Thông tin

THÀNH TỰU TRONG GIAN KHÓ

 

ĐĐ. THÍCH XƯƠNG TÂM*

 

Tổ Khánh Hòa bán ngôi Chánh điện chùa Tiên Linh như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào những người chỉ biết lo cho chùa của riêng mình, sao cho nguy nga tráng lệ, mà không màng đến sự tồn vong của Phật pháp...

Phật giáo Việt Nam phát triển hưng thịnh được như ngày hôm nay là do công lao to lớn của các bậc tiền nhân dày công chăm sóc. Trong những bậc có nhiều công đức bậc nhất thì Tổ Lê Khánh Hòa là một. Ngài đã đem lại cho Phật giáo Việt Nam một luồng sinh khí mới, một diện mạo mới, đáp ứng đúng nhu cầu xã hội hiện đại và có ảnh hưởng sâu rộng đến ngày nay. Với những thành quả có được ngài đã phải vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ để chấn hưng Phật giáo sau thời gian dài hủ bại.

Những khó khăn Tổ đã gặp và việc làm cụ thể

1. Không mấy người ủng hộ

“Trải qua nhiều năm Tổ hô hào, thức tỉnh Tăng đồ Nam kỳ mau mau tỉnh dậy để xây dựng lại cái nhà chung của Phật giáo đã bị đổ nát hoang tàn”1. “Tổ lại dùng cao niên kỷ của Hòa thượng Từ Phong2 và lập Lục Hòa Liên hiệp nhơn mỗi lễ giỗ Tổ Chư Sơn thiền đức gặp nhau, trên tinh thần lục hòa liên hiệp để cụ dễ bề kêu gọi thúc đẩy Tăng đồ phải chấn hưng Phật giáo. Lắm lúc cụ phải hạ mình đi đảnh lễ và khóc lóc kể hết cái tình trạng hư hèn của Phật giáo cho các vị Hòa thượng chùa cao Phật lớn có thế lực nghe”3 rốt cuộc cũng chẳng kết quả gì. Tổ chỉ liên kết được vài vị pháp hữu như: “Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Pháp Hải, Hòa thượng Từ Nhẫn, Hòa thượng Thiện Niệm, Giáo thọ Thiện Chiếu”4.

Đầu năm 1927, trên Khai Hóa Nhật Báo tại Hà Nội và tờ Đông Pháp có đăng một loạt bài “Nói về Chấn hưng Phật giáo” của sư Tâm Lai5, trùng dịp mùa Hạ năm ấy, Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp, Bình Định) thỉnh Tổ ra giảng 3 tháng Hạ tại chùa Long Khánh, Qui Nhơn. Tổ lên kế hoạch một mặt phân công Giáo thọ Thiện Chiếu ra Bắc, một mặt Tổ ra Trung “trước là quan sát thêm về tình hình Phật giáo. Sau kết hợp thêm người đồng chí hướng ấy. Vào thượng tuần tháng 4 âm lịch Tổ và Hòa thượng Huệ Quang với một phái đoàn cùng ra Trung kỳ”6.

“Thầy Thiện Chiếu ra Hà Nội, đến chùa Bà Đá (Linh Quang Tự) yết kiến Hòa thượng Đỗ Văn Hỷ rồi xin phép lên động Tiên Lữ để gặp sư Tâm Lai. Nhưng do bất đồng quan điểm nên chuyến đi của Thầy Thiện Chiếu không thành công”7. Tháng 5 năm Đinh Mão (1927), Thầy Thiện Chiếu từ Hà Nội trở về ghé qua Trường Hạ Qui Nhơn đưa chương trình Phật giáo Hội Trung Hoa cho Tổ xem, Thầy thúc giục Tổ phải mau tiến hành chấn hưng Phật giáo chẳng nên để trể.

Tháng Giêng năm Mậu Thìn (1928), Tổ cùng Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Từ Nhẫn, Hòa thượng Chơn Huệ, Giáo thọ Thiện Chiếu, ông Commis Trần Nguyên Chấn, cư sĩ Thái Bình Ngô Văn Chương tổ chức lâm thời Phật Học Viện và Thư Xã tại chùa Linh Sơn số 149, đường Douaumont, Sàigòn8. Sau khi đã thành lập Phật Học Viện và Thư Xã xong, đến ngày 27-1 Kỷ Tỵ (1929), Tổ đi vận động để lập Trường Phật học và Hội Nam kỳ Phật học9 cuộc hành trình dài 45 ngày (27/01-12/03/1929), Tổ đã đến 22 chùa10 khắp các tỉnh miền Tây. Trong đó chỉ có vài vị như ở “Châu Đốc thì có Hòa thượng Phi Lai, Hòa thượng An Phước, và thầy Giáo thọ chùa Pháp Võ, Bắc Liêu thì có Hòa thượng Long Phước và Thầy trụ trì An Phước Tự (ngã tư Cái Bường) có lòng sốt sắng nhưng không có sức”11, còn lại hầu hết đều viện lý do để thoái thác.

Thầy trụ trì An Phước Tự (ngã tư Cái Bường) hỏi Tổ: “Giác Viên, Giác Hải, Từ Ân, Giác Lâm, Hội Khánh là chỗ có thế lực nhứt sao không đến các chùa ấy yêu cầu?”. Tổ trả lời rằng: “Ôi! Hỏi đến thêm buồn, chín mười năm trước thầy Giác Hải cũng thường nhắc nhở đến việc này, song ai nấy cũng làm thinh. Mới đây nhân lễ kỵ ở Hội Khánh thầy Giác Hải cũng đến đó giảng giải về việc chỉnh lý tăng đồ rốt cuộc không ai tán thành cả”12. Tổ nói với Hòa thượng chùa Kim Huê (Sa Đéc): “Nếu các nhà Tăng lữ của nước ta mà hiểu được nghĩa vụ mình thì tưởng dầu việc chi to tát nữa thì trong một thời gian ngắn ngủi cũng có thể làm xong, nữa là Phật học viện, Phật học thư xã, Phật học giáo dục trường, Phật học công nghệ trường mà lo gì”13.

2. Không có kinh phí hoạt động

Tổ Khánh Hòa bàn với Hòa thượng Huệ Quang “những vấn đề cần làm là: Lập Hội Phật giáo; thỉnh ba tạng kinh dịch ra chữ quốc ngữ; lập trường Phật học gấp lo đào tạo tăng tài; xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý đạo Phật, kêu gọi tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng lại nếp sống, v.v... và khó khăn nhất là dựa vào nguồn tài chính nào để khuấy động phong trào trong khi hai vị đều nghèo với ngôi chùa ở thôn quê tỉnh lẻ”14.

Tổ đã lên kế hoạch vận động những vị danh tăng lúc bấy giờ như Giác Viên, Giác Hải, Từ Ân, Giác Lâm, Hội Khánh là chỗ có thế lực nhứt để xin hỗ trợ rốt cuộc chẳng được gì15. Ngay trong cuộc hành trình từ ngày 27-1 đến ngày 12-3-1929, Tổ đi kêu gọi các tự viện ủng hộ lập Trường Phật học, Hội Nam kỳ Phật học. Trong những nơi ấy chỉ có Hòa thượng Phi Lai cúng 300$00, thầy Giáo thọ chùa Pháp Võ cúng 50$00, Hòa thượng Long Phước (Bắc Liêu) cúng 20$00, thầy Yết ma ở chùa Kim Hoa (Sa Đéc) cúng 60$. Trong khi đó “các chùa có chỗ làm một cảnh chùa tốn đến năm bảy chục ngàn, có chỗ sơn son thếp vàng đầy cả chùa, mà đối với việc công nghĩa công ích của nhà Phật lại tỏ ra tánh thờ ơ lãnh đạm”16. Sau cuộc vận động không thành, Tổ về chùa Tiên Linh “họp toàn thể bổn đạo lại thuyết trình vì muốn trùng hưng Phật pháp đang suy đồi, không tiền khó có thể tiến hành, vì vậy chúng ta vì Chánh pháp nên bán ngôi Chánh điện Tiên Linh để lấy tiền làm việc ấy, Bổn đạo đều chấp thuận. (Làng mua chùa này chở về quận Ba Tri làm đình thờ thần). Ngôi chùa rất lớn mà bán chẳng được 1.000$ (đồng Đông Dương)”17.

“Sau nữa Tổ còn phải nhờ Hòa thượng Tâm Quang - chùa Viên Giác (Bến Tre), Hòa thượng Từ Phong - chùa Liên Trì (Bến Tre) vận động thêm tài chánh, và Tổ cho người đến nhà bà Lê Thị Nghĩa (bà Ba Ngởi) vận động về Phật sự. Bà ấy hỷ cúng 300$00, Tổ góp những số tiền bán chùa và chư vị hỉ cúng kể trên để cất Thư xã và Trường Phật học. Mặt khác tổ vận động cư sĩ tỉnh Trà Vinh hỷ cúng hơn 1.000$00 để thỉnh Tam Tạng Kinh”18 làm tài liệu phiên dịch và giảng dạy tại trường.

Việc Tổ Khánh Hòa bán ngôi Chánh điện chùa Tiên Linh như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào những người chỉ biết lo cho chùa của riêng mình, sao cho nguy nga tráng lệ, mà không màng đến sự tồn vong của Phật pháp, vì thế việc này về sau không ai nhắc lại, do đó rất ít tư liệu nói rõ việc bán chùa này. Rất may trước năm 1974, Vân Thanh19 đã ghi lại trong quyển Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, trang 207.

“Tháng 11 năm ấy (1929) ba vị thí chủ là Huỳnh Trọng Khiêm ở Đại Điền, bà Nguyễn Thị Kiểu ở Hương Mỹ và bà Lê Thị Ngởi ở Giồng Trôm gom góp số tiền lớn trùng tu chùa Tiên Linh”20. “Mùa xuân năm 1930 khởi công xây dựng lại chùa 5 tòa lớn rộng, khang trang”21, “đầy đủ tiện nghi, bàn thờ Phật sơn son thếp vàng rực rỡ trang nghiêm”22. Mùa Hạ 1930, lễ lạc thành, đổi tên chùa “Tiên Linh Tự” thành “Tuyên Linh Tự”23 và tổ chức An cư Kiết hạ ba tháng. “Chi phí đợt trai đàn do ông Hội Đồng Nhơn (Đoàn Hưng Nhơn) cúng dường”24.

Rất tiếc Thích học đường không khai giảng được, Pháp Bảo phương không phát huy tác dụng. Tạp chí Từ bi âm không còn là một công cụ đắc lực để tuyên truyền chủ trương chấn hưng Phật giáo, vận động thành lập một Phật giáo Tổng hội, xây dựng ý thức văn hóa dân tộc. Tổ cùng các pháp hữu lui về miền Tây để tìm con đường khác, kết quả là Liên đoàn Phật học xã và Lưỡng Xuyên Phật học đường ra đời. Sau khi Tổ rút lui, Tạp chí Từ bi âm được Hòa thượng Chánh Tâm25 làm Chủ nhiệm, với sự hợp tác của 2 Hòa thượng Bích Liên, Liên Tôn nên sự tồn tại 10 năm của tạp chí này còn giữ được vai trò hoằng pháp đáng kể và phổ thông hóa Phật học bằng quốc ngữ vào quần chúng nhân dân.

Chính quyền Pháp lo ngại

Đầu thế kỷ XX, với chính sách hà khắc của nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam, một số phong trào dân tộc nổi lên nhằm chống lại ách thống trị của giới cầm quyền Pháp, lúc đó chính quyền Pháp rất e ngại những hội tập hợp đông người, nhất là Phật giáo họ cho đạo Phật là đạo của dân Việt Nam, lúc nào cũng chống họ, nên “chùa có làm đám tiệc phải xin phép nếu không thì bị phạt, bị tội”26, “các sư có việc gì phải trình thưa bẩm bạch. Nhưng chưa chắc chính quyền thực dân cho phép; nếu cho phép, thì đâu đó phải có lính kín theo dõi”27, “thực dân Pháp cố tình cắt đứt sự tổ hợp của Phật giáo buổi này, chúng sợ dân ta trá hình là Phật giáo để rồi chống đối chúng, nên mọi hình thức của Phật giáo bị chúng làm tê liệt cả”28. Vì vậy, Tổ Khánh Hòa đã tiên đoán để lập được một hội Phật học hoạt động hợp pháp là điều rất khó.

Tạo nền tảng để lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Thích Học đường tại chùa Linh Sơn, năm 1928, Tổ Khánh Hòa tiến hành thành lập Ban Tổ chức lâm thời và vận động xây dựng Thư xã, Pháp Bảo phương, Tàng Kinh thất, xuất bản tạp chí Pháp âm29, nhưng để hoạt động chính thức phải chờ nghị định của toàn quyền Pháp. Tổ đã nhờ ông Commis Trần Nguyên Chấn xin phép. Điều lệ được Thống đốc Nam kỳ cho phép lập Hội Phật học ngày 26-8-1931 có những khoản như:

1. Điều 2, Khoản 4, “Kinh sách mới sẽ thỉnh thêm phải biên gởi cho Chánh phủ biết... Những bài dịch ra chữ quốc ngữ nói trên đó, nếu có in thì phải đệ truyền cho Chánh phủ, còn phải nạp thêm mấy bổn đến tòa theo pháp luật đã định. Chương trình để dạy tăng đồ học phải gởi lên Chánh phủ xét. Chánh phủ có quyền hỏi cho biết những kinh sách để dạy và những bài học và có pháp đến tại Thích Học đường mà kiểm duyệt cách thi hành chương trình. Phải cho Chánh phủ biết những Giáo sư dạy nơi Thích Học đường và sự dời đổi xảy ra trong bàn Giáo sư ấy”30.

2. Điều 10, “Hội viên Ban Trị sự đắc cử trong hạn một năm và không lương chi cả”31.

3. Điều 15, Khoản 2, “Số tiền cúng nào trên 100$ phải có quan Thống đốc Nam kỳ cho phép thì hội mới nhận được... Hội được phép có gia sản đủ dùng trong sự hành động mà thôi”32.

4. Điều 16, “Thủ bổn được giữ trong tủ mình một số tiền nhiều hơn hết là 100$00 mà thôi, tiền ấy để chi dụng về các việc trong hội. Còn tiền dư, như có, thì gởi vào một nhà Ngân hàng Langsa ở tại Saigon”33.

5. Điều 18, “Như Hội giải tán thì những tài sản của Hội phải đem cúng cho Hội phước thiện hay là cho Hội nào làm việc ích lợi chung, mà phải có quan Thống đốc Nam kỳ bằng lòng mới được”34.

Những điều trên cho thấy mọi hoạt động của Hội đều bị chính quyền kiểm soát gắt gao. Ông Chấn đã nắm vào đó mà tranh quyền đoạt lợi, nên bao nhiêu tài sản, công sức, trí tuệ của Chư Tổ đầu tư cho Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, tạp chí Từ bi âm, Pháp Bảo Phương, v.v... bay theo mây khói. Tháng 1 năm 1932, Tổ dứt khoát rời khỏi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và tạp chí Từ bi âm cùng với các pháp hữu lui về miền Tây mở Liên đoàn Phật học xã. Lớp học này chỉ tồn tại được “3 khóa”35, “có khoảng 50 vị tham dự”36.

Tổ thấy rằng cần phải thành lập một hội Phật học có đông đảo hội viên đóng góp tài chính thường trực mới có thể duy trì được một Phật học đường. Tổ bèn cùng các pháp hữu thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh. Rút kinh nghiệm từ Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Tổ đã mời “Phạm Văn Liêu - Trưởng tòa Trà Vinh làm cố vấn, Huỳnh Thái Cửu - huyện hàm Trà Vinh làm Chánh Hội trưởng, Ngô Trung Tín - huyện hàm Trà Vinh làm Phó Hội trưởng, Huỳnh Văn Ngà - Hội đồng địa hạt (Trà Vinh) làm hội viên Sáng lập”37, đó là những vị Phật tử có uy tín với chính quyền sở tại và rất có tâm huyết với Phật giáo. Điều lệ được quan Thống đốc Nam kỳ (ông Pages) cho phép ngày 13-8-1934. “Phật học đường Lưỡng Xuyên được khai giảng cuối năm 1934”38, do Tổ làm đốc giáo. “Phật học đường Lưỡng Xuyên có thu nhận cả Tăng sinh lẫn Ni sinh”39. “Ni sinh được Hòa thượng Minh Tịnh phụ trách học riêng”40. Khóa đầu tiên khai giảng vào “lúc 10 giờ tối ngày 14 tháng 8 năm Ất Hợi (1935)”41, tuyển “chọn được 8/20 vị đạt tiêu chuẩn”42. Năm 1935, Hội xuất bản sách Phật học Giáo khoa, đến tháng 10 tạp chí Duy tâm Phật học ra đời, do Hòa thượng Huệ Quang làm Chủ nhiệm, Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe Quản lý43. Cuối năm 1941, Trường Phật học Lưỡng Xuyên phải đóng cửa vì thiếu tài chính, Hội Lưỡng Xuyên Phật học chỉ còn đủ sức duy trì những lớp tiểu học tại các chi hội địa phương như Sa Đéc, Phú Nhuận, Kế Sách44.

Hội Lưỡng Xuyên tuy gặp nhiều khó khăn từ vật chất cho đến sự quấy phá của ông Trần Nguyên Chấn, nhưng trường của Hội đã đào tạo được những gương mặt sáng giá cho Phật giáo về sau như các Hòa thượng: Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ, v.v... “21 vị”45 đã đóng góp to lớn cho Phật giáo từ đó đến nay.

 


* Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre.

1. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, các Phật học viện và các chùa xuất bản, mùa Đông năm 1974, tr. 204.

2. Hòa thượng Thích Từ Phong (1864-1938), thế danh Nguyễn Văn Tường, pháp danh Như Nhãn, pháp hiệu Từ Phong, sanh ngày 15-3 Giáp Tý (20-4-1864) tại Sông Tra, thôn Đức Hòa Thượng, tổng Dương Hòa Thượng, Bình Dương, Gia Định (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Thân phụ là ông Nguyễn Văn Bầu, Thân mẫu là bà Ðoàn Diệu Hoa. Sư là đệ tử xuất gia của Thiền sư Minh Đạt (Yết Ma Lượng) tại chùa Từ Lâm, Hiệp Ninh, Châu Thành, Tây Ninh, là đệ tử cầu pháp của Hòa thượng Hoằng Ân Minh Khiêm. Năm 1887, Sư vâng lời HT. Hoằng Ân đến trụ trì Giác Hải Tự, xóm Chợ Gạo, làng Tân Hòa Đông, Long Trung, Chợ Lớn (nay ở số 345/45 đường Hùng Vương, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh). Sư trụ trì chùa này lâu nhất nên thường gọi là Hòa thượng Giác Hải. Đạo đức, học vấn và tài hùng biện của sư rất nổi tiếng. Sư viên tịch ngày 05-12 Mậu Dần (tức 24-01-1939), thọ 74 tuổi, trên 50 hạ lạp. Nhục thân của Sư được đưa về tháp thờ tại Chùa Từ Lâm ở Gò Kén. Tại chùa Giác Hải cũng có một tháp thờ sư. (Lược trích theo Thích Từ Phong, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt, Trang được sửa đổi lần cuối lúc 01:50 ngày 25-3-2017).

3. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, các Phật học viện và các chùa xuất bản, mùa Đông năm 1974, tr. 205.

4. Hòa thượng Huệ Quang (chùa Long Hòa, Tiểu Cần, Trà Vinh), Hòa thượng Pháp Hải (chùa Phước Sơn, Trà Cú, Trà Vinh), Hòa thượng Từ Nhẫn (chùa Thới Bình, Phước Lại, Cần Giuộc), Hòa thượng Thiện Niệm (Hòa thượng Tâm Quang, chùa Viên Giác, Bến Tre), Giáo thọ Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn, Sàigòn).

5. Tỳ khiêu Tâm Lai trụ trì Tiên Lữ Động tự, tục gọi chùa Hang, ở làng An Thái, đồn đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (Dẫn theo sách Phong trào chấn hưng Phật giáo (tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938), của Nguyễn Đại Đồng-PhD Nguyễn Thị Minh, Nxb Tôn giáo, 2008.

6. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, các Phật học viện và các chùa xuất bản, mùa Đông năm 1974, tr. 207.

7. Bồ Đề Tân Thanh Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến 1981, Nxb Văn học, 2012, tr. 210.

8. Chùa Linh Sơn, số 149, Cô Giang, Cầu Muối, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh hiện nay.

9. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, các Phật học viện và các chùa xuất bản, mùa Đông năm 1974, tr. 208.

10. Danh sách 22 chùa miền Tây Tổ đã đến vận động từ ngày 27/01-12/3/1929: 1. Chùa Giồng Miễu; 2. Chùa Phi Lai (Châu Đốc); 3. Chùa Pháp Võ; 4. Chùa Kiến Phước (chùa Cồn); 5. Hòa Thạnh Cổ Tự (Cây Mít, Nhà Bàng); 6. Chùa An Phước (Trà Keo); 7-10. Bốn chùa Annam tại Nam Van; 11. Chùa vua Cao Miên, Trường Phật học của nước Cao Miên; 12. Chùa An Phước ở Sadec; 13. Chùa Long Thuyền ở Vĩnh Long; 14. Chùa Phước Hòa An (Bãi Xàu, Sóc Trăng); 15. Chùa Quan Âm ở Đại Ngãi; 16. Chùa Long Phước (Bắc Liêu); 17. Chùa Giác Hoa; 18. Chùa Hội Linh ở Cần Thơ; 19. Chùa Phước An (Phước An Tự, ngã tư Cái Bường); 20. Chùa Tam Bảo (Rạch Giá); 21. Chùa Thập Phương; 22. Chùa Kim Hoa (Sa Đéc).

11. Pháp âm, Tập 1, Chủ nhiệm Lê Khánh Hòa, xuất bản năm 1929, tr. 47.

12. Pháp âm, Tập 1, Chủ nhiệm Lê Khánh Hòa, xuất bản năm 1929, tr. 44.

13. Pháp âm, Tập 1, Chủ nhiệm Lê Khánh Hòa, xuất bản năm 1929, tr. 480.

14. Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến 1981, Bồ Đề Tân Thanh Nguyễn Đại Đồng, Nxb Văn học, xuất bản năm 2012, tr. 208.

15. Pháp âm, Tập 1, Chủ nhiệm Lê Khánh Hòa, xuất bản năm 1929, tr. 44.

16. Pháp âm, Tập 1, Chủ nhiệm Lê Khánh Hòa, xuất bản năm 1929, tr. 47.

17, 18. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, các Phật học viện và các chùa xuất bản, mùa Đông năm 1974, tr. 208.

19. Vân Thanh là bút danh của Hòa thượng Thanh Tòng-đệ tử Tổ Khánh Hòa.

20. Theo quyển Tìm lại cội nguồn (bản thảo), Đoàn Trọng Xê, trang 78, 81. [Đoàn Trọng Xê còn gọi là Lê Trương hay Tư Trương, sinh năm 1942, tại xã Minh Đức, tham gia cách mạng ngày 05-3-1960. Cán bộ sơ cấp Đảng năm 1962 ở R. Từ 1962 - 1966 học Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu 4 (Mễ Trì) được đề bạt cán bộ Trung cấp Đảng. Tốt nghiệp Đại học - Hà Nội. Ông hiện ở ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre].

21. Sđd

22. Sơ lược lịch sử chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Bảng viết tay ngày 20-6-1989, của ông Nguyễn Duy Sáu, lúc bấy giờ ông đã ngoài 70 tuổi {ông Nguyễn Duy Sáu, đệ tử tại gia của Cụ tổ Khánh Hòa, hiện trú gần chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre. Ông sinh năm 1918, tại xã Minh Đức, cháu đời thứ 5 của ông Nguyễn Duy Trới (người lập chùa Tuyên Linh), là một Phật tử trí thức địa phương, được Chính phủ tặng 2 Huy Chương hạng nhất. Con gái ông là Nguyễn Thị Minh Châu được Chính phủ tặng Huy chương hạng nhất. Ông nay đã 98 tuổi, hiện ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre}.

23. Ngôi chùa này từ 1962-1967 sụp đổ hoàn toàn do giặc Mỹ nhiều lần bỏ bom.

24. Theo quyển Tìm lại cội nguồn (bản thảo), Đoàn Trọng Xê, trang 78, 81. [Đoàn Trọng Xê còn gọi là Lê Trương hay Tư Trương, sinh năm 1942, tại xã Minh Đức, tham gia cách mạng ngày 05-3-1960. Cán bộ sơ cấp Đảng năm 1962 ở R. Từ 1962 - 1966 học Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu 4 (Mễ Trì) được đề bạt cán bộ Trung cấp Đảng. Tốt nghiệp Đại học - Hà Nội. Ông hiện ở ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre].

25. Hòa thượng Chánh Tâm trụ trì chùa Thiên Phước, huyện Trà Ôn, tỉnh Trà Vinh.

26, 27. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, các Phật học viện và các chùa xuất bản, mùa Đông năm 1974, tr. 188.

28. Sđd, tr. 190.

29. Tạp chí Pháp âm của Hòa thượng Lê Khánh Hòa ra số đầu tiên ngày 31-8-1929.“Pháp âm được xuất bản ngày 31-8-1929, in tại nhà in Thạnh Thị Mậu, 186 Rue d’Espague, Sài Gòn và phát hành tại chùa Sắc tứ Linh Thứu, làng Thạnh Phú, Xoài Hột, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Pháp âm số 1 có 48 trang không kể bìa 1, bìa 2 và bìa 4, khổ báo là 14 x 20cm. Bìa 1 và 2: trên cùng là chữ Pháp âm bằng Quốc ngữ, ở dưới là dòng chữ Chủ nhiệm Lê Khánh Hòa, Hòa thượng chùa Tiên Linh. Tập thứ 1, giá 0$30. Báo mỗi tháng ra 1 kỳ (nguyệt san). Dưới cùng ghi: Thơ từ và mandat xin gửi cho ông Lê Khánh Hòa, chùa Sắc Tứ, làng Thạnh Phú, Xoài Hột, Mỹ Tho. Tờ báo này chỉ ra được 1 số duy nhất. Vì sao nguyệt san Pháp âm phải đình bản? Có người cho rằng vì lý do tài chính, nhưng theo lịch sử địa phương thì sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tờ Dân Cày, tiếng nói của Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho cũng đặt trụ sở tại chùa Sắc tứ Linh Thứu, báo in tại ngôi nhà sát vách chùa. Mọi việc đạo việc đời đều do Giáo thụ Chơn Huê và Thủ tọa Điển (đệ tử của HT. Lê Khánh Hòa) sắp xếp. Chính quyền thực dân Pháp phát hiện, tiến hành lục soát chùa Sắc tứ Linh Thứu. Thủ tọa Điển bị truy nã, HT. Lê Khánh Hòa phải ôm kinh sách lên sở Mật thám giải trình”. (Về những tờ báo đầu tiên của báo chí Phật giáo Việt Nam, Giác ngộ Online)

“Sau biến cố này, tờ Pháp âm không ra được số kế tiếp và nó trở thành kỷ yếu của cuộc vận động chấn hưng Phật giáo mà ở đó ta thấy các bài viết của HT. Khánh Hòa rất có giá trị trong việc tìm hiểu phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ trong những năm đầu của thế kỷ XX” (Theo bài “Tờ báo Phật giáo đầu tiên” tác giả Nguyễn Ngọc Phan, Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 47, Website Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, cập nhật ngày 04-1-2015. Nguồn phatgiaohue.vn).

30. Tạp chí Từ bi âm

31. Tạp chí Từ bi âm, tr. 40.

32. Tạp chí Từ bi âm, tr. 41.

33. Như trên, tr. 41.

34. Nt, tr. 42.

35. Khóa học (26)

36. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, các Phật học viện và các chùa xuất bản, mùa Đông năm 1974, tr. 213.

37. Tạp chí Duy tâm Phật học, số 2.

38. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, 2000, tr. 791.

39. Sđd, tr. 791.

40. Sđd, tr. 791.

41. Duy tâm Phật học, số 2 ra 1-11-1935, tr. 86.

42. Nt, tr. 85.

43. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, 2000, tr. 791.

44. Sđd, tr. 792.

45. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, các Phật học viện và các chùa xuất bản, mùa Đông năm 1974, tr. 213.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 72
    • Số lượt truy cập : 6952447