Thông tin

TÂM THƯ MÙA ĐẠI DỊCH

 

NGUYÊN CẨN

 


 

Hữu Trí thân mến,

Nhận email bạn gửi mấy ngày mà đến hôm nay mới có chút thời gian hồi đáp. Bạn kể tình trạng hiện nay khá căng thẳng ở nơi bạn ở, Virginia và cả nước Mỹ vì đại dịch Covid-19, đã có gần 180 nghìn người chết và hơn 5 triệu ca nhiễm. Chưa kể nạn cháy rừng ở California và bão Laura “kinh hoàng” đang ập đến một loạt thành phố bắt đầu từ Lousiana. Điều làm bạn muộn phiền nhiều hơn là sự chia rẽ trong đời sống khi phong trào Black Lives Matter tiếp tục làm xao động lòng người gây bất ổn xã hội. Sau vụ George Floyd giờ lại đến vụ Blake ở Kenosha. Xã hội Mỹ chưa lúc nào lại nhiều sóng gió như bây giờ. Còn ở Việt Nam thì sao ư? Bạn hỏi về tâm trạng con người ở đây. Không đến nỗi ngổn ngang như ở Mỹ nhưng con người ở đâu cũng thế. Nhà văn Trương Văn Dân trong một mail gửi cho tôi khi viết về Milan, nơi anh đang ở, có đoạn “Lòng tôi nhói đau khi nghe xe cứu thương hụ còi trong thị trấn buồn hiu, hay trĩu buồn trong những buổi chiều nghe tiếng chuông nhà thờ từ phía sau nhà vọng lại, âm thanh rạc rời, chậm rãi như lời nguyện tiễn hồn về cõi vô cùng. Có ai đó đã nói: “Khi một người già mất đi thì giống như một thư viện bị đốt cháy”. Thế thì một phần ký ức của nước Ý đang bị biến thành tro bụi”. Bây giờ thì không chỉ ở Milan mà đại dịch đã làm tan hoang nhiều thành phố lớn khác từ Virginia của bạn cho đến Madrid, New Delhi…

Bây giờ nói chuyện Việt Nam cho bạn rõ.

Sức khỏe tâm thần đang bị ảnh hưởng

Trong khi đại dịch tấn công vào thể chất một số người có thể giới hạn được thì đại dịch theo một số nhà tâm lý cũng tấn công tâm thần một số lượng người nhiều hơn. Chúng ta biết rằng đại dịch đã làm nhiều người bị mất việc, do hàng loạt công ty giải thể hay tuyên bố phá sản, nhiều gia đình bị chia cách và mất mát, trường học phải đóng cửa một thời gian, sự tương tác với xã hội của cá nhân bị thu hẹp, nỗi lo sợ nhiễm bệnh và một tương lai bất định gây ra những sang chấn tâm lý ngay cả những người có thể chất khỏe mạnh. Hiện nhu cầu được hỗ trợ về tâm lý hiện nay rất cao. Theo ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ TPHCM hồi giữa tháng 7, số bệnh nhân tới khám và tư vấn do rối loạn tâm thần tại bệnh viện quận 2 (TPHCM) tăng gấp đôi so với lúc chưa xảy ra đại dịch. Còn theo kết quả đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch với trẻ em và gia đình tại Việt Nam do UNICEF thực hiện, trẻ em ở độ tuổi tiểu học trở lên có xu hướng đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe tâm thần. Một số thanh thiếu niên cảm thấy lo lắng mỗi khi có thông tin về những ca mắc mới trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt trẻ em sống trong các khu vực bị phong tỏa hoặc khu cách ly tập trung. Một bà mẹ cho biết khi một ca mắc mới được phát hiện, con trai cô đã rất lo lắng và không ngủ yên giấc. Bà Đặng Hoàng Minh, Phó Giáo sư, tiến sĩ tâm lý thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng các chính sách về chăm sóc, hỗ trợ tâm lý trong đại dịch hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều nước, theo bà, đây là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo tính nhân đạo và quyền con người nhất là trong thảm họa và đại dịch. Bà đặt vấn đề: “Có ý kiến cho rằng ở những nước nghèo, hay đang phát triển, chăm lo sức khỏe tâm thần cho người dân là một hoạt động phù phiếm, xa xỉ nhưng đã có nhiều nghiên cứu cho rằng cái giá phải trả cho việc phớt lờ sức khỏe tâm thần lớn hơn nhiều. Một quốc gia sẽ vượt qua, phục hồi thế nào trong và sau đại dịch nếu nhiều người không có tâm thần khỏe mạnh? Cách thức nào để phục hồi kinh tế nếu chúng ta không khỏe mạnh về mặt tâm lý?” (Bảo Uyên - Đại dịch Covid-19 đang tấn công sức khỏe tâm thần, báo Phụ nữ 19/8/2020).

Bạn thì sao? Bạn đang làm gì để vượt ra ngoài nỗi lo sợ hay tình trạng ù lì tâm lý do “giãn cách” xã hội (social distancing)? Đã có người bạn của tôi, một bác sĩ nổi tiếng, khuyên nên duy trì nếp sống độc cư, kham nhẫn, thực hành thiền định, có “cao siêu” quá không bạn? Vậy thì làm sao để dễ thực hiện? Theo tôi cần phải “kết nối truyền thông” với những người quanh mình trong tinh thần “lắng nghe” và ái ngữ nữa mới trọn vẹn. Mở rộng ra là phải đi theo con đường lục độ trong đó hạnh đầu tiên vẫn là “bố thí”.

Những gì cần làm?

Độc cư

Bạn phải tập sống một mình, nếu như không thể gặp bè bạn hay con cái ở xa. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, khi nói về “độc cư” nhắc đến nguyên tắc tối thượng của nó trong kinh “Người biết sống một mình” là “… sống với cái Tâm tĩnh lặng, trong sáng, không bị “trôi lăn” (cuốn) vào dĩ vãng hay tương lai bởi “dĩ vãng đã qua rồi/ tương lai thì chưa tới”. Họ an nhiên tự tại với “ở đây và bây giờ” (here and now). Nghĩa là tâm không dính mắc quá khứ hay băn khoăn tương lai.

Chúng ta hiểu rằng đạo Phật chủ trương “tự thắp đuốc soi đường lên mà đi”. Muốn như thế, hãy quán chiếu lòng mình vì phải “… sát khuẩn tự tâm cho thanh tịnh”. Phương tiện sát khuẩn tâm phải chăng là chánh niệm như nhà tâm lý trị liệu Mark Epstein nói: “… việc ứng dụng thực hành chánh niệm hiện nay trong phục vụ trị liệu tâm lý mang giá trị thực tiễn cao và là sự phát triển sáng suốt. Chính chánh niệm, được xem là một kỹ thuật trị liệu tâm lý có hiệu năng cao, đã bị bỏ lỡ, một điểm quan trọng được thiết kế để dạy cho mọi người biết tuân thủ về sự tồn tại của kiếp sống đã được đức Phật ứng dụng và trở thành phương tiện quan trọng nhằm giúp chúng ta vượt qua mọi đau khổ trong đời sống”. (Mark Epstein, What is real mindfulness? http://healyourlife.com).

Nếu chúng ta có chánh niệm, có khả năng tiếp xúc sâu sắc với những mầu nhiệm thì Tịnh độ có mặt trong ta. Khi nhìn sâu chúng ta biết rằng hạnh phúc không thể có được nếu không có hiểu biết và thương yêu.

Kham nhẫn

Nhẫn lực chính là sức kham nhẫn trước mọi điều không như ý. Chúng ta thử hình dung một người tu khổ hạnh như đức Phật hơn hai nghìn năm trước, trong rừng sâu, phải đối diện với đói khát, nóng lạnh, bệnh tật, thú dữ, ma quỷ, lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc… Nếu không kham nhẫn thì Ngài không thể vượt qua các chướng ngại, chẳng thể trụ lại được nơi khu rừng.Khổ hạnh để tu hành. Đỉnh cao của kham nhẫn chính là sẵn sàng hy sinh thân mạng,nhưng chúng ta hôm nay có nhiều điều kiện tiện nghi hơn nhiều, chưa kể kết nối qua internet và những phương tiện tinh xảo khác. Chúng ta lại càng không có lý do rút lui hay đầu hàng trước những khó khăn. Đạt Lai Lạt ma nói rằng: “Bậc Đạo sư Ấn Độ vào thế kỷ thứ tám - Ngài Tịch Thiên - đã nói với chúng ta rằng, kẻ thù của chúng ta có thể cũng chính là người thầy tốt nhất của ta, bởi vì không ai khác có thể cho chúng ta cơ hội như thế để thực hành đức tính kiên nhẫn của mình”. Đại dịch cũng là một nghịch cảnh để chúng ta thực hành vậy.

Thiền định

Nói thiền định thì bạn thấy có vẻ “cao siêu” nhưng thật ra là sức tập trung tư duy, còn gọi là tư duy lực, tức năng lực tư duy của thiền quán. Ở mức độ tối cao là năng lực thiền quán vô ngã, loại trừ mười kiết sử để lần lượt chứng đắc bốn Thánh quả và đạt Niết bàn tối hậu. Nhưng chúng ta chỉ cần dừng ở mức độ sơ tâm là tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn, chế ngự cảm xúc và kiểm soát hoạt động của tâm thức chúng ta, nói một cách cụ thể hơn là “giữ gìn vệ sinh về tinh thần”.

Có người đã đặt câu hỏi: “Ngày nay, chúng ta tu tập theo giáo pháp của Thế Tôn, người tu tuy nhiều nhưng người đạt đạo thì không nhiều, phải chăng chúng ta thiếu sức kham nhẫn và yếu kém năng lực tư duy? Bình tâm để thấy cái sự đời lắm lúc kham nhẫn được trong nghịch cảnh mà lại không thể kham nhẫn dẫn đến chết chìm trong thuận cảnh. Và đôi khi học cao hiểu rộng bên ngoài mà lại không rõ biết chính mình, không trực nhận được vô thường, vô ngã của thân tâm, vạn sự vạn vật”. (Quảng Tánh - Kham nhẫn và thiền quán - nền tảng của thành đạo. phatgiao. org.vn) cũng cần nói thêm kham nhẫn trong thuận cảnh là mê luyến theo lời ngon lẽ ngọt dẫn ta tới tham ái, chấp thủ.

Có câu chuyện kể rằng một phụ nữ trẻ đến từ Columbia đã hỏi Đạt Lai Lạt ma rằng Ngài sẽ khuyên mọi người như thế nào để đối phó với sự bất ổn đang chiếm ưu thế ngày nay. Ngài trả lời rằng, đại dịch và sự phát tán của nó là rất đáng buồn. Nhiều nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu với hy vọng tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Ngài gợi ý rằng, khi mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn về thực tế, họ sẽ ít bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực - như trạng thái chán nản - chẳng hạn. Chúng ta không thể đoạn trừ hết các vấn đề rắc rối bên ngoài như chúng ta mong muốn, tuy nhiên, về thế giới nội tâm, chúng ta có thể phát triển lòng khoan dung, sự tha thứ và tâm biết đủ. Nếu chúng ta phát triển tâm thức an bình, ta có thể giữ được sự bình tĩnh cho dù bất cứ điều gì xảy ra ở thế giới bên ngoài. Thực hành thiền tha thứ và nuôi dưỡng tâm từ sẽ giúp mở rộng những con tim dù bị chủ nghĩa vật chất làm cho tha hóa, và chuyển hóa hẹp hòi thiên kiến đến hiểu biết và tình thương.

Kết nối truyền thông mùa đại dịch

Chúng ta sinh ra đời là sống cùng, sống với một cộng đồng. thế nên nhu cầu giao tiếp, truyền thông là bắt buộc.Để kết nối với nhau tốt nhất không gì bằng lắng nghe và ái ngữ.

Ái ngữ, hay từ hòa trong lời nói (metta-vācī kamma) là một trong số các nguyên tắc tạo ra sự hòa hợp nhóm, gia đình hay cộng đồng. Trong khi đó, chánh ngữ (sammā-vācī) lại là một chi phần trong Bát Thánh đạo, con đường dẫn đến chấm dứt mọi khổ đau trên thế gian này. Theo Sư Cô Pháp Hỷ thì Chúng ta có thể thấy đây như là tiếng vang của một thông điệp từ 2.500 năm trước, khi một vị Trưởng lão tên là Vangisa nắm bắt cách mà ông hiểu về “nói chuẩn” như vị đó đã nghe từ đức Phật như sau:

Chỉ nói những từ / Không hại bản thân và người khác / Nói như vậy mới chuẩn / Chỉ nói những lời ái ngữ / Lời khiến người vui lên. / Lời đẹp là cách nói / Không để lại hậu quả tai hại cho người / Sự thật thì luôn bất tử / Đây là quy luật vĩnh hằng / Những ai đã giác ngộ nói rằng / Ý nghĩa của diệu pháp / Có nền tảng trong Chân lý”. (SC.Pháp Hỷ Dhammananda Ái ngữ và Chánh ngữ trong mối liên hệ với truyền thông bất bạo động, giacngo on line).

Ái ngữ là cách nói chạm vào trái tim của người nghe. Chúng ta nói làm sao mà người nghe cảm thấy ấm áp, chấp nhận, và ghi nhận sự tôn trọng.

Ái ngữ cũng là một phần trong Chánh ngữ, hay lời nói chân chính là yếu tố thứ ba trên con đường được gọi là Bát Thánh đạo đó. Trong những bài kinh Nguyên thủy, chánh ngữ được định nghĩa là: “Tránh nói láo, nói lời chia rẽ, lời nói thóa mạ, và những lời sáo rỗng vô nghĩa”. Có 5 yếu tố để một lời được gọi là chuẩn: Đúng thời, đúng sự thật, nói với tâm từ, đem lại lợi ích cho người nghe, và nói với ý định tốt. Trong hoàn cảnh cách ly, chúng ta có nhiều thời gian và điều kiện gần các thành viên khác trong gia đình, cần phải tránh cảnh “ngồi không, bươi móc chuyện cũ” ra để gây hấn hay làm khổ nhau. Điều này đã xảy ra như một nghịch lý khi tỷ lệ ly hôn gia tăng sau giãn cách thay vì làm họ gần nhau hơn, nhất là khi kinh tế khó khăn ai cũng bị ức chế tâm lý, đưa đến bất hòa do sự thất bại trong đời sống vì nói không “đúng thời”, “không đem lại lợi ích…”.

Ngoài ái ngữ, chúng ta còn phải biết lắng nghe. Chúng ta phải lắng nghe sâu để thấu hiểu người khác, chuyển hóa thiên kiến hay biên kiến trong tâm mình. Lắng nghe với tâm từ bi mang đến cho ta và tha nhân cầu nối truyền thông và có tác dụng trị liệu nhiều bệnh thái của tâm như ghen ghét, ích kỷ, thù hận.

Trong gia đình chúng ta, nhiều người cảm thấy cô đơn vì đã đánh mất khả năng lắng nghe và nói lời ái ngữ. Người ta tìm đến bác sĩ tâm lý trị liệu, thay vì trao đổi với người thân, hy vọng bác sĩ có thể lắng nghe mình nhưng chính các bác sĩ cũng có những đau khổ riêng khó giãi bày. Nếu muốn huân tập tâm từ bi, chúng ta cần kiên nhẫn để trở thành một người biết lắng nghe sâu. Sau khi biết lắng nghe, chúng ta tập nói ái ngữ. Cuộc sống càng khó khăn, chúng ta dễ cáu kỉnh, bực bội, mất khả năng nói chuyện từ tốn dịu dàng. Không có khả năng tạo dựng yêu thương qua lời nói và việc lắng nghe, chúng ta không thể tạo nên sự hòa hợp, và xa hơn là hạnh phúc.

Chúng ta thường trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, là người có khả năng lắng nghe siêu việt với lòng từ bi và hiểu được âm thanh của thế gian, hiểu được tiếng kêu đau thương của muôn loài. Ở những khóa tu, chúng ta tập thở chánh niệm để lòng từ bi luôn luôn có mặt trong ta. Có như thế chúng ta mới nghe những bộc bạch của người khác mà không oán trách hay lăng mạ dù câu chuyện có trái ý ta. Nói một cách hình tượng dù hoàn cảnh bất như ý, chúng ta không làm cho tình hình tệ hơn, cuốn vào vòng xoáy dằn vặt và đau khổ luân hồi mãi mãi.

Có rất nhiều những lời dạy để hướng dẫn chúng ta phong cách giao tiếp và truyền thông chuẩn mực. Một trong những điều này là sức mạnh của việc quán chiếu. Ví dụ, khi đức Phật dạy Rahula, rằng: “Khi con muốn nói (hay đang nói) điều gì đó, con nên quán chiếu về lời nói này như sau: “Điều tôi muốn nói và sắp nói ra đây có đem lại khổ đau phiền não cho tôi không? Có đưa đến bức xúc khổ sở cho người khác không? Có làm phiền lòng và đem đến bất hạnh cho cả hai không?” (The Middle Length Discourses of the Buddha, A translation from Majjhima Nikaya, Wisdom Publications, Boston 2009).

Hữu Trí thân mến,

Mình nói nhiều với bạn về ái ngữ và hạnh lắng nghe. Nhưng trên hết là khả năng quán chiếu, có lẽ đó là yếu tố quan trọng nhất trong việc giao tiếp và truyền thông. Nó giúp chúng ta sáng suốt quyết định nên nói gì, nói như thế nào và không nên nói gì, nói ra sao để truyền đạt ý nghĩa của điều muốn nói với người khác. Nhưng còn một điều không thể không nói sau khi nói về thiền định, tinh tấn, nhẫn nhục nhưng hạnh đầu tiên có lẽ vẫn là bố thí.

Đại dịch làm cho mọi người nhích lại gần nhau hơn. Mình đã từng viết trong bài “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” đề cập đến việc những cây ATM gạo. Mình trích lại như sau “Trong những ngày cách ly khốn khó trong tháng 4, trên đất nước còn nhiều chật vật này, những cây ATM gạo, khởi nguồn từ TP.Hồ Chí Minh, nơi luôn chan chứa nghĩa tình như câu nói dân gian “Người Sài Gòn hào hiệp” để rồi tình yêu thương có chất truyền dẫn, nên khắp nơi ta đều thấy cây ATM gạo hay “Siêu thị không đồng”… cả ở vùng sâu vùng xa… giúp người nghèo qua mùa dịch bệnh. Báo nước ngoài đã cảm phục dành nhiều lời khen ngợi.

Trong “Meditation XVII”, John Donne viết “Cái chết của bất kỳ ai cũng gây nên mất mát trong tôi vì tôi thuộc về loài người”. Ông cũng nhấn mạnh con người không phải là một hải đảo tự thân, mỗi con người là một mảnh của đại lục. Tôi nhớ ai đó nói tiếng đập cánh của con bướm bên này đại dương cũng gây ra xao động không khí bờ bên kia. Điều đó không có gì mới nếu ta hiểu giáo lý duyên khởi “cái này có nên cái kia có”. Chúng ta hành động thế nào thì môi trường và thiên nhiên đáp trả chúng ta như vậy. Không khí ngày một ô nhiễm nếu không phải vì con người thì do ai.

Hiểu về duyên khởi khiến chúng ta sống có trách nhiệm, có hiểu biết, có thương yêu, biết được rằng hành động của mỗi cá nhân sẽ tác động ra sao đối với cộng đồng”. (Nguyên Cẩn - ĐTNGCTĐL, thuvienhoasen. org.vn). Đến nay, tháng 8. 2020 lại có ATM khẩu trang, cũng bắt đầu từ Sài Gòn, lan ra Đà Nẵng và mới đây là Hà Nội.

Và bạn thân mến, có lẽ mình cũng sẽ kết thức bức thư này bằng niềm tin rằng đại dịch sẽ đi qua, tình người ở lại như trong bài viết trên vì lại nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” dù chỉ để gió cuốn đi vì “Còn cuộc đời ta cứ vui”.

Chúc bạn luôn an bình và mong bạn vững tin vào thiện tâm nhân loại, vẫn còn đó dù có lúc nhạt nhòa và ngày mai mọi chuyện sẽ tốt lên nếu hôm nay chúng ta ứng xử với nhau bằng tất cả tấm lòng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 82
    • Số lượt truy cập : 6952552