SỰ TIẾP BIẾN HỘI LỤC HÒA
HT. THÍCH HUỆ XƯỚNG*
Sự tiếp biến từ “Hội Lục Hòa” đến “Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam” nhằm đáp ứng những thay đổi cần thiết tạo thành “Chiếc cầu nối” đối với mọi tổ chức Phật giáo, mọi tầng lớp Phật tử cùng đưa Phật pháp vào đời và bảo vệ đất nước.
Sau triều đại Lý – Trần, đạo Phật từng bước tụt dốc, dường như chỉ còn hình thức cúng bái, mê tín dị đoan. Chư Tăng hầu hết chỉ lo đi cúng đám, làm nghề sinh nhai. Đến nỗi ông Tăng không khác gì người tục! Đạo Phật bấy giờ bị người chê là yếm thế, tiêu cực hay nhu nhược. Những thập niên đầu của thế kỷ XX, một số tu sĩ Phật giáo đã nhìn ra điều ấy, muốn chấn hưng Phật giáo những mong mạng mạch Phật pháp trường tồn và Hòa thượng Khánh Hòa là người tiên phong.
Sự hình thành Hội Lục hòa
Năm Canh Thân (1920), Hòa thượng Lê Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh) vận động thành lập “Hội Lục Hòa Liên Xã” để đoàn kết chư tăng trong những ngày giỗ Tổ ở các chùa và phát động phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Đó là mục tiêu ban đầu nằm trong hoài bão, nhằm tạo sự đoàn kết, tương thân theo đúng pháp Phật trong giới Tăng sĩ. Ngài còn lo mở trường gia giáo để đào tạo Tăng tài hầu đảm nhiệm trọng trách hoằng dương chánh pháp, dìu dắt người sau. Bên cạnh đó, ngài cần mẫn dịch Kinh, Luật, Luận ra chữ quốc ngữ để phổ cập được trong mọi tầng lớp quần chúng.
Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ phát triển nhờ hoạt động tích cực của chư thiền đức nổi danh thời đó, như: Hòa thượng Lê Khánh Hòa - Thích Như Trí (chùa Tuyên Linh, quận Mỏ Cày, Bến Tre), Hòa thượng Thích Từ Văn (chùa Hội Khánh, Thủ Dầu Một); Sư Thích Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn, Sài Gòn), Hòa thượng Thích Như Phòng - Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên, Q.11), Hòa thượng Thích Như Nhãn - Từ Phong (chùa Giác Hải, Q.6)... Hòa thượng Thích Từ Phong có đức cao, có óc canh tân và nhiệt tâm xiển dương chánh pháp, cố hết sức lo chỉnh lý lại tăng đồ và cải cách sinh hoạt Phật giáo để trừ các tệ đoan trong Phật giáo ở Nam kỳ, nên đã ủng hộ phong trào ngay từ buổi đầu.
Năm 1922, khi Hòa thượng Lê Khánh Hòa đang là chánh chúng Trường Hương mùa an cư kiết hạ tại chùa Giác Lâm đã cùng chư sơn Hội Lục Hòa mừng Giới Đàn tổ chức tại chùa với câu đối:
Từ- Hải - Viên thông khải tam hoàng quang huy châu pháp giới;
Thanh - Phong - Hoằng đạo khai thất tụ phổ thí độ nhơn gian
(Từ Ân, Giác Hải, Giác Viên - trọn mở tam đàn, sáng ngời trong pháp giới;
Thanh Ấn, Từ Phong, Hoằng Nghĩa - khai đạo tịnh, độ người cõi nhân gian)
Đệ tử thiền gia lúc bấy giờ truyền nhau câu nói, “Nhất Chiếu, nhì Linh, tam Không, tứ Đạo”. Đó là để chỉ các bậc tôn đức thạch trụ tài giỏi một là Sư Thiện Chiếu, hai là Hòa thượng Thích Pháp Linh, ba là Hòa thượng Thích Thái Không, bốn là Hòa thượng Thích Thành Đạo.
Từ Hội Lục Hòa…
Năm 1923, Hội Lục Hòa Liên Xã được mở rộng khắp Nam kỳ, thành lập với tên mới là “Hội Lục Hòa Liên Hiệp” nhằm tập hợp “chư sơn Thiền đức” những tăng sĩ yêu nước có hoài vọng vào một tổ chức để duy trì nền tảng Phật giáo cổ truyền, sống theo sáu phép Lục Hòa trên tinh thần Phật giáo.
Năm 1952, do tình hình giặc Pháp lúc bấy giờ khủng bố mạnh, nhằm để giữ vững tổ chức và người, đối phó với âm mưu lợi dụng tôn giáo của Pháp, sau khi Hòa thượng Lê Khánh Hòa viên tịch, đệ tử của ngài là Hòa thượng Thích Thành Đạo (Trần Văn Đước), Giảng sư Thích Huệ Chí (Ngô Đơn Quế) đứng ra xin giấy phép chính thức đổi tên “Hội Lục Hòa Liên Xã” và thành lập “Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam” tại chùa Long An, số 135 đường Cộng Hòa, thuộc quận nhì, Sài Gòn (nay đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1). Hội nghị đã cử Hội đồng Chứng minh và Ban Chức sự Trung ương Giáo hội. Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội gồm có: Hòa thượng Thích Đạt Thanh - chùa Giác Ngộ (Q.10), Hòa thượng Thích Hoằng Đức - chùa Bình Hòa, Hòa thượng Thích Phước An - chùa Bảo Quốc, trụ sở chùa Trường Thạnh. Ban Chức sự Trung ương Giáo hội do Hòa thượng Thích Thiện Tòng - chùa Trường Thạnh (Quận 1) làm Đại Tăng trưởng, Hòa thượng Thích Pháp Nhạc trụ trì chùa Long An (Quận 1) làm Tăng Giám, Hòa thượng Thích Thành Đạo - trụ trì chùa Phật Ấn làm Phó Tăng giám, Giảng sư Thích Huệ Chí là Tổng Thư Ký, Ban Hoằng pháp gồm Trưởng ban Hòa thượng Thích Huệ Thành - trụ trì chùa Long Thiền (Đồng Nai), Phó ban Hòa thượng Thích Pháp Lan - trụ trì chùa Khánh Hưng (Q.3)… Văn phòng Giáo hội đặt tại chùa Long An (Q 1).
Giáo hội cũng có một trường học mang tên “Phật Học Đường Lục Hòa”, được xây dựng cạnh chùa Giác Viên (quận 11) do Giảng sư Huệ Chí làm giám đốc (khi bị bom làm sập, trường được dời về chùa Thiên Tôn (Q.5) và một xuất bản tạp chí lấy tên là Phật học tạp chí, tòa soạn đặt tại chùa Phật Ấn (Quận 1) do Hòa thượng Thích Thành Đạo làm Chủ nhiệm và Giảng sư Huệ Chí làm Chủ bút. Bên cạnh Giáo hội Lục Hòa Tăng, đó là Giáo hội Lục Hòa Phật tử thành lập cùng trong năm do Hòa thượng Thích Minh Thành làm Hội trưởng, Hòa thượng Thích Thiện Hòa làm Phó Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Long Vân (Gia Định). Mục đích chính của Hội nhằm chăm lo tốt đời sống các Phật tử có tuổi, giúp đỡ họ được chu tất khi qua đời. Hội cũng có một nghĩa trang tại Gò Dưa (Thủ Đức) lấy kinh phí làm hộ pháp ngoại cho Giáo hội Lục hòa Tăng.
Năm 1956, Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam gửi văn bản yêu cầu chính phủĐệ Nhất Cộng hòa (1955-1963) thi hành hiệp định Genève tiến hành tổng tuyển cứthống nhất đất nước, không lấy sông Bến Hải - vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Nam Bắc.
Năm 1957, việc yêu cầu chẳng những không thành, mà chếđộ Ngô Đình Diệm còn hòng bóp chết hoạt động và bắt bớ những nhà yêu nước. Chúng thường theo dõi, bắt Hòa thượng Thích Pháp Nhạc - trụ trì chùa Long An (Nancy, Q.1) đánh gãy xương sống, được thả về chùa 7 ngày sau thì mất. Hòa thượng Thích Thiện Nghị, Tăng trưởng Đô Thành - trụ trì chùa Đức Lâm (Q. Tân Bình) và Cư sĩLê Hoàng Minh lần lượt bị bắt đày ra Côn Đảo. Chúng cũng bắt Thượng tọa Thích Minh Gia (chùa Long Vân, Bình Thạnh), Thượng tọa Thích Minh Giác (chùa Long Vân, Bình Thạnh), cư sĩ Tín Hải… đưa về nhà giam Chí Hòa. Do vậy, văn phòng dời về chùa Phật Ấn.
Năm 1960, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, nguyên Hội trưởng Phật Giáo Cứu Quốc Nam Bộ là Đốc giáo Phật học đường Lục Hòa sau cuộc họp tại chùa Thiên Tôn (Q.5), cùng Thượng tọa Thích Tín Tâm (Long An), Đại đức Thích Bửu Định (Đồng Nai) cũng đồng bị bắt đày ra Côn Đảo. Hòa thượng Thích Thành Đạo, Tăng Giám Giáo hội Lục hòa Tăng - trụ trì chùa Phật Ấn, bị bắt đưa về nhà giam Chí Hòa. Còn Hòa thượng Thích Minh Đức, Phó Tăng Giám Giáo hội Lục Hòa Tăng, lánh nạn chùa Long Định (Tịnh Biên, Châu Đốc), Hòa thượng Thích Thiện Hào, Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Lục Hòa Tăng và là Hội trưởng Hội Lục hòa Phật tử thoát ly vô chiến khu được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Lãnh đạo Giáo hội Lục hòa Tăng lúc bấy giờ chỉ còn Hòa thượng Thích Bửu Ý - trụ trì Tổ đình Long Thạnh (Q. Bình Tân) và Hòa thượng Thích Huệ Thành - trụ trì chùa Long Thiền (Đồng Nai), tiếp tục thể hiện lập trường kiên định cùng nhân dân đánh đuổi kẻ thù chung, giành độc lập thống nhất đất nước. Một lần nữa văn phòng lại phải di dời về chùa Giác Lâm.
Năm 1961, khi chư vị lãnh đạo Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam bị khủng bố, tất cả các chùa mang bảng hiệu Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam đều buộc tháo dỡ, thì Hòa thượng Thích Trí Hưng - trụ trì chùa Thiền Lâm (Phú Lâm) kết hợp Võ Tử Hạ thân với chính quyền Ngô Đình Diệm mời chư sơn về chùa Giác Lâm (Q.Tân Bình) họp để tiến hành thành lập Giáo hội Cổ Sơn Môn. Nhưng Hòa thượng Thích Đạt Thanh - trụ trì chùa Long Quang (Bà Điểm) chứng minh của Giáo hội Lục hòa Tăng, [người cùng với Hòa thượng Thích Khánh Hòa học chung trường Phật học Song Tra (Đức Hòa), ngài là bậc thượng thủ của Nam Kỳ, cùng Hòa thượng Thích Tịnh Khiết thượng thủ Trung Kỳ và Hòa thượng Thích Mật Ứng thượng thủ Bắc Kỳ họp tại chùa Tự Đàm (Huế) tiến hành thành lập Giáo Hội Tăng Già Toàn quốc 1951] không đồng tình với thỏa hiệp.
Khi Hòa thượng Thích Bửu Ý đương chức Tổng Thư ký Hội Lục Hòa Tăng lúc bấy giờ đến họp trễ, Hòa thượng Thích Đạt Thanh ngầm ra hiệu “rầy và bảo ra sau rửa mặt rồi lên họp”. Hòa thượng Thích Bửu Ý ra đằng sau và bỏ về Tổ đình Long Thạnh. Vì thiếu chữ ký của Hòa thượng Thích Bửu Ý nên việc lập Giáo hội Cổ Sơn Môn của Hòa thượng Thích Trí Hưng lôi kéo Giáo hội Lục hòa Tăng là không thành. Điều đó cho thấy rõ ràng rằng, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam không thể nhầm lẫn gọi là Phật giáo Cổ Sơn Môn.
Đứng trước tình hình chư sơn Giáo hội Lục Hòa bị chính quyền Diệm bố ráp, Hòa thượng Thích Bửu Ý cử Đại Đức Thích Thiện Thạnh và thầy Huệ Xướng (tôi) vào chiến khu báo cáo tình hình và xin chỉ thị. Hòa thượng Thích Thiện Hào yêu cầu chư sơn nhẫn nại và thay đổi hình thức hoạt động.
Năm 1968, nhằm để tránh tai mắt chính quyền Đệ nhị Cộng hòa, Hòa thượng Thích Huệ Thành - trụ trì chùa Long Thiền (Đồng Nai) và Hòa thượng Thích Bửu Ý- trụ trì chùa Long Thạnh (Q. Bình Tân) vận động thêm 36 tỉnh thành và 80 quận hội cùng tham gia phong trào yêu nước và tiến hành đại hội thống nhất chuyển tên Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử thành Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam có hiến chương, chia thành hai Hội đồng: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo.
Trong đại hội, Hòa thượng Thích Huệ Thành - trụ trì chùa Long Thiền (Đồng Nai) được suy cử làm Tăng thống. Hòa thượng Thích Minh Thành - trụ trì chùa Long Vân (Q. Bình Thạnh) được suy cử Phó Tăng thống.
Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được suy cử Hội Chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cảm mến đức hạnh của Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng Giám Giáo hội Lục hòa Tăng nhân dịp vào Sài Gòn, lưu trú tại văn phòng thường trực chùa Xá Lợi, số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan đã gửi bức thư: “Từ lâu tôi có ý nguyện thăm viếng chư Hòa thượng và chiêm bái các Tổ đình miền Nam. Nhưng thế nào trên hai mươi hôm rồi, tôi chưa đi đâu được vì phần tuổi già sức yếu, phần khổ bệnh đeo mang. Tuy nhiên, dầu nằm một chỗ, tôi rất thấu hiểu thái độ cao quý và nỗi khổ tâm của Hòa thượng, vì vậy tôi lấy làm thâm cảm và hết sức tán thán “đơn tâm vị pháp” của Hòa thượng. Nhân bệnh tình tôi có phần thuyên giảm, tôi vội vàng viết thư này kính thỉnh Hòa thượng thừa nhàn quang lâm chùa Xá Lợi để huynh đệ chúng ta cùng đàm Phật sự cho phỉ tình hoài vọng của tôi”.
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Thành Đạo chúc mừng Hòa thượng Thích Huệ Thành - trụ trì chùa Long Thiền (Đồng Nai) với câu đối:
Dày công tu học, Huệ giải thông minh hô hào đoàn kết giữa Trung Nam giữ gìn gia phong Phật Tổ.
Chức vịtối cao, Thành tâm cương quyết chấn chỉnh Lục Hòa toàn quốc đáng nêu gương lãnh đạo Tòng Lâm.
Hòa thượng Thích Pháp Lan tặng:
Phật pháp hoằng khai độ chúng sinh
Giáo môn thâm nhập đích chơn kinh
Cổvăn tham khảo thâm thiền học
Truyền tụng thanh danh tán thán thinh
Huệ Nhựt tảo trừ vân dụế
Thành tâm cảm kích triệt hư linh
Tăng tài phạm vũ vi sư hẩu
Thống lãnh tòng lâm tác hải kình.
Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam lúc bấy giờ suy cử Hòa thượng Thích Minh Đức với vai trò Viện trưởng, Hòa thượng Thích Thiện Thuận - trụ trì Tổ đình Giác Lâm suy cử làm Phó Viện trưởng và Hòa thượng Thích Bích Lâm (Tổ đình Nghĩa Phương, Nha Trang) làm Phó Viện trưởng và Hòa thượng Thích Bửu Ý được suy cử Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo cổ truyền năm 1968.
Năm 1971, Hòa thượng Thích Minh Đức viên tịch, Đại hội suy cử Hòa thượng Thích Thiện Thuận - trụ trì Tổ đình Giác Lâm làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Bửu Ý được suy cử Phó Viện trưởng và Hòa thượng Thích Thiện Phú (chùa Giác Viên, Q.11) được suy cử Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam và Thượng tọa Thích Trí Tâm (chùa Nghĩa Phương, Nha Trang) làm Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo cổtruyền Việt Nam.
Năm 1974, Hòa thượng Thích Thiện Thuận - trụ trì Tổ đình Giác Lâm viên tịch, Đại hội bất thường suy cử Hòa thượng Thích Bửu Ý làm Viện trưởng và Hòa thượng Thích Thiện Phú (chùa Giác Viên, Q.11) được suy cử Phó Viện trưởng, Hòa thượng Thích Quảng Kim (chùa Trường Thạnh, Q.1) được suy cử Phó Viện trưởng và Thượng tọa Thích Trí Tâm (chùa Nghĩa Phương, Nha Trang) tiếp tục được cử làm Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam.
Ngày 18 tháng 10 năm 1979, khi đất nước được nối liền một dải, được sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn Phật giáo miền Nam đầu tiên ra tham vấn chư sơn miền Bắc đặt nền móng vận động thống nhất Phật giáo, gồm 12 thành viên: Trưởng đoàn Hòa thượng Thích Bửu Ý, Phó đoàn Hòa thượng Thích Pháp Dõng (chùa Tường Quang), Thư ký Hòa thượng Thích Pháp Lan (chùa Khánh Hưng, Q.3), Phó Thư ký Thượng tọa Thích Trí Quảng (chùa Ấn Quang), Ủy viên Thượng tọa Thích Từ Nhơn (chùa Ấn Quang), Thượng tọa Thích Từ Thông (Tịnh Thất Huỳnh Mai), Thượng tọa Thích Huệ Thới – Minh Hạnh (chùa Ấn Quang), Đại đức Thích Thiện Đức (chùa Pháp Vân, Q.3), Đại đức Thích Minh Thành (chùa Ấn Quang), Đại đức Thích Thiện Xuân (chùa Hạnh Nguyện), Đại đức Thích Huệ Xướng (chùa Giác Lâm), Cư sĩ Tăng Quang Tuyền.
Năm 1981, Đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Một tổ chức mới ra đời, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là hợp nhất của 9 tổ chức:
- Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
- Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam
- Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh
- Giáo hội Thiên Thai giáo Quán Tông
- Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam
- Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tây Nam Bộ
- Hội Phật học Nam Việt.
Đoàn Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam tham dự gồm 12 thành viên: Trưởng đoàn Hòa thượng Thích Trí Tấn (chùa Hưng Long, Bình Dương), Phó đoàn Thượng tọa Thích Trí Tâm (Tổ đình Nghĩa Phương, Nha Trang), Thư ký Đại đức Thiện Xuân (chùa Hạnh Nguyện, Q. Tân Phú), Ủy viên: Hòa thượng Thích Thiện Khải (chùa Thanh Lương, Biên Hòa), Hòa thượng Thích Huệ Đức (chùa Già Lam, Cần Thơ), Hòa thượng Thích Minh Nhuận (chùa Long Vân, Bình Thạnh), Hòa thượng Thích Quảng Kim (chùa Trường Thạnh, Q.1), Thượng tọa Thích Huệ Sanh (chùa Giác Lâm, Tân Bình), Đại đức Thích Huệ Xướng (chùa Giác Lâm, Tân Bình), Đại đức Thích Nhật Ấn (chùa Long Thạnh, Bình Tân), Cư sĩ Thiện Trí – Lê Hoàng Minh, Cư sĩ Thiện Đức – Trương Hiến.
Tóm lại, Hội Lục Hòa do Hòa thượng Lê Khánh Hòa - Thích Như Trí kiến khai đã đặt nền móng cho phong trào chấn hưng Phật giáo khắp cả nước, nâng cao trình độ tu học cho hàng Tăng lữ, cập nhật Phật giáo đến quần chúng bằng chữ Việt. Bên cạnh đó, Hòa thượng còn thắp lên lòng nhiệt tình yêu nước trong Tăng Ni, Phật tử. Sự tiếp biến từ “Hội Lục Hòa” đến “Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam” nhằm đáp ứng những thay đổi cần thiết tạo thành “Chiếc cầu nối” đối với mọi tổ chức Phật giáo, mọi tầng lớp Phật tử cùng đưa Phật pháp vào đời và bảo vệ đất nước. Ngày nay, với ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã “Kế thừa - Ổn định và Phát triển” những gì mà chư Tiền bối hữu công đã tạo nên. Chúng ta chắc chắn sẽ mãi không quên hành trạng của Hòa thượng Lê Khánh Hòa là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ mai sau.
* Trưởng sơn môn Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết