THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH Ở TỈNH PHÚ YÊN
THÍCH NHƯ TỊNH
Phú Yên là một trong những tỉnh của miền Trung nước Việt. Niên hiệu Hồng Đức năm thứ 2, dưới triều vua Lê Thánh Tông thì người Việt đã đặt chân đến vùng đất Ayaru của Chiêm Thành tức Phú Yên ngày nay. Mãi đến năm 1611, Tiên chúa Nguyễn Hoàng mới bình định được vùng đất Ayaru, sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong và đặt tên là tỉnh Phú Yên. Cái tên Phú Yên chính thức ra đời từ đó.
Hơn 400 năm hình thành và phát triển của tỉnh Phú Yên, Phật giáo luôn có mặt và cùng thịnh suy theo lẽ phế hưng của thế sự thăng trầm. Từ trước đến nay, Tăng già Việt Nam luôn xem Phú Yên là vùng đất Tổ. Và không biết tự bao giờ trong dân gian đã lưu truyền câu nói:
“Quan Quảng Ngãi, Sãi Phú Yên” hay là “Huế dòng quan, Bắc dòng vua, Bình Định hát bội, thầy chùa Phú Yên”. Điều này đã nói lên được một điều rằng: Tại đất Phú Yên Phật giáo rất hưng thịnh và đã un đúc nên rất nhiều vị cao tăng đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà. Phú Yên cũng là quê hương của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, vị thiền sư đầu tiên của Phật giáo Đàng Trong biệt kệ truyền thừa lập nên một dòng thiền mới đậm nét Việt Nam: Đó là dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán.
Nói đến Phật giáo Phú Yên, người ta thường nhắc đến Tổ đình Từ Quang, trung tâm Phật học của tỉnh Phú Yên và cũng là chiếc nôi đào tạo Tăng tài của Phật giáo miền Trung trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Tổ đình Từ Quang tọa lạc tại thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chùa nằm trên triền núi Bạch Ngọc Sơn nên còn có tên gọi là chùa Đá Trắng, lưng dựa vào dãy Xuân Đài, mặt hướng ra dòng sông Ngân Sơn hiền hòa thơ mộng. Đứng trên chùa Từ Quang nhìn về hướng Nam, ta thu vào tầm mắt một khoảng trời đất bao la sông nước hữu tình.
Chùa Từ Quang còn được biết đến với phong trào Cần Vương của Võ Trứ mà sử triều Nguyễn gọi là Giặc Thầy Chùa. Đặc biệt nơi đây có một giống xoài rất ngon thường được chọn cung tiến cho vua ngự. Vì thế trong dân gian có lưu truyền câu ca dao:
“Rủ lên Đá Trắng ăn xoài
Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì?”
Chùa được thiền sư Pháp Chuyên khai sơn vào năm Đinh Tỵ (1797) dưới thời vua Quang Toản triều Tây Sơn. Chùa Từ Quang chính là ngôi Tổ đình đầu tiên của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh truyền thừa tại tỉnh Phú Yên. Chùa được triều đình nhà Nguyễn ban Sắc tứ vào năm Kỷ Sửu (1898), Thành Thái nguyên niên. Hai câu đối trước tiền đường chùa đã toát lên ý nghĩa của hai chữ Từ Quang.
Từ Ấm Nhân Thiên Ẩn Ước Bán Không Khai Ngọc Vũ
Quang Đằng Thế Giới Linh Long Tùy Xứ Hiển Kim Thân
Nghĩa là:
Lòng từ phủ mát nhân thiên, phủ cả tầng không siêu vũ trụ
Hào quang che ngời thế giới, che cùng khắp chốn rạng kim thân
Theo Từ Quang Tự Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm Nhân Do Sự Tích Chí cho biết: Tổ sư pháp danh Pháp Chuyên, tự Luật Truyền, hiệu Diệu Nghiêm, nối pháp đời 36 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 3 thiền phái Chúc Thánh. Ngài họ Trần, khánh sanh ngày mồng 2 tháng 4 năm Bính Ngọ (1726) tại làng Cổ Tháp, xã Hoa Châu, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Cổ Tháp, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên). Ngài xuất thân từ Nho sĩ, chán cảnh thế sự nhiễu nhương nên xuất gia đầu Phật tại chùa Phước Lâm, Hội An với Thiền sư Thiệt Dinh Ân Triêm. Sau đó, đến chùa Bảo Lâm ở Lạc Câu xã, thọ giới với Tổ sư Tế Hiệp Hải Điện, theo học với pháp sư Thiệt Kiến Liễu Triệt và tham cứu Đại tạng kinh tại chùa Thập Tháp, Bình Định. Ngài thường thọ trì kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm và phát lời đại nguyện: “Phàm hễ gặp người, không luận nam nữ già trẻ sang hèn đều giáo hoá quy kính ba ngôi Tam bảo”.
Với tâm nguyện ấy, Ngài tùy cơ duyên thuyết pháp. Thể theo nhu cầu của các đạo tràng, Ngài giảng về kinh Địa Tạng, Quy Nguyên, Pháp Hoa, Long Thơ Tịnh độ, Sa Di Oai Nghi Tăng Chú v.v.. Khắp các tỉnh Đàng Trong từ kinh đô Thuận Hóa Phú Xuân vào đến Phú Yên, nơi nào cũng có bước chân hoằng hóa và đều thấm nhuần pháp nhũ của Ngài.
Tháng Giêng năm Quý Sửu (1793), Ngài đến xã Xuân Đài thấy núi sông hòa quyện bèn dựng gậy lập thảo am trụ lại nơi đây. Mãi cho đến năm Đinh Tỵ (1797), Ngài mới chính thức khai sơn chùa Từ Quang tại tỉnh Phú Yên.
Khi biết cơ duyên của mình ở chốn Ta bà đã trọn, Ngài nhóm họp đồ chúng và đọc kệ phú pháp:
Lai nhi vị tằng lai
Khứ nhi vị tằng khứ
Khứ lai bổn như như
Như như hoàn lai khứ.
Đến mà chưa từng đến
Đi cũng chẳng từng đi
Đến đi vốn như như
Như như lại đến đi
Ngài thị tịch vào ngày 17 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1798), trụ thế 73 thế tuế, trải qua 53 năm tu học và hoằng hóa.
Suốt 50 năm hành đạo, tổ Pháp Chuyên đã trước tác phiên dịch trên 20 tác phẩm có giá trị học thuật cao, bao gồm các thể loại: Thơ, văn, chú giải, nghi lễ và tự điển.
Với một số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, Ngài quả thật là một trong những tác gia lớn của Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Qua những công trình của Ngài, giáo sư Lê Mạnh Thát đã khẳng định vị trí Ngài ngang tầm với nhà bác học Lê Quý Đôn trong nền văn học Việt Nam. Giáo sư khẳng định:
“Thiền sư Pháp Chuyên - Diệu Nghiêm (1726-1798) là một tác gia lớn của nền văn học thế kỷ XVIII. Những gì do ông sáng tác và biên tập, cho đến nay đã phát hiện tới những 20 công trình, trong đó quan trọng và lôi cuốn nhất là Tam Bảo Biện Hoặc Luận. Đây là một tác phẩm ghi lại cuộc đấu tranh gay gắt về mặt tư tưởng giữa ý thức Tống Nho suy tàn và hệ tư tưởng Phật giáo đang lên”.
Sự nghiêm trì giới luật với những tác phẩm trước tác chú giải về luật học nên thiền sư Pháp Chuyên Diệu Nghiêm được người thời nay tôn xưng là Trung Việt Luật tông Sơ tổ.
Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, Tổ đình Từ Quang đã trải qua 10 đời trụ trì đều là các bậc cao tăng thạc đức, góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam và tông môn Chúc Thánh. Kế thừa Tổ sư Diệu Nghiêm là các vị: Toàn Thể Linh Nguyên; Chương Niệm Quảng Giác; Ấn Từ Huệ Viễn; Ấn Thiên Huệ Nhãn; Chơn Tín Pháp Hỷ; Chơn Thật Pháp Ngãi; Chơn Thành Pháp Ngữ; Thị Chí Phúc Hộ, Thị Tín Phước Trí v.v...Và trụ trì hiện nay là Hòa thượng Thích Đồng Tiến, trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Phú Yên.
Kế thừa trụ trì chùa Từ Quang sau khi tổ Pháp Chuyên viên tịch là thiền sư Toàn Thể Vi Lương Linh Nguyên. Tại nơi đây, Ngài Linh Nguyên đã hợp với tông môn tổ chức khắc ván in lại các tác phẩm mà Bổn sư Pháp Chuyên đã trước tác, chú giải để phổ biến cho chư Tăng có tư liệu tham cứu tu học. Chính nhờ vậy mà các tác phẩm của ngài Pháp Chuyên còn lưu truyền mãi cho đến ngày hôm nay.
Trong hàng môn đồ của Tổ sư Pháp Chuyên nổi bậc nhất là pháp sư Toàn Nhật Quang Đài, trụ trì chùa Viên Quang, thôn Phong Niên, xã An Định, huyện Tuy An. Pháp sư Toàn Nhật Quang Đài họ Nguyễn, sinh quán tại Phú Yên. Thiếu thời theo Nho học, lớn lên đầu thiền và đắc pháp với Tổ sư Pháp Chuyên Diệu Nghiêm. Pháp sư kế nghiệp thiền sư Đạo Giác làm trụ trì chùa Viên Quang, ngôi chùa do ông ngoại Pháp sư dựng nên. Tại chùa Viên Quang này, pháp sư đã biên tập lại những tác phẩm của thầy mình cũng như san bổ, trước tác nhiều tác phẩm văn học chữ Nôm rất có giá trị. Tiêu biểu nhất là cuốn Hứa Sử Truyện Vãn được chư Tăng hai miền Trung Nam khắc ván tái bản nhiều lần.
***
Trên đoạn hương lộ về thôn Minh Đức, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, chùa Khánh Sơn nằm ẩn mình trong vòm cây hoa phượng. Chùa tọa lạc ở độ cao 20m, lưng dựa vào phía Nam núi chóp chài, mặt nhìn về hướng đồng ruộng mênh mông. Vượt qua hơn 107 bậc cấp được lót bằng đá, chánh điện chùa Khánh Sơn hiện ra trang nghiêm sừng sững giữa núi đồi lộng gió.
Chùa được thiền sư Toàn Đức Thiệu Long, đời 37 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 4 thiền phái Chúc Thánh, là đệ tử Tổ sư Pháp Chuyên tại chùa Từ Quang khai sơn vào năm Gia Long nguyên niên, Nhâm Tuất (1802). Tại đây, thiền sư Toàn Đức Thiệu Long đã đào tạo được các đệ tử hữu danh như: Chương Thiện Quảng Hưng: trụ trì chùa Khánh Sơn; Chương Chí Bửu Tịnh: khai sơn chùa Thiên Ân, Ninh Hòa.
Hơn 2 thế kỷ hình thành, trải qua các cuộc chiến tranh Tổ đình Khánh Sơn nhiều lần bị tàn phá. Với các đời trụ trì kế tiếp như: Chương Thiện Quảng Hưng; Ấn Hậu Viên Sơn; Chơn Trinh Giác Hải; Như Cử Kim Bình; Như Cảnh Kim Thiền v.v... đã vận dụng hết khả năng của mình để duy trì chốn tổ, tiếng chuông vẫn 2 thời chiêu mộ ngân nga như cảnh tỉnh khách danh lợi quay về làm sáng nguồn tâm. Đương kim trụ trì là Đại đức Thích Thông Luận đã trùng tu toàn bộ chốn Tổ có diện mạo như ngày hôm nay, góp phần trang nghiêm cho ngôi cổ tự sử lịch này.
***
Tổ đình Bảo Sơn nằm ẩn mình trong rừng cây sau dãy núi Bà thuộc thôn Phong Thăng, xã An Định, huyện Tuy An. Mặt chùa nhìn ra cánh đồng hẹp chạy dài đến thôn Phong Hanh, bên phải dãy núi Kiều Ngựa. Chùa được xây dựng vào năm Gia Long thứ 2, 1803 bởi thiền sư Liễu Căn Thiện Đức, truyền thừa đời 37 tông Lâm Tế theo kệ phái tổ Vạn Phong Thời Ủy. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên chùa bị thiêu hủy hoàn toàn. Vì thế, tự tích chư Tổ kế thừa không được tri tường. Chúng ta chỉ biết khoảng cuối thế kỷ XIX, Thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh, đời 39 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 6 thiền phái Chúc Thánh trụ trì tại đây. Tại ngôi cổ tự lịch sử này, Thiền sư Huệ Minh đã đào tạo được nhiều vị đệ tử nổi danh như: Chơn Kim Pháp Lâm: trụ trì chùa Châu Lâm, Phú Yên và Viên Thông tại Huế; Chơn Tín Pháp Hỷ: trụ trì chùa Linh Sơn, Hòn Chồng; Chơn Hương Thiên Quang: trụ trì chùa Linh Sơn, Vạn Ninh; Chơn Thiện Pháp Ngôn: trụ trì chùa Bảo Sơn; Chơn Thường Pháp Hưng: trụ trì chùa Liên Trì, Tuy An v.v... Chùa còn lưu giữ quả chuông đồng do đệ tử Chơn Kim Pháp Lâm trụ trì chùa Viên Thông, núi Ngự Bình, kinh đô Phú Xuân phụng cúng vào năm Thành Thái thứ 6, Giáp Ngọ (1894). Trên chuông có bài minh ca ngợi cảnh quan chùa Bảo Sơn và công đức Hòa thượng trụ trì Ấn Chánh Huệ Minh như sau:
Bảo Sơn thắng tích
Kim cổ linh thông
Thiền lâm trụ thạch
Đàn việt hưng sùng
Trượng bằng Phật lực
Cần tức đại công
Dục truyền cửu viễn
Vi chú kình chung
Kim thinh ngọc chấn
Điều lý thủy chung
Hưởng tai chung tự
Đinh đông vô cùng.
Tạm dịch:
Thắng tích Bảo Sơn
Xưa nay đều biết
Thạch trụ chốn thiền
Phật tử đông đúc
Nương nhờ Phật lực
Làm công đức lớn
Truyền lại đời sau
Tạo chiếc chuông đồng
Tiếng vàng tiếng ngọc
Diễn lí cổ kim
Vang thay chuông chùa
Ngân đến vô cùng.
Chánh điện hiện tại được Thượng tọa Thích Thông Hòa trùng tu đơn giản vào những năm gần đây. Sau lưng ngôi chánh điện là vườn tháp của chư Tổ, chư Tăng được chia làm 3 khu vực cao thấp khác nhau. Đa phần các tháp mộ đều bị xâm thực hư hoại bởi chiến tranh và thời gian nên không xác định được tôn danh chư Tổ. Duy chỉ có tháp Thiền sư Ấn Chánh Huệ Minh được xây dựng quy mô bề thế nhất, thể hiện sự tôn kính của môn đồ đệ tử đối với bậc ân sư khả kính. Sau ngài Huệ Minh, kế thừa trụ trì Tổ đình Bảo Sơn lần lượt có các vị: Chơn Thiện Pháp Ngôn; Như Lý Thiền Tôn; Thị Sơn Phổ Huệ; Thị Niệm Phước Ninh và hiện nay là Thượng tọa Thích Thông Hòa, trụ trì Tổ đình Bảo Tịnh kiêm nhiệm.
Vào năm 1947, Giáo hội Tăng già Phú Yên đã tổ chức giới đàn tại đây là Hòa thượng Thích Vạn Ân làm Đường đầu. Giới tử đắc giới có các vị: Thích Khế Hội; Thích Huệ Thắng v.v... là những bậc danh tăng thạc đức của tỉnh Phú Yên thời hiện đại.
***
Nằm chênh vênh trên một khu đồi tại khu phố Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An là khu phế tích Linh Sơn cổ tự tục gọi là Linh Sơn Hòn Chồng vẫn còn phảng phất đâu đây một thời hưng thịnh. Bị tàn phá trong thời kháng chiến chống Mỹ, cổ tự Linh Sơn giờ chỉ còn nền móng khu chánh điện cũng như vườn tháp rêu phong cổ kính. Cho đến nay, vẫn chưa ai biết rõ ngôi cổ tự Linh Sơn ra đời khi nào và ai là người khai sơn. Hiện hữu trong vườn tháp của chùa còn có 2 ngôi tháp uy nghiêm đầy đủ đạo hiệu của quý Ngài. Đó là tháp của Tổ sư Chơn Tín Đạo Thành Pháp Hỷ và Chơn Chất Đạo Trực Hoằng Hóa, thuộc đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 thiền phái Chúc Thánh. Theo sử liệu còn lưu lại, ngài Pháp Hỷ trụ trì Linh Sơn cổ tự dưới triều vua Thành Thái và chính nơi đây Ngài đã truyền trao Phật pháp cho Quốc sư Phước Huệ và Pháp sư Phổ Huệ để tạo nhân tố cho phong trào chấn hưng Phật giáo sau này. Đến đời ngài Hoằng Hóa trụ trì dưới triều Khải Định, vào năm Nhâm Tuất (1922), Ngài khai đàn truyền giới và Hòa thượng Luật sư Thích Phúc Hộ là giới tử đắc pháp với Ngài. Ngày hôm nay, ngôi cổ tự Linh Sơn đang được chư Tăng thiền phái Chúc Thánh tại Phú Yên đang tiến hành trùng tu khôi phục lại. Mong rằng Tổ ấn sớm trùng quang để chốn xưa trở lại thành đạo tràng hưng thạnh, làm rạng rỡ công đức của tiền nhân.
***
Tổ đình Triều Tôn tọa lạc tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Chùa được thiền sư Liễu Diệu Chánh Quang khai sơn tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên vào năm Gia Long nhị niên, Quý Hợi (1803). Thiền sư Liễu Diệu Chánh Quang là đệ tử của thiền sư Tế Khoan Thiên Quyền tại chùa Cổ Lâm, nối pháp đời 36 tông Lâm Tế truyền theo kệ phái tổ Vạn Phong Thời Ủy. Tuy nhiên, do không có đệ tử kế thừa nên thiền sư Chương Tánh Quảng Nhuận thuộc kệ phái Chúc Thánh đảm nhận trụ trì sau khi tổ khai sơn viên tịch. Ban đầu chùa tọa lạc trên đồi cây Dừng, xứ Đồng Găng, đến đời ngài Quảng Nhuận để thuận tiện cho việc tu niệm của Phật tử nên dời về địa điểm như hiện nay.
Triều khán thanh sơn xuất nhập hữu duyên tầm phước quả
Tôn vi lục thủy vãng lai vô ngại chủng trí nhơn.
Tạm dịch:
Triều ngắm núi xanh hữu duyên ra vào tìm phước quả
Tôn xem sông biếc khắp nơi lui tới trồng trí nhân
Kể từ khi tổ Chương Tánh Quảng Nhuận, trụ trì thì chùa Triều Tôn truyền thừa theo kệ phái Chúc Thánh xuyên suốt cho đến ngày hôm nay. Kế tục các đời trụ trì như: Ấn Như Huệ Hương, Chơn Ấn Thiện Tâm, Chơn Hạnh Thiện Quang, Thị Thành Liên Tâm, Thị Tín Phước Trí và đương kim trụ trì là Hòa thượng Thích Đồng Tiến. Trải qua hơn 200 năm hình thành phát triển, chùa nhiều lần được trùng tu và lần cuối cùng trùng tu vào năm 2000 nên có diện mạo trang nghiêm như ngày hôm nay. Đa phần các chùa truyền thừa theo kệ phái Chúc Thánh tại thị xã Sông Cầu đều xuất phát từ tổ đình Triều Tôn như chùa Lăng Nghiêm, Thắng Quang, chùa Phước Long v.v...
Hiện tại tổ đình Triều Tôn còn lưu giữ quả hồng chung được đúc vào đời tổ khai sơn Chánh Quang vào năm 1816, cũng như hệ thống long vị cổ xưa mang đậm dấu ấn truyền thừa hoằng pháp của chư Tổ.
***
Khi nói đến sự phát triển của Thiền phái Chúc Thánh tại Phú Yên thì chúng ta thường nhắc đến tổ đình Từ Quang là trung tâm Phật học, là chiếc nôi của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh thì tổ đình Phước Sơn là nơi đào tạo được nhiều vị danh Tăng cho Phật giáo Việt Nam nói chung và thiền phái Chúc Thánh nói riêng.
Tổ đình Phước Sơn tọa lạc tại thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Nằm giữa lưng chừng núi Phú Mỹ, phía trước là cánh đồng lúa bao la mà dân gian gọi là Đồng Tròn nên chùa còn có tên gọi là Phước Sơn Đồng Tròn để phân biệt với chùa Phước Sơn Vũng Rô ở Tuy Hòa. Nhìn xa xa là con sông cái La Hai chảy xuống cầu Ngân Sơn đổ về biển Đông. Vì thế, trên chùa Phước Sơn còn có khu Vọng Giang Đài để làm nơi cho các tao nhân mặc khách thưởng lãm mỗi khi đến thăm chùa.
Phước địa khởi liên đài hiền thánh nhân thiên triêm thụy khí
Sơn môn huyền tuệ cự đông tây nam bắc mộc tường quang.
Phước địa sanh hoa sen, hương lành thơm cả trời người
Sơn môn treo đuốc tuệ, ánh sáng tỏa khắp bốn phương.
Chùa do thiền sư Liễu Năng Đức Chất khai sơn vào năm Gia Long nguyên niên, Nhâm Tuất (1802). Sau khi tổ khai sơn viên tịch, các vị thiền sư dòng Chúc Thánh kế đăng và truyền thừa mãi cho đến ngày hôm nay tuần tự như sau: Chương Từ Quảng Thiện; Ấn Thiên Huệ Nhãn; Chơn Chánh Pháp Tạng; Như Đắc Thiền Phương, Thị Tín Phước Trí và hiện nay là Hòa thượng Thích Đồng Hóa.
Trải qua 6 đời cao tăng trụ trì, tiêu biểu là ngài Ấn Thiên Huệ Nhãn để lại công trình con đường đá lên chùa tổ Từ Quang như một dấu ấn minh chứng cho đạo hạnh của Ngài. Ngài cũng đã độ 1 vị đệ tử thuộc hoàng thân quốc thích hiệu Pháp Thân về khai sáng chùa Phước Huệ tại Huế.
Kế thừa tổ sư Huệ Nhãn, trụ trì chùa Phước Sơn là thiền sư Chơn Chánh Pháp Tạng. Ngài là bậc quảng bác đa văn, được triều đình cung thỉnh về kinh đô khai mở Thủy Lục đạo tràng dưới triều vua Thành Thái. Năm Quý Tỵ (1893), ngài được cung thỉnh làm Yết ma tại giới đàn tổ đình Chúc Thánh, Quảng Nam. Năm Bính Ngọ (1906), sơn môn tỉnh Phú Yên kiến lập giới đàn tại tổ đình Từ Quang và cung thỉnh ngài làm Đàn đầu. Các giới tử đắc pháp với ngài mà hiện nay ta còn biết được như: Trừng Thông Viên Thành: khai sơn chùa Trà Am, Huế; Trừng Ngoạn Chơn Nguyên: khai sơn chùa Thiên Hòa, Nha Trang; Như Điền Huệ Chấn: trụ trì chùa Hưng Long, Sài Gòn; Như Chương Vạn Pháp: trụ trì chùa Kim Quang, Tuy Hòa v.v...
Kế nghiệp Bổn sư Pháp Tạng, thiền sư Như Đắc Thiền Phương đã kiến tạo Phước Sơn thành một đạo tràng hưng thịnh, đào tạo được nhiều vị đệ tử nổi danh, tiêu biểu là Hòa thượng Luật sư Thích Phúc Hộ hành đạo tại miền Trung và Hòa thượng Luật sư Thích Hành Trụ hành đạo tại miền Nam.
Hòa thượng Thích Phúc Hộ pháp danh Thị Chí tự Hành Thiện, nối pháp đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 thiền phái Chúc Thánh. Ngài xuất gia đắc pháp với tổ Thiền Phương và được sơn môn cung cử làm trụ trì Tổ đình Từ Quang. Ngài là một vị Luật sư mô phạm trong chốn Tòng lâm nên thường được cung thỉnh làm Đường đầu truyền giới Tôn sư tại các giới đàn khắp các tỉnh miền Trung. Với uy đức và đạo hạnh trác tuyệt, Ngài được cung thỉnh làm Đệ nhị Tăng thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất nhưng Ngài khước từ. Cuộc sống bình nhật giản dị nhưng vô cùng miên mật của Ngài đã cảm hóa Tăng chúng mọi nơi nhất là quần chúng Phật tử tại Phú Yên. Vì thế, hằng năm vào ngày 11 tháng Giêng, Phật tử khắp nơi đều hành hương về chùa Từ Quang để kỷ niệm ngày viên tịch của Ngài. Và ngày húy nhật của Ngài trở thành một lễ hội Phật giáo tại tỉnh Phú Yên.
Ngày hôm nay, Tổ đình Từ Quang không còn đóng vai trò trung tâm Phật học đào tạo Tăng tài như trước đây nữa. Trở lại Từ Quang, nhìn con đường lên chùa được lót bằng đá tảng mới thấy được công sức của tiền nhân. Hàng xoài cổ thụ như những chứng nhân lịch sử chứng kiến biết bao thế hệ Tăng tài công phu miên mật. Ánh nắng chiều đổ dài trên khu vườn tháp cổ kính khiến ta luôn hướng vọng về công đức giáo hóa của các bậc cổ đức. Chuông chiều nhẹ vắng lan xa như đưa ta trở về với một thời vàng son của ngôi Tổ đình lịch sử này.
Tìm về Bạch Thạch, A Lan Nhã
Dưới gốc Xoài già, hỏi sư đâu
Rằng kia lời pháp vang trong gió
Đá Trắng vô tri cũng gật đầu.
Bình luận bài viết