Thông tin

TÂM - NIỆM - NHÌN - THẤY

THIỀN VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY (tt)

TÂM - NIỆM - NHÌN - THẤY

 

NGUYỄN BÁ HOÀN

  

 

A. TÂM

Khi nói đến cái tâm, thường thì người ta liên tưởng ngay đến “chơn tâm” mà giáo lý, kinh điển Phật giáo đề cập khá nhiều; ở đây chúng tôi không bàn đến cái tâm thể như nhiên “bất sinh bất diệt”, cái tâm thể “chơn không - diệu hữu”, mà chỉ đề cập đến tâm thức thường tình nơi mỗi con người; đó là cái tâm yêu thương, thù hận, buồn vui, thương ghét, phải quấy, đúng sai, chấp có chấp không, cái tâm mê đắm sắc tài lợi danh, khát khao hạnh phúc nơi mỗi con người. Vì sao ta cần phải biết đến nó, vì khi chưa thoát khỏi những cám dỗ dục vọng mê lầm thiên chấp, cái tâm thức nhiều chuyện đa đoan ấy chính là ta, nó hiện hữu, sinh động, lồ lộ nơi mỗi chúng ta.

Thật ra, khi nói đến “bản thể” hay “chơn tâm” vốn thiêng liêng mầu nhiệm ắt sẽ khiến người phàm phu tục tử như chúng ta dễ cảm thấy ngăn cách, người nghe nói về “chơn tâm” mà chưa từng thấy biết và chưa từng sống với “chơn tâm” ắt sẽ thêm vọng tưởng, bỏ “cái tâm này” rồi chạy theo “cái tâm kia”, khổ nỗi “cái kia” cũng chẳng thể tách rời khỏi “cái này”, nhưng trên thực tế chúng ta luôn bị hệ lụy và chi phối bởi hai thứ tâm “thánh - phàm” hay “thiện - ác” trói buộc. Do vậy, muốn gợi mở điều gì đó về “chơn tâm”, thì cứ nhìn thẳng vào thức tâm vọng động, hoang tưởng điên đảo nơi mỗi chúng ta hiện nay, hễ nói đến cái tâm thức ồn ào sôi động phàm phu tục tử này thì tất cả mọi người trong chúng ta đều dễ nhận, dễ cảm thông và thấu hiểu…

Trong cuộc sống, người ta thường hay nói vui, người này có “tâm hồn ăn uống”, người kia có “tâm hồn văn nghệ”, hoặc nói, người này có tâm từ bi bác ái, người kia có tâm bao dung độ lượng, hoặc hẹp hòi ích kỷ, cống cao ngã mạn… Quả là nghìn muôn chủng loại, tuy nhiều đến vậy, nhưng kỳ thật cũng chỉ xuất phát từ “một” mà thôi!

“Một” này là cùng một nguồn gốc điên đảo, nói rõ hơn, “một” này vốn chỉ là một tâm thức tham dục mê đắm trần cảnh không phút giây nào ngưng nghỉ; thật tình thì tâm thức chúng ta không lúc nào mà không tham dục, tham dục triền miên, tham dục và hoang tưởng đến nỗi cứ tưởng mình là trí tuệ, tài hoa, thậm chí tự ngầm cho mình là thánh thiện, do vậy chúng ta chưa bao giờ được trong sạch, dù điều này ai cũng biết, dù ai cũng muốn tâm mình sáng ngời, trong sạch. Thế nhưng trong cuộc sống, con người luôn mâu thuẫn với chính mình, nghịch lý lại diễn ra nơi mỗi con người, ai cũng ôm ghì cái tâm tham dục đó, gìn giữ nâng niu và phát triển nó, con người vì thế mà thường tham đắm si mê, tự mãn, tự ái và sân hận, thường ích kỷ bỏn xẻn với những lợi lạc nhỏ nhen cho riêng mình, ghen ghét đố kỵ với thành công của người khác, vì lẽ đó hiếm khi con người thật lòng vui sướng khi nhìn thấy người khác thành công hay hạnh phúc.

Hiện thời, tâm thức chúng ta không được trong sạch, dù cho chúng ta đọc hết ba Tạng kinh nhà Phật hay các học thuyết của các nhà hiền triết, trong tình cảnh này, nếu chúng ta có nói gì về giác ngộ hay giải thoát thì chúng ta vẫn là kẻ nói suông về cái gì đó hoàn toàn mơ hồ, chẳng thực tế, chẳng lợi ích gì; đã vậy, tốt hơn chúng ta cứ tiếp tục trao đổi với nhau về cái tâm điên đảo, nhìn thẳng vào cái tâm tham dục bất tịnh này đi, qua sự thẳng thắn và cảm nhận sâu sắc, chúng tôi hy vọng sẽ gợi mở ra một điều gì đó gần gũi hơn để chúng ta nhận chân ra sự thật của vấn đề “chánh - tà” hay “thiện - ác”.

Trước tiên, chúng ta nói về xu hướng “thiện” trong “tâm thức”, dù tư tưởng con người luôn hướng thiện, nhưng thật lạ đời, đa phần lại thường nhác làm điều thiện, ngược lại thường tạo ra những tình huống nguy hiểm cho mình và cho người, để rồi phải gánh nặng khổ đau phiền luỵ, trong ý thức của mỗi chúng ta, không ai mà không thích an lạc, thái bình, hạnh phúc; nhưng thực tế, trong cuộc sống và chính ngay trong sự sống của mỗi chúng ta, cũng có khi chúng ta tạo ra cảnh giới an lạc, nhưng thật đáng tiếc là nó chỉ ngự trị chốc lát chúng ta liền phá đi ngay, đó là vì chúng ta làm điều thiện quá ít, thời gian tác thiện lại quá ngắn, quá ngắn so với việc bất thiện mà chúng ta đã làm và so với chính xu hướng thiện nơi mỗi chúng ta.

Tâm lý chúng ta ai cũng sợ khổ đau bất hạnh, nhưng lại rất chịu khó, siêng năng, cần cù sải những bước chân dài đến cảnh giới chẳng mấy tốt đẹp gì, tuy mang xác thân của một con người nhưng mỗi một niệm điên đảo vọng tưởng dấy lên, tức ngay đó hiện thành khổ đau rắc rối. Thực tế này do chúng ta chưa nhìn thấu qua lớp sương mờ bởi danh lợi phù du phủ ngập lên nền cuộc sống. Đối với người mang nhiều tật bệnh và nhất là đối với những người đã lún sâu vào vòng nghiện ngập, chúng ta nên hiểu rằng, trước đây chúng ta đã sống quãng đời bình an và hạnh phúc, giờ đây chúng ta phải sống trong bất hạnh, đau khổ… Tất cả cũng đều xuất phát từ một tâm đó thôi, khi hiểu được điều này, rất cần nơi mỗi chúng ta sự tỉnh thức, tự thương lấy bản thân mình. Có tỉnh thức chúng ta mới có thể chuyển hóa tâm thức, xoay ngược vấn đề để tự vực mình dậy, vươn lên thoát khỏi khổ đau nghiện ngập, vì đó là địa ngục trước mắt, chứ chưa nói đến một địa ngục nào đó đang chờ sẵn mỗi chúng ta trong kiếp vị lai.

B. NIỆM

Trong Hán tự, chữ “Niệm” gồm chữ Nhân, chữ Nhị và chữ Tâm, theo nghĩa, con người sanh hai tâm thì gọi là niệm, đây là nói theo nghĩa trong Hán tự; còn nghĩa của chữ “Niệm” trong đời sống thường ngày là “nhẩm” trong tâm, chẳng hạn như niệm Phật là thầm nhẩm danh hiệu đức Phật trong tâm. Thế nhưng chữ “Niệm” được dùng trong Phật giáo thì phức tạp hơn, nó được hiểu là sự dấy khởi dao động của tâm. Khi niệm dấy khởi, trong tâm lại sinh ra một thứ tâm nữa, nghĩa là chúng ta đang thanh tịnh sáng suốt, nhưng do sự không sáng suốt (bất giác) chúng ta đã dấy khởi vọng tưởng, từ đây tự gây khó cho mình khi mà sinh ra muôn ngàn rắc rối hệ lụy kéo theo sau.

Khi bất giác, tức là không còn sáng suốt nữa, thì con người mất khả năng tự chủ, niệm niệm sanh diệt dấy khởi tương tục, cái dòng niệm niệm bất giác chảy dài vô cùng vô tận giống như dòng thác đổ, giống như cánh quạt đang chạy với công suất lớn, người ta gọi đó là tâm thức. Cái tâm mà chúng ta đang sống, đang sinh hoạt hằng ngày, đi đứng nằm ngồi, nói năng động tĩnh, chính là cái tâm vọng tưởng điên đảo từ một niệm bất giác dấy khởi hình thành phát triển, khi đi sâu vào “niệm”, tức là chúng ta đang bàn về trạng thái sanh diệt trên dòng tâm thức, mỗi niệm niệm sanh diệt trong ta, chính là một thế giới thu nhỏ, là một xã hội ngổn ngang với muôn ngàn trần lao phiền não, muốn cảm nhận nó ra sao, chúng ta cần phải đặt thân mạng mình trên dòng tâm thức đó; nếu như muốn thấy nó, ít ra chúng ta đừng nên tương tục và đừng nên sanh khởi thêm những niệm bất giác nữa, thì cơ hội lắng đọng và tiếp cận với dòng tâm thức sanh diệt có phần thuận lợi hơn.

Chúng ta hãy thật sự tĩnh lặng để chung sống một cách trọn vẹn với niệm niệm cố hữu hiện hành và lặng lẽ lắng đọng ngay trên dòng tâm thức. Chúng ta tìm cách tiếp cận sâu sắc với cái tâm điên đảo đang ngự trị trong chúng ta, khi chúng ta không chủ động dấy khởi và yên lặng tinh tế thì chúng ta sẽ trở nên tỉnh táo, dần dần chúng ta sẽ hòa nhập vào nó, chứ không còn hiểu biết về nó một cách mơ hồ, nhờ đó chúng ta càng trở nên tỉnh táo hơn với những gì dàn trải trong đời sống, một khi đã nhìn tận mắt cái tâm điên đảo đó, chúng ta mới có cơ may đến gần với thiền, mới bàn đến công phu tọa thiền và những điều liên quan đến cái “chơn tâm” vắng lặng thanh tịnh sáng suốt nơi mỗi chúng ta.

 

 

C. NHÌN

Sở trường của con người là hướng ngoại và con người sinh ra là để suốt đời nhìn - nghe - nghĩ - tưởng, đến khi mệt nhoài trong gá nương và vay mượn, con người mới tạm thời yên lặng, nói đúng hơn là khi đó con người không còn đủ sức để náo động. Trong suốt quá trình sống, khi phạm phải một lỗi lầm lớn nào đó khiến sanh tâm ân hận, hối tiếc, khi đó con người mới đổi hướng nhìn vào bên trong để tự răn lòng, tự khắc kỷ với bản thân, cũng trong quá trình sống, đang khi trai trẻ còn sung sức, con ngưòi năng nổ hướng ra, khi già yếu bệnh tật, con người mệt mỏi hướng vào, dù năng nổ nhìn ra hay mệt mỏi quay vào thì cũng đều là hướng ngoại, bởi mục tiêu của “hướng” nó luôn ở bên ngoài “ta”; khi chúng ta hiểu về “tâm” và “niệm” rồi, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận điều này. Tuy nhiên, dù bản chất vấn đề cũng là hướng ngoại, nhưng nếu chúng ta hướng vào với tư thế khoẻ mạnh, chúng ta sẽ có một sự sống nội tĩnh rất có ý nghĩa. Sống trong nội tĩnh thì con người dễ dàng lấy lại quân bình, lập lại trật tự thăng bằng, khiến cho cơ thể phục hồi chức năng, tinh thần từ đó sẽ sáng suốt hơn.

Điều quan trọng là khi hướng vào, còn phải nhìn vào đâu, nhìn như thế nào, để thấy cho rõ bộ mặt thật của cái tâm điên đảo trong ta, nó đã sai khiến chúng ta, cuốn hút chúng ta trôi lăn trong luân hồi đau khổ mới là quan trọng.

Nói về hướng vào để nhìn cho rõ cái tâm, nhân đây chúng tôi xin nêu ra một vài ví dụ để qua đó mỗi người trong chúng ta có thể rút ra một cách nhìn tùy thích: Những tia sáng mặt trời chỉ có thể soi sáng vạn vật, nhưng nó không thể quay lại để tự rọi vào bản thân nó được; cũng như ánh đèn pin nó chỉ có thể chiếu sáng để soi rọi đồ vật cần tìm và làm sáng góc phòng, những tia sáng đó chẳng thể nào quẹo lại để soi sáng khắp bản thân nó. Từ ví dụ này, chúng ta có thể đưa ra một nhận xét, chúng ta chỉ có thể thấy được những gì ở ngoài tâm, chứ chẳng thể ngồi nhìn, ngồi tìm mà thấy được tâm. Vì sao vậy? Vì “tìm” đó, "nhìn" đó chính là “tâm”, và “thấy” đó cũng chính là “tâm” đó thấy. Do đó, cổ đức thường nói “bậc thượng căn dụng tâm, hàng độn căn dụng công” là vậy.   

Chúng ta cũng cần lưu ý, tất cả những thấy nghe hay biết (kiến văn giác tri) của chúng ta, đều là hoạt dụng sống động của bản tâm, bởi “thấy nghe hay biết” chính là ánh sáng chiếu dụng phát xuất từ nguồn tâm, do vậy chẳng thể đem “thấy nghe hay biết” mà quay lại để nhìn tâm, để thấy nghe hay biết cái tâm đó được. Như vậy, muốn thấy cái tâm điên đảo vọng tưởng hiện hành nơi mỗi chúng ta, thì chúng ta phải nhìn như thế nào mới thấy, về điều này chúng tôi xin dẫn một vài cách nhìn tâm mà kinh điển Phật giáo đã nhiều lần đề cập đến. Trong kinh điển, đức Phật đã chỉ ra vài cách tìm tâm, chẳng như trong kinh Lăng Nghiêm có cách “phản văn văn tự tánh” (nên hiểu “phản văn” chính là cách dụng tâm triệt tiêu mọi sự hướng ngoại), hay trong Bát Nhã tâm kinh có đoạn “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” (soi kỹ năm uẩn đều không thật, nên vượt qua hết thảy khổ nạn). Có thể nói đó là những cách nhìn thẳng tắt, siêu việt lên những cái nhìn bình thường trong đời sống, tuy nhiên muốn thực hành rốt ráo cách nhìn này trước hết chúng ta cần cảm nhận một cách sâu sắc về cái gọi là “Tánh nghe”, hay về cái gọi là “ngũ uẩn”.

Theo suy nghĩ thô thiển của chúng tôi, muốn nhìn bất cứ gì để thấy cho rõ, trước hết chúng phải định tâm; cũng như muốn nghe ai nói điều gì đó thật rõ thì trước hết chúng ta phải thật sự yên lặng, càng yên lặng, càng định tâm, chúng ta càng dễ nghe và nghe được rõ ràng hơn, còn nghe cái gì, nhìn cái gì trên cái tâm vọng tưởng điên đảo đó.

D. THẤY

Trong sinh hoạt hằng ngày, mỗi khi gặp chuyện bực mình, chúng ta thường lộ vẻ cau có, khó chịu. Đối với những người có nhiều lòng sân hận, lúc giận dữ thì bộ dạng dữ tợn hơn. Những lúc như vậy, mỗi người trong chúng ta điều biết mình đang nóng giận, nhưng chỉ biết vậy thôi, chứ chẳng ai rõ là cái tâm sân hận đó ở đâu. Ngược lại, lúc đang giận dữ, nếu có ai đó cắc cớ chọc giận hỏi rằng cái tâm sân hận đó ở đâu, không chừng chọc giận kiểu đó cơn thịnh nộ bùng lên mạnh hơn nữa là khác. Tuy nhiên, đối với những người thường nội tĩnh, khi buồn vui mừng giận, họ đều dễ dàng nhận ra tâm trạng, những biến động trong tâm thức, họ cũng có thể điều chỉnh và thay đổi chiều hướng theo hoàn cảnh thuận lợi cho tinh thần và thể chất.

Thường thì khi tâm thức ồn ào vọng động, người ta dễ dàng nhận ra những trạng thái tâm trên những niềm vui nỗi buồn. Thế nhưng khi tâm hồn thật sự vắng lặng định tĩnh, khi đó con người cũng sẽ khó mà nhận ra bóng dáng của thức tâm điên đảo vọng tưởng. Như vậy, trong yên lặng, định tĩnh, chúng ta sẽ làm thế nào để nhìn thấy rõ cái tâm điên đảo vọng tưởng của mình.

Đến đây, chúng ta phải cần đến một yếu tố quyết định, đó là niềm tin! Tin như thế nào đây? Chúng ta tin chắc rằng, ngay trong cái vắng lặng yên tĩnh đó, chính là cái tâm điên đảo vọng tưởng tham dục bất tịnh của chúng ta chứ không đâu khác. Khi đã tin như thế rồi, trong tĩnh lặng chúng ta kiên trì tập trung tinh thần nhìn kỹ, nhìn sâu sắc đến tận cùng vào thể trạng vắng lặng đó, chúng ta sẽ nhận thấy một điều thú vị, đó là vọng tưởng điên đảo vốn không thật. Những tâm trạng vui buồn thương ghét mừng giận âu lo đều là ảo hóa và nó cũng không thật. Khi nhìn tận cùng vào tâm thức vắng lặng đó, chúng ta mới thấy tất cả hiện tượng biến động, sanh diệt, đổi thay, vay trả, đều là vô thường, đều là hoa đốm giữa hư không. Tất cả những hiện tượng vô thường này chỉ có khi “mắt” ta bị “nhậm” (hoa mắt) và nó thật là “không” khi chúng ta nhìn kỹ và soi thấu trong trạng thái định tĩnh. Đối với người nhìn nó trong tình trạng chập chờn, nửa sáng nửa tối, thì nó như hư như thật, mơ hồ như có như không. Có điều nhìn nó với tinh thần và tâm trạng như thế nào đi chăng nữa, thì sự nhìn nơi mỗi chúng ta cũng chưa từng thêm bớt, đầy vơi. Dù chúng ta nhìn vào tận cùng tâm thức hay nhìn nó cách hời hợt đi chăng nữa, thì sự nhìn của chúng ta vẫn tràn đầy như sự sống vẫn luôn tràn đầy nơi chúng ta. Tuy nhiên, trong tình trạng hiện nay của tất cả chúng ta thường chỉ khái niệm hay cảm nhận về cái tâm điên đảo tham dục bất tịnh đó một cách mơ hồ, do vậy chúng ta cần phải thấy nó, thấy nó một cách tường tận sâu sắc, vì nó không chỉ là nguồn gốc của điên đảo mê lầm, mà còn kéo chúng ta hụp lặn trong nghiện ngập, luân hồi trong bể khổ trầm luân khiến cho chúng ta chưa có ngày an lạc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6570542