Thông tin

TẾT CỔ TRUYỀN VỚI ĐÈN DƯỢC SƯ

TRONG PHÁP HỘI DƯỢC SƯ

 

TRẦN HIẾU

Giám đốc Trung tâm TTI - 
Cao Đẳng Công nghệ Y Dược Việt Nam

 


Pháp hội Dược Sư tại Chùa PH Xá Lợi

 

Trong thời kỳ khai hoang mở mang bờ cõi của cha ông ta tại vùng đất Nam Bộ, cư dân mới đến chưa phù hợp phong thổ, dễ sinh dịch bệnh hoành hành. Trong bối cảnh đó biểu tượng đèn 49 ngọn, có tượng hóa thân của Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, tạo cho người dân niềm tin được chữa lành bệnh, được sống bình yên, hạnh phúc. Đèn Dược Sư trong Pháp hội Dược Sư vào những ngày đầu năm tại các chùa ở Nam Bộ lâu dần đã trở thành một nếp sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt văn hóa của vùng đất Nam Bộ.

Các ngôi chùa cổ ở Nam Bộ vẫn còn duy trì đèn Dược Sư, đặt tại chính điện, như chùa Giác Lâm, Giác Viên (quận 11, TPHCM), Thiên Phước (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), Phước Thành (quận 1, TPHCM), chùa Xá Lợi (quận 3, TPHCM)... Nếu như trước kia, đèn Dược Sư bằng gỗ, với 49 ngọn đèn dầu, thì nay, nhiều nơi đã có sự sáng tạo thêm, làm 49 ngọn đèn điện, mỗi ngọn là một đóa hoa sen bằng nhựa. Đèn Dược Sư thấy đặt phổ biến tại chính điện các chùa cổ ở Nam Bộ, ít thấy có ở miền Bắc nước ta. Sau năm 1975, sau đất nước thống nhất, đã thấy mới có xuất hiện đèn Dược Sư ở vài chùa miền Bắc.

Khi tìm về quá khứ, các nhà khảo cổ học thế giới và Việt Nam trong khi khai quật các di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo trên vùng đất Nam Bộ đã phát hiện nhiều tượng Phật và Bồ tát với số lượng lớn do J.Boisselier tìm thấy và công bố vào năm 1996 tiêu biểu như: tượng Avalokitesvara (Quán Thế Âm Bồ tát tìm được ở Rạch Giá, tượng Phật ngồi thế Liên Hoa tọa ở Thắng Tam, Vũng Tàu, có niên đại hậu bán thế kỷ thứ VI, tượng Avalokitesvara tìm thấy ở rạch Lò Gốm (quận 11, TPHCM) là những đỉnh cao về mặt phong cách và điêu khắc tiểu tượng học Phù Nam1. Ngoài ra còn một số tượng Phật được phát hiện và đang lưu giữ tại Bảo tàng TPHCM. Cả 3 pho tượng tại đây đều là tượng Phật Thích Ca, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Ấn Độ khá rõ nét và được thể hiện trên các loại nguyên liệu mang tính bản địa với sự sáng tạo nghệ thuật cao2. Theo Cao Tăng truyện, quyển 1, thì khoảng năm Đại Đồng (535-545) triều nhà Lương có sắc chiếu bảo Trương Phạm đến Phù Nam xin thỉnh các bộ kinh luận của các bậc danh tăng sang giảng dạy Phật pháp ở Trung Hoa. Vua Phù Nam nghe tin liền phái Hòa thượng Ấn Độ là Chân Đế (Paramartha hay Gurnaratha) lúc đó đang hành đạo ở Phù Nam mang theo 240 bộ kinh đến triều đình Trung Hoa vào năm 5463. Sách Lịch đại TamBảo kỷ, quyển 11 và Tục Cao Tăng truyện, quyển 1, đều ghi chép số kinh luận mà ngài Chân Đế đưa đến Trung Hoa, toàn bộ sách kinh phiên dịch gồm hơn 2 vạn quyển, phần lớn là kinh sách chưa truyền đến Trung Hoa. Điều đó, chứng minh rằng Phù Nam (vùng đất Nam Bộ xưa) là một trung tâm Phật giáo ở phương Đông, có ảnh hưởng đến miền Nam Trung Quốc. Từ đó cho thấy, kinh Phật đã có mặt từ rất sớm, Kinh Dược Sư và một loạt các kinh khác chắc cũng không ngoại lệ.

Sự có mặt sớm kinh Phật Dược Sư nên dẫn dắt người dân sáng tạo ra đèn Dược Sư cho những pháp hội Dược Sư là cơ sở tin tưởng được. Phật giáo đã ảnh hưởng sâu vào đời sống của người Chân Lạp, người Khmer và người Việt xưa là điều dễ hiểu. Các “nền chùa” hiện tại cũng vẫn đang được xây dựng và phát triển từ nền chùa cũ của người Chân Lạp và của cả người Khmer. Do đó các sinh hoạt pháp hội Phật giáo, các nghi thức sinh họat Phật giáo, các pháp khí, các sản phẩm phục vụ tín ngưỡng và nghi lễ sẽ được lưu truyền cũng là điều dễ hiểu.

Trong đoạn kinh đối đáp giữa Đại Bồ tát có tên là Cứu Thoát và ngài A Nan, khi ngài A Nan hỏi về cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai phải nên thế nào, đèn phướn nối mạng, phải nên làm thế nào? Ngài Cứu Thoát nói “Kính bạch Đại Đức, nếu có người ốm muốn thoát bệnh khổ, nên vì người ấy, bảy ngày bảy đêm, chịu giữ cho đủ tám phần trai giới; nên tùy lực sắm các thức ăn uống, và các đồ dùng cúng Tỳ Kheo tăng; đêm ngày sáu buổi, lễ bái hành đạo cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; tụng đọc kinh này bốn mươi  chín lượt, thắp bốn chín ngọn đèn, tạo bảy pho tượng đức Như Lai kia; trước mỗi vị tượng, để bảy ngọn đèn, mỗi một đèn sáng, to bằng bánh xe, suốt bốn chín ngày, không lúc nào tắt; làm một lá phướn ngũ sắc và dài bốn chín gang tay; phải đem phóng sinh các loài cho đủ bốn chín thứ, thời có thể qua tai nạn nguy ách chẳng bị chết uổng ác quỷ hãm hại”. Tức là 49 ngọn đèn văn hóa dân gian tạo dựng thành tháp 7 tầng và 7 pho tượng đức Như Lai để thực hành theo kinh chỉ dạy.

Đèn Dược Sư là cây đèn cao 2,4 mét, gồm một trụ hình bát giác sơn đỏ ở giữa, 3 chân đỡ chống 3 góc. Đèn gồm 7 tầng, mỗi tầng tủa ra 7 nhánh. Mỗi nhánh là thân chạm khắc gỗ của rồng hoặc phụng. Đầu rồng đỡ lấy cây đèn và lưng rồng là tượng Phật ngồi, tư thế của một vị Bồ tát. Cũng có đèn Dược Sư là cây đèn cao 4 mét, gồm một trụ hình bát giác sơn đỏ ở giữa, 3 chân đỡ chống 3 góc. Đèn gồm 7 tầng, mỗi tầng tủa ra 7 nhánh. Mỗi nhánh là thân chạm khắc gỗ của rồng hoặc phụng. Đầu rồng đỡ lấy cây đèn và lưng rồng là tượng Phật ngồi, tư thế của một vị bồ tát. Đèn Dược Sư 49 ngọn được hiểu là sự tổng hợp của 7 lần con số 7. Sự thể hiện 7 tầng đèn cũng muốn nói lên ý nghĩa ấy. Hiểu theo mưu sinh sơ cơ của người xưa, “Thất” là 7, được hiểu theo nghĩa Thất bất khả tỵ4. Thất bất khả tỵ là điều chẳng tránh được hoặc 7 sự việc chả tránh được. Thất bất khả tỵ gồm: “Sanh” bất khả tỵ, “Lão” bất khả tỵ, “Bệnh” bất khả tỵ, “Tử” bất khả tỵ, “Tội” bất khả tỵ, “Phước” bất khả tỵ, “Nhơn duyên” bất khả tỵ. Chả tránh được nên cầu nguyện Chư Phật gia trì để tinh thần cảm thấy an lạc của cha ông ta khi khai hoang lập ấp vùng đất Nam Bộ xưa.

 

Đèn Dược Sư 

 

Trong kinh Phật Đại thừa và Tiểu thừa, con số 7 mang ý nghĩa trụ trong Phật pháp, tu vượt ra tất cả những gì ràng buộc con người, toàn bộ thế gian không còn chi phối được, mới thực sự là người giải thoát, vượt sinh tử. Ngoài ra, “thất” con số 7 được hiểu là Đức Phật Dược Sư có 7 vị bồ tát thị tùng là Nhựt Quang Biến Chiếu Bồ-tát, Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Dược Thượng Bồ-tát, Cứu Thoát Bồ-tát, Bảo Đàn Hoa Bồ-tát và Di Lặc Bồ-tát. “7 vị Bồ-tát này tiêu biểu cho 7 đàn được thành lập, hay 1 đàn có 7 người tiêu biểu cho 7 Bồ-tát. Đức Phật Dược Sư có 7 Bồ-tát trợ thủ, nên hiệu quả của Ngài rất cao. Và khi lâm đàn có 7 vị tăng hay 7 vị ni tiêu biểu đại diện cho bảy Bồ-tát, thì đàn mới linh nghiệm”5. 7 tăng, hay 7 ni phải hiện được thân của 7 Bồ-tát và có tâm lượng như các ngài, đàn mới linh nghiệm. Trong Dược SưLưu Ly Quang Như Lai Bổn nguyện công đức kinh, bản dịch của Sa môn Thích Nghĩa Tịnh6 dịch là Dược Sư Lưu Ly thất Phật bổn nguyện Công đức Kinh, hay Thất Phật Dược Sư kinh nói rõ về bản nguyện cũng như Đà La Ni của 7 vị Phật. Hay trong Bách TrượngTòng Lâm Thanh quy do Sa Môn Thích Bảo Lạc dịch cũng ghi chép 7 vị Phật là: 1- Thiện Minh Xưng Kiết Tường Vương Phật, 2- Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quan Âm Tự Tại Vương Phật, 3- Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Phật, 4- Vô Ưu Tối Thắng Kiết Tường Phật, 5- Pháp Hải Lôi Âm Phật, 6- Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Phật, 7- Dược Sư Lưu Ly Quang Phật.

Đèn Dược Sư được sử dụng trong đàn Dược Sư thanh tịnh nhờ có bảy vị Bồ-tát thị tùng Phật Dược Sư. Các ngài cũng là Bồ-tát trong hội Pháp hoa của Phật Thích Ca. Trì tụng Dược Sư, từ đó, tâm Phật tử được an vui, thanh tịnh; người khác cũng nương nhờ công đức này mà vượt qua tai nạn, khỏi bệnh, nghiệp tiêu. Vì vậy, ngay trong cõi Ta bà, Phật Thích Ca khuyên chúng ta dựng đàn Dược Sư để cầu nguyện thế giới của Phật Dược Sư ảnh hưởng đến thế giới này, làm cho thanh tịnh như thế giới của Đức Dược Sư.

Phật dạy chúng ta dựng đàn Dược Sư đốt đèn tiêu biểu cho ánh sáng, cũng có nghĩa là tiêu biểu cho trí tuệ. Vì vậy, Phật khuyên chúng ta đọc tụng, suy tư, dạy người làm phước, thì được công đức không thể nghĩ bàn, không phải chỉ đọc kinh, lập đàn treo phan thôi. Cúng dường tháp Phật một ít đèn sáng, vì tin Phật - Pháp - Tăng, nên phúc điền cúng dường chút ít đèn này, sẽ được quả báo, thành tựu phúc đức, chỉ có Phật mới biết được. Nhựt Quang và Nguyệt Quang là hai vị Bồ-tát thượng thủ trong đàn của Phật Dược Sư. Nhựt Quang tiêu biểu cho ánh sáng của mặt trời chiếu vào nhân gian, thiêu hủy được trần lao nghiệp chướng của con người. Kinh Thí Đăng CôngĐức7, do Tam tạng pháp sư Na Liên Đề Da Xá8 ghi: Đức Phật bảo Ngài Xá-lợi-phất, nếu có người đến trước hình tượng hoặc chùa tháp Phật mà cúng dường đèn sáng, cho đến dùng một ít bấc đèn, hoặc đốt đèn dầu cúng dường, ánh sáng ấy chỉ soi chiếu được một lối đi hoặc một bậc thềm. Này Xá-lợi-phất, phúc đức của người này tất cả hàng thanh văn, duyên giác đều không thể biết được, chỉ có Phật Như Lai mới có thể biết. Người cầu quả báo thế gian, mà còn được phúc đức như thế, huống gì công đức của tâm thanh tịnh, tin ưa niệm Phật liên tục không gián đoạn. Ánh sáng chỉ chiếu đến một bậc thềm, còn được phúc đức như thế, huống là chiếu cả một lối đi, hoặc hai, ba, bốn lối đi, hoặc một tầng, hai tầng tháp, cho đến nhiều tầng, một phía, hai phía, bốn phía tháp, cho đến chiếu khắp tượng Phật.

Đọc tụng kinh Dược Sư, suy nghĩ về 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư và phát tâm tu, thực hành đúng giáo pháp Phật dạy trong cuộc sống, chắc chắn tất cả đệ tử Phật đều tiếp nhận được Phật lực gia bị, đều thoát khỏi khổ đau, đều được thăng hoa phước đức, trí tuệ. Tất cả hành giả của các đàn tràng Dược Sư khi chí tâm, đem lòng tin trong sạch cúng dường thì đều thâm nhập được thế giới Tịnh Lưu Ly, diện kiến được Đức Phật Dược Sư, cùng 7 vị Phật và chư vị Bồ-tát, cùng 12 vị Dược Xoa thần tướng9 và tiếp nhận được lực gia trì của các Ngài, để thân luôn được bình an, trí luôn sáng suốt và gặt hái được những gì tốt đẹp nhất theo Phật dạy nhân dịp đầu năm Phật tử khắp nơi về lễ Phật và đem tâm thanh tịnh đến Pháp Hội Dược Sư.

 


1. Trần Thuận, Sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở vùng đất NamBộ trong bối cảnh quan hệ giữa Phù Nam với Ấn Độ và Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam góc nhìn lịch sử và văn hóa, NXB Tổng hợp TPHCM, 2019, trang 65-66.

2. Trần Thuận, sđd.

3. Coedes G (1968), The Indianized States of Southeast Asia, Honolulu, 60; Pachow W (1958), The Voyage of Buddist Missions to South-East and the Far-East, Journal of the Greater India Society, XVII, 14. Có tài liệu đoàn ghi người đến kinh đô Trung Hoa bấy giờ vào tháng tám nhuận, năm Thái Thanh 2 (548)

4. Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, NXB Tổng hợp TPHCM, 2009, trang 1320.

5. Đăng Huy, Đàn Tràng Dược sư đúng pháp, Cổng thông tin Phật sự oline, Trích dẫn lời dạy của Đức Pháp Chủ Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng, ngày 06/02/2022.

6. Sa môn Thích Nghĩa Tịnh, sống vào đời nhà Đường (635-713), Ngài là một trong 40 chư tăng cùng với Ngài Pháp Hiển, ngài Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh. Sau đó về lại Đường quốc để dịch kinh. Ngài dịch rất nhiều kinh điển từ tiếng Phạn sang tiếng Hán. Những tác phẩm của Ngài như: Kinh Công đức tắm Phật, Trinh nguyên Tân Định Thích giáo Mục lục,Căn bản thuyết Nhất Thuyết Hữu Bộ giới Kinh, Kinh Phật thuyết liệu trĩ bệnh, Nam Hải Ký quy nội pháp truyện, Đại Đường Tây vực cầu pháp cao tăng truyện... Ngài cũng từng là HT Đường Đầu Giới Đàn ở vùng phụ cận Lạc Dương (Trung Quốc) sau khi Ngài Luật Sư Đạo Tuyên (596-667) kiến lập Giới Đàn tại Tịnh Nghiệp Tự ở Trường An (Trung Quốc).

7. Kinh Thí đăng công đức hay còn gọi là Công đức cúng đèn. Kinh do Đại sư Na Liên Đề Da Xá dịch sang tiếng Hán, vào khoảng triều đại Lương Võ Đế, cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt tại Canada vào năm 2016.

8. Cũng gọi Na Liên Da Xá, Na liên đề Da Xá. Gọi tắt: Da xá. Cao tăng Trung Quốc sống vào đời Tùy, người nước Ô Trường tại Bắc Ấn Độ, họ Thích Ca, thuộc dòng Sát đế lợi. Năm 17 tuổi, sư xuất gia, thông hiểu Đại Tiểu thừa, giỏi cả Tam học. Vì muốn lễ bái các thánh tích của Phật giáo nên sư chu du các nước. Sau, được 1 vị tôn giả chỉ bảo, sư mới trở về, giữa đường, nhờ tụng thần chú Quan Âm mà tránh được nạn giặc cướp làm hại. Khi đến nước Nhuế Nhuế, gặp loạn Đột Quyết, sư bèn bỏ ý định trở về Ô Trường mà vượt ngọn Thông Lãnh để đến Bắc Tề (Trung Quốc). Bấy giờ, sư 40 tuổi, rất được Văn Tuyên Đế nhà Tề lễ kính, sư ở tại chùa Thiên Bình, dịch được 5 bộ 49 quyển kinh. Thời kỳ này tương đương với niên hiệu Thiên Bảo triều đại Lý Đào Lang Vương của Việt Nam. Sau đó, sư trao cho Chiêu Huyền thống (vị Tăng lãnh đạo tăng ni), sư lại dùng những tài vật mà tín đồ cúng dường để xây cất 3 ngôi chùa ở Tây Sơn để cho dân chúng an dưỡng và chữa bệnh. Khi Chu Võ Đế diệt nhà Tề, phá hủy Phật pháp, sư ở ẩn, trà trộn với thế tục nhưng không bỏ pháp sự. Khi nhà Tùy hưng khởi, sư mới mặc áo pháp trở lại, vua Văn Đế ban sắc cho sư trụ ở chùa Đại Hưng Thiện, thỉnh các vị tăng ngoại quốc, cùng với các ngài Đàm Diên v.v... gồm hơn 30 vị lại bắt đầu công việc dịch kinh. Năm Khai Hoàng thứ 9 (589), sư thị tịch, thọ 100 tuổi. Trước sau, sư dịch được hơn 13 bộ 70 quyển kinh.

9. 12 vị thần Dược Xoa như sau: 1- Đại tướng Cung Tỳ La – Kim Long Thân Thủ Oai Quang Đồng Vương 2- Phạt Chiết La Đại tướng - Chấp Kim Cang xử đồng nhan trường thọ 3- Mê Sý La Đại tướng – Yêu Thúc Kim đới đa chủng phước thiện 4- An Để La Đại tướng – Trú Trì 10 đại danh sơn 5- Át Nể La Đại tướng – Thân màu đỏ chấp tay cầm bảo xoa hoặc mũi tên 6- San Để La Đại tướng - Thủ quang hoa mấn hiện hình thạch nữ 7- Nhơn Đạt La Đại tướng – Hay vì thiên chủ hộ trì điền địa 8- Ba Di La Đại tướng – danh hiệu Kình ngư đủ các huyễn thuật 9- Ma Hổ La Đại tướng – hành đồng long mãng chấp nhựt hý nhạc 10- Chân Đạt La Đại tướng - đầu có một sừng, người thấy liền khởi nghi 11- Chiêu Đỗ La Đại tướng – Oai nghiêm như sát thân sáng như nguyệt 12- Tỳ Yết La Đại tướng - rộng tìm thiện nghệ giáo hóa tự bổn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6703961