TẢN MẠN “TẾT TA TẾT TÂY”
TẾT CỦA QUÊ TA
DƯƠNG KINH THÀNH
Bàn thờ gia tiên ngày tết theo truyền thống. Ảnh: INTERNET
Ai cũng biết, Âm lịch đối với cuộc sống dân tộc chúng ta rất quan trọng, nhất là ở ý nghĩa thờ cúng Tổ tiên, giỗ chạp,và nghi lễ tang ma .v.v... Đặc biệt, các ngày lễ kỷ niệm Anh Hùng Dân Tộc cũng đều tính vào Âm lịch. Riêng Phật giáo thì điều đó càng quan trọng hơn, ý nghĩa hơn với hầu hết các lễ nghi, phong tục, truyền thống hóa đạo và đặc biệt khi các ngày vía, kỷ niệm, kể cả ngày Đản Sanh đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni... cũng tính từ âm lịch và các ngày lễ khác có ít nhiều liên quan trong năm.
Do đó, chủ trương xóa bỏ ngày Tết Ta cũng có nghĩa là triệt tiêu tất cả những gì thuộc về truyền thống dân tộc trong đó có Phật giáo, một tôn giáo luôn đồng hành, gắn bó theo từng bước thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đã có lúc, những ý kiến đó tạo thành cơn sốt thật sự và tạo ra mối quan tâm của nhiều giới. Từ đó công việc mổ xẻ Tết Tây và Tết Ta cũng đi vào nhiều chi tiết, nhiều khía cạnh, yếu tố liên đới được xới lên, có đôi khi quá trớn. Nhưng đáng chú ý qua những lần mổ xẻ ấy các mũi nhọn dao kéo đều chĩa vào cơ thể, nền móng của Tết Ta một cách không ngần ngại.
Đôi khi, những ý kiến đó mang danh nghĩa vì lợi ích dân tộc trước đà tăng trưởng nhiều mặt của thế giới, bất chấp có so sánh khập khiễng và đã vấp phải phản kháng dữ dội của nhiều người. Bảo vệ ngày Tết Ta không phải là một việc làm lỗi thời hay cố chấp xưa - cũ, mà đó là bảo vệ nét văn hóa truyền thống riêng biệt của dân tộc. Điều này GS Nguyễn Minh Thuyết có nói “Sự đa dạng văn hóa bao giờ cũng nhận được sự ủng hộ từ Liên Hiệp Quốc”.
Ngày Tết Ta khác hẳn ngày Tết Tây. Ngày Tết Tây chỉ có nghỉ ngơi và du lịch, còn ngày Tết Ta là ngày của tâm linh, của sự đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ Tổ tiên và thăm viếng lẫn nhau, tạo thêm giềng mối nghĩa tình thêm xa rộng.
“Chỉ một lý do này cũng khiến người Việt không bao giờ bỏ Tết Nguyên Đán, đó là tình người, là tâm linh. Trong thế giới hội nhập, hàng triệu người Việt tỏa ra bốn phương trời. tết là dịp để người ta trở về dưới mái ấm gia đình, gặp lại ông bà, bố mẹ, anh em họ hàng, bè bạn, nối lại sợi dây của mối tình máu mủ, quê hương... Chính mỗi dịp tết như vậy mà tình người Việt kéo dài ra, bất tận. Với phần lớn người Việt, cái tết Tây chỉ là một tờ lịch đầu tiên của cuốn lịch. Ngày 1 tháng Giêng Dương lịch chỉ đơn thuần là cái mốc thời gian, cũng trôi qua vô hồn.
Làm giàu là cần nhưng suy cho cùng, giàu để làm gì? Dù có tới 36 tấn vàng thì vua Ngô khi chết cũng không mang đi được. Có gì trong cuộc sống đầm ấm an lành trong tình người. May mà chúng ta chưa mất cái gia tài quý giá ấy. Biết đâu, đó lại là vốn quý nhất mà nhân loại nhận ra trong hội nhập?” (Hà Văn Thùy - vanchuongviet.org).
Đầu xuân Nhâm Ngọ (2002) tại Hà Nội có diễn ra hội thảo về Tết Nguyên Đán, GS sử học Trần Quốc Vượng ( 1934-2005) nhấn mạnh về cái gọi là tính chuẩn xác của Tây Lịch rằng “thời đại chúng ta hiện đang sống là thời đại của thuyết tương đối của nhà bác học lừng danh Albert Einstein (1879-1955)” và GS còn kể lại khi còn sinh thời và đang trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, có vài ý kiến đề nghị cụ Hồ Chí Minh bỏ hẳn âm lịch. Cụ Hồ Chí Minh nói ngắn gọn rằng: “Như thế ta bỏ luôn Tết Nguyên Đán sao?”. Và GS khẳng định: “Ngày nay chúng ta còn được ăn Tết Nguyên Đán - Tết Dân Tộc là nhờ Bác” (Nguồn: ghi lại từ Đài TNVN).
Bình luận bài viết