Thông tin

TẠP CHÍ TỪ QUANG VÀ PHONG CÁCH VIẾT BÁO CỦA CƯ SĨ CHÁNH TRÍ

TẠP CHÍ TỪ QUANG  VÀ PHONG CÁCH VIẾT BÁO

CỦA CƯ SĨ CHÁNH TRÍ

 

NGUYÊN CẨN

        

 

Tạp chí Từ Quang là một trong những tờ báo xuất hiện từ năm 1951 và vẫn hoạt động liên tục đến 1975. Từ Quang là cơ sở hoằng pháp của Hội Phật học Nam Việt do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Như Ban Biên Tập đã khẳng định trong Lời nói đầu: “Từ Quang là ánh sáng của lòng Từ rộng lớn của chư Phật.Trong một bài kệ xưng tụng công đức Phật A Di Đà, có câu “Từ Quang hà bị thi an lạc” (cái ánh sáng của lòng từ của ngài ban bố sự yên vui cho gần xa các chốn). Trí độ luận viết “Đại từ, dữ chúng sinh lạc” (Lòng Từ rộng lớn ban sự vui vẻ cho tất cả chúng sinh)… Mà Từ là gì? Là lòng thương.

... Thể theo lòng Từ của chư Phật, tập san này cố gắng đem sự an lạc cho những tâm hồn bị tham, giận, mê si lung lạc, dày vò. Một an lạc chơn thật, vì nó không nhờ giàu sang mà có, rồi là vì nghèo hèn mà mất. Một an lạc hồn nhiên trong sạch vì không điểm một bụi trần, không bị một dục vọng hay một thế tình nào làm dơ bẩn.

Đây là phần truyền bá giáo lý của tạp chí Từ Quang.

Nhưng còn sống trên thế gian, trong vòng tương đối của vật chất, đại đa số đâu có thể chỉ sống đời sống tinh thần mà thôi.

“Có gạo mới vực được đạo” để cho đại đa số có thể nếm được cái an lạc tinh thần cần giúp họ có cái an lạc về vật chất.

Đây là phần cổ động cho hạnh bố thí của tạp chí”1.

Thành phần những cây viết chủ lực của Từ Quang (trước 1975) là các vị đại đức, thượng tọa gồm Nhất Hạnh, Thanh Từ, Quảng Minh., Quảng Liên, Nhật Liên, Trí Không, Tâm Giác, Quảng Độ, Giác Hải - Huyền Vi, Thiện Hoa,… về phía Cư sĩ ngoài cụ Chánh Trí, còn có Minh Đức, Tống Anh Nghị, Lê Văn Toán, An Thế Cao, Trực Hạnh, Nguyễn Minh Tâm,…

Riêng Cư sĩ Chánh Trí có thể viết về mọi thể loại trừ thơ. Ngài đã viết phiếm luận, viết bài giảng pháp, luận về kinh và dịch kinh. Có những bài ngài viết không đôn thuần về Phật pháp mà đối chiếu so sánh với các tôn giáo khác như Thiên Chúa và đặc biệt là Khổng giáo từ chữ Hiếu đến chữ Nhân, những tương đồng và dị biệt với Phật giáo.

Những bài viết của cụ Chánh Trí khiến Từ Quang là một tạp chí phổ thông nhiều hơn cho đến sau khi cụ mất. Từ Quang có thời gian nghiêng về khuynh hướng nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Nhưng Từ Quang do TT Đồng Bổn tục bản đi theo khuynh hướng phổ thông (magazine) trở lại nhằm gần gũi với đại chúng hơn.

Phong cách viết báo của ngài Chánh Trí

Khi nói ông Chánh Trí “làm báo”, có nghĩa là gồm ba việc: 1. Sáng tác ra các bài báo, gồm cả viết báo và trả lời phỏng vấn; 2. Quản lý tờ báo về mặt điều hành; 3. Phụ trách phần “duyệt” bài, vừa phổ biến thông tin và nâng cao chất lượng tờ báo, từng bài báo. Ông đã kinh qua ba việc đó. Phạm vi bài viết này đi sâu vào việc thứ nhất. Trong phong cách viết báo của ông, có ba điều cơ bản nổi bật nhất: 1. Viết ngắn gọn, súc tích; 2. Viết đủ những thông tin cơ bản cần thiết; 3. Viết hay khiến người đọc cảm thấy muốn đọc, thích đọc và dễ nhớ. Cụ cũng là người viết đa phong cách, tùy theo nội dung muốn truyển tải

1/ Phong cách chính luận

Cụ thể, ông dùng ngôn ngữ chính luận, là ngôn ngữ dùng trong các văn bản ở các buổi hội nghị, hội thảo,… nhằm trình bày, bình luận, đánh giá những sự kiện, những vấn đề về chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng,... theo một quan điểm nhất định. Thường sử dụng những câu có kết cấu chuẩn mực, gần với những phán đoán logic trong một hệ thống lập luận. Liên kết các câu trong văn bản rất chặt chẽ, sử dụng các biện pháp tu từ để tăng sức hấp dẫn cho lí lẽ, lập luận. Đặc trưng phong cách ngôn ngữ chính luận là tính công khai về quan điểm chính trị, văn hóa hay tôn giáo. Văn bản chính luận phải thể hiện rõ quan điểm của người nói/ viết về những vấn đề thời sự trong cuộc sống, không che giấu, úp mở. Vì vậy, từ ngữ phải được cân nhắc kĩ càng, tránh dùng từ ngữ mơ hồ; câu văn mạch lạc, tránh viết câu phức tạp, nhiều ý gây những cách hiểu sai. Văn bản chính luận có hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, mạch lạc và sử dụng từ ngữ liên kết rất chặt chẽ, nhưng cũng mang tính truyền cảm, thuyết phục, thể hiện ở lí lẽ đưa ra, giọng văn hùng hồn, tha thiết, bộc lộ nhiệt tình của người viết.

Ví dụ, khi viết về chữ Hiếu, ông đưa ra nguồn gốc lịch sử chữ Hiếu từ Nho giáo và Phật giáo khi xâm nhập,vào Văn hóa Việt, sau đó phân tích nội hàm chữ Hiếu trong Nho giáo và bổn phận con cái đối với cha mẹ khi còn sống cũng như qua đời; sau đó ông phân biệt rạch ròi điểm khác nhau giữa Nho và Phật giáo. “Đạo Nho đặc biệt chú trọng đến việc tang, tế vì đạo Nho cho chết là còn, cho nên có chỗ dạy: sự tử như sự sanh, thờ kính cha mẹ y như lúc còn sanh tiền. Rồi phải tế lễ như cha mẹ còn tại thế, mỗi bữa phải dâng cơm cúng dường.

Đạo Phật khác lại quả quyết rằng các vong linh, sau 49 ngày là phải tùy theo nghiệp lực dắt dẫn mà chịu sự quả báo, hoặc lành hoặc dữ, trong sáu nẻo luân hồi, chứ không tự do quanh quẩn theo con cháu trong cõi vô hình được…”.

Sau khi đưa ra ra một loạt dẫn chứng, luận thuyết trong Kinh Địa tạng, ông viết:

“Đạo Phật là đạo lý trí, là tiếng nói của chân lý, của Sự Thật. Người tu hành theo giáo lý của đạo Phật phải là người sáng suốt không còn bị tình cảm dối gạt, không bị ngũ quan làm mê muội, không suy diễn dại khờ. Vì vậy, xử đạo hiếu, người Phật tử có một thái độ khác với thế tình thường bị Nho giáo ám ảnh. Trước cái chết là kết quả dĩ nhiên của mọi đời sống,đúng với cái luật hữu thỉ hữu chung, hữu sanh hữu diệt, người Phật tử không cho đó là một sự đau thương đến khóc ra máu. Trái lại, họ xem đó là sự giải thoát tâm linh, cho nên đem hết lòng thành, tụng kinh niệm Phật để cho vong linh cha mẹ quá cố tỏ ngộ chân lý, sám hối tiền khiên thoát khỏi mê đồ, vãng sanh Tịnh độ …”.

Và ông kết luận:

“Người Phật tử chân chánh đừng câu nệ tiếng thị phi, khen chê của khách bàng quan mà phải dám sống trung thành với giáo lý của đức Bổn Sư, chống lại với thành kiến sai lầm hay phong tục hủ bại. Đừng sợ người đời chỉ trích những hiếu sự nghịch đời của mình, vì chính cái nghịch đời ấy là hợp đạo. Mà cũng đừng có ý mua chuộc tiếng phong tặng của đời. Đời mà khen là trái với đạo Hiếu. Theo đạo Phật mới là chánh hiếu… Cái tâm nguyên của người Phật tử, hiếu thảo là vô giá, không hề mua chuộc được. Coi tuồng như không có gì là trọng là lớn mà nó nặng vô cùng và bao la không bờ bến, không như cái hiếu tế lễ, thờ cúng, dẫu nó đồ sộ tới đâu vẫn phải có chừng mực, ranh giới, vì thuộc phạm vi hữu hình”2.

2/ Phong cách ngôn ngữ khoa học

Một số bài viết của ông mang “phong cách khoa học” nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức cho mọi người, không phân biệt trình độ, viết dễ hiểu, hấp dẫn. Đặc trưng phong cách ngôn ngữ khoa học là mang tính khái quát, trừu tượng, với kết cấu văn bản gồm các luận điểm khoa học trình bày từ lớn đến nhỏ, từ cao đến thấp, từ khái quát đến cụ thể. Đặc điểm là tính lí trí, logic, thể hiện bằng những câu văn chặt chẽ, mạch lạc như những đơn vị thông tin, cú pháp chuẩn. Cả văn bản thể hiện lập luận logic mang tính khách quan.

Ví dụ trong bài: Tu là gì? Ông viết: “Theo thiển kiến dù nói tu trơn  hay tu theo Đạo Phật, chữ tu cũng chỉ có nghĩa là sửa thôi, như chúng ta nói “tu kiều bồi lộ” (sửa cầu đắp lộ), muốn tu theo đạo Phật thì phải làm theo quy tắc nhà Phật, phải am tường nghệ thuật của người tu và tu cho đúng điệu. Chưa hề thấy một người tu Phật chân chánh mà lại không quy y, ăn chay, niệm Phật, giữ giới”.

Sau đó, ông giảng giải chi tiết về từng nội hàm trên. Nói đến tụng kinh, ông viết: “Vắn tắt hôm nay xin nói mau rằng sự tụng kinh cũng như nhiều phương tiện khác của nhà Phật, là một cách bắt ngoài luyện vô, làm cho trước thân thuần rồi sau tâm sẽ tịnh,Quý ngài dư biết rằng hễ quay cái cốt bàn đạp của một chiếc xe, bánh sau sẽ quay theo, nhờ sợi dây chuyền (chaine) đưa cái động lực từ cốt ra bánh. nếu ta làm ngược lại, nghĩa là quay cái bánh sau, chúng ta sẽ tạo một động lực phản lại, làm cho cái cốt bàn đạp phải quay theo. Bắt từ cốt làm động bánh sau,là bắt cái tâm làm động xác thịt, hễ tâm trong sạch, thì xác thịt có những hành động trong sạch. Bắt đầu từ bánh sau làm cho cốt động là tập xác thịt làm tâm động, hễ xác thịt có những hành động trong sạch thì tâm trong sạch. Đức Thích Ca quả là một nhà cơ khí đại tài, vì ngài thấy rõ và áp dụng một cách thần tình cái luật “động lực cơ khí” (movement mecanique)3.

Ví dụ nữa có thể trích dẫn trong bài “Niệm lực và niệm Phật”. Ban đầu ông định nghĩa chữ Niệm sau đó phân biệt rách ròi đặc tính của tư tưởng làm các đề mục:

a/ Tư tưởng có hình và sắc.

Niệm Phật là thấy Phật hiện ra trước mắt với nhữ đức tánh siêu việt. Tư tưởng tập trung ta sẽ đạt được Định. Cho nên nói trong Tịnh có Thiền.

b/ Tư tưởng có sức mạnh.

Ông đưa ra ví dụ về “thần giao cách cảm” và nêu rõ ý nghĩa hai câu “Năng lễ sở lễ tánh không tịch / Cảm ứng đạo giao nan tư nghì”: Một niệm phát khởi phát sinh đợt sóng trong không gian, niệm niệm thành luồng sóng chảy không ngừng hướng về Phật, hướng về tư bi giải thoát.

c/ Tư tưởng chịu luật tương ứng (Loi de l’ affinité). Tư tưởng có năng lực truyền nhiễm lạ lùng, tốt cũng như xấu, lành cũng như dữ..

d/ Tư tưởng thế nào hành động thế ấy.

e/ Tư tưởng chịu luật nhân quả.

Ông kết luận, niệm Phật theo nghĩa tưởng Phật (penser Bouddha) thì thực quý báu vô cùng. “Muốn làm người trong sạch, muốn được sinh về một cảnh giới trong sạch thì hãy tư tưởng trong sạch, hãy niệm Phật A Di Đà vì Ngài là giáo chủ của Cõi sạch (Tịnh độ) và nguyện sinh về cõi ấy”4.

Một ví dụ nữa về phong cách ngôn ngữ khoa học của ông là bài “Phật giáo và khoa học” Ông đi từ những nhận định: “vạn pháp vô thường” hay “vật chất không phải đông đặc mà chia rẽ trời rạc”, sau đó nhận định “tâm thức cũng thế. Hãy nhớ vật chất do các phân tử hay do 82 đơn chất phối hợp tạo ra. Số điện tử trong mỗi nguyên tử khác nhau nên muôn vàn vật loại khác nhau bề ngoài, chúng ta phải dùng Chánh kiến để đến chỗ thấy muôn vàn vật loại do một thể mà ra. Ta phải nhận ra cái chân thực trong mọi sự vật. Chúng ta chẳng khác cây đàn tam. Mỗi cây có ba dây: vật chất, tình cảm và trí thức.Trong lúc còn vô minh ba dây ấy riêng biệt phát ra những âm đối chọi nhau, đến khi hành được Chánh kiến, ba dây ấy vượt khỏi mê mờ che lấp bấy lâu mà hòa đồng nên không còn phát ra những tiếng chát chúa đối chọi nhau mà lại phát ra âm điệu hòa hợp lẫn nhau có tiết có tấu. Nhà nghệ sĩ lúc ấy mặc tình cho dây réo rắt đều trỗi khúc nhạc “Thiên thai”5

Khi phân tích chữ khổ, ông viết: “Giáo lý đại thừa không theo bên nào, không “rơi vào hai góc (đọa nhị biên). Người học và hiểu giáo lý đại thừa không quả quyết bảo đời hay là không khổ. Họ chiết trung, tức là đứng giữa hai góc mà nhận xét việc đời. Với họ, nói khổ là phải mà không khổ cũng không sai...

Nhìn đời, họ không lạc quan mà cũng không bi quan.Mà không vui làm sao thấy có buồn, không sướng làm sao thấy có khổ? Đối đãi, sai biệt đã chết mất trong đầu óc sáng suốt của họ, nhưng đừng tưởng là họ vô tri vô giác. Không. Họ hết sức dễ cảm xúc, nhưng chỉ cảm xúc trước cái đau thương khổ não của người khác. Họ nhìn đời như một đám cháy to, trong đó biết bao người đang quằn quại rên xiết. Nếu họ “rơi vào hai góc” ắt họ phải lánh xa cho khỏi khổ lây, hoặc thờ ơ lãnh đạm vì không cho có gì là khổ. Đàng này, họ lại nhảy vào đám lửa, sáng suốt nhận chịu cho da thịt bị phỏng cháy, để cứu những ai chịu cho cứu, mà bao giờ cũng giữ một bình tĩnh cương quyết, một tâm hồn bất khả xâm phạm với ngọn lửa trần lao. Cái trung đạo của họ ở chỗ này.

Xem thế đủ thấy học và hành giáo lý đại thừa rất gần với đời mà cũng rất xa với đời”6

3/ Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Có lúc ông lại sử dụng phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, dùng thứ ngôn ngữ như trong các tác phẩm văn chương, làm cho bài viết không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của người đọc. Nó là ngôn ngữ được tổ chức, sắp xếp, lựa chọn, gọt giũa, tinh luyện từ ngôn ngữ thông thường và đạt được giá trị nghệ thuật – thẩm mĩ, với biện pháp tu từ: ẩn dụ, nhân hóa, so sánh, hoán dụ, điệp ngữ… gây cảm xúc, ấn tượng mạnh với người nghe, người đọc. Bài viết cũng mang tính cá thể: dấu ấn riêng của người viết, tạo thành phong cách nghệ thuật riêng.

Ví dụ trong đoạn văn sau: “Nhân loại có thể coi như một đầm sen khổng lồ trong đó mỗi người chúng ta là một ngó sen.

Ở đầm ấy, đa số thích sống trong cảnh lục dục thất tình đè ép, mất cả tự do, không có ánh sáng Chân lý, mà cũng có cái thiểu số nhận rõ số phận đen tối, tù đày của mình, quyết tìm con đường giải thoát. “Liên hoa hóa sanh” là thế, trước là “ngó” trong bùn bây giờ là sen trước gió: trước là phàm phu tục tử, sống cho xác thịt, vì xác thịt, nay là hiền nhân quân tử, sống cho tính thần vì tinh thần, như sen đàm, “sen người” chỉ còn thân là chung đụng với đất trần, còn đầu thì bao giờ cũng xa cách tối tăm ô trược và sống trong cái thanh tịnh khoáng đạt của đạo đức.

... Rồi tùy công phu tu tập lâu năm, dày mỏng không chung mới có kẻ trước người sau như trong đầm có sen cao sen thấp, chia làm chín bực (cửu phẩm) nhưng thật ra chỉ có ba là Thượng, Trung, Hạ. Đến mức cuối cùng của con đường tiến hóa, giải thoát là giai đoạn “hoa nở” (hoa khai).

Mà hễ hoa nở là thấy Phật (hoa khai kiến Phật) tức là tự thấy MÌNH (on se decouvre).

... Như kẻ lạc đường đã trở về nguyên quán, người thức tỉnh còn luyến tiếc gì nữa của cảnh “lục đạo luân hồi” buộc trói mà mong trở về nơi đó. Lúc này là lúc nhận hiểu được cái lý bất sanh bất diệt (ngộ vô sanh)7.

 Một đoạn khác, ông hành văn như kể chuyện, kết hợp phong cách nghệ thuật và khoa học:

Có thể ví cái tâm tham sắc như một ngọn đèn trong lồng, cón sắc thấy ngoài như bó rơm. Có ngọn đèn mà không có rơm thì lửa của ngọn đèn lồng không có phương cháy lan ra ngoài… Bởi cớ Phật giáo dạy phải diệt ngọn đèn tham dục trong lòng ta. Đèn đã diệt rồi thì ngoại cảnh không còn ảnh hưởng gì đến ta nữa.Cái nhân chính đã dứt, ngoại duyên sẽ tiêu mà hành động tức là nghiệp cũng không có…Có câu chuyện sau đây chứng tỏ điểm này. Một nhà sư trẻ tuổi, trên bước đừờng hành hóa, phải sang một con sông, nhờ thuyền của một cô lái đò cũng trẻ tuổi. Đò đến bến, nhà sư móc đãy trả một tiền, như các khách độ giang khác.Cô lái đò đòi hai tiền. Nhà sư hỏi tại sao, cô lái bảo: “Một tiền qua đò, một tiền vì sư đã liếc tôi”. Chuyến về nhà sư tự hối, không ngó cô lái nữa. thế mà sang bờ bên kia cô lái vẫn đòi hai tiền. Sư toan nổi cáu, nhưng cô bảo “Ông không ngó tôi, nhưng ông còn thấy tôi trong tâm ông”... Chánh Trí kết luận: “Tội lỗi bắt nguồn trong lòng ta. Có khi ta không ngó, không nghe, không ngửi, không nếm, không rờ nhưng nghiệp quấy đã gây, bởi vì trong lòng ta đã khởi những ý niệm, những tư tưởng bất chánh. “Suy diễn rộng hơn, ngài chỉ cho ta thấy sự khác nhau giữa Tống Nho và Phật Thích, giữa tĩnh lự của Nho gia và chỉ quán của Phật tử, nhưng tĩnh lự của đạo Nho là chưa thấy chánh kiến, đâm ra mơ hồ và nguy hại vì làm tăng lòng tin tưởng vào những lý lẽ trái sự thật. Ngài cho biết tuy tương đồng về lửa dục  trên nguyên tắc nhưng về phương pháp dập lửa bên cạn bên sâu, nếu không thận trọng, dễ lầm suy luận với quán sát8.

Nhiều phân đoạn trong một bài, ngài hành văn như đang hùng biện:

“Trên lý thuyết khi luận bàn thế sự hay đề cập đến vấn đề đạo đức, bao giờ ta cũng ra vẻ khinh miệt cái giàu, cái sang, là những cái thèm thuồng, ham muốn của người đời, gồm trong chữ Tham. Nào “Tiền tài như phấn thổ/ Phú quý như thảo thượng sương” nhưng cúng chùa đôi trăm, một ngàn, dầu số ấy chỉ là một phần nhỏ nhoi của đống bạc như núi của ta đi nữa, ta vẫn tiếc, nếu cái “công đức” của ta không được biểu dương bằng những lời cảm ơn trịnh trọng trước công chúng, hay tên ta không được yết trên bảng chữ to tướng trương lên ở chỗ dễ thấy nhứt. Đó là nói về tài, về phú. Đến như quý cũng thế, Chúng ta xem cái “quý” như “giọt sương ngọn cỏ” chỗ nào khi người khác không “Bẩm ông”, “Bẩm quan” với ta là ta tỏ vẻ bất bình, thậm chí đến rầy la quở mắng? Vì Phật, vì cái giáo pháp chân lý của ngài mà “cúng dường”, mà “hy sinh” được cái thói bẩm ông, bẩm quan đó là một việc không phải dễ làm cho những ai chưa thấy rõ ánh Đạo vàng9.

4/ Phong cách ngôn ngữ báo chí

Là một người làm báo, Chánh Trí đã sử dụng phong cách ngôn ngữ báo chí nhiều lần. Đó là ngôn ngữ dùng để thông báo tin tức hay trong các phóng sự, tiểu phẩm. Câu văn đa dạng nhưng thường ngắn gọn, sáng sủa, mạch lạc, sử dụng nhiều biện pháp tu từ để tăng hiệu quả diễn đạt. Thông tin nóng hổi, chính xác về địa điểm, thời gian, nhân vật, sự kiện,… Lời văn ngắn gọn nhưng lượng thông tin cao, mang tính sinh động, hấp dẫn:

Hãy đọc một đoạn trong loạt bài “Mười lăm ngày ở Nhật”:

“Ngày 27 tháng 8. Chưa đầy 8 giờ, thầy Thiên Ân đã đến trong chiếc áo đà của tăng già Việt Nam”. Sau đó họ ra đường, ông tả “… quang cảnh ngoài đường thật là rộn rịp. Từ phía tay phải nam nữ đủ hạng tuổi, nhanh nhẹ trong bộ âu phục, hướng về các tòa building dung chứa những ngân hàng, những công ty bảo hiểm đồ sộ v.v. Thì ra đây là giờ các công sở, tư sở mở cửa và nếu có hai giòng nước người bất tuyệt chảy trên hai vệ đường theo một chiều một, là vì ở hướng nghịch có nhà ga trung ương, nơi các chuyến tàu tốc hành, cứ mỗi buổi sáng, góp nhặt từ những nơi xa trung tâm Đông Kinh có khi đến vài trăm cây số, hàng vạn người dể đem đổ xuống sân ga như những ngọn thác. Đông mà không rẩy, đông mà có kỷ luật, tuy mọi người đều có vẻ hấp tấp vội vàng. Một khía cạnh đời sống vật lộn của các nước văn minh10.

Chúng ta thấy đoạn văn trên truyền tải tin tức tới người đọc phản ánh khách quan và có ý nghĩa nhất định đối với người đọc. Người viết đã trả lời được 6 câu hỏi 5W + 1H. Cụ thể:

• What – chuyện gì, cái gì

• Who – người liên quan

• Where – địa điểm

• When – thời gian

• Why – nguyên nhân

• How – miêu tả, phương thức

Người viết không bị gò bó phải đề cập đủ cả 6 yếu tố này trong một bài viết mà có thể linh hoạt lựa chọn một vài yếu tố phù hợp với mục đích đưa tin và nội dung tin tức. Ông đã đảm bảo các yêu cầu đối với tin tức báo chí: thời sự, chính xác, công bằng, rõ ràng, trọn vẹn, chân thực.

Có khi ông kết hợp vừa phong cách báo chí vừa nghệ thuật, như ở đoạn sau:

“Đánh một vòng, chúng tôi sang thăm cảnh vườn chùa, có hồ nước trong, cá vàng, cá đỏ phô vi. Đứng trên những chiếc cầu con bằng đá hình bán nguyệt, dưới bóng râm của những cổ thụ cong queo, nhìn xuống dòng nước ven bờ rêu phủ xanh rì, trong một cô tịch xa hằn cuộc đời ồ ạt bên ngoài, lòng tôi thấy lâng lâng và nhẹ nhàng lạ. Ngắm nhìn chưa mãn nhãn, các đoàn viên tu dưỡng lúc nãy đã lần lượt kéo về những nhà trọ của họ, cất từng cái một và dài theo con đường quanh co của cảnh vườn. Họ không hỏi gì chúng tôi, chỉ cúi đầu chào, miệng nở nụ cười. Gía được sống một đêm gần những tâm hồn trẻ trung ấy, giữa những cảnh thanh tịnh này thì còn gì thích hơn”11.

Chúng tôi thiết nghĩ sau này nếu người ta dùng Trí tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence) trong việc làm báo thì cũng không thể thay thế hoàn toàn con người được. Chúng ta có thể khẳng định dù tương lai bị đe dọa bởi những robot reporters rằng con người không thể bị thay thế hoàn toàn trong làm báo, đặc biệt là ở các chủ đề cần nhiều phân tích cảm xúc và ý kiến cá nhân, như bình luận chính trị, phân tích văn học nghệ thuật, phỏng vấn, ký sự. Nhưng cũng cần lưu ý, phóng viên nếu không muốn bị đào thải trong Cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải tìm nhiều thông tin về cảm xúc và ý kiến bình luận riêng của nguồn tin. Phần còn lại, dữ liệu, số liệu, cái gì xảy ra bao giờ, ở đâu, có thể robot sẽ làm được.

Như đã nói ở trên, Ngài Chánh Trí dù viết súc tích vẫn  chuyển tải đúng và đủ những thông tin cơ bản cần thiết đến cho người đọc theo nguyên tắc “dân tộc - khoa học - đại chúng” và còn viết hay (hấp dẫn người đọc).

Người viết báo phải viết bằng trái tim đầy xúc cảm. Chánh Trí chính là nhà báo như thế! Người viết báo là đi thẳng từ trái tim của mình đến bạn đọc. Ngòi bút và ngôn ngữ chỉ là phương tiện để nói hộ trái tim mình. Người nói và viết phải xác định thật rõ: viết cái gì; viết cho ai; viết để làm gì; viết như thế nào. Ông pha trộn nhiều phong cách trong một bài viết, có lý luận chặt chẽ, nhưng có hình ảnh nghệ thuật, có xúc cảm cá nhân người viết. Trong một đề tài tưởng chừng đơn giản như “Cúng dường”, ông cũng khai thác nhiều góc cạnh:

Đầu tiên, ông phân biệt rạch ròi các loại hình cúng dường từ Kính CD, Hành CD hay Tài CD; hoặc giả Pháp CD, Quán hành CD rồi lại đến Thân nghiệp CD, Khẩu nghiệp CD; và Ý nghiệp CD.

Riêng về Thân nghiệp cúng dường, ông viết: “Bấy lâu “ngựa thân” cưỡi ta, bây giờ ta phải cưỡi nó, bấy lâu nó làm chủ ta, bậy giờ ta phải làm chủ nó. Không phải nó dẫn dắt ta mà ta phải dẫn dắt nó. Không phải ta chiều theo ý muốn nó, mà nó phải tuân theo ý muốn của ta. Thân sợ mệt sợ nhọc, ra một tấc đường là đòi đi xe, cúi xuống một chút là kêu mỏi. Ta bắt nó lễ Phật, quỳ hương để cho nó bỏ tánh lười biếng. Hơn người được phần nào về tiền, về danh, là hất hàm ngó người ưỡn ngực quơ tay. Ta bắt tay chấp lại, đầu cúi lưng còm để bỏ tánh kiêu. Cứ chế ngự cái thân như thế, thét rồi thân sẽ trở nên con ngựa rất thuần, một cái giựt cương của chủ là nó chiều theo, khỏi dùng roi vọt cưỡng bách như lúc đầu... Thân đã được chế ngự thì bao nhiêu cái đòi hỏi của thân thuộc về ba cái ác chánh là sát sanh, trộm cắp và dâm dục lần hồi tiêu mòn cho đến khi mất dạng, chẳng khác những đứa trẻ, thấy khóc la không ai để ý đến, mỏi lòng phải nín và không đòi hỏi nữa…”; hay ông định nghĩa vắn tắt “Tài cúng dường” là một phương thế Phật bày ra đề tập chúng ta “hy sinh lòng tham”,… Cúng dường là hy sinh vì nghĩa đó”12.

Tóm lại, chúng ta đã đọc, đã phân tích, nghiên cứu và thấy phong cách và phương pháp làm báo của Cư sĩ Chánh Trí còn có rất nhiều điều chúng ta cần học hỏi, dù cho hôm nay phương tiện có hiện đại đến đâu đi nữa. Trong tinh thần “ôn cố tri tân” theo gương người xưa, chúng ta mong Tạp chí Từ Quang luôn và sẽ là tờ báo của đại chúng, đáp ứng tinh thần hoằng dương chánh pháp và nhu cầu học Phật của xã hội, như nhiệm vụ mà trước đây Hội Phật học Nam Việt và cụ Chánh Trí đã đề ra mà hôm nay quý tôn đức Chùa Phật học Xá lợi kế thừa và phát triển nhằm duy trì Ánh sáng Lòng Từ đến muôn nơi. Đó chính tôn chỉ của Từ Quang.

 


1. Từ quang. (TQ số1/13.5.1951)

2. Từ Quang số 79 tháng 8, 1958, Chánh Trí, Chữ hiếu trong đạo Phật.

3. TQ số 3 tháng 10/1951, Chánh Trí, Tu là gì?

4. TQ số 5/ tháng 4, 1952, Chánh Trí, Niệm lực và niệm Phật.

5. TQ số 10, tháng 10, 1952 Chánh Trí, Phật giáo và khoa học.

6. TQ số 2, tháng 8,1951, Chánh Trí, Chữ khổ với đại thừa giáo.

7. TQ số 4, 1/1952, Chánh Trí, Dưới đầm gì đẹp bằng sen?

8.  TQ số 75.76, tháng 4-5 /1958, Chánh Trí, Hai phương pháp.

9. TQ số 6,6, 1952, Chánh Trí, Cúng dường.

10. Từ Quang số 82, tháng 11, 1958, Chánh Trí, Mười lăm ngày ở Nhật.

11. Từ Quang số 82, tháng 11, 1958, Chánh Trí, Mười lăm ngày ở Nhật.

12. Từ Quang số 5 tháng 5/1952, Chánh Trí, Cúng dường.

 

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 136
    • Số lượt truy cập : 6946823