Thông tin

SỰ PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO Ở ĐÀNG TRONG

DƯỚI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN

 

NGÔ THỊ HƯỜNG*

 

Mở đầu

Phật giáo du nhập vào Việt Nam đầu kỷ nguyên dương lịch. Suốt hai ngàn năm, trải qua những thăng trầm của lịch sử, dẫu có lúc thịnh, lúc suy nhưng Phật giáo luôn tạo ảnh hưởng sâu rộng và thâm nhập hầu hết với mọi tầng lớp dân chúng. Lịch sử Phật giáo Việt Nam gần như quyện với lịch sử dân tộc.

“Trang sử Phật đồng thời là trang sử Việt

Trải bao độ hưng suy, có nguy mà chẳng mất.”(thơ Hồ Dzếnh)

Vào thế kỷ 17, Đàng Trong là một vùng đất mới, được hình thành bởi chủ trương Nam tiến của vua Lê Thánh Tông cho đến các chúa Nguyễn, tuy chưa được ổn định nhưng Phật giáo lại được phục hưng sau một thời kỳ suy thoái và phát triển rất hưng thịnh. Tại nơi đây, các dòng thiền được truyền bá và phát triển mạnh mẽ.

Nội dung

1. Bối cảnh Đàng Trong thế kỷ 17

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông phong tước Đoan quận công và cử vào trấn nhậm đất Thuận Hóa. Đến năm 1570, ông được nhà vua cho kiêm lãnh trấn thủ Quảng Nam. Từ đó, Nguyễn Hoàng ra sức chiêu hiền đãi sĩ, mộ phu khai hoang vùng đất mới này. Với những chính sách đối nội và đối ngoại khôn khéo Nguyễn Hoàng đã dần dần biến hai xứ Thuận - Quảng thành một vùng đất trù phú. Kế nghiệp chúa Tiên, các vị chúa anh minh như: chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635); chúa Thượng - Nguyễn Phúc Lan (1635-1648); chúa Hiền - Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) v.v… đã củng cố thế lực nhằm xây dựng riêng cho mình một cõi giang sơn tách biệt và đối trọng với chính quyền Lê - Trịnh. Các chúa Nguyễn đã tích cực thực hiện và đẩy mạnh các biện pháp chiêu dụ nhân dân tiếp tục khai khẩn đất đai vùng Thuận - Quảng, đồng thời mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam. Hệ quả tất yếu của nó là không chỉ lãnh thổ xứ Đàng Trong được kéo dài đến tận Cà Mau (vào giữa thế kỷ 17I) mà các vùng đất được xác lập quyền sở hữu của Đại Việt từ trước, các làng xã không ngừng được mở rộng và thành lập mới.

Tình hình chính trị xã hội tại Đàng Trong tương đối ổn định hơn so với Đàng Ngoài. Các chúa Nguyễn có chính sách khoan dung nên xã hội không có sự phân tầng rõ rệt như của họ Trịnh. Với chính sách mở rộng, thông thoáng trong ngoại giao, các chúa Nguyễn đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các thương gia nước ngoài vào Đàng Trong buôn bán. Thương cảng Hội An trở thành trung tâm kinh tế thương mại phồn thịnh, được coi là con đường tơ lụa trên biển nối liền Đại Việt với các nước trong khu vực cũng như các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v… Các chúa Nguyễn cho quan lại đứng ra chiêu mộ dân đi khai khẩn cũng như dùng quân đội đồn trú để khai hoang. Điều này đã đem lại cho nông nghiệp một kết quả rất khả quan: “Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, các chúa Nguyễn đã biến nhiều vùng đất hoang thành ruộng đồng tươi tốt, thành xóm làng trù mật và từng bước nâng cao mức sống của nhân dân” [2, 286].

Sự phồn thịnh của cuộc sống Đàng Trong được sách “Ô châu cận lục” mô tả như sau: “Nhân dân làm giàu bằng thóc, nhà nông thì đạp lúa bằng trâu, đường bộ thì có xe, đường thủy thì sẵn thuyền… Xã Mạc châu trồng nhiều hoa hồng. Lang Châu sản xuất nhiều lụa trắng. Đàn bà mặc áo Chiêm, con trai cầm quạt Tàu. Người sang kẻ hèn, bát đĩa đều vẽ rồng, vẽ phượng, kẻ hơn người kém, xống áo toàn màu đỏ, màu hồng” [1; tr. 48-49].

Như vậy, từ khi mới thành lập cho đến những năm cuối thế kỷ 17, tình hình chính trị Đàng Trong tương đối ổn định, lãnh thổ mở rộng về phương Nam, kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện. Sự ổn định đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo phát triển, trong đó Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tư tưởng của người dân ở Đàng Trong.

2. Những điều kiện thuận lợi cho sự phục hưng

2.1. Phật giáo du nhập vào Đàng Trong khi tình hình chính trị đang có nhiều biến động

Bắt đầu từ giữa thế kỷ 17, không những ở nước Đại Việt mà còn ở Trung Quốc, là thời loạn lạc triền miên. Ở Trung Quốc, nhà Thanh chiếm cứ đánh đuổi nhà Minh. Vua Thanh Thái Tổ diệt được nhà Minh và lên ngôi năm 1644. Từ đó, những phong trào phò Minh diệt Thanh xảy ra khắp nơi. Các cựu thần nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh nên đã bỏ nước ra đi. Mảnh đất Đại Việt trở thành điểm đến của những người Trung Hoa vong quốc. Tại Đàng Ngoài, các chúa Trịnh dè dặt trong vấn đề cho người Hoa cư ngụ. Trái lại, ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã rất khôn khéo trong việc sử dụng nguồn nhân lực và tài lực từ ngoài vào. Các chúa ưu đãi để người Hoa định cư, cho họ thành lập từng làng sống theo cộng đồng và sử dụng họ như những đạo tiền quân, vừa khai khẩn vừa chống chọi với Chân Lạp. Vì thế, các làng Minh Hương được thành lập nhiều nơi ở Huế, Hội An, Gia Định v.v… và những người Hoa đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế cũng như mở mang bờ cõi. Cụ thể như các tướng nhà Minh là Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình lập ra Cù Lao Phố, Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến lập ra Mỹ Tho Đại Phố, Mạc Cửu cũng đã đem đất Hà Tiên sáp nhập vô lãnh thổ Đại Việt dưới sự cai trị của chúa Nguyễn.

Cũng theo đó, sự thông thương giữa Trung Quốc và Đại Việt vào thời bấy giờ đã trở nên cấp bách và cần thiết. Đường bộ gặp sự cách trở bởi thế lực của Trịnh và Lê ở Đàng Ngoài. Vì thế mà cảng Hội An đã trở thành một thương cảng quốc tế tấp nập bằng đường biển với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Dương, Ấn Độ v.v. Thế lực của các chúa Trịnh đã làm lu mờ vai trò của vua Lê đối với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nho giáo không còn đủ sức cứu giúp nhà Lê. Nho giáo suy đồi, nên nhu cầu Phật giáo càng ngày càng quan trọng. Trong bối cảnh thông thương đó, Phật giáo Đại thừa từ Nhật Bản, Trung Hoa cũng theo vết chân di dân đến miền Trung của Đại Việt.

2.2. Dân tộc việt Nam tìm thấy ở Phật giáo hệ tư tưởng mới, tiến bộ có thể dùng làm chỗ dựa của họ trong quá trình khai hoang lập nghiệp trên con đường Nam tiến

Đàng Ngoài - Đàng Trong, một giai đoạn bi ai của lịch sử dân tộc Việt Nam. Những cuộc chiến tranh triền miên đã làm cho nhân sinh lầm than, đau khổ. Hơn nữa “Quá trình tạo lập xứ Đàng Trong cũng là quá trình liên tục tổ chức khẩn hoang. Lực lượng khẩn hoang đông đảo nhất chính là những người nông dân nghèo khổ. Họ không có điều kiện để cho con em tới trường, và với số ít ỏi có điều kiện thì đạo thánh hiền mà Nho gia rất mực tôn kính, trong họ cũng đã dần dần bớt thiêng. Họ tìm đến những gì phù hợp hơn, thiết thực vỗ về và an ủi họ khi đối mặt với vùng đất mới bao la và dữ dội. Họ cần trước hết là những bài học về đức làm người, cụ thể, giản dị và sinh động chứ không phải là (bởi vì cũng khó có thể là) sự nghiền ngẫm thiên kinh vạn quyển với vô số những triết lý cao siêu. Và, Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành giàu nhiệt huyết nhập thế một cách tích cực đã mau chóng đáp ứng được điều này. Ở đâu có đất mới được mở ra là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với một xã hội lầm lũi” [3, 156].

 Phật giáo với giáo lý luân hồi lục đạo đã đi vào lòng người, những lý luận, những lời dạy khiến mọi người đều có một lòng tin rằng phải sống thật, sống hiền, sống tốt để khi chết được về cõi lành. Từ đây, con người biết sợ nhân ác, luôn làm những điều thiện, làm hết sức mình để đem lại niềm vui đến cho đời, để nhận lấy những niềm vui.

Hơn nữa, xét ở bản chất giáo lý cũng như cách thức truyền bá giáo lý, Phật giáo không lấy sự kỳ thị và cưỡng chế làm cứu cánh mà lấy hòa đồng làm cứu cánh do đó cũng có thể nói mối quan hệ cộng hưởng giữa Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo trong phạm vi nhà Nguyễn lúc bấy giờ cũng đã được diễn ra một cách hồn nhiên, tự nó do khả năng thu hút, hoán cải, hoặc ảnh hưởng lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau đến một chừng mực nào đấy mà có chứ không bị lợi ích thực tiễn của một thế lực nào chi phối, làm cho méo mó.

2.3. Sự mộ đạo và chính sách chính trị của các chúa Nguyễn

Một điều kiện quan trọng làm nhân tố tích cực cho quá trình phục hưng: Đó là quan điểm chính trị cởi mở của chính quyền nhà nước dưới thời chúa Nguyễn và trong đó có cả sự mộ đạo của các chúa Nguyễn. Dưới sự hộ trì của các chúa, Phật giáo tại Đàng Trong phát triển rất mạnh. Tuy rằng các chúa không lấy Phật giáo làm quốc giáo như thời Lý - Trần, nhưng lại lấy Phật giáo làm chỗ dựa cho chính sách an dân trị quốc. Đây không phải là lòng tốt cá biệt, tự phát của một vị vua nào muốn chứng tỏ mình có bụng khoan hòa và triều đại mình là thịnh trị. Mà quan điểm chính trị cởi mở ở đây là tư tưởng chung quán xuyến đời sống do bản lĩnh và sự mẫn cảm phi thường của người nắm vận nước, thấu hiểu được các yêu cầu lịch sử và được cụ thể hóa bằng chủ trương, chính sách triều đình. Nhờ thế, nó có tác dụng cố kết lòng dân, giải tỏa dần mọi ức chế, ổn định tâm lý xã hội.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chúng ta thấy những điều mà các chúa Nguyễn làm là hoàn toàn phù hợp với tình hình chính trị thực tại. Vùng đất Đàng Trong trước kia thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh là những cư dân nông nghiệp sơ kỳ đồ sắt. Họ trồng lúa nước ở đồng bằng, làm nương rẫy ở miền núi, biết đi biển - đánh cá, biết rèn sắt và có thể đúc đồng, biết xe sợi dệt vải, chế tác thủy tinh. Họ làm ra các đồ trang sức tinh mỹ. Sản xuất phát triển, họ đã có trao đổi buôn bán với các vùng khác. Tiếp nối văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa Chăm Pa. Họ từng có một nhà nước hùng mạnh và một nền văn minh rực rỡ. Nhiều kinh thành, đền tháp của người Chăm rất đồ sộ với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc rất cao. Trong giai đoạn đầu của cuộc Nam tiến, những người Việt di cư sống lẫn lộn với người Chăm. Lúc ấy, văn hóa của người Chăm vẫn còn nhiều và đôi lúc ảnh hưởng đến người Việt. Người Việt luôn muốn tìm về với cội nguồn văn hóa của mình để gắn kết nhau và làm chỗ dựa trên miền đất lạ. Nho giáo đã không được coi là sự áp dụng phù hơp, vì văn hóa Chăm Pa hoàn toàn xa lạ với Nho giáo nên dễ đưa đến sự xung đột, ảnh hưởng đến sự cai trị của chúa Nguyễn. Các nhà sư Phật giáo với sự nhập thế tích cực đã đem lại niềm an lạc trong đời sống tinh thần của những người Việt di cư. Hơn nữa, Phật giáo có những sự tương đồng trong việc thờ tự của người Chăm nên họ không cảm thấy bỡ ngỡ khi tiếp cận.

Xuất phát từ nguyên nhân trên, cộng với tâm đạo của mình, các chúa Nguyễn đã trùng kiến và xây dựng rất nhiều chùa trên hai xứ Thuận - Quảng. Năm 1601, chúa Tiên-Nguyễn Hoàng cho trùng tu chùa Thiên Mụ. Năm 1602, khi đi lạc thành chùa Thiên Mụ, Chúa lại phát nguyện trùng tu chùa Sùng Hóa. Năm 1607, Chúa lập chùa Bửu Châu ở Quảng Nam. Năm 1609, Chúa lập chùa Kính Thiên ở xã Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy-Quảng Bình.

Năm 1665, chúa Hiền - Nguyễn Phúc Tần trùng tu chùa Thiên Mụ. Năm 1667, Chúa lại cho xây dựng chùa Vĩnh Hòa ở cửa biển Tư Dung. Tại lễ khánh thành này, Chúa cho mở đại hội Du Già bảy ngày đêm để tạ ơn Tam Bảo và siêu độ vong linh.

Năm 1688, chúa Nghĩa - Nguyễn Phúc Trăn cho trùng tu chùa Vĩnh Hòa. Đồng thời, Chúa còn nhờ thiền sư Nguyên Thiều về Trung Hoa thỉnh cao tăng, pháp tượng, pháp khí sang hoằng hóa tại Đàng Trong.

Năm 1694, Quốc chúa-Nguyễn Phúc Chu thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm sang mở đàn truyền giới tại chùa Thiền Lâm - Thuận Hóa. Quốc Chúa quy y với ngài Thạch Liêm, được đặt pháp danh Hưng Long, hiệu là Thiên Túng đạo nhân.

Phật giáo nơi đây thật sự hưng thịnh. Dười thời các chúa Nguyễn (1558 - 1802) có ba phái thiền được hoằng hóa ở Đàng Trong

1. Phái thiền Trúc Lâm với các tổ sư Viên Cảnh - Đại Thâm, Viên Khoan - Lục Hồ và đặc biệt là tổ sư Minh Châu - Hương Hải đã hoằng dương Phật pháp hậu bán thế kỷ 17. Tổ sư Hương Hải hoằng hóa ở Đàng Trong trong khoảng thời gian 1660 - 1682, nhưng vì lí do chính trị, tổ sư Hương Hải bỏ Đàng Trong ra Đàng Ngoài hoằng hóa cho đến ngày viên tịch (1715). Nhờ tổ sư Hương Hải, phái thiền Trúc Lâm phục hưng và phát triển ở Đàng Trong và còn ảnh hường đối với phái thiền Lâm Tế từ Trung Hoa sang vào bán thế kỷ 17.

2. Phái thiền Lâm Tế ở Đàng Trong do tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch và các thiền sư Minh Vật - Nhứt Tri, Minh Giác - Kỳ Phương, Minh Hoằng - Tử Dung, Minh Hải - Pháp Bảo, Minh Lượng - Thành Đẳng, Thành Nhạc - Ẩn Sơn… phổ truyền đã có mang nhiều ảnh hưởng của phái thiền Trúc Lâm, pháp môn tu hành là Thiền Tông pha Mật Tông chứ không còn thuần túy theo pháp môn “Thiền Tham Công án” của phái thiền Lâm Tế ở Trung Hoa. Phái thiền Lâm Tế đã phát triển mạnh nhất ở Đàng Trong và còn truyền thừa cho đến ngày nay.

3. Phái thiền Tào Động từ Trung Hoa truyền sang Đàng Trong vào cuối thế kỷ 17 với hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) và thiền sư Hưng Liên - Quả Hoằng chỉ hoạt động thình đạt dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), sau đó thì tàn lụi.

Qua những sự kiện trên, chúng ta có thể thấy rằng: Ngoài chủ trương vận dụng tư tưởng Phật giáo để trị nước, các chúa Nguyễn thực sự là những người sùng mộ đạo Phật, tôn trọng chư tăng, làm chùa, tạo tượng, đúc chuông v.v… Chính vì lẽ đó mà các thiền sư từ Trung Hoa đã đến Đàng Trong hoằng hóa và góp phần phát triển đạo Phật nơi đây.

Kết luận

Ở Đàng Trong dưới sự hộ pháp đắc lực và nhiệt tâm của các chúa Nguyễn, với công đức hoằng dương vô lượng của các thiền sư, Phật giáo được phục hưng phát triển mạnh và còn truyền thừa cho đến ngày nay. Nhưng điều đáng tiếc vì tình trạng chiến tranh và ảnh hưởng của chính trị nên tài liệu về Phật giáo tiêu hủy và thất lạc: từ các bản phổ hệ truyền thừa của các phái thiền, lịch sử truyền thừa các chùa, đến tiểu sử và ngữ lục của các thiền sư thời đó.



* Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6705196