Thông tin

TA LÀ AI?

 

TUỆ QUÁN

 


 

Trôi nổi mải mê lầm gốc cội

TÔI là gọi tạm mượn xưng danh

Ta là ai ? Câu hỏi này thật xưa từ thuở có loài người, và cũng thật khó trả lời, dành riêng cho mỗi người. Nhân loại vẫn mãi đi tìm.

Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, Sa môn Gotama qua thời gian dài thiền định dưới cội Bồ đề, khi Sao Mai mọc, Ngài thấy ra sự thật và đọc lên bài kệ đầu tiên sau khi thành đạo:

Lang thang bao kiếp luân hồi,

Tìm hoài chẳng gặp kẻ xây cất nhà.

Tử sanh phiền não thật mà!

Này ông thợ chánh, ta đà thấy ông.

Chớ hòng xây cất, đừng mong,

Sườn nhà sụp nát, đòn dông không còn.

Như Lai đạo quả đã tròn,

Ái dục dứt sạch, chẳng còn ngã nhơn (Kinh Pháp Cú)

Không biết từ bao giờ, chấp ngã đã sẵn nơi mỗi người. Và vì có tôi, nên mới có xung quanh bao nhiêu thứ của tôi, nào là tài sản của tôi, cha mẹ tôi, vợ tôi, chồng tôi, con tôi, gia tộc tôi, đất nước tôi,… Bản thân danh xưng Tôi (Ta, Ngã) cũng không có lỗi gì, nhưng vì chấp ngã, vì vô minh và ái dục mà thành ra lỗi lầm, đau khổ, não phiền và tạo ra biết bao nhiêu nghiệp chướng,…

Đa số ai cũng tự nhận rằng tôi thấy, tôi nghe, tôi biết,… nhưng nghiệm kỹ lại xem: Mắt này tự thấy, tai này tự nghe, ý này tự biết,… không cần cái tôi xen vào. Đâu phải có cái tôi lúc đó mới thấy, mới nghe, mới biết… Chẳng qua theo thói quen, và lầm nhận, nên cái gì cũng có cái tôi xen vào. Và điều này chính là cái tôi giành công của Pháp.

Thử ngẫm nghĩ và suy xét kỹ, cái gì là tôi? Đây là đầu, đây là tay chân, đây là mắt là tai,… đâu có cái nào là tôi. Rồi tên gọi, Nguyễn Văn A, Lê Thị B,… cũng đâu thấy cái nào là tôi! Chỉ vì chấp ngã, ảo tưởng có một cái tôi nào đó rồi bảo vệ, xây thành lũy che chắn, không cho ai đụng đến. Thích được khen ngợi, ca tụng mới vui, ai chê trách thì buồn và sanh lòng oán hận,…

Trong kinh Na Tiên có đoạn tỳ kheo hỏi đáp với vua Di-lan về con người và xe ngựa, rất rõ về ý này (Phần 13: Ai là Na-Tiên? Xe là gì? Người là gì?).

Hướng về Na-Tiên, Vương hỏi:

- Khanh tên chi?

Na-Tiên đáp: - Cha mẹ tôi đặt tên cho là Na-Tiên, có lúc gọi là Thủ-Na-Tiên, có khi kêu là Duy-Ca-Tiên; vì thế người đời biết đến tôi dưới danh-tự đó.

Vương hỏi Na-Tiên: - Ai là Na-Tiên? Vương lại hỏi tiếp: - Đầu là Na-Tiên chăng?

- Đầu chẳng phải là Na-Tiên.

- Mắt, tai, mũi, miệng là Na-Tiên chăng?

- Mắt, tai, mũi, miệng chẳng phải là Na-Tiên.

- Cổ, ót, vai, cánh tay, chân, bàn tay là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- (...), Bàn chân là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Nhan sắc là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Khổ, vui là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Thiện, ác là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Thân thể là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Gan, phổi, tim, lá lách, gân, ruột, dạ dày là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Hiệp năm việc: nhan sắc, khổ vui, thiện ác, thân, tâm lại có phải là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên.

- Thanh âm, tiếng vang, hơi thở, có phải là Na-Tiên chăng?

- Chẳng phải là Na-Tiên. - Vậy chớ chỗ nào là Na-Tiên?

Na-Tiên hỏi Vương: - Xe kia, chỗ nào là xe? Trục xe có phải là xe chăng?

- Trục xe chẳng phải là xe.

- Vành bánh xe có phải là xe chăng?

- Vành bánh xe chẳng phải là xe.

- Căm bánh xe có phải là xe chăng?

- Căm bánh xe chẳng phải là xe.

- Ngàm vành xe có phải là xe chăng?

- Ngàm vành xe chẳng phải là xe.

- Càng xe có phải là xe chăng?

- Càng xe chẳng phải là xe.

- Ách xe có phải là xe chăng?

- Ách xe chẳng phải là xe.

- Đòn xe có phải là xe chăng?

- Đòn xe chẳng phải là xe.

- Gọng xe có phải là xe chăng?

- Gọng xe chẳng phải là xe.

- Mui xe có phải là xe chăng?

- Mui xe chẳng phải là xe.

- Hiệp tất cả các bộ phận bằng cây đó lại thành một, có phải là xe chăng?

- Hiệp các bộ phận đó lại cũng chẳng phải là xe.

- Nếu chẳng hiệp các bộ phận đó lại, có phải là xe chăng?

- Chẳng hiệp chúng lại thì chẳng thành xe.

- Thanh âm là xe chăng? - Thanh âm chẳng phải là xe.

- Vậy thì cái gì là xe?

Vương im lặng, chẳng trả lời được. Na-Tiên liền nói:

- Kinh Phật có nói đến, hiệp tụ các bộ phận bằng cây đó lại, là nguyên nhân để có được chiếc xe. Con người cũng lại như vậy, hễ hiệp tụ đầu, mặt, tai, mũi, miệng, cổ, ót, vai, cánh tay, xương, thịt, bàn tay, chân, gan, phổi, mật, lá lách, thận, ruột, dạ dày, nhan sắc, thanh âm, hơi thở, khổ vui, thiện ác, chung lại thì thành con người”.

Vương nói: “Lành thay! Lành thay!” (Kinh Na Tiên)

Riêng đại từ nhân xưng TÔI, và qua ngôn ngữ độc đáo của tiếng Việt, cũng làm cho đại từ này trở nên thâm thúy. Thử xem qua:

Từ TÔI nguyên vẹn chỉ là TÔI.

Khi thêm SĂC vào thành TỐI.

Khi thêm dấu HUYỀN vào thì thành TỒI.

Khi thêm dấu NẶNG vào thì thành TỘI

Khi thêm dấu HỎI, NGÃ vào thì thành TỔI, TỖI đều vô nghĩa.

Vốn nguyên vẹn ban đầu giản đơn TÔI như vậy, khi thêm bất cứ gì vào đều không hay cả.

Xin chuyển ý thành bài thơ thuận nghịch độc:

Tôi Là Ai?

Danh xưng mượn tạm gọi là TÔI

Cội gốc lầm mê mãi nổi trôi

Danh lợi TỘI vương tình chấp NẶNG

Vẽ tô HUYỀN ảo mộng thêm TỒI

Ranh giới NGÃ nhân đâu thật nghĩa

SẮC hương mờ TỐI lạc dòng trôi

Lạnh nhạt vui buồn thôi bỏ lại

Thanh tâm tỏ sáng ai là tôi?

Nhân loại luôn trăn trở, khắc khoải với chính mình, tìm hoài qua ngàn năm không lời giải đáp như ý.

Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn qua ca từ da diết, vẫn khắc khoải trong “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, cũng là hoài vọng của kiếp người.

Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo

Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm

Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ

Tôi là ai mà còn trần gian thế

Tôi là ai, là ai, là ai?...

Đi tìm mãi không ra… Không tìm làm sao gặp? Tạm thời kết lại mấy dòng thơ:

Một phen chạm mặt Người Xưa ấy

Ảo Ngã từ đây tự rụng rơi

Thong dong hiện tướng vào các cõi

Tùy duyên đối cảnh nào có ai…

Sài Gòn, lập đông 7-11-2020

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6059002