Thông tin

TẾT NÀY TÔI ĐÃ ĐẾN TUỔI BẢY MƯƠI

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 


 

Hồi còn nhỏ, thường được nghe những người lớn tuổi nói rằng cuộc đời của mỗi người, khi sanh ra đời, ai cũng phải chịu oan một tuổi! Nghe thì để đó thôi chứ tuổi nô đùa vô tư lự, chẳng mấy quan tâm và nhớ dai. Lớn hơn một chút nữa, khi biết giận biết vui buồn mới chú ý và hiểu được cái “tuổi oan” ấy chính là ông bà mình tính luôn 9 tháng nằm trong bụng mẹ cưu mang.

Vậy đó, nhưng biết là biết vậy thôi chứ trong tâm tư tuổi nhỏ chúng tôi vẫn chưa dứt một chút sự khinh khỉnh mỗi khi có ai nói đến tuổi Tây-Tuổi Ta. Nhất là khi bước vào độ tuổi học cấp 2, cấp 3, dựa vào một ít kiến thức dung nạp được từ trong những tháng ngày mài đủng quần trên ghế nhà trường, phần lớn những quan niệm cổ xưa, của suy tư, lời nói của ông bà xưa, tuy không ra mặt xem nhẹ nhưng tất cả luôn trở thành trò vui đùa mỗi khi có dịp nhắc đến.

Mãi đến những tháng ngày được trưởng thành, bước vào trách nhiệm của những anh huynh trưởng, lãnh trách nhiệm điều khiền một tập thể thanh thiếu niên Phật giáo; nhiều bài học, nhiều khía cạnh phải được biết qua, kể cả tìm tòi nhọc công nghiên cứu, mới có thể đúc kết nên một nền tảng kiến thức khả dĩ, cần thiết. Khi đó, nhiều tư tưởng Phật học từng bước được khám phá chuyên sâu, thế mà cho đến một bữa cơm chiều ngày cuối năm, ngồi nghe bà tôi nói chuyện công ơn cha mẹ. Từ nguồn Tứ Ân trọng đại, trong đó có một trọng ân không thể đáp đền, đó là công ơn cha mẹ với “chín tháng cưu mang, ba năm nhũ bộ…”, lòng tôi chợt chùng lại chính cái nơi “ chín tháng cưu mang” sâu thẳm của người mẹ mỗi chúng ta. Khi đó, không còn là chuyện cười khầy, cho qua như thưở thiếu thời khinh khỉnh kia. Đem nỗi lòng mình giài bày cùng bà. Bà tôi mắng yêu “Con đọc kinh nhiều, nhất là Vu Lan - Báo Hiếu, sao không thấy ngay được điều đó?”. Vâng, “quá muộnmàng nghe hỗ thẹn lòng con” - cụm từ này về sau tôi tự sám hối bằng cách đưa vào các các bài ca mình sáng tác, để dàn trải cho cái kiến thức còn quá nhiều khiếm khuyết của mình lúc còn tự mãn.

Cụ Cao Bá Quát (1809 - 1855) xưa từng phóng bút qua câu nói “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ” (Trời đất thêm năm tháng,người thêm tuổi), mà nhiều kiến giải chung quanh đó cũng có lắm điều để người sau suy gẫm. Qua đó, nhiều khi chúng ta chợt nhận ra rằng cái tuổi của mỗi người, đôi khi nó không lớn kịp với những kiến thức mình dung nạp được mà lại cứ tưởng rằng chính do nhờ cái tuổi ấy mà lớn khôn! Trên mặt bằng chung, mỗi năm cứ đến theo vận hành tự nhiên của vũ trụ, khi con người đã xác lập được chu kỳ qua từng tên gọi 4 mùa. Rồi chúng ta gọi đó là “Năm Mới”, âu đó cũng là cách khoát cho mỗi năm một mùa xuân qua một lớp áo mới với nhiều kỳ vọng tươi đẹp, sáng sủa ở ngày mai. Kỳ thú hơn người phương Đông còn đính thêm vào đó 12 linh vật gọi là Can, để từ đó tính thêm mỗi mệnh Chi cho đời nhiều hư ảo! Tất cả cũng chỉ nhằm phục vụ cho chính cuộc đời mình, sự sống mình, nếu ngại không muốn nói là đã qua nhiều khổ đau, thì cũng lọt vào ý niệm cái gì của năm cũ, vui buồn cũng đều mong muốn cho tất cả qua đi.

Bởi vậy, mùa xuân nào, năm nào mà chẳng mới? Đó là ước vọng thật của chúng ta khi đã gạt qua nhiều suy nghiệm đã từng in dấu vết lăng trầm của thời gian. Suy cho cùng thì năm nào, tuổi nào cũng tuần tự đến với mỗi con người là lẽ tự nhiên. Có lẽ ngày xưa với những điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân cá nhân và của cả xã hội còn ở mức đơn sơ, mang tính chất tự nhiên, do đó mà tuổi thọ mỗi con người chưa được cao lắm, bởi vậy một trong những nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường Đỗ Phủ (712 - 770) chẳng đã từng có câu thơ “Thất thập cổ lai hi”(70 tuổi xưa nay hiếm). Thoáng nghe qua, nếu vội vàng chúng ta ai cũng sẽ nghĩ rằng tuổi 70 là tuổi thọ cao nhất!

Ừ, thì Năm mới-Xuân sang! Vậy là Tết năm nay, tôi đã được 70 tuổi rồi! Cái tuổi vừa đủ để giật mình nhìn lại hành trình cuộc đời với biết bao con dốc, biết bao nụ cười và nước mắt đong đầy. Bàn chân chai cứng do va vấp quá nhiều với mớ tri thức chắp vá, bấy nhiêu vẫn chưa đong đầy cái dung tích trong người mình qua từng năm tháng mà con người tự đếm cho mình qua từng con số tích cóp hằng năm. Cái tuổi mà nếu gọi theo khuôn định của luật pháp hiện hành là đã chính thức trở thanh người cao tuổi, được nhiều sự ưu ái của xã hội. Có những cái tuổi 70 no ấm, sung mãn với hạnh phúc gia đình, được những bàn tay vuốt dìu đỡ nâng lúc hắc hơi, lúc cảm bệnh; những cử chỉ xoa bóp đôi chân mệt nhoài chạy theo 2 vầng nhật nguyệt mỏn hơi; những lời nói ân cần, thỏ thẻ, vỗ về; những khi ấy như chính mình được trở lại thuở còn chập chửng, ngây ngô, ngơ ngác giữa chợ đời!

Phản chiếu lại gương soi cuộc đời, còn có những tuổi 70 vẫn lang thang đó đây ngoài xã hội, những cái tuổi chưa được hưởng phúc báo đầm ấm của gia đình, của cháu con. Họ vẫn còn còng lưng, dán mặt vào từng vệ đường, hè phố, mong góp nhặt được những cuộc tàn dư của người no cơm ấm cật vứt bỏ đâu đó, nuôi sống hơi thở để kéo dài cuộc mưu sinh, tiếp tục đi về phía hoàng hôn trước mặt! Họ như vẫn còn muốn nối dài thêm con lộ bất hạnh không một lời than vãn cho số phận, cho cái tuổi 70 chưa mệt nhoài đôi chân trần của mình! Vậy mình mửng tuổi 70 cho ai, cho sự tuổi già bất hạnh hay cho cái tuổi được hưởng phúc báu ấm êm, hay chỉ đơn giản mừng thọ cho chính cái cụm từ “Tuổi Bảy Mươi” khô héo và giản đơn của từ ngữ vậy thôi? Năm nay, mình cũng có được vài người bạn tuổi 70 như thế, đến chúc mừng mấy bạn này rất dễ dàng, chỉ cần 2 ly “cà phê bệt”, cùng ngồi đâu đó ở vỉa hè để sống lại quãng đường ngược gió thuở thanh xuân, vậy là cũng có một khung trời xuân vui vẻ bên nhau.

Bà tôi ngày trước, khi bước vào tuổi 70, thường nói với con cháu rằng bà mong sao khi về già đừng có quên trước quên sau. Nói theo bà là “sanh tật” gây khổ phiền cho con cháu! Và đúng như nguyện ước, cũng nhờ phước lực, bà tôi không mắc nhiều chứng bệnh tuổi già, sanh tật, nhưng chỉ có một điều bà quên hết tên con cháu trong nhà!

Về già, tôi cũng chỉ mong được như bà. Hành trình còn lắm gập ghềnh, nhưng với những gì mình đã sống và làm được trong các công tác Phật sự song hành với tuổi đời mình đã thọ hưởng; sẽ không hối hận khi đã quyết đi theo con đường phụng sự đã chọn và cống hiến. Và, Tết này tôi đã bước sang tuổi 70!

 

Xuân Giáp Thìn 2024

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6712111