Thông tin

THẾ QUYỀN VỚI PHẬT GIÁO

 

CHƠN MINH

 

 

Trước khi đề cập đến những quan điểm về khái niệm Bình đẳng của Phật giáo, tôi phải đưa ra đây một số nhận xét về thái độ của Đức Phật đối với các vị vua và mối quan hệ của giáo lý của Ngài với thế quyền. Phật giáo cũng như các hệ thống tôn giáo lớn khác, không tránh khỏi dính líu đến thế quyền. Ở một mức độ nào đó, những điều này dường như tương đối rõ ràng, và theo một số chiều hướng khác, chúng có thể được đem ra tranh luận và gây tranh cãi.

Nandasena Ratnapāla khẳng định rằng lý thuyết căn bản của Phật giáo trong thế quyền được tìm thấy trong Mahāparinibbāna Sutta (kinh Đại bát niết bàn), trong đó đức Phật đã gián tiếp trả lời câu hỏi của vua Ajātasattu (A-xà-thế) về kế hoạch tấn công thành Vesālī1. Trong bài Kinh này, Đức Phật được viếng thăm bởi Varṣākāra, một quan đại thần của Ajātaśatru, vị vua đã thay  thế cha mình là Bimbisāra cai trị xứ Magadha. Nhà vua muốn phát động chiến tranh chống lại người dân Vajji và phái quan đại thần đến gặp đức Phật để đánh giá triển vọng của mình. Thay vì trả lời vị đại thần, đức Phật hỏi Ānanda đang hiện diện, rằng có phải người Vajji vẫn tổ chức các cuộc hội họp định kỳ và thường xuyên, gặp gỡ nhau trong hòa hợp, không thay đổi các quy tắc trong truyền thống của họ, tôn trọng bậc trưởng thượng, không bắt cóc phụ nữ từ các bộ lạc khác, tôn kính các điện thờ của họ và chu cấp cho các bậc thánh2.

Ānanda đã trả lời xác nhận. Đức Phật đáp rằng người dân Vajji có thể thịnh vượng miễn là họ tiếp tục làm bảy điều. Tiếp theo là một đoạn văn dài hơn, theo đó đức Phật đã áp dụng danh sách bảy điều kiện về phúc lợi của các nước cộng hòa với cải biên cho phù hợp với hoàn cảnh Tăng đoàn của Ngài. Mặc dù Ngài được mớm lời và rất có thể là căn cứ được dựa trên một loạt câu cách ngôn phổ biến hiện thời trong bộ lạc Vajji. Đức Phật không nói gì ngoài lời khen ngợi đối với hệ thống hành chánh của Licchavi (trong văn học Pāli, chữ Vajjī và Licchavi là những thuật ngữ có thể hoán đổi). Chắc chắn là đức Phật không bao giờ tán thành những chương trình đầy tham vọng của nhà vua, nhưng Ngài cũng không đi đến mức can thiệp vào công việc thế quyền của ông. Tăng đoàn Phật giáo đi theo sát sao hệ thống dân chủ của Licchavis3. Và những gì đức Phật đã làm là ngăn chặn chiến tranh càng nhiều càng tốt và theo đuổi việc nầy để củng cố và mang lại lợi ích cho Tăng đoàn.

Rõ ràng là đức Phật đã gặp gỡ và nói chuyện với một số vị vua. Bimbisāra, vua xứ Magadha và Pasenadi, vua xứ Kośala là những người ủng hộ nhiệt thành của đức Phật. Đôi khi họ xin lời khuyên của Ngài nhưng thường thường thì không. Họ đến với đức Phật như những người giàu có khác hoặc gần như là một tín đồ ủng hộ đức Phật và những vị trong Tăng đoàn của Ngài như Anāthapiṇḍaka, Upāli hay thánh nữ Visākhā. Trong mắt họ, đức Phật thật sự là một sa môn vĩ đại, một Minh Sư giác ngộ. Họ đã trung thành làm tròn bổn phận của một người cư sĩ đối với đức Phật và Tăng đoàn của Ngài như những người cư sĩ khác: cúng dường bốn vật dụng cần thiết cho đức Phật và chư Tỳ kheo. Luật tạng ghi lại rằng vua Bimbisāra đã dâng đức Phật một khu rừng tre làm trú xứ tại Rājagaha chỉ vài tháng sau khi Ngài giác ngộ4. Vua Pasenadi cúng dường cho Tăng đoàn những đồ nội thất của tổ mẫu sau khi bà qua đời5. Nhưng họ không bao giờ hỏi đức Phật về thế quyền, làm thế nào để trở thành một vị vua tốt, làm thế nào để cai trị vương quốc một cách tốt nhất, hoặc họ nên tuân theo loại chính sách nào, v.v... Có khi họ hỏi về những lợi ích của việc trở thành một tỳ kheo6 và đôi khi chỉ đơn giản thể hiện sự tôn trọng của họ7. Có khi họ còn cho đức Phật những lời khuyên vì lợi ích của Ngài cũng như cho Tăng đoàn, như vua Bimbisāra yêu cầu đức Phật không cho phép những người lính đào ngũ gia nhập Tăng đoàn8.

Một nhân vật khác là Cakkavatti (Chuyển luân vương), một vị Quốc vương, được mô tả trong Cakkavattisīhanāda Sutta9 (kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành 轉輪聖王修行經) là người trị vì trong một thế giới lý tưởng hóa. Ông sở hữu bảy viên ngọc quý: bánh xe, con voi, con ngựa, viên ngọc quý10, người phụ nữ và vị cố vấn. Các học giả cố gắng giải thích những viên ngọc nầy như biểu tượng quý giá của chủ quyền; thật ra, chúng được mô tả khá rõ ràng như những vật có tính chất thần bí hơn là vật chất. Với luân bảo (cakkaratana 輪宝) của mình, Cakkavatti dẫn bốn đội quân xuất chinh tiến lên và chiến thắng liên tiếp ở cả bốn hướng cho đến bờ biển mà không phải đối mặt với bất kỳ trận chiến nào.

Về mặt lịch sử, như chúng ta biết vào thời đức Phật hay ngay cả trước thời của Ngài, ở Ấn Độ không có vương quốc nào rất lớn như được mô tả trong Kinh Cakkavattisīhanāda11. Có nhiều điều nói về luân bảo trong kinh cũng được lý tưởng hóa một cách tuyệt vời như phạm vi trị vì của vương quốc. Theo Richard F. Gombrich, cakkavatti là một chúng sanh thần thoại. Việc trình bày vị vua của mình như là người thống trị thế giới với quyền lực vô biên là một việc xưa cũ của hệ tư tưởng cho biết nghi thức Vệ Đà12. Đọc kỹ bài kinh này, chúng ta có thể thấy mục đích của nó là giáo lý về sự thay đổi tức là vạn vật đều vô thường.

Để sáng tỏ hơn, chúng ta xem một bài kinh khác miêu tả nhân vật Cakkavatti, trong Mahāsudassana Sutta13 (Kinh Đại Thiện Kiến 大善見王經). Tại Kusinārā, nơi mà đức Phật chọn để nhập Đại niết-bàn, Ngài tuyên bố đã đến lúc Ngài ra đi. Người thị giả của Ngài, Ānanda, đã kiên trì thỉnh cầu Ngài đừng nhập niết-bàn trên đất vì Kusinārā đây là “một thị trấn nhỏ khốn khổ tường vách thô sơ, ngay trong khu rừng đằng sau kia”14. Ông yêu cầu đức Phật đi đến thành phố lớn thời đó như Campā, Rājagaha, Sāvatthi, v.v... nơi có những Bà-la-môn, Khattiya (chiến binh), gia chủ giàu có, họ sẽ phát tâm cúng dường cho đức Phật một tang lễ đàng hoàng.

Đức Phật bảo Ānanda đừng nghĩ như vậy. Ngài nói với vị thị giả rằng “đó là kinh đô Kuśāvatī của một cakkravatti tên là Mahāsudssana. Nó vĩ đại, rộng lớn, giàu có, thịnh vượng và đông đúc dân cư, đầy ắp thức ăn và giống như thành phố thiên giới Āḷakamandā”15. Rồi đức Phật tiếp tục nói về vị vua thần thoại. Nói rằng đức Phật truyền đạt một nội dung thế quyền trong bài kinh này trong đó người ta thuật lại rằng Ngài sắp qua đời, thật sự là một trò đùa vì suốt đời Ngài không quan tâm đến. Cùng với những câu chuyện cakkavatti, trong Aggañña-Sutta16 (kinh Khởi Thế Nhân Bổn), đức Phật được cho là đã tán dương một hình thức chính phủ cộng hòa, trong đó quyền tối cao của các vị vua được nhân dân ủy thác. Ở Ấn Độ vào thời điểm đó, có một số nước cộng hòa nhỏ bé do giới quý tộc cai trị nhưng hình thức chính quyền cộng hòa không thịnh hành ở Ấn Độ. Chế độ quân chủ chiếm ưu thế và các vị vua rất hùng mạnh. Một số vị vua rất chuyên quyền và áp bức.

Điều quan trọng nhất là trong số nhiều loại tai họa, đức Phật đã liệt kê: hỏa hoạn, động đất, sấm sét, lũ lụt, đạo tặc và vua chúa17. Các vị vua của thời kỳ đó phải là cực kỳ chuyên chế nên mới bị liệt kê trong số các thảm họa. Vì vậy, đức Phật chẳng những không khuyến khích các thành viên trong tăng đoàn tham gia các hoạt động thế quyền, mà Ngài còn đi xa hơn và cấm thảo luận về các vấn đề thế quyền, và chúng ta có thể xem qua danh sách các loại 'chuyện phù phiếm' bị cấm đối với chúng sanh là tu sĩ: “nói chuyện về các vị vua, những tên cướp, các đại thần của quốc gia, chuyện chiến tranh khủng bố, các trận chiến...”18. Không có bằng chứng nào cho thấy đức Phật đã dạy những người theo Ngài nên ủng hộ hay phản đối loại chính phủ nào, mặc dù Ngài có vẻ quan tâm đến hệ thống dân chủ. Ngài cấm chư tăng tham gia vào thế quyền và bảo cư sĩ giữ 5 giới và hỗ trợ 4 điều kiện cần thiết cho Tăng đoàn. Ngài để cho người dân phụ thuộc vào sự chăm sóc của các bà-la-môn thay vì trao quyền lãnh đạo trong các vấn đề thế quyền và xã hội, họ thường sẵn sàng thỏa hiệp với những cách thức hiện có của cuộc sống thường nhật19.

Dĩ nhiên là có một số đoạn đề cập đến nhiệm vụ của các vị vua, nhưng đáng kể là đại đa số những đoạn này được tìm thấy trong các truyện Jātaka chứ không phải trong các bài kinh cổ điển. Và những truyện Jātaka, chúng ta có thể nhớ lại rằng những truyện này đúng hơn là những tài liệu phi Phật giáo được Phật giáo phỏng theo chứ không phải là những  sáng tạo của Phật giáo20. Với giáo lý hướng đến kinh nghiệm Giác ngộ, đức Phật không quan tâm trực tiếp đến sinh hoạt tập thể của con người trên bình diện thế quyền.

 


1. Nandasena Ratnapala, Buddhist Sociology, p. 73.

2. Dīgha Nikāya, II, 72 – 74. tr. by Thomas W. Rhys Davids, Dialogue of the Buddha, vol. II, pp. 79 – 80.

3. Asim Kumar Chatterjee, Political History of Pre-Buddhist India, p. 188.

4. Vinaya Piṭaka, I. 39. tr. by I. B. Horner, The Book of the Discipline, vol. IV, p. 51.

5. Vinaya Piṭaka, II, 168 – 169, tr. by I. B. Horner, The Book of the Discipline, vol. V, pp. 236 – 238. Vì Đức Phật không cho phép sử dụng giường cao và sang trọng nên các tăng nhân đã tháo chân ghế tràng kỷ, tháo bỏ đệm lông ngựa của đi-văng và gỡ bông ra khỏi chăn.

6. Dīgha Nikāya, I, 60 – 69, tr. by Thomas W. Rhys Davids, Dialogue of the Buddha, vol. I, pp. 76 – 79.

7. Majjhima Nikāya, II. 120, tr. by I.B. Horner, The Middle Length Sayings, Vol. II, p. 303. Vua Pasenadi đặt trán mình lên bàn chân của Đức Phật. Ông được Đức Phật hỏi vì sao thể hiện sự khiêm tốn và kính trọng thân Phật như thế. Nhà vua liền tán dương một cách hùng hồn mỹ đức của Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài.

8. Vinaya Piṭaka, I. 73, tr. by I. B. Horner, The Book of the Discipline, vol. IV, p. 92.

9. Dīgha Nikāya, III. 58 – 77, tr. by Thomas W. Rhys Davids, Dialogue of the Buddha, vol. III, pp. 59 – 76.

10. Ở Ấn Độ, một giá trị lớn lao kỳ diệu được gắn cho đá quý và đồ trang sức. Niềm tin khi đeo chúng là có thể chống lại mọi sợ hãi và nguy hiểm, đói khát, bệnh tật và vũ khí; linh hồn và ma quỷ không làm gì được ta.

11. Dīgha Nikāya, III. 58 – 77, tr. by Thomas W. Rhys Davids, Dialogue of the Buddha, vol. III, pp. 59 – 74.

12. Richard F. Gombrich, Theravada Buddhism: A Social History from Ancient Benares to Modern Colombo, p. 82.

13. Dīgha Nikāya, II. 169 – 185, tr. by Thomas W. Rhys Davids, Dialogue of the Buddha, vol. II, pp. 199 – 217.

14. Ibid., II. 169, tr. by Maurice Walshe, The Long Discourses of the Buddha, p. 279.

15. Ibid., II. 169. The Long Discourses of the Buddha, p. 279.

16. Dīgha Nikāya, III. 80 – 98, tr. by Thomas W. Rhys Davids, Dialogue of the Buddha, vol. III, pp. 77 – 94.

17. Vinaya Piṭaka, I. 11 – 112, tr. by I. B. Horner, (tr.), The Book of the Discipline, vol. IV, p. 148.

18. Dīgha Nikāya, I, 8, tr. by Thomas W. Rhys Davids, Dialogue of the Buddha, vol. I, p. 13.

19. Stephen Hay (ed.), Sources of Indian Tradition, vol. I, p. 125.

20. Kenneth Roy Norman, Pāli Literature: Including the Canonical Literature in Prākrit and Sanskrit of all the Hīnayāna Schools of Buddhism, p. 79.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 77
    • Số lượt truy cập : 6704052