Thông tin

SỰ KHÁC BIỆT VỀ BẢN CHẤT

CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

VÀ GIÁO HỘI CỔ SƠN MÔN*

 

Hòa thượng THÍCH HUỆ XƯỚNG
Nguyên Chánh Văn phòng GHPGCTVN

 

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời vào năm 1969 (Kỷ Dậu) là hậu thân sau cùng trong tổ chức Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam, một tổ chức Phật giáo có truyền thống yêu nước.

Thời kỳ đánh Mỹ, toàn dân tộc đã đứng lên đấu tranh chống ngoại xâm, trong đó có sự đóng góp công sức nhất định của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Giáo hội này đã khẳng định vị thế giữa lòng dân tộc, cũng như thể hiện vai trò hộ quốc an dân một cách sống động qua từng bước đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước tiến đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981.

Tuy nhiên thời gian qua, thậm chí cho đến ngày nay, kể cả trong và ngoài giới Phật giáo vẫn còn có sự nhầm lẫn khi cho rằng Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng hay Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cũng là Giáo hội Cổ Sơn Môn. Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một tổ chức Phật giáo giàu lòng yêu nước, có bề dày cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc được lịch sử Phật giáo nước nhà ghi nhận, còn Giáo hội Cổ Sơn Môn chỉ là một tổ chức do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên, phục vụ mục đích chính trị cho chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ, đi ngược lại lợi ích dân tộc. Chính vì vậy, nhân Hội thảo “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc” do hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp tổ chức, tôi xin đóng góp cùng Hội thảo bài tham luận “Sự khác biệt về bản chất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Giáo hội Cổ Sơn Môn”.

Để nói lên sự khác biệt về bản chất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Giáo hội Cổ Sơn Môn, trong tham luận này, trước hết tôi xin trình bày sự khác nhau về hoàn cảnh và mục đích ra đời của hai tổ chức này như sau:

1. Sự khác nhau về hoàn cảnh và mục đích ra đời của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Giáo hội Cổ Sơn Môn

1.1 Hoàn cảnh và mục đích ra đời của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Theo cuốn Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam,1 thì: “…Vào năm 1969, dưới sự chủ trì của quý Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý… một đại hội chính thức tiến hành để hiệp nhất hai tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thành lập nên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Như vậy, trên phương diện hành chánh, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời vào năm 1969 (Kỷ Dậu), thế nhưng về nguồn gốc thì Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vốn là hậu thân của các tổ chức như “Lục Hòa Liên Xã” (ra đời vào năm 1922), “Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ” (ra đời năm 1947) và Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng (ra đời vào năm 1952), trong suốt quãng thời gian dài này là thời kỳ đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ và toàn dân tộc đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có sự đóng góp phần công sức đáng kể của các tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam...2. Qua đó cho thấy, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam có một cội nguồn xuất xứ khá đặc biệt và một quá trình hình thành và trưởng thành hòa cùng các phong trào đấu tranh yêu nước của Phật giáo Việt Nam, ở phạm vi tham luận này, tôi chỉ trình bày tóm lược về nguyên nhân và hoàn cảnh ra đời của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, một khi nói đến nguyên nhân và hoàn cảnh ra đời của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, thiết nghĩ cũng cần lướt qua bối cảnh ra đời Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng, đại khái như sau:

Vào tháng 2/1952, các vị lãnh đạo và Chư Tôn đức trong Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, chủ yếu là Phật giáo cứu quốc ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định phối hợp với Phật giáo cứu quốc tỉnh Tiền Giang, Biên Hòa và Thủ Dầu Một, cùng với chư vị Hòa thượng các khu vực lân cận đã quy tập về chùa Long An (Hòa thượng Pháp Nhạc làm trụ trì), số 136 đường Cộng Hòa (Sài Gòn) mở hội nghị thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam và bầu Hòa thượng Thích Thiện Tòng trụ trì chùa Trường Thạnh (đệ tử Hòa thượng Từ Văn) làm Tăng trưởng; Hòa thượng Thích Pháp Nhạc (chùa Long An) làm Phó Tăng trưởng; Hòa thượng Thích Thành Đạo (chùa Phật Ấn) làm Tăng giám kiêm Phó Ban hoằng pháp Lục Hòa Tăng; Hòa thượng Thích Minh Đức (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám; Hòa thượng Pháp Lan làm Tổng Thư ký, Thượng tọa Thích Huệ Chí làm Thư ký; Đạo hữu Đoàn Trung Còn làm Thủ quỹ; Hòa thượng Thích Pháp Lan (chùa Khánh Hưng) và Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền) cùng phụ trách công tác hoằng pháp; văn phòng đặt tại chùa Trường Thạnh, số 97 đường bác sĩ Yersin, Sài Gòn. Sau khi Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập, trong khoảng thời gian này, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở nội thành hoạt động mạnh, do yêu cầu kháng chiến, cũng nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đã phát sinh ra hai tổ chức trực thuộc, hoạt động theo tôn chỉ định hướng của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, đó là và Hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử. Giáo hội Lục Hòa Tăng do Hòa thượng Thành Đạo (Tổ đình Phật Ân) làm Tăng trưởng, Hòa thượng Huệ Thành (Tổ đình Long Thiền) làm Tăng giám, Hòa thượng Thiện Hương (Tổ đình Hội Khánh) làm Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương, trụ sở đặt tại chùa Phật Ân, sau dời về chùa Giác Lâm. Và Ban Trị sự Hội Lục Hòa Phật tử do Hòa thượng Thích Minh Thành làm Chánh Hội trưởng, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Phó Hội trưởng, Thượng tọa Thích Minh Giác làm Tổng Thư ký; trụ sở Hội Lục Hòa Phật tử, đặt tại chùa Long Vân (Bình Thạnh – Gia Định). Đến cuối năm 1953, Hòa thượng Huệ Thành cùng Chư Tôn đức đã củng cố và mở rộng tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng, trong giai đoạn này, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Phó Hội trưởng và Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Phó Tăng giám, kể từ đây ảnh hưởng của Giáo hội Lục Hòa Tăng càng được nâng cao và mở rộng khắp các tỉnh thành Nam Bộ.

Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng, dù được thành lập vào ngày 9/2/1952, nhưng cho mãi đến năm 1957, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng mới chính thức được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công nhận, hợp thức hóa tại Quyết định số 93/BNV/NA/P5, Bộ Nội Vụ ký ngày 1/10/1957 (do Hòa thượng Thích Thiện Tòng đại diện xin phép thành lập “Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam”). Hội có bản Điều lệ gồm 9 chương 44 điều; Ban chức sự lâm thời lúc bấy giờ gồm có Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh) làm Đại Tăng trưởng, Hòa thượng Thành Đạo (chùa Phật Ấn) làm Tăng giám, Hòa thượng Minh Đức (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám.

Trong giai đoạn tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam Bộ giải tán để tiến hành thành lập Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng, thì vào ngày 5/6/1951, quý Hòa thượng Trí Tịnh, Quảng Minh, Trí Hữu, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Đạt Thanh, Nhật Liên cũng đã vân tập về chùa Hưng Long (Chợ Lớn) mở hội nghị thành lập Giáo hội Tăng già Nam Việt. Tại đại hội này, Hòa thượng Thích Đạt Thanh3 (chùa Giác Ngộ) được bầu làm Pháp chủ Hội Tăng già Nam Việt; Đại đức Thích Đạt Từ làm Tri Sự trưởng; Thượng tọa Thích Nhật Liên làm Tổng Thư ký, đến ngày 8/3/1953, Đại hội lần thứ 2 được tổ chức Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Huệ Quang làm Pháp chủ và Hòa thượng Thích Thiện Hòa làm Trị sự trưởng… Qua đó cho chúng ta thấy, tình hình Phật giáo tại Nam Bộ lúc bấy giờ đồng thời tồn tại một lúc hai tổ chức Phật giáo, đó là Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng và Giáo hội Tăng già Nam Việt, điều đáng chú ý là ở hai tổ chức Phật giáo này đều được xem là tổ chức chính thống của Phật giáo Nam Bộ, nhưng trong giai đoạn này, cả hai vẫn chưa được chính quyền đương thời thừa nhận.

Một điều cần được ghi nhận nữa, nếu Giáo hội Tăng già Nam Việt được xem là một tổ chức giáo hội tập hợp chư vị tôn túc ra sức chấn hưng, phát triển Phật giáo bằng con đường hoằng pháp lợi sanh và đào tạo Tăng tài cho Giáo hội; thì Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng là tổ chức Giáo hội tập hợp các bậc tiền bối Tăng già giàu lòng yêu nước, cùng với bổn nguyện dấn thân nhập thế cứu đời trong bối cảnh đất nước đang bị thực dân đế quốc thống trị, dù định hướng và phương châm hành sự có khác nhau, nhưng cả hai tổ chức Phật giáo này đều cùng hướng về mục tiêu vì đạo pháp và dân tộc… Riêng, hoàn cảnh và mục đích ra đời của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được xem là sụ kiện lịch sử trọng đại đối với những người con Phật yêu nước đứng trong hàng ngũ tổ chức đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Như đã trình bày ở trên, sau khi Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở nội thành hoạt động mạnh, do yêu cầu kháng chiến, cũng nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, sau khi được Mỹ hậu thuẫn, Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền Sài Gòn, đã ra sức phá hoại tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nghiêm trọng hơn chính quyền Diệm đã thực thi Đạo dụ số 10 nhằm cô lập mọi hoạt động của Phật giáo. Trong bối cảnh này, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng bị chính quyền Ngô Đình Diệm nhận ra đây là một tổ chức Phật giáo yêu nước tham gia kháng chiến, lại đang hoạt động công khai, nên đã ráo riết truy tầm, nhiều vị lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng bị chính quyền đương thời bắt giữ, lưu đày, các vị chưa bị bắt thì phải sống trong cảnh thường xuyên bị theo dõi, khủng bố, trấn áp. Bên cạnh đó, một chính sách bắt bớ khủng bố trá hình cũng được chúng thực hiện, đó là đối với những tu sĩ thuộc tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng thì không được hoãn quân dịch, có nghĩa là toàn bộ Tăng sĩ Giáo hội Lục Hòa Tăng trong độ tuổi quân dịch đều bị bắt lính sung vào quân ngũ.

Khoảng thời gian này, một sự kiện lịch sử của phong trào kháng chiến đã diễn ra tại một vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh vào ngày 20/12/1960, lúc bấy giờ đại biểu các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái và các dân tộc ở miền Nam Việt Nam, họp Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Hào lúc bấy giờ là đại diện của Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử được Đại hội bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, vào cuối năm 1960, Hòa thượng Thích Thiện Hào với tư cách là Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng - Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử, đã tuyên bố trên Đài Tiếng nói Bắc Kinh, ngài đã nhân danh đồng bào miền Nam Việt Nam và Phật giáo Việt Nam lên án chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man các phong trào yêu nước của đồng bào và Phật giáo miền Nam, lên án các chính sách kỳ thị, thù địch Phật giáo của chính quyền Mỹ Diệm. Thế là kể từ đây tổ chức Phật giáo Lục Hòa Tăng trở thành thù địch đối với chế độ Ngô Đình Diệm. Ngay sau khi Hòa thượng Thiện Hào phát biểu thì tất cả bảng hiệu của hệ phái Lục Hòa Tăng tại các cơ sở tự viện thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm cho công an mật vụ tháo gỡ xuống hết vì chúng cho rằng Phật giáo Lục Hòa Tăng là cộng sản. Do phải đối diện trước tình hình khó khăn với những diễn biến hết sức phức tạp và cũng nhằm để tránh danh xưng Lục Hòa Tăng, một tổ chức Phật giáo yêu nước đã bị chế độ Ngô Đình Diệm theo dõi, nên từ ngày 2 đến ngày 9/7/1968 (Mậu Thân), dưới sự thống nhất của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, nhị vị Hòa thượng Huệ Thành và Hòa thượng Bửu Ý, đã đứng ra triệu tập Chư Tôn đức của hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử về chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) để tiến hành đại hội khoáng đại tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Sau khi hiến chương đã được soạn thảo và sau mấy tháng vận động, vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) dưới sự chủ trì của các Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý… Đại hội chính thức tiến hành, kết quả cho ra đời Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, với một bản Hiến chương4 Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) gồm 12 Chương, 20 Điều thể hiện cương lĩnh đường lối hoạt động rất cụ thể, đã được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ là Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn. Qua lịch sử hình thành của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đã khẳng định rằng, nguyên nhân và hoàn cảnh ra đời của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là đều vì lý tưởng cứu quốc, đều vì sứ mạng hộ quốc an dân và trách nhiệm chia sẻ với toàn dân tộc những bi thương mất mát do các thế lực ngoại xâm và thù địch gây ra trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, còn nguyên nhân và hoàn cảnh ra đời của Giáo hội Cổ Sơn Môn là như thế nào và có mục đích gì thì tôi sẽ trình bày trong nội dung dưới đây.

1.2 Nguyên nhân và mục đích ra đời của Giáo hội Cổ Sơn Môn

Theo dòng lịch sử, ngày 8/5/1954, thực dân Pháp đại bại trên chiến trường Điện Biên Phủ, Hội nghị Genève được ký kết, vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn đàm phán, theo đó, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra, còn miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào.

Tại miền Nam, Pháp phải nhường chỗ cho Mỹ xâm lược nước ta, vào ngày 26/10/1955, Ngô Đình Diệm được Mỹ dựng lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Lúc bấy giờ, Mỹ - Diệm mở chiến dịch đưa gần một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn được Mỹ - Diệm chọn làm thủ đô. Về chính trị, Sài Gòn là nơi tập trung bộ máy thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai và cũng là nơi tập trung các các tôn giáo, đảng phái, làm cho Sài Gòn càng thêm phức tạp. Theo tài liệu thống kê tôn giáo thời bấy giờ thì trong tổng số 29 hệ phái tôn giáo có văn phòng trung ương đóng tại Sài Gòn, tôi thấy có nhắc đến Giáo hội Lục Hòa Phật Tử của Hòa thượng Minh Thành, Thiện Hào (xếp thứ 3); Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam của Hòa thượng Thiện Tòng và Thành Đạo (xếp thứ 4), ngoài ra Giáo hội Cổ Sơn Môn của Trí Hưng cũng được đề cập đến (và được xếp thứ 11), vậy sự ra đời của Giáo hội Cổ Sơn Môn diễn biến ra sao và hình thành với mục đích gì, có thể nói đây là vấn đề mà chúng ta cần làm rõ trong hội thảo lần này.

Trước hết tôi xin nhắc lại rằng, trong số một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, có hàng chục vạn tín đồ Phật giáo, qua đó Mỹ đã dàn dựng Tổng hội Phật giáo Việt Nam và hậu thuẫn đưa tổ chức này tham gia Liên hữu Phật giáo thế giới, một mặt lợi dụng vào mối quan hệ quốc tế, Mỹ đã tạo điều kiện cho Tăng Ni du học nhằm tạo lực lượng Phật giáo làm hậu thuẫn cho chính quyền sau này, mặt khác, Mỹ và chính quyền Diệm ra sức phá hoại các tổ chức Phật giáo yêu nước hoạt động trong lòng dân tộc, nằm trong chuỗi kế hoạch này, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ngấm ngầm dựng lên một tổ chức Phật giáo mang tên Cổ Sơn Môn, đây là một tổ chức mang danh nghĩa Phật giáo do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên với mục đích hậu thuẫn cho chính quyền chống lại các phong trào đấu tranh của Tăng, Ni, Phật tử đang đứng về chính nghĩa, nhất là chống lại Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo. Điều đáng lưu ý, vì đây là tổ chức Phật giáo thân chính quyền, do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên, nên những Tăng sĩ của Giáo hội Cổ Sơn Môn đều hưởng đặc ân của chính quyền là được miễn quân dịch và nhiều đặc ân khác.

Một lý do ra đời khác nữa của Giáo hội Cổ Sơn Môn, đó là chính quyền Mỹ - Diệm trong khi vẫn còn hy vọng vào giải pháp lôi kéo mua chuộc giới Tăng sĩ của Phật giáo thì vấp phải sự kiên quyết của chư tôn đức trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam và các tổ chức hệ phái Phật giáo đương thời, bởi đa phần đều tuyên bố là không mang màu sắc chính trị, không tham gia chính sự mà chỉ tập trung vào công cuộc chấn hưng Phật giáo, hoằng pháp độ sanh, thực hiện mục tiêu lý tưởng của đạo Phật. Sự tuyên bố này khiến cho chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ không thể nào lợi dụng Phật giáo vào mục tiêu chính trị được, chúng bèn xoay sang mua chuộc nâng đỡ một số Tăng sĩ có xu hướng thân Pháp trước đây và giúp những người này thành lập tổ chức Phật giáo thân chính quyền, theo đó, đã có hai tổ chức Phật giáo Thuyền Lữ (ở miền Trung) và Phật giáo Cổ Sơn Môn (ở miền Nam) là hai tổ chức Phật giáo thân chính quyền ra đời trong bối cảnh lịch sử như vậy.

Vậy hai tổ chức Phật giáo Thuyền Lữ (ở miền Trung) và Phật giáo Cổ Sơn Môn (ở miền Nam) đã ra đời như thế nào, do ai sáng lập và lãnh đạo?

Trong sách “Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”5 ghi như sau: “Căn cứ theo “Phật giáo Việt Nam 1963”của tác giả Quốc Tuệ, phát hành năm 1964, do Nhà xuất bản Khánh Anh - Paris ấn hành và tái bản vào năm 1987, trong chương “Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, từ Phật đản đến cách mạng”, thì tổ chức “Phật giáo Thuyền Lữ” do sư Trí Hưng đứng ra chủ xướng. Sư Trí Hưng tên là Nguyễn Tăng, người quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, từng là tăng cương chùa Từ Lâm, kiêm nhiệm chức kiểm Tăng ở ba quận Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Do có thân thế quan chức chính quyền phong kiến, ông thường dựa thế quan tuần vũ Quảng Ngãi là Võ Chuẩn để gây thanh thế trong tỉnh. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 ông bỏ quê ra Huế, cùng với một số Tăng sĩ chùa Hải Đức và chùa Phổ Thiên. Một thời gian sau, tại đây ông thành lập Hội Phật giáo Thuyền Lữ và cho ra tập san Thuyền Lữ. Hoạt động gần được 4 năm, ông vào Sài Gòn, được sự hậu thuẫn của chính quyền và giới quân sư chuyên chống phá các phong trào đấu tranh cứu quốc của Phật giáo, ông đã cùng với sư Trung Nghĩa đứng ra thành lập tổ chức Phật giáo Cổ Sơn Môn, trụ sở ban đầu đặt tại chùa Giác Lâm ở Phú Thọ, sau đó do chư tôn đức của hệ phái Lục Hòa Tăng không đồng thuận, trụ sở tổ chức Phật giáo Cổ Sơn Môn phải dời về chùa Phụng Sơn, trên đường 3/2, gần bùng binh Cây Gõ...”.

Còn theo một nguồn tư liệu khác thì “tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn ban đầu do sư Trí Hưng đứng ra vận động thành lập vào năm 1961 tại chùa Giác Lâm, do chính quyền nhà Ngô đã dựng lên nhằm muốn thực thi một tổ chức tôn giáo làm hậu thuẫn cho mình”.

Nói về tổ chức Cổ Sơn Môn, vì đây là một tổ chức Phật giáo do chính quyền Ngô Đình Diêm dựng lên nên không được sự hưởng ứng của quý Hòa thượng trong các tổ chức Phật giáo yêu nước đương thời và không thu hút được sự tín nhiệm của quần chúng và tín đồ Phật tử. Do vậy để hợp thức và khẳng định vị thế của tổ chức này trong lòng Phật giáo, sư Trí Hưng đã cố tình lôi kéo một số bậc giáo phẩm lãnh đạo của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Câu chuyện này đã được chính tôi tận mắt tận tai nghe hai bậc tôn túc trong hệ phái thuật lại trong một buổi trà đàm mà khi đó tôi là thị giả của các ngài. Lúc đó Hòa thượng Bửu Ý đã kể với Hòa thượng Trí Tấn về sự kiện thành lập tổ chức Cổ Sơn Môn vào năm 1961 như sau: “Thực ra tổ chức Cổ Sơn Môn là một tổ chức Phật giáo do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên nhằm theo dõi chống phá các phong trào đấu tranh chính nghĩa của Phật giáo, cũng nhằm để hợp thức hóa tổ chức và tạo vị thế trong lòng Phật giáo, đồng thời âm mưu thâm độc của chính quyền Ngô Đình Diệm là dùng ngay chính con người của Lục Hòa Tăng để là xấu đi hình ảnh truyền thống đấu tranh yêu nước của hệ phái Lục Hòa Tăng. Nên vào năm 1961, chúng đã dùng sư Trí Hưng như con bài chủ chốt thực hiện âm mưu này, tôi nhớ lúc đó sư Trí Hưng đã lợi dụng uy tín của mình trong tổ chức Lục Hòa Tăng với danh nghĩa là Tăng trưởng Lục Hòa Tăng tỉnh Quảng Ngãi, Sư Trí Hưng đã dùng Tổ đình Giác Lâm để tổ chức Đại hội thành lập Giáo hội Cổ Sơn Môn và cho mời bằng được tôi (tức Hòa thượng Bửu Ý6 - NV) đến chứng minh và tham gia vào ban chức sự. Tuy nhiên do cơ sở báo cáo lại cho tôi biết là buổi lễ diễn ra hôm đó dưới sự cố vấn của chính quyền Ngô Đình Diệm nên có một số Tăng sĩ và những người thân tín của chính quyền Ngô Đình Diệm đến dự, có thể nói do sự hậu thuẫn rất lớn của chính quyền và họ đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhất cho Đại hội, chẳng hạn chính quyền đã ủng hộ đại hội bằng cách sử dụng cả máy bay trực thăng để chở đại biểu về dự đại hội. Tuy nhiên trong đại hội, ngoài sư Trí Hưng ra thì hầu như hoàn toàn không có sự hiện diện của lãnh đạo cao cấp nào của Giáo hội Lục Hòa Tăng. Lúc này, sư Trí Hưng chỉ còn chờ đợi mỗi mình tôi đến dự để ký vào văn bản đại hội là xem như đại hội thành công. Thế nhưng do biết được đây chỉ là sự lôi kéo mình vào để khuếch trương thanh thế và tạo ảnh hưởng cho tổ chức Cổ Sơn Môn, nên tôi đã khéo léo tránh mặt không đến dự đại hội, chính vì vậy mà đại hội lần đó bất thành, và Giáo hội Cổ Sơn Môn cũng không thành lập được theo ý đồ của chính quyền Ngô Đình Diệm”. Như vậy, qua lời kể của Hòa thượng Bửu ý đã cho chúng ta thấy được vào lúc đó, tổ chức Cổ Sơn Môn rất cần sự hiện diện của Hòa thượng Bửu Ý tại đại hội, song ý đồ đó bất thành và Giáo hội Cổ Sơn Môn vẫn mãi mãi là tổ chức mang hình thức Phật giáo nhưng đi ngược lại lý tưởng yêu nước và sứ mạng hộ quốc an dân vốn là truyền thống của Phật giáo, hoàn toàn không can hệ gì đến hệ phái Lục Hòa Tăng về bản chất cũng như phương châm định hướng hoạt động.

Tuy nhiên, sau đó do yêu cầu gấp rút ra đời vì mục đích chính trị và nhất là được sự hậu thuẫn của chế độ Ngô Đình Diệm, sư Trí Hưng đã bất chấp mọi việc, đơn phương tổ chức thành lập Giáo hội Cổ Sơn Môn và được chính quyền Ngô Đình Diệm công nhận tổ chức này tại Nghị Định số 177 ngày 9/4/1963, văn phòng Giáo hội Cổ Sơn Môn đặt tại chùa Phụng Sơn gần bùng binh Cây Gõ (quận 11, TP.HCM). Tuy hình thành và tồn tại trong một thời gian, nhưng do Cổ Sơn Môn hình thành từ hoàn cảnh chính trị mang tính cơ hội nhất thời, chứ hoàn toàn không phải từ yêu cầu đảm đương trọng trách trước đạo pháp và dân tộc nên tổ chức này vẫn không được Phật giáo Nam bộ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung công nhận là một trong những thành viên thuộc bộ phận Phật giáo chính thống.

Theo nguồn tư liệu được lưu trữ tại Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương) thì tổ chức Phật giáo Cổ Sơn Môn được thành lập năm 1963, tại Sài Gòn do Nghị định số 177/B-BNV/KS ngày 9/4/1963, trong giai đoạn chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, nhằm thực thi một tổ chức tôn giáo làm hậu thuẫn cho mình, chính quyền nhà Ngô đã dựng lên một tổ chức Phật giáo lấy danh hiệu là Cổ Sơn Môn. Đây là một tổ chức hình thành có dụng ý làm cơ sở hậu thuẫn cho chính quyền chống lại các phong trào đấu tranh của Tăng Ni Phật tử đang đứng về chánh nghĩa, nhất là chống lại Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo.

Căn cứ theo tư liệu lưu trữ tại chùa Hội Khánh, thì trong bản tường trình của Đô trưởng kiêm Tổng giám đốc Cảnh sát Sài Gòn gởi Tổng trưởng Bộ An Ninh Sài Gòn đề ngày 2/1/1964 đã ghi nguyên văn như sau: “Khoảng tháng 5/1963, Nguyễn Văn Y (nguyên Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia) có giao cho Võ Từ Hạ và Lưu Văn Nhung vận động quy tụ nhóm Lục Hòa Tăng cũ7 thành lập Tăng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn (một tên gọi khác của tổ chức này là Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn – NV) làm hậu thuẫn ủng hộ Diệm – Nhu chống lại Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo. Tổ chức với tên gọi Cổ Sơn Môn đã đánh lừa một số Tăng Ni”... Tuy nhiên sau khi ra đời do không nhận được sự đồng tình ủng hộ của Tăng Ni Phật tử, nên tổ chức này tồn tại không được bao lâu sau đó.

Nhân đây cũng xin được giải thích thêm về danh xưng Cổ Sơn Môn, theo sách “Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”8 thì: “Vào những năm 1932 đến 1935, khi phong trào chấn hưng Phật giáo rộ nở khắp cả ba miền, thì tại Bắc kỳ, Hội “Phật giáo Bắc kỳ” được thành lập vào năm 1934 tại chùa Quán Sứ và Hội “Cổ Sơn Môn” của Tổ đình Hồng Phúc (Chùa Hòe Nhai) cũng được thành lập trong khoảng thời gian này. Qua tìm hiểu từ các bậc tôn đức chúng tôi vở lẽ ra, đây là hội “Sơn môn” của chư tôn đức chùa Hòe Nhai, nhưng vì nơi đây là một Tổ đình nên Phật tử thường gọi là Cổ Sơn Môn để tỏ lòng tôn kính, chứ không hề có tổ chức Giáo hội “Cổ Sơn Môn” của Tổ đình Hồng Phúc vào thời gian này tại miền Bắc”. Đồng thời, tên gọi Cổ Sơn Môn cũng là danh xưng mang ý nghĩa tôn kính một truyền thống sinh hoạt tu hành và hoằng đạo của các bậc tiền bối Tăng già trong hệ phái Lục Hòa Tăng Việt Nam, thành thử Chư tôn đức giáo phẩm trong hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam từ ngày thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng vào năm 1952 cũng thường sử dụng danh xưng này trong sinh hoạt giáo hội, mà cụ thể nhất là trong Bản Điều Lệ của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được tuyên cáo vào năm 1952 cũng có mở ngoặc là Cổ Sơn Môn. Tuy nhiên, cho đến khi Tổng hội Cổ Sơn Môn của sư Trí Hưng thành lập do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên vào năm 1963, thì Chư tôn đức Giáo phẩm và toàn bộ chư Tăng, Phật tử trong hệ phái Lục Hòa Tăng không còn dùng đến danh xưng này nữa.

2. Sự khác nhau về bản chất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Giáo hội Cổ Sơn Môn

2.1 Bản chất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Nói về bản chất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, thiết nghĩ chúng ta cần điểm lại những hy sinh mất mát, những cống hiến và đóng góp thiết thực của hệ phái Lục Hòa Tăng nói chung và tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà lịch sử đã phản ảnh một cách trung thực qua những trang sử vàng của dân tộc thời cận đại.

Từ sau ngày cách mạng tháng 8/1945 đến tháng 4/1975, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong sự đóng góp chung của Phật giáo đồ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, phải nói đến sự dấn thân và đóng góp tích cực hiệu quả của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng.

Riêng Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam có số lượng chư Tăng, Phật tử bị giam cầm, đánh đập, tù đày, bị sát hại là không thể kể xiết; chùa chiền, am cốc, tự viện thuộc hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử bị tàn phá san bằng, chiếm phần đa số so với các hệ phái Phật giáo khác. Đây là những bằng chứng sinh động và thuyết phục nhất về sự đóng góp, hy sinh và cống hiến của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng của toàn dân tộc.

Nhìn lại quá trình lịch sử đấu tranh cứu nước của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy, khi cơ cấu tổ chức của Hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử vừa được hình thành, thì ngay khi đó, đã bị chế độ Mỹ Diệm theo dõi, đánh phá các cơ sở của Giáo hội từ những năm 1955, một số người đã bị bắt, trong đó có cư sĩ Lê Hoàng Minh (thời gian sau đó là phát ngôn viên của Giáo hội). Đến khi Giáo hội mở lớp quy tụ chúng an cư tu học tại khuôn viên chùa Giác Viên vào năm 1958, đã bị chính quyền chế độ độc tài Mỹ Diệm khủng bố, bắt bớ, có người hy sinh và có người bị bắt lưu đày ra Côn Đảo, trong số đó có yết ma Thích Thiện Nghi, trụ trì chùa Đức Lâm (Phú Thọ Hòa – Tân Bình) và Hòa thượng chùa Long An. Đến năm 1960, Hòa thượng Thích Thiện Tòng (chùa Phật Ấn), Hội trưởng Hội Lục Hòa Tăng cùng với hai Thư ký tòa soạn Phật Học tạp chí, giảng sư Huệ Trí, Hòa thượng Minh Giác và Hòa thượng Minh Nguyệt bị chính quyền Mỹ Diệm một lần nữa vây bắt và đày ra Côn Đảo. Lúc bấy giờ tình hình sinh hoạt của Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử trở nên bất ổn, mù mịt; Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử nhân cơ hội chiến dịch Đồng Khởi năm 1960 đã lẩn tránh và bí mật vào vùng kháng chiến, trở thành cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam… Từ năm 1969 trở đi, sau khi tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, hình thành nên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất, thì những hoạt động đấu tranh của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ngày càng khẩn trương, sôi nổi, đóng góp nhiều thành quả vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam lại tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc thành lập Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh (năm 1975) và Ban vận động thống nhất Phật giáo (năm 1979), điều đáng nói là thành phần nhân sự của hai tổ chức này hầu hết đều là các bậc tôn túc trong hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, như Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Bửu Ý… cả hai tổ chức này đều có một vị trí rất quan trong và góp phần to lớn vào việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981.

Qua đó cho thấy, về bản chất thì Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một tổ chức Phật giáo giàu lòng yêu nước, luôn phát huy truyền thống hộ quốc an dân qua mỗi giai đoạn lịch sử, đồng hành sắc son cùng dân tộc, có quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, góp phần to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là góp phần đáng kể vào sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà.

2.2 Bản chất của Giáo hội Cổ Sơn Môn

Nói về sự khác nhau về bản chất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Giáo hội Cổ Sơn Môn, thiết nghĩ chúng ta cần làm rõ sự lầm lẫn khi cho rằng tổ chức Phật giáo Cổ Sơn Môn và Phật giáo Lục Hòa Tăng là một, hoặc cho rằng Phật giáo Cổ Sơn Môn là từ tổ chức Phật giáo Lục Hòa Tăng chiết xuất ra, có thể nói đây là sự lầm lẫn đáng tiếc bởi vì bản chất và hoàn cảnh ra đời của hai tổ chức này hoàn toàn tương phản nhau cả về nguyên nhân hình thành, cũng như mục đích và ý nghĩa.

Lịch sử hình thành cũng như thông qua quá trình hoạt động của một tổ chức ắt sẽ nói lên bản chất của tổ chức đó, cho nên lịch sử hình thành và quá trình hoạt động của Giáo hội Cổ Sơn Môn cũng đã nói lên bản chất của tổ chức này, do vậy trong phần này tôi sẽ lược qua một số hoạt động căn cứ theo các tư liệu đã được phổ biến và nguồn tư liệu từ các nhân chứng trong cuộc nói về tổ chức này.

Thứ nhất, trong cuốn hồi ký “Sáu tháng pháp nạn 1963” có thuật lại một câu chuyện, trong câu chuyện này, ông Minh Nguyện đã trích dẫn một số nguồn tư liệu để trả lời cho ông Lam Trần về những vấn đề mà ông Lam Trần thắc mắc, trong đó có thắc mắc về tổ chức Phật giáo Cổ Sơn Môn. Theo đó, trong phần trả lời ông Lam Trần về tổ chức Phật giáo Cổ Sơn Môn, ông Minh Nguyện, đã trích một đoạn trong chương 4 của cuốn hồi ký của ông Vũ Văn Mẫu, đoạn văn này ghi nhận như sau: “… Tác giả đề cập những diễn biến từ lúc bản Thông Cáo Chung được công bố cho đến vụ tấn công các chùa đêm ngày 20 tháng 8 năm 1963 và các hậu quả sau đó. Tác giả cho biết trong Tiết 1, dưới sự điều động của vợ chồng Ngô Đình Nhu, nhà cầm quyền đã tổ chức một Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn để chống lại phong trào đấu tranh của Phật tử, dùng đoàn thể thương phế binh giả và thanh niên Cộng Hòa để yêu cầu duyệt lại bản Thông Cáo Chung cũng như kế hoạch tiêu diệt Phật giáo đến tận gốc của Ngô Đình Nhu (Kế hoạch Nước Lũ - Kế hoạch đảo chánh giả)”… Như vậy, qua nội dung bài viết này, thì có một Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn đã được tổ chức trước đó, dưới sự điều động của chính quyền Ngô Đình Diệm và trực tiếp chỉ đạo tổ chức này là vợ chồng Ngô Đình Nhu, để thực hiện ý đồ tham gia trấn áp Phật giáo theo kế hoạch của chính quyền Diệm.

Thứ hai, qua nhiều nguồn tư liệu đã cho chúng ta biết, khoảng thời gian mà chính quyền Ngô Đình Diệm điều động tay chân tổ chức thành lập Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn để chống lại phong trào đấu tranh của Phật tử, thì đó là thời gian trước khi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện vụ tấn công các chùa tại Sài Gòn vào đêm 10 tháng 8 năm 1963. Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn được thành lập với mục đích chống lại các phong trào đấu tranh của quần chúng Phật tử, được chính quyền Mỹ Diệm dựng lên vào khoảng tháng 5 năm 1963, có nghĩa là sau khi Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn được thành lập đâu vào đấy rồi, thì khoảng 3 tháng sau, chính quyền Diệm mới tiếp tay cho tổ chức này tiến hành Đại hội, có thể nói đây là một sự che đậy rất khéo léo của chính quyền Diệm nhằm qua mặt các tổ chức Phật giáo yêu nước thời bấy giờ, điều này chứng minh bản chất thiếu trung thực, nếu không muốn nói là tráo trở.

Ngay sau khi ra đời, Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn đã phục vụ đắc lực cho chính quyền Mỹ Diệm trong việc chống lại phong trào đấu tranh của quần chúng Phật tử. Trong chuỗi sự kiện chống phá các phong trào đấu tranh của Phật giáo trong thời kỳ dầu sôi lửa bỏng, có một sự kiện đáng chú ý. Căn cứ theo “Phật giáo Việt Nam 1963”9, tác giả Quốc Tuệ đã viết: “Để tiếp tục chính sách che mắt quần chúng và vu khống Ủy ban Liên phái, chính quyền một mặt phổ biến những tin tức bịa đặt với mục đích hạ uy tín của Ủy ban Liên phái “không phải Phật giáo chân chính và thuần túy”; mặt khác xúc tiến thành lập “một Ủy ban chân chính và thuần túy hơn” do nhóm người thực hiện trong đó có sư Trí Hưng lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn phụ trách và lúc đó theo ý muốn của gia đình ông Diệm là lấy danh hiệu là “Ủy ban Liên hiệp bảo vệ Phật giáo thuần túy” để lấp vào chỗ trống và đánh lừa quần chúng, đầu tiên… Tuy đã thành lập xong Ủy ban Liên hiệp bảo vệ Phật giáo thuần túy, nhưng hành vi của chính quyền và ủy ban này chỉ là trò hề đối với quần chúng”…

Trong cuốn hồi ký “Sáu tháng pháp nạn 1963” có nhắc đến một lịch sử liên quan đến hoạt động của Giáo hội Cổ Sơn Môn, như sau: “Chính quyền Diệm - Nhu, được sự ủng hộ của Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn của ông Trí Hưng và sự hiến kế chiến thuật nước lũ của Ủy ban Liên hiệp thuần túy Phật giáo, ông Nhựt Minh cho người trà trộn dọ thám nắm tình hình báo cáo cho địch là bà Đốc Vinh, con gái Trần Nguyên Chấn, lúc 00 giờ đêm rạng ngày 21/8/1963, Diệm - Nhu ra lệnh tấn công các chùa trong thành phố, trong đó có chùa Ấn Quang, chùa Xá Lợi, chùa Giác Sanh, chùa Giác Minh… bắt hết chư Tăng Ni, đánh đập tàn nhẫn rồi đem giam ở Rạch Cát, phường Bình Đông, quận 7…”.

Qua các đoạn văn diễn tả trong quyển “Sáu tháng pháp nạn 1963” và nhất là qua những hoạt động cụ thể của tổ chức này, đã cho chúng ta thấy ngoài nhân vật Nhật Minh (hay Đại Giác) nêu trên, chúng ta không thể không nhắc đến sư Trí Hưng lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn, một nhân vật không hề liên quan đến Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, vì Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng vốn là một tập thể chư tôn đức tiền bối Tăng già giàu lòng yêu nước và có một quá trình tích cực đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc xuyên suốt hai cuộc kháng chiến.

Tóm lại, các tổ chức như Hội Phật giáo Thuyền Lữ và Hội Phật giáo Cổ Sơn Môn (sư Trí Hưng thành lập vào khoảng thời gian sau năm 1954), Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn (sư Trí Hưng thành lập vào khoảng năm 1961) và Tổng Hội Phật giáo Cổ Sơn Môn (do chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm dựng lên vào năm 1963, Sư Trí Hưng trực tiếp lãnh đạo) về bản chất thì tất cả các tổ chức này đều cùng chung mục đích chống phá lại các phong trào đấu tranh yêu nước chính nghĩa của Phật giáo, chia rẽ nội bộ Phật giáo, đi ngược lại công lý và nguyện vọng vì hòa bình, độc lập tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc.

Qua tham luận này, tôi mong muốn thế hệ sau này sẽ nhận ra bản chất đích thực của hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng nói chung, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng, cũng như bản chất đích thực của Giáo hội Cổ Sơn Môn hay Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn, để trả lại chân giá trị lịch sử của từng tổ chức hệ phái trong dòng chảy lịch sử Phật giáo và dân tộc.

 

TÀI LIỆU KHAM KHẢO

1. Kỷ yếu Hoà thượng Minh Nguyệt.

2. Kỷ yếu Hoà thượng Thiện Hào.

3. Kỷ yếu Hoà thượng Bửu Ý.

4. Kỷ yếu Hoà thượng Huệ Thành.

5. Lược sử Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, tác giả Thích Huệ Thông.

 


* Giáo hội Cổ Sơn Môn hay Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn là tổ chức lấy danh nghĩa Phật giáo do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên.

1. Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.

2. Trích Lời giới thiệu của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, trong quyền “Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam” của Hòa thượng Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, năm 2019.

3. HT Đạt Thanh - Như Thông tham gia phong trào Duy Tân, Thiên Địa hội, phong trào cách mạng chống Nhật và Pháp bị bắt đày ra Côn Đảo cùng với Bác Tôn. Ngài là vị phú pháp Tôn sư của Trưởng lão HT Thích Huệ Thành.

4. Tham khảo toàn văn Bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong phần phụ lục của Kỷ yếu

5. Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2019

6. Hòa thượng Bửu Ý lúc đó là Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng

7 Sư Trí Hưng trước khi thanh lập Giáo hội Cổ Sơn Môn cũng từng làm Tăng trưởng Lục Hòa Tăng tỉnh Quảng Ngãi.

8 Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.

9 Phật giáo Việt Nam 1963, tác giả Quốc Tuệ, Nxb Khánh Anh (Paris), năm 1964, (tái bản năm 1987), chương “Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, từ Phật đản đến cách mạng”, trang 406, 407.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6795805