SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CỬA VÒNG CUNG VÀ CỬA BÁN NGUYỆT
QUẦN ANH
Ngôi chùa với nét kiến trúc thuần Việt, không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn là một tuyệt tác nghệ thuật nếu được thực hiện đúng cách. Những hạng mục công trình sẽ phản ánh sự tinh tế và khéo léo của các nghệ nhân, mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam.
Nhìn vào bên trong ngôi chùa, từng chi tiết chạm khắc trên các bức tượng, tất cả đều toát lên vẻ đẹp trang nghiêm và thanh tịnh. Khiến cho khách viếng tham quan, không chỉ là nơi để tín đồ Phật giáo tìm đến để tu học và cầu nguyện, mà còn là điểm đến thu hút những ai yêu thích và muốn tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Ta có thể nhìn thấy nét khác biệt đó giữa cửa vòng cung và cửa bán nguyệt như sau:
- Cửa vòng cung được cha ông ta ngày xưa lấy cảm hứng từ cây cung. Cửa bán nguyệt được lấy cảm hứng từ nửa vầng trăng tròn/ bán nguyệt.
- Cửa vòng cung được cha ông ta dùng trong kiến trúc đình, chùa, từ đường, miếu mạo. Cửa bán nguyệt có nguồn gốc từ kiến trúc phương Tây nên cửa bán nguyệt thường dùng trong kiến trúc xây dựng giáo xứ Công giáo hay trong biệt thự mang phong cách kiến trúc phương Tây.
- Làm cửa bán nguyệt chỉ cần vẽ vòng tròn, và vẽ đường kính rồi cắt ngang nửa vòng tròn tạo khuôn là xong. Cửa vòng cung bè sang hai bên nên thợ phải dày dạn kinh nghiệm mới có thể vẽ tạo khuôn cân đối cả hai bên. Vì vậy, làm cửa vòng cung cho cân đối hài hòa, bắt mắt khó hơn làm cửa bán nguyệt nhiều.
- Công dụng của cửa vòng và cửa bán nguyệt đều giống nhau: Tạo nên sự mềm mại, nhẹ nhàng, quân bình âm dương trong không gian kiến trúc ngang ngay sổ thẳng.
Không biết ai có thể nghĩ ra xây tường cửa vòng cung với các ưu điểm:
1/ Tạo nền tảng vững chải cho chùa và tháp;
2/ Tạo không gian vừa thông thoáng vừa ấm cúng khi vài trăm người cùng tham dự bên trong;
3/ Tạo nên sự hài hòa với tổng thể kiến trúc của các hạng mục công trình xung quanh;
4/ Đơn giản ít tốn kém nhưng hiệu quả nghệ thuật cao.
Như là vầng trăng khuyết vắt qua sông. Các nghệ nhân lấy ý tưởng vọng Nguyệt để tạo ra kiến trúc độc đáo. Và để có lợp ngói vòng cung như vậy không hề đơn giản, rất khó làm.
Mái chùa cong vút, mái ngói đỏ, cùng những hoa văn thuần Việt tinh xảo, tất cả hòa quyện tạo nên một không gian thiêng liêng, đầy sức sống. Đây thực sự là một nơi đáng để chiêm ngưỡng và tôn vinh, một công trình đã góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Công trình chùa là một minh chứng sống động cho sự kết hợp hoàn hảo giữa tôn giáo và nghệ thuật kiến trúc, xứng đáng nhận được sự tán thán và ngưỡng mộ từ cộng đồng.
Giờ xin bàn thêm về cách phối ghép đầu kìm trên nóc chùa.
Khi ngước nhìn lên mái nhà mái chùa cổ ở đồng bằng Bắc bộ, chúng ta thấy tại hai đầu bờ nóc mái có hai ĐẦU RỐNG với miệng ngậm bờ nóc, đuôi rồng được cách điệu hóa lá Tây vắt lên trên trụ đấu ở hai đầu bờ nóc và chính giữa bờ nóc có hoa văn HỔ PHÙ ĐỘI MẶT NHẬT/ CUỐN THƯ hoặc HOÀNH PHI ĐẠI TỰ (bảng hiệu) trang trí triện Tàu lá vắt. Hai đầu RỒNG này dân gian thường gọi là ĐẦU KÌM,
Vậy, ý nghĩa của hai ĐẦU KÌM ngậm bờ nóc mái nhà/mái chùa này là gì?
Trong kiến trúc một ngôi nhà/ngôi chùa cổ Bắc bộ, sau khi lợp/ dán ngói, người ta thường xây bờ nóc đè lên mái ngói và trên cây đòn dong/long cốt. Chức năng của bờ nóc là giữ cho mái ngói của ngôi nhà/ngôi chùa không bị tốc khi có bão tố, phong ba.
Cổ nhân thường nói: “Nhà dột từ nóc dột xuống” – nghĩa là người bề trên mà hư hỏng thì lớp dưới coi thường, khuôn phép gia phong không nghiêm, luân thường đạo lý mai một;
Nho gia có câu: “Thượng bất chính hạ tắc loạn”, nghĩa là người cấp trên mà sống không nghiêm thì cấp dưới không thể nghiêm chỉnh được.
Nhà Phật thường nói: “Giới luật còn thì Phật pháp còn”, “Giới luật là thọ mệnh của Phật pháp”, nghĩa là muốn Phật pháp được duy trì, phát triển thì tăng, ni, phật tử phải luôn gìn giữ giới luật Phật dạy.
Qua đó có thể thấy ông cha ta khi xây dựng đầu kìm ngậm bờ nóc chầu hổ phù đội mặt nhật hoặc hoành phi đại tự không phải vô cớ làm theo cảm tính mà chúng đều có ý nghĩa biểu tượng.
Theo đó, bờ nóc đối với gia đình là biểu tượng của nề nếp gia phong; đối với đất nước là biểu tượng của quốc pháp, đối với các đoàn thể, tổ chức là biểu tượng của quy chế; và đối với nhà Phật là biểu tượng của thanh quy, giới luật Phật chế.
Đầu kìm tượng trưng cho ông/bà/ cha/mẹ, người lãnh đạo quốc gia xã tắc, người đứng đầu tổ chức/đoàn thể, viện chủ, trụ trì v.v…
Hổ phù (mặt rồng ngang) đội mặt nhật tượng trưng cho đề cao/ tôn vinh trí tuệ/hiểu biết (ánh sáng thái dương).
Như vậy, thâm ý của cha ông ta ngày xưa khi xây dựng đầu kìm ngậm bờ nóc chầu hổ phù đội mặt nhật hoặc hoành phi đại tự là muốn nhắc nhở những người bề trên phải luôn vận dụng trí tuệ gìn giữ nề nếp gia phong, kỷ cương phép nước, quy chế thanh quy, giới luật giáo luật để làm gương sáng cho người cấp dưới noi theo. Nhờ vậy, nhà nhà ấm no hạnh phúc, đất nước thái hòa, thịnh vượng, Phật pháp xương minh, phát triển.
A di đà Phật
Bình luận bài viết