Thông tin

SỨ MỆNH VÀ VAI TRÒ TĂNG NI TRẺ HỆ PHÁI PHẬT GIÁO

CỔ TRUYỀN VIỆT NAM THÔNG QUA LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

VÀ SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG, BẢO VỆ ĐẠO PHÁP - DÂN TỘC

 

Đại đức THÍCH HUỆ NGHIÊM

 

Hơn 2000 năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, trải qua bao thăng trầm biến động, lịch sử không thể chối bỏ hay phủ nhận những đóng góp, những cống hiến, hy sinh của Phật giáo đối với vận mệnh đất nước.

Để có được sự ổn định, hưng thịnh như ngày hôm nay, Phật giáo Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vượt qua vô vàn khó khăn và thử thách; từ những chia cắt do thời cuộc, Phật giáo đã thống nhất, hòa hợp, trở thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam (thành lập vào năm 1981) cho đến nay.

Trong trang lịch sử huy hoàng đó, không thể không kể đến Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (GHPGCTVN) – một tổ chức Phật giáo được hình thành từ lòng yêu nước, đóng góp công sức, xương máu cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và đồng hành cùng vận mệnh của dân tộc, vượt qua những giai đoạn khắc nghiệt của lịch sử thời kỳ cận đại; để rồi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Phật giáo nước nhà, bảo vệ sự ổn định, hòa hợp dân tộc trong thời kỳ hiện đại.

Hôm nay, nhân Hội thảo khoa học: “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”, tôi xin được chia sẻ cùng Hội thảo bài tham luận với chủ đề “Sứ mệnh và vai trò Tăng Ni trẻ hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thông qua lịch sử hình thành và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đạo pháp - dân tộc”.

Trong bài tham luận này, chúng tôi mong muốn mở lại những trang sử hào hùng về nguyên nhân ra đời và sứ mệnh của GHPGCTVN; không chỉ để tìm hiểu, nắm bắt lịch sử, mà xem đây, như một lời phát nguyện, một mục tiêu phấn đấu cho bản thân cũng như Tăng Ni trẻ, đặc biệt là thế hệ Tăng Ni trẻ thuộc hệ phái Phật giáo Cổ truyền trong giai đoạn hiện nay, nhằm để kế thừa - phát huy tinh thần yêu nước, phụng sự đạo pháp và dân tộc từ các bậc tiền bối. Để GHPGCTVN vẫn giữ được những giá trị đặc thù, nhưng luôn là một phần quan trọng không thể tách rời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và dân tộc.

1. Quá trình hình thành của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam

Tiền thân GHPGCTVN là Giáo hội Lục Hòa Tăng và Giáo hội Lục Hòa Phật tử. Chính vì lẽ đó, GHPGCTVN có tên gọi đầy đủ là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, hay còn gọi Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng.

Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, khi nói đến Phật giáo Việt Nam, rất ít người quan tâm hoặc thậm chí không biết gì về hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng – Một hệ phái ra đời từ lòng yêu nước và có chiều dài lịch sử cống hiến xuyên suốt cho đạo pháp, cho dân tộc và là một trong chín tổ chức hệ phái hình thành nên GHPGVN (1981).

1.1 Nguyên nhân thành lập

Ra đời vào ngày 9/2/1952, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam do Hòa thượng Thích Thiện Tòng chùa Trường Thạnh (quận 1) làm Đại Tăng trưởng. Đây là sự tiếp nối của tổ chức Lục Hòa Liên Xã (1922), và cũng chính là tiền thân của GHPGCTVN sau này.

Trong giai đoạn giặc Pháp xâm lược nước ta, nhận thấy được sức mạnh và ảnh hưởng vô cùng to lớn của Phật giáo đối với quần chúng nhân dân, chúng đã thẳng tay đàn áp Phật giáo, Tăng Ni, tàn phá chùa chiền, nghi lễ sinh hoạt Phật giáo cũng bị ngăn cấm... Mặt khác, Pháp lo sợ nhân dân thông qua Phật giáo để chống lại chúng, thế nên nhanh chóng đồng hóa và thao túng miền Nam Việt Nam, tạo bàn đạp thâu tóm toàn bộ chủ quyền nước ta bằng việc thay thế dần văn hoá và lối sống phương Tây, đồng thời ra sức truyền bá Công giáo. Có thể nói chưa khi nào Phật giáo Việt Nam lại đứng trước tình thế cấp bách như vậy.

Nhìn thấy âm mưu đó, sau khi Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và các tỉnh giải tán, một số Tăng sĩ phụ trách Phật giáo Cứu quốc trong Mặt trận Liên Việt các tỉnh, lập nên giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng, mục đích chính là để giữ vững tổ chức và người, đoàn kết đối phó với âm mưu lợi dụng tôn giáo, thủ đoạn mị dân của Pháp.

Tiếp theo đó, sau hiệp định Giơnever vào tháng 6/1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, cũng trong thời gian này, quân Pháp từng bước rút lui, chấp nhận nhượng bộ miền Nam Việt Nam cho Mỹ, chính thức đánh dấu cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ tại nước ta, mở ra một thời kỳ cai trị vô cùng tàn bạo, gian manh và xảo quyệt.

Cùng với chính sách cai trị, đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách đưa gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, trong đó có hàng chục vạn tín đồ Phật giáo. Đế quốc Mỹ lợi dụng lôi kéo một bộ phận Tăng Ni làm chỗ dựa chính trị để chúng lèo lái phong trào Phật giáo di cư. Giới quan chức Mỹ đã dàn dựng đưa Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tham gia “Liên hữu Phật giáo Thế giới”, lợi dụng mối quan hệ quốc tế này, chúng đã tạo điều kiện thuận lợi bằng cách cấp hàng loạt học bổng cho Tăng Ni du học, nhằm đào tạo lực lượng nòng cốt cho các tổ chức Phật giáo thân chính quyền sau này.1

Trước tình thế khó khăn, Giáo hội Lục Hòa Tăng và Giáo hội Lục Hòa Phật tử, tổ chức Phật giáo yêu nước luôn bị chính quyền theo dõi. Cho nên, khi hiến chương được soạn thảo và sau vài tháng vận động vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu), dưới sự chủ trì của các Hòa thượng Thích Minh Đức, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Bửu Ý… chính thức tiến hành Đại hội hiệp nhất hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, cho ra đời GHPGCTVN, được chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ do Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn.

Từ ngày thành lập, GHPGCTVN luôn đồng hành đạo pháp và dân tộc trong các phong trào đấu tranh kỳ thị tôn giáo; cùng tham gia mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước một cách rộng rãi và hiệu quả. Để ngày hôm nay, chúng ta có quyền khẳng định và tự hào về những cống hiến của GHPGCTVN trong tiến trình lịch sử tôn giáo và dân tộc.

1.2 Đường lối hoạt động

Đề cập đến đường lối hoạt động của GHPGCTVN, trong Điều 2 của Điều lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng cho biết nguyên nhân thành lập giáo hội là “duy trì nền tảng cổ truyền và thực hiện nền giáo dục Phật lý để dìu dắt nhân sinh sống theo 6 phép Lục Hòa mà nghìn xưa Đức Phật đã dạy”.

Thật vậy, nhìn lại quá trình hình thành GHPGCTVN, mà tiền thân là các tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã (1922), Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1947), Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (1952), giữa những biến động thời cuộc lúc bấy giờ, các Tăng sĩ yêu nước đương thời đã ý thức trách nhiệm và tầm quan trọng cấp thiết của việc giữ gìn nền tảng Phật giáo truyền thống trước nguy cơ bị chế độ thực dân – đế quốc kiềm hãm và đồng hóa. Trên mục tiêu đó, quý ngài mong muốn tập hợp Tăng sĩ vào một tổ chức, thống nhất tư tưởng hoạt động, tạo nên sức mạnh đoàn kết, để duy trì nền tảng Phật giáo cổ truyền, sống và làm việc theo lời dạy 6 phép Lục Hòa trong tinh thần cộng trụ của Phật giáo.

“... Phương thức Lục Hòa tức là 6 phương pháp cùng nhau hòa hợp, cùng nhau tu hành trong một tập thể của giáo hội.

1) Giới hòa đồng tu: Tất cả cùng nhau một giới luật giữ gìn, để trau dồi cho thân tâm thanh tịnh.

2) Kiến hòa đồng giải: Tất cả những kiến thức hay, dở cùng nhau cởi mở để học tập cho triệt thấu ý nghĩa.

3) Thân hòa đồng trụ: Tất cả mọi người trong mọi thành phần đều bình đẳng, đều cùng nhau chung ở tu hành.

4) Lợi hòa đồng quân: Tất cả quyền lợi trên mọi lĩnh vực cùng nhau chung hưởng.

5) Khẩu hòa vô tranh: tất cả lời nói tuy văn khác miệng nhưng cùng chung một ý nghĩa hòa nhã không đua tranh.

6) Ý hòa đồng duyệt: Tất vả tâm ý đều chung một chí hướng không chênh lệch đưa đến sự an vui.

... Trước hết 6 pháp Lục Hòa làm kim chỉ nam để xây dựng bản thân trên đường tu chứng, cũng như hướng dẫn Phật tử trên đường đạo pháp mà lịch sử đã ghi chép rõ ràng và tất cả mọi phương tiện tu hành không ngoài tứ vô lượng tâm Từ Bi Hỷ Xả, tức là con đường “dữ lạc bạt khổ” cho chúng sanh nói chung và nhân loại nói riêng.

Hiện tại nước nhà đã trải qua bao năm tháng chiến tranh đau thương mất mát, lại thêm chồng chất thiên tai bão lụt, khổ thượng gia khổ, chập trùng không sao kể xiết. Với những thống khổ kể trên, nền Phật giáo Cồ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam quan niệm đặt trách nhiệm rằng: Muốn giải quyết nỗi khổ trên, không gì hơn là xây dựng một tình thương bao la vô lượng, chỉ có tình thương mới đem lại cho dân tộc ta trên mọi phương diện cứu tế xã hội, ngõ hầu xoa dịu đi một phần nào đau khổ! Và chỉ có tình thương mới thực thi một sự đoàn kết mang ý nghĩa không kêu gọi mà chặt chẽ vô cùng, đoàn kết keo sơn gắn bó để có đủ sức mạnh san bằng mọi trở ngại bất công trên xã hội khốn khổ này…

Và đó là con đường duy nhất mà nền Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam đối với hiện tình đất nước ngày nay…”2.

Trên tinh thần đó, sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, khi sứ mệnh chung của dân tộc là giành lại toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, trọn vẹn chủ quyền đã được thực hiện, GHPGCTVN đã tiếp tục đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà thành quả tiêu biểu chính là sự thống nhất 9 tổ chức hệ phái Phật giáo đương thời tại Việt Nam, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981.

Qua đó chúng ta thấy rằng, dù được sinh ra trong một giai đoạn vô cùng khắc nghiệt của thời cuộc nước nhà, đồng thời mang một trọng trách đặc thù, đó chính là tập trung vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhưng GHPGCTVN lại nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bậc Thầy cao Tăng thạc đức, quý ngài đã dấn thân cứu nước độ đời, như Tổ Huệ Đăng, Hòa Thượng Thiền sư Minh Tịnh, Hòa Thượng Minh Nguyệt, Hòa Thượng Thiện Hào, Hòa Thượng Huệ Thành … Điều này khẳng định rằng: Trọng trách đối với đạo pháp, dân tộc là sự liễu ngộ Phật pháp, cứu độ chúng sanh, dung hòa với trách nhiệm đền ơn Tổ quốc, cống hiến cho nhân dân.

2. Những đóng góp của GHPGCTVN đối với đạo pháp và dân tộc

Dẫu lịch sử đã lùi về quá khứ hàng thập kỉ, thời vận đất nước đã mở sang một trang mới, thế nhưng những đóng góp của GHPGCTVN cho Phật giáo và dân tộc là điều mà thời gian không thể xóa bỏ, hoặc lu mờ đi được. Sự cống hiến đó không chỉ nằm trên giấy mực, mà đó là sự hy sinh bằng xương máu của tất cả Tăng Ni và đồng bào Phật tử trong Phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam và kỳ thị Phật giáo; đó là tâm huyết trong công cuộc vận động và thống nhất Phật giáo, chính thức mở ra thời đại mới cho dân tộc và tôn giáo: thời đại của sự thống nhất, đoàn kết và phát triển.

Nói đến vai trò của GHPGCTVN từ sau ngày thành lập năm 1969 trở đi, là nói đến công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới nòng súng và âm mưu của đế quốc Mỹ, mà tiêu biểu nhất là phong trào đấu tranh Phật giáo tại miền Nam Việt Nam.

Để có được sự thành công ngay từ buổi đầu thành lập, chính là nhờ những đóng góp của các tổ chức tiền thân từ trước, đặc biệt sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. Đồng thời, sự ra đời của GHPGCTVN không chỉ là tiếng nói chung của Phật giáo mà còn hòa chung với khát vọng của của toàn thể quần chúng nhân dân về một xã hội hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất Tổ quốc. Chính vì vậy, GHPGCTVN ngay lập tức trở thành một tổ chức uy tín, là nơi tập hợp của các cá nhân, tổ chức Phật giáo yêu nước khác, chung sức đồng lòng, phối hợp tham gia mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

Thành quả đạt được sau bao hy sinh, mất mát khi đối mặt với những kế hoạch đàn áp bằng bạo lực, vũ trang; hay các ý đồ lôi kéo, mua chuộc nhằm biến Phật giáo thành một vũ khí chiến tranh; bằng sự thông minh, nhạy bén, cùng tinh thần yêu nước kiên cường, không khuất phục, vào sáng ngày 30/4/1975, toàn thể chư Tăng Ni và Phật tử đã đứng dậy cùng đồng bào cả nước giành lại toàn vẹn lãnh thổ từ nòng súng đế quốc. Ghi dấu nét son hào hùng của Phật giáo trong lịch sử dân tộc, khép lại một nhiệm vụ thiêng liêng đã hoàn thành trong vẻ vang, thắng lợi, tô điểm cho bức tranh lịch sử đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Khép lại một mốc son lịch sử, GHPGCTVN lại mang một sứ mạng mới, tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng và ổn định đất nước.

Sau ngày thống nhất, cũng như xã hội, Phật giáo từng bước trở lại sự ổn định. Tuy nhiên, hậu quả mà chiến tranh chia cắt Phật giáo, cùng các thế lực tàn dư từ chế độ cũ trong và ngoài nước sẵn sàng quấy rối, chống phá; khiến cho Phật giáo đứng trước vô vàn khó khăn và thách thức bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Trong tập tin “Phật giáo Sài Gòn - Giai đoạn chuyển giao” của báo Giác Ngộ Online có đoạn Hoà Thượng Thích Hiển Pháp - Phó Pháp chủ HĐCM TƯ GHPGVN thuật lại: “Lúc này, sinh hoạt Tăng đoàn có phần rời rạc về mặt tổ chức vì không có một Giáo hội thống nhất của cả nước. Nội bộ Tăng Ni phần lớn hòa mình vào công cuộc tái thiết và trông chờ một điều gì đó cho sự phát triển của đạo pháp nhưng cũng có không ít vị vẫn còn hoài niệm với những gì đã có, thể hiện sự nghi ngại và lo lắng về định hướng ở tương lai”. Bên cạnh đó, Hoà Thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS cho biết trong một bài viết của mình về buổi giao thời này: “Tùy sự uyển chuyển của chư tôn đức lãnh đạo có trách nhiệm mà từng Giáo hội hoặc hệ phái hoạt động nhiều hay ít. Dù vậy, thực tế vẫn còn nhiều hoang mang dao động. Một số vị Tăng Ni hoàn tục, một số bỏ nước ra đi, một số cố gắng bình tâm phó mặc cho nhân duyên. Số còn lại nhiều hơn, tích cực hội nhập vào các phong trào góp công xây dựng đất nước thông qua các tổ chức, đoàn thể”.

Thế nên nhiệm vụ tiên quyết và cấp thiết đề ra là việc thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước thành một mối trên tinh thần “Lục hòa cộng trụ”. Trong bối cảnh chia cắt sau hàng thập kỉ, sự khác biệt trong tư tưởng, cũng như đường lối sinh hoạt, cách thức tu tập, phương tiện nghi lễ giữa các hệ phái, làm cho trách nhiệm tưởng chừng như đơn giản, nhưng để thực hiện được, đòi hỏi phải có một sự đồng thuận, nhất trí từ quý chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo 9 hệ phái đương thời, đòi hỏi phải được tiến hành trên một kế hoạch cụ thể, có sự tính toán cẩn trọng, nhằm tránh làm tăng thêm sự phân chia, tách biệt. Đây là sứ mệnh không chỉ thiêng liêng mà còn vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của Phật giáo trong tương lai. Bởi lẽ, giữa giai đoạn nhạy cảm này, chỉ cần một chút sơ suất, một sự bất đồng quan điểm cũng có thể làm cho khoảng cách giữa các hệ phái ngày càng lớn, dẫn đến sự chia rẽ không thể hàn gắn của đạo Phật Việt Nam.

Công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược. Khởi đầu, Chư Tôn đức trong GHPGCTVN tham gia thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM vào ngày 7/8/1975, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch, tạo tiền đề cho việc thống nhất Phật giáo. Tiếp theo đó là sự ra đời của Ban Vận động thống nhất Phật giáo năm 1980 do Hòa thượng Thích Trí Thủ là Trưởng ban, Hòa thượng Thích Bửu Ý làm Phó ban, đánh dấu một bước tiến trên công cuộc vận động thống nhất Phật giáo.

Phát biểu về sự kiện lịch sử Phật giáo Việt Nam trên bước đường thống nhất, Hòa thượng Thích Bửu Ý có đoạn: “Tôi quan niệm Phật giáo chỉ có một, nhưng từ lâu phân ra nhiều hệ phái, vì thời cuộc, vì chế độ thực dân cũ, và với âm mưu chia rẽ để lợi dụng bằng cách này cách nọ nhằm phục vụ ý đồ thống trị của chúng. Nay đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất là một cơ duyên thuận lợi rất tốt để thống nhất Phật giáo thành một mối trên tinh thần hòa hợp Tăng già, chung sức chung lòng vì đạo pháp và dân tộc…”3

Và sau những tháng ngày từ Nam ra Bắc vào Trung, không quản ngại tuổi cao sức yếu, luôn tất bật trong việc tạo mối liên lạc, xây dựng sự gắn kết, san sẻ sự đồng cảm giữa chư vị tôn đức lãnh đạo các hệ phái, nhằm hướng đến sự nhất trí trong mục tiêu thống nhất Phật giáo nước nhà; bằng những tình cảm thiết tha, sự tâm huyết và niềm mong mỏi từ chư tôn đức lãnh đạo các hệ phái Phật giáo. Vào ngày 7/11/1981 đánh dấu một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng và ý nghĩa của Phật giáo Việt Nam, Đại hội thống nhất Phật giáo cả nước được tổ chức với quy mô hoành tráng và thành công tốt đẹp tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, kết quả thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam – trở thành mái nhà chung cho toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật giáo, chính thức mở ra cánh cửa đưa đến sự ổn định - phát triển của đạo Phật Việt Nam. Phật giáo Việt Nam từ đây chính thức có một tổ chức đại diện cho dân tộc, cho đất nước, góp tiếng nói chung vào nền Phật giáo thế giới, cũng là tiếng nói khẳng định hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc trên trường quốc tế.

Hành trình 13 năm của GHPGCTVN kề từ khi thành lập năm 1969 đến khi thống nhất vào mái nhà chung GHPGVN năm 1981 đã khép lại. Hơn một thập kỷ đó, GHPGCTVN đã hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm mà đạo pháp và dân tộc giao phó. Dẫu lịch sử có thể sẽ trôi theo quá khứ, dẫu thời gian có thể lấp vùi đi những sự kiện; nhưng những gì quý chư tôn đức đã đóng góp, hy sinh mãi mãi không thể nào thay đổi được. Sự cống hiến đó không mất đi mà sẽ tiếp tục truyền thừa qua các thế hệ Tăng Ni – trở thành ngọn hải đăng cho hàng hậu bối trên hành trình cống hiến cho Phật giáo và xây dựng quê hương Tổ quốc Việt Nam.

3. Sứ mệnh và vai trò của Tăng Ni trẻ hệ phái

Chúng ta hiểu rằng, Phật giáo đã có chiều dài lịch sử hằng nghìn năm song hành cùng nhân loại. Trong mỗi giai đoạn tồn tại, Phật giáo đều có những khó khăn và thách thức nhất định. Đó không phải là những cản trở, mà đây chính là động lực để hàng tu sĩ luôn thúc liễm thân tâm, tôi rèn ý chí; làm thiện xảo hơn phương tiện hoằng pháp của Phật giáo trong từng thời kì vận hành của xã hội; điều đó góp phần làm cho Phật giáo sống mãi với tinh thần nhập thế.

Với vai trò là hàng Tăng Ni trẻ - là sự kế thừa, là tương lai của mạng mạch Phật giáo nói chung, và của truyền thống Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng, chúng tôi ý thức được trách nhiệm: Cần phải giở lại những trang sử hào hùng để trau dồi hiểu biết đúng đắn, chắc thật đối với những tinh hoa cao quý của cha ông, thầy Tổ đã diễn ra trên dòng chảy khắc nghiệt của thời gian; đồng thời, thông qua đó, chúng ta cần có những góc nhìn đa chiều đối với những tư tưởng, đường lối, phương thức hoạt động tích cực, cũng như những trở ngại, hạn chế, để vận dụng vào quá trình tu học và hoằng pháp ở hiện tại và tương lai.

Chính vì lẽ đó, để thành công trên con đường xuất gia tu học, bản thân Tăng Ni trẻ nên thấu rõ những thách thức của thời cuộc, không ngủ quên trong những huy hoàng của lịch sử, để rồi đánh mất đi trách nhiệm của bản thân, đi theo những định hướng lỗi thời, cố chấp.

Thế nên, trước khi nhìn nhận sứ mệnh của bản thân, Tăng, Ni trẻ cần nhận ra những thách thức của bản thân trong giai đoạn hiện đại:

3.1 Thách thức của Tăng Ni trẻ

Dẫu rằng đang được sống trong một xã hội độc lập, tự chủ, và tu học dưới mái nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Song, Phật giáo, mà cụ thể là mỗi cá nhân Tăng, Ni, Phật tử đều vẫn đang đối mặt với những thách thức của thời hiện đại, đòi hỏi người tu sĩ phải tỉnh giác, chánh niệm, nhất là đối với hàng ngũ xuất gia trẻ tuổi. Với Tăng Ni trẻ, vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là việc phai nhạt đi chí hướng xuất gia ban đầu và những tác động tiêu cực của giá trị vật chất vào đời sống tu tập, nguy cơ mai một đi những giá trị đạo đức mô phạm của Tăng, Ni trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Phật pháp ở hiện tại và tương lai.

a. Môi trường khách quan có những tác động nhất định đến đời sống tu tập: Người tu sĩ Phật giáo trên bước đường đồng hành cùng dân tộc và trong vai trò trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh, buộc Tăng Ni phải hòa nhập vào đời sống xã hội thời đại, mà ở đó, về mặt khách quan, những tiện ích văn minh thời đại như phương tiện di chuyển, thông tin truyền thông, sự phổ biến tiện lợi của hệ thống mạng xã hội chính là những phương tiện tạo thuận lợi cho những vị tu sĩ có căn bản giới hạnh và trình độ năng lực thêm cơ hội đóng góp trí huệ tâm huyết cho giáo hội, nhưng ngược lại thế giới vật chất dồi dào, các phương tiện vật chất quá thoải mái dễ dãi cũng chính là vật cản trên con đường tu hành của các vị tăng ni trẻ tuổi, ở đó luôn tiềm ẩn những nguy cơ, nhất là đối với các vị tu sĩ trẻ tuổi chưa có nhiều trải nghiệm trên con đường tu hành, điều đó sẽ dẫn đến những hệ lụy cho bản thân người tu và cho cả Giáo hội.4

b. Đề cập đến sự phai mờ dần chí nguyện xuất gia trong hàng ngũ Tăng, Ni trẻ, chúng ta thấy rằng: Vấn đề này xuất phát từ chủ quan, dù tâm chí của bất kì người tu hành khi mới xuống tóc xuất gia đều tha thiết vì lý tưởng giác ngộ giải thoát, thế nhưng sau khi xuất gia, mục tiêu cao cả đó sẽ dần dần được thay thế bằng những mục tiêu thấp bé hơn, cho đến một lúc nào đó, những mục tiêu của vị tu sĩ chỉ gắn liền với những nhu cầu bình thường trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, từ đó chí nguyện ban đầu phai nhạt, cho nên trong Thiền môn có câu: “Xuất gia chi sơ, thành Phật hữu dư” (nghĩa là: cứ giữ mãi cái tâm lúc mới xuất gia mà tu, thì thành Phật có thừa), sở dĩ xảy ra tình trạng này chính vì người xuất gia không thường xuyên tỉnh giác chánh niệm, không luôn tự sách tấn bản thân, điều này dẫn đến sự phan duyên hướng ngoại, để từ đây bản thân người xuất gia dù sống trong môi trường đạo pháp nhưng ngày càng xa rời mục tiêu giác ngộ giải thoát, nhân đây vô số vấn nạn phát sinh và những tiện nghi thời đại sẽ là môi trường thuận lợi khiến cho người xuất gia mất phương hướng, lui sụt, lười biếng, giải đãi, đồng thời tăng trưởng nghiệp chướng. Đây là một quy trình tiêu cực nhưng cũng là quy trình hiện hữu, nghiêm trọng hơn nó lại khá phổ biến ở một bộ phận người xuất gia trẻ tuổi, nó ngày càng phát triển trong đời sống sinh hoạt Tăng Ni trẻ thời đại ngày nay.

3.2 Sứ mệnh của Tăng Ni trẻ hệ phái

Nhận ra được những thách thức đó, bản thân Tăng Ni trẻ không lấy đó làm hoang mang, thối chí, mà cần đặt ra những mục tiêu phấn đấu để hoàn thành sứ mệnh của chí nguyện xuất gia.

Ý thức được việc xuất gia hoàn toàn không phải là hành động yếm thế, lánh đời; mà đây chính là một sự nghiệp cao cả đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, đây là một sự cống hiến vì tương lai Phật pháp, vì an sinh xã hội.

Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bản sắc văn hoá Phật giáo Việt Nam nói chung, hệ phái PGCTVN nói riêng; giữ gìn các nghi thức Tòng lâm, Thiền môn quy củ, những giá trị đặc trưng của hệ phái Phật giáo Cổ truyền.

a. Kế thừa và phát huy những nghi thức truyền thống thiền đường quy củ

Tăng Ni trẻ cần nhận thức rằng: tu tập trong một xã hội hiện đại, thì truyền thống tu hành trên căn bản Giới và Luật của Tăng ni vẫn không hề thay đổi. Bởi lẽ, Phật giáo đã hình thành và tồn tại hơn 25 thế kỉ với một hệ thống giáo lý phù hợp với khoa học và sự tiến bộ của nhân loại dù bất kể thời gian nào. Cho nên, trong giai đoạn hiện đại và trong cả tương lai, Phật giáo không cần phải hiện đại hóa, hay thay đổi, cải biên giáo lý hay làm mới Phật giáo bằng các công cụ văn minh của thời hiện đại; mà phải ý thức được: “Chỉ cần nghiêm túc giữ gìn giới luật, tường tận các duyên, đề cao chánh niệm, tỉnh thức, khéo léo vận dụng giáo lý của đức Phật vào từng hoàn cảnh thuận nghịch để mạng mạch Phật pháp không đứt đoạn và bất cứ lúc nào cũng được khơi nguồn đi vào cuộc sống”.5

Trong tiến trình cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tôn giáo đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến và tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chức sắc tôn giáo, Tăng Ni, phật tử đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Cụ thể như lịch sử GHPGCTVN, dù trước những biến cố thời cuộc, có thể thay đổi vận mệnh dân tộc và tôn giáo, nhưng GHPGCTVN luôn thượng tôn giới luật, giáo pháp. Điều này thể hiện rõ qua việc quý ngài đề cao Lục Hòa pháp, lấy đó là phương châm hoạt động. Chính sự nghiêm mật trong việc tu tập, giữ gìn chánh pháp, phạm hạnh mà quý ngài có được sự tin tưởng từ quần chúng nhân dân, tạo nên những thành công trong quá khứ. Vậy nên, tiếp nối những giá trị truyền thống ấy, chúng ta càng phải giữ gìn giới luật, quy củ Thiền môn – đây chính là nền tảng đạo đức của tu sĩ Phật giáo.

* Giới luật, quy củ Thiền môn là nền tảng của đạo đức tu sĩ Phật giáo

Tòng lâm chẳng những là căn cứ giáo dục quần chúng mà còn là nơi nuôi dưỡng, bảo trì giới thân-huệ mạng của chúng Tăng, cũng là nơi nương tựa của hầu hết Thánh - phàm. Vì thế, nếu chẳng có quy luật làm tiêu chuẩn mực thước thì cội lành gốc phước chẳng do đâu mà có và Thánh phàm cũng khó rõ phân biệt.

Xã hội ngày nay, đều chẳng nên quên tại Linh Sơn, Đức Phật phó chúc: “Bỏ ác vào thiện, bỏ tạp vào thuần, bỏ vọng về chơn, xa phàm đến thánh, làm cho chánh pháp còn mãi không bị hư mất ở đời”. Nên hễ có tòng lâm là phải có quy điều làm tiêu chuẩn. Trong đó nếu có người phạm tội, hoặc có thể làm cho chánh pháp bị hư hoại tổn thương, hoặc nhằm phá diệt Phật pháp, thì xét các nhân ấy chiếu theo quy luật mà xét xử. Khiến họ ăn năn sám hối, cố gắng tu hành thêm lên, tránh các việc lỡ lầm tội lỗi ấy nữa. Nơi  tòng lâm, tất cả tu sĩ đều có bổn phận phải nhiếp lòng vâng giữ mọi Giới điều ngăn cấm rất mực tinh chuyên. Thầy truyền dạy thì mình chăm lòng cố gắng tu tập, rồi lại đem các việc ấy truyền dạy các kẻ khác để cùng tu học chánh đạo. Được vậy, chánh pháp mới còn ở ngàn đời muôn kiếp không sai chạy. Bằng ngược lại, áp dụng sai lầm tức làm đảo lộn đạo giải thoát, chẳng phải kẻ chốn Thiền lâm.

Nên trong Đại Học chép: “Chẳng hiểu được lòng hung hiểm của con, lại đem giao phó sự nghệp chánh đáng phúc lợi, nếu nó dụng sai quấy tức lỗi lầm kia ở mình” .

Cho nên Phật pháp chỉ xương thạnh ở đời khi đồ chúng còn biết vâng giữ giới luật, vì thế lịch đại Tổ sư luôn luôn y cứ vào Tạng Tỳ Ni mà tu hành và truyền bá đạo đức. Vậy, đại chúng hãy cẩn thận chớ buông lung, noi gương lịch đại Tổ sư vâng giữ giới luật cho chín chắn hầu vượt qua đường sanh tử”.6

Vì muốn chánh đạo được xương minh và ngăn ngừa lỗi lầm cho đồ chúng, nên chư Tổ soạn ra các bản Thiền đường thanh quy , nếu vị nào phạm phải thì chẳng thể dung chứa nơi thiền đường được.

Trong các điều thanh quy của Thiền đường có rất nhiều điều luật như: 22 điều Thiền đường Tẩn quy, 18 điều Thiền đường Bất cộng trụ quy, 34 điều Khinh phạt thanh quy, 32 điều Bất tưởng thanh quy, 10 điều Linh hối thanh quy, mặt khác còn có những cung cách sinh hoạt, những nghi thức mang đậm nét Thiền đường quy củ như: Thập ngũ bái nghi, tán bê, chuyển trống, hô canh, hô chung 50, thập sư lễ, nghi thức quả đường, nghi chúc Thánh (chúc tán),... những nghi thức này được sử dụng rộng rãi trong những trường Hương trước những năm 1975, hoặc trường Hạ các Tổ đình Nam Bộ, nhưng dần dần gần như bị mai một, và ít nơi áp dụng vì không có thế hệ kế thừa và học tập.

Quan ngại hơn, một bộ phận Tăng, Ni trẻ hiện nay lại xem nhẹ vai trò của giới luật và nghi thức Thiền môn, vì cho rằng giới luật đã lạc hậu, quy củ thiền đường đã lỗi thời, không còn phù hợp với giai đoạn tiến bộ hiện nay, và mong muốn thay đổi, bãi bỏ. Cho rằng dấn thân vào các Phật sự, công tác xã hội mới gọi là làm Phật sự, là tu tập chân chánh.

Thực chất, nghiêm trì giới luật, tuân thủ thời khóa, gìn giữ oai nghi, chăm lo phạm hạnh thì chính là thừa hành Phật sự. Đơn giản, vì một tu sĩ luôn tu tập nghiêm túc như thế suốt tháng trọn năm thì mới có năng lực phát khởi tín tâm đối với Phật tử và phát sinh tuệ giác cho hậu côn, từ đó các hoạt động Phật sự, công tác xã hội mới mang ý nghĩa hoằng hóa lợi sanh, trang nghiêm giáo hội.

* Nghi lễ Phật giáo là phương tiện hoằng pháp cần được giữ gìn và vận dụng khéo léo

Bên cạnh giới luật, quy củ, thì nghi lễ Phật giáo, mà đặc biệt là nghi lễ PGCTVN cũng là một phần thể hiện giá trị đạo đức người tu sĩ, cũng là phương tiện hoằng pháp cần được giữ gìn và phát huy đúng đắn. Thế nhưng một số tu sĩ trẻ cho rằng: Nghi lễ chỉ là phương tiện, là những hình thức bên ngoài hay là những hoạt động không đúng chánh pháp Phật giáo. Tuy nhiên, một xã hội văn minh là một xã hội có lễ giáo. Một đất nước, một tổ chức, một tôn giáo mà lễ nghi, phép tắc không được chú trọng thì sẽ hỗn loạn. Bởi thế từ lâu, ông cha ta luôn xem lễ nghi là một phần không thể thiếu trong công cuộc trồng người, lấy lễ nghi, tác phong làm một thước đo đạo đức cho nhân tầng trong xã hội: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Đối với một tôn giáo, lễ nghi lại là một phần quan trọng cần phải đặt lên hàng đầu. Đạo Phật bên cạnh một kho tàng triết lý sâu sắc, uyên thâm còn có lễ nghi, âm nhạc để ca ngợi tán thán công hạnh chư Phật, chư Bồ tát, đồng thời là cách để diễn bày chân lý vô thường, vô ngã và giá trị giải thoát của Phật giáo. Khéo léo dùng lễ nhạc làm phương tiện thức tỉnh người bỏ mê quay về bờ giác.

Thời Phật còn tại thế, vị Tỳ kheo muốn thưa thỉnh điều gì đều phải đến trước Phật, trịch bày vai áo bên phải, đi quanh ba vòng rồi quỳ xuống chắp tay đảnh lễ, rồi thưa thỉnh. Hay khi nghe pháp phải đảnh lễ, đi đứng nghiêm trang, nằm ngồi tự tại… Đó chính là sơ khởi của nghi lễ Phật giáo.

Mặt khác, từ xưa chư vị Tổ sư đã vận dụng giáo lý Phật đà một cách phong phú hoà nhập vào nền văn hóa Việt Nam, quán triệt tâm lý hoàn cảnh của con người Việt Nam nên đã lập ra những lễ nghi phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc để phổ biến những bài kinh, câu kệ đưa vào những giai điệu âm nhạc dân tộc của từng vùng miền nhằm mục đích khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Đồng thời hình thành cung cách lễ nghi có quy thức và được phổ cập trong chốn thiền môn, giúp cho sự ứng phú đạo tràng luôn hài hòa với đặc tính quần chúng, làm gắn bó thêm giữa đạo và đời. Nhờ vậy, lời dạy của chư Phật, Bồ tát và chư vị Tổ sư đã và đang lan rộng khắp mọi miền đất nước, vang vọng trong chốn thiền môn.

Nghi lễ Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình hình thành nền văn hoá của dân tộc, từ văn hoá vật thể cho đến các loại văn hoá phi vật thể như đạo đức, phong tục, tập quán... Mặt khác, vai trò hết sức trọng yếu của nghi lễ Phật giáo đó là chức năng hoằng pháp, xương minh Phật pháp, phổ cập giáo lý Phật đà trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nghi lễ Phật giáo là sự biểu hiện lòng tôn kính và tin tưởng của mọi người đối với Tam bảo. Thực hành nghi lễ Phật giáo phải có hệ thống, bài bản tùy theo tập quán của mỗi địa phương mà hình thành nghi lễ. Đây cũng là một phương tiện đắc lực để dẫn dắt con người vào đạo, làm trang nghiêm dung hạnh tu tập… Điều này đã thể hiện rõ qua những đóng góp thiết thực mà nghi lễ, cụ thể là nghi lễ Phật giáo cổ truyền Nam bộ đã mang lại.

Nhưng chúng ta biết rằng, phương tiện bao giờ cũng có hai mặt, nó có công dụng tốt nhưng cũng lắm bề tiêu cực. Nếu chúng ta vận dụng nghi lễ Phật giáo để tuyên dương Phật pháp, lợi lạc quần sanh thì đó là cội rễ của phước điền, ngược lại mượn nghi lễ Phật giáo để mưu cầu lợi dưỡng cá nhân thì tai hại vô cùng. Thực trạng nghi lễ Phật giáo hiện nay đã và đang trở thành một bức tranh “sáng tối” không rõ ràng, khiến người đời ngộ nhận cho rằng nghi lễ Phật giáo là mê tín dị đoan.

Ngày nay nhân loại đang bước vào thời kỳ đổi mới, những biến đổi trên mọi lĩnh vực về đời sống vật chất và tinh thần là điều hiển nhiên, đó là một thách thức thúc đẩy đất nước phát triển trên nhiều phương diện kinh tế, văn hoá, xã hội. Đòi hỏi sự thích nghi từ hình thức và nội dung trong nghi lễ Phật giáo cho đến đạo đức, phong tục, lễ nghi trong nếp sống thiền môn… tất cả phải được thiết lập một cách có hệ thống, có căn cứ. Những âm thanh, điệu thức của Thiền gia phải được duy trì và sáng tạo. Những buổi lễ truyền thống Phật giáo như Tết Nguyên đán, Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan, các ngày lễ tưởng niệm chư vị tiền bối hữu công trong Phật giáo… phải được thực hiện một cách thống nhất nhưng không tách rời truyền thống cổ truyền. Từng bước Việt hóa những văn bản nghi lễ Hán văn để khế hợp với căn cơ và nhận thức của đại đa số quần chúng. Việc tiếp thu tinh hoa văn hoá xứ người nhưng vẫn bảo vệ giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hoá dân tộc thì việc phát huy vai trò nghi lễ Phật giáo là vấn đề lớn có ý nghĩa chiến lược.

Điều này đòi hỏi Tăng, Ni trẻ hệ phái PGCTVN cần có sự năng động, sáng tạo trên tinh thần Phật giáo trong vai trò phát huy và dung hợp những giá trị nhân bản bền vững của nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong đời sống văn hóa, tâm linh của một dân tộc. Thế nhưng, muốn xác định những vai trò và vị trí của nghi lễ Phật giáo trong đời sống văn hoá, tâm linh dân tộc, trước hết cần thống nhất nhận thức về bản chất nghi lễ Phật giáo, sự tác động chi phối của nghi lễ Phật giáo trong nền tảng đạo đức, thuần phong mỹ tục của một dân tộc. Điều đó, có nghĩa là nghi lễ Phật giáo phải thích ứng và chứng tỏ được khả năng thâm nhập trong thời đại mới. Nói cách khác, vai trò chính yếu của ngành nghi lễ Phật giáo là phải hình dung về một nền văn hóa dân tộc hiện đại dựa trên căn bản và inh thần nhập thế của Phật giáo từ truyền thống đến hiện đại.

b. Giáo dục tự viện và giáo dục học đường

* Phật học là kiến thức căn bản cần trang bị để có chánh tri kiến

Về vấn đề học tập, các bậc cổ đức thường xuyên nhắc nhở rằng, tu mà không học là tu mù, học mà không tu thì như cái đãy đựng sách.

Thế nhưng thời nay, một bộ phận không ít Tăng Ni trẻ đã để cho cán cân giữa tu và học trở nên mất thăng bằng, đây là một nguồn căn để dẫn dắt người xuất gia xa rời giới định huệ.

Trong một môi trường tu tập có quá nhiều sự chi phối như hiện nay, việc chuyên sâu giáo lý là một điều kiện tiên quyết, bắt buộc để Tăng Ni trẻ nhận thức được chánh pháp, từ đó tránh xa các cám dỗ thời đại.

Ý thức được trách nhiệm như thế, chúng ta cần phải không ngừng nỗ lực nghiên cứu hệ thống giáo lý Kinh – Luật – Luận, các giá trị truyền thống cốt lõi từ chư vị tiền bối, để vận dụng vào sở tu sở học của bản thân; kết hợp với việc hoàn thiện và nâng cao các chương trình thế học, để làm phương tiện đưa Phật giáo nhập thế, chứng minh rằng Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà còn là một hệ thống giáo dục khoa học, văn minh. Chúng ta cần hiểu rằng nền tảng xây dựng đạo nghiệp giải thoát khổ đau là từ bước chân chập chững giẫm trên miền đất tri thức. Tri thức vốn không thoát ly cuộc sống, mà rất gần gũi trong tầm tay của mình. Như những hạnh phúc chân thật của tâm an bình, tuy chỉ là những sát-na ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm nơi nương tựa cho những người đang gặp muôn vàn khốn khổ và cay đắng khi giáp mặt với những khổ đau trong cuộc sống đời thường.

* Thế học là yếu tố bắt buộc để đưa Phật giáo nhập thế

Đối với thế học, có quan điểm cho rằng người xuất gia không cần phải trang bị thêm các kiến thức thế gian. Tuy nhiên, kiến thức thế gian là những kiến thức căn bản để chúng ta có thể hòa nhập vào sự tiến bộ của xã hội. Nếu không có sự hiểu biết căn bản về thế gian, chúng ta như một người mù chữ, không thể bước chân vào đời để hoằng pháp. Giai đoạn hiện nay, giáo dục thế học có nhiều điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni trẻ, chúng ta cần lựa chọn cho mình một mục tiêu học tập và cố gắng để làm giàu cho hành trang trên bước đường hoằng pháp.

Ngoài trọng trách “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”, Tăng Ni trẻ chúng ta, còn có trách nhiệm chung đối với sự phát triển đất nước, xã hội khẳng định tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Nếu như việc Tăng, Ni trẻ đi học những trường thế học trong thời gian trước đây luôn gây cho người đời sự ngạc nhiên, các vị tôn túc, thầy Tổ lo lắng, thì ngày nay, hình ảnh Tăng Ni trẻ xuất hiện rất nhiều trong các trường Đại học, trong các buổi sinh hoạt xã hội, thậm chí họ còn là những sinh viên xuất sắc. Đây là điều đáng phát huy vì Tăng, Ni trẻ đã biết năng động hội nhập vào xã hội. Các vấn đề xã hội được Tăng Ni trẻ quan tâm, chủ động phát huy, tạo nguồn sinh khí mới, một cách nhìn mới trong môi trường giáo dục Phật giáo.

* Vai trò của Giáo dục Tự viện

Phương thức giáo dục và đào tạo trong các chùa hay còn gọi là giáo dục và đào tạo tự viện của Phật giáo Việt Nam được hình thành với bản chất giáo dục theo hình thức “thầy - trò”. Trong đó, người thầy sử dụng phương pháp “thị phạm” (Thân - Khẩu – Ý giáo), trên nền tảng tư tưởng Phật giáo để tác động đến người học trò nhằm giúp học trò, đệ tử, tín đồ của mình lĩnh hội, thực hành các phương pháp nghi lễ, tu tập, uy nghi, phép tắc, giới luật, đạo đức, nhân cách, ứng xử, tri thức… Phương thức giáo dục này luôn chỉ ra được tính mô phạm theo những khuôn mẫu, khuôn thước và chuẩn mực hướng tới hai mục tiêu cơ bản là tự giáo dục và tha giáo dục.

Tự giáo dục và tha giáo dục là điều rất quan trọng đối với Tăng, Ni trẻ trong trường hợp này, người thầy - vị trụ trì trong các chùa là người hướng dẫn và định hướng, tạo nên sắc thái riêng cho từng thiền gia, tòng lâm.

Người trụ trì cần phải là các bậc minh sư có trí học, đạo học uyên bác mới có thể hướng dẫn tứ chứng đạt đến mục đích chung của giáo dục và đào tạo Phật giáo.

Theo Hoà thượng Thích Huệ Thông: “Truyền thống giáo dục tại tự viện chính là nền tảng căn bản cho mọi chương trình giáo dục từ các lớp Sơ cấp, Trung cấp cho đến Cao cấp trong hệ thống giáo dục Phật giáo hiện nay, vì thực tế cho thấy đối với các Tăng, Ni sinh nếu được hấp thụ tốt nền giáo dục căn bản từ sự giáo huấn của thầy Tổ thì đều có phẩm hạnh và tinh thần học tập rất tốt, ngược lại đối với một bộ phận Tăng, Ni trẻ thiếu căn bản giáo dục theo truyền thống tại tự viện thì gần như có phần yếu hơn về các mặt, ngoại trừ một số vị có phẩm chất đặc biệt.”7

Chính vì thế, dẫn đến sự phân hóa về mức độ giáo dục và đào tạo tự viện truyền thống của Phật giáo Việt Nam hiện nay không đồng đều, bởi vẫn tồn tại một số khác biệt trong chính tầng lớp Tăng, Ni, những người trụ trì của các tự viện.

Những khác biệt về chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo trong tự viện chưa có tính thống nhất, nhất quán về các nội dung hoạt động. Yếu tố này cho thấy tính cá nhân và tính tự chủ, tự quyết của người đứng đầu tự viện là vị trụ trì của chùa. Chính vì vậy, có những ngôi tự viện, người đứng đầu chỉ thuần túy về vấn đề lễ nghi, chủ yếu chú trọng đến việc cúng bái, lễ lạy, do đó chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo hướng tự viện do mình đảm nhiệm trụ trì theo một nếp sống thiền gia, quy củ, do vậy, người tín đồ sinh hoạt trong những tự viện này cũng không có những phương hướng và mục đích rõ ràng…

Mặt khác luôn có sự khác biệt về phương thức giáo dục tự viện truyền thống giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn. Nơi thành thị, số lượng Tăng chúng đông, các hoạt động sinh hoạt đạo tràng tại các tự viện chiếm số lượng lớn, sinh hoạt thường xuyên định kỳ hàng tháng dưới sự hướng dẫn của các bậc đạo sư, thầy hướng đạo. Trong khi đó ở nông thôn số lượng tu sĩ trong tự viện rất ít, phần nhiều là “Nhứt Tăng - Nhứt Tự” (một Thầy - một chùa), đạo tràng tu tập định kỳ dưới sự hướng dẫn của các bậc đạo sư, thầy hướng đạo, các hoạt động chủ yếu là lễ lạy vào các dịp sóc vọng, rằm, mồng một hoặc các ngày lễ lớn của tự viện này.

Các ngôi tự viện muốn phát huy được vai trò của mình hơn nữa, thì việc quan tâm, phát huy nội lực, nguồn lực bên trong tức là phương thức giáo dục tự viện cần được đẩy mạnh và có những định hướng rõ ràng để cho thấy sức lan tỏa của Phật pháp không chỉ trong định hướng đức tin mà còn quan trọng hơn cả là định hướng đời sống, văn hóa, đạo đức con người.

Cần phải có những giải pháp thiết thực để xây dựng cho các ngôi tự viện không chỉ còn là nơi cư trú và nơi tu học của Tăng, Ni và tín đồ tại gia. Mà cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các ngôi tự viện trong chức năng giáo dục và đào tạo cả thành phần xuất gia và tại gia, thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi thành phần xã hội khác nhau.

3.3 Trách nhiệm hội nhập

Về mục tiêu hội nhập, trong thực tế đời sống hằng ngày, một bộ phận Tăng, Ni vẫn hay sử dụng các phương tiện hiện đại và các phần mềm ứng dụng như Zalo, Viber, Facebook…

Như đã đề cập, chúng ta không phủ nhận những lợi ích từ các phương tiện thông tin, mạng xã hội mang lại cho hoạt động hoằng pháp, mang Phật giáo đến gần cộng đồng trên nhiều phương diện, cụ thể như việc học tập, trao đổi Phật pháp trở nên thuận lợi, khi chúng ta dễ dàng truy cập, trao đổi, tìm kiếm các bài kinh, bài giảng từ mạng Internet.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại rất nhiều mặt hạn chế, như việc không kiểm soát được nội dung các bài viết có đúng chánh pháp hay không, có thật sự mang tính phổ biến các vấn đề liên quan đến việc hoằng pháp hay không? cho đến việc đăng những thông tin, hình ảnh, status vô bổ và không phù hợp oai nghi tế hạnh, thậm chí phản cảm của một số Tăng, Ni trẻ, vì ngoài những việc không mang lại ích lợi gì trên con đường tu tập, mà nó còn là sự nguy hại vô cùng to lớn dù vô tình hay cố ý đăng lên các trang mạng facebook, zalo, viber..., thì những bài đăng, hình ảnh này sẽ chính là những bất lợi cho các vị sau này, hay sự lợi dụng hình ảnh, thông tin để thực hiện các ý đồ phi pháp sẽ làm ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín và niềm tin của tín đồ quần chúng đối với Phật giáo nói chung và cá nhân vị Tăng, Ni đó nói riêng.

Qua đó chúng ta phải có ý thức và cẩn thận trong tất cả mọi vấn đề từ nội dung đến hình thức. Biết chọn lọc và tỉnh giác trong khi xem cũng như đăng tải các thông tin lên mạng xã hội. Phải đảm bảo rằng những thông tin được đăng tải lên chỉ hướng đến mục đích chia sẻ Phật pháp, trao đổi các tin tức Phật sự cần thiết, mang lại lợi ích cho người xem.

Thêm vào đó, đây thật sự chưa phải là nhu cầu cần thiết phục vụ công việc học tập và tu hành, trong khi đó một bộ phận Tăng, Ni trẻ vẫn chưa thật sự làm chủ bản thân, dẫn đến việc quá lạm dụng tiện nghi thời đại, hoặc sống theo lối sống tự do giãi đãi, ít chịu nghe theo lời giáo huấn của thầy tổ, từ đó ảnh hưởng đến nếp sống quy củ thiền môn, ngày càng làm cho mờ nhạt lý tưởng xuất gia ban đầu.

Do đó, Đối với các phương tiện thông tin xã hội, Tăng, Ni trẻ cần nâng cao ý thức là một người xuất gia, cần tự giác khép mình trong nếp sống thiền gia quy củ, tôn kính và thực hành lời Phật dạy, tìm cho mình một vị thầy hướng dẫn và một pháp môn tu tập chuẩn mực, kiểm thúc oai nghi giới hạnh, không vọng tâm theo những tham đắm, dục vọng trần tục. Thấy được mặt tiện ích trong việc truyền bá Phật pháp qua mạng xã hội, nhất là đối với những tu sĩ trẻ đang thực tập thuyết giảng giáo lý hay những tu sĩ ít có khả năng thuyết giảng trước đại chúng. Cần ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của những “Sứ giả Như Lai”, mang trong mình hoài bão “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, dành nhiều thời gian cho việc huân tập giới đức, trao dồi trí tuệ, hướng đến đời sống cao thượng, chuyển hoá thân tâm, lập hạnh độ sanh để báo ơn thầy tổ, đàn na tín thí.

Bên cạnh việc học để hiểu giáo lý một cách chân chính, tu để trì giới phòng hộ bản thân và sống một cuộc sống tỉnh giác, thì phụng sự là bổn phận của một người xuất gia. Phụng sự chính là sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, là trách nhiệm lưu truyền và tiếp nối mạng mạch Phật giáo, mang lời dạy chư Phật, chư tổ, hay gần nhất là tinh thần dấn thân vì đạo pháp dân tộc của GHPGCTVN lan tỏa qua các thế hệ, nhân rộng ra làm lợi lạc cho tất cả mọi người. Đó chính là bước tiếp nối của GHPGCTVN và là nguồn sống của Giáo hội và Phật pháp trong hiện tại và tương lai.

4. Kết luận

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời trong một thời điểm thích hợp, không chỉ kịp thời bảo vệ nền Phật giáo truyền thống dưới âm mưu thâu tóm, trở thành một công cụ xâm lược của thực dân và đế quốc; mà quan trọng là đã gánh vác sứ mệnh cao cả, đóng góp thiết thực và hiệu quả trong hai cuộc kháng chiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước. Để rồi, khi đất nước hoàn toàn độc lập, Chư Tôn đức Tăng, Ni tiếp tục vận hành chuyển bánh xe pháp, đem lời dạy của Đức Phật vào trong cuộc đời, nâng cao giá trị đạo đức cá nhân cho cuộc sống càng thêm tốt đẹp.

Một đời cống hiến cho công cuộc đấu tranh bảo vệ non sông đất nước, và sự tồn vong của Phật giáo Việt Nam, sự hy sinh của Tăng, Ni và Phật tử trong hệ phái PGCTVN đã góp cho sự bất tử của non sông, dân tộc Việt Nam, cũng như sự trường tồn của Phật giáo trong lòng người dân đất Việt. Điều này một lần nữa đã khẳng định vai trò và vị trí của GHPGCTVN trong sự nghiệp cống hiến cho đạo pháp và dân tộc, trong suốt chiều dài lịch sử là không thể phủ định. Đó là mắt xích không thể thiếu trong tiến trình hình thành và đưa đến thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay.

Qua đó, để ý thức rằng, chúng ta cần học hỏi, trau dồi nhiều hơn nữa để mỗi cá nhân luôn sẵn sàng đương đầu với những thử thách trên hành trình tu học và hoằng pháp lợi sanh, tiếp nối truyền thống vàng son mà chư vị tiền bối trong GHPGCTVN đã gây dựng và cống hiến cho đạo pháp – dân tộc Việt Nam.

 


1. Theo Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, Nxb Văn Hóa Văn Nghệ, 2019, trang 171

2. Trích Kỷ yếu Hòa thượng Thích Bửu Ý – Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tổ đình Long Thạnh ấn hành – Nxb TP. Hồ Chí Minh – 1997.

3. Theo Lược sử Giáo Hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Thích Huệ Thông, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2019, trang 301.

4.Trích Khái quát hoạt động quản trị hành chánh trong GHPGVN – HT. Thích Huệ Thông, trang 200 – 201.

5 Trích Khái quát hoạt động quản trị hành chánh trong GHPGVN – HT. Thích Huệ Thông, trang 203.

6. Trích trong Luật Thiền Đường, soạn dịch: HT Thích Thiện Xuân - Hồng Khoa, tại Trường Hương Giác Ân năm 1971.

7. Trích Khái quát hoạt động quản trị hành chánh trong GHPGVN - Thích Huệ Thông, xuất bản 2019, trang 226.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6112112