốc Chúa, quan hệ giữa Đàng Trong với nhà Thanh khá tốt. Năm 1702, Quốc Chúa sai Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa cầu nhà Thanh phong cho ông làm vua một quốc gia riêng biệt. Nhưng do lo sợ sự lớn manh của Đàng Trong sẽ “hùng trị một phương,… sau tất sẽ lớn”(1), là hậu họa cho nhà Thanh ở phương Nam nên Khang Hi (1662-1723) đã không đồng ý.
Đánh giá công trạng của chúa Nguyễn Phúc Chu, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự họ Nguyễn Phúc biên soạn, tổng kết: “Trong 34 năm trị vì, ngài thực hiện được nhiều công việc quan trọng: Việc nội trị, giáo dục và thi cử được phát triển có qui mô; Binh lực hùng mạnh, được các lân bang nể sợ; Mở mang bờ cõi đến tận biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận và Gia Định. Chiêu mộ những người nghèo khổ đưa đi khai khẩn những vùng đất mới, lập thành làng, xã làm miền Nam ngày càng phồn thịnh; Dân chúng được sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra ngài là người thông suốt kinh sử, giỏi thi văn. Bút tích của ngài còn lưu lại nhiều nơi ở đất Thần kinh”.
Có nhiều nguyên nhân Đàng Trong thời Quốc Chúa Phúc Chu phát triển mạnh mẽ như vậy. Đó là những di sản to lớn mà các vị chúa trước đó để lại; là vai trò, sức lao động sáng tạo của nhân dân Đàng Trong,… Nhưng không thể không kể đến đường lối trị nước sáng suốt của Quốc chúa Phúc Chu. Một điểm nổi bật lên trong đường lối trị nước của Quốc chúa Phúc Chu đó là có sự kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng Nho giáo và tư tưởng Phật giáo.
2. Sự kết hợp tư tưởng Nho giáo và Phật giáo trong đường lối trị nước của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu.
Đến thế 17, cùng với quá trình củng cố, mở rộng lãnh thổ, dân số gia tăng, kinh tế, văn hóa phát triển, đã đặt ra một loạt yêu cầu cấp thiết nhất là yêu cầu xây dựng một bộ máy nhà nước vững mạnh để chống lại họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Tình hình trên đòi hỏi các Chúa Nguyễn cũng như Quốc chúa Phúc Chu không thể không vận dụng những tư tưởng Nho giáo vào trong chính sách cai trị của mình. Hơn nữa, các Chúa Nguyễn cũng đã tìm thấy những ưu thế của Nho giáo trong việc trị nước, phù hợp với thời đại đương thời, nên đã ra sức khai thác trong chừng mực có thể.
Một thực tế mà các Chúa Nguyễn có thể nhìn thấy được là sự phát triển của chế độ quân chủ trung ương tập quyền đặt ra những đòi hỏi mà Phật giáo không thể đảm đương nổi, như việc tạo ra một lối sống xã hội, trong đó mỗi người phải ý thức đầy đủ và thực thi tốt bổn phận thần dân của mình; một xã hội mà vua phải ra vua, tôi ra tôi, một xã hội mà trong đó tam cương, ngũ thường phải được thực hiện nghiêm túc để tạo ra sự ổn định bền vững.
Quốc Chúa là người rất trọng đạo Nho. Lúc mới lên ngôi, Chúa đã tiến hành xây dựng phủ mới, định lại quan tước, phẩm hàm, cải cách cơ chế tổ chức trung ương theo hướng xây dựng mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Nho giáo được lấy làm hệ tư tưởng chính thống.
Chúa quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và tổ chức thi cử. Vừa lên ngôi, năm 1692, cùng với việc sửa lại chùa núi Mỹ Am (núi Thúy Vân ngày nay), Chúa đã cho sửa sang Văn Miếu ở làng Triều Sơn,… Đó là những việc làm của một vị quân vương lý tưởng theo khuôn mẫu Nho giáo.
Đại Nam thực lục chép:
“Năm 1692, chúa liền cho sửa Văn miếu. Năm 1698, chúa sai quan làm duyệt tuyển lớn. Chúa chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế mà giao dịch, bớt hình ngục, …”(2)
“Năm 1694, Chúa sai quan làm duyệt tuyển lớn. Thi nhiêu học, lấy được 133 người trúng cách về chính đồ, 92 người trúng cách về hoa văn. Tổ chức thao diễn trận voi. Sai các cơ chia phiên theo diễn trận pháp, mỗi ngày một lượt, thưởng tiền theo thứ bực” (3).
“Năm 1695, Mở khoa thi lấy 5 người trúng cách về chính đồ làm giám sinh, 8 người làm sinh đồ, 15 người làm nhiêu học, 22 người trúng cách về hoa văn, 10 người trúng cách về thám phỏng. Giám sinh bổ văn chức và tri huyện, sinh đồ bổ huấn đạo, nhiêu học bổ lễ sinh, hoa văn bổ vào Tướng thần lại ty và Lệnh sử ty, thám phỏng bổ vào Xá sai ty” (4).
Và “tháng 8 năm 1701, mở khoa thi. Ngày thi chúa ra đầu đề, lấy trúng cách về chính đồ được 4 người Giám sinh, 4 người Sinh đồ, và 5 người Nhiêu học, trúng cách về hoa văn được 17 người, trúng cách về thám phỏng được 1 người. Giám sinh bố Trí phủ, Sinh đồ bố Trí huyện, Nhiêu học bổ Huấn đạo, hoa văn và thám phỏng bổ vào ba ty” (5).
Đặc biệt chúa đã đặt ra kỳ thi Văn chức và thi Tam ty để thường xuyên kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức. “Tháng 8 năm 1695, lại tổ chức thi văn chức và tam ty ở sân phủ. Cũng từ đây Chúa đã quy định rõ thể lệ thi văn chức thì kỳ đệ nhất tứ lục, kỳ đệ nhị thơ phú, kỳ đệ tam văn sách. Thi Xá sai ty thì hỏi về số tiền thóc xuất nhập và việc ngục tụng xử quyết trong một năm. Thi hai ty Tướng thần lại và Lệnh sử thì viết một bài thơ. Đình thí bắt đầu từ đấy” (6).
Có thể thấy trong những năm đầu mới cầm quyền, Minh vương rất chăm lo đến giáo dục, khoa cử Nho học. Hàng loạt các kỳ thi Nho học được tổ chức. Giáo dục và khoa cử thời này đã đào tạo một đội ngũ trí thức Nho học đông đảo, đáp ứng yêu cầu kiện toàn bộ máy nhà nước quân chủ tập quyền từ trung ương đến địa phương. Khi tầng lớp quan lại hầu hết xuất thân từ Nho học thì những sở đắc của họ sẽ được đem ra thi thố, thực sự là nền tảng của nhà nước phong kiến quân chủ quan liêu.
Quốc Chúa Phúc Chu trong khi dụng Nho làm đạo trị nước cũng là một người sùng mộ đạo Phật, hết lòng xiển dương cho đạo Phật và có nhiều đóng góp cho việc hưng nghiệp Phật giáo ở Đàng Trong.
Chúa hiểu rằng thực thi pháp luật là điều hết sức cần thiết đối với dân chúng. Nhưng một xã hội mọi người đều sống yên vui, khoan dung độ lượng, từ bi hỷ xả với nhau; một lối sống “tốt đạo đẹp đời” có tác dụng “hỗ trợ tích cực” cho hoạt động quản lý của nhà nước quân chủ. Người dân khi thực hành ngũ giới, thập thiện rộng khắp trong cả nước sẽ tạo nên không khí yên vui, hòa hợp. Tấm lòng vị tha sẽ giúp con người xích lại gần nhau tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Bản thân Quốc Chúa rất mộ Phật, và trở thành những tấm gương tiêu biểu cho đức hạnh của giới tu hành để chúng sinh noi theo mà giải thoát. Quả là một sự kết hợp khéo léo, đầy trí tuệ sáng tạo của Quốc Chúa làm cho cả tư tưởng Phật giáo cũng như Nho giáo đều có thể phát huy một cách có hiệu quả trong việc trị nước an dân.
Vừa lên ngôi, năm 1692, Chúa đã cho sửa lại chùa núi Mỹ Am (núi Thúy Vân ngày nay) cùng với việc sửa sang Văn Miếu ở làng Triều Sơn,… Những việc làm của Chúa mang đậm nét ảnh hưởng của lòng từ bi nhà Phật: “bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế mà giao dịch, bớt việc hình ngục” (7).
Ngay cả với đối thủ, vua của Chiêm Thành, Quốc chúa cũng thể hiện chính sách khoan lượng, nhân ái. Năm 1693, Khi đánh bại Chiêm Thành, vua Chiêm là Bà Tranh bị bắt. Quốc Chúa cho giam ở núi Ngọc Trản nhưng “hàng tháng cấp cho tiền gạo vải lụa đủ dùng” (8). Năm 1694, Bà Tranh chết, Chúa sai “cấp cho 200, quan tiền và gấm vóc để hậu táng” (9).
Nổi bật nhất trong chính sách với Phật giáo, dùng Phật giáo để cố kết nhân tâm đó là năm 1694 Quốc chúa mời Hòa thượng Thạch Liêm (dòng thiền Tào Động, Trung Quốc) tới Phú Xuân thuyết pháp, lập trai đàn ở chùa Thiên Mụ để cầu siêu và tịnh độ cho binh dân xứ Thuận Hóa. Bản thân chúa cũng thọ giới Bồ tát với thiền sư Thạch Liêm, lấy pháp danh là Hưng Long, đạo hiệu là Thiên Túng đạo nhân.
Quốc Chúa thường xuyên quan tâm việc xiển dương Phật giáo, trọng đãi các bậc cao tăng, xây đắp tự viện, đúc chuông, tạo khánh, dựng bia trước chùa, khuyến khích việc xây lập chùa tại các vùng đất mới,…
Một trong những ngôi chùa được Quốc Chúa cho trùng tu đó là chùa Thiên Mụ. Đây là công trình lớn mà Quốc Chúa“chẳng hề sợ hao tốn khó nhọc, chẳng lo ngày tháng”.“Thi công chừng một năm,… thì điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, nhà thuyết pháp, lầu kinh, lầu chuông trống hai bên, điện Thập vương, nhà nghỉ, nhà ăn, nhà thiền, điện Đại Bi, điện Dược Sư, nhà tăng, thiền xá kể hàng chục nhà. Sau vườn Tỳ Gia là phương trượng cũng trên chục nhà. Tất cả đều sáng loáng rực rỡ, khiến người xem phải kinh hãi, giật mình. Thật là một kim sắc giới, một quang minh tạng vậy.” (10)
Quốc Chúa còn cho đúc Đại hồng chung (nặng gần 2 tấn) treo tại chùa Thiên Mụ rồi đích thân viết bài minh lên chuông nói rõ mục đích của việc đúc chuông cũng xiển dương Phật giáo là: “để vĩnh viễn cung phụng tam bảo, chú nguyện mưa hoà gió thuận, quốc thái dân an”, để “mãi mãi gặp năm phong phú, bờ cõi mở mang thêm, nông thương tấp nập nữa, nước giàu binh mạnh, giữ cơ nghiệp, yên thời thế” (11).
Tư tưởng kết hợp Nho, Phật của Quốc Chúa còn được thể hiện ở bài thơ của Ông được khắc trên bia tại chùa Thiên Mụ:
Việt quốc chi nam hề giai thủy giai sơn
Bảo sát chi tráng hề nhật chiếu thiền quan
Tính chi thanh tịnh hề khê hưởng sàn sàn
Quốc chi điện an hề tứ cảnh u nhàn
Vô vi chi hóa hề nho thích đồng ban
Kí tư thắng khái hề nhân quả hồi hoàn
Kiến tiêu lập đích hề thành tồn tà nhàn
Bản dịch của Thích Giới Hương:
Phương Nam nước Việt chừ vững núi đẹp non
Chùa viện hùng tráng chừ tuệ nhật soi cửa
Nội tâm thanh tịnh chừ nước từ bi thấm
Đất nước yên ổn chừ bốn phương êm ấm
Pháp hóa vô vi chừ Phật Nho thuận đạo
Viết lời cảm khái chừ nhân quả vuông tròn
Dựng bia lưu niệm chừ, chánh còn tà tiêu. (12)
Trên đây cho thấy Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã kết hợp Nho – Phật trong đường lối trị nước của mình. Đương nhiên, Phật giáo có mặt hạn chế của Phật giáo, Nho giáo có mặt hạn chế của Nho giáo. Nhưng Quốc Chúa đã biết rút tỉa từ Nho giáo và Phật giáo những gì tinh tuý nhất, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Đàng Trong để xây dựng một chính quyền vững mạnh, phát triển kinh tế và văn hóa, đem lại cho nhân dân một cuộc sống thanh bình.
Quốc Chúa Phúc Chu cũng như nhiều vua, chúa nhà Nguyễn khác đều là những người “cư Nho, mộ Thích”. Nho hay Phật với Quốc Chúa đều nhằm mục đích xây dựng chính quyền vững mạnh, chăm lo đời sống nhân dân. Ta hãy nghe Quốc Chúa nói về việc kết hợp Nho và Phật cũng như mục đích của sự kết hợp ấy trong dường lối trị nước của ông: “Sống theo đạo Nho, chuộng đạo Phật vì chính trị không thể chẳng làm nhơn, tin đạo kính thầy, lấy nhân quả mà nghĩ điều gieo phước. Nhờ vậy, biên giới được thanh bình, thân tâm an ổn” (Nguyên văn: 居 儒 慕 釋 , 以 政 治 無 不 行 仁 。 信 道 崇 僧 , 就 因 果 而 思 種 福 。 承 平 國 界 , 安 樂 身 心 . Phiên âm: Cư Nho mộ Thích, dĩ chính trị vô bất hành nhân. Tín đạo sùng tăng, tựu nhân quả nhi tư chủng phúc. Thừa bình Quốc giới, an lạc thân tâm)(13).
Nói tóm lại, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã sử dụng cả tiềm năng của Phật giáo, Nho giáo để phục vụ chính trị. Vì mục đích thu phục nhân dân, cố kết nhân tâm, góp phần củng cố địa vị của mình và vương triều mà Quốc Chúa đã dụng Phật và vì sự vững mạnh của chính quyền phong kiến Quốc Chúa nhất thiết phải dụng Nho. Chính sự vận dụng linh hoạt, khéo léo đó đã đem lại cho chính quyền Đàng Trong thời Quốc Chúa một sức mạnh to lớn, thu phục lòng người một cách hiệu quả. Đàng Trong thời Quốc Chúa thực sự phát triển rực rỡ về mọi mặt nhất là lãnh thổ quốc gia. Phật giáo thời Quốc Chúa thực sự đã đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Quốc Chúa thực sự là một đấng minh quân.
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9): Đại Nam thực lục, Tập 1, NXB Giáo dục, H, 2002, tr. 112, 106, 107, 114, 108, 106, 106, 107.
(10): Phan Hứa Thụy, Chùa Thiên Mụ qua một số văn bia, Tạp chí Sông Hương.
http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=2&catid=15&ID=6714&shname=Chua-Thien-Mu-qua-mot-so-bai-van-bia
(11): Đoàn Khoách, Bài văn bia của Nguyễn Phúc Chu tại chùa Thiên Mụ.
http://sites.google.com/site/levandangswebsite/chuyen-khao/baivanbiacuanguyenphucchutaichuathienmu
(12), (13): Thích Giới Hương dịch (1994), Văn bia chùa Huế, Huế.
Bình luận bài viết