Thông tin

THÁP TƯỞNG NIỆM CÔNG CHÚA NGỌC VẠN

TẠI TỔ ĐÌNH QUỐC ÂN KIM CANG (ĐỒNG NAI)

 

THÍCH NỮ HẠNH HIẾU

 


Ảnh copy của Hội quán Di sản - Tống Sơn Quận chúa Ngọc Vạn

 

Công chúa Ngọc Vạn là con của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và bà Nguyễn Thị Giai (theo Nguyễn Phúc tộc thế phả)[1]. Năm 1620, vua Chey Chetta II xin cầu hôn với Công chúa Ngọc Vạn. “Công chúa Ngọc Vạn có sắc đẹp, đoan trang thùy mị lại thông minh, xử sự khéo léo nên không bao lâu đã chiếm được lòng yêu thương của vua” (theo Nguyễn Văn Quế, trong sách “Histoire des pay de L’Unicon Indochinoise (Vietnam, Campodge, Laos)” (Lịch sử các nước Đông Dương, Việt Nam, Cao Miên, Lào).

Tác giả Lương Văn Lựu (1973), viết trong quyển Biên Hòa sử lược toàn biên - Biên Hùng Oai Dũng, ông đã nhắc đến công lao của Công chúa Ngọc Vạn (là Hoàng hậu Thủy Chân Lạp), mở đường Nam tiến đến đất Đồng Nai.

Nhờ vào tài sắc vẹn toàn nên sau khi kết hôn với Vua Chey Chetta II, Ngọc Vạn được phong Hoàng hậu, lấy mỹ hiệu là “Somdach Préa Péaccacyo dey Préavoréac Ksattrey”[2].

Hoàng hậu Ngọc Vạn sinh cho vua Chey Chetta II được hai con, một trai là Thái tử Chan - Ponhéa - Sô và một gái là Công chúa Néang Nhéa Ksattrey. Hoàng hậu Ngọc Vạn đã xin cho dân Việt và người Trung Hoa (dân nhà Minh không chịu phục nhà Thanh, sang xin thuần phục với chúa Nguyễn) được đến khai khẩn đất đai, làm ăn sinh sống ở Mô (Mỗi) Xoài (gần Bà Rịa ngày nay) và vùng lưu vực sông Đồng Nai. Người Việt đến khai khẩn vùng nào thì người Chân Lạp phải bỏ đi nơi khác vì sợ uy quyền của triều đình chúa Nguyễn. Trong sách “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức viết như sau:

“Khi ấy địa cầu trấn Gia Định là xứ Mỗi Xoài, Đồng Nai (đất trấn Biên Hòa ngày nay) đã có lưu dân của nước ta cùng ở lẫn với người Cao Mên để khai khẩn ruộng đất, mà người Cao Miên sợ phục uy đức của triều đình, lại nhường mà tránh, không dám tranh giành, ngăn trở”[3].

Ngoài ra, Hoàng hậu Ngọc Vạn còn xin với vua Chân Lạp cho người Việt với người Trung Hoa (thuần phục chúa Nguyễn) đến buôn bán, mở xưởng thủ công nghiệp ở ngay kinh đô Oudong. “Việt sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang có viết:  “Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng sau này. Bà hoàng hậu này đem nhiều người Việt đến, có người được giữ chức hệ - trọng trong triều, bà lại lập một xưởng thợ và nhiều nhà buôn bán gần kinh đô”[4]. Hoàng hậu Ngọc Vạn còn đưa được một số thuộc hạ thân cận người Việt và người Trung Hoa vào làm việc trong triều đình Chân Lạp. Chính số tướng sĩ người Việt và người Trung Hoa này đã giúp cho vua Chey Chetta II đánh bại các cuộc tấn công của quân Xiêm vào Chân Lạp trong năm 1621-1623.

Sau khi vua Chey Chetta II băng hà (năm 1628), con của Công chúa Ngọc Vạn là Chan - Ponhea - So lên làm vua, nhưng bị phụ chánh Prah Outey (em của vua Chey chetta II) giết chết (năm 1630). Tuy vậy, Thái hậu Ngọc Vạn vẫn được giữ vai trò quan trọng ở triều đình Chân Lạp. Quan trọng nhất là việc Thái hậu Ngọc Vạn giúp cho Phật giáo được hồi sinh và duy trì mãi trong suốt thời gian dài. Bởi vì sau khi vua Nặc Ông Chân (Ponhea Chan) lên ngôi (1642-1659), vị vua này đã bỏ Phật giáo để theo Hồi giáo. Sách Biên Hòa sử lược toàn biên, có ghi:

“Tân vương đã bỏ quốc giáo, thân Mã Lai, theo đạo Hồi giáo của Mahomet, lấy tên Thánh là Ibrahim. Lạp dân công phẫn, oán ghét, nổi loạn. Đại biểu đến xin yết kiến bà Hoàng Thái Hậu Somdach Préa Péaccacyo (nguyên là Ngọc Vạn Công chúa) nhờ cầu cứu chúa Hiền Nguyễn Phước Tần. Bà nhận can thiệp để chấm dứt tình trạng bất ổn và lạc đạo của nhà vua”[5].

 

Bia tưởng niệm Công chúa Ngọc Vạn tại TĐ. QAKC

 

Bên cạnh ấy Hoàng hậu Ngọc Vạn còn giúp cho hai Hoàng thân là So và Ang Tan (con của Quốc giám PréahOutey) chống lại Nặc Ông Chân. Bà đã nhờ chúa Hiền đưa quân đội vào Chân Lạp lật đổ Vua Nặc Ông Chân, đưa Hoàng thân So lên ngôi vua ở Chân Lạp, lấy hiệu là Botom - Reachea (1660-1672).

Việt sử xứ Đàng Trong có ghi: “Năm 1658 con của PréahOutey là So và Ang Tan nổi binh đánh Nặc Ông Chân, nhưng thất bại, đến nương náu với bà Thái hậu người Việt, vợ Chey Chetta II. Bà  khuyên So và Ang Tan cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Thái Tông sai Phó tướng dinh Trấn Biên Nguyễn Phước Yến và Cai đội Xuân Thắng, Tham mưu Minh Lộc, đem 3.000 quân (theo tài liệu của Trịnh Hoài Đức ghi là 2.000 quân) đến thành Hưng Phước (bấy giờ là Mỗi Xuy, tức Bà Rịa), đánh phá, bắt Nặc Ông Chân bỏ vào cũi, đem về Quảng Bình”[6]. Nhờ đức hiếu sinh và tấm lòng từ bi vị tha của Hoàng Thái hậu Ngọc Vạn, bà xin chúa Thái Tông tha mạng chết cho Nặc Ông Chân và trao đổi điều kiện là nhường vùng đất Đồng Nai lại cho chúa Nguyễn. Sách Biên Hòa sử lược toàn biên, viết:

“Quân ta được lịnh thả nhà vua. Lạp vương ghi ơn. Do huấn thị của Hoàng Thái hậu Ngọc Vạn, Ông Chân thuận nhượng cho Phủ Chúa đất Đồng Nai (Biên Hòa). Chúa Nguyễn sắp xếp việc bảo hộ và đặt kế hoạch khai thác. Kể từ đây tiếp nối các cuộc Nam tiến của Việt dân đến lập nghiệp trên đất Đồng Nai nước ngọt”[7].

Như vậy, qua một số sử liệu cho thấy trong việc lật đổ vua Nặc Ông Chân, đưa vua Batom-Reachea lên ngôi ở Chân Lạp, Hoàng Thái hậu Ngọc Vạn đã đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ bà mà Phật giáo được tiếp tục phát triển ở Chân Lạp, ngăn cản sự phát triển của Hồi giáo ở nước này. Đồng thời, cũng chính nhờ bà mà đất nước Đại Việt tại vùng Đồng Nai được mở rộng như ngày nay.

Năm 1679, Tổng binh Trần Thượng Xuyên cùng tướng sĩ và gia đình xin thuần phục chúa Nguyễn, được vào sinh sống ở Đồng Nai. Sau đó, xảy ra nhiều biến động khác, cuối cùng sau khi thu phục Chiêm Thành (năm 1693), chúa Nguyễn Phước Chu đã sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Bà Rịa - Đồng Nai - Sài Gòn, lập thành Phủ Gia Định với hai huyện Phước Long và Tân Bình, cùng lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và dinh Phiên Trấn (Sài Gòn), gồm có bốn vạn hộ (tức khoảng 200.000 dân) vào năm 1698.

Trong việc thành lập Phủ Gia Định này, công lao của Công chúa Ngọc Vạn rất lớn. Nhưng vì bí mật quốc phòng nên các chúa Nguyễn không cho viết vào lịch sử. Vì vậy, việc tìm hiểu về Công chúa Ngọc Vạn hết sức khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhận định một điều là: “Hơn ba thế kỷ trôi qua, nhờ tiên nương Ngọc Vạn đầu tiên du nhập về Lạp quốc, mới có dịp mở đường cho Việt dân Nam tiến, di dân, lần xuống, lập ấp, dựng làng, mở thêm ranh giới. Đến nay nước Việt Nam gồm phần bán đảo Trung Ấn đến Vịnh Thái Lan”[8].

  Theo Thi Long (2004, tr.25) Truyện kể về các Vương phi Hoàng hậu nhà Nguyễn (1600-1945), Nxb Đà Đẵng, tác giả viết: “Về sau để tránh các cuộc tranh giành vương vị, bà Hoàng Thái hậu đem con đến sinh sống luôn ở đây (Mô Xoài). Tại đây, bà cho lập ngôi chùa để vừa tu hành đồng thời cũng để tránh tai mắt của kẻ thù đang tìm cách hại con của bà”.

Theo Nguyễn Hiền Đức (tác giả của Lịch sử Phật giáo Đàng Trong) viết về quãng đời của bà trước khi mất, bà ở ẩn tu cho đến ngày nhắm mắt: Công chúa Ngọc Vạn cư ngụ ở vùng Bình Thảo và vùng lân cận ở ven sông Đồng Nai (từ Bà Rịa lên đến thác Trị An) trong một thời gian dài. Công chúa Ngọc Vạn cũng có thể còn để lại kho tàng ở vùng này và có lẽ Công chúa Ngọc Vạn cũng đã chết và được an táng ở vùng này. “Vai trò Công chúa Ngọc Vạn trong việc kinh dinh ở Đồng Nai và Gia Định”, Kỷ yếu lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập GHPGVN (7/11/1981-7/11/2011), tổ chức tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (TĐ. QAKC) xã Tân Bình, Huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, ngày 01-02/11/2011 (6-7/10/ Tân Mão).

Với những công trạng đáng ghi nhận của Công chúa Ngọc Vạn mà vùng đất Gia Định - Đồng Nai được mở rộng bờ cõi như thế, thiết nghĩ bà rất xứng đáng để được hậu thế khắc bia tưởng niệm và cúng tế hằng năm, như Lương Văn Lựu đã viết: “Thiết tưởng: Mỹ danh Bà Ngọc Vạn đáng được nêu cao nơi Bia Đài Tưởng Niệm và trên bảng đường chánh của đô thị Biên Hùng”[9].

Tháp tưởng niệm Công chúa Ngọc Vạn hiện nay tại TĐ. QAKC được Tổ Nguyên Thiều xây dựng cùng lúc với chùa Kim Cang cách nay hơn 300 năm. Hòa Thượng Thích Lệ Trang[10] cho rằng: “… nói đến Tổ Nguyên Thiều - Siêu Bạch thì chúng ta cần chú ý đến sự kiện này- đó là khi Tổ ở đâu thì Tổ đều xây chùa và xây tháp Phổ đồng chỗ đấy”. Điều này phần nào đã minh chứng cho việc Tổ Nguyên Thiều - Siêu Bạch từng vào đất Đồng Nai. Ngài là vị Tổ sư khai sơn Tổ đình Quốc Ân Kim Cang và Ngài đã ở tại đây hoằng pháp trong một thời gian dài, làm xán lạn dòng thiền Lâm Tế khắp Nam Kỳ lục tỉnh.

Tháp tưởng niệm Công chúa Ngọc Vạn được HT. Thích Minh Lượng chùa Kim Long (Vĩnh Cửu - Đồng Nai) phát hiện vào năm 1988. Xưa khi mới phát hiện được Bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch tại TĐ. QAKC, HT. Thích Minh Lượng tiếp tục tìm kiếm khu vực xung quanh đất chùa, thì thấy có thêm một ngôi tháp nữa, cách Bảo tháp Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch khoảng 800 mét. HT. Thích Minh Lượng cho rằng đây là tháp Phổ đồng. Do chiến tranh bom đạn tàn phá từ năm 1946, ngôi tháp chỉ còn lại 4 tấm ô dước úp lại với nhau, nằm nhô trên mặt đất, ngang hàng với tháp Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch, trong khuôn viên Tổ đình Quốc Ân Kim Cang. (Theo tài liệu đánh máy (2000), Tiểu sử cố Hòa thượng thượng Minh hạ Lượng viện chủ Kim Long cổ tự).

 

Tháp tưởng niệm Công chúa Ngọc Vạn tại TĐ. QAKC

 

Hiện nay, tháp Phổ đồng ấy đã được HT. Thích Minh Chánh cho trùng tu lại hoàn toàn, đặt tên là Tháp Tưởng niệm Công chúa Ngọc Vạn, vì bà có công đóng góp trong việc xây dựng Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (theo Nguyễn Hiền Đức, “Vai trò Công chúa Ngọc Vạn trong việc kinh dinh ở Đồng Nai và Gia Định”).

Vị trí của tháp được xây ở phía trước sân TĐ. QAKC, góc bên phải (từ chính điện nhìn ra) cách chính điện khoảng 500.000 mm (500 mét). Tháp nằm gần cổng (phụ) ra vào của chùa.

Nhìn toàn diện Tháp Tưởng niệm Công chúa Ngọc Vạn có dạng hình lăng trụ, có hai đáy, đáy lớn và đáy nhỏ là hình vuông, kích thước 2.700 mm x 2.700 mm; Chân tháp mô phỏng theo kiểu chân quỳ.

Thân tháp là khối lăng trụ cao 2.700 mm. Bốn mặt tháp có tạo hốc để trang trí hoa văn và viết chữ.

Cổ tháp là khối lăng trụ cao 380 mm. Cổ tháp được đắp mô phỏng phù điêu hình giống lá bồ đề dạng xếp chồng. Trên cổ tháp được đắp phù điêu hình hoa sen cách điệu.

Mái tháp cao 1.089 mm, mái ngói lợp kiểu sóng tròn. Mái tháp là mái chóp, bốn góc trên đỉnh tháp đều có lợp mái ngói màu đỏ, có diền mái và đầu đao hình hoa lá cành. Đỉnh tháp có dạng hình hoa sen.

Nhìn chung, qua bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp độc giả biết đến có một ngôi tháp tưởng niệm công ơn của Công chúa Ngọc Vạn đặt tại TĐ. QAKC. Theo truyền thuyết của người xưa kể lại, vì lúc sinh thời bà có công ủng hộ trong việc xây dựng TĐ. QAKC, nên sau khi qua đời bà được Tổ Nguyên Thiều - Siêu Bạch xây tháp để tôn thờ và ghi nhớ công lao mở rộng bờ cõi của bà.

Tuy sách sử ít có nhắc đến công lao của bà, nhưng mỹ danh của bà rất đáng được ca ngợi và trân trọng. Bởi vì, bà là Công chúa của Việt Nam “đầu tiên” và “duy nhất” được sắc phong làm Hoàng hậu của nước Chân Lạp. Công chúa Ngọc Vạn không những giúp cho nước nhà mở rộng thêm bờ cõi mà còn giúp cho Phật giáo hưng thịnh và tồn tại lâu dài ở Chân Lạp cho đến ngày nay.



[1] Thi Long (2004), Truyện kể về các Vương phi Hoàng hậu nhà Nguyễn, Nxb Đà Nẵng, tr 22.

[2] Lương Văn Lựu (1973), Biên Hòa sử lược toàn biên - Biên Hùng Oai Dũng, in tại Kim Anh Ấn Quán, tr 90.

[3] Trịnh Hoài Đức (1999), Gia Định Thành Thông Chí, dịch giả Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính và chú thích Đào Duy Anh, Nxb Giáo dục, tr. 75.

[4] Phan Khoang (1967), Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777), nhà sách Khai Trí, 62 đại lộ Lê Lợi Saigon, tr 401.

[5] Lương Văn Lựu (1973), Biên Hòa sử lược toàn biên - Biên Hùng Oai Dũng, in tại Kim Anh Ấn Quán, tr 90-91.

[6] Phan Khoang (1967), Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777), nhà sách Khai Trí, 62 đại lộ Lê Lợi Saigon, tr 411-412.

[7] Lương Văn Lựu (1973), Biên Hòa sử lược toàn biên - Biên Hùng Oai Dũng, in tại Kim Anh Ấn Quán, tr91.

[8] Lương Văn Lựu (1973), Biên Hòa sử lược toàn biên - Biên Hùng Oai Dũng, in tại Kim Anh Ấn Quán, tr 92.

[9] Lương Văn Lựu (1973), Biên Hòa sử lược toàn biên quyển II, Biên - Hùng Oai - Dũng, in tại Kim Anh Ấn Quán, tr 95.

[10] Trưởng Ban Nghi Lễ Phật giáo tại Tp.HCM, trụ trì chùa Định Thành.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 34
    • Số lượt truy cập : 6784639