Thông tin

THIỀN SƯ KHÁNH HÒA

CÔNG ĐẦU TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

 

TRẦN CAO LỘC*

 

Trước khi tịch, Tổ không cho dùng vải lụa tẫn liệm cũng như không được dùng long vị sơn son thếp vàng. Một đời sống giản dị đã khép lại với cung cách của một vị Tổ giàu nghị lực và công lao to lớn nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ.

Đầu thế kỷ XX, trên thế giới xuất hiện nhiều phong trào khôi phục lại các giá trị của Phật giáo. Tại Ấn độ, Đại đức Dharmapala sáng lập Hội Đại Bồ đề (Mahabodhi) và Hội chủ xướng công cuộc vận động phục hưng Phật giáo Ấn Độ. Sau đó, bác sĩ Ambedkar thành lập hội Phật giáo Ấn Độ (The Indian Buddhist Society), khuyến khích hàng triệu người Ấn quy y theo Phật và biên tập tác phẩm Đức Phật và Giáo pháp của Ngài (The Buddha and His Dhamma).

Từ năm 1920, sau cuộc Cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa, làn sóng chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa phát triển mạnh mẽ. Cư sĩ Dương Nhân Sơn đã thiết lập Kỳ Hoàn Tịnh xá và nghiên cứu Phật học bằng nhiều thứ tiếng như Hán văn, Anh văn, Pali. Nhiều cơ quan của Hội Phật học liên tiếp thành lập và hô hào cải cách. Thái Hư Đại sư chủ trương cải cách Phật giáo với khẩu hiệu: "Cách mạng giáo lý, giáo chế và giáo hội", thành lập Trung quốc Phật giáo hội, tổ chức Phật học viện tại Nam Kinh, Vũ Xương và Thượng Hải. Từ đó, phong trào lan rộng đến các nước khác như Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.

Ở Việt Nam thời gian bị thực dân Pháp đô hộ, có nhiều diễn biến chính trị, xã hội và văn hóa, đã xuất hiện phong trào chấn hưng Phật giáo. Đó chính là đòn bẩy cho sự phát triển và khôi phục của Phật giáo. Từ những năm 1920, các chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức cùng với một số Phật tử cư sĩ mở các trường gia giáo để bước đầu trong việc đào tạo Tăng tài như chùa Tiên Linh của Tổ Khánh Hòa ở Bến Tre, chùa Phi Lai của Tổ Chí Thiền ở Châu Đốc, chùa Kim Huê, Vạn An ở Sa Đéc, chùa Long An của Tổ Khánh Anh ở Trà Ôn…

Phong trào khởi phát ở miền Nam với Tổ Khánh Hòa là linh hồn của phong trào thời bấy giờ và nhanh chóng lan rộng khắp 3 miền đất nước.

Phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu bằng sự vận động của Thiền sư Khánh Hòa và các vị cùng chí hướng nhằm thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trong toàn quốc. Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ông phát sinh rất sớm ngay từ khoảng ông 40 tuổi. Ông du hành khắp nơi ở Nam kỳ để kêu gọi sự hợp tác và đã liên kết được một số cao tăng như Huệ Quang, Pháp Hải và Khánh Anh…

Năm 1923, một tổ chức Tăng sĩ được thiết lập gọi là Hội Lục hòa Liên hiệp dưới sự hướng dẫn của Tổ với mục đích thành lập Hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo.

Qua việc thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp, mỗi lễ giổ tổ, chư sơn thiền đức gặp nhau, Tổ đã đảnh lễ và kêu gọi chư Tăng đồ chấn hưng Phật giáo. Lời kêu gọi tha thiết của Tổ khiến người nghe cũng cảm khái động lòng và rơi lệ. Chủ trương của Tổ là:

1 – Phải kết hợp các bậc Tăng tài để cộng tác.

2 – Phải cất nhà thư xã thỉnh 3 Tạng kinh để làm tài liệu nghiên cứu, phiên dịch ra Việt văn để phổ biến ra thập phương bá tánh.

3 – Yếu tố quan trọng là tài chính để giải quyết mọi việc, đồng thời lập ra trường Phật học để đào tạo Tăng tài.

Sau khi thành lập Phật học viện và Thư xã, Tổ đã đi vận động để thành lập trường Phật học và Hội Nam kỳ Phật học. Sau cuộc hành trình từ Nam kỳ đến Nam Vang, Tổ trở về lập Thư xã, khánh thành Pháp Bảo phường và Tàng Kinh thất.

Tổ đã gửi sư Thiện Chiếu ra Bắc để vận động, nhưng công cuộc bất thành nên đã về Nam khởi xướng phong trào ở Nam kỳ. Sau đó, Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Thiện Niệm, Từ Nhã, Chơn Huệ… tổ chức tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn) một Thích học đường và một Phật học Thư xã.

Trong thời gian này, Tổ đã đi vận động hầu hết ở các chùa ở miền Nam cũng như ở miền Trung và miền Bắc. Tổ ấn hành tập san Phật học bằng quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam là Pháp Âm. Sư Thiện Chiếu cũng cổ vũ mạnh mẽ việc đổi mới Phật giáo nên cùng xuất bản một tập san lấy tên là “Phật hóa tân thanh niên” nhắm tới giới thanh niên trí thức. Ngoài ra, sư Thiện Chiếu còn biên soạn lại Phật học Tùng thư và xuất bản các sách, như: Phật học vấn đáp, Phật học tổng yếu, Cái thang Phật học…

Tập san Pháp Âm Phật hóa tân thanh niên là hai tờ báo Phật giáo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ và mở đầu cho các tờ báo và tạp chí Phật học sau này. Việc phát triển chữ quốc ngữ và hệ thống báo chí làm cho các giá trị truyền thống văn hóa ngày càng khởi sắc. Trong thời gian tiếng Việt còn thô sơ, Tổ lại là người thực học uyên bác hơn cả. Tổ đã dịch kinh, viết báo bằng Việt ngữ, trong khi những vị đồng thời với Tổ chưa ai viết báo được. Trong các trường hạ, Tổ thường làm chủ giảng, nên ngay đến Hòa thượng Phước Huệ giỏi về Phật pháp hàng đầu ở miền Trung cũng thán phục. Tạp chí Pháp Âm kêu gọi Tăng ni đoàn kết chấn hưng Phật giáo và xây dựng quốc học, chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ tây đều được sử dụng. Riêng chữ quốc ngữ chính là phương tiện để nối liền hai thế hệ Tân học và Cựu học.

Tổ kết thân với Thiền sư Bích Liên và Liên Tôn vì khám phá được thực tài của hai vị này. Bích Liên làm chủ bút tờ Từ Bi Âm và Liên Tôn là phó, tờ báo này là một đóng góp đáng kể cho Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Bích Liên chỉ là tên ngôi chùa đã lấy làm tên, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm bằng chữ Hán và chữ Nôm, cũng như nhiều bài Phật pháp bằng thơ lục bát. Sau đây là bài kệ truyền thừa của ông:

Chân ngọc hồng sơn chiếu

Trừng châu bích hải viên

Lý minh tri tính diệu

Trí mật ngộ tâm huyền

Tịch duyên hoài túy liễu

Lạc quốc ngự kim liên

Thán cảnh quy lai nhật

Tông phong chấn cổ huyền

Về Thiền sư Liên Tôn, đó chỉ là tên chùa nơi ông trụ trì. Sáng tác chữ Nôm của ông có: Sa di luật diễn nghĩa, A Di Đà kinh diễn nghĩa, Kim Cang Bát nhã diễn nghĩa, tập thơ Chứng đạo diễn ca…

Năm 1931, Tổ cùng với một số vị có công trong việc thành lập Hội Phật giáo đầu tiên là “Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học”. Hội cho ra đời tạp chí Từ Bi Âm do tổ làm chủ nhiệm, nhưng đên số 45 thì tổ từ chức và trong mười năm đã đóng góp cho việc phổ thông hóa Phật học bằng quốc ngữ.

Chương trình của tổ bị thất bại vì không nắm được thực quyền, nên tổ đã rút về Trà Vinh để cùng hợp tác với thiền sư Huệ Quang và Khánh Anh. Thiền sư Khánh Hòa tổ chức Phật học đường tên Liên Đoàn Phật học xã. Lớp học đầu tiên có 50 vị Tăng do các vị Huệ Quang, Khánh Anh và Pháp Hải giảng dạy.

Hội xuất bản sách Phật học giáo khoa, tạp chí Duy Tâm cũng được ra đời và kêu gọi thành lập Phật giáo Tổng hội để thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam. Sau đó, Tổ lập Liên đoàn học xã. Đây là một Phật học đường để đào tạo Tăng tài và Hoằng dương Chánh pháp có tính tuần hoàn và liên tục, ban ngày dạy học, ban đêm thuyết pháp. Mỗi chùa đài thọ kinh phí 3 tháng.

Tiếp theo, Hội Lưỡng Xuyên Phật học ra đời và mở Phật học đường Lưỡng Xuyên để đào tạo Tăng ni. Tổ là Đốc học (Hiệu trưởng) và là Sư trưởng Phật học của Hội này. Vào giai đoạn này, Thiền sư Pháp Hải là người triệt để ủng hộ công trình của Tổ. Tổ đã đảm trách việc giảng dạy cho Liên đoàn học xã tổ chức tại các chùa Long Hòa, Thiên Phước và Viên Giác.

Năm 1943, Tổ về chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre, tổ chức một Phật học đường đầu tiên cho ni giới ở Nam kỳ. Ngày nay, tăng đồ có trường học và tín đồ có kinh sách Việt văn để xem là nhờ công đức của Tổ vào những ngày đầu dịch kinh chữ Hán ra chữ Việt.

Nói chung, một sự kiện quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và là kết quả của phong trào chấn hưng Phật giáo là việc lập ra Tổng hội Phật giáo Việt Nam của cả ba miền để thống nhất về mặt tổ chức. Đại biểu Tăng già ở cả ba miền lập ra Giáo hội Tăng già toàn quốc nhằm hỗ trợ cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam đồng thời tạo mối quan hệ rộng rãi với Phật giáo thế giới như tổ chức thân hữu Phật tử thế giới (Worl Friendship of Buddhist – WFB) và Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập.

Nhìn lại Phong trào chấn hưng Phật giáo ở cả ba miền có ý nghĩa quan trọng trong giới Phật giáo và ngoài xã hội với vai trò “Hộ quốc An dân” đồng hành cùng dân tộc. Ngày nay, ngôi nhà chung của Phật giáo Việt đã được thành lập. Đó là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” thống nhất cho cả ba miền đất nước.

Giờ đây, chúng ta đang sống trong thời kỳ hưng thịnh của Phật pháp, đó cũng là nhờ công ơn của các bậc tiền bối đã hy sinh và đổ nhiều công sức trong việc xương minh đạo Phật. Hơn 70 năm về trước, các vị đã cùng hạnh nguyện khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo của ba miền Nam, Trung, Bắc. Trong số đó có Tổ Khánh Hòa là người có công nhất trong lịch sử chấn hưng Phật giáo miền Nam.

Trong suốt 25 năm, Tổ luôn cống hiến tài lực trong việc chấn hưng Phật giáo theo đường lối ôn hòa và tránh những bút chiến hay tranh luận. Tổ rất được mọi người quý mến. Trước khi tịch, Tổ không cho dùng vải lụa tẫn liệm cũng như không được dùng long vị sơn son thếp vàng. Một đời sống giản dị đã khép lại với cung cách của một vị Tổ giàu nghị lực và công lao to lớn nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ.

 


* Pháp danh: TN Huệ Quý.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 86
    • Số lượt truy cập : 6952509