SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC NAM KỲ
TS. NINH THỊ SINH*
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG**
Tháng 12/1927, ngài Khánh Hòa đã trình đơn xin phép thành lập Hội Phật giáo (Association des Bouddhistes). Nhưng yêu cầu này không được chấp nhận, bởi vì Bản Điều lệ của Hội có ghi rằng, những người không Phật giáo cũng có thể trở thành Hội viên thường trợ.
Khi nghiên cứu về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, có một điểm đáng lưu ý đó là trước khi Nam kỳ Nghiên cứu Phật học Hội chính thức ra đời ngày 26 tháng 8 năm 19311 thì vào những năm cuối của thập kỷ 20, những người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo, mà thủ lĩnh là Hòa thượng Lê Khánh Hòa và ông Trần Nguyên Chấn đã nỗ lực cho việc thành lập cơ quan nghiên cứu Phật giáo ở Nam kỳ.
Tháng 5 năm Đinh Mão (1927), nghe tin ngoài Bắc có sư Tâm Lai, trụ trì chùa Hang (Tiên Lữ động tự) ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, kêu gọi chấn hưng Phật giáo và đã thực hiện dịch kinh ra quốc ngữ, nuôi dạy trẻ mồ côi tại chùa Phương Lăng, huyện Thuỷ Nguyên, tỉnh Kiến An (nay thuộc Hải Phòng), ngài Khánh Hòa liền cử Giáo thụ Thiện Chiếu ra Bắc, lên tận Thái Nguyên gặp sư Tâm Lai bàn việc thành lập Tổng hội Phật giáo. Do nhân duyên chưa thuận, nên việc thống nhất Phật giáo không thành. Thiện Chiếu về Nam, mang cho Hòa thượng Khánh Hòa Chương trình chấn hưng Phật giáo của Thái Hư Đại sư đăng trên tờ Hải Triều Âm và đề nghị Hòa thượng cùng các bạn đồng chí Huệ Quang, Khánh Anh, Bích Liên…tiến hành ngay kẻo chậm.
Về Sài Gòn, tháng 12/1927, ngài Khánh Hòa đã trình đơn xin phép thành lập Hội Phật giáo (Association des Bouddhistes). Nhưng yêu cầu này không được chấp nhận, bởi vì Bản Điều lệ của Hội có ghi rằng, những người không Phật giáo cũng có thể trở thành Hội viên thường trợ.
Ngày 1/4/1928, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với các vị như Trần Văn Hương, trụ trì chùa Chúc Thọ (làng Nhị Hòa, Biên Hòa), Lê Trí Chất, trụ trì chùa An Phước (làng Tân Phú Đông, Sa Đéc), Phạm Văn Khuê, trụ trì chùa Thạnh Lương (làng Mỹ Khánh, Biên Hòa), Trương Tấn Phát, trụ trì chùa Chúc Thọ (làng Hanh Thông, Gia Định), Thái Văn Cơ, trụ trì chùa Phước Long (làng Mỹ Chánh, Long Xuyên), Nguyễn Văn Tài (Thiện Chiếu), chùa Linh Sơn (đường Douaumont, Sài Gòn)… đã tu chỉnh lại Bản Điều lệ cũ. Điều lệ dự thảo gồm 6 thiên và 41 điều khoản. Trong đó, điều khoản liên quan đến thành phần hội viên được điều chỉnh như sau: “Hội Phật giáo gồm có 3 hạng hội viên: Tán trợ hội viên, Chủ trì hội viên và Thường trợ hội viên. Tán trợ hội viên là những người nào giúp cho Hội ít nữa là một số tiền một trăm đồng Đông Dương (100$) đóng tất một lần. Chủ trì hội viên, khi vào Hội, đóng tất một lần số tiền ba chục đồng (30$) và khỏi góp tiền năm. Trừ cho những người nào ở Sài Gòn hay là cách năm ngàn thước quanh châu thành Sài Gòn, thì tiền vào hội 30$ được đóng làm 3 kỳ trong một năm, nghĩa là cứ 4 tháng đóng 10$, mà, đúng mỗi kỳ, phải đóng nội tháng thứ nhất, chứ không được trễ. Thường hội viên, khi vào hội, đóng tất một lần số tiền năm đồng (5$) và cũng khỏi góp tiền năm”2. Tuy nhiên, khi Sở Mật thám tiến hành điều tra thì đạo hạnh của một số vị tham gia sáng lập có vấn đề, chẳng hạn như sư Trần Văn Hương đã mất ngày 14/10/1926 (Âm lịch) mà trên Bản Điều lệ soạn thảo ngày 1/4/1928 vẫn có chữ ký; ông Trương Tấn Phát, chủ chùa Chục Thọ có qua lại với Bùi Quang Chiêu; ông Thái Văn Cơ có gia nhập đạo Cao Đài; ông Thiện Chiếu đã từng cộng tác với “Pháp Việt Nhứt Gia”… Đây là một trong những lý do khiến cho Hội Phật giáo (Association des Bouddhistes) vẫn không được phép thành lập.
Ông Trần Nguyên Chấn là một người sùng đạo Phật, ông sinh ngày 27/11/1884 tại Sài Gòn. Cùng với sư Lê Khánh Hòa, ông là người khởi xướng và lãnh đạo của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Với sự xuất hiện của đạo Cao Đài, đạo Phật ở Nam kỳ đứng trước nguy cơ mất dần tín đồ; bên cạnh đó, Toàn quyền Đông Dương Pasquier, nhân cuộc viếng thăm các tỉnh miền Tây đã tuyên bố rằng “Quyết định thành lập một Viện Phật giáo ở Nam kỳ để bảo tồn tôn giáo này”3, nhờ vậy, ông Trần Nguyên Chấn đã tiến hành các hoạt động để phục hưng nền Phật giáo cổ truyền của người An Nam. Trước tiên, ông xây dựng chùa Linh Sơn ở đường Douaumont trên phần đất thuộc sở hữu của cá nhân ông. Từ nhiều năm ông đã bỏ tiền ra làm hơn 500 tượng Phật; một nửa trong số đó, ông đem tặng các chùa ở Nam kỳ, số còn lại được đặt trong khuôn viên chùa Linh Sơn. Tiếp đó, với sở nguyện phục hưng Phật giáo ở Nam kỳ, ông đã tham khảo nhiều nhà sư ở Nam kỳ và cuối cùng tìm được sư Khánh Hòa, trụ trì chùa Tiên Linh, Bến Tre, một bậc tu hành uyên bác và nhiệt thành. Vào khoảng cuối năm 1928, hai vị này đã hợp tác thành lập Ủy ban Bảo tồn Phật giáo do thiền sư Lê Khánh Hòa làm Trưởng ban, ông Trần Nguyên Chấn làm Phó ban, cùng với các vị khác như: Huỳnh Thái Cửu, Thái Phúc, Trần Văn (Tri) Giác, Nguyễn Thanh Hậu ở Trà Vinh; Lê Đức Thi, Nguyễn Văn Căn, Trần Văn Khuê, Nguyễn Văn Nhơn ở Sài Gòn và ông Ngô Văn Chương ở Chợ Lớn4. Ủy ban này xin phép nhà cầm quyền thành lập Thư viện Phật học và Phòng đọc, được đặt tại chùa Linh Sơn, số 149, đường Douaumont (nay là đường Cô Giang, quận 1), Sài Gòn.
Chúng tôi không có tài liệu để biết chính xác đơn xin thành lập Thư viện và Phòng đọc được gửi đến nhà cầm quyền vào thời gian nào, tuy nhiên, qua các thư của ông Trần Ngọc Vinh gửi Thống đốc Nam kỳ và Đốc lý thành phố Sài Gòn (bức thư đề ngày 2/9/1929), thì chúng tôi chắc chắn rằng vào thời điểm trước tháng 9/1929. Đồng thời, cũng thấy được cơ sở vật chất, sách vở, chuẩn bị cho sự thành lập này. Theo như hai bức thư ông Phạm Ngọc Vinh gửi cho Thống đốc Nam kỳ và Đốc lý thành phố Sài Gòn, thì ông Trần Nguyên Chấn đã xây cất một tòa nhà rộng 5m, dài 15m trên phần đất thuộc sở hữu cá nhân của ông Chấn, ở đường Douaumont. Tòa nhà này sẽ được sử dụng làm Thư viện Phật học (Pháp Bảo Phương). Thư viện này sẽ tàng trữ kinh sách Phật gồm 1.500 tập bằng tiếng Hán (Đại Tạng Kinh) được đặt mua ở Thượng Hải, trong đó có 820 tập đã đến nơi. Một bộ sưu tập các tác phẩm Phật giáo bằng tiếng Pháp được đặt mua ở Paris, trong đó có 100 cuốn đã về đến nơi. Một tòa nhà khác cũng đang được xây cất, rộng 25, sâu 11m, gồm 6 gian, dùng để làm Phòng đọc (Thích Học Đường) phục vụ tăng sĩ và tín đồ Phật giáo ở Nam kỳ5. Tuy nhiên, cho đến thời điểm tháng 10/1929, đơn xin thành lập Thư viện và Phòng đọc vẫn chưa được phê chuẩn. Vì vậy, ngày 7/10/1929, ông Trần Nguyên Chấn có viết thư cho bà Karpelès là Thư ký của Viện Phật giáo ở Phnom Penh. Trong thư, ông Trần Nguyên Chấn trình bày nguyện vọng thành lập Thư viện Phật học, Phòng đọc, nếu có thể sẽ thành lập một Trường Phật học nhằm mục đích bảo tồn Phật giáo cổ truyền ở Nam kỳ và có nhờ bà Karpelès bằng uy tín và đạo đức của mình tác động tới Thống đốc Nam kỳ.
Ngày 20-22/12/1929, lễ khánh thành Thư viện và Phòng đọc được cử hành, lễ chính diễn ra vào ngày 21/12. Tham dự buổi lễ có ông Eutrope - đại diện cho Thống đốc Nam kỳ, ông Me Béziat - Đốc lý thành phố cùng với nhiều quan chức Nam, Pháp và các chư tăng, tín đồ đạo Phật. Mở đầu buổi lễ, ông Trần Nguyên Chấn có một bài phát biểu, nói rõ lý do dẫn đến việc xây dựng Thư viện Phật học và Phòng đọc cũng như mục đích mà ông theo đuổi. Ông có ý định “xây dựng chùa Linh Sơn thành hạt nhân của Phật giáo Nam kỳ, sẽ thành lập ở đây một trường Phật học cũng như xin phép chính quyền xuất bản một tạp chí bằng quốc ngữ để tán dương đạo Phật”6. Sau đó, quan Đốc lý thành phố chúc mừng ông Trần Nguyên Chấn. Thư viện Phật học và Phòng đọc bắt đầu mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 1/1/1930, thời gian mở cửa như sau:
Tất cả các ngày thứ 5: từ 17h đến 19h
Tất cả các ngày thứ 7: từ 15h đến 19h
Chủ nhật và ngày lễ: buổi sáng từ 8h đến 11h, buổi chiều từ 15h đến 19h.
Song song với việc xin thành lập Thư viên Phật học và Phòng đọc, trong bức thư đề ngày 2/9/1929, ông Phạm Ngọc Vinh gửi cho Thống đốc Nam kỳ, ông cũng xin phép xuất bản tạp chí Từ Bi Âm bằng chữ quốc ngữ để phổ thông giáo lý đạo Phật tới đông đảo các tín đồ nhà Phật không biết chữ Hán, không biết tiếng Pháp. Ông Phạm Ngọc Vinh, sinh ngày 15/12/1903, tại làng Phú Tài, tổng Đức Thắng (Phan Thiết), cha là ông Phạm Ngọc Quát, cựu Thượng thư triều đình Huế, mẹ là bà Trà Thị Thức. Ông Phạm Ngọc Vinh là con rể của ông Trần Nguyên Chấn, làm việc tại nhà băng Đông Pháp từ năm 1923, ông sống tại nhà bố vợ, số 262 Quai de Belgique. Ngày 14/12/1929, Sở Mật thám Sài Gòn có gửi đến Thống đốc Nam kỳ một bản ghi chú các thành phần tham gia biên tập Từ Bi Âm, trong đó có ông Phạm Ngọc Vinh, ông Trần Nguyên Chấn, Hòa thượng Từ Phong, Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Thiện Ngọc, sư Thiện Chiếu, Hòa thượng Phổ Chấn, Hòa thượng Chánh Quả. Ngày 30/4/1931, Nghị định số 2683 do Toàn quyền Đông Dương René Robin ký cho phép ông Phạm Ngọc Vinh được phép xuất bản tạp chí Từ Bi Âm bằng chữ quốc ngữ.
Bên cạnh đó, ngày 28/12/1929, ông Trần Nguyên Chấn thay mặt Ban Trị sự tạm thời gửi đơn lên Thống đốc Nam kỳ xin phép thành lập “Nghiên cứu Phật Học Hội” (Association pour l’Etude et la Conservation du Bouddhisme en Cochinchine) cùng với Bản Điều lệ của Hội. Ban Trị sự tạm thời gồm các vị sau:
Chánh Hội trưởng: Lê Khánh Hòa, Hòa thượng chùa Linh Sơn.
Phó Hội trưởng: Trần Nguyên Chấn, Chánh Thừa Biện hạng nhất tại dinh Đốc lý thành phố Sài Gòn
Thủ quỹ: Trần Văn Khuê, Tri huyện tại phòng thứ sáu dinh Soái Phủ Nam kỳ
Phó Thủ quỹ: Lê Văn Phổ, Thư ký tại dinh Đốc lý thành phố Sài Gòn
Thư ký: Nguyễn Văn Nhơn, Thư ký tại dinh Đốc lý thành phố Sài Gòn
Phó Thư ký: Phạm Ngọc Vinh, Thư ký tại ngân hàng Đông Pháp, Sài Gòn
Cố vấn: Huỳnh Văn Quyền, Thông phán thượng hạng tại dinh Đốc lý thành phố Sài Gòn, Nguyễn Văn Cần, Thừa biện tại dinh Đốc lý thành phố Sài Gòn.
Ngày 19 tháng 8 năm 1931, ông Trần Nguyên Chấn thay mặt Ban Trị sự tạm thời Hội Nghiên cứu Phật học gửi lên Thống đốc Nam kỳ bản Điều lệ tạm thời của Hội được hoàn thiện theo sự hướng dẫn của bức thư số 7190 ngày 7/8/1931. Đồng thời, bày tỏ sự biết ơn khi chính quyền cho phép xuất bản tạp chí “Từ bi âm”. Ông Trần Nguyên Chấn cũng xin được bổ sung thêm hai chữ “Nam kỳ” vào tên Hội bằng chữ quốc ngữ, vừa để diễn tả nghĩa chữ “Cochinchine” sang tiếng Việt, đồng thời cũng để phân biệt với Viện Phật học ở Phnôm Pênh và Phật giáo Tiểu thừa ở Campuchia và Lào.
Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung Điều lệ cũng như kết quả điều tra của Sở Mật thám Sài Gòn, đến ngày 26/8/1931, Thống đốc Nam kỳ J.Krautheimer đã duyệt y bản Điều lệ của Hội và cho phép Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập, theo số 2062.
Như vậy, có thể thấy rằng, trước khi Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được phép thành lập, ở Nam kỳ, bằng nỗ lực chấn hưng của các ông như Trần Nguyên Chấn, Hòa thượng Khánh Hòa… đã xuất hiện các cơ quan nghiên cứu Phật giáo, đó là Thư viện Phật học và Phòng đọc, tiếp theo đó là tạp chí Phật học “Từ bi âm” bằng chữ quốc ngữ nhằm thực hiện sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, khuếch trương giáo lý đạo Phật. Cuối cùng mới là sự ra đời của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Đây cũng là điểm khác biệt so với chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ.
* Khoa Lịch sử, Đại học sư phạm Hà Nội 2.
** Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, TP.Hồ Chí Minh, Phông Thống đốc Nam kỳ, noD9-58.
2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Tp.Hồ Chí Minh, Phông Thống đốc Nam kỳ, noD62-432.
3. Lưu trữ Hải ngoại Pháp, L’Opinion” ngày 18/7/1929.
4. Lưu trữ Hải ngoại Pháp, ANOM-RSC- no227.
5. Lưu trữ Hải ngoại Pháp, ANOM-RSC- no227.
6. Lưu trữ Hải ngoại Pháp, L’Echo annamite, ngày 21/12/1929.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết