SUY NGHĨ VỀ NHỮNG CHIẾC CẦU
VIÊN HƯƠNG
Chiếc cầu đã trở nên rất quen thuộc trong đời sống của người dân Việt Nam, một đất nước với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Bất luận nông thôn hay thành thị, con người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc cầu. Nó không chỉ là chiếc cầu nối liền đôi bờ, mang lại cho người dân sự thuận tiện trong đi lại, mà còn là hình ảnh ví von cho lòng thương yêu, sự tử tế, là sự kết nối giữa những con người với nhau như những chương trình truyền hình hay báo đài thường tổ chức: nhịp cầu thân ái, nhịp cầu bạn đọc, nhịp cầu tri âm v.v… Nhưng trong đời sống của chúng ta, cũng có lúc ta gặp phải nghịch cảnh, bị người phụ bạc hay đối xử không như mình mong muốn, và người ta cũng hay trách đối phương với câu nói “Qua cầu rút ván”. Khi gặp cảnh không như ý, ai cũng cho rằng mình là người bị hại, là người đáng thương, còn đối phương là kẻ xấu xa, bội bạc.
Như câu chuyện của một người bạn đã từng đau khổ, khóc ròng mà kể với tôi rằng: Mình thật đau khổ, mình chẳng thiết sống nữa. Thân là một người con gái xa quê nơi đất khách, bạn ấy không hài lòng với hoàn cảnh hiện tại và cảm thấy đau khổ. Khi ra tòa ly hôn, vì bạn đi nước ngoài theo hình thức lấy chồng định cư nên chỉ mới vỏn vẹn 3 năm mà đã ly hôn, nên bị mẹ chồng cho rằng con bà chỉ là một chiếc cầu, một chiếc cầu để người ta làm bàn đạp đi qua xứ người. Một chiếc cầu không hơn không kém chứ chẳng phải tình nghĩa gì cả. Còn bạn thì cũng uất ức nhiều bởi bạn đã sinh được hai thiên thần nhỏ cho gia đình chồng. Bạn cũng nói không hề coi hôn nhân là sự đổi chác hay chồng chỉ là chiếc cầu mà thôi. Nghe xong câu chuyện của bạn, tôi chẳng biết nói gì hơn bởi mỗi người đều có cái lý của riêng mình. Nhưng tôi chỉ mong người trong cuộc ai nấy cũng phải tỉnh táo hơn, sáng suốt hơn để cho đời sống ngắn ngủi này thêm hạnh phúc, bớt muộn phiền.
Riêng cá nhân tôi nghĩ, khi gặp chướng duyên hay trắc trở, mình nên bình tâm nghĩ lại, đừng oán trách hay đổ lỗi cho ai, bởi cái gì cũng có nhân và quả. Nếu ta cho rằng người ta lợi dụng mình, cho mình là một chiếc cầu để họ mượn qua sông thì ít ra ở bản thân mình cũng có một giá trị mà người ta buộc đã phải thừa nhận. Bị cho là một chiếc cầu để người ta mượn qua sông đối với một số người mà nói thật là bi đát quá đỗi, nhưng xin hãy tự điều chỉnh lại cách suy nghĩ của mình thì tâm mình sẽ khác. Hãy xem nghịch cảnh đến với mình như là một chiếc cầu đưa ta tới nơi mà ta thực hiện ước mơ của mình. Có thể cây cầu nghịch cảnh này không đẹp mắt, không như ý mình mà còn rất khó đi, nhưng xin nhớ rằng: nhờ có cái cầu đó ta mới có thể đến được nơi ta muốn đến. Chiếc cầu khó đi thì ta phải khéo đi (khéo giữa tâm mình) để có thể sử dụng nó một cách tốt nhất có thể. Cũng vậy, khi bạn oán trách nghịch cảnh, nó chỉ làm cho bạn thêm đau khổ và mất đi sự sáng suốt để đi qua cây cầu đầy thử thách này. Nhưng nếu bạn xem nó như là một phương tiện để ta mạnh mẽ và giúp ta thực hiện ước mơ thì sẽ khác, bạn phải tự điều chỉnh tâm mình để sao cho chiếc cầu trở thành trợ thủ chứ không phải là một sự chướng ngại. Bởi khi bạn sân si, chê bai chiếc cầu, thì nó vẫn chẳng thể tốt lên bởi sự sân si đó. Ngược lại, bạn khéo léo, để tâm, thậm chí là gia cố nó để nó chắc chắn hơn giúp bạn đạt được mục tiêu của mình thì đó là một cách hành xử đáng khen ngợi. Vì xét cho cùng, bạn chán ghét, tàn phá cây cầu thì một khi cầu gãy, cả bạn lẫn cây cầu đều sẽ bị dòng nước cuốn trôi. Chi bằng ta hãy trân trọng, bước đi thật khéo và gia cố nó để đến được nơi cần đến hay chí ít là ngay thời điểm hiện tại ta không làm tổn thương thêm chính bản thân mình.
Trong quan hệ với người khác cũng vậy, khi mình bất mãn một ai thì hãy xem họ là một sự thử thách với chính ta, nỗ lực tử tế để chuyển đổi tâm người, hay chí ít là giữ cho bản thân được an lạc trước chướng duyên, để vượt qua một cách an toàn nhất. Nếu như ta coi người là một chiếc cầu, một phương tiện để ta đạt được mục tiêu ta cần đến, thì cũng phải tử tế và trân trọng nó. Ngược lại, người khác cũng có quyền coi mình là một chiếc cầu của họ, nên khi ta bị người cho là chiếc cầu để họ bước qua thì cũng phải giữ cho mình một giá trị riêng. Sự khôn dại ở đời không đơn thuần là sự hơn thua trong phút chốc, mà hơn tất cả là giữ được cái tâm của mình sao cho an lạc nhất trước mọi nghịch cảnh chông gai. Con người ta không thể lựa chọn được những gì sẽ đến với mình, bởi nếu được lựa chọn chẳng ai thèm rước lấy bất hạnh hay khổ đau. Mọi thứ đều đi và đến theo tiến trình của nhân duyên và nhân quả. Nhưng hãy xem nghịch cảnh là chất liệu, là phương tiện, là cách ta rèn cho mình sự mạnh mẽ, lòng nhẫn nhục, học cách chuyển hóa tâm mình. Chiếc cầu bản chất không có sự tốt hay xấu, mà tốt hay xấu là do bản thân ta nhìn nhận nó thế nào mà thôi. Mong rằng mọi người trong thế gian này, dù là chiếc cầu cho người khác bước qua, hay là coi người ta chỉ là một chiếc cầu để mình sử dụng đều phải học cách trân trọng. Giá trị của một con người là ở khả năng của người đó chứ không phải bởi sự nhận định của một cá thể bên ngoài nào khác. Mọi thứ trên đời vô dụng hay hữu dụng là do cách ta dụng tâm với nó mà thôi!
11.11.2019
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết