Thông tin

TẢN MẠN VỀ THIỀN TRƯỚC THIÊN TAI,

DỊCH BỆNH VÀ VIÊM PHỔI COVID-19

 

CS. TUỆ LẠC (NĐ)

 

 

Chúng ta đang sống trong một “thời đại”, mà đa số những “tai ách”, “bệnh hoạn”, và “dịch lạ” vốn phát nguồn từ con người, có thể “ngấm ngầm thành hình”, rồi “bùng nổ” bất cứ lúc nào!

Theo Phật học, “thân thể con người khi sinh hoạt không hợp vệ sinh thì phải bị bệnh hoạn trên phương diện vật chất. Nhưng tinh thần con người nếu không lành mạnh thiện thục, bị tràn ngập bởi tham dục, vận hành bởi sân si, ác ý (vô Pháp = adhamma), thì chẳng những nó sẽ gây bệnh hoạn xác thân cho cá nhân, mà còn gieo rắc tai họa ra chúng sinh xung quanh, trên cả hai phương diện thể xác và tinh thần!”.

Y học tân tiến ngày nay, nhờ “thực nghiệm trên động vật” (kể cả loài người), có thể chỉ rõ được cho người ta nhìn thấy bằng mắt thịt (hoặc xuyên qua dụng cụ khoa học tối tân), “thế nào là ô nhiễm vật chất”, bao gồm nguồn gốc của vi trùng, hay vi khuẩn trong môi trường tự nhiên.

Đồng thời các bác sĩ “Phân tâm học” cũng nêu ra những “tác dụng” của “ót-môn” (hormone = “tuyến từ tính”) trong “hệ thống thần kinh”, gọi là “phản ứng sinh lý”, rồi “qui nạp” rằng, “phản ứng” ấy nếu xấu hay tiêu cực, có thể xem là “ô nhiễm tinh thần”!(?).

Tuy nhiên, “tinh thần” ở đây ám chỉ “hệ thần kinh cảm giác” chứ không phải là “tâm thức” (citta), như trong Phật giáo. – Xin nói rõ!

Rốt cuộc, tất cả “văn minh y học hiện đại” đặt nền tảng trên thân thể động vật, vẫn phải dừng lại ở đó. - Vì “kiến thức” dẫu sâu xa, và dụng cụ khoa học dù tối tân đến đâu, vẫn không thể “thấu đáo được” các “thực tại tâm tánh” hay tinh thần con người.

- Bởi “tinh thần” con người vốn “bất khả thuyết, bất khả tư nghì, và bất khả quy định”, không phải như “thông số” (parametre), đối với ngành tin học trong “biện chứng duy vật”! Nhiều khi đối với “tư tưởng duy vật”, tinh thần con người còn là một “cái gì hoàn toàn nghịch lý”… là đàng khác! (Anti-rationnel encore).

Và đạo Phật đã từ lâu, vẫn cống hiến cho nhân loại một “phương pháp” thăng hoa, để mỗi cá nhân tình nguyện “lành mạnh hóa tinh thần”. Đó là thiền học, một “đức hạnh tự lực” có khả năng “thanh lọc tâm linh”, cải thiện nghiệp chướng.

Sự “thanh lọc” nầy có phẩm cách tương đương trong y học, như các phép “dinh dưỡng thần kinh”, “quân bình não bộ”, và “điều hòa cơ tim”, nhất là “hội tụ định lực”, bổ sung “nhân điện”, giảm thiểu cũng như hóa giải các “độc tố” trong con người.

Cần biết rõ rằng, thiền không phải là một “pháp hành hoang đường, bất khả thi”, mà là một “phương pháp sống dinh dưỡng thực tế”, hoàn toàn nằm trong năng lực sinh hoạt hằng ngày của mỗi con người, ở mọi giai cấp xã hội, mọi lứa tuổi.

Từ đó, thiền sẽ mang lại tính “củng cố và phát triển” kháng tố trong “sự sống”, hay trong “hỗn hợp tâm hồn và xác thịt”, của mỗi hành giả (=người thực hành), vốn có “nghiệp lực kiếp sống hiện tại” (kamma sankhara) là “nền tảng”.

Lại nữa, theo “phát biểu chung”, của các nhà ngừa bệnh và trị liệu, thì “Covid-19” có thể tấn công những người mang kháng tố yếu và những người thiếu kiến thức vệ sinh, thì xuyên qua sự tu Phật, “thiền giả” có thể sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Các chuyên gia ấy còn thường xuyên khuyến cáo rằng, “sự sợ sệt hay hốt hoảng, lo âu sẽ gây căng thẳng thần kinh, và do đó làm suy giảm hệ miễn dịch rất nhiều”.

- Ngoài ra, nếu xét bề ngoài câu chuyện dưới đây, chúng ta thấy “dường như” chỉ có những “cảm giác khó chịu” (bất hạnh, đau khổ, lo sợ, hoang mang) mới làm suy sụp “kháng tố” trong động vật. Còn những “cảm giác vui mừng, dễ chịu” thì không chừng ngược lại, nghĩa là có “hiệu lực” tốt chăng ?!

- Khi chúng ta bình tâm “thẩm xét” một cách khách quan hơn, thì cái vui lẫn cái buồn, đều làm cho tâm thức “chịu đựng”! - Mà chịu đựng là căng thẳng (stresse).

- Nghĩa là, nếu một người “khổ quá” đứng tim tắt thở, thì một người “vui quá” cũng có thể đứng tim chết, một cách đột ngột!

Ví như một bệnh nhân già nua, đi đứng không vững, cần có người nâng đỡ mới có thể di chuyển được. Thế mà khi nghe tin đứa con cách xa hơn 50 năm trở về, người ấy liền ngồi dậy và bước đi “dễ dàng”.

Hiện tượng này tạm chứng minh rằng “sự mừng vui cao độ có thể làm gia tăng sinh lực”. Và “sinh lực” nói đây, phải chăng tương đương với sinh tố hay “kháng tố”!

Đi sâu vào thiền học trong Phật giáo, chúng ta lại thấy “vấn đề” một cách khác, rằng “đã đành tin vui cao độ có thể làm cho con người hưng phấn. Nhưng vui mừng đến mức có thể phát sinh “sức mạnh kỳ lạ”, cũng có thể làm cho hệ thống miễn nhiễm trở nên “bùng nổ” một cách không nền tảng, thiếu nội lực!

Và khi cái cực vui qua đi, thì tình trạng mất thăng bằng kháng tố sẽ tái diễn, có khi trầm trọng hơn trước, làm cạn kiệt sức sống!

Trong trường hợp đặc biệt này, thiền học nhà Phật vẫn có cách giúp cho hành giả thanh lọc “tâm thức” (hay tinh thần) một cách hữu hiệu, để “chuyển hóa” các trạng thái thiếu ổn định, gây ra bởi vui quá hay buồn quá.

Người thực hành thiền pháp thuần thục, hằng “biết trước” một cách thanh tịnh rằng “sau cái vui quá độ là cái buồn nuối tiếc” (sâu thẳm), và “sau cái buồn quá độ là cái vui rõ rệt” (nhẹ hẳn sự chịu đựng).

- Cứu cánh của thiền học trong nhà Phật, vốn là pháp “thoát ly”, vô chấp hay không vướng mắc, - ngay cả không vướng mắc với cái vui điều độ đã từng trải qua, chứ đừng nói đến cái “vui do hoàn cảnh”, nhất là chẳng khư khư ôm giữ nó, nô lệ nó!

- Quá độ ở đây chính là “thành tố cần thiết” để củng cố vướng mắc!

Vấn đề còn lại của chúng ta, là mỗi người phải khách quan nghiên cứu, không để bị ảnh hưởng bởi những cá nhân hiểu lầm thiền học một cách méo mó, có ác cảm với thiền, hay bởi những “thiền sư” giả mạo, chẳng nắm vững giáo lý về thiền, mà chỉ xem thiền như “phương tiện tầm cầu danh lợi”. Đồng thời, mỗi người phải kiên nhẫn học hỏi đúng kinh sách Phật đà, và bình tĩnh tự mình tìm thọ giáo, với một thiền sư đủ đức hạnh, có khả năng hướng dẫn học trò.

Nói tóm lại, “hiệu lực (hay cái dụng) trước mắt” của thiền là đạt đến an trụ, bình tĩnh, thăng bằng thân tâm, giải tán sợ sệt, tái lập tiềm lực kháng tố (nhờ tâm định trong thanh tịnh và tự tin). Nghĩa là, hãy mau mau tu thiền để có “nội lực đối trị” dịch Covid-19. Rồi các khoa học trị liệu, kiến thức về vệ sinh, về kỷ luật cách ly, và dùng thuốc thích hợp mới có kết quả như trông đợi!

Cũng cần bổ túc thêm rằng, trước khi bắt đầu thực hành thiền pháp, chúng ta cần giữ đúng năm giới, là không sát sinh, không đoạt sở hữu của người khác, không tà dâm, không nói dối, không dùng chất say, và không nuôi mạng bằng nghề nghiệp bất thiện.

Nhiều sách thiền của nhà Phật đã thường ghi:

“Giới năng sinh định, và định năng sinh tuệ”.

Sài Gòn 25/7/2020

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6111968