TÂM VÀ TẦM CỦA CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU
TRẦN DIỄM THÚY*
AI CŨNG BIẾT NGUYỄN PHÚC CHU LÀ VỊ CHÚA RẤT SÙNG ĐẠO PHẬT, TÀI NĂNG XỨNG DANH LÀ BẬC “HIỂN TÔN HIẾU MINH HOÀNG ĐẾ”
Đức Minh Vương Nguyễn Phúc Chu là vị chúa thứ 6 của Đàng Trong, ở ngôi từ năm 1691 đến năm 1725, một trong số rất ít những vị chúa được nhân dân tôn sùng và tôn vinh là bậc “Hiển tôn hiếu minh Hoàng đế” hay là bậc Quốc Chúa Minh Vương. Khi tôn vinh Ngài, người ta ai cũng biết Ngài rất tôn sùng đạo Phật và là một vị Chúa hiền tài, một đạo nhân.
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Quốc Chúa lên ngôi khá sớm (16 tuổi) nhưng vị Minh Vương này là một trong số ít những vị chúa đã làm được rất nhiều kỳ công to lớn cho dân tộc, cho đất nước. Vốn là một vị chúa đặc biệt tôn sùng đạo Phật nên Ngài đã khẩn trương cho xây chùa, đúc chuông, mở hội,… mà một trong những ngôi chùa nổi tiếng còn lưu giữa danh tiếng của Đức Ngài cho hậu thế đó là xây chùa, mở hội ở chùa Thiên Mụ. Đã có nhiều bài viết về nội dung này nên chúng tôi tập trung hai thành tựu nổi bật nhất, đó là “cái tầm” của Ngài trong chủ trương mở mang bờ cõi đất phương Nam và “cái tâm” của Ngài trong việc lãnh đạo, làm nhiều công trạng lợi ích lớn cho dân cho nước.
Trong 9 đời chúa Nguyễn, chúa Nguyễn Phúc Chu được các nhà sử học đánh giá là bậc hiền tài, có tâm, có tầm nhìn rộng, ví dụ khi Đàng Ngoài và một số đời chùa Nguyễn trước bế quan tỏa cảng, thì đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu chủ trương mở cảng để mở rộng giao lưu kinh tế với quốc tế như Nhật, Pháp, Trung Quốc,… mà việc chú trọng mở cảng Hội An là một trong những chủ trương đúng và thể hiện tầm nhìn rộng mở rộng giao thương.
Giáo dục, thi cử phát triển quy mô dưới triều Quốc Chúa. Ngài sớm ý thức rằng, văn hóa và giáo dục là nước và đất của “cây dân tộc”. Ngài đề xướng nhiều hình thức thi cử công bằng, thông minh để lựa chọn những nhân tài xứng đáng cho đất nước. Ngài chú trọng cách đặc biệt việc sử dụng nhân tài, không nghe những lời nói nịnh bợ, ghen ghét, vì lợi ích chung của dân tộc.
Lấy cái tâm để cai trị, Ngài xây dựng luật hình, bộ hình,… phục vụ lợi ích và bảo vệ lợi ích nhân dân là chính, vừa bảo vệ kỷ cương phép nước, vừa mang tính nhân văn. Ngài là một trong ít những vị chúa thật sự được nhân dân kính yêu.
Vốn là người có tài, giỏi võ từ bé và là người thông minh, dưới triều đại chúa Nguyễn Phúc Chu, có thể nói binh lực khá hùng mạnh, được lân bang nể sợ. Ngài tự mình cai quản quân đội, chú trọng binh lực như chính “máu của dân tộc”.
Không chỉ giỏi võ, vốn từ bé, Ngài đã có tài văn thơ và có đời sống tình cảm khá phong phú. Ngài là một nhà thơ. Tuy có nhiều cung phi và có khá đông con (146 người con) nhưng khi vợ mất, Ngài làm thơ khóc vợ ý tình rất nồng nàn, thắm thiết.
Tuy nhiên, một trong những công trạng lớn nhất của chúa là mở mang và trấn giữ bờ cõi đất phương Nam. Chính Quốc Chúa là người đã lập Phủ Gia Định, Hà Tiên… trao cho Mạc Cửu trấn giữ Hà Tiên là một hình thức trấn giữ phương Nam thông minh và hợp lý nhất trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Từ giữa thế kỷ 17, lọan lạc diễn ra thường xuyên. Ở Trung Quốc, nhà Thanh chiếm cứ đánh đuổi nhà Minh nên một bộ phận cư dân thờ Minh, lánh nạn nhà Thanh đã sang Đại Việt ta tìm phương sống mới, họ tập trung ở phương Nam chính là bộ phận người Hoa ở vùng đất Nam Bộ hiện nay. Họ đến nước ta chủ yếu bằng tàu thuyền nên cư dân Nam Bộ quen gọi bộ phận cư dân này là “người Tàu”. Ở nước ta, Trịnh - Nguyễn phân tranh diễn ra những cuộc binh đao khốc liệt, nhân dân cơ khổ. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã tìm nhiều phương cách để an dân. Một mặt khéo léo chống chọi với chúa Trịnh ở phương Bắc, mặt khác sử dụng triệt để nguồn nhân lực sẵn có và xuôi về phương Nam tìm nguồn sống mới, đất mới cho nhân dân. Chủ trương này vừa tận dụng được nguồn nhân lực trong nước, giải quyết vấn đề biên cương, lãnh thổ, mở mang bờ cõi, vừa ổn định tình hình cư dân và sử dụng nguồn nhân lực của bộ phận cư dân Trung Quốc mới sang để nhanh chóng lập một “biên cương” mới. Đây là chủ trương có ý nghĩa lịch sử, vừa giải quyết vấn đề cấp bách, cần thiết cho đất nước lúc bấy giờ, vừa có ý nghĩa lịch sử lâu dài cho dân tộc. Việc mở cảng Hội An cũng là một trong những chủ trương sáng suốt của Minh Chúa về sử dụng lực lượng di dân người Trung Quốc sang nước ta lúc ấy. Cũng nhờ đó mà Hội An càng trở thành một thương cảng quốc tế giao lưu với Nhận Bản, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ,... Cũng từ đó, thế lực của chúa Trịnh không làm lu mờ vai trò của chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Về tín ngưỡng, Nho giáo bắt đầu mất vị thế, nhường cho Phật giáo vai trò chủ đạo. Phật giáo Đại thừa (Mahayana) của nhà nước Đại Việt trong bối cảnh phương Nam mở mang càng có ý nghĩa trong mở mang và chấn hưng Phật giáo. Chính trong hoàn cảnh lịch sử này, chúa Nguyễn Phúc Chu đã có những chấn hưng lớn làm thay đổi và chấn hưng Phật giáo, trở thành một trong những dấu mốc quan trọng lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Có công lớn với lịch sử Phật giáo nước ta như vậy, nhưng công lao lớn nhất của Quốc Chúa Minh Vương là xây dựng thành công địa bạ đất phương Nam.
Vâng lệnh Quốc Chúa, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã đem quân vào phương Nam khai hoang lập đất. Nhà văn Sơn Nam đã lội ngược dòng song Hương, đến ngả ba Tuần, qua dòng Tả Trạch để đến viếng lăng chúa Nguyễn Phúc Chu mà ông gọi là về nguồn phương Nam, “về nguồn dân tộc”.
Dưới thời Nguyễn Phúc Chu, việc mở mang bờ cõi đạt những thành tựu như:
- Đặt phủ Bình Thuận năm Đinh Sửu (1697) gồm đất Phan Rang, Phan Rí trở về Tây.
- Đặt phủ Gia Định.
- Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa).
- Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lập xã Thanh Hà, Minh Hương...
Ngày nay, Nam Bộ đã trở thành một vùng đất rộng lớn, trù phú của nước ta. Chúng tôi thiết nghĩ, có nhiều đình thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở vùng đất Nam Bộ, thậm chí được xem như vị quốc thần duy nhất có công mở cõi đất phương Nam. Về công đức của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, không ai phủ nhận. Tuy nhiên, nếu chỉ ghi nhận công đức của người thừa hành lệnh chúa mà bỏ qua hay biết ít về công đức của người chủ trương thì quả là bất hợp lý. Nên chăng, cần có những hội thảo lớn hơn với tầm quốc gia để đánh giá lại công ơn, đức độ và tầm nhìn cao rộng của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu một cách xứng đáng. Trước mắt, cần có tên đường, có đền thờ,… ở vùng đất phương Nam để ghi ơn công đức Quốc Chúa, bởi có Ngài mới có vùng đất này. Chúng ta nên có những hành động thiết thực xứng đáng lớn hơn nữa với công đức của Quốc Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu.
* Tiến sĩ, Đại học Quốc gia TPHCM.
Bình luận bài viết