Thông tin

TẠP CHÍ BÁC NHÃ ÂM

TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

MIỀN NAM VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX

 

THÍCH THIỆN MÃN*

 

 

Bác Nhã Âm số 1 và 14

 

SƠ NÉT VỀ TẠP CHÍ BÁC NHÃ ÂM

1. Về vic thành lập Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu

Ngày 29/8/1934, Hòa thượng Huệ Đăng1 đã cùng với Hòa thượng Pháp Hỷ, Hòa thượng Minh Chiếu,… và một số vị cư sĩ trí thức như ông Phạm Hữu Đức (Giám đốc hồi hưu huyện Honoraire), ông Thái Văn Chanh (Cựu quan Một hồi hưu), cư sĩ Minh Chánh Đỗ Phước Tâm (Tri phủ hồi hưu), ông Phan Văn Sô (Chánh quản hồi hưu, cựu Cai tổng Cơ Trạch), ông Đỗ Phước Hinh (Cựu thư ký, nghiệp chủ Long Điền),… tổ chức cuộc họp thống nhất 27 điều trong Bản điều lệ, bầu cử Ban Chứng minh đạo sư và Ban Trị sự tạm thời. Hồ sơ pháp lý thành lập hội đã được Thống đốc Nam kỳ Pagès ký quyết định số 2954 vào ngày 19/10/1934, cho phép thành lập Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu2. Ban Chứng minh đạo sư3 gồm có 04 vị, đó là Hòa thượng Huệ Đăng (chùa Thiên Thai, Bà Rịa), Hòa thượng Pháp Hỷ (chùa Bửu Sơn, Bà Rịa), Hòa thượng Minh Chiếu (chùa Long Quan, Bà Rịa), Hòa thượng Pháp Trí (chùa Lập Long, Bà Rịa). Ban Trị sự của hội (nay đổi thành Ban Thừa kế) do ông Phạm Hữu Đức làm Chánh hội trưởng. Hội quán được đặt tại chùa Thiên Thai, làng Phước An, tổng Phước Hưng Thượng, tỉnh Bà Rịa4 (nay là Tổ đình Thiên Thai, ấp Phước Trung, xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

2. Một số nhân tố tác động dẫn đến sự ra đời tạp chí Bác Nhã Âm

Trước hết phải kể đến ngọn lửa phục hưng Phật giáo Ấn Độ của ngài Anagārika Dharmapāla (1864-1933) vào năm 18915 bằng việc thành lập Hội Maha Bodhi và xuất bản tạp chí Maha Bodhi. Ngọn lửa đó đã lan sang Trung Quốc vào đầu thế kỷ XX, tiêu biểu như hình ảnh Thái Hư Đại sư (1889-1947) vận động thành lập Hội Trung Quốc Phật giáo6 trong phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Quốc, xuất bản tạp chí Hải Triều Âm tác động mạnh đến việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Tiếp theo là tại Việt Nam vào giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, thực dân Pháp đẩy mạnh việc sử dụng chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán, cấp phép xuất bản các báo chí bằng chữ quốc ngữ hoặc tiếng Pháp như báo Le Bulletin Officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo, 1861), tờ Courrier de Saigon (Tin tức Sài Gòn, 1864), báo Gia Định (1865), báo Phan Yên (1868), tờ Thông Loại Khóa Trình (1888), tuần báo Nông Cổ Mín Đàm (1901), Lục Tỉnh Tân Văn (1907),… Trước khi các hội Phật học tại ba miền được thành lập, vào đầu thế kỷ XX, các vị tu sĩ và cư sĩ đã tham gia viết bài trên các tạp chí ngoài Phật giáo như Đông Pháp Thời Báo, Khai Hóa Nhật Báo, Đông Pháp,… đề cập vấn đề chấn hưng Phật giáo. Sau đó, các hội Phật học tại ba miền lần lượt ra đời và tổ chức việc xuất bản tạp chí Phật giáo như Từ Bi Âm, Viên Âm, Đuốc Tuệ, Duy Tâm,… tác động đến việc xuất bản tạp chí Bác Nhã Âm của Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu.

3. Pháp lý xuất bản và cơ quan tòa soạn

Tạp chí Bác Nhã Âm là cơ quan hoằng pháp của Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu. Cư sĩ Minh Chánh Đỗ Phước Tâm giữ chức thủ quỹ trong hội đã đề xuất chính quyền Pháp cho xuất bản tờ tạp chí này. Bác Nhã Âm đã được quan Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định cấp phép xuất bản vào ngày 30/12/19357. Cư sĩ Minh Chánh Đỗ Phước Tâm đảm trách chủ nhiệm tòa soạn, đặt tại chùa Thiên Bửu8, làng Hắt Lăng9, tỉnh Bà Rịa (nay là ấp Phước Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hội quy định tạp chí xuất bản vào ngày 15 tây mỗi tháng, với số đầu tiên ra mắt vào ngày 15/3/1936 với kích cỡ 240mm x 155mm. Tạp chí do nhà in Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, số 57, đường Rue Lucien Mossard, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Du, quận 1, TP. HCM) in, xuất bản suốt từ năm 1936 đến năm 1943.

4. Tên gọi và giá cả

Trong diễn đàn “Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội” của Hòa thượng Huệ Đăng đăng trên số đầu tiên đã xác định về tên gọi tạp chí rằng: “Tâm Bác Nhã nên tiếng ra Bác Nhã, dòng Từ bi phải nối đạo từ bi, vẫn lòng không mưu cầu danh lợi chi,… Âm thanh vi diệu, tiếng nói ra các pháp nhiệm mầu, nói không lường tiếng pháp cao sâu, tiếng thứ sáu gọi rằng Bác Nhã10. Với ý nghĩa hóa độ chúng sanh si mê sớm tỉnh giác, từ bỏ tham lam, trau dồi đức tánh, tu tập giác ngộ11 nên hội đặt tên là “Bác Nhã Âm”. Tòa soạn biếu tặng cho các hội viên, không có tổ chức kinh doanh nên không có định giá bán.

5. Về mặt cấu trúc

Tạp chí Bác Nhã Âm không có cấu trúc nhất định mà thay đổi liên tục. Số đầu tiên ra mắt gồm có Diễn đàn (Bài “Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu” của Hòa thượng Huệ Đăng); Khải cáo (Thư gửi của Hòa thượng Huệ Đăng); Thuyết pháp (Bài “Phát minh tâm địa” của Hòa thượng Pháp Quảng, chùa Bửu Sơn, Bà Rịa); Luận giải (Bài “Thân tâm lược giải” của Tú tài Văn Thứ); Thông bạch (Tờ kiết nhận đại hội ngày 16/2/1936). Đến số 02 có thêm các mục như Khuyến tu, Diễn văn, Kính cáo, Thơ tín, Ai tín. Từ số 03 đến số 11, tạp chí xuất hiện mục Pháp uyển hoặc Văn uyển; nhưng từ số 12 trở đi thì hai mục này không có xuất hiện. Số lượng trang của các số phần lớn dao động từ 31-37; trừ vài số có số trang nhiều như số 13 (ngày 15/01/1939) với 49 trang do bài trả lời câu hỏi của Hòa thượng Huệ Đăng chiếm khoảng 14 trang và bài “Nguyên văn câu hỏi chân lý của Nguyễn Quang Chước” chiếm khoảng 10 trang; số 16 (ngày 15/10/1939) với 45 trang do bài thuyết pháp của Hòa thượng Huệ Đăng chiếm 10 trang và bài kinh diễn nghĩa Phật thuyết Báo hiếu phụ mẫu ân của cư sĩ Minh Chánh Đỗ Phước Tâm chiếm khoảng 10 trang. Sự thay đổi liên tục do số lượng bài viết của các cộng tác viên gửi về; trong đó nổi bật nhất là những cây bút như Hòa thượng Huệ Đăng, Hòa thượng Minh Nguyệt, thiền sư Minh Tịnh, cư sĩ Minh Chánh Đỗ Phước Tâm,… đã góp phần rất nhiều cho việc xuất bản tạp chí đến với các độc giả gần xa.

6. Về hình thức trang bìa

Đối với 10 số đầu (từ ngày 15/3/1936 đến ngày 15/4/1938), học cách trang trí của các tạp chí Phật giáo khác như Từ Bi Âm, Viên Âm, Đuốc Tuệ,…, tạp chí Bác Nhã Âm trang trí khung viền, hoa văn, bố trí chữ Hán (般若音 với mỗi chữ trên một hoa sen); cặp liễn đối (天出一輪慧日 Thiên xuất nhất luân tuệ nhật,台生九品蓮華 Thai sanh cửu phẩm liên hoa), chữ quốc ngữ (năm thứ mấy, số, tên tạp chí, pháp lý xuất bản, cơ quan hội, chủ nhiệm, địa chỉ tòa soạn và thông báo tặng biếu) và tiếng Pháp (thời gian phát hành tạp chí) một cách hài hòa. Từ tạp chí số 11 có thêm tờ bìa phụ (sau trang bìa chính và phần đính chính) không có khung viền, sử dụng tiếng Pháp cung cấp thông tin về năm thứ mấy, số và thời gian phát hành; còn lại là chữ quốc ngữ (tên tạp chí, cơ quan hội truyền bá, vị đạo sư chứng minh cho tòa soạn12, địa chỉ tòa soạn, chủ nhiệm tạp chí và thông tin biếu tặng). Tạp chí số 12, tòa soạn đổi hình thức trang bìa chính như trang trí một đầm sen có những hoa sen nở rộ lên thay thế hình thức hoa sen kiểu hoa văn, tên chữ Hán của tạp chí ghi trong một cuốn thư giả cổ, hai câu liễn bằng chữ Hán úp lên mỗi bên một lá sen, thay năm thứ mấy và số tạp chí từ chữ quốc ngữ sang tiếng Pháp; lược bỏ pháp lý, cơ quan hội, địa chỉ tòa soạn nhưng vẫn giữ lại tên chủ nhiệm tạp chí, đồng thời tạp chí ghi địa chỉ nhà in. Từ số 13 đến số 20, tòa soạn tạo làn hương sen toả ngát và nhạt dưới cuốn thư tên tạp chí, bổ sung phần mục lục sau trang bìa chính và trước trang bìa phụ. Từ số 21 đến số 23, phần mục lục được chuyển sau trang bìa phụ.

GIÁ TRỊ VÀ ĐÓNG GÓP CỦA TẠP CHÍ BÁC NHÃ ÂM

1. Giá trị lịch sử

Tạp chí Bác Nhã Âm được xuất bản 23 số trong 08 năm (từ tháng 3/1936 đến quý 1/1943), giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, khi đất nước Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và chia thành ba miền để cai trị. Giai đoạn hai năm đầu, việc xuất bản tạp chí có một vài số không rõ thời gian như năm thứ nhất (số 2, 3, 4); và năm thứ hai (số 5, 6, 7). Trong năm 1936 (tức năm thứ nhất), nếu tòa soạn phát hành tạp chí liên tục thì sẽ được 9 số (15/3/1936-15/12/1936) nhưng chỉ xuất bản có 4 số. Tiếp theo trong năm 1937 (tức năm thứ hai), từ số 5 trở về sau, trên trang bìa không còn ghi dòng “xuất bản mỗi tháng ngày 15 tây” cho nên ở số 8 (hết năm hai) có ghi thời gian phát hành là ngày 23/10/1937, chứ không phải 15/10/1937. Cũng vậy, năm thứ hai xuất bản không liên tục nên chỉ có 4 số. Từ năm 1938 (năm thứ ba) đến năm 1941 (năm thứ sáu), tòa soạn phát hành mỗi quý (ba tháng) ra một số, ngoại trừ quý 4 (năm 1941) không có xuất bản. Hai năm cuối là năm 1941 và 1943 chỉ ra một số duy nhất vào quý 1.

Qua tình hình xuất bản trên cho thấy thứ nhất có thể số lượng bài viết gửi về tòa soạn ít hơn so với các tạp chí khác cùng thời như Từ Bi Âm, Duy Tâm, Viên Âm, Đuốc Tuệ,…; thứ hai là bài viết đăng trên tạp chí đa phần là những vị tham gia trong Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu như Hòa thượng Huệ Đăng (11 bài), cư sĩ Minh Chánh Đỗ Phước Tâm (15 bài), Hòa thượng Minh Tịnh (11 bài), Hòa thượng Minh Nguyệt (23 bài),…; thứ ba là giá cả và chất lượng giấy đang gặp khó khăn nên khi đó tòa soạn chỉ xuất bản được số 22 trong năm 1942 và số 23 trong năm 1943; thứ tư là tạp chí được biếu tặng cho các hội viên nên kinh phí ấn hành và gửi tạp chí đến các hội viên có thể gặp khó khăn nên việc hình thức xuất bản thay đổi liên tục như từ 15 tây mỗi tháng sang mỗi quý ra một số và cuối cùng là một năm chỉ phát hành một số.

Từ lúc xuất bản (1936-1943) cho đến nay (2023) đã trải qua hơn 80 năm với nhiều bài viết của các vị danh Tăng lỗi lạc như Hòa thượng Huệ Đăng, Hòa thượng Minh Tịnh (Bà Rịa), Hòa thượng Mãn Giác (Huyền Không),… và một số cư sĩ trí thức như Minh Chánh Đỗ Phước Tâm (Chủ nhiệm tòa soạn tạp chí Bác Nhã Âm), Phạm Hữu Đức (Chánh hội trưởng Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu),… Trong đó, một số bản kinh luận diễn nghĩa bằng chữ quốc ngữ theo thể thơ, tiêu biểu như cư sĩ Minh Chánh như kinh Phật thuyết Vu lan bồn (số 15, ngày 15/7/1939) và kinh Phật thuyết Báo hiếu phụ mẫuân kinh (số 16, ngày 15/10/1939) được nhiều ngôi chùa Phật giáo Bắc tông Việt Nam trì tụng vào dịp Vu lan, hoặc tang lễ, hoặc tuần thất (giỗ) tại một số tự viện hay tư gia của Phật tử.

Tạp chí số 6 có đăng bài của Thích Minh Tịnh tường khảo hành trình tham quan các Thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ như vườn Lộc Uyển, Bồ đề đạo tràng13,… viết vào ngày 04/02/1937 khi gửi bức thư lần thứ hai về thăm Hòa thượng Huệ Đăng. Bác Nhã Âm có hơn 190 bài viết, trong đó 40% bài viết về lịch sử thành lập, hoạt động và phát triển của Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu như “Lễ khánh thành Hội quán và khai trường học Phật của Ban đại lý Hội Thiên Thai Thiền giáo tông tại chùa Vạn Linh, Long Tuyền (Bình Thuỷ, Cần Thơ)” (Bác Nhã Âm số 3); “Lễ khai hương và mở trường đại học của Hội Thiên Thai Thiền giáo tông tại chùa Long Hòa, làng Hòa Thạnh, Bà Rịa” (Bác Nhã Âm số 4); “Lễ thành lập chi phái và khai mạc trường gia giáo” và “Diễn đàn tại chùa Thiên Tông làng Hương Thọ Phú, Tân An, ngày 15 tháng 7 nhân dịp thỉnh Phật về chùa mới” (Bác Nhã Âm số 8); “Khởi nguyên của Thiên Thai tông và sau khi khai sáng” (Bác Nhã Âm số 14, 16, 17); “Điều lệ Hội Thiên Thai Thiền giáo tông sửa lại” (Bác Nhã Âm số 21),…

Cuối cùng là có 6 bài viết phiên dịch về lịch sử chư vị Tổ sư Ấn Độ được đăng trên Bác Nhã Âm như cư sĩ Minh Chánh Đỗ Phước Tâm với 2 bài là “Sự tích của đức Ma Ha Ca Diếp tôn giả - Tổ thứ nhất cõi Tây Thiên Ấn Độ” (số 13) và “Sự tích đức A Nan tôn giả - Tổ thứ nhì cõi Tây Thiên Ấn Độ” (số 15); Thích Minh Nguyệt với 4 bài viết về sự tích Tổ sư Ưu Bà Khuất (số 10), Cưu Ma La Đa (số 12), Thương Na Hòa Tu (số 17), Ưu Ba Cúc Đa tôn giả (số 19). Tạp chí còn đăng bài điếu về lễ tang của một số hội viên như cô Bửu Ngọc (số 3), bà Trần Thị Thân (số 13), ông Chánh Từ hàng Phạm Văn Đề (số 14), bà ân nghĩa hội viên Ôn Thị Đặng (số 16); bà thường trợ hội viên Diệu Khánh Nguyễn Thị Dư (số 17), bà Chánh bái Nguyễn Thị Huấn (số 19),... Qua những thông tin trên cho thấy tạp chí Bác Nhã Âm mang một giá trị lịch sử thiết thực trong việc truyền bá lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu đến các độc giả gần xa.

2. Giá trị Phật học

Tư tưởng Phật học được truyền tải qua các hình thức tiêu biểu như pháp thoại, lễ nghi và bài viết Phật học. Đối với các pháp thoại, tiêu biểu như các bài giảng được đăng trên tạp chí như “Phát minh tâm địa”14 của ngài Pháp Quảng; “Thuyết pháp (trí huệ)”15, “Bài thuyết pháp về tam quy, ngũ giới, hộ quốc an dân, pháp môn…”16, “Thuyết pháp kỳ trung thu”17 của Hòa thượng Huệ Đăng,… nhắc nhở hàng xuất gia và tại gia nỗ lực tu tập, tự lợi và lợi tha hướng đến sự giác ngộ giải thoát. Đối với lễ nghi, tiêu biểu như cư sĩ Minh Chánh Đỗ Phước Tâm đã diễn nghĩa một số kinh luận sử dụng trong Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu và nhiều ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc tông như “Phật thuyết Vu lan Bồn kinh diễn nghĩa”18, “Phật thuyết Báo hiếu phụ mẫu ân trong kinh diễn nghĩa”19 được tụng vào đầu tháng 7 âm lịch (trước khi chư Tăng Ni tự tứ). Tháng Vu lan này đọc tụng hai bài kinh này sẽ gợi nhớ cho hàng đệ tử Phật, đặc biệt là giới cư sĩ tại gia nỗ lực tu tập báo đáp ân cha mẹ nói riêng và tứ ân nói chung.

Tiếp theo phải kể đến 3 bài viết hướng dẫn hành trì pháp môn Tịnh độ như ngài Minh Lý viết “Dứt tất cả nghiệp chướng đặng sanh về Tịnh độ” (số 18), Thích Minh Nguyệt viết “Giải quyết pháp tu Tịnh độ nên chấp cảnh hay nên chấp tâm” (số 22), ngài Giác Quang viết “Phải tin về pháp Tịnh độ”. Cuối cùng là rất nhiều bài của các cây bút tu sĩ lẫn cư sĩ khuyến tấn tu học Phật pháp trong suốt 23 số của tạp chí từ hình thức văn xuôi đến thơ ca như Văn Thứ viết “Thân tâm lược giải diễn nghĩa” (số 1); Thích Cảnh Trí viết “Tu học Phật là phương châm giải khổ” (số 2); Nguyễn Văn Hạnh viết “Đạo với người”, Thích Cảnh Trí viết pháp uyển “Tự làm phận sự Phật tử” (số 3); Hòa thượng Huệ Đăng viết “Lời cấm với người đã về chùa đều phải bỏ trầu thuốc” (số 4),… Tất cả các bài viết dưới hình thức thuyết pháp, diễn văn, kinh luận,… đều chuyển tải thông điệp tu tập đến với giới xuất gia, tại gia và mọi người nói chung, góp phần phát triển đạo pháp và lợi ích nước nhà.

3. Giá trị văn học

Ngoài việc sử dụng hình thức tiểu sử (các vị Tổ sư Ấn Độ, Thánh tích Phật giáo, các vị hội viên,…) và văn học báo chí (ai tín, diễn văn, pháp thoại, bài khuyến tấn vừa văn xuôi và thơ ca,…), tòa soạn tạp chí đã sắp xếp 97 bài viết dưới hình thức thơ ca vào trong mục Pháp uyển hoặc Văn uyển.

Mục Pháp uyển xuất hiện ở số 3, 4, 5, 7; mục Văn uyển ở số 6, từ số 8 đến số 16; còn lại các số như 1, 2, từ số 17 đến số 23 không có mục Pháp uyển lẫn Văn uyển. Cư sĩ Lê Thanh Tân có số lượng bài nhiều nhất với 16 bài thơ như là Mừng Bác Nhã Âm ra đời, Chuyển mê khải ngộ, Nghe chuông cảm khái, Tỉnh thế ca, Hựu, Mừng Bác Nhã Âm và khuyên người vào hội, Bỏ huyễn về chơn, Nhắn bạn tu hành, Phỏng vịnh thuyền Bác Nhã, Cảm đề, Trồng sen chín phẩm, Tặng các hội Phật học, Đạo tâm, Sắc-không, Tỉnh-say, Đạo lý. Các cây bút còn lại như Thích Chơn Kỉnh (8 bài), Thích Minh Nguyệt (6 bài), Chơn Hạnh (5 bài), Thích Cảnh Trí (4 bài), Lê Khánh Vân (3 bài), Hòa thượng Huệ Đăng (1 bài),… Một số bài diễn tả hiện trạng Phật giáo Việt Nam đang suy vi cần chấn hưng; các bài còn lại khuyến tấn hội viên và độc giả làm lành, lánh dữ để hạt giống phước đức ngày một tăng trưởng hơn.

Về mặt đóng góp

Tạp chí Bác Nhã Âm đã đóng góp rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam nói riêng và ba miền Việt Nam nói chung thời Pháp thuộc, hướng hàng xuất gia tinh tấn tu tập trau dồi đạo hạnh và xoá đi nạn thất học; còn giới cư sĩ nương tựa chánh pháp, phá trừ mê tín dị đoan, nỗ lực hành trì hoàn thiện đạo đức tự thân, phát triển hạnh phúc gia đình và phồn thịnh xã hội. Chính vì thế, tạp chí Bác Nhã Âm của Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu là một di sản văn hóa tinh thần rất cần được bảo tồn và phát huy giá trị của nó đối với Phật giáo Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay. Tinh thần hoạt động của giới tu sĩ và cư sĩ trong tòa soạn Bác Nhã Âm trước hiện trạng Phật giáo suy vi thời Pháp thuộc là một bài học kinh nghiệm cho công tác báo chí Phật giáo hiện nay, góp phần hộ quốc an dân cũng như tốt đạo và đẹp đời.

TẠM KẾT

Tạp chí Bác Nhã Âm (1936-1943) của Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu (Bà Rịa) ra đời trong bối cảnh các tổ chức hội Phật học ở miền Nam Việt Nam nói riêng và ba miền Việt Nam nói chung xuất bản tạp chí Phật giáo làm cơ quan truyền bá Phật pháp đến với các hội viên và độc giả gần xa. Tòa soạn đã nhận được sự hưởng ứng viết bài của các cây bút tu sĩ và cư sĩ, hội viên trong và ngoài hội, trong và ngoài tỉnh góp phần làm phong phú hình thức lẫn nội dung tạp chí đến với mọi người. Tạp chí Bác Nhã Âm đã để lại những giá trị tinh thần quý báu với truyền thống yêu nước và phụng sự hết mình cho đạo pháp của Hòa thượng Huệ Đăng, chư Tôn thiền đức và hội viên cư sĩ trong Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu khiến cho giới xuất gia và tại gia mai sau kính trọng và khắc ghi.

 


* Nghiên cứu sinh Phật học khóa IV, Học viện PGVN tại TP.HCM; Thành viên Trung tâm Chánh Trí.

1. Hòa thượng Huệ Đăng (1873-1953): sinh ra trong một gia đình nhà Nho, làng An Dõng, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Ngài đến Tổ đình Long Hòa xuất gia với Tổ Hải Hội Chánh Niệm (vị Tổ đời thứ 40 thuộc dòng thiền Lâm Tế Chánh tông) được ban pháp hiệu là Thiện Thức, pháp danh là Thanh Kế, thuộc thiền phái Lâm Tế, chi phái Liễu Quán, đời thứ 41. (Nguồn: Thích Đồng Bổn (2017), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 228).

2. Đây là hội quán trung ương đặt cơ sở tại Bà Rịa. Hội quán này liên kết 5 chi hội Tịnh độ trực thuộc hội quán trung ương: 1/ Chùa Châu Viên (Châu Đốc), 2/ Chùa Bửu Long (Mỹ Tho), 3/ Chùa Vạn Linh (Cần Thơ), 4/ Chùa Giác Hoàng (Cần Thơ), 5/ Chùa Phước Hậu (Long Xuyên). Nguồn: Thích Thiện Lâm (2021), “Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội trong phong trào chấn hưng Phật giáo Nam bộ”, Nghiên cứu Phật học, đăng 14/12/2021, truy cập ngày 15/5/2023. Nguồn: https://tapchinghiencuupha­thoc.vn/thien-thai-thien-giao-tong-lien-huu-hoi-trong-phong-trao-chan-hung-phat-giao-nam-bo.html

3. Theo trong tạp chí Bác Nhã Âm viết là “Chứng minh điệu sư”.

4. Tham khảo điều thứ nhất trong Bản điều lệ thành lập Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu (Bà Rịa) có ghi: “Hội quán của hội tại chùa Thiên Thai, làng Phước An, tổng Phước Hưng Thượng, tỉnh Bà Rịa”. Nhưng trong Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX (tập 1) của tác giả Thích Đồng Bổn, tr. 231 ghi là: “Cùng chiều hướng này năm 1935, Ngài (Hòa thượng Huệ Đăng) thành lập Hội Thiên Thai Thiền giáo tông, đặt trụ sở tại chùa Long Hòa ở Bà Rịa – Vũng Tàu” nhưng thực chất hội đã được cấp phép thành lập vào cuối năm 1934. Về hội quán của hội, tham khảo trong Bản điều lệ thành lập hội cùng trang bìa sách Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu hội của Phạm Hữu Đức (1935), Nxb. Nguyễn Văn Của, Sài Gòn; cùng một số bài viết như Nguyên Thanh (2020) với bài “Thiên Thai Thiền giáo tông ra mắt Ban Thừa kế”, Giác ngộ, đăng ngày 25/12/2020; Thích Thiện Lâm (2021), Nguồn đã dẫn,… đều cho rằng hội quán đặt tại chùa Thiên Thai, Bà Rịa (nay là Tổ đình Thiên Thai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chứ không phải là Tổ đình Long Hòa – nơi Hòa thượng Huệ Đăng xuất gia với Tổ Hải Hội.

5. Sangharakshita (2008), Anagarika Dharmapala: A biographical sketch, Ceylon: Bud­dhist Publication Society, p. 235.

6. Holmes Welch (soạn), Thích Thiện Chánh (dịch, 2023), Phong trào phục hưng Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 99: Hội Trung Quốc Phật giáo được thành lập vào ngày 29/9/1929 tại chùa Vạn Thọ (Nam Kinh) nhưng quy mô nhỏ, hoạt động như kiểu “Câu lạc bộ tối chủ nhật”. Đến giai đoạn chống Nhật, hội chuyển về chùa Trường An (Trùng Khánh).

7. Bác Nhã Âm, số 1, ngày 15/3/1936, trang bìa thứ nhất.

8. Thích Thiện Lâm (2021), Nguồn đã dẫn.. Với ý nghĩa hóa độ chúng sanh si mê sớm tỉnh giác, từ bỏ tham lam, trau dồi đức tánh, tu tập

9. Vào ngày 23/7/1999, theo Nghị định số 57/1999/NĐ-CP, xã Tam An phân thành xã Tam Phước và An Nhứt. Đến cuối năm 2003, chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 152/2003/NĐ-CP về việc chia huyện Long Đất thành hai huyện là Long Điền và Đất Đỏ. Hiện nay, xã Tam An (hay An Nhứt và Tam Phước) thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

10. Thích Huệ Đăng (1936), “Diễn đàn Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu Hội”, Bác Nhã Âm, số 1, 15/3/1936, Sài Gòn, tr. 07-09.

11. Sđd, tr. 09.

12. Tham khảo trang bìa Bác Nhã Âm số 11, ngày 11/7/1938: “Tác đại chứng minh: Huệ Đăng, Hòa thượng khải cáo”.

13. Minh Tịnh (1937), “Tin tức của ngài Minh Tịnh tường khảo Thánh tích ở Trung Thiên Ấn Độ gửi về”, Bác Nhã Âm, Bà Rịa, số 6, năm thứ nhì (1937), tr. 19-23.

14. Pháp Quảng (1936), “Phát minh tâm địa”, Bác Nhã Âm, Bà Rịa, số 1, 15/3/1936, tr. 15-21; số 2, năm thứ nhất (1936), tr. 07-10.

15. Thích Huệ Đăng (1937), “Thuyết pháp (trí huệ)”, Bác Nhã Âm, Bà Rịa, số 7, năm thứ nhì (1937), tr. 07-12.

16. Thích Huệ Đăng (1938), “Bài thuyết pháp (Tam quy, ngũ giới, hộ quốc an dân, pháp môn…)”, Bác Nhã Âm, Bà Rịa, số 9, 15/01/1938, tr. 01-13.

17. Thích Huệ Đăng (1939), “Thuyết pháp kỳ trung thu”, Bác Nhã Âm, Bà Rịa, số 16, 15/10/1939, tr. 01-10.

18. Đỗ Phước Tâm (1939), “Phật thuyết Vu lan bồn kinh diễn ca”, Bác Nhã Âm, Bà Rịa, số 15, 15/7/1939, tr. 21-25.

19. Đỗ Phước Tâm (1939), “Phật thuyết Báo hiếu phụ mẫu ân trong kinh diễn nghĩa”, Bác Nhã Âm, Bà Rịa, số 16, 15/10/1939, tr. 21-31.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6294274