SUY NGHĨ VỀ PHẨM VỊ BỒ TÁT
CỦA CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU
THÍCH ĐỒNG BỔN*
Đất nước ta đã có một vị Vua-Phật Trần Nhân Tông ở phía Bắc, và đây là hội thảo để vinh danh một vị Chúa-Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu ở phía Nam. Sự đối xứng về ngữ nghĩa cụm từ này giữa hai danh nhân lịch sử nghe rất chỉn chu, chúng ta đặt ra ắt để tôn xưng công hạnh một vị đánh đưổi quân xâm lược phương Bắc, một vị mở mang bờ cõi về phương Nam. Nhưng hơn hết là cả hai vị đều được tôn vinh ở hai quả vị cao nhất của đạo Phật, là biểu tượng cho việc lấy nền tảng tín ngưỡng tâm linh là Phật giáo chủ đạo để phát triển quốc gia.
Từ khi có cụm từ tôn xưng “Chúa-Bồ tát” để đối xứng với “Vua-Phật”, thì đây đó cũng có nhiều ý kiến về sự so sánh này. Người thì đồng thuận, thì cũng có những người hoài nghi. Để rộng đường nghiên cứu và tìm hiểu sát sao vấn đề này, chúng tôi xin bàn về vai trò và ý nghĩa của phẩm vị Bồ Tát trong Phật giáo mà chúng ta tôn xưng Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu.
1. Bồ Tát trong giáo lý Phật giáo
Bồ tát là viết tắt của Bồ-đề-tát-đóa, là cách phiên âm từ tiếng Phạn bodhisattva sang Hán Việt, dịch ý là Giác hữu tình, hoặc Đại sĩ. Trong Phật giáo Đại thừa, Bồ Tát là một hành giả sau khi hành trì các Ba-la-mật-đa đã tựu Phật quả, nhưng nguyện không nhập Niết-bàn khi chúng sinh chưa giác ngộ.
Yếu tố cơ bản của Bồ Tát là lòng Từ bi đi song song với Trí huệ. Chư Bồ tát thường cứu độ chúng sanh và sẵn sàng thọ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sanh cũng như hồi hướng công đức mình cho mọi người. Con đường tu học của Bồ tát bắt đầu bằng luyện tâm Bồ-đề và giữ Bồ tát hạnh nguyện.(1)
- Giới Bồ Tát
Về giới luật trong Phật giáo có chia làm 2 loại: Tâm giới và Tướng giới. Tâm giới là những điều thuộc về bản tánh, về lương tri, hành giả nguyện giữa giới này lòng cảm thọ được an lạc khi làm lợi ích cho người và cảm thấy cắn rứt trong tâm khi không làm được như giới đã phát nguyện thọ lãnh. Tướng giới là những giới điều đã thọ lãnh từ mắt thấy tai nghe trước mọi người.
Bồ tát giới chính là Tâm giới, là sự phát nguyện làm lợi ích cho nhân sinh bớt khổ thêm vui. Khi đã thọ giới này thì không mất, nếu ta không làm được thì giới lặn đi, còn nếu làm được tốt thì giới sẽ hiện hữu trở lại.
- Hạnh Bồ Tát
Khi một hành giả phát nguyện thọ lãnh giới Bồ tát, thì họ phát nguyện lành những hạnh nguyện để giúp đời theo khả năng của mình. Người nghệ sĩ thì đem tiếng nhạc lời ca để giúp người giúp đời; Người làm lãnh đạo đất nước như chúa Minh thì phát nguyện làm cho dân tình ấm no, đất nước thanh bình, an cư lạc nghiệp. Đó đều là những hạnh nguyện của Bồ tát vậy.
- Quả vị Bồ Tát
Quả vị Bồ tát là một thứ bậc chỉ đứng sau Phật, quả vị cao nhất của đạo Phật. Nếu Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, thì Bồ tát là bậc giác hữu tình, có nghĩa là đem khả năng của minh ra để giúp người giúp đời được thức tỉnh, tránh xa nguyên nhân gây ra phiền não và đau khổ. Quả vị Bồ tát có 10 bậc, từ sơ địa đến thập địa, rối đến Đẳng giác, cuối cùng là quả vị Phật. (2)
- Tinh thần Bồ Tát
Vô ngã vị tha đó chính là tinh thần của Bồ Tát. Đây là mặt tích cực của Phật giáo phát tiển đóng góp và xây dựng xã hội đi đến tốt đẹp an vui. Cho nên, những ai có khuynh hướng sống và thực hành được theo tinh thần này, thì đó là sống và thực hành theo tinh thần của Bồ tát vậy.
Chúa Nguyễn Phúc Chu ngoài việc tự mình thọ giới Bồ tát, bản thân Người cũng đã sống và thực hành theo tinh thần Bồ tát trong quốc kế dân sinh, vốn đã làm triều đại của Người trở thành điểm sáng của lịch sử mở mang đất nước.
2. Bồ Tát trong hiện thực nhân gian Việt Nam
- Bồ Tát Quan Âm Thị Kính
Nhân vật Thị Kính từ lâu đã trở thành một điển hình sắc sảo cho số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, nơi tập trung chồng chất mọi nỗi bất công, oan nghiệt. Và thông qua cuộc đời Thị Kính, bức tranh ngang trái đầy mâu thuẫn của xã hội phong kiến thời tác giả sống, hiện lên thật rõ nét...( GS. Nguyễn Huệ Chi)
Tư tưởng trong Quan Âm Thị Kính là tư tưởng Phật giáo. Đời là một bể khổ mà mỗi người là một con thuyền vô trạo, một cánh bèo trôi giạt ở bến mê. Đời Thị Kính là một thí dụ. Đời buồn là thế, chúng sinh muốn hết khổ thì phải tìm đến con đường tu hành. Do vậy, luân lý của truyện có thể tóm lại ở câu:
Nhân sinh thành Phật dễ đâu,
Tu thân, cứu khổ, rồi sau mới thành.
(GS. Thanh Lãng)
Truyện Quan Âm Thị Kính chính là một lời cảnh báo cho những người chọn con đường thanh nhàn khi đi tìm tới đạo Phật. Để đắc đạo, người ta phải chỉ chịu khổ hạnh, mà còn phải chịu những oan ức bất công nữa...Như Thị Kính, oan uổng đến vậy mà không hề oán trách trời và số phận, chỉ lấy từ tâm mà chiến thắng cảnh ngộ... (3)
Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa,
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu.
(GS. Phạm Thế Ngũ)
- Bồ tát Quan Âm Diệu Thiện (Bà chúa Ba)
Chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh là một di tích, danh thắng nổi tiếng của xứ Nghệ, nơi công chúa ba Diệu Thiện hóa phật. Khách thập phương về chùa quanh năm nhưng tấp nập vào ngày hội chùa 18-2 âm lịch.
Chuyện kể rằng, khoảng 500 năm trước Công nguyên, Sở Trang Vương sinh hạ được ba cô công chúa là Diệu Ân, Diệu Duyên và Diệu Thiện. Khi ba công chúa trưởng thành, vua cha gả hai người chị cho hai viên quan trong triều. Đến lượt công chúa út Diệu Thiện, vua muốn gả cho một viên quan võ có tài thao lược để sau này chăn dắt muôn dân. Biết tên quan võ là kẻ độc ác, nham hiểm, nàng không tuân theo ý vua cha. Mặt khác, Diệu Thiện đã hẹn biển thề non với quan Ngự y Triệu Chấn. Không nghe theo sự sắp đặt của vua cha, Diệu Thiện đã quyết định rời nhung gấm, lụa là để lên chùa đi tu. Viên quan võ không được như ý bèn phóng hỏa đốt chùa. Nhưng Diệu Thiện và tăng ni đều được Phật Tổ che chở, cứu thoát. Phật Tổ lại sai Bạch Hổ đưa nàng trốn sang đất Việt Thường. Đến vùng núi Ngàn Hống, Thần Hổ cõng công chúa đến con suối có tên là Hương Tuyền và tạm nghỉ chân ở đó. Chỗ này sau gọi là Trạm nghỉ Phật Bà - một hang đá rất đẹp. Chính nơi đây, Diệu Thiện hóa Phật và gọi là Am Diệu Thiện (4).
- Bồ Tát Thích Quảng Đức
Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897 – 11 tháng 6 năm 1963), thế danh Lâm Văn Tức, là người đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm. Tấm ảnh chụp Hòa thượng tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt của lương tâm thế giới đối với chính sách độc tài của chế độ Ngô Đình Diệm.
Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam, một người sau được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, thi hài của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng trắc ẩn, dẫn đến việc toàn thể giới Phật giáo Việt Nam suy tôn Ngài thành một vị Bồ tát, làm tăng sức ảnh hưởng của cuộc đấu tranh Phật giáo đến dư luận thế giới, dẫn đến sự sụp đổ của triều đại nhà Ngô. (5)
- Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu
Sứ mạng Bồ tát của Chúa Minh vương ở đây, có thể được tóm gọn trong hai sứ mệnh: một là Hộ quốc và hai là Hộ pháp. Việc lên ngôi kế vị phụ thân là chúa Nguyễn Phúc Trăn. Nhìn qua sự nghiệp của ông đã làm trong lúc trị vì, ta mới thấy hết được tầm nhìn của một vị Quốc chúa và tấm lòng của một phật tử-Bồ tát:
Nguyễn Phúc Chu được nuôi ăn học cẩn thận, văn hay chữ tốt, đủ tài văn võ. Khi nối ngôi chúa mới có 17 tuổi (1691), lấy hiệu là Thiên Túng đạo nhân, một hiệu mới mẻ sùng đạo Phật, gọi là Chúa Minh hay có sách ghi là Quốc Chúa Minh Vương.
Minh vương là một vì chúa hiền đức và có tài năng. Khi mới lên ngôi, ông quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói thẳng, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt hình ngục. Ông còn cho xây dựng một loạt chùa miếu, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa Mỹ Am. Bản thân chúa cũng ăn chay ở vường Côn Gia một tháng trời, phát tiền gạo cho người nghèo. Bờ cõi yên ổn do chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã tạm ngừng 30 năm. Ông mở rộng bờ cõi đất đai xuống phía Nam, đạt được nhiều thành tựu như:
- Đặt phủ Bình Thuận năm Đinh Sửu (1697) gồm các đất Phan Rang, Phan Rí trở về Tây.
- Đặt phủ Gia Định.
- Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa).
- Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lập xã Minh Hương.
3. Xứng danh Bồ tát
Qua những luận cứ và diễn giải trên đây, ta có thể nhìn khái quát về hệ thống Thần thánh hóa các vị anh hùng dân tộc của nhân dân ta trải qua bao sự thăng trầm của lịch sử nước nhà. Suốt dãi đất non sông, chúng ta nhìn thấy đều có sự tôn xưng quả vị Bồ tát:
- Quan Âm Thị Kính Hải Dương - miền Bắc
- Công chúa Diệu Thiện Hương Sơn - Hà Tĩnh
- Minh vương Nguyễn Phúc Chu Thừa Thiên - Huế
- Bồ tát Thích Quảng Đức Sài Gòn - miền Nam
Hai vị miền Bắc, hiện thân Nữ, biểu trưng cho Hạnh nguyện Từ bi.
Hai vi miền Nam. Hiện thân Nam, biểu trưng cho Tinh thần Bồ tát, lấy Vô ngã vị tha làm đầu.
Toàn đất nước ta cả ba miền đều có sự tôn vinh Bồ tát để làm điểm tựa cho hệ thống Bồ tát Việt Nam. Đây là điều chúng tôi muốn nhấn mạnh, Bồ tát Việt Nam của Phật giao Việt Nam, chứ không còn là một Quan Âm Bồ tát đến từ trời phương ngoại nữa.
Ý nghĩa của tinh thần dân tộc trong hệ thống Bồ tát Việt Nam, chính là ở chỗ này, đó là
- Tinh thần chống trả giặc ngoại xâm (Công chúa Diệu Thiện; hạnh nguyện Từ bi (Quan Âm Thị Kính);
- Tinh thần cứu khổ ban vui ( Chúa Nguyễn Phúc Chu),
- Tinh thần không khuất phục cường quyền (Bồ tát Quảng Đức).
Cả ba ý nghĩa này đã nói lên một điều chung nhất: tư tưởng Phật giáo hòa quyện vào tinh thần Việt Nam, cùng dân tộc này đồng hành và làm nên những trang lịch sử muôn đời không thể phai mờ.
Tôn vinh Minh vương Nguyễn Phúc Chu lên phẩm vị Bồ tát, thật sự xứng danh và xứng tầm với công trạng của Người qua sự nghiệp phát triển Phật giáo và qua công cuộc mở mang bờ cõi, sách lược trị an. Bởi vì, chỉ có ở quả vị này, sẽ không còn cần bàn lại hay bị lãng quên của đời sau vậy.
TP Hồ Chí Minh, ngày 10.7.2011
* Thượng tọa, Tiến sĩ, Trưởng ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.
1. Biên niên sử Giới Đàn Tăng Việt Nam thế kỷ 20
2. Theo Kinh Hoa Nghiêm và Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư
3. Wikipedia về Quan Âm Thị Kính
4. Sự tích Bà Chúa Ba
5. Bồ tát Quảng Đức - ngọn lửa & trái tim
Bình luận bài viết