Thông tin

TẢN MẠN MÙA VU LAN

 

PHẠM QUỐC TRUNG

 


 

Một mùa Vu lan (rằm tháng bảy) nữa lại về. Những cơn mưa mùa hạ làm lòng người như chùng lại, để nhớ về ơn đức của hai đấng sinh thành, để thấy rằng những gì ta làm được để gọi là báo hiếu mẹ cha vẫn là quá nhỏ bé và chưa xứng đáng.

"Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng

Con nuôi cha mẹ kể tháng, kể ngày"

Nếu để lên bàn cân để đong đếm chỉ riêng những giá trị vật chất mà cha mẹ đã dành cho chúng ta, và những gì chúng ta đã làm cho cha mẹ, cũng thấy rõ phần nặng nghiêng hẳn về phía công lao của cha mẹ. Không đúng sao, thử kiểm kê lại xem, một đứa bé khi mới hình thành là đã phải hút chất dinh dưỡng từ mẹ để nên hình nên vóc, những thứ như: xương, huyết, thịt chẳng phải đều là từ mẹ cả đó sao. Vì sinh con, mà xương của mẹ mất bớt Canxi, trở nên nhẹ hơn và đen hơn. Rồi ba năm bú mớm, bao nhiêu là tốn kém tiền của cha mẹ: tã, sữa, thuốc men, quần áo, thức ăn... Khi lớn hơn một chút, đến tuổi đi học, thì nào là: tiền học phí, quần áo, sách vở, đồ chơi, những thứ linh tinh để ganh đua bè bạn... Bấy nhiêu đó thôi, thử tính sơ sơ từ lớp một cho đến khi học xong đại học đã là như núi rồi. Nếu kể thêm chi phí tìm việc làm, dựng vợ, gả chồng, xây nhà... thì còn nhiều hơn nữa. Đó là chưa kể đến những giá trị tinh thần, những lo toan, phiền muộn, thao thức, thương yêu... của cha mẹ dành cho con cái thì không bút mực nào có thể kể hết được. Đứa con nào ngoan hiền, thì cha mẹ cũng đã bạc đầu, phờ phạc vì nuôi con khôn lớn, còn đứa nào bất hiếu, cãi vã, ăn chơi, phá làng phá xóm... thì những tổn thất về vật chất, và tinh thần của cha mẹ không biết còn lớn đến dường nào.

Trong kinh Vu lan Bồn, đức Phật có dạy, dẫu cho người con có hiếu, muốn báo đáp công ơn cha mẹ bằng cách cõng cha mẹ đi khắp cõi đời, cung phụng ăn mặc, ngủ nghỉ... cũng chưa thể báo đáp được phần nào công đức cha mẹ trong muôn một. Như vậy, mới thấy rằng, hiếu thảo vừa là bổn phận, vừa là một lẽ đương nhiên, bởi con cái đã nhận ơn quá lớn từ cha mẹ, thì phải có nghĩa vụ đáp đền, mới đúng đạo làm Người.

Vậy thì, báo hiếu là việc làm cần thiết và cũng thật khó khăn. Nếu muốn báo hiếu mẹ cha thì phải làm sao mới gọi là báo hiếu đúng nghĩa, mới có thể trả bớt phần nào món nợ ân tình của cha mẹ đây? Món nợ tình cảm thì nên được trả bằng tình cảm thì mới tương xứng. Nhưng tình cảm thương yêu ủy mị, quyến luyến buộc ràng của thế gian liệu có phải là đúng cách và có đủ để đền đáp công ơn cha mẹ? Người thế gian, phần nhiều, chỉ chú trọng vào phần vật chất khi báo hiếu cha mẹ, như: chăm sóc, phụng dưỡng, quan tâm về miếng ăn, giấc ngủ, thuốc men... Như thế cũng đã là tốt, nhưng cũng chưa thể đáp đền công lao sinh thành dưỡng dục.

Trong đạo Phật có một cách báo hiếu khác với cách báo hiếu của người thế gian, đó là cần hướng dẫn cha mẹ những hiểu biết đúng về chánh pháp, hỗ trợ cha mẹ trong việc tu tập, và sống một cuộc sống hướng thiện, hướng thượng. Chúng ta hãy xem cách đức Phật báo hiếu cha mẹ như thế nào.

Theo truyện kể về cuộc đời đức Phật, sau khi xuất gia, ngài cố gắng tu tập để thành đạo, tìm ra hướng đi đúng đắn cho bản thân và gặt hái được hoa trái của sự giải thoát. Khi đã giác ngộ và thấy nhân duyên thích hợp, ngài mới trở về tìm gặp vua cha để thuyết pháp cho cha và thân bằng quyến thuộc trong dòng họ, để cha và người thân có thể hiểu biết chánh pháp và biết an vui tu tập hướng về một đời sống đạo đức tốt đẹp. Đó không những là đem lại sự an vui cho cha ngài trong kiếp hiện tại, mà còn là sự đảm bảo vững chắc cho sự an vui dài lâu trong những kiếp sau này. Ngài cũng hướng dẫn cho cha mình, đức vua Tịnh Phạn, về tiến trình chết và phương pháp niệm Phật để được tái sinh ở thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà sau khi qua đời. Còn sự báo hiếu nào hơn là hướng dẫn cha mẹ thấy chánh pháp và giúp cha mẹ thẳng tiến trên con đường tu tập, an lành đến quả vị giải thoát sau này? Đối với mẹ ngài, hoàng hậu Maya, người đã qua đời khi ngài còn rất nhỏ, đức Phật đã dùng thần thông để đi lên cung trời Đao Lợi, nơi bà đã tái sinh ở đó, để thuyết pháp cho bà và mọi người nơi đó trong suốt ba tháng an cư kiết hạ. Từ đó, giúp mẹ hiểu được phương pháp tu tập, an trú trong con đường chánh đạo và biết tu tập theo chánh pháp, để có thể giác ngộ, giải thoát trong tương lai.

Không những chỉ đền đáp ơn đức cha mẹ hiện đời, đức Phật cũng nhiều lần chỉ dạy các đệ tử về mối quan hệ thân thuộc giữa chúng sanh trong thế gian, trong dòng luân hồi sinh tử vô tận, ai cũng có thể đã từng là cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, thân bằng quyến thuộc của nhau trong quá khứ, vì vậy, cần mở rộng lòng thương yêu đến tất cả mọi chúng sanh, như là sự báo hiếu đối với cha mẹ ở những đời xa xưa. Đó cũng là lý do vì sao có tục cúng cô hồn, cúng thí thực vào dịp rằm tháng bảy hàng năm.

Nhân mùa Vu lan, cùng ôn lại chút xíu về công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn của cha mẹ, để biết rằng trách nhiệm của con cái là rất lớn, còn rất nhiều điều chúng ta phải làm để bày tỏ tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Trước mắt, đó là chúng ta cần phải biết tu tập, an vui, hạnh phúc thì cha mẹ mới có thể yên lòng. Sau nữa, cần phải ứng dụng những điều tu tập trong cuộc sống, biết Phật hóa gia đình, cũng chia sẻ giáo lý của Phật đà với cha mẹ, người thân, để mọi người ngày càng hiểu sâu, tin sâu vào luật nhân quả, con đường bát chánh đạo, và có thể sống hiện pháp lạc trú, để thẳng tiến trên con đường tu tập và mang lại lợi lạc cho mọi người xung quanh.

Cầu mong một mùa Vu lan an lành, hạnh phúc đến với cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, cửu huyền thất tổ! Mong những đóa hoa hiếu hạnh sẽ nở rộ trong mùa Vu lan báo hiếu này!

Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6795710