Thông tin

SUỐI NGUỒN TỊNH ĐỘ

 

CAO HUY HÓA

 


 

Thời trẻ, nhận thức về chùa của tôi rất đơn giản. Về mặt tu tập, chùa nào cũng giống chùa nào, tụng kinh như nhau, nghi lễ như nhau, thanh quy như nhau, pháp phục cũng vậy. Trong nhà chùa, chủ và khách gặp nhau, chắp tay: A Di Đà Phật!

Sau này, tôi biết nhiều hơn về đạo, phù hợp với thực tế trên đất nước ta và thế giới. Đạo Phật thể hiện với nhiều tông phái: Bắc Tông, Nam Tông, Thiền tông, Khất sĩ, đâu đó lại có Mật Tông… Xem chừng tôi có thể bị hớ, cứ quen A Di Đà Phật khi vào chùa Nam tông.

Cũng như mọi Phật tử khác, ngày nay, tôi cung kính Tăng bảo qua các vị sư dầu thuộc tông phái nào, tuy nhiên, tôi đã quá quen thuộc với chùa Bắc Tông như thời tuổi trẻ, và vì quá quen thuộc, cứ cung kính A Di Đà Phật mà yên tâm ngày qua ngày, không hiểu rõ pháp môn mà mình tưởng quen thuộc.

Một cách sơ đẳng, hình thức chắp tay, niệm Nam mô A Di Đà Phật là biểu hiện tu theo pháp môn Tịnh Độ. A-di-đà là phiên âm chữ Amita, tiếng Sanskrit, dạng viết tắt của hai chữ Amitàbha có nghĩa là “Vô Lượng Quang” - “ánh sáng vô lượng” và Amitàyus có nghĩa là “Vô Lượng Thọ” - “thọ mệnh vô lượng”. Ðây là danh hiệu một vị Phật quan trọng được tôn thờ nhiều nhất trong Ðại thừa, giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc, vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau công nguyên.

Câu “Nam Mô A Di Đà Phật” là câu niệm thường ngày theo pháp môn Tịnh Độ. Người tu theo pháp môn này nguyện khi vãng sanh, sẽ được sinh vào cõi Tây phương của Đức Phật A Di Đà. Trong tất cả các pháp môn, Tịnh độ là pháp môn được phổ biến và thực hành nhiều nhất ở nước ta, cho nên hiện nay hồng danh xưng niệm đó đã trở thành câu niệm Phật quen thuộc trong giới Phật tử xuất gia cũng như cư sĩ tại gia.

Tu mà chỉ cần một câu niệm thôi, dễ quá, có phải không? Có nhiều người, không Phật tử và Phật tử, có vẻ nghi ngờ cách tu đó. Riêng tôi, từ lâu đã theo Phật, tôi không có chút hoài nghi nào vì tôi xem như cơm ăn nước uống, mãi sau này mới tìm hiểu cơm nước đó như thế nào. Đúng là dễ… mà không phải dễ!

Trước đây tôi thường được nghe rằng, pháp môn Tịnh độ do ngài Huệ Viễn (334-416) khai sáng tại Trung Hoa, sau đó được tu tập rộng rãi tại Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam. Nhưng pháp môn đó phải chảy từ nguồn nguyên thủy chứ?

Thật ra, Tịnh độ có từ thời Đức Phật tại thế, đúng hơn là pháp môn Niệm Phật có từ thời Đức Phật. Niệm Phật là gì? Niệm Phật là nhớ nghĩ, quán tưởng, tâm niệm hướng về Đức Phật. “Không riêng pháp môn niệm Phật mà niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Hơi thở ra - Hơi thở vô, niệm Chết, niệm Thân và niệm An tịnh... nếu được tu tập sung mãn đều có thể đạt đến giải thoát. Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu nhưng chỉ cần tu tập một pháp là viên mãn, tất cả các pháp giống như trăm sông đều xuôi về biển và thuần nhất một vị mặn; vị an lạc, giải thoát, Niết-bàn”1.

Niệm Phật A Di Đà là niệm một vị Phật, cũng là niệm vô lượng Phật trong mười phương. Về ý nghĩa niệm Phật, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã thuyết giảng rõ hơn:

“Từ trước đến đầu thế kỷ XX, người tu pháp môn Tịnh độ chỉ sử dụng ba bộ kinh gọi là Tịnh độ Tam kinh gồm kinh Vô lượng thọ, Quán Vô lượng thọ và Di Đà cho thời khóa tu và mục tiêu là niệm Phật để vãng sanh. Nhưng việc chuyên niệm Phật để vãng sanh không thích hợp với nhiều xã hội, nên không được đa số quần chúng chấp nhận. Vì vậy, đến đầu thế kỷ XX, ngài Ấn Quang đại sư chủ trương Tịnh độ Ngũ kinh là thêm hai bộ kinh: kinh Hoa nghiêm, phẩm Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện và kinh Lăng nghiêm, phẩm Đại Thế Chí Bồ-tát niệm Phật viên thông Tam muội, để bổ sung cho sự thiếu sót của pháp tu Tịnh độ”.

“Thực tập pháp môn niệm Phật là Đức Phật đã hạ xuống cho chúng ta đến mức thấp. Vì ở Lộc Uyển, Phật dạy pháp tu Tứ Thánh đế để đạt quả vị A-la-hán, nhưng pháp này cũng khó thực tập để chứng được; vì chúng ta phải tu Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần để đạt Tứ như ý túc và phát triển thành Ngũ căn, Ngũ lực, qua Thất Bồ-đề phần, Bát Chánh đạo, mới đắc La-hán. Thành tựu được tất cả pháp này không dễ, chỉ có năm anh em Kiều Trần Như đắc La-hán sau khi thực tập pháp này. Và sau Phật Niết-bàn, ít người tu chứng La-hán”.

“Vì sự khó khăn đó, Đức Phật mới mở pháp phương tiện để dạy đa số người tu, trong đó có pháp niệm Phật. Mặc dù pháp môn này dễ, nhưng cũng phải tu đúng mới có kết quả tốt”.

“Đặc biệt là pháp môn Tịnh độ dung được hàng thượng căn, trung căn, hạ căn đều tu pháp niệm Phật được. Người hạ căn, tức ở trong tình trạng khó khăn nhất, không thực hiện được pháp môn nào, Phật dạy niệm A Di Đà Phật. Chúng ta suy nghĩ về bốn chữ này là nghĩ về tên của một Đức Phật, hay hạnh của Đức Phật. Như vậy, nghĩ tới Phật và pháp là chính thì chúng ta được an lành, được Phật hộ niệm, vì kinh Di Đà cũng có tên là Phật sở hộ niệm kinh.”

Như vậy pháp môn Tịnh độ đã có từ thời đạo Phật nguyên thủy. Từ đó cho đến ngài Huệ Viễn khai sáng pháp môn Tịnh độ tại Trung Hoa, pháp môn này tồn tại và phát triển như thế nào? Khởi đầu chặng đường này lưu dấu hai vị bồ tát vĩ đại, hai luận sư Phật giáo ở Ấn Độ. Trước hết là Bồ Tát Long Thọ, sống vào khoảng thế kỷ 1 và 2, trong tác phẩm Dabhumi-vibhasa Shastra (Luận Tỳ Bà Sa), đã xác định lời nguyện cơ bản của Phật A Di Đà, lời nguyện thứ 18 (trong 48 lời nguyện), là nguồn gốc và huyết mạch của giáo lý Tịnh độ:

“Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ, muốn sanh về cõi nước tôi; nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh giác, trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch cùng hủy báng Phật pháp.”

Dựa trên huyết mạch này, Ngài đã phân loại giáo lý Tịnh độ là Con đường dễ dàng, phân biệt với Con đường khó khăn của các giáo lý Bồ tát khác. Ngài đã không nói chi tiết về sự dễ dàng của chánh niệm A Di Đà, đặc biệt là niệm danh hiệu, trong Luận Tỳ Bà Sa, để hình thành một khung lý thuyết hoàn hảo cho giáo lý Tịnh độ,

Sau ngài Long Thọ là ngài Thế Thân. Bồ Tát Thế Thân (khoảng 320-400) viết Vãng sanh Tịnh độ luận (Upadesa on the Infinite Life Sutra, tên quen thuộc là Treatise of Rebirth, tạm dịch Luận về Tái sinh). Trong tác phẩm đó, ngài Thế Thân thiết lập các thực hành của giáo lý Tịnh độ, đó là Năm Thực tập chánh niệm: Niệm A Di Đà: tín Phật A Di Đà, kính Phật A Di Đà, nguyện A Di Đà, quán A Di Đà, thờ Phật A Di Đà. Ngài cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập khung cấu trúc của Trường phái Tịnh độ, bao gồm lý thuyết và thực hành khả năng của người tu hành, lợi ích đạt được, v.v.

Như ngài Thế Thân đã tuyên bố trong Vãng sanh Tịnh độ luận, ngài theo kinh điển Tịnh độ nguyên thủy được Đức Phật thuyết để mô tả những công đức và hiệu quả bất khả tư nghì về cõi Phật A Di Đà, và ngài đã hợp nhất kinh điển dưới dạng danh hiệu dễ tụng.

Giáo lý Tịnh độ bao gồm những công đức và giới hạnh thực sự có trong tu tập tha lực của Niệm Danh hiệu, kết hợp với những đức tính đạt được thông qua tu tập tự lực của những đức hạnh thiền định và không thiền định. Điều này có nghĩa là có hai loại lợi lạc để đạt được - một loại dựa trên tha lực và loại kia dựa trên tự lực. Điều này tương tự như Con đường dễ dàng và Con đường khó khăn được phân loại bởi ngài Long Thọ, vì cả hai đều dựa trên lời nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà trong việc phân loại giáo lý Phật giáo.

Khi kinh điển Tịnh độ và Upadesa được truyền sang Trung Quốc, Đạo sư Tanluan (Đàm Loan, 476 - 542) đã viết một bài bình luận về Upadesa (Luận về Tái sinh) đặt nền tảng lý thuyết vững chắc cho việc thành lập trường phái Tịnh độ độc lập.

Trong phần mở đầu bài bình luận, Đạo sư Đàm Loan viết:

Tôi trân trọng đề cập đến Luận Tỳ Bà Sa được viết bởi Bồ Tát Long Thọ: Có hai cách để các vị bồ tát tìm kiếm con đường Bất Thối, một là Con đường khó khăn, và cách khác là Con đường dễ dàng.

Con đường khó khăn: Nói đến thế giới với năm loại vàng thau lẫn lộn, và thời đại không có Phật, nên rất khó tìm kiếm con đường Bất Thối (nghĩa đen là không ngược dòng). Có rất nhiều khó khăn, nhưng có thể được tóm tắt một cách đại khái là năm loại:

1. Những người tu hành không chính thống có vẻ là người có đạo đức, nhưng họ làm hỏng những giáo lý bồ tát đúng đắn.

2. Những vị Thanh văn ích kỷ và họ cản trở lòng từ bi vĩ đại.

3. Những kẻ độc ác không có đức tin phá hủy những đức tính sáng ngời.

4. Phần thưởng đạo đức bị đảo ngược và phá hủy các thực hành thuần túy.

5. Các vị tu hành dựa vào sức mạnh tự lực vì không có tha lực để dựa vào.

Những hoàn cảnh này được tìm thấy ở khắp mọi nơi. Tu tập như vậy là đau khổ, giống như đi trên con đường đất khó khăn và nguy hiểm.

Con đường dễ dàng - bởi điều kiện nhân quả đơn thuần:

1. Tin giáo pháp của Phật;

2. Khát vọng được tái sinh ở cõi Tịnh độ;

3. Nương nhờ cầu nguyện Phật;

4. Đạt được tái sinh trong cõi Tịnh độ;

5. Hoàn toàn tin tưởng vào Phật lực.

Do đó, người tu hành được nhập vào con đường đúng đắn, trực tiếp và biết chắc của giáo lý Đại thừa. “Đúng đắn, trực tiếp và biết chắc” có nghĩa là Bất thối. Tu tập như vậy là niềm vui, giống như đi thuyền trên đại dương rộng lớn.

Đạo sư Đàm Loan, cũng dựa trên suy nghĩ của mình vào hạnh nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà, đã phân loại giáo lý Tịnh độ như là tu tập tha lực, trong khi tất cả các giáo lý Bồ tát khác là tu tập tự lực. Ngài đã xác định ý nghĩa của tự lực và tha lực ở cuối bài bình luận về Luận về tái sinh, như sau:

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ để minh họa sự khác biệt giữa tự lực và tha lực. Một người sợ đọa vào Tam giới khốn khổ thì sẽ giữ giới luật. Bằng cách giữ giới, anh ta thực hành thiền định. Thông qua thiền định, anh ta đạt được sức mạnh huyền bí. Với sức mạnh huyền bí, anh ta có thể đi lại tự do ở các lục địa bốn phương. Điều này được gọi là tự lực.

Hoặc xem xét một du khách hạ căn đến mức anh ta thậm chí không thể cưỡi được con lừa. Tuy nhiên, anh ta gia nhập đoàn tùy tùng của một vị vua bay, xoay bánh xe, và sau đó có thể đi khắp các lục địa bốn phương mà không gặp bất kỳ khó khăn hay cản trở nào. Điều này được gọi là tha lực.

Đừng dại dột! Tất cả những người học và tu tập trong tương lai, những người nghe về tha lực nên tin vào điều đó. Đừng cản trở bản thân bạn, mà chỉ đơn giản là tận dụng nó.

***

Có thể quan niệm rằng tu tập tự lực là tu tập Giới, Định, Tuệ, trong khi tha lực có nghĩa là Niệm Phật A Di Đà, liên quan đến sự tái sinh ở miền Cực lạc.

Dòng truyền thừa không đứt đoạn biểu thị cho chánh pháp được truyền trực tiếp từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bất cứ ai tuân thủ nghiêm ngặt dòng truyền thừa và thực hành giáo lý Tịnh độ sẽ được giải thoát khỏi sanh tử, đạt được trạng thái bồ tát bất thối chuyển và giải thoát tối hậu trong cõi Phật. Điều này đúng ngay cả với những người trong chúng ta sống trong thời đại không có Đức Phật và trong thế giới có năm loại vàng thau lẫn lộn.

Như vậy, câu niệm A Di Đà và năm thực tập chánh niệm nếu được người tu thực hành nhất tâm, sung mãn thì theo giáo lý Tịnh Độ, cõi Phật A Di Đà là không xa, cho dầu người tu là bình thường hay thiện tri thức.

Tháng 7/2020

TÀI LIỆU SỬ DỤNG:

- HT Thích Trí Quảng, Tịnh độ ngũ kinh, Giác Ngộ nguyệt san,27/9/2019.

- Quảng Tánh, Pháp tu Niệm Phật trong thời Thế Tôn tại thế, website phatgiao.org.vn, 13/7/2020.

- Alan Kwan, The Unbroken Lineage of the Pure Land Teaching,Buddhistdoor Global, 23/6/2020.

 


1. Theo:https://phatgiao.org.vn/phap-tu-niem-phat-trong-thoi-the-tontai-the-d42578.html

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6116155