Thông tin

THẦN QUAN CÔNG

 

DAVIS LE

 

 Bàn thờ Quan Vũ trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc

 

Gần đây, dư luận khá ồn ào về việc các Thần Thánh Trung Hoa được thờ tại các Hội Quán cũ của người Hoa mà chủ yếu là Sầm Nghi Đống có bài vị trên ban Quan Công khiến nhiều người phàn nàn “lây” sang cả Quan Công. Và trước đó cũng có nhiều bài viết so sánh vị Thần này với đức Thánh Trần của Việt Nam về chiến công... rồi bàn xem có nên thờ hay không?

Thật ra, việc so sánh hai nhân vật khác xa nhau về niên đại là điều khập khiễng, hay như nhiều khía cạnh khác nhau của Quan Công như là một vị Thần Tài thì rõ ràng rất khác với Trần Hưng Đạo. Hơn hết, Thánh Quan Đế không hẳn được thờ cúng vì gốc gác Quan Vũ tự Vân Trường mà chúng ta ấn tượng qua Tam QuốcDiễn Nghĩa đâu! Thậm chí, ông còn được tôn là Quan Phu Tử, Quan Vũ được Thanh Cao Tông truy tặng là Sơn Tây Quan Phu Tử, Khổng Tử do dân gian phong, gần như ngang với Khổng Phu Tử một địa vị rất đáng kinh ngạc tại Trung Quốc nhưng cũng không phải là khía cạnh mà người ta hay thờ cúng. Đây có thể nói là một hộ thần nổi tiếng nhất của người Hoa từ hai triều Minh, Thanh trở lại đây đặc biệt là từ cuối đời Thanh nhưng chủ yếu do sự linh dị theo dân gian và cả sự mô tả về văn học như cao lớn, mặt đỏ, râu dài... thần khí uy phong khác thường. Ông ta cũng không phải một anh hùng dân tộc của Trung Hoa nên các sự bàn tán so bình theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, mối quan hệ Việt - Hán... là không cần thiết. Sau đây xin liệt kê vài điểm về vị thần đặc biệt xuất hiện ở nhiều tôn giáo, tín ngưỡng, cộng đồng dân tộc này:

- Vị thần này xuất hiện với nhiều khía cạnh như hộ pháp thế tục, thần trừ tà, thần tài, thần hộ quốc, thần bang hội, thần đứng đầu võ miếu... được gắn với nhân vật lịch sử cuối đời Đông Hán gọi là Quan Vũ quê ở Sơn Tây sau làm tướng cho Lưu Bị nhà Thục Hán. Sau Quan Vũ tử trận tại thành Tương Dương, thủ cấp được đem về Lạc Dương cho Tào Tháo. Sau khi chết, ông cũng chưa phải thần thánh lớn gì cả mà được nhân dân cúng tế để khỏi tác oai gây hoảng sợ cho họ.

- Đến khoảng đời Tùy có ghi chép việc ông được Tổ phái Thiên Thai là Trí Khải Đại sư quy y cho và phát tâm hộ trì làm Hộ pháp nhưng chủ yếu là tại chùa và núi ở vùng đó tức như bên Việt Nam gọi là Bản Cảnh chứ chưa phải được thờ cúng nhiều ở các chùa hay làm Thần ở vùng miền, quốc gia gì cả.

- Giữa thời Đường khi bắt đầu xây Võ Miếu thì Quan Vũ cũng chưa được đem vào thờ, đến năm 782 đời Đường Đức Tông mới cho vào nhưng địa vị khá khiêm tốn.

- Đến thời Ngũ Đại Thập Quốc, nhà Hậu Thục (934-965) truy phong Gia Cát Lượng, Trương Phi lên tước Vương nhưng ông thì không.

- Đời Bắc Tống thì Thái Tổ triều này chê ông thua trận nên đưa ra khỏi Võ Miếu. Cũng từ khoảng thời Tống thì Đạo giáo cũng đem ông về thờ làm Thần trừ tà.

Vua cuối của Bắc Tống là Tống Huy Tông bắt đầu phong Vương cho ông và phong làm Sùng Ninh Chí Đạo Chân Quân khiến địa vị trong Đạo giáo cao cấp dần.

- Sang thời Nam Tống địa vị ông cũng dần được nâng lên, Thần Thánh hóa nhiều chuyện linh dị hơn, được các vua Cao Tông, Hiếu Tông gia phong nhiều và cũng chen chân vào hàng ngũ các Thần Hộ quốc.

- Tuy làm Hộ Quốc Sùng Ninh Chân Quân của Nam Tống nhưng sự nghiệp “hiển Thánh” của Quan Công càng cường thịnh khi nhà Nguyên cai trị Trung Hoa.

- Thời nhà Minh, do được Chu Nguyên Chương tin rằng ông đã có công phù trợ nên được xây Quan Công Miếu ở kinh đô.

Khi tổ thứ 5 của Phái Karmarpa đến Bắc Kinh theo lời mời của Chu Đệ, ông cũng theo Đại sư về tận Tây Tạng và được Đại sư cho làm Hộ pháp của Tổ đình Sở Bố, được ở ngọn núi sau chùa, ông còn được biết đến với cái tên Sangharama cũng tương tự như chùa của Đại sư Trí Khải thì ông cũng là dạng Hộ pháp riêng của bản cảnh.

Các đời sau như Thần Tông, Tư Tông đã đẩy ông lên hàng Đại Đế, Quan Thánh Đế Quân, Thiên Tôn, đến năm 1630 thì ông được coi như Thần Hộ Quốc của nhà Minh địa vị cũng chả kém mấy so với Huyền Thiên Chân Vũ.

- Thời gian ngắn sau đó, nhà Thanh từ Quan ngoại vào làm chủ Trung Nguyên nhưng chính đây mới thời kỳ phát triển cực thịnh của tín ngưỡng về Quan Công.

Ngay từ thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã rất hâm mộ ông và quân lính cũng coi ông là Hộ Thần khi ra trận. Sau này, Thuận Trị tôn ông là “Trung Nghĩa Thần Vũ Quan Thánh Đại Đế”.

Ung Chính thì truy phong cho cụ, ông, cha của Quan Công lên tước Công, ra lệnh toàn quốc lập võ miếu thờ ông và dùng nghi lễ ngang với Khổng Tử!

Càn Long phong ông lên làm Sơn Tây Quan Phu Tử địa vị chính thức ngang với Khổng Phu Tử.

 

Tranh vẽ Quan Vũ thời Càn Long

 

Hàm Phong thì truy phong cho cụ, ông, cha của ông lên tước Vương. Quang Tự phong cho ông là Trung Nghĩa Thần Vũ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Hộ Quốc Bảo Dân Tinh Thành Tuy Tĩnh Dực Thánh Tuyên Đức Quan Thánh Đại Đế (忠義神武靈佑仁勇威顯護國保民精誠綏靖翊讚宣德關聖大帝)”; danh hiệu 26 chữ này là danh hiệu duy nhất dài nhất của ông, dài hơn thụy hiệu các vị Hoàng đế.

Như vậy, đây là trường hợp rất kỳ lạ, không phải người Trung Quốc ban đầu không biết ông là tướng thua trận nhưng việc thờ cúng ông chủ yếu dựa vào sự linh dị dân gian, sự thúc đẩy bởi các vua ở các triều du mục như Nguyên, Thanh nơi hình ảnh võ tướng oai phong được yêu thích cũng như do Quan Công ít tính dân tộc kháng địch như Nhạc Phi... Ông cũng là vị thần vượt qua sự phân chia dân tộc nên được rất nhiều thế lực đối kháng nhau như Tống - Nguyên, Nguyên - Minh, Minh - Thanh cùng thờ cúng.

Thậm chí, bang hội ngầm như Hội Tam Hoàng vốn xuất phát từ hội Phản Thanh cũng thờ cúng vị này, chính thế lực Kinh Tài hùng mạnh này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển tín ngưỡng về ông. Đôi khi các Hội còn gọi ông là Quan Nhị Gia như nhắc nhở nhau về tình huynh đệ dù rằng đó chỉ là chi tiết văn học hư cấu.

Từ thời Càn Long, ông được xếp vào Thần Tài nên càng hòa nhập vào đời sống dân gian. Dù không buôn to bán lớn như Phạm Lãi nhưng với mức độ nổi tiếng và thịnh hành người ta cố liên hệ từ chi tiết văn học trong truyện Tam Quốc cho rằng ông đi bán đậu phụ hồi trẻ nên tôn ông thành Thần buôn bán điều này càng hợp thức hóa thờ cúng vị này trên các thuyền buôn, các nơi kinh doanh, hội quán...

Ở Việt Nam, Quan Công cũng xuất hiện rất nhiều do theo chân người Hoa đến đây và thờ chủ yếu ở cộng đồng này, ngoài ra cũng xuất hiện nhiều ở các đền chùa của người Việt.

Cũng như người Hoa thì với người Việt khía cạnh nhân vật lịch sử của Quan Công cũng chỉ biết cho vui cho đa dạng chứ khía cạnh thờ ông chủ yếu là thần dân gian phức hợp nhiều lớp lang tín ngưỡng tôn giáo.

Khi phong trào Thiện Đàn ở miền Bắc kêu gọi chống Pháp qua thơ văn giáng bút yêu nước thương nòi thì người ta cũng thấy cả thơ của Quan Thánh Đế Quân tức là dạng thần thánh Đạo giáo chứ chả phải võ tướng dân tộc gì cả.

Vài năm gần đây với sự xuất hiện nhiều của các đàn lễ Tam Thời Hộ Niệm người Việt, chúng ta cũng nhìn thấy Quan Công thường xuyên hơn trong hình thức một Hộ pháp thế tục được ban 5 giới từ thời Tùy Đường, và tượng vị này gần đây cũng xuất hiện nhiều hơn trong chùa Việt (trước đó cũng đã có trong chùa ở cả Nam và Bắc Việt chủ yếu đời Nguyễn). Đây cũng là tấm gương về một Thần ở cõi U Minh biết quay đầu nương tựa Tam bảo.

Tóm lại, Quan Công hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là một Thần đặc trưng của nhà Thanh về sau mang nhiều yếu tố tín ngưỡng tôn giáo gần như một dạng “Thiên Thần” chứ không còn là nhân thần lịch sử để phải phân định về Ta, Địch và tài nghệ quân sự...

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6115301