Thông tin

THIỀN SƯ TÁNH THIÊN NHẤT ĐỊNH

THẾ HỆ THỨ NĂM THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN

 

TRẦN ĐÌNH SƠN

 


Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định (1784 - 1847) 

 

Hai mươi năm cuối thế kỷ XVIII, đất nước lâm cảnh nội chiến, binh lửa tàn phá khắp mọi miền Nam Bắc. Các hoạt động văn hóa, tôn giáo bị đình trệ.

Năm 1802, Chúa Nguyễn Phước Ánh hoàn toàn chiến thắng, thống nhất đất nước lên ngôi hoàng đế, khai sinh quốc hiệu Việt Nam, niên hiệu Gia Long (1802 - 1819). Từ thời điểm này, Phật giáo được triều Nguyễn ủng hộ phục hưng…

Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định (1784 - 1847), thế danh Nguyễn Văn Nội. Nguyên quán làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Từ thơ ấu, song thân cho ngài theo Hòa thượng Phổ Tịnh, hành điệu tại chùa Thiên Thọ (Báo Quốc). Năm 19 tuổi, bổn sư thế độ làm Tăng, pháp danh Tánh Thiên, tự Nhất Định. Ngài thọ giới Cụ túc với Hòa thượng Mật Hoằng tại Đại giới đàn Quốc Ân.

Năm 1814, ngài được bổn sư phú pháp:

Âm:

“Nhất định chiếu quang minh

Hư không mãn nguyệt viên

Tổ tổ truyền phó chúc

Đạo minh kế Tánh Thiên”

- Năm 1816, Hòa thượng Phổ Tịnh viên tịch, ngài được cung thỉnh trú trì chùa Sắc tứ Thiên Thọ suốt 14 năm, ân tứ giới đao độ điệp. Năm 1833, theo sắc chỉ của vua Minh Mạng, bộ Lễ cung thỉnh ngài đến trú trì Linh Hựu quán. Sau đó tiến cử chức vụ Tăng cang tại đây.

Năm 1840, xây dựng Quốc tự Giác Hoàng xong, vua ban chỉ thỉnh ngài về giữ chức Tăng cang Giác Hoàng.

Dưới triều vua Thiệu Trị (1841 - 1847), vào năm thứ 3, Tăng cang Nhất Định dâng sớ xin được từ nhiệm trở về ẩn cư phụng dưỡng mẹ già, chuyên tâm tu niệm. Vua cảm thông tâm tình của ngài nên ban ơn cho giải chức. Ngài vô cùng hoan hỷ cảm thán:

“Già rồi may được vua thương

Một thân một bát rộng đường vân du”

Rời Quốc tự Giác Hoàng bên cạnh cung vua, ngài cùng hai học trò hầu mẹ già lên vùng đồi núi Dương Xuân, phía Tây Nam kinh thành. Dùng tranh tre dựng ngôi nhà nhỏ, phía trước thờ Phật Di Đà, phía sau làm chỗ cư trú của mẹ con, thầy trò, đặt tên “An Dưỡng am”.

Hòa thượng Nhất Định trước sau tuân thủ con đường “Thiền tịnh song tu” của pháp phái Liễu Quán. Đối với đại chúng, ngài chỉ dạy pháp môn niệm Phật:

“Niệm Phật thì phải ân cần

Thức khuya dậy sớm tay lần hạt châu

Niệm Phật ngay thẳng làm đầu

Ân cao cũng trả, nghĩa sâu cũng đền

Niệm Phật thọ mạng tăng diên

Phật vô lượng thọ ta liền khác chi

Niệm Phật nhớ chữ từ bi

Tham lam bớt bớt, sân si vừa vừa…”

Đối với tầng lớp quyền quý, trí thức có điều kiện nghiên cứu kinh điển, ngài khai thị:

Âm:

“Liễu ngộ tức tâm, tâm thị Phật

Tương thừa tục diệm vĩnh xương long”

Nghĩa:

“Giác ngộ được tâm, tâm là Phật

Muôn đời đèn tuệ, tiếp trao nhau”

Âm:

“Tảo giác mê vân lung hạo nguyệt

Tuệ phong xuy tán, kiến quang minh”

Nghĩa:

“Sớm biết mây mờ che bóng nguyệt

Tâm mê gió tuệ quét sáng trưng”

Không những Tăng tín đồ hết lòng tôn kính, quy y, Hòa thượng còn được các vương hầu, đại thần đương thời ngưỡng mộ vì giới đức trong sạch. Ngài không xu phụ, tham cầu hư danh lợi dưỡng. Nhiều danh nhân văn hóa như Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu, Thượng thư Nguyễn Đăng Giai… đều có giao tình tốt đẹp, lui tới thảo am của ngài đàm đạo, học hỏi thiền lý với vị Lão tăng tinh thông tam giáo.

* Ông hoàng thơ Miên Thẩm, một hôm lên viếng An Dưỡng am đề tặng:

Âm:

An Dưỡng am dạ tọa đắc cú

“Tứ sơn phong vũ dạ trì trì

Mính uyển thiền sàng tiểu tọa nghi

Bất thị kim triêu giá trúc viện

Văn chung vô hạn bích vân ty”

Nghĩa:

Am An Dưỡng đêm ngồi ngâm thành câu

Bốn bề mưa gió suốt đêm thanh

Trà uống ngồi nghiêm chỉnh một mình

Ước được sáng nay qua viện trúc

Nghe chuông luống những nhớ trời xanh

(Ngô Văn Chương dịch)

* Tương An quận vương Miên Bửu

Hoàng tử thứ 12 của vua Minh Mạng, giỏi thơ văn, đặc biệt là thơ quốc âm (Nôm). Ông rất ngưỡng mộ Hòa thượng Nhất Định. Lúc ngài còn giữ chức trí trì Linh Hựu quán, hoàng tử thường đến chùa lễ Phật đàm đạo. Cảm phục đạo hạnh của bậc chân tu, vương làm thơ tặng:

Âm:

Tặng Cao tăng Nguyễn Nhất Định

Dạ tụng Pháp Hoa kinh

Chân tâm bách luyện tinh

Phòng vô phiến trần nhập

Bích quải điểm đăng minh

Tích hữu Uyên Minh thức

Tâm như Huệ Viễn thanh

Chúng nhân đổ ngột ngột

An đắc thấu sinh sinh

Nghĩa:

Tặng Cao tăng Nguyễn Nhất Định

Đêm tụng Pháp Hoa kinh

Chân tâm tu luyện tinh

Phòng không mảy bụi tục

Vách mắc ngọn đèn xanh

Dấu vết Uyên Minh sáng

Cõi lòng Huệ Viễn thanh

Người trần nhiều lao khổ

Khó rõ lẽ sinh sinh

(Nguyễn Khuê dịch)

* Đại thần Nguyễn Đăng Giai

Xuất thân trong gia đình Nho học thành đạt, giữ truyền thống “Cư Nho mộ Thích”, ông rất ngưỡng mộ Hòa thượng Nhất Định, viết văn bia ca tụng ngài: “…Thiền sư Nhất Định, phụng hành Phật pháp giáo hóa từ bi, tiếp độ chúng sanh. Ở trong hàng tín chúng có nhiều người hoặc đã bước lên cửa ngõ nhiệm mầu nơi thế giới Hoa tạng. Hoặc đã đi vào biển tánh giác ngộ của Đức Phật Tỳ-lô-giá-na. Há không phải là hạnh từ bi của ngài đó sao?...”.

Ngài đã thọ ký 41 đệ tử xuất gia, trong đó có 15 vị được trao kệ đắc pháp. Đặc biệt ba vị xuất sắc nhất nối tiếp Tôn sư đào tạo Tăng tài hoằng dương Chánh pháp làm rạng rỡ tông môn pháp phái Liễu Quán cận đại là: Hòa thượng Hải Thuận Lương Duyên (chùa Báo Quốc), Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ (chùa Từ Hiếu), Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ (chùa Tường Vân).

Tổ sư Nhất Định trú tại am An Dưỡng được 5 năm. Ngày mồng 7 tháng Mười năm Đinh Mùi (1847), triều vua Thiệu Trị, ngài bỏ dép về Tây sau 63 năm thác sinh vào quốc độ Việt Nam. Tiếp nối trao truyền tuệ đăng Liễu Quán đến nay trải qua hơn 300 năm. Thời nào cũng xuất hiện các bậc Cao tăng toàn tâm toàn ý xiển dương Chánh pháp, chấn hưng Phật giáo. Hiện đại, có Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh, kế đăng đời thứ tám thiền phái Liễu Quán, trực hệ pháp phái Tánh Thiên Nhất Định, chùa Từ Hiếu phát triển thành công pháp môn thiền Làng Mai tại các quốc gia Âu Mỹ. Điều này tạo sức sống mới, lan tỏa tinh hoa giáo lý đạo Phật, phù hợp thời đại, văn hóa phương Tây. Ứng hợp với đại nguyện của Tổ sư Liễu Quán gởi gắm qua bài kệ truyền pháp:

Âm:

Thiệt Tế Đại Đạo

Tánh Hải Thanh Trừng

Tâm Nguyên Quảng Nhuận

Đức Bổn Từ Phong

Giới Định Phước Huệ

Thể Dụng Viên Thông

Vĩnh Siêu Trí Quả

Mật Khế Thành Công

Truyền Trì Diệu Lý

Diễn Xướng Chánh Tông

Hạnh Giải Tương Ưng

Đạt Ngộ Chơn Không.

Nghĩa:

Đường lớn chân thật

Biển tánh lắng trong

Nguồn tâm rộng thoáng

Gốc đức gió lành

Giới định phước huệ

Thể dụng dung thông

Trí quả vượt qua

Khế hợp thành công

Truyền trao giáo lý

Phát triển chánh tông

Hạnh giải tương ưng

Ngộ thấu nguồn chân.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6294208