Thông tin

TẢN MẠN VỀ VĂN HÓA MA

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

 

Xưa nay ma vẫn là “vùng cấm địa” trong tri thức loài người. Mặc dù nền văn minh nhân loại đã có những bước tiến vượt bậc về khoa học, công nghệ, nhưng đứng trước “thế lực vô hình”, con người chưa biết được bao nhiêu. Theo quan niệm tinh linh hay linh hồn bất diệt, ma ám ảnh như một tiên đề bất khả tư nghị. Thông qua hàng loạt tập tục, thói quen văn hóa lưu truyền bao đời nay đều góp phần chứng tỏ sự hiện diện của thế giới âm hồn vào cuộc sống này. Niềm tin về cõi âm, linh hồn tổ tiên, ông bà quá cố… thể hiện qua tín lý, đối tượng thờ tự cùng nghi thức hành lễ... ở nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Xét về mặt văn hóa, dấu vết của ma rải rác khắp mọi phương diện đời sống, từ tôn giáo, tín ngưỡng cho đến nhiều tập tục khó thể lý giải.

Triết học Siêu hình, Thần học dành nhiều nội dung đề cập, thậm chí chứng minh cho sự tồn tại của thế giới siêu hình. Song, triết học nói chung thường né tránh nội dung liên quan đến ma. Khổng Tử – ông tổ của Nho giáo - không trực tiếp đối diện trước mệnh đề hóc búa này mà chỉ trả lời lấp lửng qua câu: “Quỷ thần chi sự, kính nhi viễn chi” (Việc ma quỷ, hãy kính trọng và xa lánh). Chính sự dùng dằng cùng thái độ nửa vời ấy mà ma ẩn náu nơi sâu thẳm, kiên cố nhất chính là nỗi sợ hãi của con người. Khoa học nói chung đều tránh va chạm với đối tượng này. Gần đây, nhiều nhà ngoại cảm đua nhau nói về người âm, cũng giống như hiện tượng lên đồng trong tín ngưỡng Shaman cổ xưa được phục hưng trở lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Hai nhà khoa học Morgan và Tylor đều coi “đồng bóng là khái niệm chung của toàn nhân loại”.

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, ma như bóng phản của thực tại trần thế. Con người nói chung chưa hẳn đã trở thành ma sau khi chết, nhưng có xu hướng hóa ma ngay từ lúc còn sống. Mâu thuẫn khá lý thú là, những người càng sợ ma càng thích nghe chuyện ma. Điều đó khiến cho truyện ma phổ biến trên toàn cầu. Đối với nhiều dân tộc, sở thích đọc, nghe chuyện ma lẩn vào thói quen văn hóa, như người Trung Quốc chẳng hạn. Truyện “Liêu trai chí dị” thực chất là bộ tuyển tập những câu chuyện ly kỳ liên quan tới yêu ma quỷ mỵ phổ biến trong dân gian mà nhà văn Bồ Tùng Linh sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn dưới góc độ văn học. Truyện “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ nước ta cũng lấy cảm hứng từ những câu chuyện ma lưu truyền trong dân gian. Tết cô hồn ở tiếng Trung Quốc gọi là “Tết ma” (鬼節) có ý nghĩa quan trọng sánh ngang tết Nguyên đán, Nguyên tiêu. Người phương Tây có ngày hội Halloween, nếu không phải suy tôn giá trị văn hóa ma, quỷ… thì cũng góp phần khẳng định tầm quan trọng của thế lực này. Halloween du nhập nước ta cùng với phong trào học tiếng Anh ở các đô thị lớn, khiến cho nó trở thành thứ văn hóa thời thượng được nhiệt liệt đón nhận.

Theo cuốn: “Đại từ điển văn hóa ma Trung Quốc” do Hứa Hoa Long chủ biên, Nhà xuất bản Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc biên soạn năm 1994 viết:

Thứ nhất: “Ma là những tinh linh bất diệt”. “Từ hải” giải thích: “Người mê tín cho rằng, những tinh linh bất diệt sau khi con người chết đi được gọi là ma”. Vào thời cổ đại, tinh linh nhằm chỉ thế lực thần tiên, ngày nay có thể là những biến thể của động, thực vật, có khả năng nhạy bén, linh hoạt, thậm chí có năng lực như siêu nhân. Trong truyện thần thoại thường xuất hiện loại tiểu tinh linh này, tuy nhiên, chúng không giống như ma theo quan niệm phổ biến ở phương Đông.

Quan điểm thứ hai cho rằng: “Ma là những linh hồn”. Cuốn “Từ nguyên” giải thích: “Người mê tín gọi linh hồn người chết là ma”. Ở mục “Tế nghĩa - Lễ” viết: “Con người sinh ra đều phải chết, chết sẽ về với đất, khi ấy gọi là ma”.

Từ quan niệm tinh linh bất diệt cho đến linh hồn, nội hàm của “ma” đã có những bước tiến về mặt tư duy, song, giả thuyết trên mới dừng lại ở tầng biểu ý, trực quan sinh động phổ biến ở đại đa số tầng lớp nhân dân.

Quan điểm thứ ba cho rằng: “Linh hồn chính là ma”. Theo “Từ điển tôn giáo” (Nhà xuất bản Thượng Hải Từ Thư, năm 1981, trang 787) định nghĩa: “Ma là một trong những quan niệm tôn giáo cho rằng con người sau khi chết, cơ thể rục rã, linh hồn biến thành ma, trong đó có những linh hồn chưa vào được cõi âm vẫn tiếp tục vất vưởng nơi dương thế hoặc ban đêm rời khỏi cõi âm lẩn vào cõi dương, có khả năng báo mộng, cũng như làm hại người sống.”

Quan điểm thứ tư lại cho rằng, “Tinh linh của vạn vật đều là ma”. “Từ điển phong tục Trung Quốc” (Nhà xuất bản Thượng Hải Từ Thư, năm 1990, trang 741) viết: “Ma là tinh linh của vạn vật. Xuất phát từ niềm tin vạn vật hữu linh, tinh linh bất diệt, nên có ma núi, quỷ nước, mị cây, yêu hoa… Trong đó, ma còn chỉ những linh hồn của con người sau khi chết”.

Ngoài ra, ma có thêm đặc điểm liên quan trực tiếp tới con người, như: nhập hồn vào người sống, chi phối thể xác, ý thức, ý chí cũng như hiển linh như một lực lượng vật chất… Một trong những thế lực gây ảnh hưởng, thậm chí quấy nhiễu sinh hoạt thế gian đó là Cô hồn. Cô hồn hiểu là những linh hồn vất vưởng, không nơi nương tựa, không người cúng kiếng, sống ngoài vòng pháp luật của Địa phủ. Tết cô hồn theo phong tục truyền thống diễn ra vào tháng 7 âm lịch. Một ngày lễ khá giống với tết cô hồn, đó là tiết Thanh minh. Nếu như tết Nguyên đán chỉ diễn ra trong vòng một tuần, tính từ ngày 23 tháng chạp, tết Nguyên tiêu, ngày sinh của Thiên Quan diễn ra vào trung tuần tháng giêng thì tết cô hồn kéo dài hết tháng 7 (âm lịch), tiết “Thanh minh - diễn ra - trong suốt tháng ba”. Đối với cộng đồng người Hoa, tháng 7 (âm lịch) vô cùng quan trọng, cơ sở tín ngưỡng đều tổ chức dài ngày, có nơi diễn ra suốt 10 ngày đầu tháng 7 (theo lệ cũ chia một tháng làm 3 tuần: thượng tuần, trung tuần, hạ tuần) như cơ sở tín ngưỡng Đạo giáo Khánh Vân Nam Viện của người Quảng Đông, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Người Triều Châu ở Tịnh xá Sư Trúc Hiên, quận 5 tổ chức ba ngày cuối tháng. Ngoại trừ những sinh hoạt diễn ra trong không gian khép kín tại tư gia, đại bộ phận các nghi thức tổ chức nơi đền miếu, Tự viện, Đạo quan, Tịnh xá… đều tổ chức tết Cô hồn một cách long trọng với sự tham gia của hoạt động Pháp sự, từ lập Trai đàn Chẩn tế cô hồn với nghệ thuật Ứng phú, Qua cầu tiên, Tẩu kim sơn mang tính chất sân khấu hóa, Phóng đại tam Thanh, Mông Sơn thí thực cho đến các hình diễn xướng, tán, tụng, niệm, chú, bạch, xướng Sám… Nơi bá tánh tổ chức rải rác vào những ngày trung tuần tháng 7. Vàng mã, hương nhang nghi ngút... là những hình ảnh thường thấy trong tháng này. Đi kèm với nó có hàng loạt tập tục kiêng cữ, như kiêng mua sắm, cưới hỏi, kiêng quyết định chuyện hệ trọng, có người không dám cho con đi bơi… Vì, theo quan niệm dân gian, tháng 7 là tháng trực phá, các vị Minh vương cõi âm phủ thả âm hồn về nhân gian. Tháng này Hà Bá, Diêm Vương nơi Thủy phủ, Địa phủ tuyển sinh, con nhà ai xui xẻo trúng tuyển coi như mất mạng!

Nhiều người từng tin rằng, ma hình thành vào giai đoạn thấp trong quá trình phát triển của loài người. Thế nhưng, qua ba cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, bước vào thời đại Hậu công nghiệp, Hậu hiện đại, phát triển đô thị thông minh 4.0, tham vọng siêu thông minh 5.0… với sự phát triển cao về công nghệ, con người vẫn chưa thoát khỏi cơn ác mộng liên quan tới ma. Nỗi ám ảnh về ma, như bóng phản của thế giới thực tại vẫn ẩn nấp trong cuộc sống cùng biết bao đổi thay.

Tôi từng có ý tưởng thành lập ngôi trường chuyên đào tạo những người sợ ma. Ngôi trường này chắc hẳn khó thể lập thành tích 100% tỷ lệ đậu tốt nghiệp như nhiều trường phổ thông. Ngược lại, tỉ lệ đậu tốt nghiệp ở đây sẽ rất thấp, vì nỗi sợ hãi đối với ma dường như ám ảnh triền miên, khó thể xóa nhòa, kể cả khi đã được trang bị đầy đủ hệ lý thuyết. Xưa nay, mọi lúc mọi nơi luôn có những người tham gia vào đội quân sợ ma, tin ma. Căn cứ vào tâm lý, nỗi sợ hãi đối với ma không chỉ hình thành bởi ngoại cảnh mà còn xuất phát từ nội giới. Phật nói, trong lòng sợ hãi thì ma xuất hiện. Bởi vậy, ma tồn tại vất vưởng nơi góc khuất bí hiểm của con người.

Xưa có một ni sư từng phát tâm huấn luyện những người sợ ma trở nên can đảm. Phương pháp giáo dục của cô áp dụng biện pháp học đi đôi với hành. Bên cạnh bài giảng về giáo lý nhằm “phá chấp”, ni sư còn cho học viên vào bệnh viện, quan sát, tiếp xúc trực tiếp với xác chết, máu me… rùng rợn. Kết quả, từ đó trở đi tất cả học viên đều không sợ xác chết, máu mê kinh dị nữa mà chỉ còn sợ ma. Cuối cùng, ni sư nhấn mạnh, xác tín rằng: ma không có trên đời, việc gì phải sợ! Ấy thế mới thành vấn đề.

Chúng ta không có đầy đủ căn cứ khẳng định cũng như phủ định sự tồn tại của ma. Quan sát muôn loài, dường như chỉ có loài người biết sợ ma! Nó chí ít dạy ta biết sợ và tránh những điều mình không biết. Ma vươn tới mức phổ biến trở thành một hiện tượng văn hóa đặc trưng trong xã hội loài người.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 37
    • Số lượt truy cập : 6113684