Thông tin

TÀI LIỆU LƯU TRỮ VỀ

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM

 

TS. NINH THỊ SINH*

 

Chấn hưng Phật giáo là một trong ba vấn đề quan trọng trong đời sống tư tưởng, tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước, nhất là trong những năm gần đây…

Chấn hưng Phật giáo được đề cập trong các công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, trong số đó có thể kể tới các tác phẩm của Mật Thể1, Mai Thọ Truyền2, Vân Thanh3, Nguyễn Lang4, Nguyễn Duy Hinh5, Nguyễn Tài Thư6,… Một số khía cạnh cụ thể của phong trào chấn hưng cũng đã được quan tâm khai thác, chẳng hạn như Trần Văn Giàu quan tâm tới các vấn đề tư tưởng triết học của phong trào7, trong khi đó Nguyễn Thị Thảo lại chú ý đến khía cạnh văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo giai đoạn trước năm 1945, v.v... Phong trào trong phạm vi từng kỳ cũng đã được thực hiện trong các nghiên cứu của Nguyễn Lang, Trần Hồng Liên8 (Nam kỳ), Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm9 (Huế), Nguyễn Đại Đồng10, Lê Tâm Đắc11 (Bắc kỳ), v.v...

Bên cạnh đó, chấn hưng Phật giáo cũng được đề cập trong một số công trình ở ngoài nước (Pháp và Mỹ), có thể kể tới công trình của các nhà sử học Pháp như Nguyễn Thế Anh12, Trịnh Văn Thảo13. Nếu như Nguyễn Thế Anh nghiên cứu chấn hưng với tư cách là tiền đề của phong trào Phật giáo những năm 60 ở miền Nam Việt Nam thì GS Trịnh Văn Thảo lại nghiên cứu phong trào trong tiến trình phát triển của lịch sử trí thức Việt Nam. Những năm gần đây, chúng tôi chú ý tới sự xuất hiện của hai Luận án Tiến sĩ về chấn hưng Phật giáo đươc bảo vệ tại Hoa Kỳ: Buddhist monastic education and regional revival movements in early twentieth century Vietnam của Nguyễn Thị Minh14 và luận án Building a New House for the Buddha: Buddhist Social Engagement and Revival in Vietnam,1927-1951 của Ngô Đức Hoàng15. Nếu như Nguyễn Thị Minh quan tâm đến vấn đề giáo dục tăng chúng trong phong trào chấn hưng ở ba kỳ, thì Ngô Đức Hoàng lại tập trung vào vấn đề nhập thế gian của Phật giáo trong phong trào chấn hưng. Là nghiên cứu đầu tiên ở nước ngoài về vấn đề chấn hưng, luận án của Nguyễn Thị Minh mới chỉ khai thác được nguồn tài liệu báo chí Phật giáo cũng như một số báo chí quốc ngữ giai đoạn thuộc địa, hoàn toàn vắng bóng nguồn tài liệu lưu trữ; đến Ngô Đức Hoàng, mặc dù đã cố gắng khai thác nhiều nguồn tài liệu khác nhau như báo chí Phật giáo, cũng như tài liệu lưu trữ ở Pháp và Việt Nam, nhưng vẫn còn rất hạn chế.

Chúng tôi nhận thấy các công trình kể trên đã sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau (báo chí Phật giáo, báo chí quốc ngữ giai đoạn thuộc địa) để nghiên cứu phong trào chấn hưng. Nhưng tài liệu lưu trữ của chính quyền thuộc địa thì mới chỉ được khai thác một cách hạn chế, mặc dù nguồn tài liệu này rất phong phú, ở cả Pháp và Việt Nam. Do vậy, trong bài viết này chúng tôi mạnh dạn trình bày về giá trị và khả năng tiếp cận nguồn tài liệu lưu trữ trong nghiên cứu về chấn hưng Phật giáo những năm 1930-1945. Với bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu khi nghiên cứu về chấn hưng Phật giáo đồng thời có những chỉ dẫn cụ thể để các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận nguồn tài liệu này.

Giống như bất kỳ một đề tài nghiên cứu ở lĩnh vực nào của dưới thời Pháp thuộc, các trung tâm lưu trữ Quốc gia của Việt Nam và Kho lưu trữ hải ngoại Pháp (Archives nationales d’Outre-Mer, Aix-en-Provence, Pháp) đã trở thành địa chỉ quen thuộc, là điểm đến không thể thiếu trong các đợt nghiên cứu. Đặc biệt đối với đề tài về chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam trong những năm 1930-1945 các phông lưu trữ (fonds d’archives) của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP Hồ Chí Minh), Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt) và Kho Lưu trữ Hải ngoại (Pháp) đã trở thành một nguồn tư liệu tra cứu quan trọng.

Đối với chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ, chúng ta có thể tìm thấy tài liệu ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – trung tâm này bảo quản các tài liệu ở Bắc kỳ từ 1858 đến 1945 và ở Kho Lưu trữ Hải ngoại Pháp. Tài liệu tập trung ở hai phông chính là phông Phủ Thống sứ Bắc kỳ (fonds de la Résidence supérieure au Tonkin) và phông Tòa Đốc lý Hà Nội (fonds de la Mairie de Hanoi). Ngoài ra, ở phông Sở Địa chính và Công thổ Hanoi (fonds du Service du Cadastre et des Domaines de Hanoi), chúng ta cũng có thể tìm thấy các tài liệu liên quan. Riêng đối với các tài liệu lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, ngoài cách tra cứu truyền thống (inventaire) thì hiện nay chúng ta có thể tra cứu theo từ khóa trên hệ thống máy tính ở phòng đọc. Cách thức tra cứu này giúp cho người nghiên cứu tiết kiệm rất nhiều thời gian trong khâu tìm tài liệu. Ở Kho Lưu trữ Hải ngoại Pháp, tài liệu nằm rải rác ở phông Phủ Toàn quyền Đông Dương (fonds du gouvernement général de l’Indochine), série F và Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (fonds de la Résidence supérieure au Tonkin - nouveau fonds). Đối với phong trào chấn hưng ở Trung kỳ, tài liệu tập trung ở phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt). Đối với chấn hưng ở Nam kỳ các tài liệu nằm trong Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, phông Phủ Thống đốc Nam kỳ.

Trong quá trình tiếp cận các nguồn tài liệu lưu trữ về chấn hưng Phật giáo, chúng ta sẽ thấy có hai loại tư liệu chính. Một là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa, phản ánh chủ trương của chính quyền; hai là các tài liệu lưu trữ, do các cơ quan hành chính và chuyên môn trong hệ thống tổ chức hành chính của chính quyền thuộc địa sản sinh ra, phản ánh quá trình thực hiện các chủ trương đó.

Trước hết, chúng ta tìm hiểu về các văn bản quy phạm pháp luật. Loại văn bản này bao gồm sắc lệnh (Décret), Nghị định (Arrêté), Quyết định (Décision), Chỉ thị (Instruction),… Liên quan đến chấn hưng Phật giáo, chúng ta thấy có các Nghị định quan trọng như:

1- Nghị định ngày 6 tháng 11 năm 1934, số 4283-A cho phép Hội Phật giáo thành lập ký bởi Thống sứ Bắc Kỳ Tholance.

2- Nghị định ngày 29 tháng 4 năm 1936, ký bởi Toàn quyền Đông Dương René Robin, công nhận tư cách pháp lý của Hội Phật giáo Bắc Kỳ.

3-Nghị định ngày 9 tháng 7 năm 1943, công nhận tư cách pháp lý của Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội.

Chúng ta có thể tìm thấy các Nghị định này trong Công báo Đông Dương (Journal officiel de l’Indochine), hoặc trong các hồ sơ lưu trữ ở hai Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và II. Các nghị định này cho phép nhà nghiên cứu xác định chính xác thời điểm thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ cũng như tính chất của hai hội Phật giáo này, là các hội thế tục (không phải hội tôn giáo)16.

Bên cạnh các Nghị định, các tài liệu lưu trữ có một ý nghĩa quan trọng. Nó không những cho phép khôi phục một cách chân thực và chính xác những sự kiện lịch sử đã diễn ra mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều thông tin mà các loại tư liệu khác không đề cập. Nghiên cứu tài liệu lưu trữ còn giúp chúng ta đưa ra một nhận định hay một kết luận chính xác. Để làm sáng tỏ giá trị này, chúng ta hãy lấy thí dụ về trường hợp Bắc Kỳ Phật giáo Lục Hòa hội (sau đây chúng tôi gọi tắt là Hội Lục Hòa).

Theo sự khảo sát của chúng tôi thì Hồi ký Trí Hải là tài liệu duy nhất đề cập tới hội Phật giáo này, nhưng với những thông tin hết sức chung chung,với vài dòng ngắn ngủi. Những người chủ trương lập hội đã soạn thảo điều lệ vào năm 1932 và bầu ông Vũ Đình Chung làm hội trưởng để tiến hành xin phép thành lập.

Chúng tôi kiên trì đi lại vận động, chờ đợi mãi mà vẫn không thấy tia hy vọng nào. Cuối năm 1932 chúng tôi cương quyết tiến hành, bèn họp nhau tại nhà ông Vũ Đình Chung, cùng ký tên vào bản điều lệ để xin phép và bầu ông Chung làm Hội trưởng… ”17.

Tuy nhiên, việc xin phép thành lập hội Phật giáo này gặp phải sự phản đối của sư cụ Vũ Thạch và các sư ở Hà Nội. Do vậy, để tránh sự phản ứng của các sư, những người chủ trương thành lập Hội đã “đánh máy lại tờ cuối cùng của bản điều lệ có ghi tên các chức vụ trong ban trị sự tạm thời và ký giả vào đấy để mang cho sư cụ chùa Vũ Thạch xem và nói là bản điều lệ định xin phép đã hủy đi rồi”.

Theo như Hồi ký cho biết thì hội Phật giáo này không được phép thành lập và dường như nó không hề có một vai trò nào trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Khi bàn đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ trong những năm 1930-1945, các nhà nghiên cứu dành nhiều sự quan tâm cho Lục Hòa Tịnh Lữ và Phật học Tùng thư. Vậy sự thực có phải như vậy hay không?

Tìm kiếm trong các Kho và trung tâm lưu trữ chúng tôi tìm thấy ba hồ sơ về Hội Phật giáo năm 1932 mà Hồi ký Trí Hải đề cập tới. Ba hồ sơ này nằm rải rác trong các phông Phủ Toàn quyền Đông Dương, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, và Đốc lý Hà Nội được lưu trữ ở cả Pháp và Việt Nam. Nghiên cứu các hồ sơ này chúng tôi biết được những thông tin quan trọng liên quan tới hội này như tên gọi, thành phần Ban Trị sự, Bản dự thảo Điều lệ, Lý do hội không được phép thành lập. Trên cơ sở các nội dung này kết hợp với việc nghiên cứu các hồ sơ về Hội Phật giáo Bắc Kỳ cho phép chúng tôi đưa ra những đánh giá và nhận định về vai trò của Hội Lục Hòa đối với sự ra đời của Hội Phật giáo Bắc Kỳ sau này. Cụ thể:

Về tên gọi: Hội lấy tên là Bắc Kỳ Phật giáo Lục Hòa hội (Association de Conservation et de Développement du Bouddhisme au Tonkin) trong các giấy tờ gửi nhà cầm quyền.

Về thành phần Ban Trị sự tạm thời: Gồm có 16 vị, trong đó một nửa là sư tăng và một nửa là cư sĩ, do Hòa thượng Nguyễn Văn Ất làm Hội trưởng, ông Vũ Đình Chung giữ chức vị Phó Hội trưởng. Cụ thể Ban Trị sự tạm thời gồm có các vị sau:

Chức vụ
trong hội

Tên

Nghề nghiệp

Địa chỉ

Hội trưởng

Nguyễn Văn Ất

Chùa Tây Thiên, làng Chung Hậu, phủ Yên Lãng (Phúc Yên)

Phó Hội trưởng

Vũ Đình Chung

Thư ký sở Công trình công cộng, Hà Nội Đường

Lagisquet, số 12, Hà Nội

Giám đốc các vấn đề hành chính

Lê Toại

Thư ký sở Đốc lý, Hà Nội

Làng Tương Mai, tổng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Đông)

Giám đốc các vấn đề tài chính

Lê Đình Ngân

Thu ngân, công ty Bia và Kem Đông Dương

Làng Quan Nhân, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì (Hà Đông)

Giám đốc các vấn đề tôn giáo

Hoàng Ngọc Thụ

Chùa Cao Đà, thôn Hạ, huyện Nam Sang (Hà Nam)

Thủ quỹ

Phạm Văn An

Chùa Quốc Sư, làng An Chiều, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên)

Thư ký

Đỗ Chân Bảo

Chùa Tú Yên, tổng Yên Chanh, huyện Nam Sang (Hà Nam)

Phó Thư ký

Nguyên Hoạch

Thư ký quỹ hưu trí địa phương

Làng Tương Mai, tổng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Đông)

Quản đốc các tài sản xã hội

Đoàn Thanh Tảo (Ruy Thành)

Chùa Mai Xá, tổng Công Xá, huyện Nam Sang (Hà Nam)

Phó Quản đốc các tài sản xã hội

Nguyễn Văn Canh

Phán sự thương chính Hà Nội

Làng Bạch Mai, số 58, Hà Đông

Quản lý

Vũ Đình Ứng

Chùa Hải Linh, làng Hải Linh, huyện Kim Thành (Hải Dương)

Quản lý

Nguyên Xuân Hạnh

Chánh Thư ký, sở kiểm soát tài chính, Hà Nội

Làng Bạch Mai, Hà Đông

Cố vấn

Phạm Văn Gia

Chùa Bồ Đề, làng Phú Viên, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh

Cố vấn

Phạm Văn Nhu

Chùa Thanh Giang, xóm Vi Hạ, làng Yên Đổ, tổng Yên Đổ, huyện Bình Lục, Hà Nam

Cố vấn

Trần Văn Giác

Phán sự Thương chính, Hà Nội

Đại lộ Maréchal Pétain, Hà Nội

Cố vấn

Nguyễn Tân Khuê

Buôn bán

Đường Hàng Giấy số 30, Hà Nội1

Nhìn vào danh sách trên, chúng ta nhận thấy, về sư tăng cả 8 vị đều đến từ các chùa ở địa phương như Phúc Yên, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh và Hải Dương. Về thành phần cư sĩ, phần lớn họ là những viên chức làm việc trong các hãng sở của Pháp, riêng có ông Nguyễn Tân Khuê làm nghề buôn bán.

Về bản dự thảo Điều lệ của Hội: Bản dự thảo được soạn thảo ngày 1/11/1932, tại Hà Nội và có chữ ký của các thành viên trong Ban Trị sự tạm thời. Bản dự thảo gồm có 12 chương và 66 điều, quy định các nội dung như tên hội, mục đích, các hạng hội viên, việc vào hội – thôi hội, ban quản trị, chức vụ Ban Quản trị, các kỳ họp của Ban Quản trị (Trung ương, địa phương), các kỳ đại hội đồng, tài chính, vị Sư trưởng, ban cố vấn đạo sư, quy tắc chung,… Dưới đây là một số nội dung chính:

Tên hội: Thành lập một hội Phật giáo lấy tên là Bắc Kỳ Phật giáo Lục Hòa hội của các vị trí thức và sư tăng tán thành điều lệ của hội. Hội quán đặt tại Hà Nội.

Bắc Kỳ Phật giáo Lục hòa hội được thành lập nhằm những mục đích sau: 1- Bảo tồn Phật giáo; 2- Thống nhất các phương pháp thực hành đạo Phật, 3- Xóa bỏ các phương pháp không phù hợp, các phương pháp mê tín dị đoan; 4- Thông qua một phương pháp thực hành đạo Phật duy nhất dựa trên những nguyên lý căn bản của đạo Phật; 5- Nâng cao trình độ cho sư tăng và phật tử (cả về đạo hạnh lẫn tri thức); 6- Theo nguyên tắc hiện hành của chính quyền thành lập các trường học tư thục Pháp- Việt, cũng như thành lập các cơ quan từ thiện như nghĩa trang, nhà dưỡng lão, cơ quan cứu giúp nạn dân trong các thảm họa.

Về hội viên: Không giới hạn về số lượng, không phân biệt giới tính. Hội viên được chia thành 5 hạng, gồm: hội viên danh dự, hội viên tán trợ, hội viên cung tiến, hội viên sáng lập và chủ trì hội viên.

Về sự quản trị trong Hội: Để phụ trách công việc trong hội, một ban quản trị gồm 16 người được bầu ra, bao gồm một Chánh hội trưởng, một Phó hội trưởng, một giám đốc hành chính, một giám đốc tài chính, một giám đốc về các vấn đề tôn giáo, một thủ quỹ, một thư ký, một phó thư ký, một quản đốc tài sản, một phó quản đốc, hai viên quản lý và bốn viên cố vấn.

Về vị Sư trưởng: Hội sẽ suy tôn một vị thiền sư cao đạo, được kính trọng bởi trình độ Phật pháp uyên thâm cũng như đạo hạnh. Tất cả các nghị quyết của Đại hội đồng chỉ có giá trị khi có sự tham dự của Ngài hoặc Ban cố vấn đạo sư19.

Nghiên cứu một cách tỉ mỉ bản dự thảo Điều lệ của Hội, chúng tôi nhận thấy một vài vấn đề như sau:

Thứ nhất, thành phần hội viên bị giới hạn trong hai thành phần xã hội là trí thức và chư tăng. Hơn nữa, quy định về việc đóng góp đối với từng hạng hội viên, chúng tôi nhận thấy số tiền đóng khi vào hội tương đối lớn, chẳng hạn, để trở thành tán trợ hội viên phải góp một số tiền từ

500$ (đồng) trở lên, hội viên cung tiến là 100$. Nếu được phép thành lập thì chính quy định này sẽ khiến cho hội khó thu hút hội viên. Thứ hai, hội chưa có hội quán cụ thể mà mới chỉ nêu chung chung là hội quán được đặt tại Hà Nội. Thứ ba, trong 6 mục đích mà hội nêu lên thì việc thành lập các trường tư thục Pháp - Việt theo quy định hiện hành của nhà nước không nằm trong phạm vi tôn giáo. Thứ tư, thành phần ban quản trị gồm có 16 người, có vẻ như tương đối đông.

Ngày 14/11/1932, các ông Vũ Đình Chung, Lê Toại, Trần Văn Giác thay mặt Ban Trị sư tạm thời gửi hồ sơ xin thành lập hội lên Thống sứ Bắc kỳ. Hồ sơ gồm có đơn xin thành lập, dự thảo điều lệ, và danh sách Ban Trị sự tạm thời. Theo quy định, hồ sơ này đã được chuyển đến sở cảnh sát để điều tra. Ngày 3/2/1933, sau khi tiến hành điều tra, cảnh sát không đồng ý cho Hội Lục Hòa thành lập với các lý do như sau:

Thứ nhất, phía cảnh sát nhận thấy, thành phần Ban Trị sự dường như không đủ tư cách để đảm bảo việc thực hiện những mục đích mà hội đã đề ra. Một vài người trong số đó không đủ uy tín và tin cậy đối với nhà cầm quyền. Đó là các ông Nguyễn Văn Ất, Lê Toại, Lê Đình Ngân và Nguyễn Tân Khuê. Hòa thượng Nguyễn Văn Ất từng bị bắt vào tháng 8/1920, do hành động chống lại sở mật thám, và sau đó được trả tự do tạm thời vào tháng 10/1920. Tháng 11/1920, Nguyễn Văn Ất được miễn truy tố. Lê Toại, vào năm 1928 đã thu hút sự chú ý của cảnh sát, bởi, ông có mối quan hệ với Nguyễn Thế Song, em trai Nguyễn Thế Truyền, người sáng lập Đảng Annam độc lập. Bản thân Lê Toại đã tán thành và tuyên truyền những chủ trương của Đảng này. Ông ta phổ biến những bài báo có tư tưởng chống Pháp do Nguyễn Thế Truyền xuất bản ở Paris ngay trong dân chúng trong làng. Nguyễn Tấn Khuê, sinh tại Hà Nội, vào năm 1913 ông ta bị buộc tội mưu toan chống lại mật thám nhà nước và bị đưa ra Tòa Hình sự, nhưng được tha vào tháng 5 năm đó. Nguyễn Tấn Khuê là bạn học của Lương Văn Can, người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1927, ông ta là một phần tử tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh được tổ chức nhân dịp cái chết của Lương Văn Can. Lê Đình Ngân từng bị Tòa án dân sự xả phạt tù treo vì tội trộm cắp.

Điều tra của mật thám cho thấy lý lịch của những nhân vật trên “không trong sạch”, không đủ tin cậy đối với chính quyền. Đó là lý do thứ nhất khiến cho hồ sơ xin lập hội bị từ chối.

Thứ hai, theo quan điểm của nhà cầm quyền Hội Lục Hòa được thành lập dựa trên khuôn mẫu của các hội ở Nam kỳ và Trung kỳ nhằm mục đích chấn hưng đạo Phật, nhưng khi so sánh điều lệ của Hội Lục Hòa và Hội An Nam Phật học, cảnh sát nhận thấy “nhiều điểm khác thường”, thể hiện ở mục đích thống nhất đạo Phật, thành lập trưởng tiểu học Pháp-Việt, suy tôn một vị thiền sư cao đạo vào vị trí lãnh đạo Hội. Chính những điểm khác thường đó khiến cho phía cảnh sát đặt ra những nghi vấn.

Cuối cùng, chính quyền thuộc địa cho rằng, sự ra đời của các Hội Phật giáo ở Nam kỳ và Campuchia là cần thiết để chống lại sự bành trướng của đạo Cao Đài, nhưng một hội Phật giáo ở Bắc Kỳ thì dường như vẫn chưa thực sự cần thiết.

Mặc dù không có một văn bản chính thức nào, nhưng cuối cùng Hội Lục Hòa đã không được phép thành lập. Vấn đề đặt ra là Hội Lục Hòa có giữ một vai trò nào đối với sự ra đời của Hội Phật giáo Bắc Kỳ (1934) – trụ cột trong phong trào chấn hưng ở miền Bắc hay không?

Chúng tôi xin khẳng định là có. Nghiên cứu các hồ sơ lưu trữ về quá trình thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ kết hợp với các nguồn tài liệu khác về chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc đã cho chúng tôi tìm thấy mối liên hệ giữa Lục Hòa Hội và Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Đặc biệt chính sự thất bại của Lục Hòa Hội đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho những người chủ trương sáng lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, soạn thảo điều lệ, bầu ban trị sự và chọn chánh hội trưởng.

Thứ nhất, tham gia sáng lập Hội Phật giáo bắc kỳ có 32 hội viên, trong đó có nhiều gương mặt từng được bầu vào Ban Trị sự Hội Lục Hòa, cụ thể, về phía cư sĩ có các ông Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Văn Canh, về phía tăng sĩ là các sư như Trung Hậu, Trí Hải, Thái Hòa, Vũ Đình Ứng.

Thứ hai, về điều lệ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ: gồm có 19 khoản. Nếu so với điều lệ của Lục Hòa thì điều lệ của Hội Phật giáo, ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu. Đặc biệt, những nội dung gây nên những nghi vấn từ phía chính quyền đã được lược bỏ. Chẳng hạn như, về mục đích, Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời nhằm 4 mục đích và cả 4 mục đích này đều nằm trong phạm vi tôn giáo.

1 - Dựng lên một ban học về đạo Phật cho các hội viên của hội;

2 - Mỗi tháng, ngày mồng một và ngày rằm, họp tại hội quán để lễ Phật, nghe giảng;

3 - Đem những tôn chỉ và chân lý của đạo Phật mà giảng thuyết và trước thuật biên dịch ra quốc ngữ;

4 - Tùy theo tài lực của hội bảo tồn các ngôi chùa, hiện nay chưa được trường Bác Cổ công nhận là nơi danh lam cổ tích20.

Thứ ba, về thành phần Ban Trị sự tạm thời của Hội Phật giáo Bắc Kỳ gồm 9 vị, cụ thể:

Chánh Hội trưởng: Nguyễn Năng Quốc, Tổng đốc trí sĩ, Thái Hà Ấp, Hà Đông

Phó Hội trưởng: Nguyễn Văn Ngọc, Đốc học Hà Đông, số 51 Hàng Đường, Hà Nội

Phó Hội trưởng: Nguyễn Quốc Thành, Tham tá thương chính, số 26, đường Goussard, Hà Nội

Thư ký: Trần Văn Phúc, Tham tá phủ Toàn quyền, Hà Nội, số 67, Hàng Chén, Hà Nội

Phó Thư ký: Nguyễn Văn Minh, Phán sự thương chính, Hà Nội, 27 đường Sinh Từ, Hà Nội

Thủ quỹ: Dương Tụ Quán, chủ nhà in Đông Tây, chủ nhiệm Văn học tạp chí, 193 Hàng Bông, Hà Nội

Quản lý vĩnh viễn: Lê Dư, phiên dịch viên phủ Toàn quyền, 121 Hàng Bông, Hà Nội

Quản lý: Cung Đình Bính, Phán sự thương chính hưu trí, 48 Hà Trung, Hà Nội

Quản lý: Trần Văn Giáp, Tham tá Trường Viễn Đông Bác Cổ, 43 đường Armand Rousseau, Hà Nội21

Thành phần Ban Quản trị của Hội Phật giáo Bắc Kỳ so với Lục Hòa Hội tinh giản về số lượng và thành phần. Tham gia Ban Trị sự gồm toàn các cư sĩ, họ là những viên chức trong cơ quan của chính quyền thuộc địa (ngoại trừ Dương Tụ Quán là nhà báo). Trong số đó, chúng tôi nhận thấy Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc là một ông quan lớn, nhân vật được chính quyền thuộc địa tin cậy, Trần Văn Giáp là chuyên gia về Phật giáo Việt Nam – người mới bảo vệ thành công một luận văn về đạo Phật Việt Nam, Nguyễn Văn Ngọc - học giả đồng thời là nhà văn hóa nổi tiếng. Rõ rang, sự xuất hiện của những nhân vật kể trên không nằm ngoài mục đích là để hội dễ dàng có được giấy phép thành lập.

***

Qua sự phân tích một ví dụ cụ thể ở trên, chúng ta nhận thấy giá trị không thể phủ nhận của nguồn tài liệu lưu trữ trong việc nghiên cứu về phong trào chấn hưng Phật giáo trong những năm 1930-1945. Còn nhiều vấn đề cũng như những nhận định, đánh giá về phong trào chấn hưng, các nhân vật quan trọng trong phong trào có thể được làm sáng tỏ khi chúng ta khai thác tài liệu lưu trữ. Về khía cạnh này chúng tôi đã cống hiến độc giả một bài viết về Vai trò mở đầu của thiền sư Khánh Hòa trong phong trào chấn hưng trên cơ sở phân tích các tài liệu lưu trữ đăng trên Nghiên cứu tôn giáo, tháng 12/2016. Với bài viết nhỏ này, chúng tôi hy vọng đã giúp các nhà nghiên cứu, những người quan tâm về chấn hưng có thêm một nguồn tài liệu giá trị để giúp nghiên cứu về chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn những năm 1930-1945 một cách toàn diện, hệ thống và sâu sắc.

 


* Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

1. Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2004, p. 232-234.

2. Mai Thọ Truyền, Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội,2007, p. 98-102.

3. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, Sài Gòn, 1974, PL 2518, p.185-227

4. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Lá Bối xuất bản lần thứ nhất, Paris, 1985 ; lần 2, San Jose, 1993, p. 13-179.

5. Nguyễn Duy Hinh, Lịch sử đạo Phật Việt Nam, NxbTôn giáo, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2009, p. 524-593.

6. Nguyễn Tài Thư (cb), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988. p. 428-472.

7. Trần Văn Giàu, Phong trào chấn hưng Phật giáo và các vấn đề tư tưởng triết học mà phong trào ấy đã nêu lên ở nước ta trong thời kỳ lịch sử giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Nghiên cứu lịch sử, số 139, 1971, p. 8-21, và số 140, 1971, p. 7-19.

8. Trần Hồng Liên, Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam, từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, p. 49-55 ; p. 63-74.

9. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2001, p. 366-409.

10. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008; Nguyễn Đại Đồng, Ph.D Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008; Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh, Phong trào Chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1929-1945), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2010; Nguyễn Đại Đồng, Lê Tâm Đắc, Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, nhân vật và sự kiện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

11. Lê Tâm Đắc, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

12. Nguyễn Thế Anh, Parcours d’un historien du Vietnam, Paris, Les Indes savantes, 2008, les chapitres “L’engagement politique du bouddhisme au sud du Vietnam dans les années soixante” et “Les principaux courants de pensée religieuse du Vietnam au XXe siècle”, p. 614-633.

13. Trịnh Văn Thảo, Vietnam du Confucianisme au Communisme, L’Harmattan, Paris, 2007, p. 305-309.

14. Nguyễn Thị Minh, Buddhist monastic education and regional revival movements in early twentieth century Vietnam, Luận án Tiến sĩ Triết học, Université de Wisconsin, Madison, tháng 6 năm 2007.

15. Ngô Đức Hoàng, Building a New House for the Buddha: Buddhist Social Engagement and Revival in Vietnam,1927-1951, Luận án Tiến sĩ Triết học, Université de Washington, Washington, 2015.

16. Có một điều đáng lưu ý là đối với các Hội Phật giáo ở Nam kỳ, chúng tôi không thấy có các nghị định cho phép thành lập giống như ở Bắc kỳ mà sự phê chuẩn của nhà cầm quyền được ghi ngay trong Điều lệ xin phép thành lập hội.

17. Trí Hải, Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 15.

18. Hồ sơ 2722, phông Tòa đốc lý Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

19. Hồ sơ 79255-01, Phông Phủ Thống sứ Bắc kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

20. Hồ sơ 65539, phông Phủ Toàn quyền Đông Dương, Kho Lưu trữ hải ngoại Pháp.

21. Hồ sơ 79784, phông Phủ Thống sứ Bắc kỳ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 81
    • Số lượt truy cập : 6952545