THẦY TÔI
THẦY TÔI
THÍCH NGUYÊN TRỤ
Tháng tám năm nào, tôi cũng tranh thủ về quê vài hôm để dự lễ tưởng niệm ngày húy nhật của sư ông, người thầy Bổn sư của tôi. Mọi năm, tôi về thẳng nơi Tổ đình của sư ông, nhưng lần này nơi đầu tiên tôi ghé không phải Tổ đình, mà là một ngôi chùa cũ cách đó khoảng mươi cây số để thăm thầy của tôi trước, người thầy đầu tiên dìu dắt tôi vào cửa Phật. Những bước chân chập chững ấy, những khó khăn của thuở ban sơ, nó đã trở thành những kỷ niệm sâu sắc in mãi trong tâm hồn tôi.
Nhân duyên đưa tôi đến với thầy cũng thật bình thường và giản dị. Chùa ở quê vắng vẻ, một mình thầy chắc cũng buồn. Một hôm thầy ghé về thăm nhà và đã bảo tôi: “Con về dưới chùa với thầy cho vui được không?”. Lúc đó, tôi chẳng hiểu xuất gia tu hành gì cả, chỉ nghĩ ở chùa chắc có nhiều chuối, chè xôi và nhiều loại bánh ngon, vì trước đó, tôi cũng đã từng được mẹ dắt đi chùa vào những ngày lễ, 30 hoặc mùng 1 và lúc nào cũng có bánh, có chuối để ăn. Con nít ở quê mà, hầu như cái gì cũng thèm, cũng muốn ăn nên khi nghe thầy hỏi vậy, tôi liền đồng ý ngay.
Ngay hôm đó, thầy đã đèo tôi trên chiếc xe đạp xuống chùa. Từ nhà xuống chùa chừng hơn hai cây số. Đi khoảng mươi lăm phút đã tới. Tôi nhận ra ngay đây không phải chùa mà mẹ vẫn thường dẫn đi. Cổng vào chùa rong rêu đóng đầy, nhưng lờ mờ cũng thấy con số 1969. Ngôi chánh điện đã hư nát nhiều năm không sử dụng, chỉ có ngôi nhà đông còn tương đối không dột nên đã được thờ tượng đức Bổn sư làm chánh điện tạm thời. Chùa chưa có giường, hai thầy trò ngủ tạm trên bộ ván phía sau lưng tượng Phật.
Chùa có đất vườn phía sau cũng tương đối rộng so với ở quê. Hằng ngày, thầy trò tự canh tác trồng rau cải ăn. Có đám tiệc mời thầy đến nhà cúng thì thầy đi, còn tôi ở nhà coi chùa. Thường thì cúng buổi sáng đến trưa là xong, nếu có cúng tiểu thí cô hồn nữa thì leo qua đến 1 hoặc 2 giờ chiều là thầy về. Ở quê, khi cúng xong, gia chủ có lệ là gởi biếu thầy một ít bánh và trái cây. Thường là bánh ít lá gai, bánh nậm, bánh in…; trái cây thường là nải chuối hay bưởi, mãng cầu gì đó. Và đứa trẻ con như tôi ngày ấy, việc đợi thầy đi cúng về cũng như lúc đợi mẹ đi chợ ở nhà.
Có lần, thầy đi cúng ở đâu đó mà tôi đợi mãi không thấy thầy về. Lúc ấy, đài truyền thanh ở xã đã phát một hồi lâu rồi, người đi làm đồng cũng đã về hết rồi mà không thấy bóng dáng thầy đâu. Không gian u tịch, quanh qua quẩn lại chỉ có một mình, tôi bắt đầu thấy sợ. Mọi khi có bác đạo hữu già cũng hay về chùa chơi nói chuyện với thầy, thế mà hôm nay bác ấy cũng không đến. Ánh sáng tắt dần, gió chiều thổi hiu hiu, lâu lâu có tiếng cành lá sột soạt… sột soạt…, cảm giác sợ sệt nổi lên, thấy lạnh cả xương sống, mồ hôi như vả ra, tôi lần lần tiến ra ngoài cổng, mắt hướng ra ngoài đường cái hoang vắng... Ngoài cổng, một bên là cây bồ đề, một bên là cây vông đồng. Tôi đứng dưới gốc cây bồ đề đợi thầy, vừa sợ ma, vừa có chút giận thầy nữa, cứ tự hỏi sao gần tối rồi mà sao thầy chưa về? Có lẽ thầy biết được điều đó nên vừa về tới, thầy đã hỏi: “Con đợi thầy lâu không? Có đạo hữu nhờ việc đột xuất nên ở lại giúp họ tới giờ thầy mới về. Thôi, đi vô nhà, con!”. Thầy vừa hỏi xong, tôi muốn bậc khóc nhưng cố nén lại những giọt nước mắt không cho thầy biết. Thầy cầm tay tôi dẫn tôi vào. Thầy trò thắp đèn lên và lấy bánh, trái cây ra ăn. Năm đó, quê tôi vẫn chưa có điện, chỉ có đèn dầu và đèn cầy.
Tối, hai thầy trò ngủ trên bộ ván được ghép bằng hai tấm gỗ lớn. Bộ ván này nằm lâu đã lên nước bóng láng, không cần trải chiếu. Có những đêm thầy kể về tuổi thơ của thầy. Thầy mồ côi từ nhỏ, chỉ có bà nội thầy là người thân duy nhất. Vì hoàn cảnh chiến tranh khó khăn, nên bà nội thầy đã gởi thầy vào ngôi chùa này và tu ở đây cùng với một số đồng môn khác nữa. Thầy được tu và lớn lên từ chùa này. Chiến tranh nổ ra. Chính quyền kêu gọi tản cư, mọi người trong làng đều đi đến các vùng lân cận ít bom đạn sinh sống. Chùa bị bom đạn phá hư. Cả mấy thầy trò trong chùa cũng theo dòng người tản cư. Có người trở về nhà sống với gia đình. Sau ngày nước nhà thống nhất, một số đạo hữu trong làng có tâm huyết với đạo muốn có nơi lễ lạy, sinh hoạt tín ngưỡng nên đã làm đơn xin lại chùa và thầy được mời về trông coi hương khói…
Thế rồi, những tháng ngày ngắn ngủi sống với thầy cũng trôi qua. Vì muốn tương lai tôi tốt đẹp hơn, thầy đã xin cho tôi xuất gia tu học với một vị Hòa thượng cách đó mươi cây số.
Sau khi rời khỏi ngôi chùa đầu tiên, tôi tiếp tục đi trên con đường của mình, thì thầy ở lại cũng một mình một bóng lo cho ngôi Tam bảo ngày một phát triển hơn. Hằng ngày, Thầy vẫn đi cúng, đi tụng kinh hộ niệm, giúp đỡ bà con xóm làng tuần thất ma chay; có chút công đức thầy dành dụm, mặt khác thầy cũng lặn lội nhiều nơi để vận động bà con ủng hộ xây dựng chùa. Thế là năm 1993, ngôi chánh điện cũng đã khởi công và năm sau mới hoàn thành. Tuy rằng không nguy nga bề thế, nhưng cũng đủ để bà con trong làng có nơi chiêm bái lễ lạy đàng hoàng hơn, nghiêm trang hơn…
Thầy tôi chữ nghĩa không nhiều, nhưng điều thầy có thể làm được là giúp đỡ cho đạo hữu khi có nhà có hữu sự, và thông qua đó, có thể hướng dẫn bà con hướng về Tam bảo… Thuở tôi chưa xuất gia, ở chung với thầy, thường nghe thầy trao đổi với mấy bác đạo hữu trong làng đến chơi là giúp cho bà con lạy một lạy với Phật, niệm được một câu niệm Phật, đọc được câu kinh của Phật là đã giúp cho bà con gieo một cái duyên với Phật pháp. Biết đâu trong một kiếp nào đó, nhờ cái duyên này mà họ ngộ được Phật pháp mà giải thoát, giúp chúng sanh cùng tu cùng thoát khổ.
Hơn 20 năm đã trôi qua, chùa mỗi ngày một phát triển, mỗi ngày một mới hơn, mỗi ngày một đẹp hơn, và thầy thì mỗi ngày thêm một già đi. Bây giờ, thầy đã qua tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng thầy vẫn tiếp tục công việc của mình, tiếp tục hạnh nguyện của mình. Thầy làm hết việc này đến việc khác, hết xây cái này lại sửa cái kia, cây cảnh vườn tược… một mình thầy làm. Sức khỏe của thầy mỗi ngày một kém, công việc chùa cũng đã nhiều, thế mà ai nhờ thỉnh cúng cũng đi. Có lúc tôi muốn thầy nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, khuyên thầy bớt đi cúng để giữ gìn sức khỏe. Thầy lại nói: “Mình là người tu hành mà bà con địa phương có hữu sự nhờ giúp đỡ, làm sao mà không giúp được hả con?”. Nói rồi thầy lại cười. Thầy kể trong cuộc đời tu tập của thầy đã nhiều lần gặp không ít khó khăn, nhưng thầy vẫn giữ được chiếc áo và chuông mõ cho đến hôm nay. Mặc dù đó là hình thức Phật giáo dân gian: ma chay tuần thất, tán tụng, ngày giờ… song trong hoàn cảnh chiến tranh, khó khăn về mọi mặt như thế, đạo Phật cũng tùy duyên theo đó để mà tồn tại. Sau này, đất nước hòa bình ổn định mới có trường lớp cho tăng chúng học hành đàng hoàng như hôm nay, và thầy luôn động viên tôi cố gắng tu học cho tốt. Theo thầy, nếu tôi cố gắng tu học thật tốt, thì đó cũng là cách cúng dường Tam bảo…
Thầy tôi là thế đó. Thầy sống và nghĩ theo tấm lòng của mình, theo những gì thầy ngộ được bằng cách hiểu của thầy từ kinh sách. Nhiều khi ngẫm lại, tôi thấy mình thật may mắn, được sinh trong thời bình, có đủ mọi điều kiện, có nhiều thuận duyên tốt trong việc tu cũng như việc học, ấy thế mà tôi vẫn chưa làm được một việc nào gọi là xứng đáng với tấm lòng của thầy dành cho tôi. Nghĩ về hạnh nguyện bao năm qua của thầy, tôi tự hứa với lòng mình sẽ trở lại phụ với thầy, giúp thầy hoàn thành tâm nguyện, phát triển ngôi Tam bảo ấy ngày một tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn…
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết