Thông tin

THIỀN ĐỊNH VỀ “KHÔNG CÓ CÁI TÔI”

(MEDITATING ON NO-SELF)

(Tiếp theo Từ Quang 44)

 

Ni sư AYYA KHEMA
HOANG PHONG chuyển ngữ

 


 

Theo truyền thống tu tập trên đây (Phật giáo Theravada), thì phải trải qua ba giai đoạn (cấp bậc) giác ngộ trước khi đạt được giai đoạn thứ tư [và cuối cùng] là sự giác ngộ hoàn hảo. Giai đoạn thứ nhất (trong số ba giai đoạn đầu) là giai đoạn liên quan đến chúng ta - ít nhất là trên phương diện lý thuyết - đó là giai đoạn của một người gọi là sotāpanna, nguyên nghĩa là “một người bước được vào dòng chảy” (kinh sách Hán ngữ gọi là “nhập lưu”). Đấy là một người, vào một dịp nào đó đã thoáng trông thấy được nibbāna (niết-bàn, nguyên nghĩa là một thể dạng trong đó không có bất cứ một thứ gì hiển hiện, nhưng cũng không có bất cứ một thứ gì biến mất, ngoài ra chữ niết-bàn cũng có một nghĩa thứ hai là sự tận diệt hay sự chấm dứt của tất cả mọi cội rễ tạo ra các điều tai hại và bất hạnh / akusalamūla), giúp người ấy đương nhiên bước được vào dòng chảy; không còn bất cứ gì có thể ngăn chặn không cho phép mình bước theo Con Đường. Nếu sự hé thấy nibbāna đó lưu lại dấu vết sâu đậm trong sự nhận thức (insight / sự quán thấy sâu xa, tâm thức sâu kín) của mình, thì người ấy sẽ chỉ còn tái sinh thêm một lần nữa, hoặc nếu không thì nhiều nhất cũng chỉ bảy lần. Hé thấy được nibbāna dù chỉ một lần, cũng đủ để xóa bớt những nỗi bất hạnh (khổ đau) của mình trước đây. Chướng ngại to lớn nhất mà người ấy (tức là “người đã bước được vào dòng chảy”) có thể xóa bỏ là ý niệm mà chúng ta gọi là “tôi”, với tư cách là một thực thể cá biệt, và điều đó cũng có nghĩa là đã loại bỏ được tầm nhìn sai lầm về “tôi” (về chính mình, về con người của mình). Thế nhưng điều đó không có nghĩa là người sotāpanna (người đã bước được vào dòng chảy) thường xuyên ý thức được là mình không có cái tôi. Tuy loại bỏ được sự quán thấy sai lầm đó về “tôi” (về sự hiện hữu của cái tôi), thế nhưng sự quán thấy đúng đắn (không có cái tôi) đòi hỏi nhiều cố gắng hơn, cùng các cảm nhận ngày càng sâu xa hơn.

Người ấy (sotāpanna / người bước được vào dòng chảy) không còn quan tâm nhiều đến nghi lễ và tập tục. Tuy nhiên, vì tôn trọng văn hóa (truyền thống) và thói tục, có thể người ấy sẽ vẫn tiếp tục thực thi nghi lễ và các tập tục, thế nhưng không còn tin rằng các thứ ấy có thể mang lại cho mình bất cứ một hình thức giải thoát nào - tất nhiên trước đó người ấy đã từng tin vào nghi lễ và tập tục. Có một điều khá quan trọng nhưng không còn xảy ra nữa: đó là sự nghi ngờ (skeptical doubt / sự hoài nghi / khi đã quán thấy được Con Đường thì người bước được vào dòng chảy sẽ không còn nghi ngờ gì về giá trị và sự đúng đắn của Con Đường mà mình đang bước theo). Người bước được vào dòng chảy không còn ngờ vực nữa, bởi vì người ấy tự mình nhận thấy những gì Đức Phật thuyết giảng đều đúng thật. Thế nhưng trước đó thì sự nghi ngờ vẫn cứ luôn ám ảnh người ấy khiến người ấy tự hỏi: “Vâng, có thể đúng là như thế, nhưng làm thế nào có thể biết chắc đúng thật là như thế?”. Chỉ khi nào tự mình chứng nghiệm được bởi chính mình (đã từng ít nhất một lần cảm nhận và chứng nghiệm được sự buông xả mang lại cho mình sự thanh thản và an vui) thì khi đó mình mới không còn hoài nghi nữa. Sau đó, sẽ không còn bất cứ một sự nghi ngờ nào hiện lên với mình nữa, bởi vì chính mình nhận thấy thật chính xác những gì Đức Phật mô tả, và khi đã trông thấy được các điều mô tả đó thì con tim mình và cả tâm thức mình sẽ khai mở thêm sự hiểu biết, giúp mình trông thấy phần còn lại (trên con đường mà mình đang bước đi).

Thật quan trọng là phải hiểu được trong Dhamma (chữ Dhamma có nghĩa là Giáo huấn hay Giáo lý của Đức Phật, nhưng cũng có nghĩa là các “hiện tượng” với ý nghĩa thật bao quát gồm tất cả những gì chuyển động trong tâm thức một cá thể và trong môi trường bên ngoài, tức là thế giới. Cũng vậy, trong kinh sách Hán ngữ chữ “Pháp” cũng có hai nghĩa, và trong trường hợp trên đây thì chữ dhamma hay chữ pháp có nghĩa là hiện tượng) không hề có một thực thể cá biệt nào cả (special entity / một cái gì đó mang tính cách chuyên biệt được quy định một cách cụ thể và cá biệt), mà chỉ là một sự diễn tiến liên tục [của các hiện tượng / dhamma]. Chính vì sự liên tục đó (sự diễn tiến liên tục đó của các hiện tượng trong sự sống và sự sinh hoạt của mình) nên thật hết sức khó cho chúng ta nhận biết là không có bất cứ một người nào [một cái tôi nào] ẩn chứa bên trong thân xác mình đang điều khiển (sai khiến) những gì đang xảy ra (các tư duy, xúc cảm, tác ý, ngôn từ, cử chỉ và hành động của mình - tức là các dhamma ấy, các hiện tượng ấy - chỉ đơn giản là các phản ứng, các kết quả tạo ra bởi sự lôi kéo và trói buộc giữa nguyên nhân và điều kiện, chi phối bởi nguyên lý tương liên: “cái này có, cái kia sinh ra”. Sự diễn tiến liên tục đó của các hiện tượng khiến mình nghĩ rằng có một cái tôi điều khiển chúng). Thế nhưng các sự kiện ấy vẫn cứ tiếp nối nhau xảy ra như thường (dù không có một cái tôi nào điều khiển chúng). Vì vậy, khi chúng ta hé thấy được sự tự do lần đầu tiên (sau khi loại bỏ được cái tôi) - có nghĩa là khi đã “bước được vào dòng chảy” - thì những sự biến đổi sẽ xảy ra bên trong con người của mình (tức là không còn xem là có một cái tôi nào đứng phía sau các sự kiện ấy, các dhamma ấy để điều khiển chúng, thúc đẩy chúng, sai khiến chúng, mà đấy chỉ là kết quả tạo ra bởi sự níu kéo giữa các hiện tượng, như đã được nói đến trên đây). Các kinh nghiệm cảm nhận đó tất nhiên không đủ sức làm bật gốc các sự thèm khát và ghét bỏ, kinh sách cũng không thấy nói đến sự kiện này trong cấp bậc đầu tiên (bước được vào dòng chảy) trên đây. Tuy nhiên, sự hiểu biết mở rộng đó cũng làm cho các sự thèm khát và ghét bỏ đó nhẹ bớt đi. Các cảm tính [thèm khát và ghét bỏ đó] không còn gay gắt như trước nữa, không còn gây ra các tác động lộ liễu nữa, thế nhưng thật ra các cảm tính ấy vẫn còn dai dẳng và kín đáo (bên trong chính mình).

Các giai đoạn tiếp theo gồm trước hết là giai đoạn của “một người sẽ còn quay lại thêm một lần” (sakādāgamī), tiếp theo là giai đoạn của “một người không còn quay lại nữa” (anāgāmī), và sau hết là giai đoạn [thứ ba] của người A-la-hán (Arahant). Người còn quay lại thêm một lần (sakādāgamī) là người vẫn còn thèm muốn cuộc sống trong thế giới của năm thứ giác cảm (bóng dáng, âm thanh, mùi, vị, sự đụng chạm). Người không còn quay lại nữa (anāgāmī) là người không còn cần đến sự sống (sự hiện hữu qua năm thứ giác cảm) ở thể dạng con người (bởi vì họ đã trở thành các thiên nhân hay thánh nhân trong các cõi khác). Người A-la-hán (Arahant) là người đã đạt được sự giác ngộ toàn vẹn. Đối với “người không còn quay lại nữa” thì các sự thèm khát giác cảm và các cảm tính ghét bỏ đều tan biến hết. Tuy nhiên, cảm tính về “tôi” về “cái tôi” chỉ có thể hoàn toàn biến mất khi đã [thật sự] trở thành người A-la-hán.

Bởi vì chúng ta chưa phải là các vị A-la-hán, nên chúng ta bắt buộc phải chấp nhận mình vẫn còn thèm khát và ghét bỏ. Thế nhưng không phải vì thế để tự oán trách mình, mà chỉ nên đơn giản tìm hiểu xem các cảm tính đó phát sinh từ đâu. Chúng phát sinh từ ảo giác về “tôi”. Tôi muốn bảo vệ “món nữ trang” đó, bởi vì nó chính là “tôi”: đấy là nguyên nhân làm phát sinh ra các cảm tính đó (các cảm tính thèm khát và ghét bỏ). Nếu thực thi thiền định đều đặn (thường xuyên suy tư và chiêm nghiệm về không có cái tôi trong cuộc sống) thì tâm thức sẽ dần dần trở nên sáng suốt, và đến một lúc nào đó thì nó sẽ quán nhận được sự kiện đó, giúp nó hội đủ khả năng trông thấy được hiện thực siêu nhiên. Dù người hành thiền chỉ có thể trông thấy hiện thực siêu nhiên trong khoảnh khắc của một tư duy (tức là bằng sự suy nghĩ) đi nữa, thế nhưng sự trông thấy ấy cũng đủ tạo ra các tác động vô cùng to lớn, đánh dấu một sự biến đổi trọng đại trong cuộc sống của mình (giúp mình đi xa hơn trên Con Đường).

(Bài giảng của Ni sư Ayya Khema chấm dứt với sự quán thấy sự trống không của cái tôi và của hiện thực trong một khoảnh khắc của một tư duy. Thế nhưng, đấy là điểm khởi đầu thật quan trọng giúp mình tiếp tục tiến xa hơn trên Con Đường. Bởi vì điểm đến của Con Đường không chỉ đơn giản là sự quán thấy hay cảm nhận về sự trống không của con người mình, của cái tôi của mình, mà cả sự trống không của cả sự cảm nhận ấy của chính mình, tức là sự trống không của sự trống không).

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

Điểm đáng lưu ý trước nhất trong bài giảng trên đây của Ni sư Ayya Khema là ba cửa ngõ mang lại sự giải thoát:

1- Tính cách vô danh tính của hiện thực: Trong thế giới hiện tượng chẳng có bất cứ một thứ gì là thật cả. Chẳng có bất cứ một thứ gì vững chắc và trường tồn để có thể bám víu vào đó.

2- Không thèm khát: Tất cả những gì trong thế giới hiện tượng đều là khổ đau. Sự hiện hữu của mình trong thế giới đó là cả một khối khổ đau to lớn. Thân xác mình khổ đau, tâm thức mình khổ đau, chung quanh mình khổ đau, tất cả chỉ vì sự bảo vệ cái tôi, chỉ vì mọi thứ thèm khát của cái tôi. Không thèm khát là cách giải thoát mình ra khỏi thế giới.

3- Sự trống không của thế giới: Ý thức được sự trống không của thế giới là cách khiến mình không bám víu vào thế giới. Không bám víu vào thế giới, vào cái tôi của mình, sự sinh sẽ không sinh ra.

Vậy đôi khi chúng ta cũng nên nhìn lại việc tu tập của mình, xem mình đang hướng vào cửa ngõ nào trong số ba cửa ngõ ấy, hay mình vẫn còn đang hướng vào bốn bức tường chật hẹp của tâm thức mình?

Điểm đáng lưu ý thứ hai trong bài giảng trên đây là cái tôi được Ni sư Ayya Khema đồng hóa với một món nữ trang quý giá, mà chúng ta luôn tìm cách để bảo vệ nó, và tự nhận diện mình qua bóng dáng của nó. Mỗi người trong chúng ta đều có một món nữ trang; mỗi gia đình đều có một món nữ trang; mỗi tập thể, mỗi xã hội, mỗi quốc gia... đều có một món nữ trang. Cơ quan Liên Hiệp Quốc cùng các nhà xã hội học cũng như các ngành thống kê đều cho biết dân số trên địa cầu này sẽ lên đến con số 8 tỉ người vào tháng 11/2022. Nhân loại sẽ có 8 tỉ cái tôi cá nhân, hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn... cái tôi tập thể để bảo vệ, vì thế thật hết sức khó làm cho các sự xung đột và chiến tranh phải chấm dứt trên hành tinh này.

Sau đây là vài nét về tiểu sử của Ni sư Ayya Khema, tác giả của bài thuyết giảng trên đây. Bà gốc người Đức, sinh năm 1923 tại Berlin trong một gia đình Do Thái giáo. Bà cùng hai trăm đứa trẻ khác được đưa sang miền Bắc nước Anh năm 1938 dưới thời Đức Quốc xã. Hai năm sau thì cha mẹ bà sang được Trung Quốc. Bà sang Trung Quốc để đoàn tụ với cha mẹ, thế nhưng cả gia đình lại bị quân đội Nhật giam vào trại tù binh. Cha bà qua đời trong trại, bà và mẹ được thả ra sau bốn năm bị giam giữ. Bà xin di trú tại Mỹ, sau đó thì lập gia đình và có hai con, thế nhưng bà luôn cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó to lớn hơn và quan trọng hơn trong cuộc đời mình.

Sự thiếu thốn và khắc khoải đó đã đưa bà vào một cuộc phiêu lưu thật dài, dẫn bà xuống các vùng Nam Mỹ, sang Pakistan, Ấn Độ và sau đó là Úc châu. Tại nơi này, bà khám phá ra Phật giáo Theravada, và cảm thấy quả đây là những gì mà bà từng khắc khoải và mong cầu. Bà dành trọn thời giờ để học hỏi Phật giáo và phép thiền định. Chỉ vài năm sau là bà đã bắt đầu giảng dạy về thiền định tại các nước Âu châu, Mỹ châu và Úc châu. Năm 1978 bà thành lập ngôi chùa Wat Buddha Dhamma tại Úc châu gần thành phố Sydney, việc tu tập trong chùa dựa theo truyền thống Tu trong rừng. Năm 1979, bà thân hành đến Tích Lan và tại đây bà được chính thức được thụ phong ni sư với pháp danh Khema. Ayya Khema tên gọi của bà là tiếng Pali, Ayya có nghĩa là Vị tôn kính (Venerable) dùng để gọi một phụ nữ đáng kính, chữ Khema có nghĩa là An nhiên - chữ này có hai nghĩa: safe / an lành và secure / yên ổn). Sau đó, trên đất Tích Lan bà thành lập Trung Tâm Phụ Nữ Phật Giáo (Buddhist Women's Center) một nơi chuyên đào tạo các nữ tu sĩ.

Bà ý thức được một điều là hết sức khó cho một phụ nữ chọn con đường xuất gia. Năm 1987, bà tổ chức Hội nghị Quốc tế đầu tiên dành cho những người phụ nữ Phật giáo. Đức Đạt-lai Lạt-ma đích thân đọc diễn văn khai mạc Đại hội này, và từ Đại hội này vào tháng 5 cùng năm đó đã tạo dịp cho bà, một người phụ nữ đầu tiên, đọc một bài diễn văn về Phật giáo trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước. Năm 1988, bà được truyền thống Đại thừa Trung Quốc chính thức thụ phong ni sư.

Dù đã trở thành công dân của thế giới, thế nhưng bà cũng đã trở lại quê hương cũ của mình theo lời mời của các thiền sinh tại nơi này, và cũng tại nơi này năm 1989, bà thành lập một trung tâm thiền định mang tên là Buddha Haus. Bà viên tịch năm 1997, để lại cho chúng ta 25 quyển sách về thiền định.

 

Bài kinh về đặc tính không có cái tôi

Anatta-lakkhaṇa Sutta
(Saṃyutta Nikāya/ Tương Ưng Bộ Kinh - SN 22.59)

Lời mở đầu của người chuyển ngữ

Bài kinh về đặc tính không có cái tôi” tiếng Pali là Anattalakkhaṇa Sutta, anatta có nghĩa là “không có cái tôi” kinh sách Hán ngữ gọi là “vô ngã”, lakkhaṇa có nghĩa là đặc tính. Kinh sách Hán ngữ gọi bài kinh này là “Kinh vô ngã tướng” (無我相經). Bài kinh này tương đối ngắn, dễ hiểu và khá phổ biến, nhưng đã giữ một vị trí khá quan trọng trong toàn bộ kinh điển Pali, bởi vì đây là bài kinh thứ hai - hoặc ít nhất cũng là một trong các bài kinh đầu tiên - mà Đức Phật thuyết giảng sau khi đưa ra bài kinh thứ nhất là Dhamma-Cakka-Pavattana Sutta / “Bài kinh chuyển bánh xeDhamma” - kinh sách Hán ngữ gọi là “Kinh chuyển Pháp Luân” - mở ra toàn bộ Giáo huấn Phật giáo.

Thật vậy “Bài kinh về đặc tính không có cái tôi” nêu lên một khái niệm vô cùng độc đáo làm nòng cốt cho toàn bộ giáo huấn Phật giáo, đó là khái niệm “Không có cái tôi” (Anatta). Trong bài kinh này, khái niệm không có cái tôi được Đức Phật thuyết giảng kèm theo một khái niệm thứ hai không kém quan trọng, đó là khái niệm về “năm thứ cấu hợp” tạo ra một cá thể con người, tiếng Pali là Pañca-khanda, kinh sách Hán ngữ gọi là “Ngũ uẩn”. Hai khái niệm trên đây đặt nền móng cho toàn bộ Giáo huấn của Đức Phật. Sau khi chuyển động chiếc bánh xe Dhamma thì ngay sau đó Đức Phật nêu lên cái trục của bánh xe và cả khung sườn của cỗ xe. Qua những năm tháng dài thuyết giảng chiếc bánh xe, trục và cả khung sườn của chiếc xe đã trở thành một cỗ xe vững chắc và tuyệt đẹp, lăn đều cho đến ngày nay.

Đức Phật thuyết giảng bài kinh này cho năm vị đồng tu với mình trước kia, đồng thời năm vị này cũng là năm vị tỳ-kheo đầu tiên trong Tăng đoàn vừa mới được thành lập. Đức Phật, lúc đó còn là thái tử Siddhārtha, đã từng tu tập theo lối khổ hạnh với năm vị này, thế nhưng sau đó thì Ngài từ bỏ cách tu đày đọa thân xác đó, khiến năm vị đồng tu bỏ rơi Ngài và đi nơi khác. Do vậy, “Bàikinh về đặc tính không có cái tôi” còn được gọi là Pañcavaggi Sutta / “Bài kinh giảng cho năm vị đồng tu”.

Đức Phật thuyết giảng bài kinh ngắn và thiết thực trên đây cho những con người chất phác trong thung lũng sông Hằng cách nay đã hơn hai nghìn năm trăm năm, thế nhưng trong bối cảnh xã hội ngày nay vẫn luôn là những lời giảng ngắn gọn, minh bạch và chính xác giúp chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn những lời giảng trên đây của Ni sư Ayya Khema về khái niệm không có cái tôi. Bản dịch tiếng Việt dưới đây về bài kinh Anatta-lakkhaṇa Sutta chủ yếu được dựa vào bản dịch tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu, đồng thời cũng được đối chiếu với một số các bản dịch tiếng Anh khác, cùng các bản dịch tiếng Việt đã có từ trước.

 

Bài kinh về đặc tính không có cái tôi
Kinh Vô Ngã Tướng

(Anatta-lakkhaṇa Sutta - SN 22.59)

Tôi từng được nghe như vầy. Lúc đó Đấng Thế Tôn đang ngụ gần thị trấn Varanasi (Ba-la-nại) trong khu rừng Isipatana (vườn Lộc Uyển). Ngài giảng cho năm vị đồng tu như sau:

“Hình tướng (rūpa / form / “sắc” / thân thể, thân xác vật chất) không phải là cái tôi. Nếu hình tướng là cái tôi thì nó sẽ không tự tạo ra cho nó sự bất toại nguyện (dis-ease / bất ổn, bất an, bệnh tật, khổ đau. Chữ disease trong tiếng Anh có nghĩa là bệnh tật, thế nhưng trong bản dịch của Thanassaro Bhikkhu thì chữ này được tách ra làm đôi: tiền ngữ dis nói lên một sự phủ nhận, hậu ngữ ease có nghĩa là sự thoải mái, dễ chịu). [Bởi vì] đối với chính nó thì nó [có thể tự bảo nó (tự nhủ, tự sai khiến nó)]: ‘Phải như thế này! Không được phép như thế kia!'. Thế nhưng hình tướng không phải là cái tôi (không phải là chủ thể hay chủ nhân ông của thân xác, để có thể sai khiến nó phải như thế này, không được phép như thế kia, chẳng hạn như phải đẹp đẽ, khỏe mạnh, đúng với ý muốn của nó, nhưng không được phép xấu xí, đau yếu, bệnh tật...). Vì thế, hình tướng không sao tránh khỏi sự bất toại nguyện. Và nó cũng không thể tự [bảo nó]: ‘Không được phép như thế này, không được phép như thế kia' (nói một cách khác thì thân xác không phải là cái tôi, cũng không có cái tôi nào trong đó cả, để có thể tự nó muốn gì thì muốn).

[Ý nghĩa của câu trên đây liên quan đến 1- “thân xác”, sẽ được lặp lại với các trường hợp, 2-”cảm giác” (vedanā / feeling / “thọ” / tức là các cảm nhận của ngũ giác), 3- “sự nhận thức” (saññāā / perception / sự nhận biết các cảm giác), 4- “các sự tạo tác tâm thần” (saṅkhāra / mental fabrications / “hành” / các tác ý hiện lên trong tâm thần), thế nhưng các câu này được cắt bớt, nhằm tránh sự lặp đi lặp lại. Tuy nhiên dưới đây ý nghĩa của câu này sẽ được lặp lại đầy đủ đối với trường hợp của 5- “tri thức” (viññāṇa / consciousness / “thức” / tâm thần, tâm thức)]

“Tri thức không phải là cái tôi. Nếu tri thức là cái tôi, thì nó sẽ không tự tạo ra cho nó sự bất toại nguyện (dis-ease). [Bởi vì nếu tri thức đúng thật là cái tôi] thì nó sẽ có thể [bảo nó / sai khiến nó]: ‘Phải như thế này. Không được phép như thế kia'. Thế nhưng tri thức không phải là cái tôi, vì thế tri thức không sao tránh khỏi sự bất toại nguyện. Và nó cũng không thể [bảo nó / tự sai khiến nó]: “Không được phép như thế này. Không được phép như thế kia”.

[Tóm lại năm thứ: (1) thân xác, (2) cảm giác, (3) sự nhận thức, (4) các sự tạo tác tâm thần và (5) tri thức, không có thứ nào là cái tôi cả, hầu chúng có thể tự sai bảo chúng phải như thế này, không được phép như thế kia. Năm thứ đó gọi là năm thứ cấu hợp (khanda / five heaps, five aggregates, five groupings... / kinh sách Hán ngữ gọi là “ngũ uẩn”) tạo ra một cá thể. Đức Phật tiếp tục nêu lên dưới đây bản chất của năm thứ cấu hợp ấy]

“Này các tỳ-kheo, các tỳ-kheo nghĩ thế nào: Hình tướng là thường hằng (bền vững không biến đổi) hay vô thường (biến động, đổi thay)?”

“Vô thường! Thưa Thế Tôn”.

“Vậy vô thường là an vui hay lo buồn (stressful / bất an, bấn loạn, lo sợ)?

“Lo buồn! Thưa Thế Tôn”.

“Vậy những gì vô thường, lo buồn, luôn biến đổi có đúng: ‘Đấy là những gì thuộc vào tôi. Đấy là cái tôi của tôi. Đấy là chính tôi hay không?'”

“Không! Thưa Thế Tôn”.

[Ý của các câu hỏi đáp trên đây liên quan đến bản chất của hình tướng (thân xác) (1) - được lặp lại với “cảm giác” (2), “sự nhận thức” (3), “các sự tạo tác tâm thần” (4) và “tri thức” (5), thế nhưng các câu này sẽ được rút ngắn - tức không lặp lại đầy đủ - nhằm tránh bớt sự dài dòng]

“... Cảm giác thường hằng hay vô thường?”

“Vô thường! Thưa Thế Tôn”...

“... Sự nhận thức (nhận biết) thường hằng hay vô thường?”

“... Vô thường! Thưa Thế Tôn”...

“... Các sự tạo tác tâm thần thường hằng hay vô thường?”

“...Vô thường! Thưa Thế Tôn”...

“Này các tỳ-kheo, các tỳ-kheo nghĩ thế nào: tri thức thường hằng hay vô thường?”

“Vô thường! Thưa Thế Tôn”.

“Vậy những gì vô thường là an vui hay lo buồn?”

“Lo buồn! Thưa Thế Tôn”.

“Vậy những gì vô thường, lo buồn, luôn biến đổi có đúng: ‘Đấy là những gì thuộc vào tôi. Đấy là cái tôi của tôi. Đấy là chính tôi hay không?'”.

“Không! Thưa Thế Tôn”.

“Vì vậy, này các tỳ kheo, đối với bất cứ một hình tướng nào, dù thuộc quá khứ, tương lai hay hiện tại; thuộc nội tâm hay ngoại cảnh; tầm thường hay tinh tế; bình dị hay cao siêu; xa hay gần; thì phải xem nó chỉ là như thế, và phải xác định nó: ‘Không phải là của tôi. Không phải là cái tôi của tôi. Không phải là tôi’”.

[Ý của câu trên đây được lặp lại với các trường hợp cảm giác, sự nhận thức, các sự tạo tác tâm thần, thế nhưng các câu này sẽ được cắt bớt nhằm tránh sự dài dòng, và chỉ giữ lại trong trường hợp tri thức dưới đây]

“Đối với bất cứ một tri thức nào, dù thuộc quá khứ, tương lai hay hiện tại; thuộc nội tâm hay ngoại cảnh; tầm thường hay tinh tế; bình dị hay cao siêu; xa hay gần; thì phải xem nó chỉ là như thế và phải xác định nó: ‘Không phải là của tôi. Không phải là cái tôi của tôi. Không phải là tôi'.

“Sau khi đã nhận thấy được các điều đó (thân xác, cảm giác, sự nhận thức, các sự tạo tác tâm thần và tri thức không phải là của “tôi”, không phải là “cái tôi” của tôi, cũng không phải là chính “tôi”) thì một người đệ tử cao quý từng được học hỏi, sẽ tỉnh ngộ trước cảm giác, tỉnh ngộ trước sự nhận thức, tỉnh ngộ trước các sự tạo tác tâm thần (xin nhắc lại: các sự tạo tác tâm thần là các tư duy, tác ý, các sự tưởng tượng, hình dung, các xúc cảm, v.v.), tỉnh ngộ trước tri thức. Khi đã tỉnh ngộ thì người tỳ-kheo sẽ không còn đam mê nữa. Với thể dạng không còn đam mê đó, người tỳ-kheo sẽ đạt được sự giải thoát. Khi đã được giải thoát thì người tỳ-kheo sẽ có thể nói lên: ‘Tôi đã đạt được giải thoát'. Người tỳ-kheo sẽ hiểu được: ‘Sự sinh đã chấm dứt đối với tôi, cuộc sống thánh thiện đã được thực hiện, những gì cần phải làm đã hoàn tất, sẽ không còn một sự hiện hữu nào khác cả’ (không còn tái sinh nữa)”.

Đấy là những lời mà Đấng Thế Tôn thuyết giảng. Cả nhóm năm vị tỳ-kheo rất hân hoan trước những lời thuyết giảng đó của Đấng Thế Tôn. Sau khi được nghe những lời thuyết giảng đó thì tâm thức của cả năm vị tỳ-kheo đều được giải thoát, loại bỏ được các sự ô nhiễm. Tâm thức họ không còn bám víu vào những thứ khuấy động họ [như trước nữa] (các sự khuấy động ở đây có nghĩa là năm thứ cấu hợp / “ngũ uẩn” tạo ra con người của họ khi họ bỏ rơi người bạn đồng tu với mình bên bờ sông Nerañjara / Ni liên thiền trong khu rừng Uruvelā / Ưu lâu tần loa).

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

Bài kinh về đặc tính không có cái tôi (Anatta-lakkhaṇa Sutta) tuy ngắn gọn thế nhưng cũng có thể xem như là một cỗ xe cứng cáp đưa năm người bạn đồng tu (pañcavaggi) với Đức Phật ra khỏi thế giới hiện tượng này. Sau 45 năm lắc lư trên khắp nẻo đường rừng trong thung lũng sông Hằng, cỗ xe đó ngày nay đã trở thành một chiếc xe thật lớn, chuyên chở hàng trăm triệu người khắp nẻo trên hành tinh này. Thế nhưng tiếc thay, một phần lớn hành khách trên chuyến xe đó chỉ lo trò chuyện và ca hát ồn ào, hoặc ngắm nhìn quang cảnh ngoạn mục hai bên đường, tay thì vẫn cứ nắm chặt cái túi hành trang cất giấu “món nữ trang” quý giá nhất của đời mình. Không mấy ai nhìn ra trước mặt xem chuyến xe sắp đưa mình đến đoạn cuối của Con Đường hay chưa?

Nếu Ni sư Ayya Khema cho biết món nữ trang đó chính là cái tôi của mình mà mình luôn trân quý nó, bảo vệ nó, cất giấu nó, đeo vào tai, quàng quanh cổ, hoặc cài lên áo như một thứ huân chương vinh dự, thì năm thứ cấu hợp tạo ra con người của mình là gì? Đức Phật cho biết là sự cấu hợp của năm thứ cấu hợp đó đã tạo ra toàn bộ cái khối khổ đau này của chính mình.

Dưới con mắt của khoa học ngày nay thì năm thứ cấu hợp đó gồm những thành phần gì? Trong lãnh vực khoa học có một ngành nghiên cứu gọi là Anthropometry, chữ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, chữ anthropo có nghĩa là người, chữ metry có nghĩa là sự đo đạc. Ngành học này chuyên nghiên cứu về thân thể con người, từ một bào thai đến một người già nua, từ chiều cao đến sức nặng, từ các thành phần lỏng đến rắn chắc, v.v. Độc giả có thể nghĩ rằng khoa học cũng có những ngành lẩm cẩm, thế nhưng ngành nghiên cứu anthropometry này rất quan trọng, mang lại các ứng dụng vô cùng thiết thực: tiến hóa sinh học, nhân chủng học, di truyền học, thuốc men trị liệu, dịch tể học (epidemiology), kể cả kỹ nghệ may mặc, nghiên cứu kích thước chỗ ngồi trên xe cộ, máy bay..., và cả trong kỹ nghệ chiến tranh, chẳng hạn như tìm hiểu sức nặng, kích thước, khả năng chịu đựng, sức bền bỉ của một người lính, tương tự như nghiên cứu một khẩu súng liên thanh có thể bắn ra bao nhiêu viên đạn trong một phút, v.v.

Khoa học nghĩ đến mọi lãnh vực hiểu biết vật chất, thế nhưng trên phương diện tâm thần thì nếu cảm thấy không được “bình thường” lắm thì chỉ có một cách duy nhất là đi khám bác sĩ tâm thần, uống thuốc hoặc vào dưỡng trí viện. Nói chung, khoa học chỉ nhất thiết nghiên cứu hình tướng, các thành phần cấu tạo cùng sự vận hành của thân xác, trên phương diện tâm thần và tâm linh thì dường như còn chập chững nếu có thể nói như vậy, bởi vì ngành Tâm lý học mới bắt đầu được hình thành vào cuối thế kỷ XIX. Thế nhưng, hơn hai nghìn năm trăm năm trước, Đức Phật cũng đã tìm hiểu về con người và cho biết một cá thể con người gồm có năm thứ cấu hợp cùng liên kết và cùng vận hành với nhau: cấu hợp thứ nhất là thân xác và bốn cấu hợp còn lại thuộc lãnh vực tâm thần. Sự vận hành của bốn thứ cấu hợp đó tạo ra một sản phẩm gọi là cái tôi. Và cái tôi đó chính là nguyên nhân gây ra mọi thứ bất an, từ vật chất đến tâm thần và cả tâm linh. Đức Phật gọi chung tất cả các hình thức bất an đó là cái khối khổ đau của sự hiện hữu. Khắc phục và giải tỏa được sự thống trị của cái tôi đó là một phương thuốc chữa trị tất cả các mối khổ đau của sự hiện hữu. Ở một cấp bậc cao siêu hơn nữa thì sự khắc phục và giải tỏa cái tôi sẽ có thể giải thoát con người ra khỏi sự trói buộc của thế giới hiện tượng. Tâm lý học Phật giáo - nếu có thể nói như vậy - là một ngành khoa học siêu việt hơn các ngành sinh học, bệnh lý học, tâm lý học... ngày nay rất nhiều.

Đến đây, chúng ta hãy thử nêu lên một vài kết quả cụ thể mang lại từ ngành khoa học nghiên cứu và đo đạc thân thể con người gọi là anthropometry đã được nói đến trên đây. Khối lượng và trọng lượng của cơ thể và các thể dạng phát triển của cơ thể rất khác biệt nhau, tùy theo nam nữ, chủng tộc, tuổi tác - từ một bào thai cho đến thân thể của một người già nua v.v. Khoa học rất rắc rối, vậy chúng ta hãy nêu lên một vài con số trung bình đối với một người ở tuổi trưởng thành: người Mỹ nặng trung bình 80 kg, người Á châu từ 60 đến 70 kg; xương từ 4 đến 6 kg, não bộ 1.4 kg; các bắp thịt chiếm 35% (28% đối với phụ nữ), mỡ 13% (20% đối với phụ nữ, do đó da dẻ của người phụ nữ dường như có vẻ mịn màng hơn và có cảm giác như là nhung lụa, phải chăng cái lớp mỡ dư thừa đó cũng là một thứ nguyên nhân kín đáo, gián tiếp gây ra khổ đau cho cả nam lẫn nữ?), lục phủ ngũ tạng chiếm 28%, máu chiếm 7% đến 8%, da móng và lông tóc chiếm 2% đến 5%... Trên phương diện tổng quát thì nước chiếm khoảng 60%, 40% còn lại là các chất rắn. Nếu phân tích trên phương diện hóa học tính theo trọng lượng, thì nhiều nhất là oxy (65%), carbon (18%), hydro (10%), Azot (3%), calci (1.5%), kali (0.4%), lưu huỳnh (0.3%), muối (0.2%), clo (0.2%), sắt, đồng, kẽm, v.v. (dưới 0.1%).

Đức Phật cho rằng tất các thứ ấy, từ các cơ quan của cơ thể đến các thành phần hóa học của cơ thể, không có một thứ nào là cái tôi cả, cũng không có một thứ nào cất chứa cái tôi bên trong nó cả, mà chỉ toàn là những thứ khổ đau: máu có thể bị ung thư, não bộ có thể bị ung bướu, nếu thiếu hay dư thừa một nguyên tố hóa học nào cũng sẽ gây ra ốm đau cho thân xác, đôi khi cả tâm thần. Nếu nhìn vào thân thể một cách tổng quát hơn thì đối với một người nặng 60 kg, thành phần nước chiếm 36 kg, các thành phần rắn chiếm 24 kg. Nếu đặt hai thứ ấy vào hai cái thùng khác nhau thì cái tôi sẽ thuộc vào thùng nào: trong chiếc thùng đựng nước hay trong chiếc thùng đựng các chất rắn? Tất nhiên cũng có người sẵn sàng chấp nhận cách lý luận đó nhưng cho rằng cái tôi chính là người gánh hay vác hai cái thùng đó, và cái tôi ấy thì nằm bên trong não bộ của người ấy. Trong trường hợp đó thì có thể hỏi người ấy như thế này: “Vậy cái tôi nằm trong 80% nước của não bộ hay trong 20% chất rắn, và nếu nằm trong thành phần rắn thì các khoa học gia cho biết phần rắn đó của não bộ gồm hơn 100 tỉ tế bào neuron, vậy cái tôi nằm trong tế bào neuron nào?” Thật ra đấy cũng chỉ là một cách lý luận loanh quanh và tự biện về một cái gì đó khó mô tả mà thôi, bởi vì tâm thức khác thường - hay phi thường (extraordinary) nếu có thể nói như vậy - của một người hành thiền không có cùng một làn sóng với tâm thức của một người bình dị (ordinary), sự tranh luận trong lãnh vực ngôn từ do đó chẳng giải quyết được gì cả.

Độc giả có thể xem:

- hoặc bản gốc tiếng Anh bài viết trên đây của Ni sư Ayya Khema qua địa chỉ liên kết: https://www.accesstoinsight.org/lib/authors/khema/bl095.html

- hoặc bản dịch sang tiếng Pháp của bà Jeanne Schut qua địa chỉ liên kết: http://www.dhammadelaforet.org/sommaire/khema/mediter_non-soi.html

Ngoài ra, độc giả cũng có thể gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ “Kinh vô ngã tướng” thì sẽ tìm được rất nhiều bản dịch sang tiếng Việt của bài kinh này, một số được chuyển thành kệ để tụng, một số khác có nhiều câu thêm thắt hoặc sửa đổi, đồng thời cũng có nhiều bài viết và sách bình giải với nhiều chi tiết và các cách hiểu khác nhau. Ngoài ra, độc giả cũng có thể nghe nhiều vị Thầy thuyết giảng và tụng niệm bài kinh này trên YouTube, hoặc trên các trang mạng riêng. Dù việc đọc thêm đó có thể làm mất đôi chút thì giờ, thế nhưng cũng là dịp để chúng ta có một ý niệm về Phật giáo bằng tiếng Việt, và sau đó cũng là cách tìm hiểu thêm cái tôi thật sự là gì qua các bản dịch rất đa dạng ấy. Thật vậy, trong bài viết trên đây của Ni sư Ayya Khema có một câu thật đáng lưu ý: “Nếu muốn buông bỏ một cái gì đó, thì trước hết phải nắm được nó trong bàn tay mình”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 89
    • Số lượt truy cập : 7076415