SƯ KHÁNH HÒA VÀ NHỮNG NHÀ YÊU NƯỚC
TS. HOÀNG VĂN LỄ*
Sư Khánh Hòa là người sáng lập Nam kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội, quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam kỳ lúc bấy giờ. Ngoài ra, ngài Khánh Hòa còn là chủ bút tạp chí Từ bi âm, giám đốc Phật học tùng thư...
Tác giả Trần Văn Giàu đã nhấn mạnh về yêu nước1: đây là “Sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam”, là “lý thường hằng” tìm được bằng tổng kết lịch sử. Trước hết, từ nguồn gốc lịch sử nhiều ngàn năm của dân tộc ta, nhà nước Văn Lang xuất hiện rất sớm khoảng 2.000 năm, hợp nhất tự nguyện của 15 bộ lạc anh em, có cương vực ổn định, có văn hóa rực rỡ, có sức mạnh vật chất đáng kể… Thứ đến là chuỗi dài các cuộc chiến tranh chống xâm lăng của những nước lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, trong đó 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, đánh đổ quân Minh, phá tan quân Thanh, và các cuộc chiến tranh chống thực dân đế quốc các loại (Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc).
Văn hóa Phật giáo gắn kết chặt chẽ với văn hóa và lịch sử dân tộc, trở thành một nhân tố căn bản trong văn hóa dân tộc nhất là thời kỳ huy động toàn dân chống quân xâm lược, tiêu biểu là thời Trần với ba lần chống Nguyên Mông thắng lợi. Lịch sử nước ta luôn khẳng định Phật giáo được thừa nhận là nền tảng văn hóa dân tộc, đến mức nhiều người không nghĩ đây là triết lý du nhập từ ngoài nước.
Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đô hộ nước ta xấp xỉ 50 năm; sự suy đồi hay xuống cấp của văn hóa dân tộc do chính sách ngu dân của chế độ Thực dân hà khắc gây nên, do đó chấn hưng văn hóa dân tộc, trong mục tiêu canh tân, trên cơ sở cội nguồn văn hóa dân tộc là việc làm của nhiều nhà yêu nước gắn liền với xu hướng hay phong trào của chính họ, tiêu biểu như phong trào Duy Tân, Đông Du... Trong bối cảnh ấy, như Thiện Chiếu nhận xét: "Phật giáo nước ta suy đồi do nơi tăng đồ thất học, tăng đồ ví cũng như nguyên khí, nguyên khí suy mòn tất nhiên sinh nhiều quái chứng; muốn khỏi biến sinh quái chứng và thân thể được bình phục như xưa thì phải bồi thực nguyên khí. Vậy muốn Phật pháp trùng hưng, thì ai là tăng đồ hoặc tín đồ nữa cần phải nghiên cứu Phật học"2. Như vậy, chấn hưng Phật giáo là một xu hướng sâu sắc, không trực diện chống chế độ thực dân, chỉ tạo nền móng con người (tức nguyên khí) cho Phật giáo chuyển đúng hướng, đúng hướng trong văn hóa Phật giáo đồng nghĩa với văn hóa dân tộc, mà yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử nước ta.
Đọc xuyên suốt Chương XXVII: THIỀN SƯ KHÁNH HÒA VÀ CÔNG CUỘC VẬN ĐỘNG Ở Nam kỳ, sách VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN của Nguyễn Lang, tức Thiền sư nổi tiếng thế giới Thích Nhất Hạnh, xuất bản năm 1973 (tập I) tại Sài Gòn, đến 1978 (tập II) tại Paris, đồng thời in lại tập I; hoàn chỉnh bộ sách có giá trị nhất định nghiên cứu về Lịch sử Phật giáo Việt Nam3; chúng tôi không tìm được thuật ngữ “yêu nước” nào trong bản văn. Không có từ ngữ “yêu nước”, phải chăng phong trào chấn hưng Phật giáo không dung chứa nội hàm rất căn bản của dân tộc, vì yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của văn hóa dân tộc nước ta như tác giả Trần Văn Giàu đã nhấn mạnh?
Tiến trình vân động tổng quát của sư Khánh Hòa
Cuộc vân du của sư Khánh Hòa khắp Nam kỳ thuyết phục giới tăng sĩ tham gia thực hiện chấn hưng Phật giáo từ năm 1926-1929 và các năm tiếp theo. Theo bài "Tự trần" đăng trên tạp chí Phật hóa Tân thanh niên số 1 ra tháng 9-1929, ngài Khánh Hòa nêu lên hành trình và nhật ký của mình trong công cuộc vận động lập trường, ra báo để giảng dạy Phật pháp cho tăng ni. Tóm tắt như sau:
Từ giữa năm Bính Dần (1926), bước đầu cùng các vị Hòa thượng sang nhà quan Huyện hàm Cửu (tức Huỳnh Thái Cửu), ông Cửu "yêu cầu sửa đạo"..., Sa môn Huệ Quang (chùa Long Hòa) bảo với sư Khánh Hòa phải chủ động để giải vây tình trạng "Tăng đồ hủ bại, Phật giáo suy vi!".
Tháng 2 năm Đinh Mão (1927), sư Khánh Hòa bàn với ông Huệ Quang một lần nữa để ra Trung kỳ kiết Hạ, để nắm bắt tình hình và quy tụ thêm người cùng chí hướng.
Tháng 5, ngài Khánh Hòa gặp sư Thiện Chiếu, được cho xem vài quyển Hải Triều Âm của Trung Hoa, động viên hành trạng của mình.
Mồng 10 tháng 7, giải Hạ, sư Khánh Hòa về Sài Gòn, được Thiện Chiếu khuyên phải "cấp tấn", được xem chương trình của Phật giáo hội Trung Hoa thêm thôi thúc thực hiện vận động.
Tháng 8, ngài Khánh Hòa cùng sư Huệ Quang lên các chùa ở Sài Gòn vận động, song chưa được các sư "phán một lời gì".
Năm Mậu Thìn (1928), ngài Khánh Hòa hợp cùng các sư Huệ Quang, Từ Nhẫn, Chơn Huê, Thiện Chiếu dự định tổ chức Phật học viện, Thư xã; được ông Trần Nguyên Chấn và Ngô Văn Chương hỗ trợ tài chánh và được thầy Thiện Niệm (chùa Viên Giác), thầy Từ Phong (chùa Liên Trì) quyên trợ ít nhiều.
Năm Kỷ Tỵ (1929), 27 tháng giêng khởi hành; 28 và 29 dự đám trai đàn ở Giồng Miễu; mồng 1 tháng 2 qua Mỹ Tho; mồng 2 xuống tàu, mồng 3 tới Châu Đốc vào chùa Phi Lai gặp sư trụ trì bàn về việc lập Thư xã và Phật học đường, Hòa thượng cúng 300 đồng; vài ngày sau đến chùa Pháp Võ, Giáo thọ của chùa cúng 50 đồng, đưa trước 20 đồng; kế đến chùa Kiến Phước; mồng 9 đến chùa Hòa Thành cổ ở Cây Mít (Nhà Bàn); mồng 10 đi Takeo đến chùa An Phước; 11 đi Nam Vang, nơi đây có 4 chùa người Việt không được kết quả gì; 12 viếng Phật học trường; 13 đáp tàu về Sa Đéc nghỉ ở chùa An phước; 14 xuống Vĩnh Long ở chùa Long Thuyền; 15 qua Cần Thơ, rồi đến Sóc Trăng, qua Bãi Xàu nghỉ ở chùa Phước Hòa An; 16 theo ghe tới Trường kỳ, rồi theo ghe qua chùa Quán Âm (Đại Ngãi) nghỉ ở đây 3 ngày; 20 đi Bắc Liêu đến chùa Long Phước, ở lại đây 3 ngày được Hòa thượng ủng hộ 20 đồng; 23 đến chùa Giác Hoa; 24 đáp xe lên Cần Thơ đến chùa Hội Linh, rồi đến chùa An Phước (Trà Nóc); 26 trở lên Sa Đéc; 27 cùng thầy trụ trì chùa An Phước bàn thảo cả đêm câu chuyện trùng hưng Phật giáo; 29 xuống tàu về Rạch Giá đến chùa Tam Bảo; 30 qua chùa Thập Phương không gặp thầy chủ trì, mời thầy Ký sang chùa Tam Bảo bàn việc nhưng không đạt kết quả gì; sáng mồng 1 tháng ba, cùng Hòa thượng Tam Bảo xuống tàu thủy đến chùa Hòn Quéo, nơi đây đang xây dựng cảnh chùa nhìn về biển Nam, tối bàn việc lập Phật học đường nhưng bị từ chối vì mắc "công kia việc nọ"; mồng 6 xuống tàu về chùa An Phước; mồng 7 đến chùa Kim Hoa (Sa Đéc) bàn chuyện với thầy Yết ma, được cúng 60 đồng; mồng 8 đáp xe về Trà Vinh, 10 xuống tàu về Bến Tre, xuống thẳng Ba Tri, 11 trở lên Bến Tre ghé chùa Viên Giác, 12 trở lại Thư xã.
Như vậy, suốt 45 ngày từ 27 tháng giêng đến 12 tháng 3 năm Kỷ Tỵ (1929); Hòa thượng Khánh Hòa đi khắp Nam kỳ, ra tận Hòn Quéo và đến tận Nam Vang; phương tiện gồm xe, ghe, tàu thủy; vận động gần 20 ngôi chùa để cùng chung sức lập Phật học đường (tức trường) và Thư xã (báo chí). Kết quả rất hạn hữu.
Từ năm 1930 trở đi, công cuộc vận động đạt kết quả bước đầu; Sư Khánh Hòa là người sáng lập Nam kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội, quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam kỳ lúc bấy giờ. Ngoài ra, ngài Khánh Hòa còn là chủ bút tạp chí Từ bi âm, giám đốc Phật học tùng thư... Theo nhận xét xác đáng của Hòa thượng Thích Trí Quảng: "Hòa thượng Khánh Hòa đã theo mô hình Phật giáo Nhật, nhưng ngài không xây dựng đại học ở thời đó được. Ngài mở Trường Lưỡng Xuyên Phật học để đào tạo Tăng tài là chính. Ngài đã bán chùa Tiên Linh để thỉnh bộ Đại chánh tân tu của Nhật làm tư liệu giảng dạy chư Tăng. Thành thật mà nói việc làm này của Hòa thượng vào thời đó ít ai chấp nhận. Và ngài thỉnh các Hòa thượng có khả năng làm giáo thọ giảng dạy, chính yếu là Hòa thượng Khánh Anh là một nhà Nho nổi tiếng, thêm nữa là Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc4. Những nhà Nho nổi tiếng thời đó đã trở thành tu sĩ Phật giáo, hay cư sĩ Phật tử. Ở Vũng Tàu có Hòa thượng Huệ Đăng là nhà cách mạng yêu nước đã trở thành tu sĩ. Những người này đã khơi dậy việc học và hiểu giáo lý Phật để tìm ra hướng đi phù hợp với xã hội đánh dấu thời kỳ Phật học đường ra đời.
Trường Lưỡng Xuyên Phật học đào tạo được các bậc cao đức như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa. Ở Thiên Thai, Tổ Huệ Đăng đã đào tạo Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Pháp Linh, Hòa thượng Thiện Hào và sau này, những vị xuất thân từ đây hầu hết tham gia cách mạng"5.
Các cuộc hội ngộ chủ yếu
Cuộc hội ngộ sư Khách Hòa và Giáo thụ Thiện Chiếu
Sư Thiện Chiếu là vị tăng trẻ so với sư Khánh Hòa, trên đường vân du vận động chủ trương chấn hưng đao Phật, tháng 2-1927, tại chùa Long Khánh (Trà Vinh), Sư Khánh Hòa gặp Giáo thọ Thiện Chiếu. Mục đích đến chùa Long Khánh là để thỉnh mời vị Sa môn Huệ Quang tham gia vấn đề chấn hưng Phật giáo. Cuộc hội ngộ với sư Thiện Chiếu được ngài Khánh Hòa “tự trần”: “Người cũng tỏ rõ cái cảnh đoạn trường của Phật giáo, tâm đầu ý hợp, từ đây mới có chúc hy vọng cho tương lai. Nhưng cũng gác để bên lòng, hậu đợi khi phân hồi sẽ tiến thủ”6.
Nhập hạ năm 1927, Hòa thượng Khánh Hòa được mời giảng tại trường hạ Long Khánh (Qui Nhơn), ngài mời thầy Huệ Quang cùng đi để quan sát tình hình. Mặt khác, nhờ Thiện Chiếu ra Bắc để tìm hiểu và kết hợp thực hiện việc chấn hưng Phật giáo.
Tháng 5 năm 1927, Thiện Chiếu trở vào Nam, cuộc vân động xứ Bắc không như mong muốn, Thiện Chiếu ghé trường hạ Long Khánh, vừa báo việc vừa gửi cho ngài Khánh Hòa tài liệu chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc và thúc giục thực hiện sớm.
Tháng 7-2017, ngài Khánh Hòa, Huệ Quang đến chùa Linh Sơn bàn việc với sư Thiện Chiếu. tại đây một quyết định mạnh dạn của sư Khánh Hòa: bán ngôi chánh điện chùa Tiên Linh cho làng để làm đình, lấy 1.000 đồng làm chi phí đồng thời vận động các chùa và kêu gọi cư sĩ giúp sức. Năm 1928, các sư và cư sĩ hội họp tại chùa Linh Sơn chuẩn bị ở bước chín muồi. Sau chuyến vận động hơn một tháng khắp Tây Nam Bộ, tuy thành công hạn hữu, song các vị khởi đầu đợt chấn hưng, xuất bản tạp chí Pháp âm vào tháng 8-1929, cuối năm công trình Thư xã và Phật Học viện hoàn thành. Các nỗ lực và thành quả bước đầu có sự thúc đẩy tích cực của sư Thiện Chiếu.
Quan hệ chặt chẽ gọi là “tâm đầu ý hợp” của hai nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu giai đoạn mào đầu này đã vượt qua những khác biệt về cá tính và phương pháp vận động của các ngài. Sư Khánh Hòa với đức tính ôn hòa, ngược lại sư Thiện Chiếu rất bộc trực và xông xáo; nói như hiện nay sư Khánh Hòa trung dung còn sư Thiện Chiếu thiên tả, quyết liệt. Bấy giờ, người thiên tả tạo sức hút cách mạng, bạo lực vốn là phong trào yêu nước bậc nhất. Sư Thiện Chiếu đã từng nêu câu đối7 trước chùa Linh Sơn nơi ngài trụ trì:
Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế;
Từ bi nải sát sanh dĩ độ chúng sanh.
Dịch:
Đạo Phật là nhập thế chứ không yếm thế;
Từ bi (lắm lúc) phải sát sanh để cứu chúng sanh.
Như vậy, lòng yêu nước đã khơi dậy mạnh mẽ ở phong trào chấn hưng Phật giáo. Song dưới sự định hướng và tổ chức vượt mọi khó khăn bước đầu, ngài Khánh Hòa đã cơ bản đi đúng hướng tăng cường sinh lực cho nội bộ Phật giáo, lan tỏa vào quần chúng là một trong những cơ sở rất căn bản cho phong trào Phật giáo cứu quốc sau này, gắn bó với dân tộc suốt cuộc chiến đấu giành độc lập và giữ nước của dân tộc ta.
Cuộc hội ngộ sư Khách Hòa và Cụ Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Tiên Linh (Bến Tre)
Ngày 24- 8 -1922, Cụ Nguyễn Sinh Sắc chính thức thụ giáo quy y với Hòa thượng Hồng Đại - Bửu Phước chùa Sùng Phước, Châu Hộ, Phnôm- Pênh, với Pháp danh Nhật Sắc tự Thiện Thành. Cụ thường xuyên nghiên cứu Phật học, chọn chùa Linh Sơn, Sắc tứ Từ Ân để nghiên cứu Tam tạng kinh điển. Cụ rất uyên thâm Phật học. Năm 1923, Cụ về chùa Linh Sơn cùng với quí Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Thiện Chiếu bắt tay ngay vào việc khơi mào cho cuộc chấn hưng. Cuối năm 1923, tại chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một), do uy tín của Hòa thượng Từ Văn, cùng với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, các vị đã tổ chức được Hội Danh dự Yêu nước. Hội chủ yếu truyền bá tư tưởng yêu nước, chấn hưng Phật giáo thông qua các buổi thuyết giảng giáo lý, mở lớp dạy chữ Nho, dạy bốc thuốc… Hình ảnh cụ đồ xứ Nghệ đã để lại ấn tượng tốt đẹp và tình cảm sâu sắc cho giới Phật giáo cũng như của đông đảo đồng bào.
Cụ Phó bảng được sự bảo bọc, giúp đỡ của Hòa thượng Khánh Hòa. Từ năm 1927 đến 1929 lưu trú tại chùa, Cụ Sắc đã mở lớp dạy học, xem mạch bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Cùng Hòa thượng Khánh Hòa bàn việc dân, việc nước.
Trước khi rời chùa Tiên Linh, Cụ viết đôi liễn tặng Hòa thượng Khánh Hòa:
“Như thị Như Lai, xuất thế khai thông, hướng dẫn mê đồ qui Phật pháp;
Trí vi Trí giả, hiện thân thuyết pháp, hô hào trí thức thượng Thiền lai”
Tạm dịch:
“Đích thực Như lai, xuất thế khai thông, hướng kẻ mê quay về pháp Phật; Thật là bậc Trí, hiện thân thuyết pháp, hô hào hàng trí đến cõi Thiền.”
Thượng tọa Thích Huệ Thông nhận xét: "Nội dung hai câu đối này một lần nữa thể hiện rõ tinh thần cổ súy khích lệ công cuộc chấn hưng Phật giáo đương thời phát triển, đồng thời nó cũng phản ảnh tâm tư nguyện vọng của chính Cụ Sắc là cần phải gấp gáp hướng dẫn quần chúng Phật tử quay về Chánh pháp, phải kêu gọi đội ngũ trí thức kịp thời dấn thân phục vụ nhân sinh để đất nước mau chóng thanh bình thịnh trị (“Hô hào trí thức thượng Thiền lai” chính là nghĩa này vậy). Theo Cụ Sắc, có thực hiện được ý tưởng này thì mới “Đích thực là Như Lai”, mới “Đích thực là bậc Trí”"8.
Theo Đảng bộ địa phương xã Minh Đức, Cụ Sắc kết hợp với ông Trần Hữu Chương, đảng viên Tân Việt được cử về xã Minh Đức gầy dựng cơ sở, mở lớp học cho thanh niên và cả những người trong tổ chức hội kín Nguyễn An Ninh. Cụ Sắc thường gặp gỡ các ông Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát, trong số họ sau này có người trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre.
Chùa Tiên Linh được Hòa thượng Khánh Hòa đổi thành Tuyên Linh năm 1930 là theo sự góp ý của Cụ Phó bảng trước đó. Cụ giải thích: Tuyên là tuyên truyền. Về phần mình, Hòa thượng Lê Khánh Hòa ngoài tụng kinh niệm Phật ông luôn động viên các tín đồ Phật giáo tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến.
Năm 1929, Cụ Phó bảng lâm bệnh và bị bọn mật thám Pháp theo dõi nên Hòa thượng Khánh Hòa đã tìm cách đưa Cụ về Đồng Tháp, và Cụ mất ở chùa Hòa Long, hưởng thọ 67 tuổi.
Quan hệ giữa Sư Khánh Hòa và Cụ Sinh Sắc là sự gắn bó tâm giao và phương pháp vận động ôn hòa. Đây là giải pháp khôn ngoan trước nanh vuốt của chính quyền thực dân đang ngày đêm mật thám, tìm bắt, giam cầm và giết hại người yêu nước, dám đòi độc lập cho dân tộc.
Các cuộc hội ngộ của Sư Khánh Hòa với các Tăng chúng khác
Qua tiến trình kiên trì và quyết tâm khơi dậy phong trào chấn hưng Phật giáo, ngoài hai vị đặc trưng nêu trên (sư Thiện Chiếu và Cụ Nguyễn Sinh Sắc), Hòa thượng Khánh Hòa tiếp xúc và thuyết trình, thuyết phục hàng chục, cả trăm sư ni và cư sĩ ủng hộ cuộc vận động.
Theo Thượng tọa Thích Đồng Bổn có thể chia 3 khoảng thời gian hành trì:
Thế hệ tiền bối có Hòa thượng Hải Lương – Chánh Tâm (1836-1906)…
Thế hệ đồng song có Hòa thường Như Mât – Bửu Thọ (1893-1972), Hòa thượng Thích Huệ Viên (1884-1961), Hòa thượng Khánh Huy (1883-1932)…
Thế hệ kế thừa có Hòa thượng Thích Từ Hĩa (1909-1966), Hòa thượng Thích Hồng Liên (1915-2003), Hòa thượng Thích Thiện Tài (1912-1985)…
Kết luận
Như vậy, trong bối cảnh chính quyền thực dân Pháp, trực tiếp hoặc sử dụng tay sai luôn truy tìm, bắt bớ, giam cầm và giết hại tất cả những người bộc lộ tinh thần chống đối lật đổ, trên phạm vị cả nước nói chung, đặc biệt là xứ Nam kỳ thuộc địa; bấy giờ phong trào vũ trang bạo động đến hồi thúc giục người yêu nước xả thân vì độc lập dân tộc, khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam quốc dân Đảng, sự ra đời và hành động bài bản và quy mô cách mạng trong quỹ đạo cộng sản chủ nghĩa là hoạt động tiêu biểu đươc dân tộc chú tâm. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ có nhiều biểu hiện, hoặc trực diện hoặc sâu lắng gián tiếp qua tôn giáo.
Phật giáo được chấn hưng, hòa quyện vào văn hóa dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, tham gia cứu nước, đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc. Hòa thượng Khánh Hòa đã chọn lựa giải pháp trung dung, chấn hưng Phật giáo làm tiền đề căn cơ cho phong trào giải phóng dân tộc. Ngài đã không chọn con đường bạo động như sư Thiện Chiếu, cởi cà sa khoác chiến bào, theo hẳn phong trào Việt Minh góp công sức giải phóng dân tộc. Và tất nhiên, ngài Khánh Hòa không hữu khuynh hoặc giam mình trong hành trì tu tập trước cảnh điêu linh của đất nước.
Chính qua con đường trung dung đó, phong trào chấn hưng Phật giáo tồn tại, không bộc lộ gắn kết với công cuộc đấu tranh của dân tộc, nhưng trên thực tế Phật giáo chuyển mình góp phần đưa tăng chúng vào cuộc đấu tranh bề bỉ, lâu dài. Đó là tinh thần yêu nước xuyên thấu của phong trào chấn hưng Phật giáo vậy.
* Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam; Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ.
1. Trong tác phẩm “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam”, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.
2. Theo Thiện Chiếu, “Nước ta ngày nay cần phải chấn hưng Phật giáo” đăng trong “Phong trào chấn hưng Phật giáo” tập Tư liệu báo chí Phật giáo Việt Nam từ 1929- 1945, Nxb. Tôn giáo, trang 54; do Nguyễn Đại Đồng và TS Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn, phát hành năm 2010.
3. Năm 1992, NXB Văn học lập hội đồng do Thượng tọa Thích Thanh Tứ và Giáo sư Hà Văn Tấn làm chủ tịch Hội đồng đã tái bản bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận. Là bộ sách được các nhà nghiên cứu trích dẫn về lịch sử Phật giáo nhiều bậc nhất.
4. Thực ra Cụ Nguyễn Sinh Sắc đẫ mất từ cuối năm 1929, song tư tưởng Phật học của Cụ Sắc có tác động lớn đến sư Khánh Hòa và Phong trào Chấn hưng Phật giáo sau này
5. Theo Hòa Thượng Thích Trí Quảng, “Phát huy trí tuệ, thích nghi với hoàn cảnh để hành đạo tốt đẹp”, http://www.chuahuenghiem.net/bai-giang/phat-phap-va-doi-song/ phat-huy-tri-tue-thich-nghi-voi-hoan-canh-de-hanh-dao-tot-dep/
6. Sa môn Khánh Hòa, Tự trần, tạp chí Pháp Âm ra ngày 13-8-1929.
7. Có tài liệu cho rằng câu đối này là chủ ý của Cụ Nguyễn Sinh Sắc, được sư Thiện Chiếu tán đồng và mạnh dạn nêu trước cổng chùa, một sự thách thức với chính quyền thực dân lúc bấy giờ.
8. Thượng tọa Thích Huệ Thông, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, “Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong phong trào chấn hưng Phật giáo”, http://www. daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/lich-su/13482-pho-bang-nguyen-sinh-sac-trong-phong-trao-chan-hung-phat-giao.html
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết