THIỀN BỬU: NGÔI CHÙA GIỮA THÁP MƯỜI
HOÀNG VĂN LỄ
Từ phải sang: PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Thượng tọa Thích Lệ Tấn.
Hòa thượng Thích Quảng Ý (Chủ trì chùa Thiền Bửu), TS. Hoàng Văn Lễ (tác giả),
Đại đức Thích Lệ Ngôn, Huỳnh Thị Thu Ba
Nay chùa khang trang, khiêm nhường giữa làng quê thuộc ấp 915, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, một xã không còn quá nghèo của vùng trung tâm địa lý đồng Tháp Mười. Nơi đây từng là căn cứ cách mạng thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp 9 năm, từng được Xứ ủy Nam bộ và đồng chí Lê Duẩn đứng chân. Là nơi giáp ranh 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang, “dây rau muống bò lan ba tỉnh”, như cách nói của dân làng, rừng tràm mênh mông vừa tự nhiên vừa được trồng tập trung, là một ngành kinh tế nông nghiệp lợi thế của xã nhà, nhiều kênh rạch và cầu đường mới vắt chồng chéo trên địa bàn, chuyện làm cầu, mở đường đang là chuyện thời sự của Tháp Mười và Đồng bằng sông Cửu Long: xóa cầu khỉ.
1. Hòa thượng Thích Quảng Huy (1881-1952), hiệu là Từ Chiểu, thuộc Lâm Tế chánh tông; là tổ khai sơn chùa Bồng Lai (tiền thân của chùa Thiền Bửu). Chùa có kết cấu trụ gỗ, mái ngói là một công trình thờ Phật nghiêm túc. Rồi chiến tranh làm hư hại, Tổ Nhật Hiếu tiếp nối tu hành có lúc phải tản cư. Đến năm 1966 chiến tranh tàn phá, bình địa, quá nhiều hố bom lớn nhỏ. Đến năm 1977 Đại đức Quảng Ý (nay là Hòa thượng) về địa phương là quê quán của mình, tái lập lại chùa từ nền cũ, dày công, vượt khó, dần từng bước phục dựng ngôi chùa hiện tại. Một nét đặc trưng: chùa được tôn tạo và gắn kết với dòng họ Võ, một dòng họ hầu hết thấm nhuần Phật pháp, nhiều vị xuất gia tu hành nghiêm túc; đồng thời là một dòng họ hiếu học, bản lĩnh, võ phái gia truyền.
Hòa thượng Thích Quảng Huy (1881-1952)
Ông tổ đời 1 là Võ Văn Hạo, một người thuần nông đi khai hoang mở cõi, có võ thuật đồng thời với nghề thuốc, sẵn từ tâm cứu giúp người nghèo, người bị nạn và mọi người khác khi cần. Bản lĩnh kiên cường để có thể trụ lại trên đất rừng mênh mông của đồng Tháp mười những năm giữa thế kỷ XIX.
Hòa thượng Thích Quảng Huy, thế danh là Võ Văn Tam, thuộc đời 3 của họ Võ, xuất gia tùy duyên tu học, người chủ xướng góp công góp tịnh tài từ trong họ tộc trước, sau mới huy động dân lập nghiệp thưa thớt cúng dường, lập nên ngôi chùa với cột gỗ mái ngói để thờ cúng đức Phật và thánh thần, trên vùng đất thưa dân bao phủ bởi rừng tràm Tháp Mười hoang dã trống vắng. Đây là ngôi chùa đầu tiên của vùng xa đồng Tháp Mười. Khi dân tụ cư được vài chục hộ tiên phong, chùa và Phật tử tu theo giáo lý nhà Phật: luôn thực thà không gian dối, luôn thấu hiểu làm lành để được quả phúc, giữ ơn đức cho mình và cho con cháu, ra sức cuốc cày trồng lúa lập vườn, sẵn lòng cứu tế giúp người và được người giúp… những triết lý cuộc sống rất văn hóa tâm linh của người Việt học từ tổ quán của mình.
2. Hòa thượng Thích Thiền Bửu (1911-1978), tổ truyền thừa thứ hai:
Hòa thượng Thích Thiền Bửu (1911-1978)
Hòa thượng Thích Thiền Bửu (1911-1978), hiệu là Chơn Như, thuộc tông Lâm Tế Gia phổ, đời 411. Thế danh là Võ Nhật Hiếu, thuộc đời 5 họ Võ. Khi trụ trì chùa, phải luôn chỉnh sửa hư hại do chiến tranh, đặt lại tên là Thiền Bửu theo kệ truyền thừa của hệ phái (cả tên chùa và pháp danh của Sư). Hai đệ tử tiếp truyền là Sư Thích Quảng Ý (trụ trì chùa Thiền Bửu) và Thích Lệ Tấn (Thượng tọa, Phó Trưởng ban Từ thiện - Xã hội GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Tân Thạnh, trụ trì chùa Giác Hoa). Riêng về công tác từ thiện, Sư Thích Lệ Tấn đã vận động, huy động các nhà từ thiện và cư sĩ, phật tử làm thành công hàng chục cầu bê-tông giúp dân vùng sâu, vùng xa và xã nhà mấy năm qua; mang niềm vui thông thương đi lại an toàn cho làng quê nhiều sông rạch.
3. Hòa thượng Thích Quảng Ý (1944-?), thế danh Võ Văn Lành, đời thứ 5 họ Võ. Sư xuất gia vào năm 1960 tại chùa Thiền Lâm, thọ giáo Hòa thượng Thích Phổ Minh. Tinh tấn học tu 2 năm tại trường Phật học Kim Liên (gần Chợ cũ Mỹ Tho), học nghề thuốc đông y ở Cần Thơ. Ở vùng căn cứ kháng chiến, bom pháo tàn phá triệt hạ tất cả, người bám trụ bị tồn nghi nên bỏ hết ruộng vườn làng xóm; Sư từng bị chế độ Sài Gòn bắt 15 ngày, chờ kết tội, gia đình “chạy lo” khá nhiều tiền mới được thả, nên từ năm 1966 làng quê bị quét sạch, ruộng vườn nhà cửa tan nát, chùa miếu đều theo dân tản cư tất cả.
Sư về tu học tại chùa Long Phước xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, đến năm 1972 được trì giới Đại đức, chủ trì chùa này đến ngày Giải phóng. Năm 1977 Sư xin được chuyển về quê quán. Bấy giờ nơi nền đất cũ, được họ hàng hùn phước dựng lại ngôi chùa Thiền Bửu với cây lá từ rừng tràm, Phật tử bấy giờ là dân hồi hương rất khó khăn, sự cúng dường hạn hữu.
Khôi phục ngôi chùa trong bối cảnh năm tháng đầu sau ngày Giải phóng là công sức to lớn của Sư và dòng họ Võ quê quán, luôn nhớ ơn khai phá lập làng của các vị tiền hiền cụ Võ Văn Hạo (Tổ đời 1), tưởng nhớ Sư khai sơn Thích Quảng Huy (Võ Văn Tam). Trước hết là hùng lực của Sư Quảng Ý, kết hợp với tinh thần thượng võ của dòng họ, chùa dựng lại và nhanh chóng khôi phục, với niềm tin Phật gia bị cho họ tộc và dân làng. Mỗi năm chùa Thiền Bửu bổ sung vài hạng mục để quang lâm tươi đẹp. Đến năm 1989, tượng đài và cảnh trí Quán Thế âm được hoàn thành; đây là một nét thích nghi tận dụng một cách sáng tạo, từ một hố bom to cải biến mỹ thuật thành hồ sen trang nhã và an vị tượng Quan Thế Âm. Đến năm 1990 chánh điện thờ Phật mới xây dựng kiên cố chắc chắn, tu bổ thêm và bày trí thêm các hình ảnh về sự tích Phật Thích ca... Năm 1997 Đại đức Thích Quảng Ý được tấn phong Thượng tọa và năm 2012 Sư được tấn phong Hòa thượng. Riêng từ lúc hồi cư năm 1977 đến nay Sư Quảng Ý đã trụ trì chùa Thiền Bửu trên 45 năm, đức tinh tấn, kiên trì và vốn tri thức Phật học uyên bác thật đáng khâm phục.
Khi được hỏi vì sao có sự kiên nhẫn phụng sự đạo pháp tại vùng đất hẻo lánh này? Sư cười lạc quan và nói: “vì chưa có vị sư nào về trụ bám nơi vùng xa Long An cả, sau khi tôi viên tịch, Ban Trị sự sẽ bổ nhiệm”, hiện có gần chục vị sư thọ giới với Sư, nhiều vị là em cháu họ Võ. Có nhiều đợt Sư truyền giới, tiêu biểu nhất là tổ chức xuất gia người trong họ tộc, vào ngày 23-5-1992 (21-4 năm Nhâm Thân) có 5 vị là Nguyễn Văn Hơn (Thích Lệ Thông), Du Đức Dũng (Thích Lệ Trí), Võ Trí Nguyên (Thích Lệ Ngôn), Võ Văn Năm (Thích Lệ Tâm) và Võ Thế Hữu (Thích Lệ Duyên). Các vị sư này tu học và phục vụ ở cấp huyện và tỉnh nhà. Có vị tu học đạt học hàm Tiến sĩ Phật học, góp công sức trí tuệ cho Phật giáo và đất nước, như Đại đức Thích Lệ Ngôn, sinh năm 1980, xuất gia từ năm 12 tuổi; tiến trình tu học khá viên mãn: 6 năm học Trung cấp Phật học, 4 năm học Đại học Khoa học xã hội - và nhân văn (2000-2004) và 8 năm du học tại Ấn độ (2006-2014) nhận bằng Tiến sĩ Phật học; hiện là Trưởng phòng hành chính Học viện Phật giáo Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Lịch sử truyền thừa xem chừng thật đơn giản, có hơn 9 năm (1966-1975) ngôi chùa của Tổ khai sơn vốn chỉ cây lá và chỉnh sửa vài lần đã bị san bằng, chỉ còn lại cái nền đất và cỏ dại. Thêm hai năm 1975-1977 còn rất khó khăn, bị động, đến năm 1977 Sư Quảng Ý đã phục dựng lại ngôi chùa như nêu trên ngang tầm với vị khai sơn vậy.
Gắn bó họ Võ với nghề võ, với Chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt, cháu bà nội Võ Thị Ngô (đời 4) một kiệt nữ của địa phương:
Con dâu họ Huỳnh, bà Võ Thị Ngô (đời 4) sinh năm 1888, sánh duyên cùng ông Huỳnh Tồn Tâm sinh năm 1887, qua giới thiệu (mai mối) của Sư Quảng Huy tại vùng kháng chiến; Ông bà sinh 6 người con (2 trai, 4 gái). Người con trai thứ ba là ông Huỳnh Văn Khanh, nối nghiệp cha làm thầy thuốc (có hai bài thuốc gia truyền đặc trị nổi tiếng), sánh duyên cùng bà Trần Thị Chiến; các con của ông bà gồm 8 người, người con trai thứ hai là PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng và người thứ bảy là Huỳnh Tuấn Kiệt, một đại võ sư lập ra môn phái Nam Huỳnh Đạo.
Ông Huỳnh Tuấn Kiệt tiếp nối dòng võ gia truyền của họ Võ qua bà nội và các ông cậu của mình, đồng thời với bốc thuốc trị bệnh bằng đông dược. Bấy giờ các cháu nội của Võ Thị Ngô và ông Huỳnh Tồn Tâm được sinh ra và lớn lên ở vùng xa Tháp Mười, một tổ quán có nối tiếp truyền thống y-võ và tu học Phật.
Như vậy quá trình khai sơn và duy trì của ngôi chùa trên gắn liền với thời cuộc trong tiến trình đấu tranh giành độc lập của địa phương Tháp Mười, vùng xa của tỉnh Long An. Có 9 năm cùng làng quê bị san bằng do chiến tranh, song ngay từ lúc khai sơn, cũng như tái dựng lại ngôi chùa, công sức ba vị sư chủ trì hết sức trì chí và hạnh nguyện, cùng với dòng họ Võ giàu lòng yêu nước, bản lĩnh, học tu giáo lý Phật pháp nghiêm túc. Một làng rừng biểu tượng xứng đáng của vùng xa Tháp Mười, tỉnh Long An vậy.
1. Bài kệ truyền thừa của Tổ Mộc Trần - Đạo Nhân: Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên/ Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên/ Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ/ Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền.
Bình luận bài viết