Thông tin

THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH VÀ HUYỀN TÍCH

 

TS. NGUYỄN TẤT ĐẠT

 

I. QUÊ HƯƠNG VÀ  THIỀN SƯ   

Trong từ điển Wikipedia thì thiền sư Từ Đạo Hạnh “sinh năm 1072 mất năm 1116, ngày 7 tháng 3 âm lịch nhân dân chùa Thầy tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội mở hội tương truyền đó là ngày mất của thiền sư”. Trong Thiền uyển tập anh truyện Từ Đạo Hạnh ghi: “Thiền sư Đạo Hạnh chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, họ Từ tên Lộ, cha là Vinh, làm quan tới chức Tăng quan đô án, thường đi học tại làng Yên Lãng, lấy một người con gái họ Tăng rồi theo quê vợ, sư là con nàng Tăng thị vậy”. Theo cố Thượng toạ Thích Viên Thành, người trụ trì chùa Hương và chùa Thầy viết: “ Thiền sư Từ Đạo Hạnh họ Từ, tên tục là Lộ, con quan Đô sát Từ Vinh, mẹ là Tăng thị Loan, quê làng Yên Lãng, huyện Vĩnh Thuận nay là huyện Từ Liêm, Hà Nội”[1]. Trong Đại Nam nhất thống chí ghi: “Một thuyết nói ngài Đạo Hạnh người thôn Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, cha là Từ Vinh, mẹ là Tăng thị Loan. Nay tương truyền, trong làng Đồng Bụt còn có nền nhà cũ họ Từ, trước chùa có 70 mẫu ruộng thuộc nhà họ Từ”. Theo Lê Mạnh Thát sau khi phân tích cứ liệu từ Thiền Uyển tập anh và các tài liệu khác viết: “Về thân thế quê quán của Đạo Hạnh thì truyện ở đây cho ta biết cha của Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh, từng làm quan tới chức Tăng quan đô án, lấy người con gái họ Tăng sinh ra Từ Lộ. Từ đó, Yên Lãng trở thành quê hương thứ hai của gia đình họ Từ”[2].  Như vậy căn cứ vào các tài liệu tương đối nhất quán trên thì quê mẹ của đức Từ đạo Hạnh là làng Yên Láng huyện Từ Liêm  nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Còn quê cha tức quê thứ nhất của thiền sư Từ Đạo Hạnh? các sách chưa nói rõ nhưng qua phân tích ta có thể tiên liệu rằng: Ngài Từ Vinh đến làng Láng trọ học rồi làm quan và kết duyên với người con gái trong làng, như thế ngài không phải là người làng Láng. Nếu vậy chỉ còn tư liệu nói về làng Đồng Bụt huyện Yên Sơn tỉnh Sơn Tây là có cơ sở nhất. Về điều này tác giả Đỗ Hoàng Tuấn đã viết: “Căn cứ vào đó thì quê quán của thiền sư Từ Đạo Hạnh tại thôn Đồng Bụt huyện Tiên Sơn, tỉnh Sơn Tây cũ, có cha là Từ Vinh mẹ là Tăng thị Loan. Ngày nay chùa Đồng Bụt còn ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Tên chữ của chùa là thiền sư tự”[3]. Như thế quê hương thứ nhất tức quê cha của thiền sư Từ Đạo Hạnh là thôn Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây. Đến đây ta có thể tin rằng thiền sư Từ Đạo Hạnh theo địa dư cũ là quê hương xứ Đoài cả cha lẫn mẹ. Xứ Đoài vẫn nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt với núi non tuy không cao lớn đồ sộ nhưng hội đủ khí thiêng, sông không lớn không sâu nhưng có long tụ. Ở đây chúng tôi muốn nói rằng sông núi là kết tinh của của vũ trụ, còn con người là kết tinh của sông núi theo nguyên lý: Khí là mạch sống là năng lượng của vũ trụ,  năng lượng kết tụ hết mức thì hoá hình mà cao nhất là núi sông, năng lượng tan loãng ra hết mức thì thành ra khí, khí ẩn tàng trong vạn vật để súc dưỡng vạn vật, khí cạn hay bị ô trược thì vật suy kiệt, xác xơ, tàn lụi. Cho nên những nơi danh lam thắng cảnh, cảnh vật thường tươi khôi tú lệ, phương khách vượt đường xa  nô nức đến quần tụ vẫn không thấy mệt. Họ thấy tươi vui mà không hiểu họ đang được hưởng dòng năng lượng quý báu từ vũ trụ tuôn trào mà những vùng đất khác không thể có. Một cuộc hội họp lớn diễn ra trong phòng ốc rộng lớn, điều hoà sang trọng, được tô trang cầu kỳ bằng kỹ xảo nhân tạo. Người dự họp được xe rước đón long trọng cận cửa thang máy, vẫn không bao giờ có sự vui vẻ thoái mái bằng cuộc họp không phải tốn công đi xa nhưng diễn ra ở nơi danh thắng có thiên nhiên nhiên trong lành. Thiền sư Từ Đạo Hạnh được sinh ra từ quê hương xứ Đoài, nơi có non xanh nước biếc, nơi có nhiều danh thắng đẹp đẽ, cũng  giống các thiền sư Việt Nam khác với độ thâm sâu của kiến thức với tinh tế của tâm hồn đã nhận thức được địa linh của xứ sở nên đã chọn vùng đất xứ Đoài làm nơi tu tập giải thoát, dựng nên rất nhiều chùa chiền để hoằng dương Phật pháp, đem pháp Phật phổ độ chúng sinh. Biết được quê hương xứ sở gắn bó tạo dựng nên con người, biết được con người sống dựa vào năng lượng vũ trụ vào môi trường tự nhiên chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn, thận trọng, cân nhắc mỗi khi khoan phá, tàn hại môi trường  vì lợi nhuận cho những dự án công nghiệp hoá, đô thị hoá, bê tông hoá. Hãy nhớ, nếu chúng ta còn muốn có nhân kiệt cho đất nước thì giữ lấy địa linh, huỷ hoại môi trường là cắt đứt dòng sữa ngọt ngào của Mẹ Vũ trụ, là lấp mất lối về cội nguồn sự sống.

II. CON NGƯỜI VÀ PHẨM CHẤT

Về con người của thiền sư Từ Đạo Hạnh, sách Việt điện u linh ghi: “Nhà ở được kiểu đất quý sinh ra được Từ Đạo Hạnh có khí cốt tiên Phật, lúc còn trẻ hay chơi bời phúng túng, nhưng có chí lớn, cách cử động ít người biết được. Đạo Hạnh thường kết bạn với một nhà Nho tên là Phí Sinh, một đạo sĩ là Lê Toàn Nghĩa và một người đàn hát là tên là Phan Ất (có sách nói là Vi Ất), đêm thì chăm đọc sách ngày thì đánh cầu thổi sáo, đánh bạc làm vui, thường bị cha mắng là du đãng. Một đêm cha lẻn vào dòm buồng, thấy bên ngọn đèn tàn, sách vở la liệt, Đạo Hạnh ngồi dựa án ngủ gật, tay vẫn cầm sách, từ đấy biết con chăm học.”[4].  Sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam dẫn theo Văn khắc Hán nôm viết: “Bài minh có để dành phần nói về Đạo Hạnh. Tuổi nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kỳ vĩ. Khi tụng tập liên kinh tiếng ngọc vang sang sảng… Gặp khi đại hạn đốt ngón tay mà mưa xuống tràn trề… dân mắc dịch mang nước rảy mà dứt hết ốm đau. Việc chưa manh nha, đoán trước mà đúng như bùa phép”[5] và “Vì có chí lớn, nên đêm đến khổ công đèn sách. Rồi sau đó ứng thi khoá Bạch liên và trúng tuyển”[6]. Khi biết tin cha bị hại chết, ngài Đạo Hạnh quyết tâm đi học thành tài để trả thù cha thay vì dùng các phương pháp khác để rửa hận: “Cuối cùng Đạo Hạnh chọn con đường đi Tây Vực để học phép”[7]. Khi học về, ngài Đạo Hạnh lại ngày đêm tu luyện: “Đạo Hạnh đến núi Phật tích ở ẩn tại đây hằng ngày chuyên tụng chú Đại bi tâm Đà la ni đủ một vạn tám trăm biến”[8]. Đến khi phép tu luyện của ngài Đạo Hạnh đã hiệu nghiệm: “ném gậy xuống dòng nước chảy xiết mà gậy vẫn trôi ngược dòng”, ngài đến nhà Đại Điên phục thù cho cha, xong Ngài tiếp tục con được học đạo: “Trả thù xong, Đạo Hạnh mới bắt đầu đi tìm hiểu và xuất gia học thiền”. Qua các cứ liệu trên ta thấy phẩm chất đầu tiên của thiền sư chính là đức hiếu học. Học vấn đã nâng người trai xứ Đoài lên bậc danh tăng và cao hơn là một nhà văn hoá. Chính việc tu học với thầy với bạn và tự tu tự học đã giúp thiền sư đã bao gồm cả Nho, Phật, Lão. Nho học, ngài thực hiện báo hiếu cho cha, biết được địa lý phong thuỷ chọn núi Sài Sơn tu đạo, Phật ngài nắm được yếu chỉ, kinh kệ để thần thông giải thoát, Lão, ngài thành thánh của nhân dân. Ở con người Thiền sư là tiêu biểu cho tâm linh trí tuệ xứ Đoài hay rộng hơn là bản sắc tâm linh đa thần của người Việt. Bản sắc đó là tam giáo đồng nguyên trong tâm thức, trong lối sống để rồi thành nhà văn hoá của quê hương. Ngài dạy học, dẫn dắt tinh thần cho nhân dân, ngài thông hiểu y dược để chữa bệnh cứu người: “Đạo pháp ngày càng cao, khiến được các chim các thú đến đầy trước mặt để sai bảo. Dân ở quanh vùng ấy hễ có bệnh tật đến xin bùa ấn đều được khỏi luôn lấy đạo giúp người, mọi người đều được nhờ ơn”[9]. Như thế, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã biến ngôi chùa ngoài chức năng tôn giáo còn có chức năng là trung tâm y tế chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Đây là mô hình mà về sau rất nhiều các ngôi chùa Việt Nam đã áp dụng thành công, thầy chùa thầy thuốc, hái thuốc trị bệnh cứu người. Ngoài ra, thiền sư còn  sáng tác văn học nghệ thuật, các môn thể thao vui chơi giải trí cho nhân dân như đá cầu…. Có những môn nghệ thuật mà ngài được tôn làm tổ sư như trò múa rối nước: “Lúc ngộ được tâm ấn thiền sư trở về giáng đạo, dạy học, hái thuốc giúp dân, tổ chức giúp dân những trò chơi như đá cầu, đánh vật múa rối nước vv…bởi vậy chùa ngài tu gọi là chùa Thầy, núi ngài hoá là núi Thầy, làng ngài sống là làng Thầy”[10]. Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã truyền đạo hoằng pháp bằng chính cuộc đời của mình, ngài đã thực hiện hiện được pháp thí và vô uý thí của Đức Phật, nơi nào ngài đến nơi đó đựoc an vui. Đây đúng là tấm gương cho các thế hệ tăng Ni Việt Nam.

Ngoài phẩm chất hiếu học, thiền sư Từ Đạo Hạnh còn là người mạnh mẽ, con người hành động đầy dũng khí dấn thân. Lúc nhỏ luôn hiếu động vui chơi đánh cầu thổi sáo, kết bạn rộng rãi. Khi cha chết luôn nuôi chí phục thù, tìm cách tiếp cận, mai phục đối phương để tấn công báo thù cho cha. Khi chưa đủ quyền năng sức mạnh thì tìm bạn cùng vượt mọi xa xôi nguy nan hiểm trở quyết chí tìm sư học đạo nhằm đạt tới quyền năng. Khi về xong quyết thực hiện công phu tu tập thành tài: “ Đạo Hạnh lên tu luyện tại chùa Thiên phúc thuộc huyện Thạch Thất, Sơn Tây.  Trước chùa có hai cây thông cổ gọi là cây rồng. Đạo Hạnh hàng ngày trông vào cây đọc chú “Đại bi tâm Đà ni la” đọc tới ức vạn lần, cây thông rơi từng cành rồi cả hai cây đều mất hết”[11]. Khi công phu luyện tập đã có sức mạnh, Từ Đạo Hạnh không ngần ngại giao đấu trực diện với đối phương, giành thắng lợi phục thù cho cha: “Một buổi ra cầu An Quyết ở sông Tô Lịch, ném cái gậy xuống sông, gậy dựng đứng trên mặt nước chạy ngược dòng như bay, đến cầu Tây dương thì dừng lại, Đạo Hạnh mừng nói Phép của ta hơn hẳn Đại Điên rồi. Liền xông vào nhà Đại Điên… đánh chết Đại Điên, đem quẳng xác xuống sông Tô Lịch để trả thù trước”[12].       

Phẩm chất dấn thân dũng khí của thiền sư cũng bộc lộ rõ nét trong sự kiện Giác Hoàng được ghi nhận trong Thiền Uyển tập anh. Vì vua Lý Nhân Tông không có con nên muốn nhận Giác Hoàng một đứa trẻ lên ba ở Thanh Hoá,  thông minh khoẻ mạnh được quần thần đưa đến. Vua cùng quân thần bàn định  đưa đứa trẻ làm con của Lý Nhân Tông bằng phương thức thác thai. Khi biết tin này, ngài Đạo Hạnh cho là: “Thằng kia yêu dị, làm mê hoặc người lắm. Ta há nhẫn tâm, ngồi nhìn chẳng cứu, để nó làm loạn lòng người, phá rối chính pháp sao”[13]. Nhận định như vậy nên Từ Đạo Hạnh với lòng quả cảm, đầy bản lĩnh và dấn thân không chịu ngồi tụng kinh mũ ni che tai đã hành động ngăn chặn không để sự kiện ấy hoàn thành.           

Hành động đó của thiền sư Từ Đạo Hạnh đã tỏ rõ khí chất dũng cảm đương đầu của người con Phật từ bi trí dũng. Đứng trước nguy cơ chánh pháp bị phá rối đã kiên quyết hành động, đứng trước cảnh xã hội có thể suy hoại, lòng người rối loạn không yên, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã bất chấp hiểm nguy dấn thân cứu đời mà chấp nhận tù đầy hi sinh. Lê Mạnh Thát có dẫn theo cuốn Việt sử lược: “Vua sai mở một cuộc lùng kiếm lớn, bèn bắt được mấy viên ngọc trai do Từ Thị giấu. Nhà vua bèn cho bắt trói Lộ để ở hành lang Hưng Thánh, sắp ghép vào tội”. Sau đó Lê Mạnh Thát nhận định: “Vì phản ứng ấy Đạo Hạnh phải trả giá là bị bắt và có thể ghép vào tội chết, vì chống lại một công việc, mà triều đình đang tiến hành một cách nghiêm túc, trang trọng”[14]. Theo chúng tôi nhận định hoàn toàn có có sở sở, vì việc thác thai của Giác Hoàng không đơn thuần là ý muốn có con của một người bố mà thực chất đó là một cuộc chuẩn bị có tầm cỡ ảnh hưởng đến vương triều, chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực của Lý Nhân Tông. Do đó nếu không có sự dấn thân không quản nguy khốn thì không ai dám ngăn cản sự kiện này, bởi việc đó dễ mất mạng như chơi.

Khí phách hiên ngang dũng cảm bảo vệ đạo pháp, hi sinh cho đất nước  của thiền sư Từ Đạo Hạnh về sau được các danh sư Việt Nam đã noi gương và phát huy trong những lúc chánh pháp bị đe doạ, nhân dân lầm than đất nước loạn lạc. Nó khác hẳn với tư tưởng bi luỵ thoát tục hay tư tưởng mượn áo Phật để cầu an, nấp bóng thế quyền để cầu danh vọng lợi. Đức dũng cảm của Thiền sư còn thể hiện ở quan điểm về sống chết, sinh ra ở đời ai cũng ham sống sợ chết. Đứng trước sống chết mới tỏ rõ anh hùng dũng cảm, khi nhận lời giúp Sùng Hiền Hầu có con, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã thực hiện y lời không trốn tránh trách nhiệm. Được tin cấp báo vợ của của Sùng Hiền Hầu trở dạ, thiền sư Từ Đạo Hạnh đang sống yên bình trên núi đã cả quyết đi vào hang động viên tịch ung dung tự tại, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng nó khác xa với con người trần tục hoảng sợ van xin tham sống sợ chết hay quỵ luỵ van xin đánh đổi bất cứ giá trị gì để mong giữ được mạng sống.

III. THAY LỜI KẾT

Thiền sư đã đi qua 10 thế kỷ nay xin ngưỡng vọng về người chắc có chỗ không khỏi nông cạn. Ngưỡng vọng về Thiền sư một danh nhân văn hoá quê hương để có thêm xác quyết ai cũng có quê hương ở đó là sông là núi đồi đất đai cảnh vật để ta sinh tồn. Mỗi người là một cây đời có cội nguồn đó từ quê hương nơi cho chúng ta nguyên khí của đất, năng lượng của trời, nguồn gen của dòng họ, giống nòi tổ tiên dân tộc. Muốn có cây đời mãi mãi xanh tươi phải biết bảo vệ nâng niu gìn giữ môi trường, bảo vệ Tổ quốc. Gìn giữ quê hương để quê hương tươi đẹp cẩm tú mới có được văn nhân danh sĩ.  Hành hương về nơi đất Phật chiêm bái danh sư chúng ta cùng nhau ghi công thắp đuốc cùng học lấy phẩm chất của người con Phật: Bi, trí, dũng để giải thoát cuộc đời  và chèo thuyền trợ bến cho nhân quần thêm an lạc, đúc đức phát nguyện dẹp bỏ u mê xu nịnh, nhìn rõ bản lai diên mục giúp nước giúp dân noi gương các vị tiền nhân đất Việt. 

Hà Nội, tháng 3 năm 2012



[1] Thích Viên Thành. Danh thắng chùa Thầy. Sở Văn hoá thông tin Hà Tây. Tr.5.

[2] Lê Mạnh Thát. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập III, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002,tr.348.

[3] Đỗ Hoàng Tuấn. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1998. Nxb. Khoa học xã hội, tr.493.   

[4] Lý Tế Xuyên. Việt Điện u linh. NXB. Văn hoá  Hà Nội, 1960,tr72..

[5] Lê Mạnh Thát. Lịch sử  Phật giáo Việt Nam, tập III. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002,tr.412. 

[6] Lê Mạnh Thát. Sđ d,tr.351.

[7] Lê Mạnh Thát. Sđ d,tr.355.

[8]Lê Mạnh Thát. Sđ d,tr.356.

[9] Lý Tế Xuyên.  Sđd, tr. 79.

[10] Thượng toạ Thích Viên Thành. Sđd, tr.5.

[11] Lý Tế Xuyên. Sđd. tr.75.

[12] Lý Tế Xuyên. Sđd. tr.75

[13] Lê Mạnh Thát Sđd tr.345.

[14] Lê Mạnh Thát. Sđd, tr.374.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 209
    • Số lượt truy cập : 6948058