TẤM LÒNG VÀNG
HÀNG CHÂU
Từ ngã ba Dầu Dây nhìn thẳng về phía trước xa xa in trên nền trời dãy núi chập chùng mờ sương. Những ai có dịp đi về hướng ấy cũng đều thấy hương vị ấm lòng thanh thoát. Nhớ công lao bác sĩ Yersin người đã lặn lội khám phá ra vùng đất tuyệt đẹp mang tên Đà Lạt - Lâm Đồng.
Huyện Di Linh là vùng cao của thành phố, khí hậu se se mát. Trong những năm chiến tranh, nơi vùng đất hoang sơ này, ngày ngày người dân tộc thiểu số, vai mang gùi đựng măng, trái cây rừng từng hàng một lũ lượt con cái, người vợ mặc váy cõng đứa bé trên lưng, anh chồng đóng khố đi dọc con đường mòn về ngôi nhà sàn đơn sơ ẩn mình trong rừng sâu thăm thẳm.
Năm 1975, hòa bình lập lại, huyện Di Linh từng bước đổi mới, nhà được xây dựng khang trang, đường sá sạch sẽ mở rộng. Người dân các nơi khi đến Đà Lạt du lịch đều vãn cảnh vùng cao này.
Cô gái với tên gọi Minh Hiền quê ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Gia đình có tám anh chị em, cô là con út được cha mẹ thương yêu, chiều chuộng.
Lúc đến tuổi đi học, Minh Hiền được cha mẹ cho đến trường và đỗ Tú tài 1. Cô có người chị, con người bác ruột đi tu. Nhìn gương mặt hiền hòa của chị với chiếc áo nâu sòng của người tu sĩ, cô thấy sao mà đẹp đến thế! Thỉnh thoảng, Minh Hiền vào chùa thăm chị; ngôi chùa thật yên tĩnh, thanh thoát với những gương mặt hiền từ, nhân ái, rồi năm 16 tuổi Minh Hiền bắt đầu tụng kinh. Ở vùng quê yên bình, ngôi chùa cạnh gốc đa to với cành lá bao phủ quyến rũ bao người.
Nhà ở gần chùa, nên Minh Hiền thường xuyên vào lễ Phật. Năm 17 tuổi, cô bắt đầu ăn chay trường theo chị. Ngẫm nghĩ, cô thấy cuộc sống đời thường sao vất vả gian truân. Ba má cô làm quần quật suốt ngày để tìm ra đồng tiền cho hai bữa ăn trong ngày, rồi nuôi con đến trường để nâng cao kiến thức. Cô chứng kiến những cuộc va chạm, mích lòng nhau. Người thì ăn không hết, kẻ thì tìm chén cơm gian nan khốn khổ. Bao điều thấy trước mắt, Minh Hiền thấm thía lời dạy của đức Phật về ba chữ giản đơn - tham sân si, nó dai dẳng suốt đời người. Có những đêm, cô gặp mẹ thủ thỉ xin được xuất gia. Mẹ lặng thinh vuốt tóc con gái. Đi tu? Người phụ nữ đi tu phải có lòng nhẫn nhục, chịu khó, phải rèn kềm lòng sửa mình, không biết con gái có làm được không? Nhưng thấy con quá quyết tâm, người mẹ gật đầu. Đôi mắt bà thấm ướt. Vào chùa đôi ba năm, siêng năng lao động, đêm đêm tụng kinh thuộc lòng. Cô được lên thành phố học trường Phật học, lớp sơ cấp rồi lên trung cấp. Đầu óc lại càng sáng ra, càng thấm thía về con đường đi của mình là chân lý. Đi tu ít phiền não. Đêm đêm, khuya khoắt Minh Hiền suy ngẫm việc làm trong ngày của mình, điều gì nên tiếp tục và tự giác sửa những điều lỗi lầm, sơ sót của mình.
Năm 1975, nước nhà thống nhất, sau nhiều năm đất nước triền miên chiến tranh, nhà nước kêu gọi người dân tham gia lao động kiến thiết quê hương. Các tu sĩ nữ chùa Pháp Hoa cùng nhau trồng cà phê. Ngôi chùa Pháp Hoa thuộc đạo tràng Niệm Phật Pháp Hoa, Thích Nữ Minh Hiền và Thích Nữ Huệ Đức thấy Đà Lạt không có chùa Ni, nên hai ni sư cùng các Phật tử mua một mẫu rưỡi đất xây chùa vào năm 1970 tại huyện Di Linh. Vùng này thường bị nước ngập mỗi khi mưa to gió lớn nên hai ni sư bàn nhau dời về chỗ mới, cách chùa cũ 500 thước. Ngôi chùa Pháp Hoa rộng rãi trong vùng người dân tộc K’ho. Vào những ngày đầu, Ni sư Minh Hiền và Huệ Đức chỉ dẫn họ sống có vệ sinh sạch sẽ từ cái đơn giản rửa đôi bàn tay sau khi làm rẫy cho đến nấu nướng giữ nồi niêu xoong chảo. Hướng dẫn việc trồng trọt canh tác cho có khoa học. Dẫn dắt họ vào chùa, kể chuyện cuộc đời của đức Phật là một vị hoàng tử giàu sang xuống tóc đi tu như câu chuyện cổ tích. Rồi từng bước học niệm Phật. Đôi ba ngày chưa quen dần dần thuộc lòng. Nơi đây có 300 hộ gia đình người dân tộc K’ho quy y Phật, có 1.500 Phật tử theo đạo tràng Niệm Phật Pháp Hoa.
Hai ni sư cảm thấy hạnh phúc khi thấy có người nói tiếng Kinh ban đầu ấp úng không rõ ràng, thế mà bây giờ rành rẽ, vui vui. Rồi những đôi bàn tay chắp khép kín trước ngực, ngước mắt kính cẩn trông lên bàn thờ Phật, thật hiền. Người dân tộc sống với núi rừng bên cạnh muôn thú, với thiên nhiên, không va chạm đua chen vật chất, chỉ có khố che thân. Những ngày vào chùa thân thiện với người Kinh, với các ni sư, càng ngày họ càng thấy khắng khít yêu thương, không thấy khoảng cách giữa hai dân tộc Kinh - K’ho.
Ni sư Minh Hiền nghĩ lại, thật không ngờ thời gian qua đi như thoi đưa, đã 45 năm đến vùng đất Di Linh này.
Năm nay, ni sư Minh Hiền đã vào tuổi tám mươi, Ni sư Huệ Đức tám mươi mốt. Quý vị ở chốn trần gian này ba phần tư thế kỷ, đã giành cho bao người niềm an lạc, sống có ý nghĩa.
Thật quý biết bao tấm lòng vàng. Một tấm lòng hiếm có, là gương sáng cho bao người, cho đời sau.
Bình luận bài viết