Thông tin

TÂM CẦU ĐẠO

TÂM CẦU ĐẠO

 

TUỆ QUÁN

 

 

Giáo lý của Đức Phật là kho báu vô giá cho nhân loại; Lời dạy thiết thực của chư Phật, chư Tổ ai thấu được rồi hành trì mới thấy giá trị không gì ở thế gian sánh được, như ngài A Nan tán thán trong kinh Lăng Nghiêm:

Diệu trạm tổng trì bất động Tôn

Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hy hữu

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng

Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân.

Đức Phật là tấm gương sáng trên con đường cầu đạo. Là vị vương tử dám từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan, từ bỏ tất cả để vào rừng một mình tầm đạo thật hiếm có ở thế gian.

Trong kinh Niết bàn, có ghi lại vị tiên nhân sẵn sàng xả thân cầu đạo: Vị tiên nhân đang tĩnh tọa trong hang núi bỗng nghe văng vẳng ai ngâm hai câu kệ quá hay:

Chư hành vô thường thị sinh diệt pháp

Các hành vô thường là pháp sanh diệt  

Ngài đi tìm thì thấy một con quỷ La sát hình hài ghê tợn, nanh dài, miệng như chậu máu đang ở dưới vực ngâm hai câu kệ trên. Tiên nhân xin quỷ đọc tiếp câu sau, quỷ nói rằng đang đói bụng không thể ngâm tiếp, muốn nghe thì hãy nhảy xuống vực, hiến thân mạng cho nó ăn rồi nó mới đọc tiếp. Vị tiên nhân nói rằng khi hiến mất thân mạng rồi làm sao nghe được, nên thương lượng với quỷ rằng hãy viết các câu tiếp theo trên vách đá, ngài đọc xong sẽ nhảy xuống, giao mạng cho quỷ. Quỷ đồng ý và viết trên vách đá hai câu tiếp theo:

Sanh diệt diệt dĩ tịch diệt vi lạc

Sanh diệt diệt rồi tịch diệt là vui

Tiên nhân đọc đầy đủ bài kệ, lòng vui mừng, bèn nhảy xuống vực theo thỏa thuận với quỷ. Lúc này, quỷ hiện lại thành vua trời Đế Thích, đỡ lấy tiên nhân và nói rằng: Sau này ngài sẽ thành đạo Vô Thượng, nhớ độ tôi nhé! Tiên nhân đó chính là tiền thân một kiếp trước còn tu Bồ tát hạnh của Đức Phật Thích Ca.

Đây là bài kệ nổi tiếng, và phẩm kinh này có ý nghĩa sâu xa cho người học đạo, nhiều bậc Tôn túc đã phân tích, bình giảng. Ở đây, chỉ muốn nhắc lại tâm cầu đạo của người xưa không tiếc thân mạng, quên thân cầu đạo, sáng nghe được một câu kinh, chiều chết cũng cam lòng.

 Thời Đức Phật, có ông Bàhiya trước đây được người ta xưng tụng rồi ngộ nhận mình là A la hán, sau được một người bạn bảo rằng chẳng phải, rồi nói ông nên đi tìm Đức Thế Tôn đang ở thành Xá Vệ. Ông vội lên đường và đi suốt đêm, vượt qua chặng đường dài, không quản mệt nhọc. Nhưng khi ông đến tịnh xá vào buổi sáng thì Đức Phật đã vào thành khất thực. Không kịp nghỉ ngơi, ông lại vào thành tìm và cuối cùng cũng gặp được Đức Phật đang trên đường vào thành. Ông tiến đến đảnh lễ, thưa với Phật rằng tâm ông đang xao động, bức bách, nhiều đau khổ, xin Đức Phật thuyết pháp cho ông được an lạc, giải thoát. Lần đầu và lần thứ hai, Đức Phật đều từ chối vì rằng Bàhiya đang hỏi phi thời, vì lúc này là lúc Đức Phật cùng chư tăng đang vào thành khất thực. Lần thứ ba, ông thưa với Phật là ông sợ không còn cơ hội nghe Phật nói, vì rằng khi Đức Phật khất thực xong trở về lỡ ông bị bệnh chết đi thì làm sao nghe Phật nói, hoặc giả như Đức Phật vào thành khất thực rồi chẳng may mất đi thì ông cũng đâu còn gặp được. Đức Thế Tôn lúc này thấy Bàhiya tâm tư thống thiết, tâm cơ đã chín muồi, đầy đủ nhân duyên để khai thị. Ngay tại giữa đường, Đức Phật thuyết bài pháp ngắn: Này Bàhiya, trong cái thấy chỉ là thấy, trong cái nghe chỉ là nghe, trong cái thọ tưởng chỉ là thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là thức tri,… Do vậy, này Bàhiya, ông không là chỗ ấy, ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau. Nghe xong lời dạy của Thế Tôn, Bàhiya chứng A la hán. Bài kinh nổi tiếng chỉ thẳng ngắn gọn này bây giờ rất nhiều người đã đọc thuộc làu, vì sao không ngộ như ông Bàhiya? Hay là kinh ghi lại không đầy đủ? Hay do không được gặp Đức Phật trực tiếp khai thị? Hay do tâm cơ mình chưa chín muồi? Hay tâm cầu đạo chưa thống thiết?...

Nhị Tổ Huệ Khả khi còn là vị tăng tên là Thần Quang nghe tin Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ xứ Tây Trúc (Ấn Độ) qua Trung Hoa, liền vạn dặm tìm đến núi Tung Sơn để cầu đạo. Chuyện kể rằng lúc ấy Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma nhân duyên gặp vua Lương Võ Đế không khế hợp, bỏ về chùa Thiếu Lâm, núi Tung Sơn vào hang đá ngồi tĩnh tọa. (Người thời đó gọi Ngài là Bích Quán Bà la môn – Bà la môn ngồi nhìn vách). Vị tăng trẻ Thần Quang đến thấy Tổ ngồi quay mặt vào vách không tiếp, nên quỳ bên ngoài chờ. Đêm đến trời rét buốt thấu xương, tuyết phủ trắng xóa. Sáng ra, Tổ hỏi: Ngươi đến đây cầu gì mà suốt đêm qua quỳ trong tuyết lạnh? Thần Quang trả lời: Dạ cầu xin Người ban cho con pháp Cam lồ. Tổ nói: Diệu pháp của chư Phật đâu dễ tìm cầu, đâu chỉ đơn giản quỳ một đêm dưới tuyết mà nghe được! Thần Quang phấn phát quyết tâm, dùng dao chặt đứt cánh tay mình dâng lên Tổ thể hiện lòng chí thành cầu đạo. Lúc này, Tổ mới hứa khả thâu nhận làm đệ tử và đặt tên là Huệ Khả, sau này được Tổ truyền y bát, trở thành Nhị Tổ Thiền Tông Đông độ.

Nghe qua chỉ vài dòng đơn giản, nhưng với đa số người chỉ với câu đầu tiên lạnh nhạt của Tổ có lẽ đã tự ái bỏ về, nói gì đến đoạn sau chặt tay cầu pháp! Thời bây giờ cũng nhiều người nghe giảng kinh điển, thấy ra nỗi khổ ở thế gian, phát tâm xuất gia học đạo, nhưng đến cửa chùa không được đón tiếp niềm nở chắc cũng thối tâm, gặp duyên hơi lạnh nhạt chắc dễ quày quả bỏ về…

Lại nói về Lục Tổ Huệ Năng, sau khi được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát, trở về Tào Khê ở phương Nam xiển dương Thiền tông. Thời bấy giờ gọi là Thiền Nam tông. Bản thân Lục Tổ xuất thân là người đốn củi quê mùa, được truyền y bát, ngài trở về vùng rừng núi phương Nam, người theo học rất đông, và thiền phương Nam rất thịnh hành. Dưới pháp hội Tào Khê, xuất hiện rất nhiều Tổ sư kiệt xuất  như Ngài Thanh Nguyên Hành Tư, Thiên Hy, Nam Tuyền, Hoàng Bá, Quy Sơn, Lâm Tế, Lương Giới, Vân Môn… nhiều không kể hết. Dòng thiền phương Nam phát triển mạnh mẽ, truyền đến tận ngày nay, lan rộng đến Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam…; Ngài Thần Tú là giáo thọ sư trong pháp hội của Tổ Hoằng Nhẫn, sau được Võ Tắc Thiên vời về kinh đô phong làm Quốc sư, các học trò tôn xưng ngài Thần Tú là tổ thứ sáu, xiển dương Thiền Bắc truyền, thời bấy giờ gọi là Bắc tông, người theo học cũng rất đông. Nhưng chỉ truyền được vài đời rồi suy kiệt. Thật khác hẳn so với Nam tông của Lục Tổ Huệ Năng.

Ở đây chưa nói đến tông chỉ đốn ngộ hay tu theo thứ lớp mà hai vị đại sư xiển dương, chỉ mạn phép một cách nhìn: Ngài Thần Tú được Võ Hậu Võ Tắc Thiên mời về làm Quốc sư, đối đãi rất trọng hậu, thậm chí ban chiếu làm tổ thứ sáu. Hiển nhiên sẽ được vương triều hậu thuẫn tối đa, xây thêm chùa, khuyến khích người xuất gia, tứ sự hiển nhiên sung túc. Chốn kinh đô không thiếu quan chức, tầng lớp trí thức,… hâm mộ thiền theo học rất đông… Tuy nhiên, trong đó không biết được bao nhiêu người thực tâm cầu đạo, hay đa số cũng theo phong trào, dựa theo danh tiếng, thêm được ân sủng?!

Còn Lục Tổ Huệ Năng về vùng rừng núi phương Nam, việc ăn ở sinh hoạt tất nhiên thiếu thốn rất nhiều. Những người quy tụ về phải là với một tấm lòng thật tâm cầu đạo, chẳng quản gian nan, thiếu thốn. Tổ Bá Trượng chủ trương mọi người phải lao động. Một ngày không làm, một ngày không ăn, vừa để tự túc lo việc sinh sống chốn tòng lâm có điều kiện học đạo, đủ biết thời ấy chốn tòng lâm phương Nam khó khăn, gạo châu củi quế như thế nào. Người đọc ngữ lục tiền nhân, rất hay gặp cảnh các Tổ hay đi làm ruộng, cuốc đất, trồng ngô khoai; Tổ Ngưỡng Sơn còn đi chăn trâu dưới núi,… Do với lòng chí thành vì đạo, lập nhân địa ban đầu rõ ràng như vậy mà người ngộ đạo rất đông, thiền phương Nam thịnh hành, phát triển mạnh mẽ, truyền bá lâu dài.

Về dòng thiền Trúc Lâm, thuở ban đầu khôi phục lại dòng thiền tông, Hòa thượng Trúc Lâm về núi Tương Kỳ (Núi Lớn – Vũng Tàu) lập Pháp Lạc Thất là ngôi nhà tranh, nơi cheo leo lưng chừng núi. Giai đoạn 1975 giao thời, đất nước rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sau giải phóng, với lý do Núi Lớn thuộc địa phận an ninh quốc phòng, chùa phải giải tán, tăng ni cũng giải tán, vẫn còn một số tăng ni theo Hòa thượng về vùng đất hoang vu nắng cháy, cỏ tranh mọc ngút ngàn ở xứ Long Thành, tìm chỗ xây tạm lán bằng cây rừng, vách đất, mái tranh, để có nơi thờ Phật và trú ngụ, tiếp tục tu hành (Sau này là Thiền viện Thường Chiếu). Thời gian này vô vàn khó khăn, thiếu thốn mọi mặt. Nếu không có tâm thiết tha cầu đạo, không có niềm tin Phật pháp, thật khó mà vượt qua. Những vị đệ tử của Hòa thượng, trong giai đoạn đầy khó khăn, gian nan này đa số bây giờ đã trở thành hòa thượng, đại đức xuất sắc, đang trụ trì các ngôi thiền viện lớn khắp cả Việt Nam và ở nước ngoài, xiển dương thiền tông tốt đẹp.

Những giai đoạn sau này, hệ thống thiền viện phát triển khắp nơi. Đất nước phát triển, người hâm mộ thiền tông nói riêng, vào đạo Phật nói chung càng đông, các ngôi thiền viện bây giờ rất lớn, rất nhiều hạng mục, quy mô và hoành tráng, cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở phải nói là sung túc. Người xuất gia cũng nhiều, với đầy đủ điều kiện để tu hành, nghiên cứu,… Chư tăng bây giờ rất đông, được đào tạo bài bản hơn, kinh điển dễ dàng tra cứu, rất là đầy đủ. Nhưng nhìn lại, chưa thấy xuất hiện cá nhân xuất sắc, như giai đoạn ban đầu. Vì sao có vẻ nghịch lý như vậy? Câu trả lời có lẽ mọi người tự suy gẫm.

Gương quên thân cầu đạo của người xưa rất nhiều, không thể kể hết. Các vị tiền nhân là tấm gương sáng cho đời sau học hỏi, lập chí trên con đường đạo hạnh. Để đúc kết lại gương hạnh này, xin kể lại giai đoạn học đạo của thiền sư Viễn, đệ tử của thiền sư Qui Tĩnh. Sư Viễn ban đầu nghe đạo hạnh của Tổ Qui Tĩnh ở huyện Diệp, cùng người bạn đạo lặn lội tìm đến nghe pháp. Tới buổi Tổ thăng đường thuyết pháp, sáu vị cùng đến nghe, gần cuối buổi bỗng người nhà bếp trong chùa hắt nước rửa chén ra làm mọi người ướt dính đầy tro bụi. Vài ba lần như vậy, bốn người cùng đi bỏ về, riêng sư Viễn và người bạn vẫn ở lại. Sư suy nghĩ: Người hành cước xuất gia học đạo, vì việc lớn sanh tử, đâu thể vì một vài việc nhỏ như vậy mà nản lòng.

Thời gian sau, sư được giao chức Điển tọa trong chùa (coi quản về chi tiêu ăn uống trong chùa). Một hôm, Tổ Qui Tĩnh có việc đi vắng, sư thấy tăng ăn uống kham khổ, mới xuất kho thêm một ít rau nấm, bột nêm cho bếp ăn. Buổi trưa, Tổ về hỏi vì sao hôm nay trai đường có thức ăn ngon như vậy. Tổ Qui Tĩnh vốn rất nghiêm khắc, nghe Tổ hỏi vậy, mọi người đều sợ, chỉ qua Điển tòa. Tổ cho gọi sư Viễn đến hỏi: Hôm nay có thí chủ cúng dường à? Sư nói: Dạ không. Tổ gạn: Vậy chắc là có ai cúng dường trai tăng? Sư đáp: Dạ không có. Tổ hỏi: Không có ai cúng dường, vậy thì tại sao cơm nước hôm nay khác mọi hôm? Sư Viễn trình bày do sư thấy chư tăng lao tác nặng nhọc, lại ăn uống thiếu thốn, vất vả nên mới thêm một ít thực phẩm trong kho cho bếp ăn. Tổ quát mắng thậm tệ: Tòng lâm lâu nay khó khăn quen rồi, nhà chùa gạo nước khan hiếm, ông mới về đây, lợi dụng ta đi vắng, lại cho phép tự quyền xuất kho, để lấy lòng mọi người. Ông muốn có lòng tốt đến chư tăng như vậy, hãy đợi ngày sau lên làm trụ trì rồi hãy tính. Bây giờ, ông đã vi phạm, phải lập tức bán y áo, vật dụng của mình, lấy tiền bồi thường lại số thực phẩm đã tự ý xuất kho, và bị đuổi ra khỏi chùa. Sư biết lỗi, quỳ xuống sám hối. Lòng khẩn thiết vâng lời Tổ, chỉ xin được ở lại chùa. Tổ vẫn không chấp nhận. Sư quay sang các vị thượng thủ trong chùa cầu cứu, nhờ một lời nói giúp. Tổ nạt lớn: Ông đã vi phạm quy củ, bây giờ lại muốn liên kết các ông thượng thủ ở đây chống lại lão tăng à! Các vị trong chùa thương cảm với sư, nhưng thấy Tổ nghiêm quá, ai nấy lặng yên, chẳng dám nói vào. Sư bán y áo, vật dụng bồi hoàn lại, gạt nước mắt rời khỏi chùa, chỉ xin Tổ cho phép khi Tổ thăng đường giảng pháp thì được về nghe. Tổ chấp nhận việc này.

Không được ở trong chùa, hàng ngày sư vào xóm làng hóa duyên độ nhật, tối về trọ tạm nhà khách vãng lai (nhà khách thuộc nhà chùa, được xây cất bên ngoài khuôn viên chùa, cho khách ở xa đến tá túc). Dịp Tổ giảng pháp, sư lại đến nghe, ngồi phía sau cuối, không thiếu buổi nào, lòng rất hoan hỉ, chưa từng có một lời than vãn.

Một thời gian sau, đều đặn ngày qua ngày như thế. Một hôm, Tổ gặp sư mới hỏi lâu nay ông ở đâu, sư nói tá túc ở nhà khách vãng lai. Tổ không chấp nhận, vì nhà khách thuộc quàn lý của chùa, tính tiền sư trọ thời gian qua, bắt sư phải đóng. Sư lại vâng lời, đi hóa duyên quyên góp đóng đủ tiền, tiếp tục tự hóa duyên trang trải và dành thời gian học đạo. Lúc này, Tổ mới về chùa thượng đường và bảo đại chúng sắm sanh nhang đèn, xuống xóm rước một bậc Thiện tri thức trở về. Đó là sư Viễn vậy. Sau này, sư trở thành một cao tăng kiệt xuất ở tòng lâm.

Cách dạy người khác thường của Tổ Qui Tĩnh như vậy đó, quá nghiêm khắc, nhưng chọn được người thì luyện thành vàng ròng. Nếu một người không có tâm thiết tha cầu đạo, không dễ gì vượt qua được.

Thời bây giờ, vẫn còn nhiều thầy trụ trì không dám nặng lời khiển trách tăng phạm lỗi, sợ bỏ đi hết, đi qua chùa khác. Một vị tăng xuất gia vào chùa là một hạnh nguyện lớn lao, từ bỏ mọi việc của thế gian để đi trên con đường xuất thế. Nếu thầy nuông chiều quá, bỏ qua lỗi không sửa, e rằng không được trui rèn, qua thời gian, khó có thể trở thành một tăng tài đạo hạnh, gánh vác việc lớn sau này. Có những vị thầy nuôi điệu bây giờ phải chìều chuộng, sắm cho smartphone để chơi game, sợ buồn rồi bỏ về nhà. Theo thời thế bây giờ là vậy, sợ chùa không có điệu! Thông cảm cho điệu còn bé, chưa ý thức việc vào chùa học đạo, nhưng với tăng thì lại là vấn đề khác.

Chốn tòng lâm xa xôi hẻo lánh, lại xuất hiện hàng long tượng. Nơi thành phố kinh kỳ náo nhiệt, nhiều trung tâm Phật học, dễ đào tạo nhà nghiên cứu, tiến sĩ Phật học; phát triển, giảng dạy rộng khắp cho đời.

Con đường siêu việt của chư Phật, chư Tổ, đầu tiên cần phải lập chí vững vàng, phát tâm cầu đạo. Thiếu điều kiện tiên quyết này, khó vượt qua những gian nan vốn có trên con đường đạo. Cổ nhân đã để lại nhiều tấm gương sáng cho hậu thế, và những người con Phật đi sau, noi theo, khắc dạ ghi lòng, nỗ lực tu học, để phần nào báo đáp ân đức to lớn không thể đáp đền của Phật Tổ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 236
    • Số lượt truy cập : 6946976