Thông tin

THÁNH TỔ TỪ ĐẠO HẠNH VỚI SỰ RA ĐỜI

CỦA LOẠI HÌNH CHÙA TIỀN PHẬT - HẬU THÁNH

 

TS. NGUYỄN VĂN TIẾN*

 

Chùa Thầy tên chữ là Thiên Phúc tự, nằm trên địa phận hai thôn Đa Phúc và Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Đây là một di tích kiến trúc Phật giáo nổi tiếng thuộc loại hình chùa tiền Phật - hậu Thánh.

Đã từ lâu, chùa Thầy được xem như là một bảo tàng chuyên ngành thu nhỏ thời trung đại. Tính đến nay, chùa Thầy đã có lịch sử tồn tại ngót nghìn năm. Trải qua năm tháng, ngôi chùa cổ kính này đã giành được sự quan tâm của rất nhiều học giả thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau nghiên cứu, khai thác giá trị nhiều mặt còn tiềm ẩn ở ngôi chùa nhằm phục vụ cho cuộc sống hiện đại hôm nay.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn khẳng định công lao to lớn của Thánh tổ Từ Đạo Hạnh với việc mở mang xây dựng chùa Thầy vào thời Lý và cũng chính nhờ có Ngài, một loại hình chùa mới đầu tiên đã xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam, loại chùa mà chúng ta vẫn quen gọi là chùa tiền Phật - hậu Thánh.

I. THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH VỚI SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CHÙA THẦY

Quá trình hình thành và phát triển của chùa Thầy gắn liền với Thánh tổ Từ Đạo Hạnh

Như chúng ta đã biết, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu công nguyên. Cho đến thế kỷ thứ 10, nhất là từ khi vương triều Lý được thành lập, Phật giáo đã phát triển và lan tỏa hầu hết trên lãnh thổ của đất nước ta. Đi cùng với sự phát triển của Phật giáo là những ngôi chùa được dựng lên để thờ Phật. Và, chùa Thầy trước khi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu tập mới chỉ là một ngôi chùa nhỏ (dạng chùa thảo am) được làm bằng tranh, tre, nứa, lá, chưa định hình về kiến trúc, được nhân dân địa phương dựng lên để thờ Phật[1]. Chùa Thầy lúc này, cũng như nhiều ngôi chùa trong vùng, không được vương triều Lý quan tâm hưng công xây dựng. Mở những cuốn sử biên niên như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Thiền uyển tập anh... chúng ta đều không thấy ghi chép việc xây dựng chùa Thầy. Trong khi đó, rất nhiều ngôi chùa do vương triều Lý bỏ tiền ra xây dựng như chùa Phật Tích[2], chùa Lãm Sơn (chùa Dạm)[3], chùa Long Đọi[4]… lại được ghi chép rất cẩn thận ở các cuốn sử biên niên nói trên.

Các nhà nghiên cứu chùa Thầy về sau này như PGS.TS. Đinh Khắc Thuân đã dựa vào tài liệu bia Bối Am tự bi[5] cho rằng chùa Thầy có từ thời Đinh[6] nhưng chỉ là một ngôi chùa rất nhỏ có bình đồ kiến trúc chưa ổn định, và dự đoán, hình thức ban đầu của chùa thầy là loại chùa hang. Cố PGS. Chu Quang Trứ trong bài nghiên cứu Chùa Thầy niềm hạnh phúc trời ban cũng cho rằng: “Lúc đầu, chùa Cao ở trên núi chỉ là  một cái am nhỏ trong động đá, và chùa Thầy chỉ là một lều cỏ dưới chân núi”[7].

Nhà nghiên cứu di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, PGS.TS. Trịnh Minh Đức cũng cho rằng: Nhân dân vùng Sơn Tây, trong đó có huyện Quốc Oai thường gọi loại hình chùa nhỏ là am[8].

Vào những năm đầu công nguyên, trong số các nhà sư Ấn Độ đến Việt Nam, có nhà sư Khâu Đà La, cũng gọi là Già La Xà Lê, có nghĩa là “Ông thầy Đen”, đã đến Luy Lâu và theo truyền thuyết cũng đã từng lập am dưới gốc cây đa (Am ở đây là nơi thờ Phật, chỉ ngôi chùa).

Hiện nay, tại tòa tiền đường chùa Thầy, còn một bức hoành phi có ghi bốn chữ “Hương Hải Lưu Phương” có nghĩa là “Hương Hải giữ lấy tiếng thơm”. Bức hoành phi này có niên đại muộn, khoảng thế kỷ 20, không có lạc khoản. Dựa vào bốn chữ trên, chúng tôi cho rằng có nhiều khả năng tên gọi của chùa Thầy ban đầu là Hương Hải am hay am Hương Hải, bởi chùa Thầy lúc đầu có thể chỉ là một ngôi chùa nhỏ bé và là một Am cỏ ở vùng Sài Sơn được làm bằng vật liệu không bền vững và không định hình về khiến trúc. Những ngôi chùa đại loại như vậy có lẽ xuất hiện nhiều ở khắp các làng quê của nước Đại Việt thời bấy giờ. Chỉ tiếc có một điều là những ngôi chùa thời ấy, không có lấy một cuốn sử biên niên nào ghi lại được nên không còn lưu giữ trong kho tư liệu của chúng ta ngày nay.

Nhắc lại hình ảnh chùa Thầy vào những ngày khi Thiền sư Từ Đạo Hạnh chưa đến tu tập ở đây để thấy rõ công lao to lớn của ngài trong việc nâng cao uy tín, uy lực của chùa Thầy đối với cả khu vực Sơn Tây. Từ khi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu tập ở chùa Thầy (Được dự đoán là vào khoảng những năm cuối thế kỷ 11 và đầu thế kỷ 12, cụ thể hơn nữa là vào khoảng trước năm 1109, là năm mà ông cho đúc quả chuông nặng khoảng 2000 cân ta, tương đương với 1000kg), ngôi chùa ngày càng trở nên linh thiêng, mọi điều cầu đảo của nhân dân xa gần đều linh ứng. Bởi vậy, chùa Thầy dần dần trở lên nổi tiếng ở làng rồi nổi tiếng ở khu vực, rồi trở nên nổi tiếng trên phạm vi cả nước[9].

Và, nhờ có sự nổi tiếng trên, Phật tử trên khắp mọi miền của đất nước đã góp công, góp của xây dựng nên ngôi chùa ngày ấy bằng một thứ vật liệu bền vững hơn tranh, tre, vật liệu bằng gỗ lim mà ông cha ta vẫn thường dùng để ưu tiên xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo. Và cũng chính vì nhân dân bỏ tiền ra xây dựng chùa Thầy vào thời Lý, cho nên các cuốn sử biên niên không chính thức ghi chùa Thầy trong mục những ngôi chùa do Nhà nước bỏ tiền ra xây dựng.

Vào thời điểm nào thì chùa Thầy được chính thức khởi dựng để thay thế loại hình chùa thảo am? Đây là một vấn đề không dễ giải quyết vì: Như đã trình bày ở trên, cho tới nay hiện chưa có một tài liệu nào chỉ rõ hoặc xác định chính xác niên đại khởi dựng chùa, vì vậy đã có không ít ý kiến của các tác giả đưa ra nhiều  niên đại khởi dựng khác nhau.

Trong kho lưu trữ của thư viện tỉnh Hà Tây (cũ), Mục tỉnh Sơn Tây có một tài liệu không ghi tên tác giả, năm xuất bản cho rằng: “chùa Thầy được khởi dựng vào cuối thế kỷ 11 đời Lý Nhân Tông (1072- 1127)”[10].

Cuốn Di tích và thắng cảnh Sơn Tây do Ty Văn hóa Sơn Tây xuất bản năm 1959 cũng cho rằng: “chùa Thầy được khởi dựng từ cuối thế kỷ 11 đời vua Lý Nhân Tông (1072- 1127)[11].

Sách Sơn Tây dư địa chí của tác giả Phạm Xuân Độ, xuất bản năm 1939 cũng cho rằng: “chùa Thầy được khởi dựng từ thời Lý Nhân Tông (1072- 1127) và được trùng tu vào thế kỷ 17 và cuối thế kỷ 18 (cụ thể hơn là vào năm 1794)”[12].

Nhà thơ Xuân Diệu trong cuốn Chùa Thầy tập thơ, sách do Ty văn hóa thông tin Hà Sơn Bình xuất bản năn 1977 cũng đưa ra thông tin về năm khởi dựng chùa Thầy. Rất ngạc nhiên và không biết dựa vào tài liệu nào, nhà thơ cho rằng: Chùa Thầy được đích thân vua Lý Thánh Tông ra lệnh xây dựng vào năm 1057[13].

Các tác giả cuốn Việt Nam di tích và danh thắng do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 1991 khiêm tốn hơn khi cho rằng chùa Thầy tương truyền được khởi dựng vào thời Lý, được mở rộng và sửa chữa vào các thời kỳ tiếp theo, cụ thể là vào thế kỷ XV có sửa chữa và mở rộng hơn, nhưng vẫn làm theo nếp cũ[14].

Chùa Thầy cũng được GS. Hà Văn Tấn giới thiệu trong cuốn Chùa Việt Nam, sách được nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1993. Trong cuốn sách này, tác giả cho rằng chùa Thầy ít nhất cũng có từ thời Lý và chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu[15].

Cuốn Chùa Thầy một di tích danh thắng ở tỉnh Sơn Tây của Nguyễn Thịnh - Lâm Biền được nhà xuất bản Văn hóa Nghệ thuật, Bộ Văn hóa xuất bản năm 1962 cũng cho rằng, chùa Thầy được khởi dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072- 1127)[16].

Cuốn Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, nhà xuất bản Khoa học xã hội, nhà xuất bản Mũi Cà Mau năm 1993 không hiểu dựa vào nguồn tư liệu nào đã viết: “Sử ghi vua Lý Thánh Tông cho làm chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1058)[17].

Như vậy là đã có không ít những ý kiến của nhiều nhóm tác giả khác nhau đưa ra những  kết luận khác nhau về niên đại khởi dựng chùa Thầy. Chúng tôi, khi nghiên cứu về niên đại khởi dựng chùa Thầy đã được tận hưởng tất cả những thành quả của các tác giả hoặc nhóm tác giả đi trước và cũng thấy có lý khi các tác giả đi trước đều nhất trí cho rằng: chùa Thầy ít nhất cũng có từ thời Lý, cụ thể hơn nữa là vào thời vua Lý Nhân Tông trị vì (1072 - 1128). Nhưng có một điểm đáng lưu ý là ở chùa Thầy còn có một quả chuông đồng thời Lý. Quả chuông này đã được Lê Quý Đôn ghi lại trong sách Kiến văn tiểu lục[18] có chép: đằng sau chùa Thiên Phúc có lầu chuông và quả chuông chùa chính do Thiền sư Từ Đạo Hạnh cho đúc vào năm Long Phù Nguyên Hóa (1109) và đệ tử của ngài là sư Thích Huệ Hưng soạn bài minh văn. Rất tiếc là quả chuông thời Lý nay đã bị mất, nhưng may thay, minh văn đã được Viện nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm và in trong cuốn Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1, xuất bản năm 1998[19]. Chúng tôi đã phiên âm, dịch nghĩa toàn bộ bài minh văn này và đăng ở phần phụ lục số 4 trong cuốn Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), và dịch lại toàn bộ bài minh văn nói trên (có sửa chữa) đăng ở Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 6 (398) năm 2009 trong bài “Lịch sử khởi dựng chùa Thầy qua tư liệu minh chuông thời Lý”[20]. Điều đáng chú ý là bài minh trên chuông chùa Thiên Phúc do nhà sư Thích Huệ Hưng soạn được lập vào ngày mồng 9 tháng 8 năm Kỷ Sửu, niên đại Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (1109), triều vua Lý Nhân Tông. Và quả chuông, theo chúng tôi phải được đúc sớm hơn bài minh nói trên một thời gian mặc dù có cùng niên đại là năm 1109. Đây là quả chuông lớn nặng hàng tấn, hẳn nó phải được treo ở một ngôi chùa lớn đã được định hình về kiến trúc, không thể treo ở một ngôi chùa dạng chùa thảo am làm bằng tranh, tre đơn giản. Như vậy, chuông phải được đúc sau khi đã kết thúc việc xây dựng chùa. Từ đây, có thể nghĩ rằng niên đại muộn nhất để hoàn thành việc xây dựng chùa Thầy là vào năm 1109 cùng với niên đại đúc chuông.

Ngoài ra, nội dung bài minh chuông chùa Thiên Phúc còn cho biết thêm về tộc độ xây dựng chùa: “Thế mới biết xây chùa dựng điện cao vút tầng mây. Thế kỳ lân múa cùng bầy thú, dáng phượng hoàng sải cánh muốn bay. Náo nức dựng xây, hai tuần đã lên hình đài điện”. Với tốc độ xây dựng như vậy, chúng ta có thể suy đoán rằng chùa Thầy được khởi công xây dựng bắt đầu trước đó một vài năm có thể là từ 1107 - 1108 và đến năm 1109 thì hoàn thành.

Như vậy, chúng ta thấy rằng thiền sư Từ Đạo Hạnh đã có công rất lớn trong việc xây dựng chùa Thầy, một ngôi chùa ở một vùng quê hẻo lánh, không được vương triều Lý quan tâm bỏ tiền ra xây dựng cho tới năm 1109 đã trở thành ngôi chùa bề thế của vùng Sài Sơn, vùng Quốc Oai và rộng hơn nữa là vùng châu thổ Bắc Bộ. Hơn thế nữa, từ sau năm 1109 trở đi, chùa Thầy không những to lớn và bề thế về mặt kiến trúc, nó còn trở nên rất linh thiêng do uy tín và tài trí của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Và, ngày nay chùa Thầy vẫn là một trong những ngôi chùa thuộc loại lớn trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.

Vài nét về kiến trúc chùa Thầy hiện nay.

Hiện tại chùa có kết cấu chữ tam, gồm 3 nếp nhà chính xếp song song với nhau. Đó là tiền đường, điện Phật và điện Thánh. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy ở tòa điện Thánh hiện nay còn chứa nhiều di vật cổ có giá trị. Những di vật này có niên đại trải dài từ thời Lý đến thời Nguyễn muộn sau này. Tòa điện Thánh hiện chỉ có 1 gian 2 chái với những chiếc bẩy hiên rất thấp. Trong tòa điện Thánh hiện còn lưu giữ một chiếc bệ đá nhiều tầng cấp được làm bằng đá màu gan gà. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật đều thống nhất cho rằng bệ có niên đại thời Lý. Cũng ở tòa điện Thánh hiện cò có một bệ đá hoa sen hình hộp được các nhà nghiên cứu cho là bệ có niên đại thời Trần. Căn cứ vào số gian trong kiến trúc của tòa điện Thánh, căn cứ vào các di vật cổ có từ thời Lý đến thời Nguyễn, tôi cho rằng mặt bằng tòa điện Thánh ngày nay chính là mặt bằng của ngôi chùa thời Lý ngày xưa. Các đơn nguyên kiến trúc khác như tòa điện Phật, tòa tiền đường gác chuông, gác trống, hai cây cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên, hai dãy hành lang, nhà Tổ, đền Tam Phủ là mới được làm thêm và được sửa chữa vào các thời kỳ sau thời Lý.

II. VAI TRÒ CỦA THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH VỚI SỰ RA ĐỜI CỦA LOẠI HÌNH CHÙA TIỀN PHẬT - HẬU THÁNH ĐỘC ĐÁO Ở VIỆT NAM

 Vài nét về khái niệm và tiêu chí loại hình chùa tiền Phật - hậu Thánh.

Như chúng ta đã biết, Phật giáo Việt Nam (chủ yếu là Phật giáo ở khu vực phía Bắc) là Phật giáo đại thừa với đặc trưng là ở Phật điện có rất nhiều tượng Phật, tượng bồ tát và tượng các thiên thần Phật giáo khác. Phật giáo Việt Nam ở miền Bắc trong suốt quá trình phát triển của mình luôn hội đủ (pha trộn) ba tông phái chủ yếu đó là: Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông. Trong đó, Thiền tông đóng vai trò chủ đạo. Trong kiến trúc thông lệ, không có sự phân biệt kiểu kiến trúc chùa riêng cho mỗi tông phái như Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung Hoa. Nhưng ở Việt Nam, người ta đã đưa ra các khái niệm phân biệt để gọi tên một số loại hình tự viện được hình thành trong quá trình phát triển của mình. Ví dụ như loại chùa tiền Thần - hậu Phật, loại chùa tiền Phật - hậu Thánh.

Tiền Thần - hậu Phật là loại chùa mà lúc đầu là các ngôi nhà được dựng lên để thờ các vị Thần nông nghiệp như: Thần mây, Thần mưa, Thần sấm, Thần chớp. Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, trồng cây lúa nước là chủ yếu, mà lúa nước thì rất cần nước, cho nên con người phải thờ Thần nước đã được hóa thân từ các hiện tượng thiên nhiên như trên. Về sau, khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam ở những năm đầu Công nguyên, người ta đã đặt các tượng Phật giáo vào các đền thờ các Thần nông nghiệp vốn đã có từ trước, và bây giờ các đền thờ Thần này trở thành các ngôi chùa, mà sau này người ta quen gọi là chùa tiền Thần - hậu Phật (ví dụ như chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh)[21].

Tiền Phật - hậu Thánh là loại chùa đầu tiên thờ Phật thuần túy, sau đó người ta lại thờ thêm một hoặc nhiều vị Thánh (những vị thánh ở đây thường là những người thực, nhưng do được học tập, tu luyện có nhiều phép lạ, được tôn làm Thánh). Ví dụ như: Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, Nguyễn Bình An (thường gọi là đức Thánh Bối). Những ngôi chùa như vậy sau này thường được gọi là chùa tiền Phật - hậu Thánh. Ở khu vực châu thổ Bắc bộ hiện nay còn có rất nhiều ngôi chùa kiểu này, hầu hết chúng tồn tại ở khu vực Hữu ngạn sông Hồng, đặc biệt là dọc lưu vực sông Đáy cho tới vùng cận biển Ninh Bình - Nam Định (ví dụ như chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Trăm gian (Quảng nghiêm tự), chùa Lý triều quốc sư (Hà Nội), chùa keo Nam Định, chùa keo Thái Bình)[22]. Những ngôi chùa tiền Phật - hậu Thánh thường có hai loại cấu trúc:

Loại thứ nhất có cấu trúc phía trước là tòa Tam bảo và phía sau có một công trình kiến trúc riêng biệt để thờ Thánh. Thuộc cấu trúc loại này có các chùa như: chùa Thầy, chùa Bối khê, hai chùa Keo ở Thái Bình và Nam Định.

Loại thứ hai không có một kiến trúc riêng để thờ Thánh. Thánh được thờ chung với Phật trong tòa tam bảo. Loại này có có các chùa như: chùa Trăm gian (Quảng Nghiêm tự), chùa Cả (Trung Hưng tự), chùa Ngãi Cầu, chùa Thiên Vũ, chùa Láng (Chiêu Thiền tự), chùa Lý triều Quốc Sư.

Thánh tổ Từ Đạo Hạnh với sự ra đời của loại chùa tiền Phật- hậu Thánh

Như đã trình bày ở trên, Thánh được thờ trong các ngôi chùa thờ Phật mà chúng tôi đang bàn là những người thực, nhưng những người này do tích cực học tập, tu luyện nên có được nhiều phép lạ và được nhân dân tôn làm Thánh. Theo lịch sử các vị Thánh được thờ ở các chùa kiểu tiền Phật - hậu Thánh thì Thiền sư Từ Đạo Hạnh là người anh cả, là người cao tuổi nhất. Thậm chí, theo Bùi Duy Lan và Phạm Đức Duật thì Dương Không Lộ ở vào thế hệ trước cùng với Nguyễn Giác Hải và Từ Đạo Hạnh, còn Nguyễn Minh Không ở thế hệ sau và là học trò của Từ Đạo Hạnh[23].

Chúng ta lại biết rằng, Thiền sư Từ Đạo Hạnh mất năm 1117, Dương Không Lộ mất  năm 1119 và Nguyễn Minh Không (1066- 1141)[24]. Theo Đại Việt sử ký toàn thư [25] thì “Sau khi Đạo Hạnh thoát xác và phu nhân Đỗ Thị sinh con trai, người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám thờ” hay “xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc thì bị người ta đốt cháy người làng ấy lại đắp tượng thờ như cũ, hiện nay vẫn còn”[26].

Hoặc như trong Đại Việt sử ký tiền biên (1997-225) cũng cho rằng “sau khi Đạo Hạnh thoát xác, người làng cho là việc lạ để xác Đạo Hạnh vào trong khám mà thờ” hay “xác của Đạo Hạnh đến năm Vĩnh Lạc nhà Minh bị người minh thiêu hủy, người làng lại đắp tượng để thờ, cùng được ngay với tượng của Thần Tông”[27].

Theo Đại Nam nhất thống chí[28] thì “sự  thi - giải của Đạo Hạnh, người làng ấy lấy làm lạ, đem cái thi hài đặt trong khám phụng sự”. Và vẫn theo Đại Nam nhất thống chí viết: “Trong niên hiệu Vĩnh Lạc đời nhà Minh (1043 - 1124) có sứ thần qua chỗ giải - thi ấy, thoảng nghe có mùi thơm, bèn tìm thấy chân thân của ngài Đạo Hạnh hoàn toàn trong trắng như ngọc mà hình như người sống, sứ thần cho là cốt tiên thoát, bèn rước về chùa Hương Sơn làm phép hỏa táng, nhưng lửa không xâm phạm vào, trải 7 đêm, người Minh muốn thôi đi, vừa trong đêm mộng thấy có người bảo rằng: “ta đây trải từ thời Lý - Trần lại đây chân - thân không hư, đâu có phải là ngẫu nhiên, lòng mày như muốn cầu cho linh ứng, thì nên dùng mộc sách (cây rào bốn phía) nơi mả mới để đốt, thì mới thiêu được thần tượng. “Người Minh làm y theo như lời trong lúc mộng, quả nhiên có hiệu nghiệm. người Minh bèn lấy tro tàn đắp tượng đặt vào trong khám, phụng sự bên tả chùa thiên Phúc”[29].

Qua những tài liệu trên đây ta có thể thấy rằng, sau những năm 1116 - 1117, Thiền sư Từ Đạo Hạnh viên tịch nhưng thi thể của ngài không bị hỏng. Nhân dân quanh vùng thấy linh thiêng bèn đưa vào khám, thờ ngay bên cạnh ngôi chùa. Và chúng ta chưa rõ có thể đã xẩy ra lúc này việc thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh với việc thờ Phật đã được tách riêng ra hay vẫn thờ chung như nhiều ngôi chùa hiện thấy ngày nay. Việc xây thêm một gian thượng điện có thể đã xẩy ra vào thời gian này, nhưng việc thờ Phật và hình thức thờ từ ngài ở chùa Thầy lúc này như thế nào? Có hai khả năng xảy ra. Một là, chùa Thầy lúc này vốn có sẵn một căn nhà để thờ Phật, người ta đã đặt thêm một khám thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh chung với gian thờ Phật. Hai là, người ta để khám thờ ngài ở riêng một đơn nguyên kiến trúc mới xây thêm, và lúc này kiến trúc chùa Thầy có thể là có bình đồ chữ Nhị và như vậy việc thờ riêng Thiền sư Từ Đạo Hạnh được tách bạch từ đây. Theo tôi, khả năng thứ hai ít có thể xảy ra vì chùa Thầy lúc này là một ngôi chùa tương đối nổi tiếng, việc thờ Phật vẫn sẽ là chính. Phật tử đến với chùa Thầy là để lễ Phật. Tuy nhiên, do có công lao to lớn đối với chùa Thầy cho nên, người dân đã coi Thiền sư Từ Đạo Hạnh như là Tổ thứ nhất của chùa (người sánh lập ra ngôi chùa đó) và song song với việc lễ Phật, người dân đã không quên tế cả Ông tổ đã có công lao to lớn trong việc xây dựng, nâng cao uy tín và mở mang chùa Thầy.

Như vậy, rất có thể sự xuất hiện ngôi chùa vừa thờ Phật vừa thờ Thánh xảy ra ngay sau khi Thiền sư Từ Đạo Hạnh hóa. Phải chăng kiểu chùa vừa thờ Phật vừa thờ Thánh có nguồn gốc xuất phát từ đầu thế kỷ 12. Cụ thể hơn là ngay sau năm 1117 và chùa Thầy chính là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có hình thức kiểu này, hay có thể nói một cách khác, rằng chùa Thầy chính là khởi nguồn của kiểu chùa đặc biệt chỉ có ở miền Bắc Việt Nam, loại chùa mà ngày nay chúng ta vẫn quen gọi là loại chùa tiền Phật - hậu Thánh.

Có thể, lúc đầu việc lễ Thánh không được chú trọng như bây giờ. Nhưng trong quá trình, trải qua nhiều năm, người dân cho rằng, Thiền sư Từ Đạo Hạnh linh thiêng, mọi lời cầu khẩn của nhân dân đều được linh nghiệm nên đã sùng bái ngài, thậm chí hình ảnh của ngài còn quan trọng hơn cả hình ảnh của đức Phật. Người ta sinh lòng ngưỡng mộ Thiền sư Từ đạo Hạnh và tôn vinh ngài như một vị Thánh. Và về sau này, những ngôi chùa vừa thờ Phật và thờ thêm bốn vị nữa ngoài Từ Đạo Hạnh. Đó là ngài Nguyễn Minh Không, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải và Nguyễn Bình An, hoặc là những ngôi chùa vừa thờ Phật vừa thờ thêm một trong năm vị Thánh nói trên đều được gọi là loại chùa tiền Phật - hậu Thánh.



* Khoa Bảo tàng, trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

[1] Nguyễn Văn Tiến, Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 2004.

[2] Nay thuộc  xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

[3] Nay thuộc xã Lãm Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

[4] Nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

[5] Bia hiện ở trên núi Thầy, ở gần chùa Cao, bia có niên đại năm 1571

[6] Đinh Khắc Thuân, “Vài nét về bi ký chùa Thầy”, tạp chí Mỹ thuật thời nay, 7 (7), 1995, tr.58.

[7] Chu Quang Trứ, “Chùa Thầy niềm hạnh phúc trời ban”, Tạp chí Kiến trúc, tr. 60- 65.

[8] Trịnh Minh Đức, Di tích chùa Tây Phương Hà Nội, Luận án Phó tiến sĩ , 1996.

[9] Nguyễn Văn Tiến, Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), Sđd…

[10] Tài liệu lưu trữ tỉnh Hà Tây. Mục tỉnh Sơn Tây, trang 22 bản đánh máy.

[11] Di tích và thắng cảnh sơn Tây, Ty văn hóa Sơn Tây xuất bản 1959, tr11- 15.

[12] Phạm Xuân Độ, Sơn Tây tỉnh địa chí, Hà Nội 1939, tr 62- 64.

[13] Xuân Diệu, Cảnh đẹp Sài Sơn, Chùa Thầy (tập thơ), Ty văn hóa thông tin Hà Sơn Bình 1997, tr 5 - 29.

[14] Việt Nam di tích và danh thắng, Nxb. Đà Nẵng, tr. 78- 81.

[15] Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 1993.

[16] Nguyễn Thịnh- Lâm Biền, “Chùa Thầy một di tích danh thắng ở tỉnh Sơn Tây”. Di tích danh thắng (Thiệu Dương, Đền Hùng, Côn Sơn, Đình Bảng, Chùa Thầy), Nxb, Văn hóa nghệ thuật, Bộ Văn hóa 1962, tr 52.

[17] Di tích lịch sử Văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Nxb. Mũi Cà Mau, 1993, tr 631- 633.

[18] Lê Quý Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục, Nxb. Sử học, Hà Nội 1962, tr.339- 341.

[19] Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 1993, tr 227- 257.

[20] Nguyễn Văn Tiến, “Lịch sử khởi dựng chùa Thầy qua tư liệu minh chuông thời Lý”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 (398) 2009, tr 60- 68.

[21] Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, Sđd.

[22] Nguyễn Văn Tiến, Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), Sđd.

[23] Bùi Duy Lan - Bùi Đức Duật, Chùa Keo. NXB. Thái Bình 1985.

[24] Nguyễn Văn Tiến, Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), Sđd.

[25] Đại Việt sử ký toàn thư, Dịch theo bản khắc in Chính Hòa thứ 18 “1679”, II, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội 1983.

[26] Nguyễn Văn Tiến, Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), Sđd.

[27] Đại Việt sử ký tiền biên, Bản kỷ quyển III, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội 1997, tr 254- 255.

[28] Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, mục tục biên núi Sài Sơn, NVH-TBVHXH xuất bản 1996, tr 50- 65.

[29] Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, mục tục biên núi Sài Sơn, NVH-TBVHXH xuất bản 1996, tr 50- 65.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 29
    • Số lượt truy cập : 6057878