Thông tin

THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH Ở TỈNH KHÁNH HÒA

 

THÍCH NHƯ TỊNH

 


Chùa Long Sơn tọa lạc ở thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa

 

Khánh Hòa đẹp lắm ai ơi

Vào Nam ra Bắc ghé chơi Khánh Hòa

Tự bao giờ, hai câu thơ trên như một lời mời gọi du khách đến thăm Khánh Hòa. Khánh Hòa nổi tiếng với thành phố biển Nha Trang đầy thơ mộng, với tháp bà Po Nagar mang tính đặc trưng kiến trúc của người Chăm Pa. Tỉnh Khánh Hòa từ xưa đến nay nổi tiếng là nơi có trầm hương thơm nhất cả nước nên thường được nhắc đến với cái tên gọi rất nên thơ: "Xứ Trầm Hương"

Khánh Hòa là xứ Trầm Hương

Non cao biển rộng người thương đi về

Yến sào mang đậm tình quê

Sông sâu đá tạc lời thề nước non

Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã ghi lại như sau: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất". Hai phủ Bình Khang và Diên Khánh được chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đặt tên vào năm 1653, đó chính là vùng đất Khánh Hòa ngày hôm nay.

Theo một số sử liệu còn lại, phần lớn các chùa tại tỉnh Khánh Hòa có sớm nhất vào giữa thế kỷ XVII như chùa Thiên Bửu Thượng và Thiên Bửu Hạ tại huyện Ninh Hòa do tổ Tế Hiển-Bửu Dương khai sơn; chùa Hội Phước tại thành phố Nha Trang do tổ Phật Ấn-Quảng Hiển và Tịch Viễn-Hồng Quy khai sơn; chùa Linh Sơn tại huyện Vạn Ninh do tổ Đại Bửu-Kim Cang khai sơn; chùa Thiên Tứ huyện Ninh Hòa do tổ Pháp Thân-Đạo Minh khai sơn; chùa Kim Sơn tại Diên Khánh do tổ Thiệt Địa-Pháp Ấn khai sơn v.v…Tại vùng đất mới này đều có chư tăng truyền thừa của cả 3 dòng phái Nguyên Thiều, Chúc Thánh, Liễu Quán.

Chùa Sắc tứ Thiên Tứ tọa lạc tại thôn Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa. Chùa do thiền sư Đạo Minh khai lập vào những năm giữa thế kỷ XVII. Thiền sư Pháp Thân Đạo Minh thuộc đời 36 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 3 thiền phái Chúc Thánh, là đệ tử đắc pháp của tổ Thiệt Dinh Ân Triêm tại chùa Phước Lâm, Hội An. Ngài lập hạnh ẩn tu nên không thu nhận đệ tử, vì thế sự truyền thừa bị gián đoạn.

Đến triều Minh Mạng, có hai vị thiền sư thuộc thiền phái Chúc Thánh hành đạo tại Khánh Hòa. Đó là thiền sư Chương Huấn Tông Giáo trụ trì chùa An Dưỡng, xã Thái An, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh (nay thuộc thành phố Nha Trang).

Vào năm Minh Mạng thứ 13, Nhâm Thìn (1856) Ngài đã vận động trùng khắc cuốn “Đại Khoa Du Già”, một kỳ tích nổi tiếng của Phật giáo tỉnh Khánh Hòa thời bấy giờ.

Cùng thời gian trên, thiền sư Chương Chí, tự Bửu Tịnh, hiệu Thiên Phước từ Phú Yên vào khai sơn chùa Thiên Ân, tại thôn Phước Thuận, tổng Phước Khiêm, phủ Tân Định nay thuộc thôn Phước Thuận, xã Ninh Đông, huyện Ninh Hòa.

Thiền sư Chương Chí Thiên Phước thế danh Huỳnh Văn Dư, sinh năm Ất Hợi (1755), tại làng Phú Vinh, huyện Tuy An, tỉnh Khánh Hòa. Ngài xuất gia đắc pháp với tổ Toàn Đức Thiệu Long tại chùa Khánh Sơn, sau đó vào Khánh Hòa lập chùa Thiên Ân vào khoảng đầu triều Gia Long (1802). Năm Minh Mạng thứ 5 (1826), nhà vua mở Thủy Lục đại trai đàn, Ngài được mời về kinh đô Phú Xuân tham dự pháp hội, được triều đình ân tứ khâm ban Giới đao và Độ điệp. Ngài viên tịch vào giờ Ngọ ngày mồng 5 tháng 8 năm Bính Tuất (1826), thế thọ 72 tuổi.

Cả hai vị thiền sư Chương Huấn Tông Giáo và Chương Chí Thiên Tứ đều không có đệ tử kế thừa.

Mãi đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX từ Phú Yên thiền sư Chơn Hương - Thiên Quang vào trụ trì chùa Linh Sơn, huyện Vạn Ninh và thiền sư Như Huệ- Thiền Tâm vào trụ trì chùa Hội Phước (tục gọi là chùa Cát) tại Nha Trang. Từ đó, cả hai ngôi chùa này trở thành tổ đình chính và đóng góp rất lớn cho sự phát triển tông môn Chúc Thánh tại tỉnh Khánh Hòa.

Nằm bên dòng sông Hiền Lương thơ mộng, tổ đình Linh Sơn chứng kiến biết bao sự thăng trầm của thế sự vô thường. Chùa được thiền sư Đại Bửu Kim Cang, đời 37 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 3 thiền phái Liễu Quán khai sơn vào năm Cảnh Hưng thứ 22, 1761. Ban đầu chùa có tên là Sa Long Tự. Đến năm Tự Đức thứ 21 (1867) chùa bị hỏa hoạn. Sau đó có thêm những lần trùng tu lại, và được đổi tên thành Linh Sơn cho đến bây giờ.

Kể từ tổ khai sơn đến nay, chùa đã trải qua 248 năm với các đời trụ trì như sau: Đại Bửu Kim Cang; Ngộ Thuận Phước Minh; Chơn Hương Thiên Quang; Thị Thủy Quảng Đức; Tâm Thanh Tịch Tràng và hiện nay đương kim trụ trì là Hòa thượng Thích Thiện Dương.

Chùa Linh Sơn bắt đầu truyền thừa theo dòng Lâm Tế Chúc Thánh kể từ khi Hòa thượng Chơn Hương - Thiên Quang trụ trì vào những năm cuối thế kỷ XIX. Hòa thượng thế danh Phạm Huyền Túc, sinh năm Nhâm Tuất (1862), niên hiệu Tự Đức thứ 15, tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

Ngài đã phát tâm xuất gia, thọ giáo với tổ Ấn Chánh - Tổ Tông - Huệ Minh tại chùa Bảo Sơn - Phú Yên. Ngài được bổn sư ban cho pháp danh Chơn Hương, hiệu Thiên Quang, nối pháp đời 40 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Từ Phú Yên, Ngài vân du hoằng hóa và làm trụ trì chùa Linh Sơn - Vạn Ninh. Năm Đinh Mùi (1907), Ngài khai sơn chùa Báo Ân tại xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh. Năm Ất Mão (1915) đến năm Đinh Tỵ (1917) Ngài về trụ trì chùa Hội Phước tại thành phố Nha Trang.

Năm Đinh Sửu (1937), Ngài khai đại giới đàn tại chùa Linh Sơn và đại chúng cung thỉnh Ngài làm Đường đầu Hòa thượng.

Ngày 26 thánh chạp năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Đại thứ 14 (16/01/1939), Hòa thượng xả báo an tường, hưởng thọ 77 thế tuế. Đồ chúng lập tháp phụng thờ trong khuôn viên tổ đình Linh Sơn.

Tại tổ đình Linh Sơn, Hòa thượng đã đào tạo rất nhiều đệ tử ra khai sơn các chùa trong huyện Vạn Ninh, trong đó tiêu biểu nhất là Hòa thượng Như Đạt Hoằng Thâm khai sơn chùa Long Sơn tại xã Phú Cang, tổng Phước Tường nội, huyện Quảng Phước, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa (nay là thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh).

Sau khi đắc pháp với tổ Thiên Quang, năm 1896, thiền sư Như Đạt Hoằng Thâm khai sơn chùa Thánh Kinh ở trong làng để tiện việc tu niệm. Năm 1902, dân làng cung thỉnh Ngài trụ trì chùa cổ tích Long Sơn. Từ đó, Ngài sáp nhập chùa Thánh Kinh vào chùa Long Sơn, đem hết tâm lực trùng tu ngôi cổ tích này. Công trình trùng tu kéo dài đến năm 1908 mới hoàn tất với chánh điện, đông đường, tây đường bằng ngói đỏ và Ngài có chú nguyện đúc một quả chuông mà hiện nay chùa Long Sơn vẫn còn lưu giữ. Vào ngày 23 tháng 11 năm 1921, Hòa thượng Hoằng Thâm viên tịch, hưởng thọ 65 tuổi. Trong thời gian 20 năm trụ trì cổ tích Long Sơn, Hòa thượng đã đào tạo rất nhiều đệ tử, trong đó nổi bật nhất là Hòa thượng Thích Quảng Đức, vị Bồ tát hiện thế của Phật giáo Việt Nam.

Chính tại ngôi Long Sơn cổ tự lịch sử này, dưới sự giáo dưỡng của Hòa thượng Như Đạt Hoằng Thâm đã un đúc nên một vĩ nhân của Phật giáo Việt Nam: đó là Bồ tát Thích Quảng Đức.

Bồ tát Thích Quảng Đức thế danh Lâm Văn Tuất, sinh năm Đinh Dậu (1897) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Năm Giáp Thìn (1904), lên bảy tuổi xuất gia với Hòa thượng Hoằng Thâm tại chùa Long Sơn. Hòa thượng Hoằng Thâm vừa là Bổn sư vừa là cậu ruột nên được đổi tên là Nguyễn Văn Khiết. Năm 15 tuổi thọ Sa di và 20 tuổi thọ Tỳ kheo với pháp danh Thị Thủy, tự Hành Pháp, hiệu Quảng Đức, nối pháp đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 thiền phái Chúc Thánh. Về sau, Ngài cầu pháp với tổ Thanh Chánh Phước Tường nên còn có đạo hiệu là Nhơn Tri. Năm 1921, Bổn sư viên tịch, Ngài về nhập chúng tu học tại Tổ đình Linh Sơn với Sư ông Chơn Hương Thiên Quang. Năm 1927, Ngài nhập thất 3 năm tại ngọn núi đất Ninh Hòa. Tại đây, Ngài phát hiện bảo tháp của tổ Pháp Thân Đạo Minh và kiến lập chùa Thiên Lộc. Năm 1933, Ngài nhận trụ trì chùa Thiên Ân tại xã Phước Thuận, Ninh Hòa. Năm 1936, Ngài được cung thỉnh làm Kiểm Tăng cho tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa. Năm 1940, Ngài đảm nhận trụ trì Tổ đình Linh Sơn sau khi Sư ông Thiên Quang viên tịch. Tại đây, Ngài vận động trùng tu lại chùa Linh Sơn và chùa được triều đình ban biển ngạch Sắc tứ vào năm Bảo Đại 15, Canh Thìn (1940). Đến năm 1944, Ngài truyền ngôi vị trụ trì lại cho Hòa thượng Tâm Thanh Tịch Tràng để vào Nam hóa đạo cho đến ngày vị pháp thiêu thân vào ngày 24 tháng 4 nhuận năm Quý Mão (11/06/1963) tại Sài Gòn.

Hơn 40 năm xuất gia hành đạo tại quê nhà, Bồ tát Quảng Đức đã trùng tu xây dựng cả thảy 14 ngôi chùa, để lại nhiều truyền thuyết trong dân gian, để lại những di vật quý báu mà ngày hôm nay trở thành pháp bảo của Tổ đình Linh Sơn và Long Sơn cổ tự, nơi lưu dấu một thời của bậc Bồ tát duy nhất trong thời cận đại của Phật giáo Việt Nam.

***

Ta Bà vật đổi sao dời

Chuông nhà thờ đổ trên đồi chùa xưa

Hoa Sơn dù trải nắng mưa

Dấu chân khai phá khi xưa vẫn còn

Chỉ với 4 câu thơ lục bát ngắn gọn xúc tích nhưng đã gói trọn quá trình hình thành và thiên di của Tổ đình Hội Phước. Tổ đình Hội Phước xưa có tên là Phước Am nằm trên đồi Hoa Sơn. Chùa do thiền sư Phật Ấn Quảng Hiển và Tịch Viễn Hồng Quy người Trung Hoa khai sơn vào những năm đầu thế kỷ XVII. Đến đời thiền sư Đại Thông Chánh Niệm thì cho thiên di tái thiết về địa điểm ngày hôm nay và cải tên lại là Hội Phước tự. Từ đó đến nay, chùa đã trải qua các đời trụ trì: Phật Ấn Quảng Hiển; Tịch Viễn Hồng Quy; Tế Điền Như Bổn; Đại Thông Chánh Niệm; Đạo An Phổ Nhuận; Tánh Minh Trí Quang; Như Huệ Thiền Tâm; Minh Minh Huệ Châu; Chơn Hương Thiên Quang; Thanh Chánh Phước Tường; Thị Thọ Nhơn Hiền; Ấn Ngân Tín Thành; Đồng Kỉnh Tín Quả và hiện nay là Hòa thượng Thích Quảng Thiện.

Người Việt Nam chúng ta càng đi dần vào Nam thì tư tưởng con người trở nên phóng khoáng cởi mở hơn. Tư tưởng ấy tác động không nhỏ đến sự truyền thừa của các chùa và chư tổ chỉ truyền hiền chứ không truyền tử. Điều này được thấy rõ trong sự kế tục của các đời trụ trì chùa Hội Phước trải qua hơn 300 năm lịch sử. Chư tổ thuộc các kệ phái kế tục nhau trụ trì chứ không nhất thiết là thầy truyền cho trò. Đến khi tổ Như Huệ Thiền Tâm trụ trì vào cuối thế kỷ 19, hình bóng tăng nhân Chúc Thánh mới có mặt tại ngôi cổ tự này. Cho đến khi Hòa thượng Đồng Kỉnh Tín Quả trụ trì vào năm 1949 thì từ đó chùa Hội Phước chính thức truyền thừa theo pháp mạch Chúc Thánh cho tới mãi ngày hôm nay.

Tổ đình Hội Phước nằm ở trung tâm làng Phương Sài với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Trải qua bao thăng trầm thế sự, ngày hôm nay ngôi cổ tự còn diện tích rất khiêm tốn. Đương kim trụ trì là Hòa thượng Thích Quảng Thiện với tâm nguyện trùng tu chốn tổ nên từng bước xây dựng chùa có diện mạo khang trang như ngày hôm nay. Ngôi bảo điện uy nghi, điện thờ tổ trầm mặc, khói hương hòa nguyện dâng lên phụng hiến các bậc Tổ sư, tưởng niệm công đức các Ngài đã một thời hoằng dương chánh pháp.

***

Nói đến sự hành trì và xiển dương luật học của Phật giáo Việt Nam đương đại thì không thể không nhắc đến Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đổng Minh. Hòa thượng thế danh Đỗ Châu Lân, sinh năm Đinh Mão (1927) tại thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngài xuất gia làm đệ tử Hòa thượng Thích Huyền Tân tại chùa Thiền Lâm, Ninh Thuận với pháp danh Thị Khai, tự Hạnh Huệ, hiệu là Đổng Minh, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42 thế hệ thứ 9 truyền thừa theo bài kệ của tổ sư Minh Hải - Pháp Bảo.

Năm Đinh Dậu (1957), sau khi hoàn tất chương trình Đại học Phật giáo tại Huế, Hòa thượng trở về Nha Trang bắt đầu sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp. Gần 50 năm gắn bó với ngôi cổ tự Long Sơn, Hòa thượng đã nhiệt tâm hy hiến cuộc đời của mình để xiển dương Luật học. Hòa thượng được cung thỉnh làm Tuyên luật sư cho các đàn giới tại Nha Trang cũng như các tỉnh thành trong cả nước. Hòa thượng đã phiên dịch và chú giải các tác phẩm về Luật học để Tăng ni có đủ tư liệu học tập hành trì giới luật. Các tác phẩm: Tứ phần luật; Di-sa-tắc bộ Hòa-hê Ngũ phần luật; Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da; Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Bí-sô-ni Tỳ-nại-da; Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Bách nhất yết-ma, Trùng trị Tỳ-ni sự nghĩa tập yếu; Luật Tỳ-kheo giới bổn sớ nghĩa; Tỳ-ni, Sa-di, oai nghi, cảnh sách; Nghi truyền giới v.v…lần lượt ra đời với sự làm việc cật lực của Ngài.

Song song với việc dịch thuật Luật học, Ngài còn hướng dẫn phiên dịch và chứng nghĩa từ tập 1 đến tập 17 trong tạng Đại Chánh Tân Tu. Tâm nguyện thực hiện bộ Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam chưa hoàn thành thì Hòa thượng xả báo an tường vào ngày 11 tháng 5 năm Ất Dậu (17. 06. 2005), trong tư thế cát tường, tại chùa Long Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trụ thế 79 năm, 59 hạ lạp.

Cuộc đời Ngài quả là một tấm gương sáng chói, cả về đạo hạnh lẫn sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Ngài luôn thể hiện nếp sống của bậc chân tu, thiểu dục tri túc, giới đức tinh nghiêm, gắn liền đời sống của mình với sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài.

***

Ngày hôm nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần hàng trăm ngôi chùa, tịnh thất do chư tôn đức của thiền phái Chúc Thánh khai sơn cũng như kế thừa hoằng truyền Phật pháp. Các ngôi chùa như Đại Giác do cố Hòa thượng Thích Huyền Hy khai sơn; Chùa Thiên Xá do Hòa thượng Thích Liễu Pháp khai sơn; Chùa Từ Vân do Hòa thượng Thích Thông Anh trụ trì; Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa do cố Hòa thượng Thích Trí Viên trụ trì; Chùa Từ Tôn do cố Hòa thượng Thích Viên Mãn trụ trì v.v... đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển của tông môn Chúc Thánh tại "Xứ Trầm Hương" nên thơ này.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6920599