Thông tin

SỰ RA ĐỜI CỦA NI ĐOÀN PHẬT GIÁO XỨ BẮC

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu 
Phật giáo phía Bắc thuộc Viện NCPH Việt Nam

 


 

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến nửa sau thế kỷ XIX, bên cạnh sự hưng thịnh hay suy yếu của giới tăng sĩ, hình bóng của các vị sư ni đã thấp thoáng xuất hiện ở xứ Bắc. Sự xuất hiện lác đác của các vị sư ni đó từ thời Lý - Trần đến thời Hậu Lê chưa đủ để tạo nên một phong trào tu tập theo Phật giáo cho nữ giới, mà một trong những trở ngại lớn nhất là sự khắt khe đối với phụ nữ của xã hội Việt Nam mang nặng dấu ấn trọng nam khinh nữ của văn hóa Nho giáo, làm cho cộng đồng ni giới trong suốt chiều dài lịch sử không thể phát triển được.

Từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi trên đất Bắc đã xuất hiện một số vị sư ni là trụ trì các chùa và đến đầu thế kỷ XX Ni đoàn dần dần được phôi thai với nhiều chùa do sư ni trụ trì và có Tổ đình Ni, Sơn môn Ni. Đến năm 2009, ra đời Phân ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Khảo sát một số chùa do sư Ni trụ trì ở miền Bắc

A. Thành phố Hà Nội

1 - Chùa Am (Phổ Quang tự) - ngõ 29 phố Cửa Bắc, dựng vào thế kỷ XIX, từng là chốn Tổ Ni rất lớn, y chỉ vào sơn môn Hòe Nhai, quận Ba Đình.

2 - Chùa Bát Tháp (Sơn Tháp tự) tọa lạc tại số 201, ngõ 209, phố Đội Cấn, quận Ba Đình, dựng từ thời Lý. Những năm 1930-1950 chùa là nơi an cư kiết hạ hàng năm và là trường dạy học dưới sự chỉ bảo của Tổ Trung Hậu, Tổ Tuệ Tạng và Thượng tọa Viên Tu trụ trì. Lịch đại:

1) Ni trưởng Đàm Đoan, họ Nguyễn, quê Phù Đổng, Gia Lâm, thụ học Ni tự chùa Đại Cát (Sùng Khang tự) xã Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm thuộc sơn môn Trung Hậu;

2) Ni trưởng Đàm Nhân, hiệu Minh Đức, họ Hoàng, quê Tây Tựu, Từ Liêm;

3) Ni trưởng Đàm Sâm, họ Phạm;

4) Ni sư Đàm Luật, Đàm Nghiêm;

5) Ni trưởng Đàm Hinh;

6) Ni sư Đàm Thanh - đương kim trụ trì.

3 - Chùa Cầu Đông, tọa lạc ở số 38B, phố Hàng Đường, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chùa dựng vào đầu thế kỷ XVIII, trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn I do sư tăng trụ trì trải 9 đời; giai đoạn II do sư Ni trụ trì:

1) Ni trưởng Thích Đàm Chiên.

2) Ni trưởng Thích Đàm Phụng.

3) Ni trưởng Thích Đàm Thư.

4) Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm.

5) Ni trưởng Thích Đàm Ân.

Cả 5 vị đều thuộc dòng Lâm Tế, chùa Vẻn-thành phố Hải Phòng;

6) Ni trưởng Thích Đàm Tỵ, trụ trì chùa Vân Hồ kiêm trụ trì chùa Cầu Đông.

7) Ni sư Thích Đàm Toàn đương kim trụ trì.

4 - Chùa Đồng Quang (Đồng Quang tự), tọa lạc tại số 15, ngõ 119, phố Tây Sơn, quận Đống Đa, dựng thời Tự Đức (1851). Từ năm 1915, niên hiệu Duy Tân thứ 9 đến nay, chùa là nơi trụ trì của các vị sư Ni thuộc sơn môn Bà Đá.

1) Ni trưởng Nguyên Nhâm, trụ trì Am Cửa Bắc, ngõ 29 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội, kiêm trụ trì.

2) Ni trưởng Đàm Tiến.

3) Ni sư Đàm Luân và Ni sư Đàm Nghĩa.

4) Tỷ khiêu ni Đàm Nền, đương kim trụ trì.

5 - Chùa Hai Bà Trưng (Viên Minh tự),tọa lạc ở phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa dựng năm 1840.

1) Ni trưởng Thích Đàm Kiền, hiệu Ninh Cường Thiền sư.

2) Ni trưởng Thích Đàm Chất.

3)  Tâm địa giới Diệu Nghĩa, họ Nguyễn, quê làng Vũ Xã, tỉnh Thanh Hóa, viên tịch 1852.

4)  Tâm địa giới Đàm Hinh (Tĩnh Hinh), họ Nguyễn, quê Đường Hào, tỉnh Hưng Yên, viên tịch 1889.

5)  Ni trưởng Đàm Thuần (Nhu Thuần), họ Chu, năm 1890 tân tạo Tổ đường, nhà khách, để nơi đây trở thành một danh lam thắng cảnh và chốn Tổ đình Ni lớn.

6)  Ni trưởng Đàm Thu (Minh Mẫn), họ Nguyễn, xã Khuyến Lương, huyện Thanh Trì, Hà Nội kế đăng, năm 1930 trùng tu chùa.

7)  Tỷ khiêu ni Đàm Vinh, đương kim trụ trì.

6 - Chùa Hoàng Mai (Nga Mi thiền tự), tọa lạc tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng, dựng từ năm 1463. Giai đoạn 1, thế hệ tăng trụ trì ghi danh được 4 vị sư tổ. Giai đoạn 2 từ năm 1910 do thế hệ Ni trụ trì:

1) Ni trưởng Đàm Quang, trụ trì chùa Tam Huyền (Sùng Phúc tự) đến trụ trì chùa Hoàng Mai.

2) Ni trưởng Đàm Hòa, Đàm Túc (Chánh trụ trì), Đàm Sâm.

3)  Ni trưởng  Đàm Tín, Đàm Duyên.

4)  Ni trưởng Đàm Hảo, Đàm Kim, đương kim trụ trì.

7 - Chùa Kiến Sơ (chùa Gióng) tọa lạc ở thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Lịch đại tổ sư Ni:

1) Ni trưởng Đàm Minh, họ Đặng, quê thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, Gia Lâm.

2) Ni trưởng Đàm Nhị;

3)  Ni trưởng  Đàm Vĩnh;

4) Ni sư Đàm Nhân hiệu Từ Từ, quê thôn Công Bình, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm.

5) Tỷ khiêu ni Đàm Tuyên, đương kim trụ trì.

8 - Chùa Kim Liên (Hoàng Ân tự), ở phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, dựng từ thời Lê Nhân Tông, dựng lại diện mạo như ngày nay vào năm Nhâm Tý (1792) thời Tây Sơn. Giai đoạn 1: Thế hệ Tăng trụ trì: Trải 8 đời từ Tăng thống Đức Tuấn, hiệu Đạo Diễn, họ Nguyễn, đến đời thứ 8 là thiền sư pháp hiệu Từ Lăng-Thích Cần Cần, họ Đỗ, quê xã Thiết Trụ, tổng Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, viên tịch năm Đinh Mão (1867). Giai đoạn 2: Thế hệ Ni trụ trì, trải 6 đời:

1) Ni trưởng Đàm Hương, hiệu Hoằng Tế (1827-1902).

2) Ni trưởng Đàm Phác, hiệu Minh Hiên (?- 1917).

3) Ni trưởng Đàm Thìn (1892- 1928).

4) Ni sư Đàm Dần (?-1969).

5) Tỷ khiêu ni: Đàm Mão, Đàm Tựu.

6) Ni trưởng TS. Đàm Thành, đương kim trụ trì.

9 - Chùa Kim Sơn tọa lạc ở số 73 phố Kim Mã, quận Ba Đình, dựng năm 1831 gọi là chùa Tàu Mã. Năm 1897, dân làng lại sửa chữa chùa và mời sư Đàm Thịnh về trụ trì và đổi tên chùa thành Kim Sơn:

1) Ni trưởng Thích Đàm Thịnh (Sơn môn Sùng Khang).

2) Ni trưởng Thích Đàm Thụ, hiệu Tuệ Nghiêm (1896-1958).

3) Ni sư Thích Đàm Hỷ (1903- 1981).

4) Ni sư Thích Đàm Tiến, đương kim trụ trì.

10 - Chùa Láng (Chiêu Thiền tự), tọa lạc cuối phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, dựng từ thời Lý. Vào những năm đầu thế kỷ XX, chùa có các vị Ni từ sơn môn Khê Hồi, huyện Thường Tín đến trụ trì, tu sửa chùa cảnh, truyền trì chính pháp:

1) Ni trưởng Thích Chiếu Mẫn - Từ Nhân.

2) Ni trưởng Thích  Đàm Thụy- Nhẫn Thuận.

3) Ni trưởng Thích Đàm Miên.

4) Ni trưởng Thích  Đàm Tịnh - Phúc Tuệ.

5) Sư ni Thích Đàm Dụ - Chính Trực.

6) Sư ni Thích Đàm Hiển.

7) Sư ni Thích Đàm Lý - Tự Tại.

8) Sư ni Thích Đàm Thỉnh - Yên Hòa.

9) Tỷ khiêu ni Thích Đàm Huyền, đương kim trụ trì.

11 - Chùa Nam Đồng (Càn An tự),tọa lạc tại số 32, ngõ 64, phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội, dựng năm 1141. Vào thế kỷ XVIII, thiền sư Tính Tuyền Thích Trạm Trạm (1674-1744) đệ tử thiền sư Như Trừng Lân Giác (1690 -1733), thỉnh 300 bộ kinh sách Phật (trong đó có luật Tỷ Khiêu) từ Trung Quốc về tàng tại chùa Nam Đồng. Thế hệ tăng trụ trì thống kê được 8 vị. Từ năm 1946-1951, chùa hoang tàn vì không có sư trụ trì. Năm 1952, Tỷ khiêu ni pháp danh Đàm Hỷ, hiệu Từ Phương, về trụ trì, chấn hưng Tổ đình, tu sửa chùa cảnh, mở trường đào tạo ni giới; các thế hệ Ni tiếp sau:

2) Ni trưởng Đàm Nguyên, Đàm Chung.

3) Ni trưởng Đàm Duyệt.

4) Ni sư Đàm Tiến.

5) Tỷ khiêu ni Đàm Tịnh, đương kim trụ trì.

12 - Chùa Sải (Tĩnh Lâu tự) phố Võng Thị, làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, dựng đầu thế kỷ XVII. Do chiến tranh nên các thế hệ trụ trì bị gián đoạn, Giai đoạn sư tăng trụ trì thống kê được 3 đời từ trước 1799 đến sau năm 1899: Thiền sư Hải Vĩnh, thiền sư Thích Thông Toàn hiệu Thuần Hợp, thiền sư Thích Thanh Cảnh. Thế hệ Ni trụ trì:

1) Tâm địa giới, sư ni Tịch Niệm, trụ trì trước năm 1845.

2) Tâm địa giới, sư ni Thích Diệu Thìn trụ trì sau năm 1845.

3) Tỷ khiêu ni Đàm Huân.

4) Tỷ khiêu ni Đàm Chung, đương kim trụ trì.  

13 - Chùa Tam Huyền (Sùng Phúc tự), tọa lạc ở số 47, ngõ 117, đường Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, dựng từ thời Lý. Giai đoạn 1 do thế hệ tăng trụ trì. Trải 4 đời, từ đời thứ nhất là thiền sư Tính Tuyền - Thích Trạm Trạm (1674-1744)[1]. Giai đoạn 2 do thế hệ Ni trụ trì từ năm 1907:

1) Ni trưởng Thích Đàm Quang, họ Nguyễn, quê xã Hạ Trì, huyện Đan Phượng, Hà Nội. 14 tuổi xuất gia tại chùa Đại Cát (Sùng  Khang tự); năm 20 tuổi thụ Tỷ khiêu ni giới tại chùa Trung Hậu, huyện Mê Linh, Hà Nội; sau về trụ trì chùa Tam Huyền kiêm chùa Hoàng Mai.

2) Ni trưởng Thích Đàm Dược, quê Xuân Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội;

3) Ni trưởng Thích Đàm Tuệ, quê Đan Phượng, Hà Nội.

4) Ni trưởng Thích Đàm An.

5) Ni trưởng Thích Đàm Cát, quê Vĩnh Phúc.

6) Ni trưởng Thích Đàm Hào, viên tịch năm 1998 tại chùa La Cả, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

7) Ni trưởng Đàm Hảo, Ni trưởng Đàm Kim (trụ trì chùa Hoàng Mai) đương kim trụ trì nhưng ủy thác đệ tử Đàm Xuân làm Giám viện trực tiếp trông nom.

14 - Chùa Xã Đàn (Kim Yên tự), tọa lạc tại số nhà 4/106 ngõ Xã Đàn II, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội, dựng từ thế kỷ XV. Giai đoạn tăng trụ trì chùa:

1) Thiền sư Huệ Minh - trụ trì trước và sau năm 1676.

2) Thiền sư Giác Lâm - trụ trì trước và sau năm 1699.

3) Thiền sư Thanh Chiêu tự Đạo Ban.

Thế hệ Ni trụ trì gồm:

1) Ni trưởng Thích Đàm Ấn - Minh Đức, họ Nguyễn, sinh năm Quý Sửu (1853), tịch năm Ất Mão (1915), quê thôn Ngọc Chỉ, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.

2) Ni trưởng Thích Đàm Phú - Thuần Cẩn.

3) Ni trưởng Thích Đàm Hiên.

4) Ni trưởng Thích Đàm Đậu (Dung) - Thuần Hòa (1912-1965), đệ tử cụ Đàm Phú -Thuần Cẩn.

5) Ni sư Thích Đàm Bình, đương kim trụ trì. 

15 - Chùa Vân Hồ (Linh Thông tự),số 40 phố Lê Đại Hành, dựng năm 1814, lịch đại tổ sư ni:

1) Sư ni Tịch Địch Bồ tát Tâm địa giới, thế danh Hoàng Thị An; thuộc Tổ đình Am Cửa Bắc, Hà Nội.

2) Ni trưởng Chiếu Tố.

3) Ni trưởng Đàm Tuyến, hiệu Từ Ty.

4) Ni trưởng Đàm Phận, sư ni Đàm Đoan, hiệu Thuần Hòa.

5) Ni trưởng Đàm Y, Ni trưởng Đàm Tỵ hiệu Từ Hòa.

6) Ni sư Đàm Hợp, đương kim trụ trì.

B. Hải Phòng

Theo Hòa thượng Kim Cương Tử, Hải Phòng có 4 sơn môn Ni:

1 - Phùng Khoang (Thanh Xuân tự) từ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xuống.

2 - An Lãng (Chiêu Thiền tự) từ chùa Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội xuống;

3 - Phú Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xuống;

4 - Chùa Lạc Viên (Quang Huy tự) khởi đầu là sư tăng Thích Minh Tiến từ Hải Dương sang. Đến năm 1909, sư Thích Đàm Huệ (1883-1960) ở Hà Nội xuống chứng cảnh lần lượt tu tạo.

C. Tại tỉnh Ninh Bình,từ nửa cuối thế kỷ XIX, các sư Ni thụ giới y vào hai sơn môn tăng lớn là chùa Cổ Loan Tp Ninh Bình, dòng thiền Lâm Tế và chùa Đồng Đắc, huyện Kim Sơn, dòng thiền Tào Động. Sau, xuất hiện các Tổ đình đào tạo sư Ni như chùa Chấm, chùa Mía ở Tp Ninh Bình, chùa Am Tiên ở huyện Hoa Lư.

D. Tỉnh Thái Bình có Tổ đình Ni Đa Cốc, huyện Kiến Xương và Tổ đình Ni Thanh Châu (Trường Khánh tự), xã Nam Hải, huyện Tiền Hải. 

E. Tại các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang… các sư ni y vào các sơn môn hay tổ đình tăng mở giới đàn thụ giới Sa di ni, Tỷ khiêu ni giới, Tâm địa Bồ tát giới.

Từ kết quả khảo sát nói trên, có thể rút ra:

Việc tổ chức thụ giới cho các giới tử chỉ đi vào quy củ từ cuối thế kỷ XIX tại các chùa tuân theo quy định trong bộ Thu giới Nghi Phạm do Tổ Bồ Đề Nguyên Biểu (1835-1906) san khắc năm 1887. Và phải tới những năm 1925-1930, khi tổ Phổ Tiến - Thanh Lịch ở chùa Bổ Đà, Bắc Giang soạn bộ Giới đàn mới phân định rõ ràng giới đàn truyền giới Tăng và giới đàn truyền giới Ni.

Các Tổ đình Ni ra đời y chỉ vào tăng bộ, ví dụ, sơn môn Khê Hồi, huyện Thường Tín có 4 tổ đình Ni: 1) Chùa Dầm (Xâm Dương, xã Ninh Sở); 2) Chùa Trừ (huyện Thanh Oai); 3) Chùa Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm); 4) Chùa Láng (Chiêu Thiền tự). Sơn môn Trung Hậu, huyện Mê Linh có các Tổ đình Ni:
1) Sùng Khang (Đại Cát, quận Bắc Từ Liêm); 2) Bát Tháp (quận Ba Đình); 3) Chùa Tam Huyền (quận Thanh Xuân); 4) Chùa Hoàng Mai (Nga Mi thiền tự) (quận Hoàng Mai),... Nhờ có các Tổ đình này mà Ni giới miền Bắc ngày một thêm đông.

Ngày 6 tháng 11 năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập để hướng dẫn tăng ni Phật tử xứ Bắc tiến hành chấn hưng Phật giáo. Ngày 25 tháng 12 năm 1934, Ban Quản trị họp phiên bất thường cử 4 vị sư tăng làm cố vấn chính thức trong Ban Quản trị (cụ Bình Vọng, cụ Vô Thịnh ở Hà Nội), cụ Phúc Chỉnh, Ninh Bình và cụ Tế Cát, Hà Nam. Cử 4 vị cố vấn dự khuyết. Hội đồng thỉnh các vị sư Ni vào Ban Đạo sư (do Tổ Vĩnh Nghiêm làm Trưởng ban; năm 1936 suy tôn ngôi vị Thiền gia Pháp chủ): cụ Đàm Tiến, Đàm Đạo, Hà Nội, cụ Đàm Xám, Hà Đông, cụ Đàm Đoan, Bắc Ninh, cụ Đàm Yến, Đàm Uẩn ở Hà Đông, cụ Đàm Tính ở Bắc Ninh. Các Ni sư Huệ Tâm, Ni trưởng Đàm Soạn là những ngôi sao sáng của giới nữ tu xứ Bắc.

Như thế, theo chúng tôi có thể coi Ni đoàn miền Bắc ra đời vào tháng 12 năm 1934.

Sau ngày Hòa bình lập lại năm 1954 và thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tháng 3 năm 1958, đến đại hội lần thứ 3 (1964), thứ 4 (1972) trong Ban Quán trị Trung ương Hội có 18% ủy viên là sư ni. Nhiều vị như sư Đàm Hiên, Đàm Lý, Đàm Dung, Đàm Xuân… là những người có nhiều đóng góp cho đạo pháp và trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ miền Bắc.

Sau ngày thành lập GHPG Việt Nam, do số lượng nữ tu tăng và nhu cầu thực tế, ngày 28 tháng 2 năm 2008, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam đã ký ban hành Nội quy Phân ban Đặc trách Ni giới (gọi tắt là Phân Ban), gồm 4 chương 20 điều. Đây chính là văn bản chính thức thành lập Bộ phận phụ trách sinh hoạt, tu học, quản lý cơ sở Ni giới nói chung, lấy tên là Phân ban Đặc trách Ni giới. Văn phòng Phân Ban đặt tại Tổ đình Từ Nghiêm, số 415-417 đường Bà Hạt, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, là một bộ phận thống nhất của Văn phòng Ban Tăng sự Trung ương và được sự lãnh đạo của Văn phòng Trung ương GHPGVN[2].

Chức năng của Phân Ban là y cứ Tỳ Ni Luật tạng, Bát Kỉnh pháp, Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương để hộ trì việc tu học, hành đạo của Ni giới các Hệ phái và sinh hoạt của các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường thuộc Ni giới. Báo cáo với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tăng sự Trung ương nghiên cứu và chỉ đạo giải quyết những vấn đề có liên quan Phân Ban. Đề xuất các dự án, chương trình hoạt động thuộc phạm vi của Phân ban và đệ trình Ban Thường trực HĐTS, Ban Tăng sự Trung ương phê duyệt để thực hiện. Từ nay, Ni đoàn Phật giáo Việt Nam đã có “cây gậy chỉ đường” là bản Nội quy nói trên và tổ chức Phân Ban các cấp để hoạt động. Vấn đề chính bây giờ là sự chèo lái vững vàng của lãnh đạo Phân Ban và quan trọng hơn, đóng vai trò quyết định là nỗ lực cố gắng cá nhân của mỗi thành viên trong phân ban. 

Sự ra đời của Phân Ban các cấp sẽ giúp chư Ni giới đoàn kết, gắn bó hơn nữa trong tu học, Phật sự, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của chư Ni, Phật tử tại địa phương mình mà theo chúng tôi có thể lấy chương trình hành động của Phân Ban Thành phố Hồ Chí  Minh “Phát huy tinh thần đoàn kết - Hòa hợp - Trưởng dưỡng đạo tâm - Trang nghiêm Giáo hội - Phụng sự Đạo pháp và Dân tộc” làm chương trình hành động của Phân ban Đặc trách Ni giới mỗi tỉnh, thành trong cả nước.

 


Tài liệu tham khảo

1. Bút tích của Hòa thượng Kim Cương Tử, chùa Trấn Quốc, Hà Nội, 1990.

2. Thích Bảo Nghiêm - Võ Văn Tường, Hà Nội danh lam cổ tự, 2003.

3. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), 2008.

4. Thích Nguyên Toàn, Hành trạng chư Ni miền Bắc từ thế kỷ XX đến nay, Nxb Tôn giáo, 2015.

5. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn giáo, 2017.

6. GHPGVN, Hội đồng Trị sự, Hiến chương GHPGVN, tu chỉnh lần thứ VI, Nxb Tôn giáo, 2018. 



[1]. Còn gọi là Đỗ Đa lưỡng quốc Hòa thượng. Ngài họ Hoàng, quê huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình là đệ tử đắc pháp ngài Như Trừng Lân Giác, chùa Liên Phái, Bạch Mai, Hà Nội.

[2]. Phân ban Ni giới Trung ương đặc trách các tỉnh thành phía Bắc cũng được thành lập trong năm này, văn phòng đặt tại chùa Quán Sư, số 73, phố Quán Sứ, Hà Nội do Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm làm Trưởng Phân ban.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6116233