Thông tin

SỰ TRUYỀN THỪA CỦA PHẬT GIÁO VÀO VÙNG CHÂU THỔ

SÔNG MÊ-KÔNG QUA CỨ LIỆU THỜI KỲ

VƯƠNG QUỐC PHÙ NAM VÀ VĂN HÓA ÓC EO -

NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC ĐẶT RA

CẦN NGHIÊN CỨU HIỆN NAY

 

ThS. BẠCH THANH SANG(*)
TT.ThS. LÝ HÙNG(**)

 

Tóm tắt

Những dữ liệu của địa - sử học học, khảo cổ học, những ghi chép của thư tịch cổ về vùng châu thổ sông Mê-kông đã gợi cho chúng ta có những hiểu biết từ quá trình hình thành đến những nét đặc thù của vùng châu thổ này. Đặt biệt, vào cuối năm 1944, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã tiến hành khai quật khu di tích văn hóa Óc Eo. Đây là một phát hiện và một công trình khoa học mang ý nghĩa mở đầu công cuộc nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam trên đất Nam Bộ - Việt Nam.

Sau năm 1975, trên cơ sở tư liệu cực kỳ phong phú sau nhiều cuộc điều tra, khảo sát và khai quật khảo cổ học của các nhà khoa học Việt Nam bao gồm các di chỉ cư trú, di tích kiến trúc, di tích mộ tang và một khối lượng di vật rất lớn với nhiều loại hình và vật liệu khác nhau có sự hiện diện của các tôn giáo trong đó có Phật giáo vào đầu thế kỷ sau Công nguyên trên vùng đất này. Vì vậy, việc nghiên cứu quá trình xuất hiện của tôn giáo nói chung, sự truyền thừa của Phật giáo nói riêng trong thời kỳ Vương quốc Phù Nam và nền Văn hóa Óc Eo là hết cần thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Trong bài tham luận, chúng tôi nêu khái quát về vương quốc Phù Nam và Văn hóa Óc Eo, trên cơ sở đó đưa ra một số luận cứ khoa học và những vấn đề cần nghiên cứu đối với quá trình truyền thừa của Phật giáo vào vùng châu thổ sông Mê-kông, trong đó hướng các nhà nghiên cứu khoa học quan tâm đến địa danh “Suvannaphumi” mà hai vị thánh tăng là Sonatthera và Uttaratthera trong đoàn thứ chính được phân công đến để hoàng pháp.

Abstract:

BRIEF DISCUSSION REFERENCES THE BUDDHA IN LINEAGE DELTA MÊ-KÔNG PERIOD THROUGH ANY MATERIALS FUNAN AND OC EO CUL-TURE - SCIENTIFIC ISSUES NEED TO MAKE THE PRESENT RESEARCH

The site’s data - School historians, archaeologists, the notes of old books on the Mê-kông Delta has reminded us with insights from the formation to the peculiarities of the European this groundbreaking. Especially, in late 1944, the French archaeologist Louis Malleret has conducted excavations ruins Oc Eo culture. This is a discovery and a scientific work meant the beginning of the study of Oc Eo culture and the Kingdom of Funan on Southern soil - Vietnam.

After 1975, on the basis of extremely rich material after many surveys, survey and archaeological excavation of scientists Vietnam including cell residence, architectural monuments, grave monuments tang and a very large volume of artifacts for various types and different materials in the presence of different religions including Buddhism in the first century AD in this area. Therefore, the study of the emergence of religion in general, the lineage of Buddhism in particular during the kingdom of Funan and Cultures all necessary Oc Eo is both theoretical and practical.

In the presentation, we outlined the kingdom of Funan and Oc Eo culture, thereby giving some scientific foundations and research issues that need to process the lineage of Buddhism in Mê-kông delta, in which the direction of scientific research interest in places “Suvannaphumi” the two saints is Sonatthera and Uttaratthera increase in the first group to be assigned to the lecture.

 

1. ĐỀ DẪN

Trang sử Phật,

Đồng thời là trang sử Việt. Trải bao độ hưng suy,

Có nguy mà chẳng mất…

(Hồ Dzếnh)

Những dự liệu của địa - sử học, khảo cổ học, những ghi chép của thư tịch cổ về vùng châu thổ sông Cửu Long đã gợi cho chúng ta có những hiểu biết từ quá trình hình thành đến những nét đặc thù của vùng châu thổ này. Đặt biệt, vào cuối năm 1944, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã tiến hành khai quật khu di tích văn hóa Óc Eo. Đây là một phát hiện và một công trình khoa học mang ý nghĩa mở đầu công cuộc nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam trên đất Nam Bộ - Việt Nam.

Sau năm 1975, trên cơ sở tư liệu cực kỳ phong phú sau nhiều cuộc điều tra, khảo sát và khai quật khảo cổ học của các nhà khoa học Việt Nam bao gồm các di chỉ cư trú, di tích kiến trúc, di tích mộ tang và một khối lượng di vật rất lớn với nhiều loại hình và vật liệu khác nhau có sự hiện diện của tôn giáo trong đó có Phật giáo vào đầu thế kỷ sau công nguyên trên vùng đất này. Vì vậy, việc nghiên cứu quá trình xuất hiện của tôn giáo nói chung, sự truyền thừa của Phật giáo nói riêng trên nền Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam.

Đồng thời nghiên cứu tìm địa danh “Suvannaphumi” mà sau lần kiết tập tam tạng kinh điển, vua Dhammàsoka đã phái các đoàn tăng sứ giả lần đầu tiên đi hoằng pháp khắp nơi ngoài đất nước Ma Kiệt Đà - Ấn Độ, trưởng lão Moggali Putta Tissatthera đã phái chín đoàn tăng sứ giả đi hoằng pháp ở các nơi trong đó có hai vị thánh tăng là Sonatthera và Uttaratthera trong đoàn thứ chính được phân công đi về Suvanaphumi “vùng đất vàng” (tên của người Ấn gọi vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ) là điều rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn đối với Phật giáo nói chung, Phật giáo Nam tông nói riêng.

2. KHÁI QUÁT VỀ VƯƠNG QUỐC PHÙ NAM VÀ VĂN HÓA ÓC EO

Theo PGS.TS. Phan An: “Vương quốc Phù Nam là một thực thể lịch sử, theo các nguồn tư liệu được hình thành từ khoảng đầu Công nguyên và tồn tại cho đến thế kỷ thứ VII. Từ sau thế kỷ thứ II Phù Nam đã mở rộng cương giới ra gần hết phía Nam bán đảo Đông Dương cùng một vài khu vực khác ở Đông Nam Á kế cận. Theo ghi chép trong một vào bộ sử Trung Hoa thì cương giới Phù Nam ngoài phần đất đai ở lưu vực miền Trung và châu thổ sông Mê-kông, còn mở rộng đến một phần đất Thái Lan hiện nay tiếp giáp với Ấn Độ Dương, một phần đất, thành phố nay thuộc Mã Lai”.

Vị trí của Vương quốc Phù Nam ở khu vực Đông Nam Á và châu Á khá đặt biệt, trong một nghiên cứu của nhà khảo cổ học Võ Sĩ Khải đã có nhận xét: “Sự đan xen giữa các nền văn hóa đã tạo ra một cơ tầng bảng địa vô cùng phức tạp ở Nam Đông Dương và đặc biệt ở châu thổ sông Mê-kông, vùng bản lề của các cuộc thiên cư từ đất liền ra hải đảo và từ hải đảo vào đất liền trong các thời đại đá mới và sơ sử. Xã hội Phù Nam đã được hình thành trong bối cảnh lịch sử đó”(1).

Cư dân Phù Nam thuộc nền văn minh lúa nước, một bộ phận sống ở các đô thị, các khu vực ven biển lại thiên về hoạt động thương nghiệp, đặc biệt là ngoại thương, theo các nhà nghiên cứu là một trong những hải cảng lớn của Phù Nam. Óc Eo từng là điểm dừng chân của các thuyền buôn ngoại quốc trên chặn đường Bắc - Nam, Đông - Tây đã góp phần cho Phù Nam trở thành một cường quốc trong khu vực(2).

Về tổ chức xã hội của Phù Nam chia thành các tầng lớp quý tộc, bình dân, nô lệ và tu sĩ, có thể thấy vương quốc này là một tập hợp nhiều tộc người, ngoài khu vực trung tâm ở châu thổ hạ lưu sông Mê- kông, có thể còn có một vài tiểu quốc lệ thuộc.Về văn hóa tinh thần cư dân Phù Nam thờ đa thần, tín ngưỡng thờ đá, thờ lửa. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ rõ nét trong việc cư dân Phù Nam vừa sùng bái đạo Bàlamôn, vừa tín ngưỡng Phật giáo. Đáng lưu ý là Phù Nam là một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á sớm có chữ viết. Chữ Phạn đã trở thành văn tự sử dụng phổ biến trong triều đình và tôn giáo. Nhiều minh văn, bía đá của Phù Nam, cho thấy chữ Phạn đã được sử dụng khá thành thục và uyển chuyển(3).

Theo GS.TS Ngô Văn Lệ: “Văn hóa Óc Eo được phân bố rộng ở vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười, vùng U Minh - Năm Căn, vùng rừng Sắc Duyên Hải và vùng Đông Nam Bộ. Như vậy cư dân Óc Eo đã mở rộng địa bàn cư trú trên một diện rộng ở vùng châu thổ sông Mê-kông một phần Đông Nam Campuchia. Trên địa bàn này từ đầu công nguyên đã phát triển một nền văn hóa với nhiều thành tựu và bản sắc riêng...Văn hóa Óc Eo tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa Ấn Độ như đạo Bà-la-môn, đạo Phật du nhập vào thế kỷ đầu Công nguyên và đã nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống dân cư”(4).

Như vậy, từ đầu công nguyên Văn hóa Óc Eo ở vùng châu thổ sông Mê-Kông đã phát triển một cách rực rỡ làm tiền đề ra đời cho các tiểu vương quốc trong đó có vương quốc Phù Nam là đối tượng được các nhà khoa học nghiên cứu quan tâm nhiều nhất.

Vấn đề đặt ra là, vương quốc Phù Nam và Văn hóa Óc Eo phát triển cùng một thời điểm, trên cùng vị trí địa lý, chủ nhân là ai và có mối liên hệ như thế nào? Hiện nay, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài vẫn còn nhận thức vấn đề này rất khác nhau, thậm chí là phê phán quan điểm lẫn nhau, điển hình như: “Học giả Vũ Minh Giang đã phê phán quan điểm của U. Minkheev và P. Demenchev (chủ biên) trong cuốn Lịch sử Campuchia của Viện Đông phương học Nga là non nớt hay ấu trĩ khi cho rằng chủ nhân Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam là người Khmer”(5).

Vì vậy, chúng ta không thể có được nhận thức đầu đủ và chính xác lịch sử Phù Nam nếu chỉ bó hẹp phạm vị nghiên cứu. Trong Hội thảo quốc tế hôm nay, chúng tôi hy vọng rằng có thể tìm thấy những thông tin có giá trị về Vương quốc Phù Nam cũng như sự truyền thừa của Phật giáo vào vùng đất cổ này qua thư tịch và các tài liệu quý giá khác của các quốc gia: Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan... 

Qua đó, chúng ta có thể lý giải thêm về quá trình truyền thừa của Phật giáo vào địa danh được cho là “Suvannaphumi” mà vua Dham- masokka rajà đã phái các đoàn tăng sứ giả lần đầu tiên đi hoằng pháp khắp nơi ngoài đất nước Ma Kiệt Đà - Ấn Độ sau lần kiết tập tam tạng kinh điển (thời điểm này, Phật giáo đã tổ chức vừa xong Đại hội lần thứ ba, năm PL.234), trưởng lão Moggali Putta Tissatthera đã phái chín đoàn tăng sứ giả đi hoằng pháp ở các nơi trong đó có hai vị thánh tăng là Sonatthera và Uttaratthera là đoàn thứ chính được phân công đi về Suvanaphumi “vùng đất vàng” (tên của người Ấn gọi vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ).

3. NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC CẦN NGHIÊN CỨU ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH TRUYỀN THỪA CỦA PHẬT GIÁO VÀO VÙNG CHÂU THỔ SÔNG MÊ-KÔNG HIỆN NAY

Qua nghiên cứu, nhiều tác giả cho rằng  Phật giáo Nam tông hiện nay được cho là Hệ phái Theravada, truyền vào từ Sri Lanka qua Miến Điện, Thái Lan, Campuchia rồi vào Việt Nam. Cách suy luận nêu trên xem ra rất logic, vì con đường đến Việt Nam phải qua những đoạn đường như vậy. Nhưng nếu nghiên cứu tài liệu Lịch sử Phật giáo Campuchia do Tỳ kheo Pang Khát chủ biên, chúng ta thấy, những điều tưởng chừng như logic đó vẫn còn nhiều vấn đề phải tranh luận.

Phật giáo có một chiều dài lịch sử phát triển thăng trầm trong suốt hơn 25 thế kỷ. Từ Ấn Độ, tôn giáo này lan tỏa ra khắp nơi trên thế giới. Thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, Phật giáo vốn là một thể thống nhất, không có sự phân chia hệ phái. Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, các đệ tử Phật tập trung nhau lại đọc tụng, ghi nhớ những điều Phật dạy, khi đó mới xuất hiện những quan điểm khác biệt về việc thực hành giới luật, hình thành các bộ phái khác nhau. Việc giải thích khác nhau về giáo lý cho thích hợp với tình hình của xã hội vào mỗi thời điểm là chuyện tất yếu. Tuy vậy, bản thân giáo lý Phật giáo không hề có sự phân chia tông phái.

Sự phân chia bộ phái trong Phật giáo bắt đầu xảy ra vào thời kỳ kết tập kinh điển lần II tổ chức tại thành Tỳ Xá Ly (khoảng 100 năm sau khi Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn). Lần phân chia đầu tiên là do sự bất đồng về yêu cầu thay đổi 10 điều giới luật. Các điều này tuy không phải là những thay đổi lớn lao, nhưng đủ để gây ra sự tách biệt Tăng đoàn thành Đại Chúng Bộ (Mahàsamghika), mà đa số là các Tỳ kheo trẻ muốn thay đổi. Số còn lại bảo thủ các giới luật nguyên thuỷ hình thành Thượng Tọa bộ (Theravada). Các cuộc phân phái về sau trở nên phức tạp và đa dạng hơn. Theravada còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy (Sthaviravada) hay Phật giáo Nam tông, quen gọi là Phật giáo Tiểu thừa (hiện nay không còn dùng từ Tiểu thừa).

Chữ Theravada có nghĩa là “lời dạy của bậc trưởng thượng”, do đó nhiều sách còn gọi nhóm này là Trưởng Lão Bộ. Trong kỳ kết tập kinh điển lần III, hội đồng tham gia kết tập đã công nhận giáo pháp gọi là Thuyết Trưởng Lão. Sau đó, người con trai của vua Asoka (A Dục) là Mahinda đã đem cả ba tạng kinh đến Sri Lanka. Ba tạng kinh đã được dịch sang tiếng Pali, trở thành nguồn tạng kinh sử dụng của Phật giáo Theravada cho đến ngày nay.

Sau nhiều ngày tranh luận, các nhà sư không tìm được tiếng nói chung, không thống nhất được quan điểm nên cuối cùng đã hình thành hai phái: Những nhà sư chủ trương giữ nguyên giới luật chiếm số ít và là những vị cao tuổi, ngồi bên trên để chủ trì Pháp hội nên được gọi là phái Thượng Tọa bộ. Những nhà sư trẻ chiếm số đông nên gọi là phái Đại Chúng Bộ. Sau đó, phái Đại Chúng Bộ truyền lên phía bắc sang Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên,… được gọi là Phật giáo Bắc tông hay Phật giáo Bắc truyền. Phái Thượng Tọa Bộ truyền về hướng nam, phát triển xuống Sri Lanka, Myanmar (Miến Điện), Thái Lan, Campuchia, Lào,… nên được gọi là Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Nam truyền.

Qua các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy Phật giáo Nam tông vào Việt Nam qua các nhà truyền giáo từ Ấn Độ theo đường biển tới Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, vùng châu thổ sông MêKông … được đông đảo người dân, đặc biệt là người Khmer Nam Bộ - Việt Nam đón nhận, trở thành tôn giáo của người Khmer, do đó gọi là Phật giáo Nam tông Khmer.

“Theo Phật giáo 2500 năm (xuất bản năm 1957) của Hội Tri thức Phật học (Campuchia), sau khi Đức Phật nhập diệt được 218 năm, có một vị vua tên Dhammàsoka ở Pàtaliputta xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) có lòng tin kiên cố vào Tam bảo vang danh khắp Ấn Độ, là người hộ trì kiết tập tam tạng kinh điển Phật giáo lần thứ ba vào năm PL.234. Sau khi kiết tập tam tạng kinh điển, vua Dhammàsoka đã phái các đoàn tăng sứ giả lần đầu tiên đi hoằng pháp khắp nơi ngoài đất nước Ma Kiệt Đà - Ấn Độ. Về tăng đoàn Phật giáo do Trưởng lão Moggali Putta Tissatthera phái chín đoàn tăng sứ giả đi hoằng pháp ở các nơi như sau:

 

 

TT

 

Tên tăng sứ giả

Nơi tăng sứ giả được phái đến

Địa danh thời điểm PL. 234

Địa danh thời điểm 1957

Chữ Latin

1

Majjhantikatthera

Kasmira Gandhàra

Kasmira Gandhàra

/

2

Mahàdevatthera

Mahisandala

Tỉnh Mai So

Mysore

3

Rakkhitatthera

Vanavàsì- padesa

Phía Bắc tỉnh Kannara

Kannara

4

Yonaka dham- marakkhitatthera

Aparantap- padesa

Tỉnh Kuch
Chăk ret

Gujrat

5

Mahàdhamma-
rakkhitatthera

Mahàrattha

Tỉnh Maratha

Marathe

6

Mahàrakkhitat- thera

Yonakappadesa

Vương quốc Hy lạp

Tây bắc

Ấn Độ

7

Majjhimatthera

Himavantappadesa

Vùng bắc Hy mã lạp sơn

/

8

Mahàmahindat- thera

Tàmbapanni

Đảo Tích Lan

/

9

Sonatthera và Uttaratthera

Suvannaphumi

Suvannaphumi

Đông Nam Á

 

Có đến chín nơi được phân công đến truyền đạo, trong đó điểm thứ chín là vùng “Suvanaphumi” do hai vị Sonathera và Utarathera được phân công đến truyền giáo. Suvanaphumi là “vùng đất vàng”, tên gọi của người Ấn gọi vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ, điểm dừng chân của hai vị tăng nêu trên đến nay vẫn là một “ẩn số”. Mặc dù, nhiều nhà sử học cho rằng Suvanaphumi là đảo Sumatra của Indone- sia, hoặc Tamproling của Malaysia, hoặc Takolla của Myanmar. Một số ý kiến cho “Suvanaphumi” là cả vùng Đông Nam Á. Dường như các nhà nghiên cứu tập trung tìm nơi được cho là vùng đất vàng để xác định là “Suvanaphumi”, còn các yếu tố khác dường như đã bỏ qua, cho nên đến nay vẫn chưa thể tìm ra địa danh đó. Tuy nhiên, đối với người Khmer, trong đó có tăng sĩ Pang Khát chưa đồng tình với những ý kiến nêu trên. Bởi vì, “Suvanaphumi trong tiếng Pali là lục địa vàng chứ không phải là đảo vàng; nếu là đảo thì phải là Suvanatipa hay Suvanatvipa”(6).

Cuối thế kỷ XIX và thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu cố gắng tìm ra bến đỗ đầu tiên của Phật giáo vùng Suvanaphumi (tức khu vực Đông Nam Á), nhưng cho đến nay chưa có đáp án chính thức về việc này. Do chưa có cứ liệu lịch sử cụ thể nên hầu hết các nhà nghiên cứu đoán định là nơi này, nơi kia chứ không khẳng định chính xác. Mặt khác, một số nhà nghiên cứu Phương Tây chưa am hiểu truyền thống ngôn ngữ của cư dân địa phương nên cũng hạn chế trong việc sưu tầm cứ liệu, nên đến nay vẫn chưa tìm ra.

Nhưng theo ghi chép của Phật giáo Sri Lanka liên quan đến sự kiện hai vị tăng đến Suvanaphumi được miêu tả như sau: “Khi các vị đến nơi đây, cư dân địa phương cho các vị là thủy thần đến bắt con em của họ nên định tấn công hai vị tăng nêu trên. Bất ngờ vào lúc đó thủy thần cũng xuất hiện, hai vị A La Hán đã dùng phép thần thông khống chế bọn chúng rồi trừ khử, không để thủy thần đến uy hiếp người dân ở nơi đây nữa. Khi trừ được thủy thần xong, người dân nơi đó hết sức thán phục hai vị tăng rồi quy phục hai vị hoàn toàn, hai vị đã truyền bá Phật giáo tại nơi đó. Cũng trong lúc đó, một vị tăng đã dùng phép thần thông bay lên đỉnh núi đạp để lại “dấu chân trên đỉnh núi” và dấu chân đó còn cho đến nay.

Theo sử liệu ghi chép thì hai vị tăng đến truyền đạo tại vùng Su- vanaphumi đi bằng thuyền buôn và dừng chân ở hải cảng, sau đó xảy ra sự kiện nêu trên. Trong cuốn Lịch sử Phật giáo Campuchia, trang 13 có nêu năm quốc gia có hải cảng lúc bấy giờ, những nơi có khả năng hai vị Alahan dừng chân: Ở Méco Myanmar có ba hải cảng là Takkola, Ténassarim và Vésonga. Ở mũi Malésia (Malaysia) có hải cảng Tamproling. Đảo Sumatra (Indonesia) có hải cảng Banga. Vùng đất vàng Chrisés của Greca (Chrisés des Greca) hay Thành lũy vàng Kin Lin của Trung Quốc. Hải cảng Óc Eo ven biển của Vương quốc Phù Nam.

Những hải cảng có địa danh cổ trên đây đều có khả năng đón nhận hai tăng sĩ trên đến truyền đạo. Các nhà nghiên cứu dường như tập trung vào các vùng đất của Myanmar, Indonesia, Malaysia và tập trung tìm vùng đất vàng, cho đó là điểm dừng chân của hai vị tăng trên. Tuy vậy, đến nay chưa xác định cụ thể nơi nào là vùng đất vàng, là bến đỗ của Phật giáo đầu tiên ở vùng Suvanaphumi, vì từ Suvana- phumi là tên gọi vủa người Ấn chứ ở vùng này không có địa danh đó. Cũng trong cuốn sách này, ở trang 15, Tỳ kheo Pang Khát viết: “Rất tiếc, vì không được tiếp cận để tìm hiểu địa danh cổ của hải cảng (Óc Eo), nhưng đây chính là hải cảng lớn của Vương quốc Phù Nam xưa. Hải cảng này rất quan trọng, vì nó nằm ở giữa Trung Hoa và Ấn Độ, trên tuyến giao thương đường thủy đi khắp nơi xa...”. Đồng thời, tại trang 16, Tỳ kheo Pang Khát viết: “Ở hải cảng này, người ta tìm thấy cổ vật rất cổ có tuổi thọ từ thế kỷ I sau Công nguyên gồm các tượng cư dân, tượng Thần, tượng Phật, đồng tiền La Mã, đồng tiền Ấn Độ và chữ Prhami… Có một đầu tượng Phật rất đẹp làm bằng đồng đen rất cổ, rất tiếc là đã mất hết phần mình. Theo báo cáo của ông Malleret, có thể hiểu, đầu tượng Phật này có từ đầu Công nguyên. Ông cho rằng, tượng này cổ lắm, kiểu Kondhara, từ thế kỷ II hoặc đầu thế kỷ III. Như vậy, hải cảng Óc Eo nên liệt vào hải cảng cổ xưa. Nơi đây đã tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ là Bàlamôn giáo và Phật giáo từ trước Công nguyên”(7).

Như vậy, sự kiện truyền đạo vào vùng Suvanaphumi đã nêu là ở đâu, những nơi đó chắc hẳn còn để lại dấu tích. Chúng ta thử  đưa ra giả thuyết và đi tìm các  địa danh có liên quan đến các sự kiện vừa nêu, có lẽ sẽ dần dần tìm ra vùng đất vàng “Suvanaphumi”. Chúng tôi có thể đưa ra một số kết quả nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam của các nhà khoa học, đồng thời phân tích các tài liệu liên quan đến sự hiện diện của Phật giáo trong thời gian này để các nhà khoa học tiếp tục có ý kiến trao đổi làm rõ hơn:

Theo PGS. Huỳnh Lứa: Từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau chủ yếu là sử liệu Trung Hoa và các bia đá khắc nằng chữ Phạn, người ta có thể phát họa đôi nét về cương giới lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, xã hội của vương quốc này như sau:

Về lãnh thổ, địa bàn của chính quốc Phù Nam nằm ở phía Nam phần Campuchia và Nam Bộ Việt Nam ngày nay. Đế đô của vương quốc này có một thời là Vyadhapura (đô thị của các nhà săn bắn) nằm gần đồi núi Ba Phnôm và ở gần xã Ba – Nam trong tỉnh Prâyvêng (thuộc Campuchia ngày nay). Vương quốc này có một đô thị cảng nổi tiếng sàm uất, trù phú nằm ở vùng Óc Eo - Ba Thê thuộc tỉnh An Giang ngày nay đã thu hút nhiều thương nhân nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư, La Mã…

Về kinh tế thì người Phù Nam sống bằng nghề nông, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Trên lãnh vực nông nghiệp, người Phù Nam trồng lúa…, lãnh vực thương nghiệp người Phù Nam rất thạo nghề buôn bán. Ở các đô thị của vương quốc, đặc biệt là đô thị cảng Óc Eo, hoạt động hang hóa khá phát triển, kể cả buôn bán đường biển với bên ngoài. Nước Phù Nam từ rất sớm đã có nền thương mại Ấn Độ, Trung quốc, Mã Lai, La Mã, Ba Tư..

Về mặt đời sống xã hội, … phụ nữ Phù Nam thường mặc váy xà rông và đàn ông Phù Nam thường đóng khố - xam pốt. Cư dân Phù Nam rất sùng tín đạo Bàlamôn và đạo Phật. Những công trình kiến trúc phục vụ tôn giáo, tang ma (đền thờ, đền tháp, mộ hỏa táng thường có quy mô lớn và kiên cố. Họ cũng giỏi tạc tượng tròn (thần, phật) bằng gỗ và đá để thờ”.

Về mặt dân cư, bên cạnh lớp người bản địa, ở Phù Nam nhất là ở các đô thị, cũng sớm xuất hiện những người Ấn-Âu là các thương nhân, đạo sĩ, tăng lữ đến từ Ấn Độ và trở thành tầng lớp trên thống trị xã hội. Ngoài ra còn có những người từ Trung Á, Ba Tư, La Mã hoặc người ở các khu vực lân cận bị Phù Nam bắt về làm nô lệ”(8).

Theo TS. Võ Sĩ Khải thì “Ấn Độ giáo và Phật giáo du nhập châu thổ sông Cửu Long vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Hoàng đế Asoka (trị vì 264-227 Tr CN) của đế quốc Maurya là người tôn sùng Phật giáo. Sự thống nhất chính trị của Ấn Độ dần dần tan rã sau Aso- ka, tuy nhiên từ thế kỷ thứ V-IV là thời kỳ hình thành và phát triển nghệ thuật Phật giáo…Phật giáo là những cải tổ của Asoka đã làm chuyển biến hản hình thái của đạo Bàlamôn. Sau khi Phật thích Ca qua đời, Phật giáo dần dần tách thành hai phái Tiểu thừa và Đại thừa. Từ đầu công nguyên cho đến thế kỷ thứ IV, đạo Bà La Môn dần dần hội nhập vào tính ngưỡng dân gian, mô phỏng lẫn nhau, tìm cách đồng hóa những thần linh địa phương với những thần linh trong điện thờ của mình... Những hội nhập văn hóa trên đã làm thay đổi hẳn bản chất của dạo Bà la môn, chuyển nó thành mọt số tôn giáo mới mà các nhà nghiên cứu sau này gọi chung bằng thuật ngữ Ấn Độ giáo. Về mặt tôn giáo, hầu như các thần linh của Ấn Độ giáo, các biến tướng của họ và hình tượng Phật giáo nói trên đều được tìm thấy ở các di chỉ Óc Eo…(9).

TS. Đào Minh Côn: “Văn hóa Óc Eo là dấu vết vật chất của vương quốc Phù Nam – một trong những quốc gia cổ đại được hình thành sớm nhất ở Đông Nam Á vào thế kỷ thứ I-VI sau công nguyên”(10); “Di tích Gò Tháp đã được coi là “một trong những trung tâm tôn giáo khá quan trọng” có quan hệ với sự kiện “vị thái tử Gunavarman trẻ tuổi, đã được vua cha là Jayavarman phong cho trị vì một lãnh thổ sùng đạo…(G. Coedes. 1931)… Đặc biệt trong khu vực cư trú đã tìm thấy nhiều tượng Phật bằng gỗ và có dấu vết của xưởng thủ công chuyên chế tác các tượng Phật bằng gỗ mà bằng chứng là việc tìm thấy một pho tượng Phật đang trong quá trình chế tác dở, có đủ hình hài nhưng chưa có mắt, mũi, miệng, tóc trên đầu và áo cà sa trên thân”(11).

“Trong văn hóa Óc Eo hai tôn giáo Phật giáo và Ấn giáo được truyền bá rộng rãi. Trong đó Phật giáo hình như được phổ biến trong tầng lớp dân cư lao động, Ba la môn giáo phổ biến trong tầng lớp thượng lưu. Từ khoảng thế kỷ VI-VII về sau, ở xã hội cư dân cổ văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ đã trải qua một thời kỳ biến động khá sâu sắc. Trong đó có yếu tố môi trường và một số yếu tố dân tộc học mới bắt đầu xuất hiện mà mở đầu với cuộc chinh phục của Chân Lạp vào thế kỷ thứ VI làm tan rã nhà nước Phù Nam. Nhưng sự sụp đổ của vương quốc Phù Nam và sự suy tàn của Văn hóa Óc Eo không có nghĩa là chủ nhân của nó theo đó mà mất đi, mà họ vẫn tiếp tục sinh sống trên đất cũ của mình. Không thể có sự thay thế một cơ tầng cư dân bản địa bằng một lớp cư dân khác trên một vùng đất rộng lớn có mật độ cao như vùng châu thổ sông Cửu Long sau một cuộc chinh phục bằng quân sự”(12).

TS. Nguyễn Thị Hậu (Bảo tàng Lịch sử TP. HCM): Một số loại hình hiện vật tiêu biểu… Trong bộ sưu tập hiện vật thuộc Văn hóa Óc Eo tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh có các hiện vật liên quan đến tôn giáo, theo nhận định của L. Malleret, các di vật này đều có niên đại từ thế kỷ I – VI sau công nguyên, thuộc niên đại Văn hóa Óc Eo như:

Đá: Đầu tượng Visnu, bánh xe luân hồi… Đồng: Tượng Phật, tựng bò Nandin…

Vàng: Nhẫn thường có nhẫn trơn nhưng một số có chạm khắc hoa văn rất tinh xảo: Chữ Sansçrit, hình bò Nandin quỳ hay nằm, nhẫn có mặt đá quý…

Gỗ: Đáng chú ý là 03 pho tượng Phật thuộc loại tượng tròn. Các pho tượng điều là tượng Thích Ca đứng trên tòa sen được tạc tương đối hoàn chỉnh theo lối tả thực, hình dáng cân đối, đường nét hài hòa, mang phong cách nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ..”(13). 

Người ta biết đến địa danh Óc Eo khi người Pháp khai quật vùng đất này, còn địa danh cổ của nó là gì? Tôi xin mạo muội quay lại địa danh mà người Khmer, người Việt đã gọi tên vùng đất này đã từ lâu lắm, thậm chí còn sáng tác thêm những truyền thuyết về địa danh này làm cho người ta khi đến đây luôn ghi nhớ đó là Ba Thê. Hiện nay, tên gọi này đã đặt cho xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Còn tên Óc Eo nay là địa danh của thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang (xưa kia là địa phận của tỉnh Rạch Giá).

Các vị tăng sĩ Phật giáo Nam tông Khmer thường đặt trọng tậm nghi vấn vào vùng đất thiêng và địa danh xưa nay đáng quan tâm nhất là Ba Thê. Theo họ, Phật giáo truyền vào Suvanaphumi nhiều khả năng là địa điểm này. Bởi vì, nơi đây có rất nhiều vết tích cổ mà người Pháp đã khai quật trước đây và sau này nhưng chưa được đầy đủ. Do chưa có nhiều chứng tích gì ghi nhận là Phật giáo đã truyền tại đây nên chưa thể khẳng định được. Đối với các tăng sĩ Phật giáo Nam tông Khmer, vì không có điều kiện để sưu tầm, khai quật tìm ra chứng tích cổ về nguồn gốc truyền thừa, chỉ thầm khẳng định Phật giáo Nam tông Khmer không phải được truyền thừa từ Sri Lanka mà từ hai vị Sonathera và Uttarathera.

Việc Hoàng tử Tam Linta được vua cha cử đi học ở Sri Lanka rồi thọ giới Tỳ kheo ở chùa Maha Vihara, sau 10 năm đã mang Tạng kinh từ Sri Lanka về vào cuối thế kỷ XII rồi cho là Phật giáo Nam tông Khmer được truyền từ Sri Lanka là không đúng. Đây chỉ là giao lưu văn hóa Phật giáo để bổ sung cho cái đã có, vì nơi đây đã có Phật giáo đã từ lâu lắm. Xem ra để tìm nguồn gốc bến đỗ của hai vị A La Hán là không đơn giản. Chúng ta hãy tìm nguồn gốc của từ Ba Thê, xem nó có ý nghĩa gì đối với người Khmer ở đây.

Tìm hiểu về từ Ba Thê, bà con ở đây cho biết: Có một vị Sadi tu ở chùa. Một hôm, Sadi đi lên đỉnh núi rồi đột nhiên biến mất. Người dân mới nói là Bát Thê, nghĩa là mất Thera. Từ này sau gọi trại thành Ba Thê cho đến nay.

Truyền thuyết trên đây có một số điểm không hợp lý: Sa di là người tu chưa tròn 20 tuổi; không ai gọi Sadi là Thera. Do vậy, truyền thuyết này thiếu thuyết phục. Bây giờ chúng ta phân tích ý nghĩa từ Ba Thê theo tiếng Khmer.

Ba Thê là danh từ ghép giữa tiếng Khmer và tiếng Pali. Ba, theo tiếng Khmer, là cha, là tổ tiên. Trong lịch sử, người Khmer thường dùng từ Ba cho những nơi quan trọng như: Ba Phnom (núi Tổ), Ba Kôông (cồn Tổ),v.v… Từ này cũng thường sử dụng trong tập quán cưới hỏi của người Khmer như: Mê Ba (Mê là tổ tiên nữ, Ba là tổ tiên nam). Còn từ Thê, tiếng Pali là Thera, như phần trên đã trình bày, nhưng người Khmer thường chỉ gọi là Thê, đến nay vẫn gọi như vậy, ví dụ: chư tăng có tuổi lạp cao gọi là Maha Thê. Thera là chư tăng có nhiều tuổi lạp. Như vậy, Ba Thê nghĩa là chư tăng tổ tiên. Theo nghĩa này, đây là nơi tổ tiên của Phật giáo vùng này. Bởi vì, từ Thera chỉ dùng riêng cho Phật giáo. Như vậy, phải chăng đây là điểm dừng chân của hai vị A La Hán mà Phật giáo sử ở Sri Lanka đã ghi chép, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa tìm ra vết tích của vùng Suvanaphumi(14).

Vào đầu Công nguyên, Hun Tien (Hỗn Điền) đến đây truyền bá Bàlamôn giáo tại vùng này, khi gặp nàng Liễu Diệp, hai người đã kết duyên phu thê rồi lập nên Vương quốc Phù Nam. Hỗn Điền là vị vua đầu tiên của Vương quốc Phù Nam, là người theo Bàlamôn giáo, nên tôn giáo này có cơ hội phát triển rất nhanh trên một vùng rộng lớn trong thời gian khá dài. Tuy Bà-la-môn giáo phát triển như vậy, nhưng không đồng nghĩa với Phật giáo lụi tàn từ lúc đó. Mặc dù không phát triển mạnh lên, nhưng Phật giáo vẫn tồn tại trong công chúng. Khi Châu Đạt Quan đến đây vào cuối thế kỷ XIII cũng ghi nhận điều này, ông cũng thấy là Phật giáo tồn tại đan xen với Bà-la-môn giáo, hai tôn giáo vẫn tồn tại song song.

Người cao tuổi kể lại, đến cuối thế kỷ XIV, Bàlamôn giáo đã suy giảm dần. Các Ban Đíta đặt yêu cầu với các Achar là: Nếu các vị chấp nhận hai điều kiện, chúng tôi sẽ từ bỏ Bà-la-môn giáo về với Phật giáo: một là, giữ lại đầu thần Brhama trong chùa Phật giáo Khmer; hai là, trước khi thực hiện nghi lễ Phật giáo phải cúng thần Peali (thần khỉ).

Achar chấp nhận hai điều kiện này và tín đồ Bàlamôn giáo đã quay về với Phật giáo, từ đó không còn tín đồ của Bàlamôn giáo nữa. Cho đến nay, vào thời điểm Giao thừa, người khmer thường mang đầu thần Brhama ra diễu hành xung quanh chánh điện ba vòng để thực hiện lời hứa của mình. Trong kiến trúc Phật giáo Khmer vẫn còn trang trí đầu thần Brhama. Ở Kiên Giang, trước khi thực hiện nghi lễ Phật giáo, nhiều nơi vẫn còn tổ chức nghi thức cúng thần Peali. Đây là việc thực hiện lời hứa trước Bàlamôn giáo của người theo Phật giáo thuở xưa. Tất cả chùa Khmer trong vùng đều có vết tích của Ba La Môn nhưng rõ nét nhưng là ở Kiên Giang, có thể kể tên một số chùa ở Kiên Giang như: chùa Hòn Sóc, huyện Hòn Đất, nền chùa Tân Hội, huyện Tân Hiệp.

Tóm lại, để đi tìm bến đỗ của hai vị A La Hán đến truyền đạo, cho đến nay, chúng ta chưa xác định được nơi nào khác ngoài Ba Thê. Xuất phát từ cứ liệu là hai vị tăng hoằng pháp tên là Sonatthera và Uttaratthera đi theo thuyền buôn Ấn Độ đến cập cảng Ô Keo (người Pháp ghi là Aukeo, sau đọc thành Óc Eo, thuộc địa phận huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang hiện nay) và truyền đạo cho nhiều dân chúng nơi đây. Sau một thời gian hoằng pháp và tế độ cho các giới tử xuất gia tu học, đủ khả năng trụ trì cứu độ chúng sanh, hai vị thánh tăng này đi từ xóm làng dân chúng lên hướng núi gần cảng Ô Keo rồi không thấy trở về nữa, nên dân chúng và các vị đệ tử gọi là Băt Thê, tức là Băt Thera (nghĩa là mất Thera = mất Thượng tọa). Từ đó về sau, vùng núi này gọi Băt Thê, người Kinh đọc trại âm thành Ba Thê cho đến ngày nay”(15).

Như vậy, Ba Thê có nhiều khả năng được xem là bến đỗ của Phật giáo cách nay hơn hai ngàn năm, với bảy lý do:

Một là, về địa điểm, đây là nơi có hải cảng sầm uất từ cổ xưa, nơi giao thương nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa như đã nêu ở phần II, rất có khả năng đây là điểm dừng chân của hai vị A La hán.

Hai là, nơi đây có nhiều di chỉ khảo cổ lâu đời liên quan đến Phật giáo như: tượng Phật bằng đồng đen, bằng đá, bằng gỗ thuộc nền văn hóa Óc Eo được cho là sớm nhất ở vùng Đông Nam Á.

Ba là, dấu chân tiên trên đỉnh núi Ba Thê, đây là vết tích có nhiều khả năng là dấu chân của hai vị A La Hán đạp còn để lại, có thể đây là vết tích mà các vị muốn để lại cho đời sau, là nơi đặt nền móng đầu tiên cho Phật giáo Nam tông.

Bốn là, địa danh Ba Thê thuộc tỉnh An Giang vẫn còn lại vết tích cho đến nay là yếu tố quan trọng để xác định điểm dừng chân của hai vị A La Hán.

Năm là, người Khmer Nam Bộ được xem là tộc người có truyền thống theo đạo Phật giáo từ lâu đời nhất. Mặc dù trong lịch sử người Khmer có sự đan xen tôn giáo, nhưng đến nay, Phật giáo Nam tông vẫn chiếm vị trí độc tôn trong cộng đồng của họ.

Sáu là, ở phần kết luận cuốn sách Lịch sử Phật giáo Campuchia, Tỳ kheo Pang Khát viết: “Giáo sứ đến truyền đạo ở nước ta có lẽ đã ghé vào hải cảng Óc Eo là hải cảng cổ xưa thời Vương quốc Phù Nam. Ở nơi đây có nhiều cổ vật của Phật giáo và Bàlamôn giáo của văn hóa Ấn Độ, cùng với cổ vật có nguồn gốc từ các nơi xa xôi như Iran và các nước ven biển Méditérané nữa”(16).

Bảy là, dấu chân để lại trên đỉnh núi Tumana (Sumanakùta) được ghi lại trong hai cuốn Đảo sử và Đại sử của Sri Lanka là truyền thuyết nói về đức Phật đã cùng 500 vị Tỷ khiêu tới Calêđa (Kalyani) nhận sự cúng dàng của Vua Mani Long Vương (năm thứ 8 sau khi Phật thành đạo), sự việc này diễn ra ở đảo Tích Lan (Sri Lanka) không phải vùng Suvanaphumi.

Chúng tôi có thể đưa ra giả thuyết: Nếu từ Ba Thê đúng như suy luận, thì có thể việc truyền thừa của hai vị A La Hán vào Suvanaphu- mi là tại đây, nơi có cảng Óc Eo sầm uất, giao thương rộng rãi với một vùng rộng lớn nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Một điều thắc mắc là tại sao Phật giáo truyền vào đây trong thời gian rất sớm mà lại không phát triển được, hầu hết vết tích còn lại ở vùng này là của Bàlamôn giáo? Giải thích vấn đề này, chúng ta phải quay lại lịch sử giai đoạn hình thành Vương quốc Phù Nam.

Tóm lại, kết hợp kết quả nghiên cứu về Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam với nhận định của Tỳ kheo Pang Khát thì Phật giáo được truyền vào hải cảng Óc Eo, có thể là vùng Suvanaphumi nhưng vẫn chưa có cứ liệu hoặc chứng tích chắc chắn vấn đề trên. Mặc dù, hiện nay, chúng ta đều biết Ba Thê là địa danh cổ xưa, phù hợp với những gì chúng ta đang tìm và phù hợp với bối cảnh Phật giáo truyền vào vùng này. Nếu chúng ta chưa tìm ra nơi nào hợp lý hơn, thì có thể đặt giả thuyết Ba Thê là bến đỗ của Phật giáo để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm rõ vấn đề. Đây chắc chắn là điều mà giới tu hành nói chung, tín đồ Phật giáo nói riêng và nhiều nhà nghiên cứu muốn biết rõ hơn.

4. THAY LỜI KẾT

Đồng bằng châu thổ sông Mê-kông Việt Nam ở vào vị thế “mũi nhô” của lục địa Á châu ra biển Thái Bình, nơi giao tiếp hai đại dương, hai luồn gió mùa đông nam, tây nam và hai dòng hải lưu đông nam

– tây nam, vị thế ”ngã ba đường” của các nghệ thuật, tộc người, văn minh(17); thuận hợp giao tiếp văn hóa - kinh tế - kỹ thuật, chuyển tải cảm hứng nghệ thuật, tín ngưỡng từ đất liền châu lục với các đảo cực xa bờ và ngược lại.

Đến những thế kỷ đầu công lịch, làn sóng văn hóa Ấn Độ giáo và Phật giáo từ Tây Phương Thiên Trúc tràn đến xứ sở này và nhiều vùng đất - đảo Đông Nam Á đã làm nên “một cuộc gặp gỡ lịch sử vĩ đại” giữa người bản xứ với người ngoại nhập mang truyền thống văn minh Ấn Độ (Lê Xuân Diệm, 1984)

Theo GS. Phan Huy Lê: Trong phổ hệ vua Phù Nam, ngoài Hỗn Điền trong thời kỳ hình thành Nhà nước sơ khai, còn có hai vua người Ấn Độ theo Bàlamôn giáo đó là Thiên Trúc Chiên Đàn và Kiều Trấn Như. Đạo Bàlamôn, Hinđu, Phật giáo đã giữ vai trò chi phối trong đời sống tinh thần và tâm linh của cư dân Phù Nam(18). 

Vương quốc Phù Nam mặc dù đã chấm dứt sự tồn tại vào đầu thế kỷ thứ VII nhưng lịch sử Phù Nam cùng với di sản Văn hóa Óc Eo trên vùng châu thổ sông Mê-kông là một dòng chảy góp phần tạo thành lịch sử, văn hóa Việt Nam trong đó có Phật giáo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội.

2. Nguyễn Mạnh Cường (2008), Phật giáo Khmer Nam bộ (Những vấn đề nhìn lại), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

3. Trần Khánh Dư (2010), Lược sử Phật giáo các nước theo hệ phái Nam truyền (Nam tông - Tiểu thừa), NXB Tôn giáo, Hà Nội.

4. Võ Sĩ Khải (2004), Lịch sử Việt Nam, tập 2 NXB Trẻ, Hồ Chí Minh.

5. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (6/2014), Kỷ hội thảo khoa học “Phật giáo Nam tông đồng hành cùng dân tộc”, Kiên Giang.

 


(*). Vụ Dân Tộc - Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, TP. Cần Thơ.

(**). Chùa Pitu Khôsa Răngsây, 27/18 Mạc Đỉnh Chi, P. An Cư, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

1. Võ Sĩ Khải (2004), Lịch sử Việt Nam, tập 2 NXB Trẻ, Hồ Chí Minh, tr. 291.

2. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 314.

3. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 315.

4. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 320.

5. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 31.

6. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (6/2014), Kỷ yếu hội thảo khoa học “Phật giáo Nam tông đồng hành cùng dân tộc”, Kiên Giang, tr. 20.

7. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (6/2014), Kỷ yếu hội thảo khoa học “Phật giáo Nam tông đồng hành cùng dân tộc”, Kiên Giang, tr. 20.

8. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr.349-350.

9. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 62-63.

10. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 150.

11. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 158.

12. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 162.

13. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr.172-175.

14. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (6/2014), Kỷ yếu hội thảo khoa học “Phật giáo Nam tông đồng hành cùng dân tộc”, Kiên Giang, tr 22-23.

15. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (6/2014), Kỷ yếu hội thảo khoa học “Phật giáo Nam tông đồng hành cùng dân tộc”, Kiên Giang, tr 87-88.

16. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (6/2014), Kỷ yếu hội thảo khoa học “Phật giáo Nam tông đồng hành cùng dân tộc”, Kiên Giang, tr.24.

17. Groslier, B.P. 1961; Jansé, O. 1961.

18. Hội Khoa học lịch sử (2007), Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế giới, Hà Nội, tr.243.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6795985