Thông tin

THẦY CHÙA NÚI

THẦY CHÙA NÚI

 

HÀNG CHÂU

 

 

Ánh nắng nghiêng nghiêng trên ngọn cây cao, làn gió nhẹ lao xao cành lá lấp lánh màu vàng nhạt. Trong gian nhà mái tôn màu xanh lá cây, trống trước trống sau, chiếc võng nylon với sợi dây dù gắn chặt ở hai đầu cột có dáng một người tu sĩ với đôi kính trắng đang chăm chú vào trang sách - những hàng chữ li ti trong tờ tạp chí Phật giáo như gợi lên bao nỗi thăng trầm của kiếp người. Rồi quyển sách được để lên ngực áp sát trái tim, cánh tay phải vô tình vắt ngang vầng trán.

Mới ngày nào! ừ! Mới ngày nào, cả xóm quê làng sỏi đá huyện Tư Nghĩa cạnh con sông Trà Khúc của cậu bé Thanh tất bật chạy nạn - người thì chui vào hầm sâu, kẻ thì chạy lên núi xanh khi ù ù từ xa tiếng máy bay, tiếng xích sắt của chiếc xe tăng nghiền nát trên con đường làng đất đỏ. Tuổi thơ ấu của Thanh lớn lên trong khói lửa mịt mù từ ngày nầy kéo dài sang tháng nọ. Phải chăng đất nước của cậu có địa hình quyến rũ, dễ đam mê với kẻ có đầu óc vọng tưởng lòng tham. Không ngày nào không có tiếng khóc than nguyền rủa, cậu bé 15 tuổi cuốn theo dòng người rời làng chạy dạt lên cao nguyên sương mù. Từ xa xưa, đây là vùng rừng núi người dân tộc thiểu số rải rác sinh sống, gần như hiếm hoi có giao tranh; người Kinh ở nơi này đa số là dân phương Bắc về lập nghiệp. Cậu thiếu niên cảm thấy bơ vơ lạc lõng với miền đất lạ giá rét quanh năm. Hầu hết, người dân sống bằng khai hoang cuốc đất làm vườn, còn cậu chỉ có hai bàn tay trắng, đám bạn bè lưu lạc cùng tuổi làm với nhau dạt về Sài Gòn có lẽ dễ sống hơn, có thể đi bán dạo, đi đánh giày hay xin làm công việc lao động ở các cửa hàng ăn uống.

Thành phố Sài Gòn rộng lớn đông dân, bán buôn tấp nập. Các anh áo sơ mi quần tây xanh sẫm, các chị nữ sinh áo dài trắng cắp sách đến trường, lúc đến giờ tan học, Thanh đứng ngẩn ngơ nhìn mà thèm thuồng, mà ao ước. Cũng có loại người vô công rỗi nghề lòa loẹt có chùm cò, những cô gái với chiếc váy cũn cỡn hở hang khoe đôi chân dài rít hơi nhả khói bằng điếu thuốc điệu nghệ cặp kè với người xứ lạ vào ngày chủ nhật.

Thanh xin làm ở tiệm ăn uống phục vụ khách, vào ngày nghỉ cuối tuần thường khách đông, tiếng nói ồn ào, tiếng cười hả hê, những câu trao đổi bàn tính chuyện sinh lợi, biến căn phòng ồn ào như cái chợ chồm hổm. Lúc khách ra về, vài đứa trẻ nhỏ, quần xà lỏn, áo cũ ngã sang màu cháo lòng, mắt dáo dáo len lén lách vào bàn vội vã húp bát canh cặn còn le hoe cọng rau, vài hạt thịt vụn. Thanh dọn bàn mà lòng xót xa. Một cảnh đời trái ngược, tại sao cùng là con người mà có kẻ phủ phê, có những cụ già răng long tóc bạc tiếc nhặt từng hạt cơm rơi, đổ vào chiếc lon từng chén canh thừa?

Hồi còn ở quê làng Quảng Ngãi, thỉnh thoảng vào buổi tối trời, mưa đổ hạt lâm râm thì thầm trên mái lá, ba kể chuyện cuộc đời của Đức Phật. Chính sự bất công của xã hội, của giàu nghèo, của lầm than, của sinh lão bệnh tử mà Thái tử Sĩ Đạt Ta dứt khoát từ bỏ ngai vàng ngồi tu dưới cội bồ đề nghiền ngẫm quyết tìm ra chân lý của đời người.

Còn mẹ, người phụ nữ thường đa cảm, luôn nghĩ điều lành, tránh làm điều ác - Mẹ nói:

- Nhân nào quả nấy đó con ơi! Lớn lên sống phải có cái tâm nghe con!

Ban ngày làm tất bật, trong tháng có vào buổi tối rỗi rảnh, Thanh vào chùa nghe Sư thầy thuyết pháp. Từng lời nói chậm rãi, nhiều lần thấm sâu vào đầu như bài học thuộc lòng - Anh tự nói với lòng mình:

- Phải nhớ! Phải ghi nhớ! Đã là con người sống trên thế gian nầy phải có trái tim, biết yêu thương chia sẻ và cái trí biết suy nghĩ.

Thế rồi, nhưng có cái duyên, đâu đây vọng lại như từ kiếp trước, năm 17 tuổi Thanh vào chùa. Bước chân đầu tiên của cuộc đời tập tu, anh đến chùa Nhất Nguyên ở Bình Dương. Qua 5 tháng làm công quả, quen với không khí yên lành, rèn cho cái tánh bớt sôi động, tai không còn bị nghe những chuyện thị phi. Rồi Thanh về Quan Âm tu viện, một ngôi chùa được xây dựng gần thế kỷ, tọa lạc trên mảnh đất Biên Hòa, Đồng Nai, giáp ranh với Thủ Đức, ngoại thành cư dân còn thưa thớt như một vùng quê của ngoại thành thành phố Sài Gòn.

Quan Âm tu viện rộng lớn, yên tĩnh nên có nhiều người đến viếng, quy y tại ngôi chùa xưa đó. Thanh ở đây được nghe sư thầy giảng kinh. Ban ngày tất bật với công việc lao động. Buổi sáng quét sân nhất là vào những ngày hè nắng cháy lá rơi rụng đầy, buổi trưa phụ nhà bếp dọn cơm, buổi chiều lo trong chánh điện, với tụng kinh theo từng nhịp chuông, lâu ngày thuộc lòng lời Phật dạy - Thanh thấy mình lắng đọng hơn, tai luôn chú ý lắng nghe lời giảng để biết điều hay lẽ phải, triết lý sâu xa của kiếp người.

Sau một thời gian dài thử thách, sư Thầy xuống tóc cho anh. Nỗi ray rứt nhớ cha mẹ lặn lội nơi ruộng đồng, gieo từng hạt lúa, ươm mầm củ khoai, vất vả trong mưa nắng ở làng quê qua thời gian dần dần như nguôi ngoai trong tâm trí. Từ đó, Thanh ngẫm nghĩ cuộc đời là bể khổ, là vô thường.

Cả nhà Thanh đều là Phật tử, là cư sĩ, theo Đức Phật từ đời ông bà rồi đến con cháu về sau càng ngày càng thấm nhuần vào trong tim sự xoay vận của vũ trụ, sự luân hồi của kiếp người. Mười năm thọ giới Sadi, với đời thường  trầm luân của chúng sinh thì quả là dài, nhưng với người tu thì quá ngắn ngủi để thử thách, trui rèn cái tâm mình. Một năm, hai năm, năm năm, 10 năm sau thọ giới tỳ kheo. Mỗi tích tắc của kim đồng hồ qua đi để chứng minh sự giác ngộ của tâm mình. 17 năm từ lúc chào đời để rồi thành thanh niên cộng thêm 20 năm rèn người với bao thử thách, trải nghiệm thăng trầm, người tu sĩ ấy thấm thía với câu hỏi:

- Tại sao ta phải tu?

Sau này đất nước được bình yên, sư Thanh về chùa Tây Phương, ngôi chùa nầy tọa lạc trên dãy núi Bà Rịa hướng ra biển Đông. Rồi đến năm 2008, 23 năm sau, Sư về chùa Hang Tổ. Chùa Hang Tổ là ngôi chùa cổ do thiền Sư Ngộ Chân người miền Trung khai sanh đầu tiên xây dựng cách nay 300 năm. Kế thừa là Hòa thượng Thanh Luân rồi đến khi Ni Sư Hồng Nghiêm, thấm thoát đã 3 thế kỷ.

Nhân ngày vía Phật Quan Thế Âm, Sư Tâm Nguyện tu ở Hàm Rồng, Sư Thanh cùng trên 30 vị Sư bốn phương về nơi đây làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ vì Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng đội Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã hy sinh cho Tổ quốc nơi ngọn núi Dinh nầy. Màu áo vàng của các vị sư tòa sáng ngọn núi rừng xanh lá. Tiếng tụng kinh hòa với tiếng chuông ngân nga như gợi cho các hương linh chứng giám về sự ghi ơn của những người còn sống trong tâm luôn nhắc nhớ mình phải sống xứng đáng.

Mặt trời ngã về Tây, cả một cùng ao phủ màu xám nhạt. Xa xa mênh mông, biển trời giao nhau như sợi chỉ dài.

Chiều dần buông, trong không gian yên ắng, nơi đỉnh núi cao chơi vơi, chập chùng, lao xao ngọn gió gợi trong hồn người nỗi buồn thăm thẳm vu vơ. Trong tâm ông thầy chùa núi như gợi lên hình ảnh bé gái không áo quần, miệng mếu khóc hốt hoảng chạy loạn trên con lộ vùng biên giới, đằng sau lưng em, khói đen cuồn cuộn bốc cao loan tỏa, mờ ảo người dân quê gồng gánh mà một phóng viên chiến trường nước ngoài nhạy cảm, thông minh ghi hình được sự tàn khốc của chiến tranh. Rồi Sư thoáng nhớ quê, nhớ lũy tre cháy nám, nhớ con đường làng đất đỏ in dấu xích sắt chiếc xe tăng.

Bốn mươi năm sống hòa với núi rừng, không gian trong vắt, tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát, con người trở nên lắng đọng hiền hòa, dễ đồng cảm sẻ chia…

Bóng đôi người Phật tử giã từ xuống núi quanh co trên con đường rợp bóng cây xanh, Sư Thiện Thanh khẽ gật đầu chào lặng nhìn, nguyện cầu mọi sự an lành trong cuộc sống ở thế gian.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6784586