Thông tin

THÁNG SÁU BUÔN NHÃN BÁN TRÂM

THÁNG BẢY NGÀY RẰM XÁ TỘI VONG NHÂN"

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 

Lễ Xá tội vong nhân theo quan niệm dân gian

 

Những tháng ngày hè cháy bỏng của nắng gió phương Nam, tuổi thơ chúng tôi tận dụng ba tháng nghỉ hè để được tắm sông, vui đùa thỏa thích. Đặc biệt, màu sắc mùa hè ngoài phượng vĩ đỏ rực ở sân trường, ven đường lộ quê hương, còn có những cây trái mùa này luôn hiện hữu và gần gũi với mỗi nhà, mỗi xóm ấp láng thôn. Đó là màu tím của từng chùm trái trâm no tròn, lũng lẳng treo đầy cây mọc bên bờ hè, sau sân vườn mà hầu như nhà nào cũng thường có. Lũ chúng tôi sau những trò cút bắt, tắm sông, vui đùa thi nhau trèo lên cây hái và ăn ngay trên đó, chừng xuống đất lè lưỡi, nhe răng, đứa nào cũng bị màu tím của trái trâm nhuộm đều trông rất ngộ nghĩnh! Trái trâm có vị ngọt, pha chút chua nhẹ, hạt to và chát, mùa này nó được người ta bày bán ở các chợ, ven từng xóm ấp với những thúng cao chất đầy như mời gọi và đánh thức mùa hè của tuổi thơ. Trâm còn có tên khác là Vối Rừng hay Trâm Mốc. Trâm còn có tên của vị thuốc Nam là Hậu Phác Nam. Tìm hiểu thêm, trâm có tiếng Anh là Jambolan, black plum, tên khoa học Syzygium cumini (L.) Skeek. Trâm thuộc họ Sim (Myrtaceac). Trâm còn có công rất lớn trong từng đơn vị kê thuốc dân gian, trị các bệnh rất hiệu quả mà xưa nay người dân đã biết đến và vẫn còn giá trị hữu dụng. Cây trâm có mặt và mọc tự nhiên, rải đều từ miền Trung, đặc biệt Quảng Nam vào đến tận Mũi Cà Mau, nơi nào có sự hiện diện của nó như minh chứng cho loại thức quả độc đáo và là ký ức của nhiều thế hệ lớn lên.

Ngay từ khi còn nhỏ, lúc tung tăng theo từng bước chân Oanh Vũ bên bà đi lễ chùa mỗi dịp rằm tháng bảy âm lịch - mùa Vu Lan Báo Hiếu, tôi thường nghe Bà ngâm nga mãi hoài câu: “ThángSáu buôn nhãn bán trâm/ Tháng Bảy ngày rằm Xá Tội Vong Nhân”, mà miên man mãi hoài trong suy tư non nớt của mình một cái ngày Xá Tội Vong Nhân nào đó thật là to lớn và nhiều kỳ bí? Đem hỏi bà, Bà bảo: “Bởi vậy con phải siêng tụng kinh Vu Lanvới lạy Phật để cầu nguyện cho họ mau siêu thoát, nghe không?”.

Cả một chuỗi dài tháng năm hồn nhiên vô tư ấy, chuyên cần nghe theo lời Bà dạy, đến nổi thuộc hết cả một quyển kinh Vu Lan- Báo Hiếu, biết lạy Phật hơn các bạn đồng lứa một cách tự hào lẫm liệt! Không biết “công đức” non nớt ấy của mình có giúp cứu vớt được bao nhiêu vong nhân suốt chừng đó năm không, nhưng cái nhận biết ban đầu của mình thấy được là có thật rằng: “Tháng Sáubuôn nhãn bán trâm/ Tháng Bảy Ngày rằm Xá Tội Vong Nhân” ấy chính là câu ca dao của dân gian từ ngàn xưa. Khi ở lứa tuổi Thiếu Nam Gia đình Phật tử, tôi cùng nhiều Anh Chị Em khác được phân công đi dán các bích chương, biểu ngữ có in nhiều câu cổ động mùa Vu Lan Báo Hiếu, ngoài những câu in lời Phật dạy, thơ, văn ca ngợi, vẫn thấy có câu ca dao này một cách tự hào.

Đã in đẫm vào tâm khảm mình, khi lớn lên có điều kiện tìm hiểu, mới biết thêm đó chính là một vế trong bài thơ nói về 12 tháng trong cuộc sống dân gian. Từ đó, niềm tự hào càng thêm lớn hơn bởi biết giá trị, tư tưởng Phật giáo hơn hai ngàn năm đã thấm đậm và hằn in vào nếp sống cộng đồng như máu thịt. Khi hỏi các vị cao niên, từng trải qua các trường lớp ngày xưa thì còn được biết thêm bài thơ có nguồn gốc từ Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lớp sơ đẳng (Do Nha Học chánh Đông Pháp xuất bản năm 1943). Toàn bộ bài thơ ấy như sau:

Tháng Giêng ăn tết ở nhà

Tháng Hai cờ bạc, Tháng Ba hội hè

Tháng Tư đong đậu nấu chè

Ăn Tết Đoan Ngọ trở về Tháng Năm

Tháng Sáu buôn nhãn bán trâm

Tháng Bảy Ngày rằm Xá Tội vong Nhân

Tháng Tám chơi đèn kéo quân

Trở về Tháng Chín chung chân buôn hồng

Tháng Mười buôn thóc bán bông

Tháng Một, Tháng Chạp nên công hoàn toàn.

(Thơ dân gian - Khuyết Danh)

Xưa nay, người dân mình luôn sống thuần nông nên bài thơ xoay vần theo những thói quen gieo trồng gặt hái. Ngoài bài thơ này, nhiều địa phương khác còn có vài bài thơ cũng nói về mười hai tháng, về nếp sống thuần nông tương tự, nhưng phần nhiều các bài thơ ấy chỉ nói đến tháng Tư, Tháng Năm rồi về sau cuối chỉ loanh quanh những diễn cảnh làng thôn địa phương. Vì thế, bài thơ đang nói đến trong bài viết này tương đối đầy đủ nhất, tròn vẹn nhất của mười hai tháng quanh năm. Đặc biệt, bài thơ còn dừng lại hai tháng Sáu và Bảy để dành riêng cho nếp sống tâm linh cộng đồng, đó là điều hiếm hoi và đặc biệt nhất. Chi tiết này nói lên ảnh hưởng Phật giáo trong đời sống cộng đồng xã hội của người Việt chúng ta từ rất lâu đời.

Có một giai đoạn, bằng nhận thức lý luận biện chứng, chúng tôi thử phân tích bài thơ mười hai tháng này với nhiều bài khác có nội dung tương tự, vì ngại rằng sẽ có hiểu nhầm qua các từ ngữ, kể cả địa phương hóa, được nhắc đến trong bài thơ. Nhưng dần về sau tất cả đều dần được lọai bỏ để trả về nhận định ban đầu là không sai. Thí dụ, từ “bông” (hoa - huê), và trái chín mùa hè – trái trâm. Và từ đấy, trái trâm của thơ mùa hè chúng tôi lại được tiếp tục sống cùng ký ức theo năm tháng; khi trở thành một Phật tử thì ký ức đó còn được nâng cao hơn qua Tháng Bảy - Vu Lan – Mùa Báo Hiếu. Tất nhiên, thời xa xưa ấy, Tháng bảy ngày rằm xá tộivong nhân còn riêng nặng phần nghi lễ tâm linh, hướng cúng các vong nhân, thể hiện tính Từ Bi vượt xa biên giới sống - chết của nhà Phật, chưa nâng cao thêm phần báo hiếu Vu Lan, bởi ai cũng biết rằng đó là điều hẳn nhiên, đạo Phật là đạo hiếu. Do vậy mà trong dân gian và các truyền thống văn hóa lễ hội nói nhiều đến ngày xá tội vong nhân cũng là chuyện ai cũng có thể hiểu được. Về sau này, có lẽ do tính chất xã hội và cuộc sống, ngày Vu Lan Báo Hiếu được quan tâm nhiều và đã trở nên nét văn hóa riêng biệt và rất đẹp của Phật giáo.

Ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân và Vu Lan Báo Hiếu là hai phạm trù định nghĩa khác nhau nhưng thật sự nguyên nhân xuất phát chỉ có một. Hai ý nghĩa đó rất tương đồng cũng như cung ứng thị hiếu cho nhiều suy tưởng, cho nhiều giới để mỗi nơi thiết lập cho mình lối sống tích cực nhất cho xã hội, điều mà Phật giáo luôn hằng mong giữa chốn nhân gian, thể hiện nét đẹp, tinh túy của Phật giáo và làm sáng thêm bao lời Phật dạy. Fancois Mauriac (1885-1970) chẳng đã làm sáng thêm cho khung trời thơ phương Tây của mình bằng câu nói rất hay: “Một ngày mà chúng ta không thắp lên ngọn lửa thương yêu, vì thế có biết bao nhiêu người chết vì giá lạnh”.

Bài Văn tế thập loại chúng sanh của Cụ Tiên Điền Nguyễn Du (1786-1820) là như thế; từng câu, từng chữ hay ý nghĩa không chỉ “thắp lên ngọn lửa thương yêu” mà còn toát lên tinh ý Phật học rất chuẩn xác; hay đến ngỡ ngàng khi Cụ tuy không nhắc đến Tôn Giả nào nhưng người am hiểu thì biết tác giả đang muốn nói đến những ai trong một đàn tràng thí thực cô hồn. Đó là câu “Phép thiêng biến ít thành nhiều/ Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sanh...”; đó còn là câu thần chú biến thực biến thủy chân ngôn - điều mà ngoại giáo ít khi biết đến khi công kích việc cúng tế và hiểu theo tư tưởng thực dụng của phàm tục. Điều này lại khiến chúng ta nhớ đến câu thơ triết lý của nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941): “Trong sự sống thì một biến thành nhiều; trong sự chết thì nhiều biến thành một”. Sự biến hiện của Phật giáo, hay nói một cách khác sự có mặt của Phật giáo ở khắp cả mọi lãnh vực là như thế. Sự có mặt đó do nhân duyên, dân gian và xã hội quy tụ, tạo thành, không có sự can thiệp hay áp đặt nào từ phía Phật giáo; chỉ có tư tưởng Phật giáo tạo thành nếp sống muôn đời của cộng đồng, lúc nào và trong hoàn cảnh nào cũng có mặt song hành cùng cuộc sống người dân.

Bởi thế, Giáo sư Hoàng Như Mai đã không ngần ngại khẳng định “Ngày rằm tháng bảy, Ngày Lễ Vu Lan, Ngày xá xá tội vongnhân có thể được coi là Ngày Tình Thương Việt Nam, vì con người, vì cuộc sống hiền hòa, an lạc, tiến bộ của con người” (Nguồn: LễVu Lan và Tình Thương Của Nhân dân ta - Hoàng Như Mai - TậpVăn Vu Lan - Ban VHTW 2531 -1987).

Một cách cô đọng, Phật giáo đã có mặt trong ca dao, tục ngữ của văn hóa dân gian dân tộc là một điều hiển nhiên, tồn tại trong nếp sống người dân theo từng năm tháng hơn hai ngàn năm truyền thừa trên đất nước Việt Nam. Nhiều lần các vị lãnh đạo cũng từng nói đến, trong đó xin nhắc lại lời phát ngôn của Bộ Ngoại giao, có đoạn: “Đạo Phật đối với người Việt nam không chỉ là một tôn giáomà còn là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc truyền thống” (Nguồn: Báo SGGP - TTXVN ngày 26/01/1995).

Vu lan 2566

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6920403