THÁP TƯỜNG LONG
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG (st)
Tháp Tường Long, quận Đồ Sơn phỏng dựng 2018
Vào thời Lý - đạo Phật được coi là quốc giáo, chùa tháp được xây dựng khắp nơi. Số lượng chùa tháp do Nhà nước xây dựng khá lớn và quy mô khác nhau. Tiêu biểu là tháp Tường Long ở Đồ Sơn, Hải Phòng, sánh với tháp Báo Thiên ở Hà Nội, tháp Phổ Minh ở Nam Định. Điều đặc biệt là tháp Tường Long được dựng trên đỉnh núi cao, trông ra biển Đông, một biểu tượng khẳng định vị trí của Phật giáo và của quốc gia Đại Việt. Nghệ thuật đúc chuông, điêu khắc, kiến trúc tại các công trình Phật giáo cũng rất đặc sắc, đạt tới đỉnh cao của văn hóa thời Lý - Trần.
Tháp Tường Long (Đồ Sơn) được dựng năm 1058, đời vua Lý Thánh Tông. Sách Việt sử lược đời Trần chép: “Năm Mậu Tuất, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 5 (1058), mùa thu tháng 9, vua ngự giá ra cửa biển Ba Lộ, nhân đó ngự ra chỗ xây tháp ở Đồ Sơn. Năm sau (Kỷ Hợi, 1059), vua thấy rồng vàng hiện ra ở điện Trường Xuân. Nhân đó vua ban cho tháp ở Đồ Sơn tên hiệu là tháp Tường Long, ý muốn ghi lại một điềm lành”1. Tháp được dựng trên bãi đất rộng khoảng 2.000m2, thuộc địa phận xã Ngọc Tuyền (nay thuộc địa bàn phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn).
Năm 1288, tháp Tường Long bị sét đánh đổ ngọn, năm 1322, lại bị sét đánh 2 tầng trên.
Năm 1426, tháp bị quân Minh phá lấy tự khí bằng đồng đúc vũ khí.
Năm 1791, nhà Lê-Trịnh cho phá lấy gạch tu bổ thành Thăng Long và năm 1805, vua Gia Long tiếp tục cho phá lấy gạch xây thành Hải Dương. Viện Khảo cổ, Bảo tàng Hải Phòng đã nhiều lần khai quật, thu được một số hiện vật. Trong đó, đáng chú ý là bệ tượng Phật và các linh vật có hình tượng con chim làm bằng đất nung. Chiếc bệ tượng ở Tường Long hiện đã vỡ mất một phần.
Bệ đá hoa sen thời Lý trong tháp Tường Long
Quan sát phần còn lại thì thấy bệ được làm bằng đá xanh liền khối, có hình bát giác (8 cạnh), gồm 2 lớp trang trí trên và dưới, khắc nổi hoa văn hình nấm; một số con giống (tượng chim thần, các con vật linh, hoa cúc, lá đề) dùng cho trang trí kiến trúc bằng đất nung, cùng nhiều viên gạch có in nổi dòng chữ Hán “Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” - gạch được làm vào đời vua thứ ba triều Lý (Lý Thánh Tông), năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057). Sách Đại Nam nhất thống chí, do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn cuối thế kỷ XIX, chép trong mục cổ tích: “Tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương cao trăm thước, dựng đời Long Thụy Thái Bình triều Lý; năm Gia Long thứ 3, phá lấy gạch đá xây thành trấn Hải Dương”2.
Chùa Vàng nằm trong khuôn viên tháp Tường Long
Qua 2 lần khai quật, các nhà khảo cổ tìm thấy gạch hình chữ nhật, có hai hàng chữ Hán sắc nét “Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”.
Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), phế tích của Tháp được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận Di tích khảo cổ cấp Quốc gia. Di tích nền tháp cũ được xây dựng thành khu bảo tàng ngoài trời, có mái che. Với mong muốn khôi phục lại tháp Tường Long vàng son thuở xưa, thành phố triển khai dự án còn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng đã vận động Tăng Ni, Phật tử đóng góp công của để phỏng dựng tháp Tường Long và chùa Tháp trên đỉnh núi Ngọc vào năm 2018.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- GHPGVN TP. Hải Phòng, Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng, Lịch sử Phật giáo thành phố Hải Phòng, Nxb. Tôn giáo, 2022.
1. Trần Quốc Vượng (dịch và chú giải), Việt sử lược, Nxb. Thuận Hóa, 2005, tr. 91.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, 2009, tr. 409.
Bình luận bài viết