Thông tin

THÊM MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ PHẬT GIÁO NGHỆ AN

TỪ NỬA SAU THẾ KỶ XX ĐẾN NAY

 

PGS.TS. NGUYỄN QUANG HỒNG*

 

1. Theo ông Đoàn Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý Di  sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nghệ An và PGS. Ninh Viết Giao, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trên địa bàn Nghệ An có tới 273 ngôi chùa, được xây dựng ở hầu khắp các huyện từ đồng bằng như: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành,…đến các huyện trung du miền núi như Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quế Phong,…trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng về kiến trúc như: chùa Bà Bụt (Đô Lương), chùa Gám (Yên Thành), chùa Lô Sơn (Cửa Lò), chùa Ông, chùa Mụ (Hưng Nguyên), chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), chùa Viên Quang (Nam Đàn), chùa Nàng Hai (Nam Đàn)[1],v.v…

Trong số 273 ngôi chùa được xây dựng trên đất Nghệ An, có lẽ chùa Nhạn Tháp hay còn có tên gọi khác là  chùa Tháp, Chung Tháp,… thuộc địa phận xã Hồng Long (Nam Đàn ngày nay) là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở lưu vực sông Lam. Qua bao thăng trầm biến đổi của lịch sử, Chung Tháp hay Nhạn Tháp bị sụp đổ toàn bộ phần cấu trúc phía trên, chỉ còn lại phần móng chân tháp bị chôn vùi dưới lòng đất. Lịch sử hình thành và phát triển, suy tàn của tòa tháp bên bờ sông Lam từ thời kỳ Bắc thuộc dường như đã bị lớp bụi thời gian bao phủ. Trong tình thế đó, hai đợt khai quật khảo cổ chân móng tháp, tập trung quy mô lớn, mỗi đợt khoảng 01 tháng từ năm 1984  - 1987 đã thu được kết quả rất khả quan.

Kết quả nghiên cứu từ các hiện vật khai quật được tại Nhạn Tháp của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Tổng hợp Nghệ - Tĩnh, Khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh đã đưa ra giả thiết khoa học là vào khoảng đầu thế kỷ VII, Nhạn Tháp đã được xây dựng[2]. Trong đó, đáng chú ý có viên gạch có dòng chữ “Trinh Quán Lục Niên” được tìm thấy ngay chân móng tháp và hàng chục kiểu gạch có kích thức rộng, dài, dày, ngắn khác nhau, được sản xuất theo phương thức cổ truyền và đạt đến trình độ nung rất cao. Đó là chưa kể có một số viên gạch có khắc chìm 03 vị Phật, hết sức tinh xảo được tìm thấy cùng với một số viên gạch có hoa văn tinh tế được phát hiện xung quanh đường vòng quanh chân tháp[3]. Các chuyên gia của Viện Khảo cổ học trực tiếp tham gia chỉ đạo khai quật Nhạn Tháp căn cứ vào chiều rộng, chiều dài của chân tháp đưa ra giả thiết là toà tháp có thể có chiều cao từ 30 - 40 m. Có người còn đưa ra giả định khoa học: Nhạn Tháp hay Chung Tháp có thể là một trong những trung tâm Phật giáo sớm nhất ở lưu vực sông Lam được hình thành từ thời Bắc thuộc và hưng thịnh trong nhiều thế kỷ?  Điều hết sức thú vị là để hoàn thành việc xây dựng toàn bộ hệ thống chân tháp này, người ta dùng nhiều loại gạch kích cỡ khác nhau, xếp chồng lên nhau mà hoàn toàn không dùng bất cứ một chất dính kết nào khác[4](4). Sự hiện diện của Chung Tháp hay Nhạn Tháp là một cứ liệu hết sức quan trọng để khẳng định ít nhất cách ngày nay từ 13-14 thế kỷ Phật giáo đã phát triển mạnh ở Nghệ An và Hà Tĩnh, và có ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của các thế hệ cư dân sống dọc đôi bờ sông Lam.

Kết quả nghiên cứu của GS. Nguyễn Đổng Chi, PGS. Ninh Viết Giao, GS. Vũ Ngọc Khánh, PGS.TS. Nguyễn Quang Hồng, nhà “Hà Tĩnh học” Thái Kim Đỉnh, nhà “Nghệ An học” Đào Tam Tỉnh,v.v… được công bố rải rác trên Tạp chí Khoa học Công nghệ và Môi trường Nghệ An, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn Nghệ An,… hay một số công  trình đã xuất bản trong khoảng 30 năm trở lại đây về một số di tích lịch sử văn hóa, đình, đền, chùa miếu mạo ở lưu vực sông Lam cho biết phần lớn chùa (nói chính xác là những dấu tích, phế tích của các chùa được xây dựng trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh) còn tồn tại đến ngày nay được xây dựng chủ yếu từ thời Lý - Trần và thời Hậu Lê như: chùa Yên Thái ở Cự Việt (Quỳnh Lưu) được xây dựng từ thời vua Lý Cao Tông, Chùa Đại Tuệ được xây dựng trong các năm 1406 - 1407 dưới thời Hồ Hán Thương, chùa Viên Quang ở Thanh Thủy (Nam Thanh, Nam Đàn) được xây dựng vào năm 1607, hoàn thành vào năm 1608, chùa Quang Phúc (xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên), chùa Long Khánh (xã Hưng Xuân, Hưng Nguyên), chùa Phú Điền (xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên), chùa Ngọc Đình (Kim Liên, Nam Đàn)[5],… là những ngôi chùa được xây dựng  khá sớm và trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX[6].  Một số chùa được trùng tu sữa chữa dưới thời Nguyễn như chùa Nàng Hai (Vân Diên, Nam Đàn), chùa Viên Quang ( Nam Thanh, Nam Đàn), Chùa Hiến Sơn (xã Hưng Trung, Hưng Nguyên), chùa Diệc (Phường Quang Trung, thành phố Vinh),v.v… hay được xây dựng mới từ thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX như: Chùa Ơi (xã Xuân Hòa, Nam Đàn), chùa Đức Sơn (Vân Diên, Nam Đàn)[7],…

Được xây dựng trong những thời điểm lịch sử khác nhau, phần lớn các ngôi chùa ở Nghệ An phải chịu sự tác động mạnh mẽ của chế độ khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, sự tàn phá của lũ lụt, hạn hán, chiến tranh (các cụ gọi là:  thủy, hỏa, đạo tặc), do đó, các di tích này thường được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Nhờ sự nỗ lực của nhiều thế hệ người dân ở  xứ Nghệ mà cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên đất Nghệ An vẫn còn trên dưới 270 ngôi chùa lớn nhỏ, phân bố rải rác ở hầu khắp các huyện, thành từ miền xuôi đến miền ngược.

Tiếc rằng, khi thế kỷ XX kết thúc, bước vào công cuộc hội nhập vào cộng đồng khu vực và thế giới, phần lớn các ngôi chùa trên đất Nghệ An chỉ còn lại những phế tích, hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng. Số chùa còn giữ được khá nguyên vẹn chỉ còn  đếm đầu ngón tay! Chùa không còn thì bóng dáng nhà sư với chiếc áo cà sa cũng cũng thưa dần. Tiếng chuông chùa vang vọng mỗi sáng mai như là một biểu hiện của cuộc sống thanh bình, yên ấm, no đủ của cư dân làng xã dọc đôi bờ sông Lam không còn có điều kiện để ngân vang trước lúc mặt trời lên như bao thế kỷ trước. Thậm chí, ở nhiều huyện, thành, tiếng chuông chùa chỉ còn là tiếng vang vọng trong sâu thẳm tâm hồn của những người cao tuổi và có không biết bao người không có được sự hiểu biết một cách đầy đủ, toàn diện về vị trí của ngôi chùa trong đời sống của các thế hệ cư dân nơi họ sinh ra, lớn lên.

Đây có lẽ là một trong những giai đoạn thăng trầm nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Nghệ An suốt nhiều thế kỷ qua?

2. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, có không ít công trình nghiên cứu về Nghệ An, Hà Tĩnh nhất là thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam (1930 -1945), thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 -1954), chống Mỹ (1954 -1975),v.v… lần lượt được công bố. Nhưng, có một thực tế là có không nhiều các nhà nghiên cứu sử học, dân tộc học, xã hội học, nghiên cứu về tôn giáo,v.v… có những công trình nghiên cứu về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng của các thế hệ cư dân ở Nghệ An trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước nói chung, cuối thế kỷ XX nói riêng được  công bố[8]. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến một thực tế là cho đến đầu thế kỷ XXI, việc nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân xứ Nghệ trong suốt mấy ngàn năm qua vẫn còn nhiều khoảng trống. Trong bối cảnh chung đó, các công trình nghiên cứu về Phật giáo ở Nghệ An chưa thực sự nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về tôn giáo, sử học, dân tộc học, xã hội học,… Trong khi đó, số người đi chùa ngày càng ít dần và có không ít tín đồ Phật giáo ở Nghệ An  thường đến chùa Phong Phạn, chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng,... ở Hà Tĩnh hay ra Thanh Hóa và một số tỉnh  phía Bắc để đi lễ chùa.

Trên thực tế, từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, số người Nghệ An đi lễ hội hằng năm tăng lên nhanh chóng. Các lễ hội Đền Cờn (Quỳnh Lưu), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn (Yên Thành), đền thờ An Dương Vương (Diễn Châu), đền thờ Mai Hắc Đế (Nam Đàn), đền thờ Đức Hoàng Mười (Hưng Nguyên), đền thờ Quang Trung (Vinh),v.v… thu hút hàng vạn nhân dân ở hầu khắp các huyện trong tỉnh nói riêng và nhân dân trong vùng, trong cả nước, Việt kiều về thăm quê nói chung. Điều hết sức thú vị là hầu như ở đền thờ nào cũng có vài ba bức tượng Phật và khi làm lễ thường có một số lượng khá lớn nhân dân đi lễ thường mở đầu lời khấn của mình bằng câu: Nam mô A Di Đà Phật! Đức Phật tổ, Đức Phật Quan thế Âm Bồ Tát, Đức Phật Di Lặc,… cùng các chư vị Đức Phật đã từ phạm vi không gian thiêng là các ngôi chùa, nghiễm nhiên có mặt ở hầu hết các ngôi đền trên đất Nghệ An. Hiện tượng hợp thờ cả thánh thần (bao gồm cả Nhân thầnNhiên thần) và Phật trong một không gian thiêng nhỏ hẹp là điều khá phổ biến ở Nghệ An. Những người đi lễ hội cũng ít khi quan tâm rằng việc thờ tự như vậy là đúng hay sai, họ chỉ biết là nhiều người cũng lễ bái như họ và người sau làm giống như người trước, ông, bà, cha, mẹ. hướng dẫn cho con cháu làm theo. Và dường như việc cùng một lúc thờ thánh thần và thờ Phật đang dần dần trở thành một hiện tượng phổ biến ở hầu hết các đình đền thờ trên đất Nghệ An?!

Dường như khi cuộc sống vật chất càng no đủ thì nhu cầu về đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân nói chung và nhân dân Nghệ An ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Số lượng đền thờ được trùng tu, khôi phục với quy mô lớn nhỏ, mức độ đầu tư tiền của, công sức khác nhau. Tuy giá trị nghệ thuật, kiến trúc của các đền thờ được khôi phục, trùng tu trong vài thập kỷ lại nay ở Nghệ An chưa cao và còn nhiều vấn đề phải bàn bạc, giải quyết để đi tới thống nhất, song  điều đáng quan tâm là trong khi quá trình trùng tu, khôi phục các đền thờ diễn ra tương đối nhanh thu hút được nhiều tầng lớp xã hội tham gia thì quá trình phục dựng các ngôi chùa trên đất Nghệ An lại diễn ra rất chậm so với các địa phương khác. Điều này được minh chứng là cho đến tháng 5 năm 2012, ngoài chùa Cần Linh (còn gọi là chùa Sư Nữ ở thành phố Vinh), chùa Ân (xã Nghi Đức, Nghi Lộc), chùa Song Ngư ( Thị xã Cửa Lò), chùa Đại Tuệ (Nam Anh, Nam Đàn), chùa Viên Quang (Nam Thanh, Nam Đàn), chùa Gám (Yên Thành) được UBND tỉnh Nghệ An và các cấp ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi để trùng tu, khôi phục, còn hầu hết các ngôi chùa khác chưa được cơ quan có thẩm quyền (UBND tỉnh) ra quyết định cho phục hồi tôn giáo[9].

3. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có trên 10 triệu tín đồ Phật giáo, hơn 35 ngàn tăng ni, 15 ngàn ngôi chùa, 04 học viện Phật giáo, 07 trường Cao đẳng Phật học, 31 trường Trung cấp Phật giáo. Phật giáo Việt Nam đã và đang phục hưng trở lại và ngày càng có ảnh hưởng rộng lớn  trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Trong xu thế chung đó, Phật giáo Nghệ An cũng đang thực sự hồi sinh. Ở tỉnh Nghệ An, tính đến tháng 5 năm 2012, theo thống kê chưa đầy đủ, có trên 20.000 tín đồ Phật giáo. Nếu tính cả số người thường xuyên đi chùa lễ Phật thì số lượng  trên còn khác xa thực tiễn.

Ngày 31 tháng 8 năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 4383/QĐUBND chấp nhận việc phục hồi chùa Ân, xã Nghi Đức, thành phố Vinh. Đây là ngôi chùa đầu tiên ở Nghệ An được UBND tỉnh ra quyết định cho phục dựng. Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 4375/QĐUBND chấp thuận tổ chức các hoạt động Phật giáo tại chùa Song Ngư thuộc Thị xã Cửa Lò. Ngày 07 tháng 01 năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 3111/QĐUBND-CN về việc cho phép UBND xã Nam Anh, huyện Nam Đàn được khảo sát, lập quy hoạch xây dựng, phục dựng chùa Đại Tuệ tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn[10].

Ba tháng sau đó, ngày 03 tháng 4 năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số: 1937/UBND - CN về việc phục dựng chùa Đại Tuệ tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Ngày 16 tháng 6 năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số: 3734/UBND - ĐT về việc phục dựng chùa Đại Tuệ, gửi TSKH-Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Nguyên Tư lệnh trưởng Quân khu IV, nhất trí về việc thành lập Ban Vận động xây dựng chùa Đại Tuệ. Ngay sau khi có quyết định thành lập Ban Vận động xây dựng chùa Đại Tuệ, Ban Vận động xây dựng chùa Đại Tuệ xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được thành lập, gồm 15 thành viên do TSKH, Trung tướng - Nguyên Tư lệnh trưởng Quân khu IV làm Trưởng ban. Đây là ngôi chùa đầu tiên ở Nghệ An  từ nửa sau thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI được UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban Vận động xây dựng chùa. Nhờ sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhân dân Nghệ An, công cuộc phục dựng chùa Đại Tuệ đang tiến hành một cách khá thuận lợi, nhiều hạng mục công trình đã và đang được gấp rút hoàn thành. Số lượng tăng ni, phật tử và du khách lên chùa Đại Tuệ tăng lên nhanh chóng.

Năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An cùng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Phật giáo tỉnh Nghệ An lần thứ nhất và bầu Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An do Thượng tọa Thích Thọ Lạc (trụ trì chùa Đại Tuệ) làm Trưởng ban. Cũng trong năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An cùng các ban ngành liên quan và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang khẩn trương xúc tiến việc  phục dựng chùa Gám ở Yên Thành. Rõ ràng là “càn khôn bỉ lại thái, nhật nguyệt hối lại minh”. Phật giáo Nghệ An đã và đang phục hưng và ngày càng được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận. Hy vọng những sự kiện trên là sự mở đầu cho một thời kỳ phát triển trở lại của Phật giáo trên vùng đất Nghệ An trong thời gian tới.



* Khoa Lịch sử, trường Đại học Vinh

[1] Số liệu được ông Đoàn Văn Nam, ông Nguyễn Đình Truyền - Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An và PGS. Ninh Viết Giao công bố trong một số công trình nghiên cứu gần đây.

[2] Các đợt khai quật khảo cổ do Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An, Khoa sử Đại học Vinh tiến hành tại Nhạn Tháp thuộc xã Hồng Long, huyện Nam Đàn trong hai năm 1984, 1986. Kết quả khai quật đã được công bố trên Tạp chí Khảo cổ học, các hiện vật thu được hiện đang được trình bày tại Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhạn Tháp là trung tâm Phật giáo ở lưu vực sông Lam từ thế kỷ VII-VIII.

[3] Xem 10

[4] Xem 10

[5] Xem: H.Lebreton: Le vieux - An Tinh cổ lục, Ninh Viết Giao: Văn bia Nghệ An, Nxb Nghệ An 2004; Ninh Viết Giao (chủ biên): Thần tích, thần phả và tục thờ thần ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, 2001; GS. Nguyễn Đổng Chi (chủ biên): Địa chí văn hóa dân gian Nghệ  -Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2011,v.v…

[6] nt

[7] nt

[8] Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến tháng 6 năm 2012, có rất ít công trình nghiên cứu về Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung trên địa bàn Nghệ An được các nhà nghiên cứu công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

[9] Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An và Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An.

[10] Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An và Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An.

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 295
    • Số lượt truy cập : 6948291