Thông tin

THÁNH TỔ TỪ ĐẠO HẠNH

TRONG BỐI CẢNH PHẬT GIÁO TRIỀU LÝ XỨ ĐOÀI

 

PGS. TS. NGUYỄN HỮU SƠN*

 

1. Nhìn nhận ở tư cách một vị thiền sư, một đơn vị tác gia văn học, một danh nhân văn hoá - lịch sử, tên tuổi thiền sư Từ Đạo Hạnh (? - 1117), quê sinh ở hương Yên Lãng, tục gọi làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội) đã được sử sách ghi lại từ rất sớm. Đơn cử một số nguồn tài liệu chính:

- Nhà sư Từ Đạo Hạnh, phần Phương ngoại, mục Nhân vật, sách An Nam chí lược (quyển 15) của Lê Trắc, biên soạn vào năm 1333[1].

- Mục Thiền sư Đạo Hạnh, sách Thiền uyển tập anh, biên soạn khoảng thế kỷ 12 - 13[2].

- Mục Từ Lộ (Đạo Hạnh) trong sách Thơ văn Lý - Trần[3].

- Mục Từ Lộ (Từ Đạo Hạnh) trong sách Từ điển văn học (Bộ mới)[4]...

Vấn đề đặt ra ở đây là từ một con người xác thực, về cơ bản có hành trạng tiểu sử rõ ràng, thế rồi ngài đã chuyển hoá dần thành nhân vật thần linh, truyền thuyết, nhân vật của truyện cổ tích như thế nào? Trong suốt gần chín thế kỷ kể từ khi thiền sư Từ Đạo Hạnh qua đời cho đến nay, hình ảnh về ngài đã được nhận thức và thể hiện ra sao trong các nguồn thư tịch cổ và trong tâm thức dân gian? Và thêm nữa, cần xác định vị trí thánh tổ Từ Đạo Hạnh trong bối cảnh Phật giáo triều Lý xứ Đoài?

2. Điểm cần xác định trước hết là phải lựa chọn lấy một văn bản gốc, có ý nghĩa căn cốt, khả dĩ thể hiện gần đúng nhất tiểu sử con người thực thiền sư Từ Đạo Hạnh. Rồi từ trên cơ sở một cốt truyện bất biến ấy sẽ liên hệ, so sánh, chỉ ra những phương diện khả biến, những tình tiết và nội dung huyền ảo được trầm tích qua thời gian, khiến nó chuyển hoá thành truyện cổ tích khác xa với cốt lõi ban đầu.

Hướng tới mục đích trên, chúng tôi lựa chọn tiểu truyệnThiền sư Từ Đạo Hạnh trong sách Thiền uyển tập anh làm văn bản gốc, bản trục. Sách cho biết sư Từ Đạo Hạnh thuộc thế hệ thứ 12 dòng thiền Tì ni đa lưu chi (Vinitaruci). Điều đáng chú ý ở đây là phần nguyên chú lại chép thêm sự kiện người con Sùng Hiền hầu được lập làm vua Thần Tông theo đúng chính sử Đại Việt sử ký toàn thư - riêng câu kết lại để ngỏ cho hướng tư duy hư ảo: “Tương truyền Thần Tông là hậu thân của sư, còn Giác Hoàng là sư Đại Điên”[5], mở đường cho trí tưởng tượng dân gian có đất phát triển.

Ở đây cũng cần chú ý tới cả một hệ thống chứng tích còn lưu giữ lại được ngay ở chùa Láng (Chiêu Thiền tự), nơi đình tổ thờ Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông (1128-1138) và được xây dựng từ rất sớm nữa là khu chùa Thầy, nơi được coi là địa điểm thiền sư Đạo Hạnh qua đời[6]. Đó còn là cả phức thể lễ hội, hội chùa, trò diễn sự tích; là 12 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Tây Sơn, Nguyễn; là các sách diễn Nôm Sự tích thánh đế họ TừPhụ lục sự tích dài tới 464 câu[7]; và cuối cùng là những lời truyền tụng được hiểu như là những mảnh vỡ huyền tích, huyền thoại được thêu dệt, phóng đại qua lăng kính trí tưởng tượng dân gian mà khó khăn lắm mới có thể gạn được đôi nét bóng dáng sự thật[8]

Thiền sư Từ Đạo Hạnh là người có công hoằng dương, hưng khởi, phát triển  Phật giáo xứ Đoài, vùng chùa Thầy - núi Thầy - Phật Tích - Thạch Thất - Ninh Sơn (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội). Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại huyền sử lễ hội Phật Tích xứ Đoài gắn với nơi viên tịch của tổ Từ Đạo Hạnh: “Bính Thìn, [Hội Tường Đại Khánh] năm thứ 7 [1116], (Tống Chính Hòa năm thứ 6). Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất (Thạch Thất là tên huyện, tức là huyện Ninh Sơn ngày nay, tên núi là Phật Tích. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng; tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác). Trước kia phu nhân của Sùng Hiền hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức Dương Hoán. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đến ngày mồng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng để thờ như cũ, hiện nay hãy còn)”[9]

Cả hai bộ sách cổ Thiền uyển tập anh Đại Việt sử ký toàn thư đều xác định quê sinh của thiền sư Từ Đạo Hạnh ở hương Yên Lãng (kinh thành Thăng Long), đến cuối đời mới trụ trì và qui tịch ở chùa Thầy (xứ Đoài). Như vậy là ngài đã góp phần mở đường, chuyển tiếp và gắn kết đời sống tư tưởng Phật giáo trung tâm Thăng Long với xứ Đoài. Theo sách Thiền uyển tập anh, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã từng sang đến nước Kim Xỉ (Miến Điện), từng chăm chỉ trì tụng kinh Đại bi tâm Đà la ni; từng được thần nhân Tứ Trấn thiên vương nhận làm đệ tử cho sư sai phái; từng được tham vấn, thỉnh giáo các bậc sư thầy Kiều Trí Huyền và Sùng Phạm (1004-1087); đồng thời lại có quan hệ khá thân tình với vua Lý Nhân Tông (1066-1127) và hoàng thúc Sùng Hiền hầu qua mật thuyết sư thác thai thành vua Lý Thần Tông,… tất cả hợp lực tạo nên huyền tích kỳ bí về sư tổ Từ Đạo Hạnh trên vùng đất xứ Đoài thời Lý.

3. Xem xét riêng ở phạm vi chùa Láng có thể thấy thiền sư Từ Đạo Hạnh đã tạo nên một vùng quang phổ văn hoá rộng lớn. Trước hết, đó là sự hiện diện điểm di tích chùa Láng gắn liền với tên tuổi nhà sư, một nơi còn để lại nhiều bia ký, một ngôi chùa qua nhiều lần trùng tu đến nay vẫn tồn tại cả quần thể kiến trúc tọa lạc giữa khoảng đất rộng, còn nhiều bóng cổ thụ, hài hoà với không gian và cảnh quan thiên nhiên.

Bên cạnh chùa Láng được coi là trung tâm đã hình thành cả một tiểu vùng văn hóa Láng với nhiều đền miếu, chùa chiền, trải dọc bờ sông Tô Lịch. Đó là chùa Nền tương truyền chính là nền nhà của thiền sư Từ Đạo Hạnh; chùa Hoa Lăng (xưa còn gọi Ba Lăng) là nơi thờ phụ mẫu vốn rất nổi tiếng: "Nam thiên tích tự hiện Ba Lăng, nhất phương thắng cảnh, thiên cổ danh lam" (Nơi trời Nam có chùa Ba Lăng, thắng cảnh một phương, danh lam ngàn đời). Điều đáng chú ý là chùa Hoa Lăng chính là nơi bà Tăng Thị Loan từng đến tu, dựng xây chùa và qua đời; sau được vua Lý Thần Tông xuất tiền tôn tạo, tạc tượng phối thờ quan Đô sát Từ Vinh (cha), bà Tăng Thị Loan (mẹ) và chính ngài Đạo Hạnh thực tế này càng chứng tỏ ngờ vực về mối quan hệ Từ Đạo Hạnh - Lý Thần Tông là có cơ sở.

Cách chùa Láng khoảng vài ba cây số còn có chùa Duệ Tú (thuộc thôn Tiền, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; nay thuộc địa phận phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội). Nơi đây thờ thiền sư Đại Điên, người có tên tục là Lê Nghĩa, có cha là Lê Hưng, mẹ là Nguyễn Thị Phan. Trong sách Thiền uyển tập anh và một số nguồn tư liệu khác cho rằng Từ Đạo Hạnh đối nghịch với Đại Điên và ông chính là hậu thân Điều Ngự Giác Hoàng, vậy mà ông lại được dân làng trọng vọng, được lập làm thành hoàng, được các triều đại phong kiến sắc phong và ban thêm mỹ tự Huệ Trí đại vương. Thêm nữa, cũng vào ngày 7 tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng vẫn mở hội chùa và dẫn lại sự tích thiền sư. Như vậy, cái nhìn hiện thực cho thấy một hình ảnh sư Đại Điên pháp thuật tài ba, được tôn trọng, kính thờ, còn tư duy huyền thoại in đậm sắc màu Mật tông lại cho thấy một pháp sư Đại Điên đối lập và chịu thất bại trước thiền sư Từ Đạo Hạnh. Dẫu sao ngài cũng là nhân vật lịch sử có quan hệ chặt chẽ với Từ Đạo Hạnh và góp phần tạo nên truyền thuyết trong cả một hệ thống văn hoá vật thể và phi vật thể dọc bờ sông Tô[10]

Đặt trong tương quan chung của Phật giáo thời Lý vốn đặc biệt chú ý thể hiện quan niệm về bản thể với các dạng thức tồn tại như pháp, pháp bản,  pháp tính,  thân, chân thân, sắc thân, phàm thân, tam thân, huyễn thân, tự thể, ngã, thức, tâm, tâm thể, thân tâm..., những bài thơ - kệ của sư tổ Từ Đạo Hạnh cũng thường thiên về chiêm nghiệm bản chất của chân tâm, mối quan hệ hữu - không, kim - cổ… Ngài từng hỏi sư thầy Kiều Trí Huyền về chân tâm qua một bài thơ - kệ:

Cửu hỗn phàm trần vị thức câm (kim),

Bất tri hà xứ thị chân tâm.

Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện,

Liễu kiến như như đoạn khổ tâm.

(Lẫn với bụi đời tự bấy lâu,

Chân tâm vàng ngọc biết tìm đâu?

Cúi xin rộng mở bày phương tiện,

Thấy được Chân Như sạch khổ sầu)

(Nguyễn Lang dịch)

Khi pháp lực và duyên thiền thuần thục, đúng lúc có vị tăng hỏi: “Đi đứng nằm ngồi đều là Phật tâm. Vậy thế nào là Phật tâm?” thì sư đã trả lời bằng một bài thơ - kệ:

Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu không như thủy nguyệt,

Vật trước hữu không không.

(Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Vầng trăng vằng vặc in sông,

Chắc chi có có không không mơ màng)

(Huyền Quang dịch)

Bản dịch khác thời hiện đại:

(Có thì muôn sự có,

Không thì tất cả không.

Có, không trăng đáy nước,

Đừng vướng có không không)

(Thanh Từ dịch)

Sư lại có thêm một bài thơ - kệ nữa:

Nhật nguyệt tại nham đầu,

Nhân nhân tận thất châu.

Phú nhân hữu câu tử,

Bộ hành bất kỵ câu.

(Nhật nguyệt tại non đầu,

Người người mất ngọc châu.

Kẻ giàu có ngựa tốt,

Chẳng chịu dùng ngựa đâu)

(Thanh Từ dịch)

Cho đến đoạn kết, sư tổ chủ động đón nhận cái chết, chủ động đi vào cõi thọ chung và cảm nhận về ngày nhập cõi Niết bàn, thoát vòng sinh diệt, đồng thời thể hiện rõ sự ứng giữa lời răn dạy đệ tử về việc “tạm giữ ngôi vua” với lời thơ “Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay”:

“Sư bèn tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ rồi bảo đệ tử:

- Nghiệp duyên của ta chưa hết, còn phải thác sinh để tạm giữ ngôi vua. Ngày sau thọ chung sẽ được làm thiên tử ở cõi trời thứ ba mươi ba. Nếu thấy chân thân của ta hư nát thì lúc ấy ta mới thật nhập Niết bàn, không còn phải trụ trong vòng sinh diệt nữa.

Các đệ tử nghe nói không cầm được nước mắt. Sư bèn đọc bài kệ rằng:

Thu lai bất báo nhạn lai quy,

Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi.

Vị báo môn nhân hưu luyến trước,

Cổ sư kỷ độ tác kim sư.

(Thu về chẳng báo nhạn theo bay

Cười nhạt người đời uổng xót vay

Thôi hởi môn đồ đừng quyến luyến

Thầy xưa mấy lượt hoá thầy nay).

(Ngô Tất Tố dịch)

Đương nhiên, sự biểu cảm các dạng thức tồn tại đó bao giờ cũng phải bộc lộ qua các mối liên hệ, quan hệ và qui chiếu khác như hữu - vô, sinh - tử, tu chứng và giải thoát, đời sống tâm linh và thế giới tự nhiên, thiên nhiên. Nói một cách khác, cách quan niệm về bản thể vừa là cơ sở của nhận thức vừa là sự chiếu ứng, đối tượng và đích đến của con đường tu chứng và giải thoát.

4. Trên cơ sở tiểu truyện Thiền sư Từ Đạo Hạnh được ghi chép trong sách Thiền uyển tập anh, chúng tôi tiến hành so sánh trước hết với các bộ sưu tập văn học dân gian được ghi lại bằng chữ Hán dưới thời phong kiến: Việt điện u linh Lĩnh Nam chích quái. Đi sâu tìm hiểu hai bộ sách này thấy có một hiện tượng đáng lưu ý: trong khi ở cả 9 dị bản Lĩnh Nam chích quái đều chép truyện Từ Đạo Hạnh vào phần chính biên thì ở tất cả các bản có chép truyện trên trong Việt điện u linh đều chỉ xuất hiện trong phần Tục biên, Tân san, Hiệu tập, Tân đính, Hiệu bình, Trùng bổ... Điều này có nghĩa là nguyên bản gốc Việt điện u linh gồm 27 truyện đều không chép truyện Từ Đạo Hạnh và nó chỉ có thể do người đời sau chép nối thêm. Nhận xét về điều này, Giáo sư Đinh Gia Khánh viết: "Nhìn chung thì thấy, ngoài ba truyện Đoàn Tướng Quân, Thanh Cẩm miếuHưng Đạo đại vương mà tất cả 5 bản đều chép, có thể khẳng định rằng cả truyện Từ Đạo Hạnh nữa cũng do Ngô Giáp Đậu (1853-?) biên soạn, vì trong bài bạt của ông có đoạn như sau: “Có người bảo: Các truyện về anh liệt chính khí mà bổ sung thêm vào thì đã đành rồi, đến như lại chép các truyện thần thông chân khí như truyện Đạo Hạnh, Minh Không mà phần lớn có tính chất hoang đường thì là cớ sao vậy?”, và ông khẳng định tiếp: “Truyện Từ Đạo Hạnh thì lại lấy từ Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh - Kiều Phú sang, mà Lĩnh Nam chích quái thì lại dựa vào Thiền uyển tập anh[11]. Song ước đoán về con đường tiếp nhận, di chuyển cốt truyện có chính xác theo lược đồ trên, hay cả Lĩnh Nam chích quái lẫn Việt điện u linh đều chép truyện Từ Đạo Hạnh theo văn bia, thần tích, lời truyền miệng dân gian nào đó? Trong tình hình văn bản hiện nay, vấn đề hầu như chưa có lời giải đáp triệt để, chuẩn xác.

So với tiểu truyện Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong Thiền uyển tập anh, truyện ở Lĩnh Nam chích quái (bản chép đầy đủ nhất - A.33) mang tựa đề Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không có một số điểm khác biệt như: Đoạn mở đầu có khác đôi chút, nói rõ bà mẹ tên là Loan - Sau đoạn giới thiệu về Giác Hoàng có thêm một câu nhấn mạnh: “Đó chính là Đại Điên hoá sinh vậy” và bỏ đi bài thơ tứ tuyệt Nhật nguyệt tại nham đầu. Còn lại phần cốt truyện, kể cả thứ tự các bài thơ (kệ) cũng chính xác theo Thiền uyển tập anh, riêng phần cuối có lắp ghép thêm truyện về Nguyễn Minh Không...

Đến sách Việt điện u linh, ở cả 8 văn bản còn lại và so 27 truyện gốc đều không chép truyện Từ Đạo Hạnh ở phần chính biên. Truyện Sự tích đại thánh Từ Đạo Hạnh thuộc phần “phụ lục” có chép các chi tiết khác với sách Thiền uyển tập anh là: Đoạn mở đầu ghi rõ mẹ tên là Loan, “nhà ở được kiểu đất quý”, “sinh ra được Từ Đạo Hạnh có khí cốt tiên Phật”, chép rõ có cha là Từ Vinh sau khi chết được “dựng lăng, miếu và đắp tượng để thờ, hàng năm cứ đến 10 tháng giêng là ngày giỗ, tại đền có tế lễ”; bà mẹ chết được phối thờ làm thánh phụ và thánh mẫu. Đi Tây Thiên (tức Tây Trúc, Thiên Trúc, chỉ Ấn Độ) học thuật lạ cùng Minh Không và Giác Hải, gặp cụ già đọc cho nghe một bài thơ kệ (tứ tuyệt). Giác Hải, Minh Không về trước; Đạo Hạnh làm phép rút ngắn đất và hoá hình làm hổ dọa hai bạn. Lược bỏ chi tiết Đại Điên hoá sinh làm Giác Hoàng - Đạo Hạnh làm lễ “cầu tự” thác sinh làm con Sùng Hiền hầu. Vua Thần Tông hóa hổ. Minh Không và Giác Hải mời quân lính ăn cơm “Thạch Sanh”. Chữa bệnh cho vua. Vấn đề “chân thân” Đạo Hạnh với giặc Minh và dưới thời Quang Thuận Lê Thánh Tông (1460-1469).

Như vậy, cả hai bộ sách lớn sưu tập thần tích và các truyện có tính cách dân gian dưới thời phong kiến đều có những biến thái rõ rệt so với bản gốc truyện Từ Đạo Hạnh được chép trong Thiền uyển tập anh. Ở đây, mặc dù đã ý thức được về tính chất hoang đường của các truyện Đạo Hạnh - Minh Không, một nhà sưu tập Nho học buổi vãn chiều như Ngô Giáp Đậu đã đặt câu hỏi ngờ vực và tự trả lời: “Cố nhiên là quái đản rồi. Nhưng truyện vốn lưu truyền ở đời là như vậy đấy”. Lại thưa: “Chỉ là chép cái điều nghe thấy đấy thôi. Còn nếu như lấy lý mà xét, bỏ cái quái đản, giữ cái hợp lẽ thường thì là việc của người xem, chứ người chép có can dự gì vào đấy kia chứ”[12]... Tuy vậy, khi đi sâu phân tích văn bản vẫn thấy tư duy chép sử, quan niệm và cách thức chép sử kiểu nhà nho còn để lại dấu ấn rõ nét. Điều này thể hiện khi tác giả thêm thắt những câu ngoại đề có ý nghĩa đánh giá, minh định sự kiện, “sử hoá” sự kiện; chẳng hạn việc chi tiết hoá tên mẹ Đạo Hạnh, việc thêm câu: “Đó chính là Đại Điên hóa sinh vậy”, việc chính sử hóa ngày mất của Đạo Hạnh: “Đó là ngày...”, hay việc nối thêm các chi tiết liên quan đến quân Minh và sự kiện được coi là "xác thực" diễn ra dưới thời Quang Thuận Lê Thánh Tông, nghĩa là sau khi Đạo Hạnh qua đời gần bốn thế kỷ... Xét về kết cấu, ở bản gốc chỉ có truyện Từ Đạo Hạnh đứng độc lập với truyện Minh Không, nhưng đến Lĩnh Nam chích quái đãcó tên truyện thể hiện như là phép cộng của hai truyện vốn khác nhau: Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không. Tính chất lắp ghép cơ giới thể hiện rõ ở phần truyện Từ Đạo Hạnh kết thúc rồi mới chuyển sang truyện về Nguyễn Minh Không. Điều này cho thấy rõ hơn vì sao có văn bản xếp thành hai truyện khác biệt nhau và ở bản khác lại gộp chung một cách khá tuỳ hứng. Do đó, cũng không phải là ngẫu nhiên khi Việt điện u linh tập lục toàn biên của Ngô Giáp Đậu lấy tên Sự tích đại thánh Từ Đạo Hạnh song bản thân câu chuyện lại bao gồm cả Minh Không. Hơn nữa, các nội dung này đã được chỉnh lý, thêm bớt và được chuyển hoá sâu sắc trong tư duy nghệ thuật. Về “sự bớt”, Việt điện u linh giản lược đoạn văn Đạo Hạnh luận bàn giáo lý nhà Phật với thiền sư Sùng Phạm và các sư hữu, lại lược bỏ cả hai bài kệ - thơ Tác hữu trần sa hữu Nhật nguyệt xuất nham đầu (ở đây xin chưa bàn đến sự dị biệt câu chữ ở các bài kệ còn lại)...; về “sự thêm” đã có hẳn một bài kệ của cụ già mà các vị sư gặp trên đường đi Tây Thiên thỉnh học Đạo lý đương nhiên lộ cộng hành và có thêm cả một đoạn kết... Nói riêng truyện ở Việt điện u linh có sự khắc phục, chuyển hóa dần tính lắp ghép cơ giới; bằng cớ là mối liên hệ Đạo Hạnh - Minh Không đã được xác định ngay từ khi cùng nhau sang Tây Thiên thỉnh học; sự kiện Lý Thần Tông hóa hổ đã được “gài” trước bằng lời nguyền khi Đạo Hạnh hoá hình làm hổ dọa hai bạn... Đến đây hẳn đã có thể nói tới yếu tố Nho hóa (một cách cơ giới, hình thức luận đề, ngoại đề) đồng thời với quá trình “chín dần”, chuyển hóa rõ dần trong mạch truyện, trong lôgic cốt truyện thiền sư Từ Đạo Hạnh theo qui luật và phương thức kể chuyện dân gian, được tập hợp và văn bản hóa trong Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái.

5. Trong phần tiếp theo chúng tôi sẽ khảo sát truyện Từ Đạo Hạnh hay Sự tích thánh Láng đã được GS. Nguyễn Đổng Chi chính thức xếp trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, truyện số 120, mục Truyện thần tiên, ma quỷ và phù phép. Ở đoạn mở đầu phần Khảo dị, ông đã nói rõ truyện được biên soạn từ ba nguồn tài liệu chính là sách Lĩnh Nam chích quái, Nước non tuần báo và theo lời kể của người miền Bắc, đồng thời ông nêu rõ quan niệm biên soạn: “Truyện này đã được nhà chùa uốn nắn lại với dụng ý đề cao Phật giáo, lại cắt xén đi nhiều chỗ, như những đoạn về Từ Vinh, về Từ Đạo Hạnh làm phép đầu thai v.v... Mặt khác, câu chuyện còn nhập cục với truyện sư Khổng Lồ. Ở đây chúng tôi dựa vào lời kể của nhân dân, khôi phục lại các đoạn bị cắt, tách riêng truyện Khổng Lồ đúc chuông (số 67) ra, vì nhận thấy nó có một kết cấu độc lập. Nhưng chúng tôi vẫn không làm sai nguyên ý của truyện thường kể”[13]

Truyện cổ tích Từ Đạo Hạnh hay Sự tích thánh Láng mặc dù vẫn theo sát cốt truyện trong Thiền uyển tập anh, và đặc biệt trong Lĩnh Nam chích quái, song đã lược bỏ đến tối đa phong cách chép sử, chối bỏ tất cả các con số, sự kiện liên quan đến ngày tháng, niên hiệu, các bài thơ - kệ vốn hàm chứa yếu tố xác thực, chính xác hoá. Ngược lại, phong cách kể chuyện dân gian được gia tăng bởi tính chất phiếm chỉ của địa danh, thời gian xảy ra sự kiện, đặc biệt danh xưng ngôi vị các nhân vật cũng trở nên ít xác thực và phiếm chỉ hơn. Riêng vấn đề thay đổi danh xưng rất đáng được xem xét kỹ hơn. Trước hết, các đại từ chỉ nhân vật không nhằm xác nhận “con người này”, “nhân vật này” nữa mà đã chuyển hoá theo phương thức bày tỏ thái độ “ở hiền gặp lành”, “thiện thắng ác”; nghĩa là phân đôi tuyến nhân vật thiện - ác, chính - tà, thắng - bại; nghĩa là kiểu nhân vật tốt đẹp sẽ được cấp cho cách gọi đẹp, loại nhân vật xấu được cấp cho cách gọi xấu. Ở đây tên Từ Vinh dâm đãng thường bị gọi là “hắn”: hắn còn biết cả phép biến hình, hắn đi khắp mọi vùng, hắn lại lén lút tìm gái ở kinh kỳ, và rồi phải biến hình làm con gián...; sư Đại Điên vì đã dùng pháp thuật giết Từ Vinh nên thường được gọi chính tên hoặc có khi gọi là “hắn”: hắn không thể nào đương nổi, hắn ngã vật chết ngay. Còn Từ Đạo Hạnh thường được gọi tên hoặc trân trọng gọi là "chàng": chàng mới hai mươi lăm tuổi, chàng hốt hoảng đi tìm cha, chàng đuổi theo kẻ thù, chàng bước lần đến ngã ba sông... Nhân vật Nguyễn Minh Không cũng luôn được gọi chính tên hoặc được gọi là “chàng”: chàng đã dùng pháp thuật của mình giúp đỡ mọi người, chàng bảo mọi người làng, chàng đọc xong, chàng không nói gì cả, v.v... Chung qui, cách chuyển hóa danh xưng đã là tín hiệu cho thấy một phần không khí, sắc thái biểu cảm dân chủ hóa của tư duy dân gian và thể hiện hết sức rõ nét qua truyện cổ tích Từ Đạo Hạnh hay Sự tích thánh Láng.

Trong thực chất, việc lý giải con đường dân gian hóa, Phật thoại hóa, “cổ tích hoá” tiểu truyện Thiền sư Từ Đạo Hạnh đương nhiên không thể bỏ qua mối liên hệ với đặc trưng tư duy dân gian, vai trò của trí tưởng tượng “nhân cách hóa vũ trụ và vũ trụ hóa con người”. Về điều này, một mặt bản thân nhân vật thực “ngoài đời” đã hàm chứa nét hư ảo, thần bí: “... thiền sư Đạo Hạnh sau này rất nổi tiếng về phù chú Mật giáo... Về pháp thuật, ta không thể không nói đến thiền sư Đạo Hạnh. Hiện giờ tại Bắc Việt có hai nơi còn thờ thiền sư Đạo Hạnh: chùa Láng và Sài Sơn. Vài ba năm hội chùa Láng lại được tổ chức một lần, dân làng diễn tả lại sự tích thiền sư Đạo Hạnh”[14]. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho trí tưởng tượng dân gian phát triển, cho sự tích được thêu dệt, thăng hoa, lan truyền rộng rãi. Mặt khác, các yếu tố “siêu thực”, linh dị huyền hoặc, chi tiết tạo ấn tượng “vừa lạ hoá vừa ảo hoá” không chỉ đúng ở một trường hợp Đạo Hạnh mà nằm trong qui luật rộng lớn hơn của loại hình tiểu truyện các thiền sư và cốt lõi tâm thức sinh - nghiệp - quả[15]. Do đó, từ một cốt truyện tiểu sử có tính bất biến, truyện cổ tích Từ Đạo Hạnh hay Sự tích thánh Láng đã vừa loại trừ các chi tiết "hiện thực lịch sử" không phù hợp vừa thu nạp, trầm tích thêm các yếu tố hoang đường, các phương diện khả biến: Từ Vinh có phép tàng hình, có thể biến thành người khác, vật khác, biến thành Diên Thành hầu hoặc con gián; Đạo Hạnh có phép hô thần tróc quỷ, biến hình thành hổ; Đại Điên thác sinh làm Giác Hoàng; Đạo Hạnh hóa sinh làm con Sùng Hiền hầu; Minh Không có thuật nấu nồi cơm mầu nhiệm, có phép rút đất và quấy tay trong vạc dầu sôi chữa bệnh hóa hổ cho vua...

Những điều đã trình bày trên là tập hợp những đặc điểm căn cốt cho thấy con đường di chuyển cốt truyện, khả năng tích tụ, thăng hoa các yếu tố khả biến (trí tưởng tượng, tính linh dị huyền hoặc, hoang đường ở các nhân vật, sự kiện, chi tiết, môtip...) từ tiểu truyện Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến nghệ thuật truyện cổ tích và được Nguyễn Đổng Chi xác định: “Truyện Từ Đạo Hạnh hay Sự tích thánh Láng là bằng chứng cho thấy tác giả truyện cổ tích lúc này không chỉ giầu tưởng tượng mà còn sành về thủ pháp biểu hiện”[16]

LỜI KẾT

Đặt trong bối cảnh Phật giáo triều Lý xứ Đoài có thể xác định vị trí, vai trò của thiền sư Từ Đạo Hạnh trên ba phương diện cơ bản: góp công hoằng dương, phát triển chùa Thầy - Phật Tích; lưu dấu những bài thơ - kệ in đậm quan niệm về bản thể con người trong cõi hư vô; và cuối cùng là tạo lập hệ thống truyền thuyết, truyện cổ tích và lễ hội in đậm sắc thái truyền thống văn hóa tâm linh dân tộc. Về cơ bản, có thể khẳng định công tích của ngài Đạo Hạnh không chỉ qua những đóng góp cụ thể với Phật giáo triều Lý xứ Đoài mà cao hơn, còn chính ở năng lực tỏa sáng, trở thành biểu tượng huyền thoại trong tâm thức muôn đời chúng sinh.



* Viện Văn học

[1] Lê Tắc. An Nam chí lược (Phan Duy Tiếp dịch, chú). Bản in Rônêo. Phòng Tư liệu Khoa Văn học,  Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.191.

[2] Thiền uyển tập anh. Lê triều Vĩnh Thịnh thập nhất niên (1715) tứ nguyệt trùng san. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.3144, 142 trang.

- Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch, chú, giới thiệu). Phân viện Nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học, H., 1990, tr.197-203.

[3] Thơ văn Lý - Trần, Tập I (Nguyễn Huệ Chi chủ biên). Nxb Khoa học xã hội, H., 1977, tr.343-348.

[4] Nguyễn Huệ Chi: Từ Lộ, trong sách Từ điển văn học (Bộ mới). Nxb. Thế giới, H., 2004, tr.1897-1898.

[5] Thích Bảo Nghiêm. “Chùa Láng với sự tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh”. Nghiên cứu Phật học, số 3-1991, tr.60-62.

[6] Thích Viên Thành. “Non nước Chùa Thầy”. Nghiên cứu Phật học, số 6-1992, tr.33-35.

[7] Xin xem Đỗ Thỉnh: “Thêm tư liệu về Chùa Láng”. Người Hà Nội, số 31-1993, tr.8.

- “Vua Lý Thần Tông xây dựng chùa Hoa Lăng”. Nghiên cứu Phật học, số 2 -1998, tr.63-64.

[8] Thích Thanh Điện. “Sự tích sư Đại Điên với chùa Duệ Tú”. Nghiên cứu Phật học, số 4-1992, tr.56.

[9] Đại Việt sử ký toàn thư  (Ngô Đức Thọ dịch, chú), tập I. Nxb. Khoa học xã hội, H., 1998, tr.287.

[10] Nguyễn Hữu Sơn. “Thiền sư Từ Đạo Hạnh - từ chùa Láng đến chùa Thầy”. Tạp chí Sông Hương, số 10-2000, tr.5-8.

[11] Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh (Trịnh Đình Dư dịch, Đinh Gia Khánh bổ sung, hiệu đính). Nxb. Văn học, H, 1972, tr.13.

[12] Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh (Trịnh Đình Dư dịch, Đinh Gia Khánh bổ sung, hiệu đính). Sđd, tr.37.

[13] Nguyễn Đổng Chi. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập III. In lần thứ bảy. Viện Văn học xuất bản, H., 1993, tr.1292-1293.

[14] Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập I. Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1973. In lần thứ tư, Nxb Văn học, H., 1994, tr.142-147.

[15] Khantipàlo. Tìm hiểu đạo Phật (Chơn Thiện dịch). Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản, TP Hồ Chí Minh, 1990, tr.48-64.

[16] Nguyễn Đổng Chi: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập I. In lần thứ bảy. Viện Văn học xuất bản, H., 1993, tr. 119.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6059475