Thông tin

TẢN MẠN VỀ LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ

VÀ TINH THẦN DÂN TỘC

 

NGUYỄN BÁ HOÀN

 


 

Mỗi một chúng ta nếu được học tập mở mang kiến thức lịch sử nước nhà ắt sẽ được bồi dưỡng hun đúc ý chí và tinh thần dân tộc, nhất là trong giai đoạn mới; hơn thế nữa, môn lịch sử cũng là bộ môn đã dạy chúng ta nhân cách làm người, nhận thức một cách sâu sắc đời sống đạo đức và truyền thống văn hóa bản sắc dân tộc chính là gia tài thiêng liêng, là của báu vô giá mà tổ tiên cha ông đã để lại, đây là nền tảng để chúng ta bảo vệ vững chắc chủ quyền tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh thịnh vượng, do vậy chúng ta càng phải phát huy các giá trị lịch sử mà cha ông ta để lại.

Lịch sử là những gì lưu lại từ sự ghi chép một cách trung thực và khách quan về những sự kiện, những hiện tượng, những biến động trong đời sống xã hội của một dân tộc. Sự ghi chép này nêu lên toàn thể quá trình chuyển biến sự việc từ khi phát sinh, phát triển hoặc sau khi phát sinh nó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, có khi nó mang tính khái quát nguyên nhân xảy ra sự việc, nhưng cũng có khi nó mang tính cụ thể, chi tiết, đi sâu vào những việc trọng yếu xảy ra trong đời sống liên quan đến con người, hoặc những sự kiện liên quan đến thời thế và đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn diễn ra trong đời sống. Tóm lại, lịch sử là dấu ấn trên dòng chảy thời gian vô tận được con người lưu lại, mãi đến muôn ngàn đời sau vẫn không phai mờ trong ký ức thế hệ cháu con.

Mỗi dân tộc trên thế giới này đều có nguồn lịch sử riêng, mang nét đặc trưng riêng. Đối với dân tộc Việt Nam, mỗi trang sử vẫn luôn là một bài học quý giá về lòng yêu nước, về tinh thần đoàn kết và ý chí quật cường của dân tộc trước giặc ngoại xâm. Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trải dài từ thời kỳ khai sơn lập quốc cho đến thời kỳ phát triển huy hoàng rực rỡ như thời đại ngày nay, trên nền tảng đạo đức và nền văn hóa truyền thống lâu đời, tinh thần đoàn kết yêu nước thương nòi cũng như ý chí tự lực tự cường phát huy nội lực của toàn dân tộc vẫn luôn được truyền thừa qua bao thế hệ. Điều này, mãi là niềm tự hào của mỗi công dân nước Việt và là niềm vinh dự rất lớn cho những ai đã và đang tham gia công tác nghiên cứu lịch sử nước nhà.

Thật vậy, mỗi khi lần giở từng trang sử vàng của dân tộc, chúng ta dường như được nghe ở đó âm vang sinh động của từng bước chân khai hoang mở cõi của thế hệ cha ông đi trước, chúng ta dường như được nhìn thấy khí thế ngút trời của ông cha ta trong những cánh tay giơ lên cao hô vang câu “quyết chiến” tại Hội nghị Diên Hồng một lòng bảo vệ giang sơn xã tắc. Trong thời đại ngày nay, câu nói bất hủ “Chúng ta thà chịu hy sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” mà Hồ Chủ Tịch đã tuyên đọc trong Lời Kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến, vẫn mãi ngân vang và để lại ấn tượng sâu sắc trong hàng triệu triệu trái tim người con đất Việt… Và ở đó, từng trang sử thời đại mỗi ngày một dày thêm, cũng chính là từng tháng, từng ngày mà chúng ta đang sống trên một đất nước không ngừng thay da đổi thịt, không ngừng ngẩng cao đầu đi lên với khí thế hào hùng của một dân tộc đã từng ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông trong quá khứ, hai lần đập tan dã tâm xâm chiếm đất nước ta của thực dân đế quốc ngay trong thời đại. Đó chính là thiên anh hùng ca bất hủ về bản lĩnh và nghị lực phi thường của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước một kẻ thù lớn mạnh nào, trước một khó khăn thách thức nào của thời đại. Đó cũng chính là bản trường ca bất tận về lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc, được thể hiện một cách kiên cường và đầy trí tuệ trong sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước trong thời đại ngày nay.

Là một công dân, đồng thời là một người con Phật, khi nhìn lại chiều dài lịch sử dân tộc, điều khiến tôi vô cùng tự hào và tâm đắc, đó là Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành với dân tộc Việt Nam, không chỉ đồng hành mà còn gắn kết sắt son, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với dân tộc trong bất kỳ hoàn cảnh nào và lịch sử đã chứng minh điều đó.

Từ ngày đạo Phật du nhập vào nước ta đến nay khoảng trên 2.000 năm. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh vệ quốc hào hùng của dân tộc, nếu để ý chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy thời kỳ nào mà Phật giáo hưng thịnh, thì thời kỳ đó đất nước phát triển; thời kỳ nào mà tư tưởng Phật giáo đóng vai trò chủ đạo trong đường lối trị quốc an dân, thì thời kỳ đó đất nước thái bình, muôn dân ấm no an lạc.

Từ trên 2.000 năm qua cho đến tận ngày nay, nền tảng đạo đức cùng với tư tưởng từ bi và trí tuệ của Phật giáo thực sự trở thành tư tưởng nòng cốt trên mặt trận văn hóa của dân tộc; có thể nói nhà nước Vạn Xuân do Lý Nam Ðế thành lập là nhà nước Phật giáo đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta. Ngay sau khi dựng nước, vua Lý Nam Ðế đã cho xây dựng tại kinh đô Vạn Xuân một ngôi chùa lớn lấy tên là “Khai Quốc Tự”, nghĩa là chùa Mở Nước (nay là chùa Trấn Quốc), chính điều này đã hun đúc ý thức độc lập tự chủ và tinh thần dân tộc cao độ không chỉ trong tâm khảm vua Lý Nam Ðế mà của toàn dân tộc lúc bấy giờ. Đây là cơ sở để chúng ta khẳng định nhà nước Vạn Xuân là nhà nước Phật giáo đầu tiên trong lịch sử nước nhà.

 

Chùa Trấn Quốc, Hà Nội

 

Tiếp đến, chúng ta tuần tự lật qua những trang sử vẻ vang của dân tộc từ thời Đinh - Lê cho đến thời Lý - Trần, tư tưởng từ bi cứu khổ, đạo đức vị tha, cùng với hạnh giải thoát vô ngã đã ảnh hưởng rất sâu sắc trong đường lối trị nước mà các đấng minh quân đã vận dụng rất hiệu quả trong suốt quá trình trị vì và nhiếp chính. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, được xem là một trong những thời kỳ đất nước phát triển và thịnh trị nhất trong lịch sử dân tộc, thì Phật giáo thời nay cũng được xem là một trong những thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Là một Tăng sĩ Phật giáo, từng nghiên cứu lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam, tôi cảm thấy rất tự tin khi nói rằng, Phật giáo thời đại Hồ Chí Minh lịch sử hiện nay, chính là thời kỳ Phật giáo nước nhà lặp lại chu kỳ đúng 1.000 năm lịch sử dân tộc.

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, luôn có dòng chảy lịch sử Phật giáo hòa quyện một cách nhuần nhuyễn, êm thắm nhẹ nhàng, nhưng nguồn tuệ giác Phật giáo trong đời sống nhân gian vẫn luôn cuồn cuộn dâng trào và đã mang lại cho dân tộc những thành quà về tinh thần vô cùng quý giá, đó là một đời sống đạo đức tâm linh và trí tuệ vô ngã, có công năng vượt qua muôn ngàn cám dỗ bởi thế giới vật chất xa hoa, chiến thắng những si mê hủ bại từ niềm tin mê tín, xây dựng một đời sống đạo dức vững bền trong hoàn cảnh xã hội đang phải đối mặt với nghìn lẻ một vấn nạn phát sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. Và điều vô cùng quan trọng là Phật giáo đang được xã hội xem như là một thành trì hữu hiệu để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và là liều thuốc kháng sinh có công năng đặc trị đối với các nền văn hóa ngoại lai du nhập ăn theo thời mở cửa. Qua điều này, chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, dẫu văn hóa và tư tưởng Phật giáo có mang nét đặc thù, nhưng tựu trung lại thì lịch sử Phật giáo vẫn là một bộ phận không thể tách rời của lịch sử dân tộc, không những vậy, lịch sử Phật giáo còn làm phong phú, làm thăng hoa những trang sử vàng son của dân tộc.

Nói đến công tác nghiên cứu khoa học lịch sử là nói đến tính xác thực của sử liệu, tính logic của vấn đề, tính thống nhất xuyên suốt các chuổi sự kiện và thời gian, nhất là khả năng nhạy bén của các nhà viết sử, khiến cho những sự kiện vốn đã phôi pha bởi thời gian bỗng trở nên sống động, có sức thu hút, thật sự hấp dẫn quần chúng đến với ngành sử học, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay rất cần học tập lịch sử nước nhà để khơi dậy truyền thống đạo đức và tinh thần dân tộc. Do vậy, tôi nghĩ rằng, các nhà sử học nên thể hiện tốt hơn nữa vai trò của những nhà khoa học chuyên về ngành sử, ở đó đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng một cách thỏa đáng tính thực tiễn trong nghiên cứu sưu tầm, trong hệ thống chắc lọc, trong tham khảo đối chứng, và nhất là phải dựa trên nền tảng vì lợi ích dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, để công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử mang tính khoa học thực tiễn, kể cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thực sự mang nguồn cảm hứng đi vào đời sống và tác động tích cực đến lợi ích nước nhà, thì rất cần đến tính trung thực và nhiệt tâm của các nhà sử học.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6792220