THẦY LÀ BÓNG CÂY
VIÊN THẮNG
Mùa Vu Lan lại về, khiến cho hàng triệu triệu người con trên trái đất này càng nhớ về công ơn sinh thành của cha mẹ. Còn riêng con thì lại nhớ về Thầy1 vô cùng; mặc dù Thầy viên tịch đã tám năm rồi nhưng hình ảnh và lời Thầy dạy vẫn đọng mãi trong tâm trí con. Bởi vì:
“Thầy đến trụ giữa thế gian.
Thầy về hiện hữu muôn ngàn vô ưu.
Thầy thường chỉ dạy chân như.
Soi đường con trẻ dứt trừ vô minh2”
Thật vậy! Thầy đến thế gian này là cuộc dấn thân thực hành hạnh Bồ-tát giữa đời thường vì nguyện lực. Khi còn trẻ, Thầy luôn thầm lặng hoàn thành mọi trách nhiệm làm lợi Đạo ích Đời, như điều hành cơ sở dệt vải ở Huế (năm 1947); chăm sóc Cô nhi viện Tuy Hòa - Phú Yên (năm 1960); Giám đốc Ký nhi viện Phước Điền - Nha Trang (năm 1963); Giám viện Ni viện Diệu Quang - Nha Trang (1975-1990) và trở lại Huế để dắt dìu ni chúng chùa Hồng Ân - Huế cho đến ngày viên tịch.
Còn đối với hàng đệ tử chúng con, Thầy vững chãi như tàng cây cổ thụ. Không những Thầy luôn che chở chỉ dạy những đứa con đang còn mê muội trong bùn lầy sinh tử; giúp cho chúng con giác ngộ phá trừ vô minh, tiến tu trên con đường giác ngộ mà còn cho chúng con giới, thân, huệ mạng. Vì thế, thâm ân Thầy dành cho chúng con bao la như trời cao biển rộng, chúng con không thể dùng ngôn ngữ trền gian để bày tỏ hết được.
Ngược dòng thời gian, nhớ những ngày chúng con còn hành điệu. Vì ở lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới, nên thích ham ăn, ham chơi, mê ngủ là đứng đầu. Do đó, ngày nào chúng con cũng bị quý Sư chỉ dạy la rầy, bắt phạt, có khi bị ăn đòn, nhưng chúng con vẫn chứng nào tật nấy, vẫn vô tư nghịch ngợm đùa giỡn.
Lúc ấy, các điệu chia phiên nhau thị giả Thầy mỗi điệu một tháng. Các huynh đệ con phần đông đều xuất thân ở thành phố lại còn được ba mẹ trang bị hành trang rất kỹ khi bước chân vào đạo, nên khi làm việc gì quý chị đều làm chu đáo. Còn con “hai lúa” chính hiệu, lại ở với ông bà nội đã già nên con rất hậu đậu. Do đó, khi tới phiên con thị giả thường bị xảy ra sự cố, con không đập bể cái này cũng làm hư cái kia, nhưng Thầy vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở chưa bao giờ thầy trách phạt con. Mặc dù lúc này các chùa ở Khánh Hòa theo chủ trương của cố Hòa thượng Đỗng Minh (1927- 2005) đánh điệu ba roi bằng thắp ba cây hương cúng dường Phật. Có lần phiên con hầu Thầy nhưng con đang để ‘hồn mình treo ngược cành cây’ thế nào mà làm vỡ bình hoa trên bàn. Sư huynh đừng gần đó bực quá la rầy và dọa bắt con đi chợ mua về đền lại cho Thầy, nhưng Thầy vội can: “Thôi điệu lỡ rồi, chị đừng bắtđiệu mua đền nữa!”. Hú hồn! Thế là con thở phào nhẹ nhõm thoát nạn, thương Thầy vô cùng, thật là:
Bên Thầy an lạc biết bao.
Nụ cười ánh mắt dịu dàng bao dung.
Con nghe quý Sư kể lại, vào thời điểm năm 1963-1975, Thầy rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ quý Sư tu học. Vậy mà đến lớp điệu chúng con, có lẽ Thầy thấy có quý Sư chỉ dạy rồi, nên chỉ bảo bọc vỗ về khi chúng con phạm sai lầm. Thầy thường sách tấn cho hàng ni chúng bằng lời giáo huấn rất chân tình:
“Đôi lời nhắn chúng xuất gia,
Chị em ăn ở vui hòa cùng nhau,
Vị tha vô ngã làm đầu,
Đối mình khắc trách, với người bao dung.
Từ bi hỷ xả đến cùng,
Bến bờ giải thoát ta cùng bước lên3”.
Ngoài khẩu giáo, Thầy còn dạy chúng con những bài học thân giáo vô cùng thâm thúy, đó là: khi đọc sách không bao giờ Thầy nằm, hình ảnh này in đậm trong tâm trí con là dáng vóc nhỏ bé, đôi bàn tay nhăn nheo xương xẩu nhưng mềm mại luôn cầm kính lúp lật từng trang sách, làm cho Ni trưởng Như Minh vô cùng xúc động viết lên những vần thơ tặng Thầy:
“Thầy về già vẫn an nhiên tự tại,
Quyển sách trên tay đọc mãi chẳng nhàm”.
Hay:
“Một đời hành đạo tiến tu,
Án kinh mài miệt, sớm trưa không rời”.
Không những Thầy thích đọc sách mà còn thực hành Bát kỉnh pháp tuyệt đối; cho dù vị đó mới thọ giới Tỳ-kheo, tuổi đời mới đôi mươi, trong khi tuổi Thầy đã một trăm nhưng Thầy luôn mặc áo tràng đứng dậy tiếp đón rất cung kính. Suốt cuộc đời Thầy chỉ âm thầm đạm bạc, giữ nếp sống thanh quy thiền môn, ngoài thời khóa tụng kinh, niệm Phật, Thầy còn miên mật hành trì hai pháp là ‘đọc sách và khiêm cung’.
Kính bạch Thầy! Mặc dù Thầy đã vắng bóng cõi Ta-bà đã lâu nhưng hình ảnh thân thương, ánh mắt từ bi, nụ cười hoan hỉ và lời dạy bảo nhẹ nhàng mãi mãi là những hạt châu soi đường cho chúng con trên bước đường học đạo và hành đạo. Được làm đệ tử của Thầy, thật là nhân duyên thù thắng, con hứa sẽ cố gắng học theo đức hạnh của Thầy và sửa đổi đoạn trừ các tập khí bất thiện, không ngừng trau dồi hai pháp học và hành, làm tốt đời đẹp đạo để đền đáp thâm ân Thầy trong muôn một.
1. Bổn Sư của con là cố Ni trưởng thượng Viên hạ Minh (1914-2014), Trú trì chùa Hồng Ân - Huế và Giám viện Ni viện Diệu Quang - Nha Trang.
2. Sư Bà chùa Bảo Đàm.
3. Bài này trong tập thơ “Cội tùng tỏa bóng” của Thầy, nhân dịp Lễ Bách tuế vào ngày 13 tháng 3 năm 2013.
Bình luận bài viết