Thông tin

THIỀN PHÁI LÂM TẾ THỜI CHÚA NGUYỄN

 

NGUYỄN VĂN QUÝ*

 

I. Đặt vấn đề

Bối cảnh lịch sử xã hội nước ta từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 là sự thay đổi liên tục giữa các triều đại, mô hình vua – chúa song song tồn tại, phần nào cho thấy sự bất ổn chính trị bấy giờ. Nhà Hậu Lê được chia làm hai giai đoạn Lê Sơ (1428 – 1527) và Lê Trung Hưng (1533 – 1789). Ngay sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ tiến hành xây dựng đất nước trong bối cảnh nền văn hóa bị hủy hoại nghiêm trọng do chính sách cai trị hủy diệt văn hóa của nhà Minh trong suốt 20 năm. Nho giáo đã được Lê Thái Tổ chọn lựa và trở thành hệ tư tưởng chính thống xây dựng thể chế chính trị xã hội. Khoa thi năm 1442 được xem là cái mốc quan trọng cho việc xác lập vị trí của Nho giáo. Từ giáo dục, thi cử, dựng bia Tiến sĩ… Nho giáo chiếm phần lớn.

Lẽ đương nhiên, khi đề cao Nho giáo thì cùng với nó là chính sánh hạn chế những tôn giáo tín ngưỡng khác và đạo Phật trở thành tâm điểm, là đối tượng của những chính sách ấy, và đương nhiên, Đạo giáo cũng chịu chung số phận. Nếu như cuối thời Trần, Nho thần Lê Quát từng nhận xét: “…Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ đi rồi lại dựng lên, nát đi rồi lại sửa lại, lâu đài chuông trống chiếm đến nửa phần so với dân cư…”[1] thì vào thời Lê Sơ lại ngược lại, thôn xóm nào cũng có thầy đồ dạy Tứ thư, Ngũ kinh. Rõ ràng, Phật giáo đã bị thất sủng.

Tuy vậy, trong đời sống tâm linh của hoàng tộc và nhân dân vẫn theo đạo Phật cùng các tín ngưỡng dân gian khác. Điển hình là vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông vẫn tiến hành lễ Phật cầu mưa hay các quan đại thần như Lê Ngân, Lê Văn Linh lại tỏ ra sùng đạo Phật. Nhất là vua Lê Hiến Tông không những sùng chuộng đạo Phật mà còn nghiên cứu sâu về Phật giáo, thậm chí tại khoa thi đình năm 1502, nhà vua đã ra đề thi về  Phật giáo.

Chỉ ít lâu sau khi vua Lê Thánh Tông băng hà, chính quyền thời Lê Sơ rối ren, đầy biến động. Mạc Đăng Dung, một cận thần có thế lực từng bước tiếm quyền lập ra nhà Mạc. Nhà Mạc (1592 – 1677) vẫn lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, nhưng địa vị của Nho giáo không còn như trước, điều này cũng có nghĩa là tiền đề cho các tôn giáo tín ngưỡng bắt đầu phát triển trở lại. Phật giáo với tư tưởng từ bi hỷ xả có những bước phát triển đáng kể và dường như là một nghịch lý, vào cuối thời nhà Mạc nội chiến liên miên thì số lượng chùa chiền lại được xây dựng và tu sửa khá nhiều, điều này cho thấy Phật giáo có khả năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân bấy giờ.

Trải các đời vua Lê chúa Trịnh (1570 – 1786), đối với Phật giáo, đáng chú ý là sự xuất hiện thiền phái Tào Động do Thiền sư Thủy Nguyệt (1637 – 1704) hoằng dương Phật pháp. Sách Kế đăng lục chép ông là đời thứ 36 thiền phái Tào Động. Các ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay như Trấn Quốc, Hòe Nhai, Hàm Long được xem là truyền thừa của thiền phái này. Trong khoảng thế kỷ 17, 18, còn xuất hiện một thiền phái nữa, đó là thiền phái Liên Tông do Thiền sư Lân Giác (1699 – 1733) thành lập tại chùa Liên Phái (Hà Nội). Phật giáo sử ghi nhận, thiền phái Liên Tông thuộc dòng Lâm Tế.

Nguyễn Hoàng, con thứ hai của An Thành hầu Nguyễn Kim, do lập nhiều chiến công trong việc đánh nhà Mạc nên được thăng Đoan Quận công. Nhưng khi vua Lê Trung Tông băng hà năm 1556, triều đình nằm trong tay Thái sư Trịnh Kiểm. Sau khi chứng kiến cái chết của Tả tướng Nguyễn Uông bị Thái sư Trịnh Kiểm ám hại, năm 1558, Nguyễn Hoàng theo sự tham mưu của những người thân tín đã chủ động xin vua Anh Tông và Trịnh Kiểm vào trấn thủ đất Thuận Hóa.

Từ khi vào trấn thủ vùng Thuận Hóa và đến các đời chúa Nguyễn sau này, bờ cõi đất nước được mở mang. Năm 1611, chúa Nguyễn đến Phú Yên, năm 1653 đến Phan Rang, năm 1693 đến Phan Thiết, năm 1698 đến Gia Định và đến năm 1757 thì Đàng Trong bao gồm cả miền Trung và miền Nam Việt Nam.

II. Thiền phái Lâm Tế thời chúa Nguyễn

Phật giáo phát triển theo sự mở rộng bờ cõi của các chúa Nguyễn, nhưng không phải phát triển đơn tuyến từ Thuận Hóa vào Gia Định[2] mà còn từ nhiều hướng khác nữa… Trên thực tế, ngay từ đầu, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đã ý thức rõ việc cần có một công cụ chính trị cho việc mở mang cơ nghiệp ở vùng viễn biên của Đại Việt. Hơn ai hết, sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, thân phụ là một cựu thần nhà Hậu Lê nên bản thân Đoan Quận công Nguyễn Hoàng cũng thấm nhuần tư tưởng Nho giáo và phương thức cai trị bằng Nho giáo. Tuy nhiên, với những diễn biến quá phức tạp dưới thời Lê – Mạc, nội chiến liên miên, sự chuyên quyền dòng họ Trịnh, nên khi tiếp cận vùng đất mới cũng đồng nghĩa tiếp nhận một nền văn hóa mới, một mặt Đoan Quận công vẫn “trung quân” với vua Lê và “trung thành” với chúa Trịnh và mặt khác Đoan Quận công cũng hiểu rằng hệ tư tưởng Nho giáo tỏ ra không còn thích hợp cho việc trị nhậm nữa, mở mang sự nghiệp ở nơi đây. Cristophoro Borri[3] đã có những nhận xét khá tinh tế về phong tục của người Đàng Trong thời kỳ này như sau: “Họ có tính quảng đại, hay bố thí cho người nghèo, họ có thói quen không bao giờ từ chối, không cho kẻ xin bố thí. Họ nghĩ là sẽ không làm đủ bổn phận nếu từ chối, họ coi như bị ràng buộc bởi phép công bằng”[4]. Do vậy, Đoan Quận công và cả các chúa Nguyễn sau này thấy rõ những gì Nho giáo không đáp ứng được ở vùng đất mới thì có ở đạo Phật. Và đương nhiên, các chúa Nguyễn đã coi Phật giáo là điểm tựa tinh thần để quy hướng nhân tâm. Đúng như lời nhận xét của học giả Trần Trọng Kim khi viết về Nguyễn Hoàng: “… là một người khôn ngoan mà lại có lòng nhân đức, thu dùng hào kiệt, yên ủi nhân dân, cho nên lòng người ai cũng mến phục”[5].

Sử Phật giáo ghi nhận, Thiền sư Hương Hải[6] thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử theo Nguyễn Hoàng vào vùng đất Thuận Hóa để hoằng dương Phật pháp. Bản thân Đoan Quận công, nhất là khi ông từ Đông Đô trở về vào năm 1600[7], đã từng bước cho xây dựng chùa Thiên Mụ ở Huế, lập trai đàn và làm lễ bố thí vào ngày lễ Vu Lan; dựng chùa Sùng Hóa ở huyện Phú Vang; lập chùa Bảo Châu ở Quảng Nam, chùa Kính Thiên ở Quảng Bình…

Trải các đời chúa Nguyễn, song song với việc chiêu tập lưu dân đến khai khẩn đất đai, lập làng dựng ấp, mở rộng lãnh thổ từ sông Gianh đến mũi Cà Mau thì đối với Phật giáo, hầu hết các chúa Nguyễn là “những Phật tử mộ đạo, hộ trì cho Phật giáo phát triển ở Đàng Trong. Chăm lo xây dựng, trùng tu chùa chiền, trọng đãi các bậc chư tăng…”[8]. Chúng ta có thể thấy, nhiều ngôi chùa đã được xây dựng như chùa Long Hưng, chùa Bửu Châu thời chùa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635). Chùa Thập Tháp Di Đà, chùa Hà Trung, chùa Quốc Ân… được lập dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687). Nhất là vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) thì Phật giáo ở Đàng Trong phát triển mạnh mẽ. Chúa Nguyễn Phúc Chu, ngoài việc chiêu hiền đãi sĩ, tiếp tục công cuộc Nam tiến, củng cố quân sự, chăm lo đời sống nhân dân,… ông còn là người hâm mộ và cũng là người hộ trì Phật pháp nhiệt thành. Chúa đã cho xây dựng chùa Mỹ An, trùng tu chùa Thiên Mụ, trọng đãi các thiền sư như Thiền sư Hưng Liên Quả Hoằng, thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm cùng kinh sách, pháp khí từ Trung Quốc, hỗ trợ các thiền sư mở đại giới đàn… Chính bản thân chúa Nguyễn Phúc Chu đã thọ giới Bồ tát và được ban pháp danh Hưng Long, đạo hiệu Thiên Túng Đạo Nhân và chúa cũng thường mời các cao tăng đến để tham khảo ý kiến về phương thức điều hành đất nước. Các chúa Nguyễn sau này, đạo Phật vẫn phát triển, tuy nhiên bên cạnh đó còn có chính sách cho/và cấm đạo Thiên chúa truyền bá[9].

Với chủ trương lấy tinh thần Phật pháp để định hướng đời sống nhân dân. Bản thân các chúa Nguyễn là những Phật tử, bên cạnh đó còn rất nhiều các Phật tử xuất thân thuộc tầng lớp quý tộc và quan tướng của các chúa Nguyễn. Nhiều ngôi chùa được xây dựng đáp ứng mục đích của các chúa Nguyễn và thực sự Phật giáo đã nâng cao vị thế tinh thần, sứ mệnh của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Xét ở khía cạnh khác, ngôi chùa do các chúa Nguyễn và các cao tăng thuộc các thiền phái tạo dựng còn để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân như cầu an khi đau ốm, cầu siêu khi qua đời thời bấy giờ.

Như trên đã nói, với sự hộ trì của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng cùng sự hoằng dương Phật pháp không mệt mỏi của Thiền sư Minh Châu Hương Hải thì thiền phái Trúc Lâm được phục hưng, làm nền cho Phật giáo Đàng Trong. Thiền phái Trúc Lâm vốn được thành lập vào thời Trần do hoàng gia sáng lập và truyền bá. Cho nên, khi nhà Trần mất ngôi thì khó tránh được hệ lụy. Điều này chúng ta hiểu vì sao, truyền thừa của thiền phái Trúc Lâm chỉ khá rõ về Tam tổ (Trúc Lâm Đầu Đà, Pháp Loa và Huyền Quang). Nhưng vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần, với sự xuất hiện của nhiều thiền sư thuộc thiền phái Trúc Lâm cho thấy thiền phái này vẫn có sự truyền thừa, mặc dù tình hình tư liệu hiện nay của thiền phái này còn quá nhiều khoảng trống.

Cuối thế kỷ 17, nhà Thanh thôn tính Trung Quốc, nhiều quan quân nhà Minh trốn chạy đã đến Đàng Trong sinh sống, trong đó có các nhà sư thuộc các thiền phái khác nhau của Trung Quốc. Năm 1677, Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch[10] thuộc thiền phái Lâm Tế đến phủ Quy Ninh lập chùa Thập Tháp Di Đà, năm 1683 ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung và năm sau đến Phú Xuân dựng tháp Phổ Đồng. Trong khoảng thời gian này, những hoạt động hoằng dương thiền phái Lâm Tế của Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch dường như không được chúa Nguyễn “chú ý”. Lý do chính là khi ấy, thiền phong Trúc Lâm với người đứng đầu là Thiền sư Minh Châu Hương Hải cùng với hàng loạt tên tuổi các cao tăng thuộc thiền phái này như Viên Cảnh, Viên Khoan… đã được chúa Nguyễn bảo hộ, bản thân thiền sư Minh Châu Hương Hải được suy tôn là Tổ Cầu, khiến cho thiền phái Trúc Lâm rất nổi tiếng và phát triển mạnh, có ảnh hưởng rất lớn với chính quyền và Phật giáo ở Đàng Trong. Thậm chí, nhiều thiền sư thuộc các thiền phái khác nhau như Thiền sư Chuyết Chuyết, Minh Hành… từ Trung Quốc sang Đàng Trong hoằng pháp, nhưng khi ra đến Đàng Ngoài truyền đạo thì đã “chịu nhiều ảnh hưởng của thiền phái Trúc Lâm”[11].

Năm 1682, Thiền sư Minh Châu Hương Hải dẫn 50 đệ tử bỏ ra Đàng Ngoài[12] vì lý do chính trị. Vì thế thiền phong Trúc Lâm mai một ở nơi đây, điều này đồng nghĩa Phật giáo Đàng Trong khủng hoảng, khiến cho chúa Nguyễn Phúc Tần phải lưu tâm tìm kiếm một nhân vật, thiền phái có đủ sức chấn hưng Phật giáo. Đây là lý do mà Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch thuộc thiền phái Lâm Tế trọng dụng.

Bấy giờ, Thiền sư Nguyên Thiều đang ở chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định, nhận được lời mời của chúa Nguyễn Phúc Tần ra Thuận Hóa thay thế “vị trí” của Thiền sư Minh Châu Hương Hải. Và gần như ngay lập tức, thiền phong Lâm Tế đã chứng tỏ sự kế thừa một cách xuất sắc khoảng trống mà “ngọn đèn thiền” Trúc Lâm để lại. Nhiều ngôi chùa được xây dựng, như chùa Phổ Thành, chùa Vĩnh Ân, các đại giới đàn được triển khai và quy tụ hầu hết các nhà sư thuộc các thiền phái khác theo về thiền phái Lâm Tế.

Để làm được điều này, cũng như thiền phái Trúc Lâm trước đó, thiền phái Lâm Tế do thiền sư Nguyên Thiều có sự thay đổi đáng kể để thích nghi với tình hình bấy giờ. Theo truyền thống của tông Lâm Tế, trước khi tham thiền hay tọa thiền, thầy gọi từng người vào phòng và trao công án để dụng công quán chiếu. Chữ Tọa 坐  gồm có hai chữ Nhân hai bên chữ Thổ, được nhân cách hóa thành một người biểu thị chính mình và một người biểu thị cảm tính thay đổi bằng tình cảm. Tọa là chiêm nghiệm đổi thay của cảnh giới bên ngoài, Thiền là thấy rõ dao động của tự tính bên trong. Thiền sư Đạo Nguyên[13] thuộc tông Tào Động xác nhận: Học Phật có nghĩa là học ở chính mình và công án là Chính pháp nhãn tạng. Như vậy, với việc thu nhập các nhà sư thuộc thiền phái khác, nhất là thiền phái Trúc Lâm thì việc tu hành không còn thuần túy là thiền phái Lâm Tế Trung Hoa. Hơn nữa, với việc dựng chùa và đặt tên chùa là Thập Tháp Di Đà khiến chúng ta hình dung đến tôn hiệu đức Phật A Di Đà, vị Phật của cõi Tây phương cực lạc thuộc tông Tịnh Độ. Theo nhận xét của học giả Nguyễn Hiền Đức: “phái Lâm Tế ở Việt Nam hoàn toàn giống thiền phái Trúc Lâm, pháp môn tu hành không còn thuần túy Thiền tông mà đã phối hợp giữa Thiền tông – Tịnh độ và Mật tông…”[14] hoàn toàn có lý.

Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Trăn kế nối ngôi chúa, và để phát triển Phật giáo hơn nữa, chúa đã “nhờ Hòa thượng Nguyên Thiều Siêu Bạch trở về Trung Hoa thỉnh các tăng sĩ ở Trung Hoa sang hoằng hóa ở Đàng Trong và thỉnh kinh sách, pháp tượng, pháp khí… của Trung Hoa”[15]. Hòa thượng Nguyên Thiều Siêu Bạch đã nhận lời ủy quyền của chúa Nguyễn Phúc Trăn trở về Trung Quốc mời Thiền sư Thạch Liêm[16] thuộc thiền phái Tào Động cùng nhiều cao tăng, pháp tượng, pháp khí sang Đàng Trong hoằng pháp. Có một điều khá lý thú là không rõ lý do vì sao Thiền sư Thạch Liêm không sang Đàng Trong thời gian này?

Tuy không biết chính xác Thiền sư Nguyên Thiều thỉnh được bao nhiêu bậc cao tăng và tượng phật cùng pháp khí[17]. Nhưng chắc chắn, sau khi hoàn thành công việc trên, thì ngay khi trở về Phú Xuân thì Thiền sư Nguyên Thiều lại càng được trọng dụng. Thiền sư được chúa hỗ trợ mở Đại giới đàn truyền giới cho những tăng sĩ mới đến, chùa Vĩnh Ân trước đây do thiền sư xây dựng được chúa cho phép đổi tên thành chùa Quốc Ân, như một sự tri ân đối với Ngài… Như vậy, thiền phái Lâm Tế dưới sự bảo trợ, hộ trì của chúa Nguyễn đã có những bước phát triển mạnh mẽ, không những thay thế, kế thừa một cách xuất sắc thiền phái Trúc Lâm trước đó, mà còn quy tụ hầu hết các tăng nhân thuộc các thiền phái khác nhau, tạo cho Phật giáo Đàng Trong một cơ tầng phát triển mới.

Tuy vậy, cũng do lý do chính trị, từ năm 1692[18], nhiều cuộc nổi loạn nổ ra, nhất là cuộc nổi loạn năm 1694[19] ở vùng Quảng Ngãi – Qui Ninh, nơi mà Thiền sư Nguyên Thiều hoằng pháp nhiều năm có liên quan đến người Hoa Kiều, khiến cho chúa Nguyễn Phúc Chu nghi ngờ và không còn tin dùng các thiền sư thuộc thiền phái Lâm Tế, bản thân Thiền sư Nguyên Thiều và một số đệ tử phải lánh vào Đồng Nai. Do vậy, hành trạng của Thiền sư Nguyên Thiều những năm ở Đồng Nai đến khi ngài viên tịch[20] không được rõ ràng.

Sau khi Thiền sư Nguyên Thiều và các đệ tử thuộc thiền phái Lâm Tế lánh xuống vùng Đồng Nai. Dường như Phật giáo Đàng Trong lại lặp lại chu trình, nhưng lần này, khoảng trống do thiền phái Lâm Tế để lại quá lớn. Tuy chúa Nguyễn Phúc Chu đã trọng dụng Thiền sư Hưng Liên, pháp danh Quả Hoằng[21] và ủy quyền cho Thiền sư Hưng Liên trở Trung Quốc mời Thiền sư Thạch Liêm thuộc thiền phái Tào Động sang Đàng Trong hoằng pháp, nhưng những gì  mà Thiền sư Thạch Liêm và các đệ tử làm không thay thế được thiền phái Lâm Tế.

Năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm cùng với đệ tử của mình mang theo kinh sách, tượng Phật và pháp khí tới Đàng Trong và được chúa Nguyễn Phúc Chu đón tiếp trọng thị. Và cũng không rõ lý do gì, Hòa thượng Thạch Liêm viết cáo bạch, có ý chê trách các tăng nhân ở Đàng Trong thuộc thiền phái Lâm Tế đã từng thọ Giới đàn của Thiền sư Nguyên Thiều. Lời cáo bạch có đoạn viết: “… Nay do Quốc vương triệu thỉnh, Lão tăng từ phương xa đến, được Quốc vương kính thân thiện như cốt nhục. Vả lại thần dân trong nước thảy đều qui y tam bảo thật là một quốc gia đều ưu muốn làm việc lành hiếm có. Ta nỡ nào mặc áo cà sa, làm trái với phép Phật, với Phật kết oan, với Pháp kết thù và với Tăng kết oán cho đành (…).

Gần đây, thấy có một bọn người giải dối, giả danh làm thầy mà giáo điều, giới luật mù tịt không biết, ngu dốt mà tự mình cho là cao, khinh khi kẻ hậu học, khi thì nói: “Bọn chúng không thể dạy được”, khi thì nói “Dù có dạy, chúng cũng chẳng biết chi”, ngăn người là tự ngăn minh, dối người là tự dối mình vậy (…).

Đến nay, thiên đạo suy vi, thuần phong tiêu tán, có kẻ giày cỏ chưa mang hết một đôi, cửa thiền chưa bước qua hai bực, một mai ra làm thầy, sợ người ta biết rõ chân tướng, làm bộ lim dim nhắm mắt, sửa giọng thanh cao, làm như bực giải thoát, ghen ghét tham lam, giả dối bề ngoài, để được tiếng khen là “ Lão thực tu hành”, lấy thế làm đắc sách (…)”[22].

Với những lời cáo bạch niêm yết ở các chùa thì rõ ràng là, với hành động này, Hòa thượng Thạch Liêm có ý muốn các tăng nhân theo về thiền phái Tào Động. Không lâu sau, vào ngày Phật đản năm Ất Hợi (1695), theo đề nghị của Hòa thượng Thạch Liêm, Quốc chúa đã có lệnh cho tăng nhân Đàng Trong tập hợp tại Phú Xuân thọ Đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thạch Liêm; tháng 7 cùng năm, Hòa thượng Thạch Liêm lại mở Giới đàn tại chùa Di Đà ở Hội An. Năm 1696, Hòa thượng Thạch Liêm rời Đàng Trong trở vê Trung Quốc.

Năm 1725, chúa Nguyễn Phúc Châu mất, chúa Nguyễn Phúc Trú nối ngôi và không còn nhiều hiềm nghi với thiền phái Lâm Tế nữa, có thể, sự ra đi của Hòa thượng Thạch Liêm và thiền phái Tào Động cũng để lại những khoảng trống đối với Phật giáo Đàng Trong, nhưng có lẽ không còn bức thiết như giai đoạn đầu. Việc Thiền sư Hưng Liên, đệ tử của Hòa thượng Thạch Liêm có mặt ở Đàng Trong được chúa Nguyễn Phúc Chu trọng dụng và chỉ khi đệ tử trở về Trung Quốc theo sự ủy quyền của chúa thì Hòa thượng Thạch Liêm mới sang Đàng Trong. Và Hòa thượng Thạch Liêm cũng chỉ hoằng pháp rầm rộ trong hai năm 1695 và 1696 rồi trở về khiến chúng ta còn băn khoăn. Trong Hải ngoại kỷ sự do Hòa thượng Thạch Liêm viết, Đại giới đàn ở chùa Thiền Lâm có hàng nghìn người tham dự, nhưng nòng cốt vẫn là chính quyền, hoàng tộc, quan lại nhà chúa. Bài Tự tính Di Đà thuyết cho thấy Hòa thượng Thạch Liêm đề cao việc niệm Phật và chỉ niệm Di đà lục tự, đề xuất cử công án của thiền phái Lâm Tế. Có lẽ Hòa thượng Thạch Liêm hiểu rằng, thiền phái Tào Động không đủ sức thay thế tông phong mà thiền phái Lâm Tế đã làm trước đó, cho nên, việc ông rầm rộ cho mở Giới đàn chỉ là nhất thời và sau đó Ngài liền trở về Trung Quốc.

Năm 1744, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã tạo điều kiện cho các pháp tôn của Thiền sư Nguyên Thiều mở rộng hoằng pháp ở miền Nam. Nhiều ngôi chùa được xây dựng thời kỳ này như chùa Từ Ân, Khải Tường ở Gia Định; chùa Phước Tường, Long Nhiễu, Hoa Nghiêm ở Thủ Đức. Nhưng người làm cho thiền phái Lâm Tế gốc sâu bền rễ lại chính là Thiền sư Liễu Quán[23]. Khi Thiền sư Nguyên Thiều và các đồ đệ của mình hoằng dương thiền phái Lâm Tế thì ít nhiều đã có sự mở rộng tông môn để thích nghi với hoàn cảnh đương thời, nhưng về cơ bản vẫn là thiền phái Lâm Tế Trung Hoa. Nhưng đến Thiền sư Liễu Quán thì thiền phái Lâm Tế đã được “Việt hoá” và trở thành phổ biến với đại đa số Phật tử Đàng Trong lúc bấy giờ. “Kiến trúc lễ nhạc bắt đầu trút bỏ màu sắc Trung Quốc và từ từ mang lấy màu sắc dân tộc. Những bài tán lễ như Cực lạc Từ Hàng chẳng hạn, đã hoàn toàn mang màu sắc Việt”[24]. Bốn trung tâm hoằng pháp lớn nhất thời bấy giờ thuộc về bốn đệ tử[25] của Thiền sư Liễu Quán, thậm chí “Phong trào Phật Giáo phục hưng ở thế kỷ thứ hai mươi đã dựa trên cơ sở của môn phái mang tên ông”[26].

III. Đôi lời tạm kết

Phật giáo dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phần lớn chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc. Có hai thiền phái chính là Lâm Tế và Tào Động. Nếu như Thiền là sự thể nghiệm chứng đắc từ nội tâm và tinh thần truyền thừa là Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành phật. Với tông Lâm Tế, phương pháp tu tập là tọa thiền, điều này còn thấy ở thiền phái Tào Động và Hoàng Bá. Thiền phái Lâm Tế tuy có sự phân tách Thiền và Tọa[27] để cho tâm được an định, còn ở thiền phái Tào Động, tọa thiền được gọi là Chỉ quán đả tọa, có nghĩa là ngồi thiền vì ngồi thiền, tâm linh diệu hoạt động gọi là Mặc chiếu thiền để điều thân, tâm. Tông Lâm Tế có Khán thoại thiền khi tọa thiền. Nghĩa là phải dụng công quán chiếu cố tắc[28] và công án[29]. Mỗi lần tham thiền gọi là Nhập thất tham thiền, đệ tử nhận công án từ thầy để quán chiếu rồi trình kiến giải khi đã liễu ngộ và thầy sẽ ấn chứng sự tỏ ngộ công án như thế nào. Từ Thiền sư Nguyên Thiều đến các thế hệ đệ tử sau này như Minh Giác Kỳ Phương, Thành Đẳng Minh Lượng, Minh Vật Nhất Trí… thì phương pháp tu hành theo công án ít được nhắc tới. Ngay cả trong thiền phái Trúc Lâm, Tào Động, thậm chí của dòng thiền Liễu Quán dưới thời các chúa Nguyễn đều nghiêng về tổ chức các giới đàn, nghiêng về truyền giáo hơn là tham cứu công án hay nghiên cứu nghĩa lý, do đó tư tưởng chính của Phật giáo Đàng Trong là Thiền Tịnh song tu, phương pháp tu hành là niệm Phật.

Sự có mặt của thiền phái Tào Động do Thiền sư Thạch Liêm, trước đó là đệ tử của ông là Thiền sư Hưng Liên trong khoảng thời gian ngắn không gây ảnh hưởng gì lớn đối với Phật giáo Đàng Trong. Nhưng với tác phẩm Hải ngoại kỷ sự gồm 6 quyển của Thiền sư Thạch Liêm cho chúng ta biết thêm nhiều điều thú vị về hành trình, việc hoằng dương Phật pháp của Ngài ở Đàng Trong.

Đối với thiền phái Trúc Lâm, sau khi Thiền sư Hương Hải cùng đồ đệ bỏ ra Đàng Ngoài thì ảnh hưởng của thiền phái này trở nên mờ nhạt. Cho nên, khi Thiền sư Nguyên Thiều được các chúa Nguyễn trọng dụng thì ngay lập tức thiền phái Lâm Tế trở thành nền tảng của Phật giáo Đàng Trong.

Dưới sự bảo trợ của các chúa, gần như không thấy nhắc đến việc in ấn, sao lục kinh sách như ở Đàng Ngoài cùng thời, có lẽ kinh sách phần nhiều được thỉnh từ Trung Quốc như việc chúa Nguyễn Phúc Trăn và Nguyễn Phúc Chu đã từng làm. Và nổi bật nhất là việc “Việt hoá” thiền phái Lâm Tế của Thiền sư Liễu Quán. Ngài đã mở pháp môn ở núi Thiên Thai thuộc Thuận Hóa. Dòng Liễu Quán thể hiện tư tưởng Tính hải, Tâm nguyên, Thể dụng viên thông, Chân không. Đây là những vấn đề đã được các bậc cao tăng ở các thế kỷ 10 đến thế kỷ 14 đề cập, nghiên cứu. Nhưng vì vùng đất mới, nên Thiền sư Liễu Quán phải trở lại những vấn đề thuộc về giáo lý cơ bản trong điều kiện không được tiếp thu Phật giáo Đại Việt trước đó. Do vậy, dòng này còn ảnh hưởng rất sâu rộng đến tầng lớp dân chúng cho đến hôm nay.



* Phòng Nghiên cứu Phật giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

[1]  Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Cao Huy  Giu (dịch), Đào Duy Anh (hiệu đính), NXB. Văn hóa Thông tin, tr. 604.

[2] Trong Phật giáo Nam Bộ từ thế kỷ 17 đến 1975, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, học giả Trần Hồng Liên cho biết có bốn con đường chủ yếu của Phật giáo vào Nam Bộ. Đó là từ miền Thuận Quảng vào khai phá vùng đất mới, con đường này có cả những nhà sư người Việt và người Hoa; theo đường thủy, từ Trung Quốc, đạo Phật đã được các nhà sư đến thẳng vùng Đồng Nai, Gia Định, Mỹ Tho truyền đạo (1679); đầu thế kỷ 18, Mạc Cửu người Quảng Đông, từ Chân Lạp sang vùng đất mới, đặt tên là Hà Tiên và Hộ Tông truyền bá Phật giáo Nam Tông từ Campuchia vào Nam Bộ

[3] Cristophoro Borri là một người Italia tới Đàng Trong vào thế kỷ 17.

[4] Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Huệ - Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch và chú thích, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.50.

[5] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB. TP Hồ Chí Minh, tr. 275.

[6] Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715) từng thi đỗ, làm quan và xuất gia. Ông tuyên truyền tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đặc biệt đề cao Phật tại tâm và không nên tìm Phật bên ngoài. Với ông, tìm trâu phải theo dấu chân, học đạo quý ở vô tâm, dấu chân còn thì trâu còn, vô tâm thì đạo dễ tìm.

[7] Năm 1593, Nguyễn Hoàng đem quân ra giúp Trịnh Tùng đánh dẹp nhà Mạc, đến năm 1600, vì họ Trịnh chuyên quyền nên có nhiều người không phục. Khi Phạm Ngạn, Ngô Đình Hàm, Bùi Văn Khuê khởi binh chống lại họ Trịnh năm Canh Tý (1600) thì Nguyễn Hoàng nhân đó theo đường biển về Thuận Hóa.

[8] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Tập 1, NXB. TP Hồ Chí Minh, tr.21.

[9] Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Trú (Chú), đạo Thiên chúa được phép truyền bá. Ở kinh đô Phú Xuân đã có một số nhà thờ được xây dựng. Nhưng vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), vào năm 1750, chúa đã lệnh đuổi các giáo sỹ ra khỏi Đàng Trong và sai người phá hủy hầu hết các nhà thời bấy giời.- Dẫn theo Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr 37.

[10] Thiền sư Nguyên Thiều (1648 – 1728), húy Siêu Bạch, họ Tạ, tên Hoán Bích. Ông người Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Báo Tư, thọ giáo với Hòa thượng Bổn Khao Khoáng Viên.

[11] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Tập 1, sđd, tr 45.

[12] Theo Nguyễn Hiền Đức, sự kiện Thiền sư Minh Châu Hương Hải bất ngờ bỏ Đàng Trong đế ra Đàng Ngoài có liên quan đến chính trị, bị chúa Nguyễn Phước Tần nghi ngờ có liên lạc với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.- Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Tập 1, sđd, tr 45.

[13] Đạo Nguyên Hi Huyền hay Vĩnh Bình Đạo Nguyên (1200 - 1253) người Nhật Bản. Ngài có công lớn khi đưa thiền phái Tào Động đến Nhật Bản. ,,

[14] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Tập 1, sđd, tr 92.

[15] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Tập 1, sđd, tr 46.

[16] Thiền sư Thạch Liêm, (1633 – 1704), hiệu là Đại Sán hay Hán Ông, quê ở Giang Tây, Trung Quốc. Ông vốn tinh thông Tam giáo, lại giỏi thơ văn. Cuối thời nhà Thanh, ông không chịu làm quan mà xuất gia tại chùa Thượng Lâm, theo học Hòa thượng Giác Lãng thuộc tông Tào Động.

[17] Theo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, có thể ngoài Thiền sư Thạch Liêm và một số đệ tử còn Thiền sư  Giác Phong khai sơn chùa Hàm Long (tức chùa Bảo Quốc ngày này); Thiền sư Từ Lâm lập chùa Từ Lâm; Thiền sư Minh Hoằng Từ Dung dựng chùa Ấn Tông (chùa Từ Đàm ngày nay); Thiền sư Hưng Liêm Quả Hoằng và một số thiền sư khác thuộc thiền phái Tào Động.

[18] Năm 1690, 1691 vua Chiêm là Kế Bà Tranh thường gây hấn và sát hại nhân dân ở Diên Ninh. Năm 1692, chùa Nguyễn Phúc Chu đem quân đánh quân Chiêm và thành lập trấn Thuận Thành (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay). Nhưng khi vừa bình định xong quân Chiêm thì một nhóm người Thanh, đứng đầu là A Bân dấy loạn, Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh đánh dẹp và được cử làm Trấn thủ dinh Bình Khương.

[19] Quảng Phú là người cùng quê với Thiền sư Nguyên Thiều, lại nổi loạn nơi Ngài dựng chùa Thập Tháp Di Đà. Dẫn theo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr 122.

[20] Đại Nam liệt truyện tiền biên cho rằng Thiền sư Nguyên Thiều viên tịch năm 1693 – 1694; Việt Nam Phật giáo sử lược của Mật Thể cho rằng Thiền sư Nguyên Thiều mất vào năm 1729 (Bảo Thái 10)…

[21] Thiền sư Hưng Liên là đệ tử của thiền sư Thạch Liêm. Ngài sang Đàng Trong vào khoảng  đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691). Vì vậy, có thể Thiền sư Hưng Liên là người đầu tiên đem tông phái Tào Ðộng vào Ðàng Trong. Ngài còn được chúa Nguyễn Phúc Chu tôn làm quốc sư, trước khi Thạch Liêm qua Ðại Việt.- Dẫn theo http://www.quangduc.com/lichsu.

[22] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Tập 1, sđd, tr 136,137.

[23] Thiền sư Liễu Quán (1667 - 1742),  người làng Bạc Mã, huyện Ðồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

[24] Nguồn: http://www.quangduc.com/lichsu.

[25] Đó là Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu

[26] Nguồn: Đd.

[27] Thiền và Tọa thiền đều là chữ Hán, chữ Phạn là Dhyàna và chữ Pali là Yana, khi phiên âm sang tiếng Trung Quốc là Thiền na, có nghĩa là sự an định của tâm. Sau này, Thiền na và Thiền định gộp thành Thiền định và mang ý nghĩa làm cho thân và tâm an định

[28] Cố tắc nghĩa là người xưa thường dùng ngôn ngữ và câu văn để biểu thị về tư tưởng thiền.

[29] Công án được dịch là Dịch sở hay Công phủ, nơi đưa ra những phép tắc và công lệnh. Chữ Công có ý nghĩa là một pháp lệnh, không nệ vào tình riêng để dung thứ bất cứ ai, đó là biểu thị tuyệt đối của tâm thiền. Dùng công án khi tọa thiền là tự mình nỗ lực để trở thành một thực thể được gọi là công phu. Tức là dụng công cả thân và thâm để sao cho chính mình và công án là một.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 50
    • Số lượt truy cập : 6127839