Thông tin

TÂY PHƯƠNG CỔ TỰ

TÂY PHƯƠNG CỔ TỰ

 

HỮU CHÍ

 

 

Năm 1995, lần đầu từ TP. Hồ Chí Minh tôi đi xe lửa ra Hà Nội chở theo chiếc DH88 để có phương tiện vi vu tham quan thắng cảnh và di tích ở một số tỉnh thành phía Bắc.

Năm 2016, lần thứ 2 cách nhau 21 năm, trở lại viếng chùa Tây Phương cũng bằng xe máy mượn ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Nhỗn Hà Nội với tuổi đời gần bát thập, ngôi chùa cổ ở đồi Câ Lâu cho tôi một cảm quan mới so với lần đầu viếng chùa…

Chùa Tây Phương có tên chính là Sùng Phúc tự, nằm trên đỉnh đồi Tây Phương, cao 50 m, hình cong cong như chiếc lưỡi câu nên có tên gọi là đồi Câu Lâu, ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách Hà Nội. 35 km.

Trước đây, lên chùa phải lần theo 237 bậc cấp đá ong mới đến cổng tam quan. Cô bán chè bánh ở ngay cổng lên chùa chỉ con đường dốc quanh co cho tôi đi xe máy để tiết kiệm sức khỏe.

Tôi bước vào bên trong chùa theo cửa hông lúc 11 giờ 15, bên ngoài đã không còn khách hành hương. Một ni sư tuổi khoảng trên 60 ngồi yên lặng tay lần tràng hạt, kề bên có thùng công đức để trên bàn gỗ. Tôi đóng góp chút ít hiện kim cho chùa, phụ tiền nhang dầu và hoa quả.

Vào giờ này, chỉ gặp duy nhất một anh Tây ba lô đang mải miết chụp ảnh với các thế đứng ngồi, quỳ, nằm… Tôi chậm rãi đi quan sát cảnh vật trong chùa.

Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ III, ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ…

Giữa thế kỷ thứ XVI năm Giáp Dần 1554 đời vua Lê Trung Tông, chùa được xây dựng lại theo quy mô như hiện nay.

Tiếp đến triều đại nhà Nguyễn Tây Sơn chùa được trùng tu lớn và đúc thêm chuông, đổi tên là Tây Phương Cổ tự.

“Tây Phương là tiếng gọi tắt dùng để gọi cõi Tây Phương Cực lạc thế giới của đức Phật A Di Đà, nơi mà nhà cửa, lầu các, ao hồ đều bằng thất bảo, có Trời đổ xuống như mưa, có tiếng chim Bạch Hạc, Khổng Tước, Ca Lăng Tần linh thiêng hót tiếng thanh tao mà giảng thuyết đạo lý. Ở cõi ấy toàn là bậc thanh tịnh, bậc Bồ tát, bậc La hán và các nhà nhân đức tu hành. Ở cõi ấy tùy theo công đức của mình, thiện căn mà mình đã huân tập, được dự phần trong cửu phẩm hoa sen”.

Tổng thể cả ba tòa chùa có 64 pho tượng nổi tiếng. Nhiều pho được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3 m, trang nghiêm phúc hậu: như Bát Bộ Kim Cương, Tuyết Sơn, 18 vị La hán, phần nhiều được tạc bằng gỗ mít, mang tính chất nghệ thuật, được xếp vào hàng tượng Phật tuyệt tác của điêu khắc cổ Việt Nam.

 


Một trong những pho tượng bằng gỗ mít điêu khắc sắc sảo


Các bức tượng La hán chùa Tây Phương. Ảnh: HC

Hệ thống tượng ở chùa Tây Phương gồm:

- Bộ tượng Tam Thế Phật với ba pho tượng Phật: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai (còn gọi là Tam thân: Pháp thân, Ứng thân và Hóa thân) ngồi ở tư thế tọa thiền, y phục gập nếp đơn giản phủ kín cơ thể, được coi là có niên đại đầu thế kỷ XVII.

- Bộ tượng Di Đà Tam Tôn: gồm tượng đức Phật A Di Đà, đứng hai bên là Quan Âm Bồ tát và Đại Thế Chí Bồ tát.

- Tượng Tuyết Sơn miêu tả đức Phật Thích ca trong thời kỳ tu khổ hạnh: mỗi ngày ăn một hạt kê, một hạt vừng, tự hành xác để vươn lên thế giới tinh thần sáng láng. Tượng màu đen thẫm khoác áo cà sa mỏng, tay chân gầy khẳng khiu, xương nổi lên trước ngực. Toàn bộ cơ thể chìm trong suy tưởng, mắt trũng sâu, hướng về nội tâm.

Hai bên tượng Tuyết Sơn có tượng A Nan và Ca Diếp đứng hầu.

- Tượng đức Phật Di Lặc tượng trưng cho vị Phật của thế giới cực lạc tương lai. Người mập mạp, ngồi hơi ngả về phía sau, toàn thân toát ra sự thỏa mãn, sung sướng.

- Tượng Văn Thù Bồ tát: đứng chắp tay, chân đi đất, các ngón chân bấm móng xuống mặt bệ.

- Tượng Phổ Hiền Bồ tát: chắp tay trước ngực, khuôn mặt sáng rộng nổi lên trên tấm thân phủ đầy y phục.

- Tượng Bát Bộ Kim Cương, thể hiện trình độ rất cao về nghệ thuật lắp ghép gỗ và cách bố cục, chuyển động của một thân thể mang giáp trụ trong các thế võ.

Mười sáu pho tượng Tổ với phong cách hiện thực: Đó là Ưu-ba-cầu-đa, Đê-đa-ca, Di-trà-ca, Bà-tu-mật, Phật-đà Nan-đề, Phục-đa-mật-đa, Hiếp Tôn giả, Thương Na Hòa Tu, Mã Minh, Ca-tỳ-ma-la, Long Thụ Tôn giả, La-hầu-la-đa, Tăng-già Nan-đề, Già-gia-xá-đa, Cưu-ma-la-đa, Chà-dạ-đa. Theo một danh sách tên các nhân vật được tạc tượng trong một tài liệu còn lưu truyền ở chùa thì đây là tượng các vị tổ Ấn Độ trong quan niệm của Thiền tông Trung Quốc.

Mười sáu vị tổ người đứng kẻ ngồi, pho thì ngước mặt lên trời chỉ vào mây khói, pho thì hững hờ với ngoại vật, tì cằm trên đầu gối nhếch môi cười một mình nửa tinh nghịch nửa mỉa mai, có pho vẻ mặt hân hoan tươi tắn, khổ người đầy đặn tròn trĩnh, pho khác có vẻ mặt đăm chiêu lạ thường, lại có pho như đang đắn đo phân bua hay đang thì thầm trò chuyện cùng ai.

Đặc biệt là tượng 18 vị La hán được thờ ở chùa Thượng. Đó là 18 vị Sư tổ của Phật giáo. 18 bức tượng là 18 cá thể, mỗi người một dạng vẻ, một tư thế, ai nấy đều có nét riêng biệt, chân thực. Người nghệ sĩ tạc tượng Kim Cương đầy tính cách điệu. Những tượng mặc áo giáp, mang vũ khí, đứng trong thế võ, khuôn mặt cường điệu, uy nghiêm.

Tổ thứ 1: Ma Ha Ca Diếp Tôn giả đứng ở bên trái tượng Tuyết Sơn, là một người tuổi cao, ăn mặc nghiêm chỉnh, ánh mắt tinh tường, khoát tay ở thế chém. Đây là một pho tượng đặc tả cả dung mạo và tính cách.

Tổ thứ 2: A Nan Đà tôn giả được tạo dáng đứng thẳng chững chạc, những nếp áo chảy sóng, tỷ lệ các phần cân đối, cả hình dáng và nội tâm đều sáng láng.

Tổ thứ 3: Thương Na Hòa Tu tôn giả bày ở gian bên phải toà chùa trong, tạo hình là một ông già ngồi chân thõng chân co vắt ngang, một tay để trên đùi còn tay kia thu trong bọc, áo mặc nhiều nếp lượn để lộ ngực xương, đôi mắt xụp, miệng mím… tạo nên hình ảnh một ông già khắc khổ, luôn lo toan, suy nghĩ, sống nội tâm.

Tổ thứ 4: Ưu Ba Cúc Đa tôn giả. Đây là một pho tượng rất thành công trong sự cân đối và sống động.

Tổ thứ 5: Đề Ca Đa tôn giả được bày ở bên trái Tổ thứ 4, ở thế ngồi, hai tay đưa trước ngực gợi lại điềm lành, nhưng khuôn mặt đăm chiêu như có sự vướng mắc chờ đợi người xứng đáng để trao truyền y bát.

Tổ thứ 6: Di Giá Ca tôn giả được đặt ở giữa Tổ thứ 3 và Tổ thứ 5, thế đứng chững chạc, mặc áo dài nghiêm túc, tay phải thu trong bọc còn tay trái như bấm đốt lần tính, khuôn mặt có vẻ bàng hoàng ngơ ngác. Tượng có dáng vẻ bình tĩnh song nội tâm lại bất an.

Tổ thứ 7: Bà Tu Mật tôn giả được nghiên cứu rất kỹ để từng chi tiết phối hợp lại bộc lộ rõ tính cách lịch thiệp, trang trọng, ngoại hình gắn bó chặt chẽ với nội tâm.

Tổ thứ 8: Phật Đà Nan Đề tôn giả bày ở các góc ngoài phía bên phải toà chùa trong, là một người béo tốt, ngồi bệt, chân phải xếp bằng, chân trái chống nghiêng, tay trái để trên đùi, tay phải đang ngoáy tai. Đây là pho tượng đặc biệt sống động biểu hiện sự giao tiếp và ứng xử văn hoá uyên bác.

Tổ thứ 9: Phục Đà Mật Đa tôn giả được bày ở bên trái Tổ thứ 8, đang ngồi tựa mỏm đá, mặc áo nhiều nếp nhăn, để hở ngực và cánh tay. Tượng được nhấn mạnh những nét gồ ghề, tạo sự già dặn từng trải pha chút hóm hỉnh. Đây là tác phẩm thể hiện được một nội tâm khá phức tạp.

Tổ thứ 10: Hiệp tôn giả được bày ở bên trái Tổ thứ 9, tả cảnh ngài đang đứng tựa vào thân cây già, râu tóc đều rất ngắn, mặt bóng bẩy hóm hỉnh, tay phải cầm quạt, còn tay trái tỳ lên cổ tay phải, đôi mắt tròn sáng, miệng mím xít… Tất cả những đặc điểm biểu hiện đó là người hay quan sát, ít nói, có chí, rất giàu nghị lực.

Tổ thứ 11: Phú Na Dạ Xa là vị Tổ sư đã tìm được Mã Minh, giảng giải về Hiển giáo và Mật giáo, rồi truyền thanh tịnh pháp nhân cho làm Tổ thứ 12.

Tổ thứ 12: Mã Minh tôn giả đầy vẻ tự tin, thông minh, điềm tĩnh, rất chan hoà với mọi người.

Tổ thứ 13: Ca Tỳ Ma La tôn giả được đặt ở giáp tường hậu cuối gian bên trái toà chùa trong, đang bị mãng xà quấn quanh, nhưng Tổ vẫn điềm tĩnh đấu tranh chống lại cái ác.

Tổ thứ 14: Long Thụ tôn giả được đặt ở bên trái Tổ thứ 13, là vị Tổ duy nhất ngồi trên tòa sen, với những đặc điểm: Gò má cao, mắt nhắm, mũi nở, cằm nhọn thể hiện một nhà hiền triết uyên bác, ngồi tĩnh lặng nhưng nội tâm sôi động; là người từng trải, khắc khổ, xem nhẹ đời thường để suy tư hoàn chỉnh kinh pháp.

Tổ thứ 15 Ca Na Đề Bà là người đã truyền đại pháp cho La Hầu La Đa làm Tổ thứ 16.

Tổ thứ 16: La Hầu La Đa tôn giả được bày ở bên phải Tổ thứ 13. Tổ ngồi trên phiến đá, hai chân thả chạm đất, cây gậy tích trượng để tựa vai do tay trái giữ. Tổ là vị duy nhất chít khăn cùng với toàn thân cân đối muốn gợi sự quyền quý oai vệ.

Tổ thứ 17: Tăng Già Nan Đề tôn giả được bày ở góc trong bên trái của toà chùa trong. Tượng được tạc với khuôn mặt chữ điền rạng rỡ, ngồi tì cằm lên bàn tay úp đè nhau trên đầu gối, cánh mũi nở, gò má đầy, nhắm mắt, khép miệng nhưng mỉm cười. Toàn thể bức tượng toát lên vẻ chững chạc, chứa đựng tư tưởng lớn.

Tổ thứ 18: Già Da Xá Đa tôn giả bày ở bên phải tượng Tổ thứ 16. Tượng có những đặc điểm hết sức phóng khoáng khiến cho người xem có thể thả sức tưởng tượng nhiều tình huống xảy ra phía trước.

Gian sau dành cho 16 vị tổ, là những tượng loại đẹp nhất trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Những pho tượng tổ này cứ như người thật hiển hiện. Người nghệ sĩ ngày xưa đã tạc mỗi tượng một tính cách khac nhau, một nội tâm khác nhau, nhưng vị nào cũng có nét khôi hài, cả khuôn mặt nghiêm nghị nhất cũng bĩu môi?

Chùa Tây Phương với bộ tượng La hán điển hình nhất của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVIII đã là một công trình tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê.

Hằng năm, chùa Tây Phương tổ chức hội chùa từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, thu hút du khách ở khắp mọi nơi đến chiêm bái. Chùa hiện nay do Ni sư Thích Đàm Nữ trụ trì.

Tôi sắp sửa bước ra cửa hông chùa lúc gần giữa trưa thì vị ni sư đã đứng sẵn tay cằm một túi ni lông đựng một hộp Chè Lam Thạch Xá, một trái cam, một chai nước lọc trao cho tôi: - “Có chút lộc chùa kính biếu cụ”. Tôi nghiêng mình nhận lộc, lâng lâng niềm vui và bước qua cửa…

Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1962, và được Công ty Sách kỷ lục Việt Nam trao cúp xác nhận bộ tượng La Hán có phong cách điển hình nhất cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào ngày 12/12/2007 (Theo QĐ số 475 Viện Sở hữu Trí tuệ).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 41
    • Số lượt truy cập : 6799382